Nhìn vào tiến trình vận động và phát triển của văn học, nghệ thuật thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, chúng ta sẽ thấy dường như thời đại lịch sử nào cũng làm nảy sinh một thời đại văn học, nghệ thuật tương ứng với những nhà tư tưởng, nhà văn, nhà nghệ sĩ, nhà văn hóa tiêu biểu của thời đại mình. Trong các trước tác của họ, không chỉ mang dấu ấn tư tưởng, văn hóa mà con mang cả dấu ấn phong cách của thời đại. Ví dụ thời kỳ chiếm hữu nô lệ và thời kỳ phong kiến sinh ra văn học cổ - trung đại; thời kỳ Phục hưng (thế kỷ XV-XVI) sinh ra văn học thời đại Phục hưng; thời kỳ Ánh sáng (thế kỷ XVII-XVIII) sinh ra văn học thời đại Khai sáng; thời kỳ cận - hiện đại sinh ra văn học hiện đại và hậu hiện đại… Việt Nam không phải là một ngoại lệ, chỉ có điều về mốc thời gian có thể có những so le nhất định.
Có lẽ vì vậy mà khi nghiên cứu tiến trình lịch sử văn học, nghệ thuật, các học giả, các nhà nghiên cứu thường tiến hành thao tác quen thuộc là phân kỳ lịch sử văn học, nghệ thuật dựa trên phân kỳ lịch sử xã hội và thời đại. Theo đó, việc phân kỳ không chỉ cho thấy tổng quát về diện mạo lịch sử văn học, nghệ thuật, mà còn cho thấy mối quan hệ bản chất, nhân quả giữa lịch sử văn học, nghệ thuật với lịch sử xã hội - chính trị mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn. Nhìn vào các bảng phân kỳ có thể dễ dàng nhận thấy thời đại lịch sử xã hội nào sẽ sản sinh ra thời đại văn học, nghệ thuật ấy. Đây là một quy luật không chỉ thể hiện ra trên bình diện thế giới và khu vực mà còn thể hiện ra trên bình diện quốc gia và dân tộc, tạo nên các mối liên hệ phổ biến hoặc đặc thù giữa các nền văn học, nghệ thuật.
Nhận thức rõ mối liên hệ này nên ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, các nhà nghiên cứu đã lần lượt đưa ra nhiều tiêu chí phân kỳ lịch sử văn học, ngõ hầu giải thích một cách khách quan, trung thực nhất tiến trình vận động và phát triển của nó. Nhưng đây là vấn đề khá chuyên sâu, chuyên biệt của khoa nghiên cứu lịch sử văn học nên xin không đi sâu và trình bày kỹ ở đây.
Trong một số năm gần đây, khi nhận thấy rõ tác động to lớn, sâu sắc của khoa học, công nghệ tới văn học, nghệ thuật, nhất là đối với những hiện tượng mới xuất hiện, nảy sinh như: khuynh hướng hậu hiện đại (cả trên phương diện nghiên cứu lý thuyết lẫn thực tiễn hoạt động sáng tạo); khuynh hướng văn học mạng (tạm gọi là “văn học truyền thông” vì nó chủ yếu xuất hiện và lưu truyền trên các nền tảng của công nghệ thông tin truyền thông hiện đại)…, các nhà nghiên cứu đã bước đầu đưa ra một tiêu chí phân kỳ mới là dựa trên lịch sử các cuộc cách mạng công nghệ để qua đó góp phần nhận thức, nhận diện và lý giải các hiện tượng của lịch sử văn học, nghệ thuật. Theo tiêu chí này, ứng với cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ nhất (những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX) là văn học, nghệ thuật thời đại Ánh sáng. Ứng với cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ hai (những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX) là thời kỳ văn học tiền hiện đại và hiện đại. Ứng với cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ ba (từ những năm năm mươi đến những năm 80 của thế kỷ XX được xem là bước tiếp theo của văn học hiện đại. Ứng với cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ tư (từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay) được xem là văn học, nghệ thuật hậu hiện đại. Khái niệm này tương đồng với một số nền văn học trong khu vực Đông và Đông Nam châu Á, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… Ranh giới giữa các thời kỳ/ thời đại như trên chỉ mang ý nghĩa tương đối và ước lệ, không tuyệt đối chính xác, vì ở mỗi nước, mỗi khu vực có những đặc trưng, đặc điểm khác nhau.
Nhìn chung, mỗi cuộc cách mạng, mỗi thời đại văn học, nghệ thuật đều có đích hướng đến là xã hội và con người, nhất là con người được xem là nhân tố nhạy cảm, chịu nhiều tác động nhất. Cho nên không lấy gì làm lạ rằng văn học, nghệ thuật của cả 4 thời kỳ đều xuất hiện trở đi trở lại vấn đề con người với những quan niệm, những diễn biến tâm lý, những hoài nghi về thời cuộc, những khắc khoải về thân phận cô đơn, những mặc cảm lo âu, những khát vọng, thậm chí cả những ham muốn bản năng, đòi giải phóng cá tính… cho đến cả những tham vọng cách tân, cách mạng về nghệ thuật và văn chương. Như thế đủ thấy mối quan hệ qua lại, biện chứng giữa đời sống văn học, nghệ thuật với đời sống tư tưởng, đời sống xã hội - chính trị từng thời kỳ.
Thực tế lịch sử cho thấy mỗi thời đại văn học, nghệ thuật không chỉ nảy sinh và tồn tại một khuynh hướng duy nhất mà thường cùng lúc xuất hiện nhiều khuynh hướng. Bên cạnh khuynh hướng chủ đạo, khuynh hướng chính thống là các khuynh hướng khác cùng hiện hữu, hiện tồn, cùng tranh giành ảnh hưởng và chi phối đời sống văn học, nghệ thuật; tham vọng hơn là chi phối cả đời sống chính trị tư tưởng và văn hóa. Điều này đã từng xảy ra ở nhiều lúc, nhiều nơi, nhiều hiện tượng văn học, nghệ thuật (Tự lực văn đoàn là một ví dụ). Tùy theo bản chất thẩm mĩ, tư tưởng nghệ thuật, động cơ sáng tác của từng khuynh hướng mà văn học, nghệ thuật có tác động khác nhau đến văn hóa nói chung, đến con người nói riêng.
Quan sát tiến trình văn học, nghệ thuật hiện đại từ đầu thế kỷ XX đến nay, chúng ta sẽ thấy trong một bối cảnh lịch sử - xã hội - chính trị đầy biến động, trên phạm vi toàn cầu đã xuất hiện nhiều trào lưu, khuynh hướng, nhiều hiện tượng văn học, nghệ thuật có ảnh hưởng mạnh mẽ, chi phối tiến trình phát triển của thế giới, tác động sâu sắc không chỉ tới khiếu thẩm mĩ mà còn tác động tới tâm hồn, tình cảm, lối sống, lối ứng xử văn hóa và hành vi của con người. Đặc biệt là từ sau Cách mạng Tháng Mười (Nga), thế giới hình thành hai hệ thống: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, thì văn học, nghệ thuật cũng như các hình thái ý thức xã hội khác cũng hình thành thế đối đầu giữa hai bên, luôn đấu tranh, bài xích lẫn nhau để tranh giành ảnh hưởng. Ở các nền văn học, nghệ thuật xã hội chủ nghĩa, với vai trò chính thống (độc tôn) của triết học, lý luận văn học và mĩ học Marxist, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ra đời ở nhiều nước với một thế giới quan (Marxist), một phương pháp sáng tác gần như là duy nhất. Các tác phẩm ưu tú ra đời từ đây đã có ảnh hưởng vượt biên giới tạo thành khuynh hướng văn học vô sản ở ngay trong lòng các nước Tây Âu và Mĩ Latinh, thu hút sự quan tâm mến mộ của hàng triệu công chúng trên hành tinh bởi bản chất cách mạng, chủ nghĩa anh hùng, lý tưởng cộng sản, lý tưởng giải phóng… hấp dẫn nhân dân thế giới đang đấu tranh vì hòa bình, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Về bản chất, đây là nền văn học tiến bộ, vì con người (vị nhân sinh), vì tương lai nhân loại, vì những lý tưởng cao cả mà thành tựu nghệ thuật của nó không thể phủ nhận được. Nhưng đến những năm bảy mươi của thế kỷ XX, với sự xuất hiện thuật ngữ “hệ thống mở” do Viện sĩ D. Markob đề xướng, lý luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã có dấu hiệu rạn nứt để sau đó khoảng 10 năm thì lâm vào khủng hoảng, đổ vỡ và kết thúc sứ mệnh nghệ thuật cùng với hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Sự kiện đó kéo theo “sự khủng hoảng về hệ giá trị văn học, nghệ thuật”, sự loạn chuẩn, lệch chuẩn, thiếu chuẩn… mà các nhà lý luận, phê bình đã lên tiếng cảnh báo trong nhiều năm gần đây.
Trong khi đó, ở nhiều nước phương Tây, dưới ảnh hưởng của các triết thuyết và mĩ học tư sản, rất nhiều khuynh hướng, trường phái, trào lưu văn học, nghệ thuật xuất hiện như: chủ nghĩa tiên phong, chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa đa đa, chủ nghĩa phi lý, chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa hình thức… Các chủ nghĩa này đều ít nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam từ những năm ba mươi của thế kỷ XX trở đi. Tuy số phận lịch sử của mỗi trào lưu, khuynh hướng, trường phái này không hoàn toàn giống nhau nhưng nó đều để lại dấu ấn trong văn học, nghệ thuật thế giới cả tư tưởng lý luận lẫn hoạt động sáng tạo mà nổi lên hàng đầu là vấn đề quan niệm nghệ thuật về con người. Nguồn gốc sâu xa của nó là hệ thống tư tưởng triết học và mĩ học tư sản phương Tây và những tác động từ thời cuộc. Ngay từ khi thế giới bước vào cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ nhất và thứ hai, bên cạnh những hứng khởi do các thành tựu khoa học công nghệ mang lại đã xuất hiện những cảnh báo, lo âu về thân phận con người trước làn sóng “kỹ trị” do máy móc công nghệ tạo ra. Trước sức hủy diệt, tàn phá của các cuộc thế chiến, các cuộc chinh phạt để giành giật thị trường, thuộc địa…, những mặc cảm, lo âu, những nỗi hoài nghi bao phủ thế giới.
Nhìn một cách tổng quát, bức tranh văn học, nghệ thuật thế giới thế kỷ XX, trong đó có Việt Nam, là một thời đại giông bão, chịu nhiều tác động, va đập từ lịch sử. Nhưng cũng chính ở thế kỷ này, nhiều trào lưu, khuynh hướng văn học, nghệ thuật đã ra đời với nhiều cách tân, biến đổi, nhiều động cơ nghệ thuật khác nhau, tạo nên bức tranh đa màu, đa diện cần được nhận thức và nhận diện khách quan, đúng đắn.
Ở Việt Nam, từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay, dưới tác động của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế diễn ra trong nước kết hợp với nhiều sự kiện trọng đại khác như: chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô tan rã, tác động của cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, tác động của các vấn đề toàn cầu cũng như tác động của đường lối, chủ trương, chính sách trong nước…, văn học Việt Nam cũng như văn học nhiều nước trong khu vực tiếp tục chịu sự ảnh hưởng, chi phối của các lý thuyết nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại cả trên phương diện nghiên cứu lý luận, phê bình lẫn sáng tác, tiếp nhận và thưởng thức văn học, nghệ thuật.
Nếu như trước năm 1986, chúng ta chỉ độc tôn một hệ thống lý thuyết Marxist, độc tôn một thế giới quan, một phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, thì nay, khi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã hoàn tất sứ mệnh lịch sử vẻ vang của nó; khi tư duy mới được phát động; chủ trương hội nhập với thế giới được khai thông; nhu cầu đối thoại giao lưu được mở rộng; tinh thần dân chủ, tự do được tôn trọng… thì dường như là lúc để các lý thuyết nghệ thuật ngoài hệ thống trước đây có cơ hội thâm nhập, phổ biến và vận dụng rộng rãi, nhanh chóng chiếm lĩnh các giảng đường, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo đại học và sau đại học. Thực tế đó mau chóng đưa nền văn học, nghệ thuật nước ta từ chỗ thiếu thông tin, thiếu tri thức lý thuyết, lạc hậu về lý thuyết… đến chỗ mau chóng cập nhật thông tin lý thuyết, “háu lý thuyết”, “sính lý thuyết” với thái độ sùng bái, vồ vập quá mức. Tính đến thời điểm này, có thể nói hầu như các lý thuyết nghệ thuật mới - cũ đều đã có mặt tại Việt Nam. Tình trạng tiếp thu, vận dụng một cách ồ ạt, tự phát, thiếu chiến lược và định hướng, thiếu kiểm soát… đã biến nền văn học ta thành “bãi thử các lý thuyết nghệ thuật” như có nhà nghiên cứu đã cảnh báo. Sự du nhập ồ ạt, mạnh ai người nấy làm đã tạo nên cảnh tượng một cái “chợ lý thuyết” ở Việt Nam. Thực tế đó cho thấy tư duy lý thuyết của ta đang có nhu cầu vận động và phát triển theo chiều hướng đa phương, đa diện. Nhưng đồng thời đó cũng là chỗ dựa để các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình và sáng tác văn học, nghệ thuật nhân danh đổi mới, cách tân mà không quan tâm đúng mức tới truyền thống và thị hiếu nghệ thuật dân tộc. Tình trạng bắt chước, lai căng, vọng ngoại đã diễn ra ở hầu khắp các lĩnh vực nghệ thuật.
Mặc dù cho đến thời điểm này, thuật ngữ “hậu hiện đại” ở ta vẫn còn nhiều ý kiến phân vân, chưa xác quyết, đại loại như: Liệu ở Việt Nam có khuynh hướng hậu hiện đại chưa hay chỉ là chủ nghĩa hiện đại kéo dài? Nếu có thì những nguyên tắc tư tưởng thẩm mĩ của nó là gì? Chủ trương nghệ thuật của nó ra sao? Các đặc trưng cơ bản của nó là gì? Đâu là cơ sở triết học của khuynh hướng này?… vẫn đang tiếp tục đặt ra. Ngay cả các nhà nghiên cứu phương Tây cũng vậy! Có không ít lý thuyết nghệ thuật đang là thời thượng ở ta hiện nay đã bị thế giới bỏ qua từ lâu không chỉ đơn giản là vì nó ra đời ở các nước châu Âu từ những năm đầu thế kỷ XX mà còn vì nó không còn mang giá trị mới giúp cho việc khai phóng, quảng bá tri thức cũng như hoạt động sáng tạo.
Vậy hậu hiện đại chủ trương những gì? Có người xem đây là một cuộc cách tân nghệ thuật. Nhưng cũng có người cho đây là một cuộc “cách mạng”. Hậu hiện đại chủ trương rất nhiều nhưng trước hết, nó chủ trương chĩa mũi nhọn vào truyền thống, xem nhẹ tri thức và kinh nghiệm lịch sử; đề cao trực giác và tâm linh; giải thiêng lịch sử, hạ bệ thần tượng; giải phóng bản năng; giải trung tâm, giải quyền lực; đề cao cá nhân, cá tính; đề cao nhục dục, phái tính… Về mĩ học, hậu hiện đại chủ trương đề cao “mĩ học cái khác”, giễu nhại mĩ học đồng phục, đề cao người đọc và văn bản (tác giả đã chết), đề cao yếu tố hình thức; khai thác các yếu tố thô tục; đề cao các yếu tố ngoại vi, ngoại biên; chủ trương tiến vào giải thể trung tâm; khuyến khích cái đời thường, cái nghịch dị, cái vô thức, cái phi chính thống… Tất cả những chủ trương đó đang chi phối tư duy nghiên cứu lý luận, phê bình và sáng tạo văn học, nghệ thuật.
Thực tiễn văn học, nghệ thuật cho thấy đang có xu hướng xem nhẹ, thậm chí phủ định, chê bai, giễu cợt các thành tựu lý luận và thành quả văn học cách mạng. Cực đoan hơn, có người còn mưu toan thay thế hệ thống lý thuyết này bằng hệ thống lý thuyết kia, bất chấp quan điểm lịch sử và thực tiễn nghệ thuật; dè bỉu, chê bai thành quả văn nghệ quá khứ. Cá biệt có người còn chủ trương một lý thuyết “hậu thực dân” ở Việt Nam trong khi đó là điều phi khoa học, phản lịch sử, chỉ đúng với trường hợp này mà không đúng với trường hợp khác. Những biểu hiện đó không chỉ làm phân hóa, chia rẽ giới học thuật mà còn dẫn con đường phát triển văn học, nghệ thuật đến chỗ hoang mang, bế tắc, mất phương hướng. Hậu quả là văn hóa và con người cũng không được hấp thu những năng lượng tích cực, những nguồn dưỡng chất tâm hồn mới để kiến tạo và phát triển.
Trong một hội thảo khoa học quốc gia do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức cách đây mấy năm với chủ đề Nhận diện các khuynh hướng văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay, hàng trăm nhà nghiên cứu trong cả nước và các nghệ sĩ sáng tạo đã chỉ ra hàng loạt khuynh hướng, trong đó có những khuynh hướng là sự tiếp tục, tiếp thu, tiếp nối truyền thống; nhưng cũng có những khuynh hướng nảy sinh do du nhập, bắt chước, ngoại lai, ngoại nhập. Tình trạng đó đang đặt văn học, nghệ thuật Việt Nam trước các lựa chọn đúng - sai, hay - dở? Câu trả lời thật không đơn giản, dễ dàng!
Thực trạng trên cho thấy rất nhiều vấn đề cả tích cực lẫn tiêu cực nhưng tựu trung lại có mấy vấn đề lớn đặt ra sau đây:
Từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay, như một hệ lụy của tình hình chính trị và xã hội trên thế giới, các nguồn ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ tới văn học, nghệ thuật không còn đơn nhất, thuận chiều như trước mà đang có sự dịch chuyển, vận động theo hướng đa phương, đa cực, đa chiều, khiến cho văn học, nghệ thuật không chỉ riêng nước ta mà cả ở các nước trong khu vực và trên thế giới cũng không ngừng biến động, thay đổi để thích ứng và tồn tại. Thực tế đó cho thấy không chỉ sự vận động của quy luật nội tại văn học mà còn cho thấy các khuynh hướng tư tưởng thẩm mĩ chi phối quan điểm lý luận học thuật, sáng tạo và tiếp nhận văn học, nghệ thuật, trực tiếp là công chúng.
Cùng với sự dịch chuyển các nguồn ảnh hưởng, tác động là sự dịch chuyển của hệ giá trị văn học, nghệ thuật. Dễ nhận thấy nhất là hệ giá trị vô sản, hệ giá trị xã hội chủ nghĩa mà chúng ta tôn sùng trong gần suốt thế kỷ XX đã không còn ngự trị văn đàn. Những giá trị lịch sử cốt lõi của các nền văn học xã hội chủ nghĩa không còn là giá trị phổ biến mang tính phổ quát nữa. Trái lại, các giá trị phương Tây, các giá trị phổ biến ở các nước tư sản trước đây đang xâm lấn ảnh hưởng, trở thành các nguồn tri thức mới, các “mốt” nghệ thuật thời thượng. Sự dịch chuyển hệ giá trị này không chỉ diễn ra trên bình diện tư tưởng lý luận mà còn diễn ra cả trên lĩnh vực hoạt động sáng tạo, quảng bá, tiếp nhận, thưởng thức và đánh giá văn học, nghệ thuật. Nhất là khi tinh thần dân chủ được đề cao, ý thức tự do được tôn trọng thì càng có nhiều điều kiện cho sự lựa chọn. Ở Việt Nam, từ khi cơ chế thị trường đi vào vận hành thì vấn đề hệ giá trị văn học, nghệ thuật càng bị tác động, chi phối sâu sắc hơn.
Trong bối cảnh đó, thực tiễn văn học có vẻ cởi mở, sôi động hơn; thành tựu văn học có vẻ đa dạng, đa phong cách hơn, không khí văn học có vẻ tự do hơn. Đó được xem là thành tựu của công cuộc đổi mới. Nhưng một hệ lụy đang diễn ra là trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật đang cho thấy hiện tượng thiếu chuẩn mực hoặc loạn chuẩn… đã diễn ra từ một số năm gần đây. Giới nghiên cứu lý luận, phê bình và nghệ sĩ sáng tạo đã lên tiếng cảnh báo nhiều về hiện tượng này. Do thiếu một hệ thống chuẩn mực đúng đắn và lành mạnh, hoạt động phê bình cũng rơi vào tình trạng khó thẩm định, đánh giá, không hoàn thành được chức năng, hướng dẫn thị hiếu, định hướng giá trị nghệ thuật cho công chúng; khen, chê tùy tiện, cảm tính, ngẫu hứng… còn giới sáng tạo thì dường như mất phương hướng, chạy theo thị trường, chạy theo thị hiếu của công chúng.
Nổi lên hàng đầu trong số vấn đề đã nêu là tình trạng thiếu định hướng trong khâu quản lý, lãnh đạo văn học, nghệ thuật. Tuy chúng ta đã có định hướng chung, định hướng lớn, đã xác định chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng nhưng ở từng lĩnh vực của văn học, nghệ thuật, chúng ta gần như bỏ ngỏ, không rõ định hướng, thiếu các chế tài quản lý nên đúng - sai, hay - dở rất khó phân định, xử lý. Gần như với văn học, nghệ thuật, chúng ta buông xuôi cho dư luận, nương theo dư luận. Các cuốn sách gây tai tiếng gần đây cho thấy là không ai muốn động vào, ngay cả khi tác hại với công tác tư tưởng, nhận thức của công chúng là rất lớn, rất nghiêm trọng. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tư vấn và các hội chuyên ngành rất lỏng lẻo, thiếu nhất quán và đồng bộ, do đó, hiệu lực không bao nhiêu. Định hướng tư tưởng lý luận và học thuật đã thiếu thì định hướng tiếp thu, tiếp nhận và vận dụng lý thuyết nghệ thuật nước ngoài lại càng yếu hơn. Có thể nói là chưa có. Các nguyên lý chung chung, các cụm từ quen thuộc đến mòn cũ không còn đủ sức để điều chỉnh hoạt động thực tiễn hiện nay. Tình trạng tự phát, mạnh ai người nấy làm hiện nay cho thấy đây là vấn đề cần quan tâm lưu ý hàng đầu.
Để góp phần giải quyết thực trạng văn học, nghệ thuật hiện nay, cần quán triệt một số quan điểm lớn sau đây:
Trong khuôn khổ định hướng phát triển đất nước, định hướng tư tưởng chung cần xác định rõ định hướng xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, trong đó định hướng tư tưởng lý luận, định hướng tư tưởng học thuật, định hướng giá trị và định hướng thẩm mĩ… cần được ưu tiên xây dựng. Thiếu định hướng thì hoạt động lý luận, phê bình, sáng tạo và tiếp nhận đều không có cơ sở và thiếu các căn cứ vững vàng.
Trên cơ sở định hướng, khuyến khích việc nghiên cứu, tham khảo rộng rãi các lý thuyết nghệ thuật, các thành tựu lý thuyết của thế giới với thái độ không bảo thủ, không định kiến, khách quan, khoa học… để nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, tăng cường giao lưu đối thoại và hợp tác để nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Tiếp thu có chọn lọc, có cơ sở khoa học, có hệ thống và vận dụng một cách sáng tạo, nhuần nhuyễn, phù hợp với thực tiễn văn học và văn hóa Việt Nam. Không kỳ thị, sùng bái lý thuyết; có quan điểm lịch sử - cụ thể trong nhận xét, đánh giá; trân trọng các giá trị tiến bộ, tích cực của nhân loại…
Xây dựng định hướng cho hoạt động tiếp thu, tiếp nhận và vận dụng lý thuyết văn học, nghệ thuật bao gồm các lĩnh vực: tư tưởng học thuật nói chung, triết học, mĩ học và lý luận văn học, nghệ thuật nói riêng. Trước mắt, để chủ động, cần chỉ đạo xây dựng chương trình dịch thuật quốc gia để ưu tiên những gì cần, phù hợp với định hướng tư tưởng học thuật của ta hiện nay. Đồng thời loại bỏ những cái lỗi thời, thậm chí gây hại cho sự phát triển. Việc này cần sự phối hợp giữa các cơ quan lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn học và khoa học giáo dục… để khắc phục tình trạng tự phát, mạnh ai người nấy làm trong hoạt động nghiên cứu lý luận và đào tạo hiện nay.
Đồng thời, khuyến khích việc tiếp thu, truyền bá, vận dụng các lý thuyết nghệ thuật phù hợp với thực tiễn Việt Nam, dựa trên cơ sở khoa học, khách quan để đổi mới tư duy, đổi mới phương pháp và phát triển hoạt động lý luận, phê bình, định hướng thẩm mĩ, định hướng giá trị cho công chúng.
Xây dựng định hướng giá trị văn học, nghệ thuật dựa trên các chuẩn giá trị, các giá trị cốt lõi của Việt Nam như: chân - thiện - mĩ (giá trị truyền thống); dân tộc và quốc tế, truyền thống và hiện đại; giá trị yêu nước và nhân văn. Đây là đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn văn học, nghệ thuật cũng như của công tác tư tưởng văn hóa.
Như vậy, trong tình trạng nêu trên, nếu chúng ta thụ động ngồi chờ quy luật diễn ra, phó mặc cho quá trình dung nạp, đồng hóa và đào thải tự nhiên thì thứ nhất là chúng ta sẽ rơi vào thế bị động/ thụ động, chấp nhận sự đã rồi ngay cả khi chệch quỹ đạo định hướng, hứng chịu hậu quả không mong muốn; thứ hai là mất rất nhiều thời gian vật chất để chờ đợi, nhận thức và sửa chữa các lầm lạc, nhất là khi nó tác động xấu đến xã hội và con người thông qua văn học, nghệ thuật. Bởi vì đây là lĩnh vực chúng ta ngại can thiệp và khó can thiệp.
Trong khi Đảng ta chủ trương kiên định chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh; định hướng phát triển đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội thì như một nguyên tắc và hệ quả đương nhiên, chúng ta cũng cần định hướng cho tư tưởng lý luận triết học, mĩ học và văn học, nghệ thuật. Hiện nay, địa hạt này gần như chưa được kiểm soát và định hướng. Có chăng là ở các văn kiện chính thức của Đảng, còn ở các cơ sở nghiên cứu, các viện, các trường, các lĩnh vực nghệ thuật, vấn đề tiếp thu, truyền bá, vận dụng cái gì gần như bỏ ngỏ, tự phát. Trong tình hình đó, đúng - sai, hay - dở chỉ còn là cuộc tranh cãi giữa các cá nhân với nhau, không có người phân giải, không có hồi kết.