Nếu năm 1920 là năm hội được những tên tuổi tiêu biểu làm nên gương mặt thế hệ tiền chiến (tôi muốn dùng chữ “tiền chiến” để nói đến mùa gặt ngoạn mục đầu tiên của văn học Việt Nam hiện đại được khởi động từ thập niên đầu thế kỷ XX và đạt đến đỉnh cao trong giai đoạn 1930-1945 qua hai trào lưu lãng mạn và hiện thực cùng với trào lưu văn học cách mạng tồn tại trong bí mật) với đại diện là bốn tên tuổi lớn có cùng năm sinh là Tố Hữu, Tô Hoài, Chế Lan Viên và Nguyễn Xuân Sanh thì mở đầu thập niên 1920 sẽ là sự ra đời lần lượt những tên tuổi có sứ mệnh khai mở một thời đại mới – sản phẩm của Cách mạng Tháng Tám và kỷ nguyên Dân chủ - Cộng hòa. Đó là những tên tuổi như Quang Dũng (1921), Hoàng Cầm, Chu Văn (1922), Văn Cao (1923), Nguyễn Đình Thi (1924), Hoàng Trung Thông (1925), Trần Dần (1926)… Năm ngoái – 2023, cũng vào dịp này, chúng ta đã tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Văn Cao – một chân dung nghệ sĩ lớn; năm nay, chúng ta tiếp tục kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Nguyễn Đình Thi, cũng là một chân dung lớn.
Bởi đã có rất nhiều bài viết, công trình về sự nghiệp sáng tạo rất đa dạng và đặc sắc của Nguyễn Đình Thi, trong đó rất đáng chú ý là cuốn sách Nguyễn Đình Thi – Cuộc đời và sự nghiệp, 400 trang, khổ lớn 16x24cm, do NXB Hội Nhà văn và Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam ấn hành vào tháng 4 năm 2004, một năm sau lễ tang nhà văn, với 79 bài viết rất tâm huyết của nhiều tên tuổi lớn thuộc nhiều giới lãnh đạo và các lĩnh vực nghề nghiệp văn hóa, văn học, nghệ thuật… nên trong dịp này chúng tôi chỉ xin phép được thâu tóm và nói gọn về Nguyễn Đình Thi trong ba ý lớn, đó là: tài năng, tầm vóc và bản lĩnh.
Trước hết và hàng đầu phải là tài năng. Đối với Nguyễn Đình Thi, đó là một tài năng gần như bẩm sinh, ngay từ khi xuất hiện ở tuổi trên dưới 20. Tài năng gắn với tài hoa, nó là yêu cầu và là phẩm chất cần có hoặc nhất thiết phải có cho bất cứ ai muốn chọn con đường đi vào các lĩnh vực nghệ thuật.
Nói nghệ thuật là nói đến nhiều lĩnh vực gồm văn thơ, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, sân khấu, điện ảnh và với Nguyễn Đình Thi là nói đến không phải một mà là nhiều lĩnh vực nghệ thuật mà ông thực sự có đóng góp hoặc có vị trí ở hàng đầu. Đó là hệ quả của tài năng, một tài năng rất đa dạng gần như xuất hiện cùng lúc hoặc xen cài, khiến cho nói đến Nguyễn Đình Thi là nói đến nhiều danh xưng như nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ, kịch - tác giả, lý luận - phê bình… bên cạnh nhà hoạt động xã hội và nghề nghiệp có vị trí cao và thâm niên dài trong giới văn hóa, văn nghệ kể từ trước 1945 cho đến khi ông qua đời…
Một nghệ sĩ lớn, một nhà văn hóa lớn trên rất nhiều phương diện; và ở mỗi phương diện cần một khảo sát công phu với tư cách chuyên sâu mà những người bình thường không có tư cách chuyên gia như chúng tôi khó lòng ôm xuể.
*
Hãy bắt đầu từ bất cứ một lĩnh vực nghệ thuật nào đó, chẳng hạn âm nhạc. Đây là lĩnh vực Nguyễn Đình Thi sớm để lại tên tuổi, mặc dù với số lượng bài hát không nhiều. Có thể kể đến hai bài gần như không có thế hệ công dân Việt Nam nào từ 1945 đến nay không ai là không nhớ, không thuộc, đó là Diệt phát xít xứng đáng đặt bên cạnh Tiến quân ca (rồi trở thành Quốc ca) của Văn Cao và Người Hà Nội đứng bên Trường ca Sông Lô của Văn Cao và Du kích Sông Thao của Đỗ Nhuận – những cây trái, hoa quả đầu mùa của nền âm nhạc cách mạng, gắn bó rất nhuần nhuyễn, rất tài hoa ba phẩm chất: tự sự, trữ tình và anh hùng ca.
Chỉ với hai bài hát trên, Nguyễn Đình Thi xứng đáng đứng ở hàng đầu nền âm nhạc cách mạng – hiện đại Việt Nam thế kỷ XX. Điều đó được cắt nghĩa bởi tài năng và tầm vóc của tác giả.
Tiếp đến xin chuyển sang thơ và văn Nguyễn Đình Thi. Không giống âm nhạc chỉ có hai bài, với thơ và văn, đó là cả một lịch sử dài qua nhiều giai đoạn với những tên sách, tên bài đủ tầm vóc để ghi nhận những dấu ấn cá nhân và những chuyển động lớn của lịch sử.
Vốn là người sớm nhất hoặc duy nhất chủ trương làm “thơ không vần”, “thơ như lời nói thường”, rồi gây nên một cuộc tranh luận bất phân thắng bại trong Hội nghị tranh luận văn nghệ năm 1949. Thế mà ngay trong giai đoạn đầu của văn nghệ mới – văn nghệ kháng chiến, Nguyễn Đình Thi đã để lại nhiều bài, nhiều đoạn, nhiều câu in sâu trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc, không kém bất cứ một tên tuổi lớn nào trong nền thơ Việt Nam hiện đại.
Là người Hà Nội hoặc sống lâu năm ở Hà Nội, ai mà không xúc động với những câu thơ ghi đậm dấu ấn một thời điểm thiêng liêng – ngày toàn quốc kháng chiến ở Thủ đô:
“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.
Ai là người Việt Nam, dẫu ở nơi đâu trên dải đất chữ S này, mà không có chung niềm tự hào về đất nước qua những câu thơ thật ấm áp và hào sảng:
“Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
[…]
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Tình yêu đất nước quả là nét nổi bật trong thơ Nguyễn Đình Thi: “Ôi đất Việt yêu dấu ngàn năm” (Diệt phát xít). Càng đáng nói hơn khi tình yêu đó gắn bó rất hữu cơ với tình yêu con người.
“Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần”.
Không chỉ là tình yêu con người nói chung mà còn là tình yêu nam nữ. Đó là nét đặc sắc ở Nguyễn Đình Thi trong bối cảnh những ngày đầu sau Cách mạng, rồi chiến tranh khiến không ít nhà thơ e ngại hoặc trốn tránh. Có không ít những câu, những đoạn thơ về tình yêu rất đáng được nâng niu, trân trọng mà không kém phần tha thiết, quyến luyến:
“Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây”.
“Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”.
Có thể nói sau mùa gặt lớn ở phong trào Thơ mới, tình yêu trong thơ sau 1945 không hẳn đã bị từ chối hoặc quên lãng trong nhiều câu, nhiều bài của Nguyễn Đình Thi như Không nói, Về nhà, Nhớ, Chia tay trong đêm Hà Nội… Không ít câu thơ bạn đọc có thể tìm ra địa chỉ mà tác giả gửi gắm như:
“Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em”.
Hoặc:
“Em
Bóng nhỏ
Đường lầy”.
Có bài như bài Nhớ, tác giả còn ghi rõ ký hiệu tên người được tặng, như Tặng M.. Câu chuyện này ta sẽ còn cơ hội nói tiếp.
Trở lại với những bài và những tập thơ Nguyễn Đình Thi, bắt đầu từ tập Người chiến sĩ (1956), qua Dòng sông xanh (1974), Tia nắng (1983), Trong cát bụi (1992) đến Sóng reo (2001) – đó quả là một sự nghiệp lớn, đủ làm nên tầm vóc một chân dung thơ thế kỷ XX trong gắn nối hai giai đoạn trước và sau 1945. Còn cần kể thêm sự ra đời rất sớm trường ca Bài thơ Hắc Hải (1958) và truyện thơ Mẹ con đồng chí Chanh trước đó (1955) như là một khởi đầu rất ấn tượng mà những người kế tục sẽ là Tố Hữu, Thanh Tịnh, Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm…
Bên cạnh thơ là văn với Xung kích (1951) – Giải Nhì Giải thưởng văn nghệ Việt Nam 1951-1952, Bên bờ sông Lô (tập truyện ngắn, 1957) trong chống Pháp; Vào lửa (1966), Mặt trận trên cao (1967) trong chống Mĩ. Là người lãnh đạo ở vị trí cao nhất của giới văn hóa, văn nghệ và là một trí thức lớn, thế mà trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, Nguyễn Đình Thi vẫn có thể nhập cuộc với người lính trong tư cách một nhà văn quân đội có chức danh Chính trị viên phó một tiểu đoàn của Trung đoàn Thủ đô. Cùng với truyện ngắn và truyện vừa, Nguyễn Đình Thi còn dành ra hơn hai mươi năm để theo đuổi và hoàn thành hai tập tiểu thuyết Vỡ bờ (1962-1970), một bức tranh hoành tráng về cuộc đổi đời của dân tộc ở thời điểm tháng Tám 1945, để cùng với Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Công Hoan làm nên một mùa gặt văn xuôi bội thu trong mở đầu thập niên 1960…
Bên cạnh những thành tựu nổi bật trong thơ và văn, Nguyễn Đình Thi còn là cây bút lý luận, phê bình sâu sắc, với những bài viết rất sớm đăng trên hai tạp chí Tiên phong và Văn nghệ hồi đầu kháng chiến chống Pháp, có giá trị định hướng cho nền văn hóa, văn nghệ mới như Nhận đường, Thực tại với văn nghệ, Tìm nghĩa hiện thực mới, Xây dựng con người… Không kể trước 1945, trong tư cách một sinh viên Khoa Triết, Nguyễn Đình Thi đã có các công trình giới thiệu về Siêu hình học, Triết học Nietzsche, Triết học Descartes. Rất đáng kể và đáng nể là bài viết Sức sống của dân Việt trong ca dao và cổ tích để hưởng ứng hai phương châm “Dân tộc hóa” và “Đại chúng hóa” trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.
Các tiểu luận về văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi sau này được tập hợp và ấn hành trong hai tên sách: Mấy vấn đề văn học (1956) và Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ hiện nay (1957). Lớp người đọc thuộc thế hệ chúng tôi đã rất hào hứng đón nhận các bài viết của Nguyễn Đình Thi ngay từ khi ra mắt trên báo, như một chỉ dẫn cho nhận thức và hướng nghiệp của đời mình. Còn phải kể thêm cuốn sách thứ ba: Công việc của người viết tiểu thuyết (1964) như một đúc kết về tri thức và kinh nghiệm bên cạnh các hồi ký nghề nghiệp của Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài…
Ngoài các công trình đã được ấn hành như trên, còn phải kể đến những Báo cáo, Đề dẫn hoặc Tổng kết, những phát biểu của Nguyễn Đình Thi trong tư cách người lãnh đạo ở vị trí cao hoặc cao nhất của các tổ chức như Hội Văn hóa cứu quốc, Hội Văn hóa toàn quốc, Hội Văn nghệ, Hội Nhà văn qua các thời kỳ, kể từ sau 1945 cho đến hết thế kỷ XX, trong các chức trách như Chủ tịch hoặc Tổng Thư ký - ở vị trí thứ hai, sau Giáo sư - học giả Đặng Thai Mai.
Cuối cùng, với sân khấu, nói Nguyễn Đình Thi là nói một tác gia kịch bản không chỉ là “tài năng”, là “tầm vóc” mà còn là “bản lĩnh” với số lượng viết trên dưới 10 vở, trong đó có những vở chắc hẳn sẽ còn sống lâu với thời gian, dẫu khi ra đời không chỉ có số phận long đong gây nên những dư luận trái chiều mà còn là bị cấm đoán. Vở Con nai đen (1960), Thế Lữ dựng năm 1962, mới công diễn được vài buổi, do bị phê phán trong bài nói chuyện của đồng chí Trường Chinh tại Đại hội Văn nghệ lần thứ ba năm 1963 nên phải ngừng diễn. Vở Hoa và Ngần (1975), Dương Ngọc Đức đạo diễn, chỉ có được một đêm tổng duyệt. Vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan – thuộc số vở diễn tâm huyết nhất của Nguyễn Đình Thi viết năm 1980 – nhân kỷ niệm 600 năm Ngày sinh Nguyễn Trãi, chỉ mới được công diễn trong 9 buổi rồi phải ngừng. Vở Rừng trúc viết năm 1978, được truyền tay đọc trong giới nghề nghiệp, nhưng phải đến 1999, sau 21 năm mới được dàn dựng ở Nhà hát Tuổi trẻ, rồi được nhận Huy chương Vàng cho nhiều hạng mục. Cùng với Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng, vở Rừng trúc rồi sẽ được xếp vào Danh mục 100 tác phẩm sân khấu kinh điển của thế giới1.
Năm 1992, trong một bài trả lời phỏng vấn cho tờ Bông Trang, số 2 – tháng 10, của Hội Văn nghệ Sông Bé, Nguyễn Đình Thi có dịp trở lại sau nhiều chục năm, những tình huống ông có dịp trực tiếp đối thoại với các vị như Trường Chinh, Lê Đức Thọ để bảo vệ cho các ý tưởng và chính kiến của mình qua các vở Con nai đen và Nguyễn Trãi ở Đông Quan. Một đối thoại và tranh biện quả là rất hiếm được diễn ra hoặc có được diễn ra (như trường hợp Nguyễn Đình Thi) nhưng lại không được nói đến trong đời sống văn nghệ nước ta từ nửa sau những năm 1950 – khi diễn ra vụ án Nhân văn - Giai phẩm – đến nửa đầu những năm 1980 – trước khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới2.
*
Trở lên là tài năng và tài hoa Nguyễn Đình Thi qua tất cả những gì ông để lại. Tài năng gắn với tầm vóc và cao hơn là bản lĩnh. Nói bản lĩnh là nói về sự tự tin ở quan niệm và chính kiến của mình, ở những giá trị tinh thần chính mình tạo nên, chứ không nương dựa hoặc vay mượn của ai.
Qua đời ở tuổi 79, Nguyễn Đình Thi đã để lại một sự nghiệp đồ sộ trên nhiều lĩnh vực mà việc khai thác, khám phá cho hết các giá trị tiềm ẩn của nó, hẳn còn cần thêm nhiều thời gian bởi bên cạnh tác phẩm còn là tác giả, bên văn còn là người. Câu chuyện này, qua sách của Nguyễn Huy Thắng, ta được biết thêm. Ngoài những gì đã công bố, cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi chắc chắn còn không ít bí ẩn. Chính con trai ông – nhà văn Nguyễn Đình Chính đã biên soạn một cuốn sách có tên Nguyễn Đình Thi – bí mật cuộc đời (2008), hé lộ với bạn đọc một phần “góc khuất” của cuộc đời ông. Song, như người biên soạn cho biết, vẫn còn đó những bí ẩn chưa hoặc sẽ không bao giờ được công bố. Từ ý tưởng này, tôi tìm đến bài Người ta không thể làm gì với nước mắt của Việt Linh đăng trên Báo Người đô thị số 146 (tháng 3/2024), kèm hai bức ảnh đôi tình nhân quyến luyến bên nhau, để được biết kỹ hơn về mối tình “sét đánh” và xuyên thế kỷ giữa Nguyễn Đình Thi và nhà hoạt động xã hội, nữ ký giả Pháp nổi tiếng Madeleine Riffaud – người có cùng năm sinh 1924 với Nguyễn Đình Thi, kể từ cuộc gặp đầu tiên giữa hai người trong Liên hoan Thanh niên và sinh viên thế giới năm 1951 ở Berlin.
“Người ta không thể làm gì với nước mắt” – đó là câu của Bác Hồ nói với Madeleine khoảng năm 1956, khuyên nữ ký giả Pháp nên chia tay với người yêu, vì hoàn cảnh Việt Nam lúc ấy không cho phép. Và đây là đoạn kết của bài:
“Cùng nước mắt Madeleine quay về Pháp, dành hẳn một phòng trong căn hộ để lưu kỷ niệm, trong đó có bức ảnh Nguyễn Đình Thi phóng to. Nhớ người yêu, Madeleine còn dịch giới thiệu tiểu thuyết Mặt trận trên cao của Nguyễn Đình Thi năm 1968. Về phần mình, Thi đã viết nhiều thơ “Tặng M.”, trong đó có bài Nhớ nổi tiếng; đã trao cho con trai cặp tài liệu, dặn chỉ mở khi ông mất. Chiếc cặp mở sau ngày 18/4/2003 chứa ảnh chụp, những bài báo cắt dán và gần 1000 bức thư Madeleine gửi ông”.
Nếu Madeleine viết đến 1000 bức thư thì chắc chắn số thư Nguyễn Đình Thi gửi Madeleine cũng có thể là con số xấp xỉ hoặc không nhỏ, tất nhiên là bằng tiếng Pháp, một tiếng Pháp rất chuẩn, chúng tôi tin thế.
Chú thích:
1 Theo Nguyễn Huy Thắng: Sách Nguyễn Đình Thi: Ôi đất Việt yêu dấu ngàn năm; trong tủ sách Nhà văn của em, NXB Kim Đồng, 2011.
2 Bài được tổ chức theo lối hỏi - đáp giữa P.V và Nguyễn Đình Thi, thực hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4/1992. Bài không nói rõ Nguyễn Đình Thi đã xem lại chưa và có đồng ý cho đăng không.