Hát nói là lối hát phổ biến nhất hiện nay của nghệ thuật ca trù, di sản âm nhạc dân tộc đã được UNESCO ghi danh là di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào ngày 1 tháng 10 năm 2009. Ca trù là lối hát mang tính thính phòng, chứa đựng yếu tố hàn lâm, được coi là sự kết hợp đỉnh cao giữa thi ca và âm nhạc dân tộc.
Xưa kia ca trù từng là loại hình âm nhạc được sử dụng trong cung đình và được giới quý tộc, trí thức, những bậc học rộng hiểu nhiều trong xã hội yêu thích. Từ giữa thế kỷ XVIII trở về trước, lối hát hát cửa đền, cửa đình, cửa quyền đã tồn tại, cùng với đó là sự tồn tại của những khúc ca trù cổ như khúc Thét nhạc và một số bài độc điệu… của ca trù. Tuy nhiên, phải tới cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, ca trù mới thực sự có bước phát triển mạnh, phổ cập rộng rãi hơn khi xuất hiện hát nói với những cách tân mới mẻ trong sáng tác thơ ca. Một trong những tác giả tiên phong, được mệnh danh là “khai sinh” và hoàn thiện lối hát nói là nhà thơ Nguyễn Công Trứ.
1. Đôi nét về Nguyễn Công Trứ
Nguyễn Công Trứ quê gốc Hà Tĩnh, sinh năm 1778 tại Thái Bình, mất năm 1858 tại quê nhà Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh thời Nguyễn Công Trứ nổi tiếng học giỏi, thơ văn hay, con người khí phách. Dẫu vậy, ông lại gặp nhiều khó khăn trên con đường thi cử. Năm 41 tuổi ông mới thi đỗ Giải nguyên và làm quan dưới triều nhà Nguyễn. Tuy làm quan văn nhưng lại được giao cầm quân và giành nhiều thắng lợi. Ông là một nhà chính trị gặt hái được nhiều thành tựu. Sau khi Nguyễn Công Trứ mất, nhiều nơi đã lập đền thờ và danh tiếng ông còn được lưu truyền tới ngày nay.
Cuộc đời làm quan của Nguyễn Công Trứ nhiều thăng trầm, nhiều lần thăng chức, giáng chức. Những thăng trầm này được ông gửi gắm trong thơ ca, có một điều đặc biệt, dù ở hoàn cảnh nào thì thơ ông vẫn luôn giữ vững khí phách đấng nam nhi hết lòng vì dân, vì nước. Thông điệp này thể hiện trong nhiều bài thơ, nhiều câu thơ, chẳng hạn như 3 câu cuối bài thơ Làm cho tỏ mặt nam nhi: “Trong vũ trụ đã đành phận sự/ Phải có danh mà đối với núi sông/ Đi không chẳng lẽ về không?” (ý là đã sinh ra là đấng nam nhi, phải sống và cống hiến với đất nước cho xứng đáng với điều đó chứ không thể đến tay không về cõi hư không cũng chẳng có gì).
Nguyễn Công Trứ coi thơ ca như người bạn tâm giao để ông chia sẻ những suy nghĩ, cảm nhận, góc nhìn, những trăn trở, nỗi niềm. Sách Đại Nam liệt truyện nhắc đến Nguyễn Công Trứ là người “có tài khí, có tài làm văn, càng giỏi về quốc âm, làm ra thi ca rất nhiều, khí hào mại, phổ đầy ở trong âm luật”. Như vậy, Nguyễn Công Trứ không chỉ giỏi sáng tác thơ văn, am tường các thể thơ mà trong thơ của ông đã có tính nhạc.
Bên cạnh tinh thần thơ 7 chữ, nhiều thể loại thơ dân tộc cũng như những phá cách đã xuất hiện trong hát nói. Nhiều ý kiến cho rằng chính những cách tân mới mẻ trong sáng tác đã tạo cho văn học một thể thơ mới với tên gọi là hát nói. Trong khi đó, ở góc độ âm nhạc cũng tương tự, những xuất hiện mới mẻ không có trong những bài ca trù xuất hiện trước đó đã tạo nên một lối hát mới, một làn điệu mới trong ca trù, đó là hát nói.
Trong sự nghiệp sáng tác thơ ca, Nguyễn Công Trứ để lại cho đời 65 bài hát nói1. Với mong muốn tìm hiểu về những đóng góp của Nguyễn Công Trứ đối với ca trù nói chung, hát nói nói riêng, chúng tôi chọn ra 10 tác phẩm làm đối tượng tìm hiểu trong bài viết này. Trong đó, có bài đã và đang tồn tại như: Tràng An hoài cổ2, Tây Hồ hoài cổ3, Làm cho tỏ mặt nam nhi4, Trên vì nước dưới vì nhà; có bài hiện chỉ còn trên văn bản giấy như: Vịnh tì bà, Đồng tiền không quý, Vô cầu, Ngày xuân, Thú rượu thơ, Mượn rượu làm vui. Thông qua tìm hiểu này, chúng tôi mong muốn phần nào thấy được những dấu ấn trong sáng tạo nghệ thuật mà Nguyễn Công Trứ đã để lại cho ca trù nói riêng, di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói chung.
2. Bố cục hát nói chuẩn mực
Đối với đặc thù âm nhạc dân tộc nói chung, ca trù nói riêng, nhạc luôn có mối quan hệ mật thiết với thơ. Ở đó, bố cục các câu thơ luôn có vai trò quan trọng đối với sự định hình một tác phẩm âm nhạc. Nói cách khác, phần lời quyết định bố cục âm nhạc. Các nhà thơ không thể sáng tác thoải mái tự do mà thường sáng tác vẫn theo quy luật nhất định. Tác phẩm hát nói của Nguyễn Công Trứ có vị trí quan trọng trong việc định hình bố cục cơ bản của lối hát này trong ca trù. Qua các tác phẩm của ông, nghệ nhân ca trù đã đúc kết thành những bố cục và thuật ngữ sau: Đủ khổ, Dôi một khổ, Mưỡu tiền, Mưỡu hậu, Thiếu khổ, Dôi hai khổ, Dôi ba khổ, Dôi bốn khổ, Mưỡu tiền kép, Mưỡu hậu kép… Khảo sát 10 bài kể trên, chiếm đa số là các bài có bố cục Đủ khổ.
Đủ khổ là bố cục một bài hát nói chuẩn mực, bao gồm 11 câu thơ. Trong 11 câu thơ này, thường sẽ có bố cục 4 + 2 + 4 + 1. Ở đó, sau 4 câu thơ Nôm mở đầu sẽ tới 2 câu thơ chữ Hán (câu đối, vị trí câu số 5 và 6), sau đó lại tiếp tục 4 câu thơ Nôm, cuối cùng kết bài bằng một câu thơ 6 chữ (gọi tắt là câu 6).
Bài thơ Làm cho tỏ mặt nam nhi có bốn câu thơ mở đầu viết bằng chữ Nôm gồm: “Thông minh nhất nam tử/ Yếu vi thiên hạ kỳ/ Trót sinh ra thời phải có chi chi/ Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu”. Hai câu thơ tiếp theo, câu số 5 và 6, là thơ viết bằng chữ Hán: “Đố kỵ sá chi con tạo/ Nợ tang bồng quyết trả cho xong”. Bốn câu thơ tiếp theo bằng chữ Nôm: “Đã xông pha bút trận thì gắng gỏi kiếm cung/ Làm cho rõ tu mi nam tử/ Trong vũ trụ đã đành phận sự/ Phải có danh mà đối với núi sông”. Câu thơ cuối cùng trong bài hát nói là câu 6: “Đi không chẳng lẽ về không?”. Câu 6 này có vai trò như sự cô đọng nội dung bài thơ.
Tương tự, 11 câu thơ hát nói của bài Ngày xuân cũng được bố cục theo mô hình 4 + 2 + 4 + 1. Theo đó, 4 câu thơ đầu là: “Thảnh thơi thuở đông qua xuân đến/ Ngấn hàn băng từng phiến tan không/ Cỏ hoa muôn tía nghìn hồng/ Trên tiệc mở câu thơ cùng chén rượu”. Hai câu thơ chữ Hán của bài là: “Triều đình hữu đạo thanh xuân hảo/ Môn quán vô tư bạch nhật nhàn”. Bốn câu thơ Nôm tiếp theo là: “Dẫu là dân hay dẫu là quan/ Ai ai chẳng tế suy hành lạc/ Ngày chín chục thoi đưa bóng ác/ Cái hoàng oanh xáo xác trên cành”. Câu 6 kết bài: “Lơ thơ tơ liễu đương xanh”.
Đồng tiền không quý có 4 câu thơ mở đầu gồm: “Phàm kim chi nhân, duy tiền nhi dĩ/ Hết tiền tiêu tráng sĩ cũng nằm co/ Chẳng khôn ngoan, cũng chẳng thân sơ/ Có hơi kẽm tha hồ ngang ngửa”. Hai câu thơ chữ Hán là: “Toán lai thế sự kim năng ngữ/ Thuyết đáo nhân tình kiếm dục minh”. Bốn câu thơ tiếp theo là: “Dơ dáng thay những mặt tài tình/ Co quắp lắm cũng ra hình thủ lỗ/ Nghìn vàng hết, hết rồi lại có/ Chữ bất nhân tạc đó không mòn”. Câu 6 – câu cuối cùng chứa thông điệp nội dung toàn bài: “Ai ơi, giữ lấy lòng son”.
Trong khi đó, bài Trên vì nước dưới vì nhà, bên cạnh hai câu thơ chữ Hán trong bài là: “Cũng rắp điền viên vui thú vị/ Trót đem thân thế hẹn tang bồng” vẫn xuất hiện ở vị trí câu số 5 và 6; đồng thời, câu 6: “Nghìn thu một tiếng công hầu” ở vị trí kết bài thì ngay câu thơ đầu tiên của tác phẩm đã xuất hiện thơ chữ Hán. Cụ thể: “Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái”. Câu thơ có nghĩa là cung tên là nợ của kẻ làm trai, để ngay sau đó tiếp nối vào 3 câu thơ khổ thơ đầu tiên viết theo chữ Nôm: “Cái công danh là cái nợ nần/ Nặng nề thay hai chữ “quân thân”/ Đạo vi tử, vi thần đâu có nhẹ”.
Tương tự, thơ chữ Hán xuất hiện ở ngay câu đầu tiên của bài Đồng tiền không quý. Cụ thể, câu thơ này là: “Phàm kim chi nhân, duy tiền nhi dĩ” (Phàm là người đời nay, chỉ tiền mà thôi). Sau câu đầu, nối tiếp mạch nội dung vào những câu thơ Nôm tiếp theo: “Hết tiền tiêu tráng sĩ cũng nằm co/ Chẳng khôn ngoan, cũng chẳng thân sơ/ Có hơi kẽm tha hồ ngang ngửa”. Theo trình tự, tiếp đến là hai câu thơ chữ Hán xuất hiện: “Toán lai thế sự kim năng ngữ/ Thuyết đáo nhân tình kiếm dục minh”. Bốn câu tiếp theo là thơ Nôm, kết bài là câu 6.
Như vậy, chỉ nhìn vào bố cục Đủ khổ chuẩn mực cũng có những điểm chung và những thay đổi trong bút pháp sáng tác của tác giả. Không chỉ có vậy, để truyền tải đầy đủ, hết ý nội dung cần truyền đạt, Nguyễn Công Trứ còn vận dụng sáng tạo nhiều thủ pháp khác, qua đó, có thêm những “biến thể” so với bố cục chuẩn.
3. Mở rộng và sáng tạo bố cục hát nói của Nguyễn Công Trứ
Trong trường hợp bố cục 11 câu của Đủ khổ chưa truyền tải hết ý tác giả muốn diễn đạt, có thể mở rộng thêm một khổ (4 câu), lúc này tác phẩm sẽ có bố cục Dôi một khổ, có nghĩa là 11 + 4. Bài ở dạng bố cục Dôi một khổ, bên cạnh hai câu thơ chữ Hán ở vị trí số 5 và 6 sẽ có thêm 2 câu thơ chữ Hán, thường sẽ nằm ở vị trí câu số 9 và 10. Ngoài ra, các câu thơ trong bài chủ yếu là chữ Nôm, kết vẫn là câu 6.
Trường hợp đã mở rộng thêm một khổ vẫn chưa hết ý, tác giả có thể thêm hai hoặc ba khổ, lúc này bố cục có tên gọi là Dôi hai khổ, Dôi ba khổ. Bố cục Dôi một khổ, Dôi hai khổ… chỉ được tính với những câu thơ nằm trong phần hát nói. Trong sáng tác, Nguyễn Công Trứ vận dụng khá nhiều tác phẩm ở dạng bố cục Dôi một khổ. Ba trong số những tác phẩm hát nói hay nhất của ông có bố cục này, đó là Tây Hồ hoài cổ, Tràng An hoài cổ và Vịnh tì bà.
Phần hát nói trong Tây Hồ hoài cổ có 15 câu thơ (tức là 11 + 4). Ở đó, câu thơ số 5 và 6 viết bằng chữ Hán: “Chiếc cô vụ, mảnh lạc hà bát ngát/ Hỏi năm nao vũ quán điếu đài”. Câu thơ này có đại ý là cánh cò lẻ bóng giữa không gian bát ngát/ Nhớ lại cảnh năm xưa quán múa hát (vũ quán) và đài câu cá (điếu đài) của chúa Trịnh xây trên Hồ Tây bây giờ còn đâu. Ngoài ra, bài này có thêm hai câu thơ chữ Hán ở vị trí câu số 9 và 10 là: “Yên tiêu Nam quốc mĩ nhân tận/ Oán nhập đông phong phương thảo đa”. Câu thơ này có nghĩa là: Hương tàn người đẹp phương Nam hết/ Buồn thấy gió đông thổi vào cỏ thơm nhiều.
Quy định 11 câu thơ và 11 + 4 câu thơ hay nhiều hơn giúp các kép đàn, đào nương dễ nhận biết bố cục, từ đó sẽ trình bày đúng ý. Thực tế, nhiều bài có hơn 11 câu thơ nhưng vẫn chỉ được tính là Dôi một khổ. Bài Vô cầu sau 11 câu thơ của Đủ khổ lại xuất hiện hai câu thơ lục bát. Hai câu thơ này xuất hiện trước câu 6 cuối bài. Cụ thể, hai câu lục bát là: “Thảnh thơi thơ túi rượu bầu/ Trần ai ai biết công hầu là ai”, câu 6 cuối bài là: “Bao giờ rõ mặt mới hay”. Bố cục này còn xuất hiện trong bài Mượn rượu làm vui. Hai câu thơ luc bát cộng thêm câu 6 cuối bài ở bài này là: “Bên tai gác tiếng thị phi/ Màn trời chiếu đất dầu khi ngang tàng/ Mơ màng trong cõi tuý hương”.
Có bài, phần hát nói, đã Dôi một khổ (11 + 4) nhưng vẫn có thêm những câu lục bát ở cuối bài. Bài Thú rượu thơ, hai câu lục bát và câu 6 cuối cùng của bài là: “Hành tàng bất nhị kỳ quan/ Cõi đời mở mặt, giang san thái hoà/ Còn xuân mai lại còn hoa”. Trong khi đó, vẫn bố cục Dôi một khổ có thêm câu lục bát nhưng thay vì xuất hiện ở cuối bài, câu lục bát lại ở ngay đầu bài. Chẳng hạn như: “Não nùng một khúc tì bà/ Giang Châu tư mã ai là tri âm” là hai câu lục bát mở đầu bài Vịnh tì bà; “Dập dìu trăng mạn gió lèo/ Lỏng ngâm vân thuỷ lơi chèo yên ba” là hai câu lục bát mở đầu bài Tây Hồ hoài cổ; trong khi bài Tràng An hoài cổ có hai câu lục bát mở đầu là: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không lịch sự cũng người Tràng An”…
Như đã nói, những câu lục bát xuất hiện trước hoặc sau những câu thơ hát nói chính thức của bài không được tính vào phần hát nói là bởi nguyên tắc bố cục. Mặt khác, những câu thơ này là một thành tố khác tạo nên sự phong phú trong bố cục một bài ca trù ở thể cách hát nói. Trong ca trù, những câu này được gọi là mưỡu hoặc hát mưỡu. Đây là lối hát mang tính ngâm ngợi, chỉ dùng thơ lục bát. Nếu trong một bài thơ xuất hiện hai câu lục bát thì gọi là mưỡu đơn, 4 câu gọi là mưỡu kép. Mưỡu chỉ xuất hiện ở một trong hai vị trí mở đầu hoặc kết thúc bài hát nói. Nếu mưỡu xuất hiện ở đầu bài gọi là mưỡu tiền, ở cuối bài là mưỡu hậu. Dựa vào quy ước này, một số bài của Nguyễn Công Trứ sử dụng mưỡu có bố cục như sau: Đủ khổ mưỡu hậu gồm các bài Vô cầu và Mượn rượu làm vui. Dôi một khổ mưỡu hậu có Thú rượu thơ. Dôi một khổ mưỡu tiền có 3 bài gồm: Tràng An hoài cổ, Tây Hồ hoài cổ, Vịnh tì bà.
Phần mưỡu còn quy định khác, khá cởi mở. Chẳng hạn, tác giả có thể tự sáng tác, cũng có thể lấy từ ca dao, tục ngữ, từ thơ cổ nhân nhưng các câu thơ phải liên kết được với những câu thơ còn lại trong bài về mặt nội dung. Không những thế, nội dung thơ phần mưỡu còn phải toát lên một cách khái quát về nội dung toàn bài hát nói. Quy định “mở” còn xuất hiện trong chính những câu thơ hát nói. Tác giả có thể tự sáng tác hoặc được phép khai thác y nguyên câu thơ, ý thơ chữ Hán của cổ nhân, miễn sao phù hợp. Chẳng hạn hai câu thơ chữ Hán ở vị trí câu số 9 và 10 trong bài Tây Hồ hoài cổ được Nguyễn Công Trứ khai thác y nguyên từ hai câu thơ nằm trong bài thơ Kinh Dượng Đế hành cung của Lưu Thương đời Đường. Việc khai thác thơ ca dân gian, thơ của tác giả khác trong phần hát mưỡu hay thơ chữ Hán của cổ nhân tạo thêm sự phong phú cho những bài hát nói; đồng thời, tạo nên sự kết nối tâm hồn, thi ca giữa tác giả với các bậc tiền nhân.
4. Lời kết
Nhìn vào 10 tác phẩm hát nói của Nguyễn Công Trứ được đề cập trong bài viết, chiếm đa số là các bài Đủ khổ. Cụ thể, có 4 bài Đủ khổ gồm: Ngày xuân, Đồng tiền không quý, Trên vì nước dưới vì nhà và Làm cho tỏ mặt nam nhi. Tiếp theo là Dôi một khổ mưỡu tiền có 3 bài, gồm: Tràng An hoài cổ, Tây Hồ hoài cổ, Vịnh tì bà. Có hai bài Đủ khổ mưỡu hậu: Vô cầu và Mượn rượu làm vui. Bài còn lại là Thú rượu thơ có bố cục Dôi một khổ mưỡu hậu.
Trên thực tế, Nguyễn Công Trứ là người có công lớn trong việc sáng tạo và định hình bố cục thể cách hát nói cho nghệ thuật ca trù bởi lẽ, trước ông, hát nói chưa xuất hiện trên văn đàn cũng như trong ca trù. Dựa vào bố cục này, những tác giả xuất hiện sau ông tiếp tục sáng tác nhiều bài hát nói. Trong đó, những bài kiểu bố cục Đủ khổ và Mưỡu tiền được khai thác phổ biến. Các bố cục như Thiếu khổ, Dôi hai khổ, Dôi ba khổ, Dôi bốn khổ không nhiều bằng. Đặc biệt, rất ít tác giả khai thác Mưỡu hậu. Vì thế, dạng bài hát nói có mưỡu hậu dường như vẫn là một “đặc sản” trong ca trù của Nguyễn Công Trứ.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không có điều kiện tìm hiểu sâu về những sáng tạo mới mẻ trong sáng tác thơ ca, những cách tân đáng kể trong quá trình sáng tạo thể thơ hát nói của Nguyễn Công Trứ. Tuy nhiên, chỉ với hàm lượng nội dung được đề cập thiên về âm nhạc trong bài cũng cho thấy những đóng góp to lớn của Nguyễn Công Trứ. Ông xứng đáng là một nhà thơ lớn của dân tộc cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX; đồng thời là một tác gia lớn của nghệ thuật ca trù. Dẫu thế, trong tổng số 65 bài hát nói của Nguyễn Công Trứ được lưu lại trong sách Việt Nam ca trù biên khảo chỉ khoảng 2/10 số bài còn vang lên bằng âm nhạc. Những bài này hiện hữu thông qua các băng ghi âm tiếng hát của cố Nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ. Ngoài ra, có hai bài mới được Giáo phường Ca trù Thăng Long phục hồi trong khoảng từ năm 2010 trở lại đây5 . Số còn lại chỉ còn tồn tại dưới dạng văn bản hoặc có thể xuất hiện đâu đó trong nhân gian mà chúng tôi chưa biết tới.
Xuất phát từ mong muốn ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của Nguyễn Công Trứ vào sự sáng tạo tiếp nối của nghệ thuật ca trù, di sản quý của đất nước; đồng thời cũng là để ca trù có thêm nhiều bài giá trị cả về mặt lịch sử cũng như nghệ thuật, Giáo phường Ca trù Thăng Long cùng sự hợp tác của tác giả bài viết đã thực hiện dự án phục hồi và phát huy một số bài ca trù thể cách hát nói của Nguyễn Công Trứ. Dự án được thực hiện trong thời gian hơn một năm, từ đầu năm 2022, toàn bộ 10 tác phẩm được công bố trong năm 2023. Dẫu vậy, dự án sau khi hoàn thành cũng chỉ giúp chúng ta thấy thêm được phần nào vị trí của Nguyễn Công Trứ đối với thơ ca và âm nhạc dân tộc.
Chú thích:
* Bài viết có tiếp thu sự tư vấn về chuyên môn của NSƯT Nguyễn Văn Khuê – Chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Thái Hà.
1 Ðỗ Bằng Ðoàn - Ðỗ Trọng Huề (1962), Việt Nam ca trù biên khảo, NXB Sài Gòn.
2 Tràng An hoài cổ là tên được nghệ thuật ca trù gọi, bài thơ của Nguyễn Công Trứ còn có tên là Trường An hoài cổ.
3 Còn có tên gọi khác là Vịnh Hồ Tây.
4 Còn có tên gọi khác là Chí nam nhi.
5 Tây Hồ hoài cổ và Trên vì nước dưới vì nhà.