Giá trị (value) là tính chất của một đối tượng được con người đánh giá là hữu ích, tích cực, cần thiết, phù hợp với cuộc sống của cá nhân và cộng đồng, được con người hướng tới để nhận thức, chiếm lĩnh. Nó vừa mang tính khách quan vừa mang tính chủ quan: tính khách quan thể hiện ở tính chất vốn có của đối tượng nhưng nhận thức về nó lại tùy thuộc vào cách đánh giá chủ quan của cá nhân, của dân tộc và thời đại. Vì vậy, việc xác định hệ giá trị (value System) trong văn hóa, văn nghệ bao giờ cũng mang tính lịch sử, nó biến đổi không ngừng trong tiến trình lịch sử dân tộc và nhân loại; có những giá trị cốt lõi được bảo tồn và có những giá trị mới được khám phá. Điều đó cũng diễn ra khá sinh động, đa dạng trong lịch sử lý luận nghệ thuật phương Tây từ thời kỳ Hy Lạp - La Mã cổ đại đến thời kỳ Trung cổ, thời Phục hưng, từ thời kỳ Khai sáng đến thời cận đại, hiện đại. Nhìn lại quan niệm về hệ giá trị qua tiến trình lịch sử nghệ thuật nhân loại là những dữ liệu cần thiết để chúng ta xây dựng hệ giá trị văn nghệ nước ta trong giai đoạn hiện nay.
1. Thời kỳ Hy Lạp - La Mã cổ đại
Mặc dù giá trị học (axiology) mới xuất hiện và được thừa nhận từ cuối thế kỷ XIX nhưng mối quan tâm và nhận thức về giá trị của sự vật, hiện tượng nói chung và nghệ thuật nói riêng đã có từ thời cổ đại.
Nhà thơ Hy Lạp cổ đại Hesiod (750-650 TCN) cho rằng thơ có giá trị giáo dục, định hướng đạo đức, đồng thời thơ có khả năng mang lại thú vui và khoái cảm cho con người. Nhà viết kịch Euripides (khoảng 480-406 TCN) cũng khẳng định các nhà thơ phải được ngưỡng mộ vì họ có khả năng giáo dục con người trở nên tốt đẹp hơn. Platon (khoảng 428-347 TCN) đặc biệt nhấn mạnh giá trị giáo dục của nghệ thuật trong việc hình thành tính cách tốt đẹp và tinh thần công dân. Aristotle (384-322 TCN), người chủ trương thuyết “mô phỏng/ bắt chước (mimesis), chỉ ra rằng nghệ thuật “mô phỏng” hiện thực, hoạt động đó có giá trị nhận thức, giá trị tâm lý, đạo đức và xã hội. Thông qua bi kịch, Aristotle khẳng định nghệ thuật giáo dục đạo đức cho con người nhờ quá trình “thanh lọc” (catharsis) tâm hồn. Từ tình huống bi kịch, nghệ thuật khơi gợi cảm xúc mạnh mẽ về sự sám hối, về sự cảm thương và từ đó giúp thanh lọc tâm hồn con người. Hơn thế nữa, nếu hoạt động nghệ thuật được gắn với đức hạnh, tức là phù hợp với các quy luật thiêng liêng của trật tự đạo đức và chính trị, nghệ thuật sẽ góp phần vào sự thịnh vượng của thành bang.
Đối lập với những quan niệm trên, Aristarchus xứ Samothrace (khoảng 220-143 TCN) lại cho rằng văn chương có giá trị chủ yếu vì niềm vui mà chúng mang lại chứ không phải vì giá trị nhận thức chân lý. Hơn một trăm năm sau đó, Horace (65-8 TCN) có quan điểm toàn diện hơn khi ông cho rằng tác phẩm nghệ thuật “là để giúp ích, để giải trí […], vừa làm vui lòng người khác vừa đưa ra những bài học cuộc sống”1. Trong bức thư gửi Augustus, ông nói về hai mục đích của thơ ca là giáo dục con người và xoa dịu cơn giận dữ của các vị thần. Các nhà thơ là những người khai hóa đầu tiên của nhân loại, những người dạy con người phân biệt thiện ác, thiết lập luật lệ và tôn thờ các vị thần.
Plotinus (khoảng 205-270) – người sáng lập trường phái tân Platon đã nhấn mạnh giá trị nhận thức và thẩm mĩ của nghệ thuật dựa trên những hàm ý siêu hình của nghệ thuật. Đối với chủ nghĩa tân Platon, nghệ thuật là một hoạt động nhận thức, có lợi ích và thậm chí là thiêng liêng. Từ nguyên lý tạo ra cái đẹp tự thân và gần với Đấng Nhất Thể, nghệ thuật có thể cung cấp một cái nhìn sâu sắc về mặt tinh thần, mặc dù không hoàn hảo. Nó cải thiện tự nhiên và mang ý nghĩa tinh thần thông qua con đường đến Đấng Nhất Thể từ tầm nhìn bên trong và sự lột bỏ bản ngã một cách huyền bí.
2. Từ thời kỳ Trung cổ đến thời kỳ Phục hưng
Thời kỳ Trung cổ, với sự thống trị của tôn giáo và sự lên ngôi quyền lực của Giáo hội, rất coi trọng giá trị giáo dục đạo đức và tôn giáo của nghệ thuật. Trong tác phẩm Tự bạch, Augustine (354-430) kể về những cảm xúc phù phiếm của tâm hồn khi ông xem các bi kịch hoặc đọc các bài thơ sử thi của Homer và Virgil. Đối với Augustine, tất cả các tác phẩm ngoài Kinh Thánh và tác phẩm thần học đều có thể dẫn dắt tâm hồn con người đi lạc. Augustine cũng hạ thấp giá trị của các tác phẩm văn học khi so sánh với lời của Chúa và coi chúng là hư cấu vô ích. Tuy nhiên, Augustine không lên án hư cấu là dối trá vì cho rằng tác phẩm văn học cũng chứa đựng một loại sự thật cụ thể gắn liền với ngụ ngôn, tức là giá trị nhận thức gắn liền với giá trị đạo đức. Bên cạnh đó, thông qua vấn đề ngôn ngữ tượng trưng và cách diễn giải Kinh Thánh, Augustine nhận ra giá trị khoái cảm của văn học; ông cho rằng việc diễn giải biểu tượng tạo nên sự thích thú vì việc tìm ra những điều ẩn giấu là niềm vui của con người.
Các nhà phê bình thời Trung cổ quan tâm đến các phương thức nghệ thuật khác nhau (thể loại, hình tượng, kỹ thuật) mà Kinh Thánh sử dụng để thực hiện chức năng công cụ hợp pháp của giáo lý tôn giáo. Đề cao cách diễn giải văn chương theo lối ngụ ngôn, các nhà kinh viện thời Trung cổ tin rằng nghệ thuật là tri thức, ẩn giấu ý nghĩa siêu phàm của Chúa như các giáo lý về đạo đức hoặc vũ trụ học. Theo Bonaventure (1221-1274), Kinh Thánh có nhiều ý nghĩa để có thể chinh phục mọi tâm trí, đạt đến trình độ của mọi tâm trí, vượt lên trên mọi tâm trí, soi sáng và đốt cháy bằng nhiều tia sáng của nó mọi tâm trí siêng năng tìm kiếm nó. Còn Thomas Aquinas (khoảng 1225-1274), nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất của trường phái Kinh viện, đã đề cập đến giá trị thẩm mĩ của nghệ thuật gắn liền với đức hạnh, cái đẹp đồng nhất với cái thiện: “Mặc dù cái đẹp và cái thiện giống nhau về chủ thể, vì cả độ sáng và sự hài hòa đều được chứa trong định nghĩa về cái thiện, nhưng chúng khác nhau về lý do […] bởi vì cái đẹp thêm vào cái thiện một trật tự nhất định đối với năng lực nhận thức, do đó cái thiện làm thỏa mãn khát vọng mà không có sự hạn chế, còn cái đẹp làm thỏa mãn sự hiểu biết”2.
Các phương pháp phê bình nghệ thuật dần bị thế tục hóa và được sử dụng bên ngoài phạm vi thần học, tiêu biểu là tư tưởng nhân văn phát triển sau thế kỷ XIII. Dante Alighieri (1265-1321) là một nhân vật chủ chốt trong sự dịch chuyển này. Khi nói đến kết thúc của thơ ca, Dante Alighieri đề cập đến giá trị khoái cảm và giáo dục của thơ ca. Ông kết luận mục đích của thơ ca là đưa những người đang sống trong cuộc đời này thoát khỏi tình trạng đau khổ và dẫn họ đến trạng thái hạnh phúc. Thơ ca mang lại niềm vui và sự chỉ dẫn, niềm vui không chỉ đến từ cái đẹp mà còn từ cái thiện trong tác phẩm, bản thân sự tốt đẹp đã là niềm vui. Khẳng định mối quan hệ giữa thơ ca và thần học, Giovani Boccaccio (1313-1375) nhấn mạnh giá trị giáo dục của văn học vì thơ ca có thể dạy con người sự khôn ngoan và đức hạnh. Bên cạnh đó, ông bảo vệ giá trị nhận thức của văn chương khi cho rằng việc sáng tác hư cấu là vai trò xã hội được thừa nhận của các nhà thơ. Theo cách này, ông ca ngợi việc sử dụng các ý nghĩa ẩn dụ như một cách hấp dẫn và dễ nhớ để trình bày chân lý, cho phép mọi người, từ người khôn ngoan, kẻ ngốc đến trẻ em tìm ra bất kỳ ý nghĩa nào mà họ có thể lĩnh hội.
Thời Phục hưng được xem là thời đại của chủ nghĩa nhân văn có niềm tin mới vào sức mạnh của lý trí con người như một công cụ để đạt đến chân lý hoàn toàn tách biệt khỏi quyền lực của tôn giáo. Lý trí và giá trị trí tuệ trong nghệ thuật cũng được nhấn mạnh khi Leonardo da Vinci (1452-1519) và Albrecht Dürer (1471-1528) cứu hội họa khỏi sự giáng cấp xuống lĩnh vực nghệ thuật thủ công bằng cách nhấn mạnh giá trị tinh thần và biểu tượng của hội họa. Những lời biện hộ của các nhà nhân văn Ý nhấn mạnh vai trò của nghệ thuật trong giáo dục con người. Họ cho rằng nghệ thuật mang sức mạnh văn minh, giáo dục tính cách, phẩm chất tốt đẹp cho con người. Julius Caesar Scaliger (1484-1558), đại diện cho khuynh hướng tân cổ điển trong tư tưởng Phục hưng, cũng quan tâm đến sức mạnh của văn chương trong việc giáo dục đạo đức. Ông coi thơ ca là một loại diễn thuyết, một loại hùng biện; thông qua sáng tạo nghệ thuật, nhà thơ có thể định hướng tinh thần cho con người. Như vậy, cùng với hùng biện, lịch sử và triết học, nghệ thuật đóng vai trò như một phương pháp học tập, một phương tiện nhằm mục đích tái hiện nền văn hóa đã mất của thời cổ đại.
Tư tưởng về sự đúng mực (decorum) là giá trị quan trọng của nghệ thuật thời Phục hưng, các tác phẩm được đánh giá theo các khuôn mẫu xã hội và đạo đức. Tuy nhiên, sự đúng mực cũng có thể là một nguyên tắc đề cao giá trị thẩm mĩ của nghệ thuật. Theo Guarino Veronese (1374-1460), tác phẩm nghệ thuật cần phải được đánh giá không phải theo tiêu chuẩn đạo đức mà theo tiêu chuẩn thẩm mĩ. Còn Lodovico Castelvetro (1505-1571) tin rằng mục đích của thơ ca không phải là giáo dục hay chỉ dẫn mà chủ yếu mang lại niềm vui và hứng thú cho con người: “Thơ ca được phát minh ra với mục đích duy nhất là mang lại niềm vui và sự giải trí […] cho tâm hồn của đông đảo đại chúng”3.
3. Từ thời kỳ Phục hưng đến thời kỳ Khai sáng
Bàn về mục đích của thơ ca, Philip Sidney (1554-1586) nhấn mạnh giá trị giáo dục của văn chương, cho rằng văn chương phải giáo dục hành động có đức hạnh trong phạm vi chính trị hoặc đạo đức thông qua con đường mở rộng tâm trí con người và cải thiện các tư tưởng. Tin tưởng vào sức mạnh lay động của văn chương, Sidney cho rằng thơ ca khuấy động cảm xúc của người đọc và thúc đẩy họ hành động trong thực tế thông qua khả năng thuyết phục của nghệ sĩ. Đồng thời Sidney cũng chú ý đến giá trị nhận thức của văn chương khi đánh giá tất cả các khoa học đều phụ thuộc vào tự nhiên nhưng thơ ca là một hoạt động cao hơn khoa học. Thơ ca trình bày một “thế giới vàng”, một thế giới lý tưởng làm nổi bật tiềm năng của thế giới thực. Đối với Sidney, thơ ca là một bài tập về khả năng sáng tạo tự do, trong đó nhà thơ vượt qua những giới hạn của cuộc sống thực nhưng vẫn thành công bằng cách hư cấu để đưa ra sự mặc khải thú vị và đầy cảm hứng về chân lý lý tưởng và phổ quát. Sidney cũng khẳng định khoái cảm là một giá trị chính của văn chương, đó không chỉ là khoái cảm thẩm mĩ mà còn là khoái cảm về trí tuệ và đạo đức.
John Dryden (1631-1700) được đánh giá là nhà phê bình có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XVII. Trong tác phẩm Tiểu luận về thi pháp kịch (1668), ông định nghĩa kịch là “một hình ảnh đích đáng và sống động về bản chất con người, thể hiện những đam mê và khí chất con người, những thay đổi của vận mệnh mà con người là chủ thể, để làm vui thích và chỉ dẫn nhân loại”4. Bàn về hai giá trị khoái cảm và giáo dục của nghệ thuật, Dryden cho rằng mục đích chính của nhà thơ là tạo ra sự hài lòng, vì danh tiếng trực tiếp của anh ta phụ thuộc vào nó. Tiếp đến, mục đích thứ hai của nhà thơ là chỉ dẫn, được thực hiện bằng cách biến niềm vui thành phương tiện của sự chỉ dẫn đó, vì thơ là một nghệ thuật và mọi nghệ thuật đều được tạo ra để mang lại lợi ích. Tuy nhiên, vào những năm cuối đời, trong tác phẩm Một bài diễn thuyết về nguồn gốc và sự tiến triển của trào phúng (1693), Dryden lại cho rằng khoái lạc chỉ là giá trị thứ yếu của thơ ca, nó chỉ là phương tiện để đạt đến mục đích thực sự là giáo dục.
Các lý thuyết của các đại diện chủ nghĩa kinh nghiệm tiêu biểu gồm John Locke (1632-1704), Joseph Addison (1672-1719), David Hume (1711-1776), Edmund Burke (1729-1797)… quan tâm trước hết đến những cảm xúc được đánh thức ở người tiếp nhận. Các nhà phê bình theo chủ nghĩa kinh nghiệm đặt nguồn gốc của cảm xúc thẩm mĩ vào trí tưởng tượng chứ không phải vào sự phán đoán của độc giả. Họ không quan tâm đến giá trị đạo đức của nghệ thuật trong khi lý giải niềm vui mang ý nghĩa sâu sắc do nghệ thuật tạo ra. Addison khẳng định rằng những thú vui thẩm mĩ không có bất kỳ giá trị nhận thức nào. Mục đích chính của văn học đối với các nhà phê bình kinh nghiệm là để tạo ra sự hứng thú và hài lòng. Shaftesbury (1671-1713) nói về sự tinh tế của “ý thức đạo đức” trong nghệ thuật. Ý thức này khác biệt với phán đoán hoặc tri thức: đó là vấn đề về cảm xúc, về cảm giác, được cho là đạo đức trong chính bản thân nó. Văn học, nghệ thuật có thể giáo dục đạo đức của con người nhưng bằng cách tác động vào cảm xúc chứ không phải vào phán đoán.
4. Thời kỳ cận - hiện đại
Trong thời kỳ cận đại, nghệ thuật phát triển mạnh và có vị thế cao chưa từng có. Những giá trị to lớn của nghệ thuật càng được phát hiện và khẳng định. Nhà thơ, nhà soạn kịch Friedrich Schiller (1759-1805) khẳng định nghệ thuật có thể truyền cảm hứng cho sự giác ngộ chính trị. Nhà phê bình văn học Friedrich Schlegel (1772-1829) và nhà thơ Novalis (1772-1801) cho rằng nghệ thuật mang lại cho con người khả năng tiếp cận chân lý duy nhất. Đặc biệt, giá trị thẩm mĩ của nghệ thuật được các nhà mĩ học và các nghệ sĩ thời kỳ này hết sức đề cao. Nhà triết học, mĩ học Friedrich Hegel (1770-1831) cùng với các học trò là Friedrich Schelling (1775-1854) và Friedrich Hölderlin (1770-1843) đã kết luận rằng hành động cao nhất của lý trí là một hành động thẩm mĩ và các triết gia cần phải sở hữu nhiều năng lực thẩm mĩ như các nhà thơ.
Vào giữa thế kỷ XVIII, Baumgarten (1714-1762) và Immanuel Kant (1724-1804) tập trung nghiên cứu sâu về các phạm trù thẩm mĩ và giá trị thẩm mĩ của nghệ thuật. Theo Kant, giá trị của tác phẩm nghệ thuật nằm ở khả năng thể hiện tư tưởng thẩm mĩ. Ông phân biệt giữa vẻ đẹp nghệ thuật và vẻ đẹp tự nhiên ở chỗ: vẻ đẹp tự nhiên là vẻ đẹp của bản thân sự vật, còn vẻ đẹp nghệ thuật là hình ảnh đẹp từ miêu tả sự vật. Sự miêu tả bằng hình ảnh đẹp đã chứa đựng những quan niệm duy lý của nghệ sĩ, đã biến đổi sự vật ở một mức độ nhất định. Kant chỉ ra tính đặc thù của giá trị thẩm mĩ trong nghệ thuật là sự tổng hợp tưởng tượng của nhiều suy nghĩ và liên tưởng khác nhau không bị quy định bởi bất kỳ quy tắc nào, diễn ra trong một cuộc chơi tự do. Chính trải nghiệm về sự tự do này trong trò chơi của trí tưởng tượng và sự hiểu biết đã tạo ra cảm giác khoái cảm thẩm mĩ khi các khả năng nhận thức hài hòa, tự do. Kant tin rằng nghệ thuật phải tạo ra niềm vui thẩm mĩ và sự giải trí, giúp nâng cao sức khỏe thể chất. Loại thú vui và giải trí mang tính thẩm mĩ này xuất phát từ trạng thái tự do trong sáng tạo nghệ thuật. Quá trình tạo ra loại niềm vui và giải trí thẩm mĩ này là sự thư giãn tự do của tinh thần, của trí tưởng tượng dẫn đến sự thư giãn tự do của cơ thể, thúc đẩy hoạt động hài hòa của các cơ quan nội tạng.
Trong lời tựa cho ấn bản thứ hai của tập Thơ trữ tình (1800), William Wordsworth (1770-1850) nêu ra bản tuyên ngôn thơ ca của chủ nghĩa lãng mạn Anh, trong đó nhấn mạnh đến giá trị xúc cảm của văn học. Thơ ca có thể không dạy con người cách suy nghĩ nhưng dạy độc giả cách cảm nhận. Những cảm xúc được truyền tải bởi thơ “có bản chất như vậy, và trong mối liên hệ như vậy, đến mức sự hiểu biết của người đọc phải được khai sáng ở một mức độ nào đó và tình cảm của họ được củng cố và thanh lọc”5.
Xuất phát từ chủ nghĩa duy vật lịch sử, Karl Marx (1818-1883) và Friedrich Engels (1820-1895) rất coi trọng giá trị xã hội của nghệ thuật trong việc cải tạo hiện thực và thúc đẩy tiến bộ lịch sử. Trong quan niệm của Marx và Engels, nghệ thuật thuộc kiến trúc thượng tầng do cơ sở kinh tế quyết định và kiến trúc thượng tầng sẽ tác động lại trên cơ sở kinh tế. Vì vậy Marx và Engels đề cao chức năng chính trị và các khuynh hướng tư tưởng của nghệ thuật. Ngày 19 tháng 4 năm 1859, trong một bức thư gửi Lassalle, khi bàn về vở kịch Franz von sickingen, Marx đã chỉ ra khuyết điểm của vở kịch là không dùng hình thức đơn giản nhất để diễn đạt nhiều nhất những tư tưởng hiện đại. Engels cũng đánh giá cao những đóng góp to lớn của nhiều nhà văn và nghệ sĩ trong thời kỳ Phục hưng châu Âu trong việc lật đổ chế độ cai trị tôn giáo phong kiến và thiết lập một hệ thống xã hội mới. Engels từng đánh giá cao bức tranh vẽ những công nhân dệt may người Đức của họa sĩ người Đức Huebner vì giá trị thúc đẩy chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, Marx và Engels cũng đưa ra giá trị thẩm mĩ và lịch sử khi đánh giá các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Giá trị thẩm mĩ xem xét tính nghệ thuật của tác phẩm, còn giá trị lịch sử đặt tác phẩm trong những điều kiện lịch sử nhất định để nhận ra nội dung lịch sử và ý nghĩa tiến bộ lịch sử của văn học, nghệ thuật. Marx và Engels đánh giá cao sự sáng tạo của Balzac bởi tác phẩm của ông đã đạt đến giá trị cao nhất của thẩm mĩ và lịch sử. Tác phẩm của Balzac không chỉ mô tả đời sống xã hội một cách sinh động với kỹ thuật tự sự tài hoa mà còn mang đến sự thể hiện độc đáo và sống động nhằm vạch trần, phê phán sâu sắc hiện thực đen tối của xã hội tư bản. Marx từng đánh giá cao những thành tựu của các tiểu thuyết gia hiện thực Anh giữa thế kỷ XIX cũng bởi vì những nhà văn đó đạt được những tiêu chuẩn về thẩm mĩ và lịch sử.
Xác lập quan điểm giá trị của văn học, nghệ thuật nhằm phục vụ đại chúng, phục vụ nhân dân, Marx còn bàn sâu về giá trị giải phóng con người của tác phẩm văn học, nghệ thuật gắn liền với chức năng xoa dịu tâm hồn, chức năng tu dưỡng đạo đức. Trong bản thảo kinh tế và triết học năm 1844, Marx khẳng định rằng chỉ trong xã hội cộng sản, con người mới thực sự thoát khỏi tình trạng tha hóa và nhận thức được việc trở về với chính mình, “là sự giải quyết thực sự mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên, giữa con người và con người, là sự giải quyết thực sự cuộc tranh chấp giữa tồn tại và bản chất, giữa sự đối tượng hoá và sự tự khẳng định, giữa tự do và tất yếu, giữa cá thể và loài. Nó là sự giải quyết câu đố của lịch sử và nó biết rằng nó là sự giải quyết ấy”6. Trong quá trình lâu dài hướng tới sự giải phóng hoàn toàn bản chất con người, văn học và nghệ thuật chắc chắn đã và đang đóng một vai trò quan trọng. Chính từ giá trị giải phóng bản chất con người mà Marx khi bình luận về tiểu thuyết Bí mật thành Paris của Eugene Sue đã cho rằng, tác giả nên miêu tả chân thực hình ảnh Đức Maria đầy tính nhân văn tự nhiên để chống lại sự xa lánh bản chất con người bởi tôn giáo.
Các nhà phê bình Nga cũng đưa ra các quan điểm khác nhau về giá trị của văn học, nghệ thuật. Trong khi đại văn hào Alexander Pushkin (1799-1837) nhấn mạnh giá trị riêng tư và khách quan của nghệ thuật thì Mikhail Lermontov (1814-1841) lại đặt tầm quan trọng lên giá trị xã hội của nghệ thuật. Trong tác phẩm phê bình Nghệ thuật là gì (1898), tiểu thuyết gia người Nga Lev Tolstoy (1828-1910) đã cho rằng nghệ thuật được tạo ra khi một người muốn chia sẻ một cảm giác nào đó mà mình đã trải qua với người khác, đồng thời cố gắng đánh thức lại cảm giác của chính mình và thể hiện cảm giác này bằng những biểu tượng cụ thể bên ngoài, nghĩa là nghệ sĩ cố gắng thể hiện cảm xúc hoặc trải nghiệm của mình dưới hình thức nghệ thuật. Theo L. Tolstoy, đây là mục đích của nghệ thuật nhằm thể hiện những cảm xúc, trải nghiệm hoặc trạng thái tinh thần độc đáo của một cá nhân theo cách mà độc giả có thể hiểu được. Đối với ông, giá trị của nghệ thuật nằm ở chỗ công chúng có thể cảm nhận được những cảm xúc độc đáo của cá nhân. Nhà lý luận vĩ đại người Nga Nikolay Chernyshevsky (1828-1889) đã nhấn mạnh đến giá trị hiện thực và giá trị thẩm mĩ của nghệ thuật. Chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ của hiện thực và nghệ thuật “cái đẹp là cuộc sống”, ông bác bỏ quan điểm cho rằng vẻ đẹp của nghệ thuật cao hơn vẻ đẹp của cuộc sống, đồng thời khẳng định không có cái đẹp thực sự ngoài hiện thực và khát vọng về cái đẹp của con người chỉ có thể được thỏa mãn trong thực tế. Ông đưa một ẩn dụ thú vị là vẻ đẹp của cuộc sống giống như một thỏi vàng không có tem và nhiều người không muốn sử dụng nó; còn các tác phẩm nghệ thuật chỉ là những tờ tiền và người ta đã sử dụng chúng quá lâu đến nỗi họ quên mất rằng tất cả giá trị của nó là do nó tượng trưng cho một lượng vàng nhất định. Vì vậy, nghệ thuật chỉ có thể đạt được giá trị thẩm mĩ thông qua sự phản ánh trung thực về cuộc sống và nghệ thuật, sẽ vô giá trị nếu theo đuổi bất kỳ mục đích nào khác của cái đẹp ngoài mục đích này. Chernyshevsky khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa nghệ thuật và cuộc sống, cổ vũ con người yêu cuộc sống, phấn đấu vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chernyshevsky cũng cho rằng khoa học và nghệ thuật là những cuốn sách giáo khoa dành cho những người bắt đầu nghiên cứu cuộc sống, hướng dẫn con người hướng tới cuộc sống và đấu tranh xã hội. Từ cuộc thảo luận về các nhà văn, Chernyshevsky đánh giá cao giá trị của văn học, nghệ thuật. Ông cho rằng sự hoàn thiện về mặt nghệ thuật và chiều sâu tâm lý trong các tác phẩm của Shakespeare đã có tác động to lớn đến vận mệnh nghệ thuật, qua đó đã gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của nhân loại, tin rằng nhà thơ Byron quan trọng hơn Hoàng đế Napoleon trong lịch sử loài người. Mọi tác phẩm nghệ thuật đích thực không chỉ làm phong phú thêm khả năng thẩm mĩ của con người mà còn làm phong phú toàn bộ đời sống nội tâm của họ, khơi dậy những tư tưởng, tình cảm cao đẹp, những ước mơ và hi vọng.
Thế kỷ XX chứng kiến sự nở rộ của hàng loạt xu hướng và phong trào phê bình nghệ thuật: truyền thống nhân văn, khuynh hướng tân lãng mạn, chủ nghĩa phê bình mới, truyền thống phê bình Marxist, phê bình phân tâm học, chủ nghĩa hình thức Nga, chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hậu cấu trúc, phê bình giải cấu trúc, chủ nghĩa nữ quyền, mĩ học tiếp nhận, phê bình hậu thực dân, chủ nghĩa tân lịch sử… Nó đã đưa ra những đóng góp quan trọng về hệ giá trị của văn học, nghệ thuật. Phê bình phân tâm học của Sigmund Freud (1856-1939) thừa nhận rằng các giá trị thuần túy hình thức trong một tác phẩm nghệ thuật mang lại niềm vui: “Nhà văn làm dịu đi tính chất của những giấc mơ ban ngày ích kỷ của mình bằng cách thay đổi và ngụy trang nó và anh ta hối lộ chúng ta bằng cách tạo ra niềm vui thuần túy về mặt hình thức - tức là thẩm mĩ - mà anh ta cung cấp cho chúng ta trong việc trình bày những tưởng tượng của mình”7. Tác phẩm nghệ thuật chỉ đơn thuần là một mồi câu để bắt cá, một phần thưởng khuyến khích hoặc niềm vui trước. Freud kết luận rằng tất cả niềm vui thẩm mĩ mà chúng ta có được từ các tác phẩm của các nhà văn giàu trí tưởng tượng đều cùng loại với “niềm vui trước” này và sự thưởng thức thực sự của văn học bắt nguồn từ sự giải tỏa căng thẳng trong tâm trí. Chủ nghĩa hình thức cho rằng giá trị của một tác phẩm nghệ thuật nằm ở mối quan hệ mà nó thiết lập giữa các yếu tố cấu thành như màu sắc, đường nét và kết cấu, cần được xem xét tách biệt khỏi mọi khái niệm về chủ đề hoặc bối cảnh. Chủ nghĩa hình thức của Josef Albers (1888-1976) cho rằng thử nghiệm hình thức có thể có giá trị đạo đức và tiến bộ về mặt văn hóa, như nhà sử học nghệ thuật đương đại Eva Díaz chỉ ra: “Albers tìm thấy trong hình thức một đạo đức về nhận thức mà ông đã phát triển trong các lý thuyết về sư phạm tiến bộ liên quan đến thử nghiệm và thay đổi xã hội... Ông cho rằng việc học cách quan sát và thiết kế hình thức đã đóng góp thiết yếu vào sự chuyển đổi và phát triển văn hóa”8. Hậu cấu trúc đã làm rung chuyển giới phê bình nghệ thuật vào cuối những năm 1960 nhằm thách thức những ý tưởng truyền thống về giá trị của văn học, nghệ thuật. Hậu cấu trúc nhấn mạnh vai trò của động lực quyền lực và cấu trúc xã hội trong việc định hình sản xuất và diễn giải nghệ thuật. Nghệ thuật được xem là nơi diễn ra cuộc đấu tranh tư tưởng, phản ánh và củng cố các giá trị văn hóa thống trị và mối quan hệ quyền lực.
Trong học thuật Anh - Mĩ kể từ khoảng giữa những năm 1990, giá trị văn học dường như không còn có thể hoạt động như một nền tảng của ngành khoa học, như Steven Connor đã nhận xét vào năm 1992 rằng: “giá trị và sự đánh giá không bị lưu đày mà bị đẩy vào sự vô thức phê phán, nơi chúng tiếp tục phát huy tác dụng nhưng không có sẵn để phân tích”9. David F. Bell, trong bài viết “Một đình hoãn trong nghi ngờ?” (2002), đã đặt ra vấn đề: Nhóm nào có quyền quyết định giá trị của một văn bản văn học, có phải quyết định này không phải lúc nào cũng là một động thái áp bức nhằm kiểm soát những gì được phép trong diễn ngôn? Từ đó, ông cho rằng giải pháp tốt nhất là “bỏ qua vấn đề về giá trị và mở rộng phổ văn học càng nhiều càng tốt”10. Ở các mức độ khác nhau và theo những cách khác nhau, một số nghiên cứu văn hóa, chủ nghĩa lịch sử đã nổi lên như những sự hiệu chỉnh khôn ngoan đối tượng nghiên cứu văn học bằng cách gạt giá trị sang một bên. Những thay đổi trong đối tượng nghiên cứu này đã gây ra một cuộc khủng hoảng bản sắc cho lĩnh vực nghiên cứu nghệ thuật.
Bên cạnh đó, các nhà phê bình như George Levine đã đưa ra lời kêu gọi khôi phục lại vị trí trung tâm của văn học và giá trị văn nghệ. Văn học và giá trị phổ quát của nó đã chiếm lại vị thế quan trọng như trong công trình nghiên cứu Dẫn luận lý luận văn học (1983) của Terry Eagleton nhấn mạnh vào tính xây dựng, tính tương đối, tính công cụ của giá trị văn học và chỉ ra rằng, không có tác phẩm văn học hay truyền thống nào có giá trị tự thân. “Giá trị” là một thuật ngữ chuyển tiếp: nó có nghĩa là bất cứ thứ gì được một số người coi trọng trong những tình huống cụ thể, theo các tiêu chí cụ thể và theo mục đích nhất định. Đối với Eagleton, những “mục đích nhất định” này được thể hiện trong “phán đoán giá trị” mang tính ý thức hệ: “Cuối cùng, chúng không chỉ đề cập đến sở thích cá nhân mà còn đến những giả định mà một số nhóm xã hội thực hiện và duy trì quyền lực đối với những nhóm khác”11. Các phê bình sau này đặc biệt nhấn mạnh đến nguồn gốc lịch sử và chức năng của diễn ngôn về giá trị văn học. Các nhà phê bình đã theo dõi sự xuất hiện của diễn ngôn này trong các hoàn cảnh lịch sử cụ thể liên quan đến các diễn ngôn khác và họ đã theo dõi sự chuyển đổi của diễn ngôn này và các chức năng của nó qua các thời kỳ tiếp theo cho đến hiện tại. Một trong những phê bình đầu tiên như vậy là nghiên cứu theo trường phái Foucault của Ian Hunter, trong công trình Văn hóa và Chính phủ: sự xuất hiện của giáo dục văn học (1988), đã xác định diễn ngôn về giá trị là một phần của cơ chế kỷ luật đạo đức của bộ máy nhà nước về giáo dục công. Chịu ảnh hưởng từ tác phẩm của Pierre Bourdieu, John Guillory, trong công trình Vốn văn hóa (1993), đã truy theo diễn ngôn của giá trị văn học qua sự kết tủa của văn học từ các lý thuyết chung về giá trị của thế kỷ XVIII đến chức năng hiện tại nhưng dần suy yếu như là nền tảng của vốn văn hóa văn học.
Năm 2008, công trình Các thể loại của nền kinh tế tín dụng: giá trị trung gian ở Anh thế kỷ XVIII và XIX của Mary Poovey đã xem xét lại sự xuất hiện của một diễn ngôn riêng biệt về giá trị văn học vào thế kỷ XVIII và những mối liên quan của giá trị văn học với diễn ngôn về giá trị kinh tế. Trong bài viết “Bảo vệ phương pháp tiếp cận nội dung đối với trải nghiệm thẩm mĩ“ (2015), Carroll cho rằng trải nghiệm thẩm mĩ nên bắt nguồn từ nội dung và giá trị thẩm mĩ của nghệ thuật gắn liền với trải nghiệm thẩm mĩ. Cùng bàn về giá trị thẩm mĩ của nghệ thuật, Goldman ủng hộ một khái niệm rộng về thẩm mĩ bao gồm các mối quan tâm về đạo đức, chính trị và nhận thức. Ông cho rằng khi nội dung đạo đức, chính trị hoặc nhận thức được đưa ra thông qua và tác động trực tiếp đến phản ứng của chúng ta qua hình thức tác phẩm, chúng có thể tương tác và định hình giá trị thẩm mĩ, “thu hút chúng ta ở mọi cấp độ”12. Một số nhà đạo đức học như Gaut nhấn mạnh mối quan hệ giữa các giá trị đạo đức và các giá trị thẩm mĩ, một giá trị đạo đức trong tác phẩm nghệ thuật đều là một giá trị thẩm mĩ và do đó các giá trị đạo đức luôn góp phần vào giá trị của tác phẩm nghệ thuật. Quan điểm về vẻ đẹp đạo đức, Gaut xác định rằng “các đức tính đạo đức là cái đẹp và các tệ nạn đạo đức là cái xấu”13. Trong bài viết “Chủ nghĩa nhận thức và nghệ thuật” (2008), Gibson đã đề cập đến giá trị nhận thức của văn học, nghệ thuật và cho rằng các tác phẩm nghệ thuật mang lại cho con người ba loại tri thức: tri thức mệnh đề, tri thức thức kinh nghiệm và tri thức cải tiến. Các tác phẩm nghệ thuật có thể cung cấp cho con người tri thức mệnh đề khi đóng vai trò giống như các thí nghiệm tư duy triết học, từ đó con người có thể suy ra một số chân lý mới. Tri thức kinh nghiệm được diễn ra khi văn học, nghệ thuật cung cấp một phương thức tiếp cận những khu vực trải nghiệm mà con người chưa từng trải qua. Ở cấp độ tri thức cải tiến, Gibson tuyên bố rằng các tác phẩm nghệ thuật không dạy chúng ta điều gì mới mẻ, cũng không cho chúng ta tiếp cận với những kịch bản không thể tiếp cận được, mà thay vào đó, chúng xác nhận, làm rõ hoặc nhấn mạnh kiến thức mà chúng ta đã có.
Nhìn lại một cách tổng quát lược sử mĩ học phương Tây, hệ giá trị văn học, nghệ thuật luôn xoay quanh các giá trị cốt lõi như giá trị thẩm mĩ, giá trị đạo đức, giá trị nhận thức, giá trị giáo dục, giá trị khoái cảm, giá trị xã hội. Các giá trị cốt lõi này được biểu hiện qua các giá trị cụ thể phù hợp với tư tưởng của từng thời đại lịch sử. Vào thời cổ đại, nghệ thuật tập trung vào giá trị giáo dục đạo đức với mong muốn định hướng con người sống theo những chuẩn mực đạo đức xã hội. Giá trị giáo dục đạo đức và giá trị tôn giáo của văn học, nghệ thuật được tôn sùng trong thời Trung cổ tuân theo các giá trị của Kito giáo. Sau đêm trường trung cổ, giải phóng con người và sức mạnh của lý trí, nhân văn trở thành ngọn đuốc giá trị đầy thiêng liêng thổi bùng giá trị trí tuệ và giá trị giáo dục văn minh của văn học, nghệ thuật. Thời kỳ cận đại và khai sáng lấy lý trí, sự theo đuổi hạnh phúc và tri giác làm nền móng, chủ trương tự do, tiến bộ của nhân loại. Điều này khiến hệ giá trị của văn học, nghệ thuật xoay quanh các giá trị nhận thức, giá trị khoái cảm về mặt trí tuệ và giá trị cảm xúc thẩm mĩ trong trí tưởng tượng. Bước sang thời kỳ hiện đại, hệ giá trị của văn học, nghệ thuật phát triển vô cùng phong phú, tiêu biểu là giá trị thẩm mĩ gắn liền tự do tinh thần trong chủ nghĩa duy mĩ; giá trị xúc cảm trong chủ nghĩa lãng mạn; giá trị xã hội, giá trị chính trị và giá trị giáo dục với mục đích đấu tranh giai cấp và phục vụ nhân dân, giá trị thẩm mĩ trong phê bình Marxist… Trong lịch sử phê bình phương Tây, giá trị văn học, nghệ thuật luôn là yếu tố thiết yếu không thể tách rời đối với lĩnh vực nghiên cứu nghệ thuật. Việc xác định hệ giá trị của văn học, nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động sáng tạo và tiếp nhận nghệ thuật, góp phần định hướng phát triển nền nghệ thuật của một dân tộc và thời đại.
Chú thích:
1 Horace (1971), “The Art of Poetry”, Critical Theory Since Plato, Hazard Adams (Ed.), Harcourt Brace Jovanovich, New York, p. 73.
2 Henrik Lagerlund (Ed.) (2011), Encyclopedia of Medieval Philosophy: Philosophy between 500 and 1500, Springer, Dordrecht, pp. 28-29.
3 Castelvetro (1984), Castelvetro on the Art of Poetry, Andrew Bongiorno (Ed. and Trans.), Medieval & Renaissance Texts & Studies, New York, p. 19.
4 John Dryden (2014), The Works of John Dryden, Volume XVII: Prose, 1668-1691: “An essay of Dramatick Poesie and Shorter Works”, University of California Press, California, p. 15.
5 William Wordsworth (1893), Prose Writings of Wordsworth, William Knight (Ed.), Walter Scott, London, p. 17.
6 C. Mác và Ph. Ăng-ghen toàn tập, Tập 42, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2000, tr. 167.
7 Sigmund Freud (1959), The Standard Edition of the Complete Psychological Works of Sigmund Freud, vol. 9, The Hogarth Press, London, p. 153.
8 Eva Díaz (2014), The Experimenters: Chance and Design at Black Mountain College, University of Chicago Press, Chicago, p. 18.
9 Steven Connor (1992), Theory and Cultural Value, Blackwell, Oxford, p. 14. 10 David F. Bell (2002), “A Moratorium on Suspicion?”, PMLA, 117:3, p. 488.
11 Terry Eagleton (1983), Literary Theory: An Introduction, University of Minnesota Press, Minneapolis, p. 16.
12 A. Goldman (2013), “The Broad View of Aesthetic Experience”, The Journal of Aesthetics and Art Criticism, Vol. 71 (4), p. 331.
13 B. Gaut (2007), Art, Emotion, Ethics, Oxford University Press, Oxford, p. 115.