Trịnh Bích Ngân bước vào cõi thơ sau cuộc hành trình văn chương rịnh Bích Ngân bước vào cõi thơ sau cuộc hành trình văn chương với bút danh Bích Ngân với nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau, bao gồm truyện ngắn, truyện hài hước, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, ký, tản văn… Điều này cho thấy tác giả là cây bút đa năng thực chứng khả năng linh hoạt trong việc khám phá cũng như thể hiện nhiều địa hạt văn học khác nhau.với bút danh Bích Ngân với nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau, bao gồm truyện ngắn, truyện hài hước, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, ký, tản văn… Điều này cho thấy tác giả là cây bút đa năng thực chứng khả năng linh hoạt trong việc khám phá cũng như thể hiện nhiều địa hạt văn học khác nhau.
Về truyện ngắn, Bích Ngân có nhiều truyện ngắn để lại dấu ấn trong lòng độc giả, được in báo, đọc trên làn sóng phát thanh, trên nhiều kênh YouTube và được xuất bản: Những chiếc lá thu (1994), Bão, sợi dây và giọt đắng (2002), Người đàn bà bơi trên sóng (2005), Làn gió hôm qua (2007), Bồng bềnh thiên sứ ( 2012), Kẻ tống tình ( 2014), Bên dòng sông Ray (2017), Đường đến cây cô đơn (2019), Cái đầu siêu định vị (2013, tập truyện hài hước), Anh nhớ em muốn chết! (2019, tập truyện hài hước)… Truyện ngắn của Bích Ngân mang chỉ dấu sâu sắc các chủ đề về tình yêu, cuộc sống và con người với một lối viết tinh tế.
Về kịch bản sân khấu, Bích Ngân có nhiều kịch bản văn học được dàn dựng trên sân khấu và cũng giúp tên tuổi Bích Ngân đứng vào đội ngũ những tác giả sân khấu Việt Nam. Nhiều tập kịch bản văn học của Bích Ngân được xuất bản: Dòng xoáy nghiệt ngã (2016), Gương mặt kẻ khác (2019)… góp phần chứng tỏ tư duy nghệ thuật sắc sảo và khả năng phản ánh những vấn đề xã hội đương đại của nhà văn.
Những tập tạp văn Ngày mới nhẹ nhàng (2015), Tiếng gọi bến bờ (2019), Quyền được sống (2020), Đẹp, buồn và sâu thẳm (2022) cho thấy khả năng quan sát và cảm nhận cuộc sống trong chiều cung bậc cảm xúc và chiều sâu suy tưởng.
Tiểu thuyết Thế giới xô lệch (2010) tái bản lần thứ 6 với gần mười ngàn bản in, được đọc trọn vẹn trên Đài Tiếng nói Việt Nam và được chọn là tác phẩm được giới thiệu trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế mang tên Văn hóa và tín ngưỡng trong khu vực Asean đến cuối thế kỷ XXI: Đối thoại giữa quá khứ và thực tại (do Học viện Phật giáo Việt Nam và Viện Phật giáo đăng cai tổ chức năm 2017). Thế giới xô lệch là sự soi rọi nhiều chiều kích của thế giới nội tâm. Nhà văn Ma Văn Kháng viết trong lần tái bản thứ 4 “Đọc Thế giới xô lệch tôi nhớ đến câu nói của Roland Barthes tác giả của Độ không của lối viết. Ở đây, như thông lệ của nghệ thuật tiểu thuyết, với thủ đoạn là tạo nên cái giả mà như thật, câu chuyện được kể lại qua nhân vật Tôi và nhờ tài năng của tác giả, vượt qua các định kiến thông thường, kiểu viết này khiến sự chuyển dịch các điểm nhìn trở nên liên tục, tạo nên khả năng khám phá sâu vào thế giới bên trong của mỗi nhân vật và nhờ vậy sự trần thuật trở nên sinh động, phức hợp và hấp dẫn”.
Mới đây, tập thơ Nghiêng về phía nỗi đau (NXB Hội Nhà văn, 2024) được tác giả lấy bút danh đầy đủ họ tên Trịnh Bích Ngân, khi nhà văn đã trải qua hơn 30 năm cầm bút, đã mang đến cái nhìn nội quan, soi chiếu vào những trầm tích tâm hồn của con người, của cuộc đời, của nhân gian, nhanh chóng tạo được sự quan tâm của độc giả và nhiều bài trong tập thơ được in lại trên nhiều báo, tạp chí.
Ở “Một người tình thủy chung”– lời nói đầu của tập thơ, Trịnh Bích Ngân thổ lộ: “Thơ, một hình hài khác của giọt máu vắt ra từ quả tim nơi lồng ngực”1. Nghiêng về phía nỗi đau, có lẽ, là những giây phút tự tình từ trái tim tới trái tim của trái tim! Từ góc nhìn lý thuyết chấn thương, bạn đọc có thể hiểu thêm và đồng thời đồng cảm với những nỗi niềm chất chứa trong tập thơ Nghiêng về phía nỗi đau.
1. Nỗi đau mãn tính trong tâm thức sáng tạo
Lý thuyết chấn thương vốn là lĩnh vực lý thuyết trong nghiên cứu tâm bệnh học, sau phát triển thành lý thuyết nghiên cứu liên ngành được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực học thuật khoa học xã hội và nhân văn. Đặc biệt, trong nghiên cứu văn học, lý thuyết chấn thương giúp tìm hiểu cách thức văn học phản ánh và tương tác với chấn thương, giúp thấu cảm sâu sắc hơn tâm thức của chủ thể sáng tạo. Từ nhãn quan lý thuyết này, “chấn thương là hệ quả của một sự kiện gây hại đến con người về thể chất và đặc biệt là tinh thần. Sự kiện chấn thương này làm toàn bộ trạng thái tinh thần của con người đổ vỡ, phân mảnh, rối loạn, trầm uất […] cơ chế hoạt động của chấn thương rất đặc biệt, nó nằm sâu trong tiềm thức, không được nhận thức tại thời điểm xảy ra chấn thương mà thường quay trở lại ám ảnh ở giai đoạn sau qua những kí ức, khiến con người rơi vào những trạng thái không thể nói nên lời, bị kìm nén”2. Nhìn chung, chấn thương thường để lại di chứng cực đoan trong tinh thần con người. Và chấn thương như thế thường trở nên mãn tính. Nhưng với chấn thương, người nghệ sĩ có thể chưng cất trở thành những phút giây thăng hoa nghệ thuật.
Trải nghiệm đau thương quá sức chịu đựng của chủ thể, trước hết gây ra sụp đổ cấu trúc tinh thần vốn có. Vì vậy, ở giai đoạn đầu, chủ thể thường cảm thấy như bị nhấn chìm trong nỗi khổ niềm đau. Nhiều câu thơ, Bích Ngân cho thấy tình trạng đầy ắp, căng ứ niềm đau. Chủ thể trữ tình phải ngụp lặn trong nỗi khổ tâm. "Em đầy ắp/ những miền sông/ ngụp lặn thỏa thê" biểu thị những cảm xúc và ký ức chấn thương luôn ám ảnh, ngập tràn trong tâm trí tác giả. Cảm giác ngụp lặn thể hiện nỗi dằn vặt nặng nề mà chấn thương để lại đến nỗi chủ thể trữ tình muốn “chết chìm để được trôi xa”, thoát khỏi những di chứng chấn thương. Khát khao "trôi xa" cho thấy chấn thương gây ra những đau đớn không thể chịu đựng và chủ thể cơ hồ đang vùng vẫy giữa bốn bề biển khổ: “Trong quạnh vắng/ nồng nàn/ buốt lạnh/ như đáy sông/ mà em mong/ chìm sâu chìm sâu… Trong lòng tay/ siết chặt/ một vũ trụ/ khô giòn/ vỡ vụn” (tr. 18-19).
Chấn thương bao giờ cũng để lại nỗi ám ảnh hằn sâu trong vô thức. Đó là vết sẹo không thể đụng chạm nhưng có khả năng chi phối tâm tư. Nữ sĩ Trịnh Bích Ngân gọi là “Vết sẹo long lanh”. Hình ảnh "vết sẹo dài/ năm tháng" và "vết sẹo long lanh/ tợ dãy ngân hà" (tr. 41) cho thấy di chứng của chấn thương là những vết thương không bao giờ lành hoàn toàn - trở thành một phần không thể tách rời của ký ức và cuộc sống. Những vết sẹo biểu tượng của những đau khổ đã trải qua luôn hiện diện trong tâm trí. Chính điều này, ngược lại, đã khẳng định sự trường tồn của tình yêu và nỗi đau. Yêu và đau trở nên cặp biện chứng không tách rời. Việc nói "Anh và em/ mãi trẻ/ như Juliet và Romeo/ dù trái đất thêm ngàn năm tuổi" (tr. 40) cho thấy tình yêu và nỗi đau tình yêu là vĩnh cửu. Nỗi đau tình là mãn tính, kinh niên. Nhưng phải thấy thêm rằng khi trái tim yêu còn biết đau tức là trái tim người còn khát yêu, khát sống.
Dù chịu giày vò trở đi trở lại, trái tim ấy vẫn đau nguyên vẹn như đau tự thuở ban đầu. Nỗi đau từ quá khứ xa xôi lắng xuống, rồi hôm nào bỗng trào sôi trở lại, dữ dội. Nỗi đau không đến từ anh mà "như có từ nghìn năm trước". Ẩn ức đau thương như hạt giống vốn có trong tinh thần con người. Tác động bên ngoài chỉ kích hoạt nỗi đau trầm tích từ muôn lượng kiếp người trước - sau. Nỗi đau này “những câu thơ/ không thể xoa dịu/ nỗi đau không đến/ từ anh/ Nỗi đau/ như có từ nghìn năm trước/ mà lúc nào cũng/ mưng mủ” (tr. 28). Nữ sĩ họ Trịnh đã khắc họa được bản chất vô hình và dai dẳng của nỗi đau. Cách miêu tả "đeo bám như lũ đỉa đói", người thơ phát tín hiệu cho người đọc nhận thấy tình trạng tái phát dai dẳng, giày vò hồn thơ.
Bên cạnh rối loạn lo âu, chủ thể trữ tình dường như phải chịu đựng áp lực siêu hình thường trực. Hình ảnh "đá tảng đè lên ngực em" biểu thị sự đè nặng và áp lực mà tác giả cảm thấy. Điều này có thể liên quan đến những trải nghiệm cá nhân hoặc xã hội mà không nhất thiết phải do một sự kiện đơn lẻ nào gây ra, đúng hơn là tổng hòa của nhiều yếu tố và hoàn cảnh qua thời gian lâu dài. Sự tồn tại của cả "bóng tối" và "thứ ánh sáng thần linh" – sự tương phản trong cảm xúc và trạng thái tinh thần. Nguồn gốc chấn thương có thể xuất phát từ sự xung đột giữa những yếu tố tích cực và tiêu cực trong cuộc sống của tác giả. Trong tâm tưởng, dường như vẫn tiếp tục nảy sinh cuộc tranh đấu thường xuyên giữa năng lượng tiêu cực và tích cực: “Đôi lúc/ Em như kẻ mạo hiểm/ Một mình trèo lên ngọn núi/ Nơi xác thân của Hector, Achilles, của những/ Chiến binh vĩ đại/ Trong vô vàn cuộc chiến/ Đã thành đất, thành cây, thành đá tảng…” (tr. 30). Hình ảnh của "chàng Atlas" và những chiến binh vĩ đại như Hector và Achilles ám chỉ một cuộc chiến liên tục và sự đấu tranh để sống sót. Chấn thương có thể xuất phát từ những trải nghiệm chiến đấu với trở lực cuộc đời. Sống là chiến đấu với niềm đau cố nhiên!
Xa hơn, có nhiều bài thơ khiến bạn đọc nhận ra tâm thức một người nữ mất phương hướng và rối bời trong những niềm đau cũ còng lưng cõng thêm nỗi đau mới. Một mạng lưới thương tích chằng chịt, vây ráp chủ thể chữ tình: “Những nỗi đau/ không hiện hình/ như trùng trùng con sóng/ mà quăng quật/ và nén em thành/ giá băng” (tr. 29). Sự vây hãm này biểu thị qua bóng hình con người giữa bốn bề tình yêu nhưng không biết đâu lối ra. Thời gian cũng xáo trộn, ngay cả nhận thức về bản thân cũng xáo trộn: “Đôi lúc/ những tảng đá ngỡ ngủ yên/ chợt rùng rùng xoay chuyển/ và cựa quậy chẳng khác gì anh/ một chiến binh/ mang trên mình thương tích/ vẫn không rời gươm giáo” (tr. 31).
Ngoài ra, nỗi đau mãn tính còn biểu thị như một “lực cản” khiến cho chủ thể trữ tình cơ hồ cứ quay trở lại quá khứ mà không thể vực mình tiến tới tương lai, vượt qua đau thương. Đây là biểu hiện chung của tinh thần thương tích. Người ta thường có xu hướng vùi mình vào khổ lụy không đứng dậy được. Song, trong chính mớ tro tàn ấy, hẳn còn một cơ hội, chỉ là chúng ta phải nắm bắt hoặc là không bao giờ!
2. Tình trạng mâu thuẫn, đứt gãy liên kết sống hậu chấn thương
Nặng nề hơn, tổn thương khiến cho chủ thể trữ tình mất kết nối với cuộc đời và chính mình. Chấn thương dẫn đến đứt gãy liên kết sống có thể biểu hiện qua sự phá vỡ trật tự thời gian tuyến tính. Tác phẩm thi ca xuất hiện sự xáo trộn, tái hiện, lắp ghép thời gian. Chuỗi thời gian rời rạc cũng chính là những mảnh vụn ký ức đau thương. Ngoài ra, những câu thơ như "huyết cầu như không còn đủ/ em tái nhợt/ giữa lằn ranh/ tử sinh" (tr. 28) cho thấy chấn thương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của tác giả. Nỗi đau đã làm cho tác giả cảm thấy mệt mỏi, yếu đuối và gần như mất hết sức lực. Nỗi đau đã "ngăn em và anh" dù khoảng cách rất gần - thật rất gần. Sự buốt lạnh "trên chiếc giường ấm êm" và việc "khước từ anh, khước từ cả ái ân" cho thấy chấn thương đã khiến tác giả cảm thấy cô đơn và cách trở nghìn trùng trong chính mối quan hệ của mình, không thể cảm nhận sự ấm áp và tình cảm từ người mình yêu - yêu đến chết và hoàn toàn thuộc về nhau như hoàn toàn thuộc về cái chết! Cảm giác mất phương hướng và lạc lõng. Hình ảnh "lơ ngơ lạc bước/ trong ngôi nhà" cho thấy di chứng của chấn thương là sự mất phương hướng, lạc lõng và không còn cảm giác an toàn hay thuộc về một nơi nào đó.
Rải rác trong Nghiêng về phía nỗi đau, bạn đọc cũng sẽ thấy những mảnh vụn vang ra tiếng nói khác nhau: hoặc chủ thể trữ tình đã phân thân, hoặc có những trắc diện khác nhau của một chủ thể trữ tình. Dù gì những trắc diện đó cũng biểu hiện sự day dứt, đau đáu khôn nguôi của tâm hồn thương tích. Nỗi đau như những dòng máu trong thân vẫn không ngừng chảy: “Vết thương sẽ lên da non/ mạch máu tiếp nối chu trình/ tuần hoàn của nó/ tiếp tục nuôi cái cơ thể vận hành/ với những trúc trắc của tháng năm/ cùng nỗi đau ngấm vào huyết quản/ và tuần hoàn/ như máu/ Nỗi đau của tôi/ máu đỏ trong tôi/ vẫn không ngừng chảy” (tr. 79). Hiện thân phân mảnh này, những tiếng nói u uẩn của hồn đau thương cũng phần nào cho thấy sự đa dạng của trải nghiệm đau thương. Đó là những vết trầy xước khắp châu thân nghệ thuật.
Trong số những trải nghiệm, nữ sĩ Trịnh Bích Ngân khiến bạn đọc nhiều lần tụt dốc vào hố thẳm tình yêu. Nỗi tuyệt vọng, bất lực trước cảm giác mình như trở nên vô hình, như không còn giá trị gì khi đứng trước tình yêu. Hồn thơ Trịnh Bích Ngân như đã chấp nhận tình trạng mất mát, bị bỏ rơi. Từ đó, hồn thơ lại rơi vào tình thế bị tách biệt, cảm thấy bơ vơ, lạc loài, cô lẻ, bị dìm sâu trong quạnh vắng: “Trong quạnh vắng/ trong vô ngôn/ lồng ngực em/ căng tràn/ miền cỏ/…/ Trong quạnh vắng/ nụ hôn anh/ nồng nàn/ buốt lạnh/ như đáy sông/ mà em mong/ chìm sâu chìm sâu” (tr. 18). Nữ sĩ họ Trịnh mang cảm thức ngụp lặn trong biển tối mênh mông. Không chỉ một mà rất nhiều bài thơ của Trịnh Bích Ngân trong Nghiêng về phía nỗi đau khiến người đọc nhận ra hồn thi nhân chập chờn, chới với trong niềm đau tuyệt vọng chẳng khác người huơ tay vẫy cứu giữa biển cả đêm tối mịt mùng!
Như lún sâu vào niềm đau, trong nhiều bài thơ (Khoảng cách đôi bờ, Máu vẫn không ngừng chảy, Định mệnh…), Trịnh Bích Ngân cho thấy tình trạng đứt gãy liên kết sống. Chủ thể trữ tình tê liệt về mặt cảm xúc. Có khi hồn thơ như mắc kẹt trong căn nhà ký ức, hoàn toàn không còn khả năng hoặc muốn giẫy giụa, chỉ muốn mãi mãi ở lại căn nhà năm cũ: “Nhiều ngày qua/ tôi không thể rứt khỏi bão giông/ ngay cả khi một mình ngồi thu lu trong im lặng” (tr. 100). Thậm chí hồn thơ cảm tưởng như tận thế lơ lửng đâu đó trên đầu, như ngày càng gần hơn đến hố tử thần. Có phải vì vậy mà người thấy cõi trần gian đâu đâu cũng thương tích: “Đừng tiếp tục trải lòng tham bịt kín mặt đất/ thương tích cỗi cằn/ Đừng tiếp tục đẩy nhân loại chạy nhanh hơn/ tới hố tử thần” (tr. 158). Liệu có phải nhân sinh quan bi thảm, khi mà nhà thơ chỉ nhìn thấy trên cõi trần ¾ nước mắt, với đầy rẫy “ác tâm” của nhân loại! Không phải vậy! Người thơ đã gióng tiếng kêu gọi. Đó là còn khao khát một ý nguyện vượt thoát, còn ước nguyện cho thế gian trở lại lành lặn. Mượn ý thơ Xuân Diệu, Trịnh Bích Ngân đã nhìn thấy vẻ đẹp trong vết tích thương đau trần ai nước mắt.
Vượt lên trên bình diện đời sống, thi ca như sự lạ hóa/ thi vị hóa nhận thức. Nhưng không giống như vậy, nhận thức bị chấn thương trở nên biến dạng, méo mó, rất khác với thủ pháp “lạ hóa” (được V. Shklovski bàn đến)3. “Sự lạ” hay méo mó do chấn thương gây ra là tình trạng tinh thần bị chấn động mạnh, dẫn đến nhận thức đời sống bị đổ vỡ, biến dạng. Đó là do những mãnh lực câu kéo ngược chiều khiến cho thần trí cảm thấy căng cứng và nghẹt thở, tri giác về thế giới bị bóp méo4. Đó là niềm đau mâu thuẫn nội tại tinh thần cứ trở đi trở lại, sau khi cơn đau thể chất đã qua đi. Biểu hiện của biến dạng nhận thức có thể thấy qua trạng thái nhầm lẫn hoặc không chắc chắn về đối tượng ngoại vật. Những tín hiệu ngôn ngữ bấy giờ trở nên tín hiệu kêu cứu hoặc chỉ đơn giản vì đau nên thốt nên lời ai oán: “Nhiều ngày qua/ tai tôi cứ vang lên bản giao hưởng “Định mệnh”” (tr. 100). Có thể là bất cứ bài giao hưởng nào bởi mỗi người sẽ nghe ra bài giao hưởng riêng của đời mình. Thanh âm của số phận sẽ vọng lại sau nhiều lần ta trải nghiệm tổn thương. Càng gắng gượng vực dậy, thanh âm bài giao hưởng đời mình càng rõ ràng. Trịnh Bích Ngân có lối so sánh rất thú vị giữa thanh âm số phận và virus gây bệnh như cách nói đến sự di căn của niềm đau: “Có thể virus gây bệnh tiếp tục biến thể và sinh sôi/ Có thể tiếng thì thầm rõ hơn trong bóng tối/ Có thể những hố sâu tiếp tục cản lối/ Có thể ngày tận thế lơ lửng đâu đó trên đầu” (tr. 101). Nếu niềm đau ấy kéo dài, nó có khả năng biến thiên thần trở thành ác quỷ: “Trên mặt đất/ hố sâu giàu nghèo/ vực thẳm bất công/ huyệt mộ nhung nhúc virus của cái ác/ trước nụ mầm cái thiện trầy trật nở hoa/ Joker lộn nhào xuống hố sâu/ ngụp lặn kêu gào trong vô vọng/ trí não và quả tim/ làm mồi/ cho cái ác/ và biến anh thành quỷ dữ” (tr. 112-113).
Lời thơ lắm khi tràn ra từ nỗi hoang mang, âu lo, bồn chồn; đâu đó là hình bóng một người thất thần bởi bất chợt rơi vào vực thẳm niềm đau năm cũ – niềm đau như vết bẩn tháng năm tẩy rửa mãi không sạch: “Những vết bẩn làm người đàn bà/ lồm cồm thức dậy lúc 2 giờ sáng/ dù chỉ tẩy rửa được những vết bẩn/ có thể tẩy rửa/ Những vết bẩn không thể tẩy rửa/ cứ lừng lững nghênh ngang/ như nhà không chủ như phố không người/ Nhưng vết bẩn/ tước đi giấc ngủ/ tước đi bình yên/ và tước cả khói hương” (tr. 73). Nữ sĩ họ Trịnh khiến bạn đọc như thấy đá tảng nặng nề đè bẹp tâm can. Có khi lại là nỗi sợ hãi, hoảng loạn, một niềm âu lo đột ngột bất chợt đến. Chính vì vậy, những câu thơ của Trịnh Bích Ngân lại càng mê hoặc bởi tạo ra lực hấp dẫn rơi vào tâm lõi đau thương. Có lẽ điều đó sẽ khiến bạn đọc nhận ra những ưu tư phiền muộn trong đời mình bởi đời sống ai cũng sẵn có thương tích khác nhau!
Tuy nhiên, không phải thơ Trịnh Bích Ngân chỉ có những phút ủ dột u sầu, thơ ấy còn có những thời khắc hưng cảm nồng nàn cháy bỏng. Hồn thơ Trịnh Bích Ngân ẩn chứa những thái cực tuyệt đích của cảm xúc. Có những giờ khổ lụy miên man nhưng cũng có khi thiết tha cào xé: “Một nén hương cho mày/ Một thân xác đang được ủ kín trong quan tài/ Một linh hồn thoát khỏi những cơn đau xâu xé/ Một người đã chết từ lâu/…/ Van mày/ đừng mang theo thù hận/ xuống mồ/ Bởi tao/ cũng đã chết/ khi thành kẻ cắm sừng” (tr. 74-75). Cầm nén hương, cảm xúc hưng phát, trào sôi như niềm đau vọt lên, bứt phá thần trí. Như tia máu trong tim phọt tung lên trang thơ, ấy là khi đau thương rưng rức đau trở lại. Triệu chứng này cứ tái diễn trong những lúc hồn thơ ít khi ngờ đến: “Nỗi đau/ luồn sâu huyết quản/ đôi lúc như những dòng nham thạch/ phun trào” (tr. 96). Đời người như lòng hồ không ngừng tích tụ trải nghiệm, có cả đau khổ lẫn niềm vui, song tất cả sẽ lắng đọng dưới đáy vô thức. Một phút nào ý thức không thể làm chủ, bột phát thành cơn bão trầm tích làm cho tâm trí bỗng dưng ngầu đục vết thương ngày xưa. Dường như trong số những trải nghiệm đời người, niềm đau vẫn nhiều hơn vui sướng. Có đến “hai phần ba, ba phần tư hay nhiều hơn” nước mắt đời người, Trịnh Bích Ngân đã thi vị hóa điều đó thành ra nét tương đồng với độ nghiêng của trái đất. Bởi đời người trầm luân nên cõi người cũng “nghiêng về phía nỗi đau” chứ không phải nghiêng về phía vui sướng, địa cầu này vì thế cũng nghiêng về phía u buồn.
Cõi người u buồn như thế, những tưởng thi nhân sẽ hoàn toàn bị độ nghiêng của trái đất xô lệch về chỗ tiêu cực; nhưng không, người thơ vẫn giữ lấy khát vọng. Chính đó, người thơ nhận ra đời người ngắn ngủi vô cùng, liệu có đủ thời gian để yêu thương, lấy đâu thời giờ sấp ngửa với thế cuộc: “Anh và em/ có kịp yêu thương/ có kịp tha thứ/ có kịp nắm tay nhau/ cho đến khi/ tóc không còn bạc hơn được nữa” (tr. 97). Trong câu hỏi hư không ấy, người đọc thấy ít nhiều sự cuống quýt, hốt hoảng. Nỗi rúng động, kinh hãi thời gian hữu hạn. Cơ hồ, người đọc hiểu rằng, nữ sĩ Trịnh Bích Ngân đang vẫy vùng để cố ngoi lên khỏi vũng lầy đau thương: “Nỗi đau/ những cánh hoa/ xòe ra từ lồng ngực/ những giọt sương thật trong/ tan ra từ tinh cầu/ khởi sinh/ ánh sáng” (tr. 98). Còn biết đau tức là còn biết sướng và hi vọng!
3. Đối diện niềm đau như cách thức chạy chữa đau thương
Chấp nhận nỗi đau cũng là một cách chạy chữa và vượt qua nỗi đau. Thực vậy, chỉ bằng cách nhìn vào và thấu hiểu niềm đau, con người ta mới nhận diện đúng đắn nguồn cơn đau khổ. Như thế, may ra có thể trải và vượt qua đau khổ! Nghiêng về phía nỗi đau như hành trình quay vào nguồn cội đau thương nội tại để rồi nếm trải, vượt qua cái khổ. Đó là hành trình từ đống tro tàn thương tích, đứng dậy, đối diện và nhận thức rõ ràng niềm đau.
Một trong số nhận thức ấy là giới hạn bất khả của đời người: “Có một thứ vắt kiệt/ như tình yêu lứa đôi/ Văn chương/ Có một thứ vắt kiệt/ như thứ tình mẫu tử/ Trách nhiệm/ Có một thứ vắt kiệt/ như thánh giá trên vai/ Lương tâm/ Có những thứ vắt kiệt/ vẫn liêu xiêu bước tiếp/ Ân tình/ Có những thứ/ không sao so sánh được/ Ngày chợt dài năm chợt ngắn/ Giới hạn đất trời/ không thu hẹp/ Miền yêu” (tr. 153). Ở ngay chính giới hạn của đời sống, người đọc phần nào có thể khám phá đời sống tâm hồn người nghệ sĩ. Bài thơ Giới hạn như cách nhà thơ đã nhìn và nhận ra. Nhận ra giới hạn tức là bắt đầu dự phóng vượt qua giới hạn.
Với Trịnh Bích Ngân, mất mát tình cảm là nguồn cơn gây tạo chấn thương (hầu như xuyên suốt tập thơ Nghiêng về phía nỗi đau). Bài thơ Hồi ức về anh thể hiện nỗi nhớ về một người đã từng quan trọng trong cuộc đời của tác giả, người mà giờ đây không còn hiện diện trong cuộc sống hằng ngày. Nỗi nhớ hàm chứa nhận thức đau đớn khi nhận ra “ngày xưa” mãi mãi trở thành quá khứ, mãi mãi bất khả. Tác giả cũng hiểu rằng có những giới hạn và chia lìa không thể vượt qua, rốt cuộc đành trôi dạt trên những nẻo đường đời khôn cùng: “Hồi ức về anh thỉnh thoảng vẫn tươi mới trong em/ Thỉnh thoảng em thấy nụ cười khinh bạc của anh/ Dù em biết anh đang giấu đi những giới hạn/ Mà lúc nào anh cũng muốn vượt qua” (tr. 9). Từ chỗ đau, nữ sữ họ Trịnh nhận thức cái khổ mặc nhiên của đời. Sống lẽ nào không đau thương. Nhà thơ như thể đã nhận thức ra sống trên đời hẳn phải nhuộm vào hồn những “mồ hôi nước mắt”: “Mình/ thật mình/ khi được một mình/ trong thế giới xô bồ/ Người/ thật người/ khi khẽ khàng/ bước trên lối đi/ đẫm sương và rắn rết/ Đời/ thật đời/ mỗi cõi riêng/ thảnh thơi/ thấm/ mồ hôi nước mắt” (tr. 148). Ở đây, bạn đọc cũng thêm hiểu cách thức người thơ nhận diện đau thương sầu khổ. Đó là quay vào chính mình, không phóng chiếu thế giới bên ngoài mà trở về thế giới nội tại. Đau khổ không phải vì đời vốn là đau khổ mà vì vốn cái tâm đau khổ đã in hằn. Vậy nên, quay vào mình và thấy những tê tái héo hon mòn mỏi của tâm. Chưa thực sự tháo gỡ nhưng có lẽ Trịnh Bích Ngân đã đặt một chân vào cửa thiền.
Bằng cách quay về với quá khứ, hồn thơ nữ sĩ họ Trịnh đối diện hồi ức đau thương (vô ý hoặc cố ý) gợi lên cảm giác mất mát, tan vỡ và cô độc. Đó cũng là cách người thơ đối diện với tan vỡ, cô độc. Đây có thể là biểu hiện của một sự kiện chấn thương khiến thế giới của tác giả sụp đổ và để lại khoảng trống lớn trong tâm hồn. Cũng bởi vì đau nên khao khát thoát khỏi nỗi đau. Kèm theo đó là cảm giác "mong chết chìm để được trôi xa", có lẽ người thơ mong muốn thoát khỏi nỗi đau: “Trong quạnh vắng/ Em đầy ắp/ Những miền sông/ Ngụp lặn thỏa thê/ Và đôi khi/ Mong/ Chết chìm/ Để được/ Trôi xa” (tr. 16). Không cưỡng lại nỗi đau, chủ thể trữ tình như dụng tâm nếm trải cho kỳ hết những cảnh khổ. Do đó, chạy chữa không nhất thiết là vùng thoát chạy khỏi nỗi đau – có khi là vùi mình vào đó nhưng cần có tâm thế tỉnh thức. Vùi mình như thế cũng như vùi một hạt giống đau thương vào lòng đất.
Trên tàn tích đau thương, Trịnh Bích Ngân nhìn thấy mầm sống mới. Khi đã vùi mình thật sâu vào hố thẳm khổ lụy đời sống, hồn thơ bỗng phát hiện ra cây trái ngọc ngà đâm chồi. Đó là tín hiệu thẩm mĩ báo hiệu sự thức tỉnh của niềm khát sống: “Có nỗi đau một mình ủ kín/ Lặng lẽ đâm chồi cây trái ngọc ngà/ Có trái ngang ngửa mặt lên trời/ Hứng lệ rơi từ cao xanh lộng lẫy/ Có âu yếm môi mềm mắt ướt/ Bện khát khao thảm nắng mới bên thềm/ Có giai điệu đẫm miền day dứt/ Vùi thật sâu trong thương nhớ khôn cùng” (tr. 151). Người đọc hiểu ở một trái tim càng biết đau, càng lún sâu vào niềm đau thì cũng chính trái tim ấy chất chứa khả lực khát sống mãnh liệt: “Ta gọi ta tháng năm tuổi trẻ/ Cháy tận cùng củi lửa trong ta/ Và còn lại tro tàn rực rỡ/ Một chân trời vẫn ánh bình minh” (tr. 140). Nữ sĩ Trịnh Bích Ngân như vẫn còn vướng chân trong niềm đau nhưng đã ngửa mặt nhìn trời cao rộng lớn, hướng tầm mắt đến tia nắng ban mai. Những bài thơ ở đầu tập thơ có phần sầu lụy u uẩn, đến những bài thơ gần cuối tập thơ, người đọc như thấy bóng tối dần chuyển động rạng đông: sương tan đưa đêm vào ngày! Đó là hành trình nếm trải đau thương và chạy chữa đau thương trong hồn thơ Trịnh Bích Ngân.
Chính vì thế, nữ sĩ họ Trịnh lạy tạ nỗi buồn. Chính là lúc này, khi hồn thơ chấp nhận buồn phiền như mặc nhiên của nhân thế. Đời người vốn dĩ buồn nhiều hơn vui! Lẽ đó, hãy lạy tạ nỗi buồn vì đã khiến cho ta trở nên thực sự con người trong cõi đời này: “Thêm ưu phiền em nhặt được từ anh/ người không coi nỗi buồn là tài sản/ Em gom hết nỗi buồn của mẹ của cha/ của những người quên trái tim mình được khóc/ Em gom cả nỗi buồn của đám mây ầng ậc nước/ mà cơn mưa vắt ngược phía cầu vồng/ Em vay mượn cả nỗi buồn thiên cổ/ khúc ma hời kẽo kẹt tiếng võng đưa” (tr. 155). Gom tất cả nỗi buồn để rồi người thơ “Xin lạy tạ nỗi buồn giăng mắc”. Qua đoạn đường trần ai thương tổn, tâm hồn con người bấy giờ đã đầy rẫy những vết sẹo. Những vết sẹo vô tình đơm bông kết trái, những trái cây đau khổ của một kiếp người. Với những gì đã trải qua, người ta có thể đặt ra câu hỏi về nghĩa lý đời sống đã nếm trải. Liệu ta có thực sống một đời xứng đáng hay chưa?
“Rồi ai cũng về chốn ấy/ Nơi không còn phập phồng/ âu lo/ Rồi ai cũng về chốn ấy/ Nơi đớn đau không còn/ dày vò/ Rồi ai cũng về chốn ấy/ Nơi máu và nước mắt/ tươi nâu/ như đất/ Rồi ai cũng về chốn ấy/ gắng gỏi yêu thương/ ký thác/ cỏ cây” (tr. 121). Rõ ràng, gieo hạt đau thương, hồn thơ Trịnh Bích Ngân đã đâm chồi mầm xanh hi vọng!
4. Những điểm tựa nâng đỡ tâm hồn đau thương
Như đã nói, nguồn cơn thương tích nổi bật trong Nghiêng về phía nỗi đau: tình yêu. Yêu đời, yêu người, yêu tất cả… vì khát yêu nên đau khổ vì yêu. Nhưng chính từ nguồn cội đau thương, Trịnh Bích Ngân tìm thấy điểm tựa tâm hồn. Một chữ “tình” sau khi đã giày vò hồn khổ, cuối cùng lại trở thành điểm tin vịn tối hậu của đời người và đời thơ: “Trước vĩnh cửu/ ta gồng mình/ hữu hạn/ Trước trang viết/ ta không ngừng/ tẩy xóa/ Trước trời cao/ những cánh chim/ bạt gió/ Trước biển rộng/ kiếp dã tràng/ say sóng/ trước trang đời/ ta ngọng ngịu/ tình ơi!” (tr. 150). Phải chăng đời người khổ vì cái mà người cảm thấy trân quý? Càng trân quý, cầu vọng điều gì thì điều đó tiềm tàng nguy cơ gây khổ cho ta. Nhưng chính cái khổ ấy, đời mới thành ra được lấp đầy! Nếu không có một chữ “tình”, biết đâu lại chẳng có đời người, đời thơ. Như vậy, nguồn khổ hóa ra lại là điểm tựa nâng đỡ hồn khổ!
Trong khi đó, bài thơ Ở cự ly gần sử dụng hình tượng Phật và dòng sông Hằng để biểu thị nỗi đau cùng khát khao được an ủi. Những hình ảnh này tạo ra một không gian cảm xúc phong phú và giúp người đọc cảm nhận được những khổ lụy sâu xa của tác giả. Bài thơ kết hợp giữa những hình ảnh và âm thanh của quá khứ với cảm nhận và trải nghiệm trong hiện tại. Điều đó tạo ra một sự kết nối mạnh mẽ giữa quá khứ và hiện tại, nhấn mạnh sự tồn tại vĩnh cửu của chấn thương. Hình ảnh "tất cả vẫn vẹn nguyên" và "nữ thần mãi giơ cao ngọn đuốc" thể hiện sự bất biến và cố định của những trải nghiệm và biểu tượng trong tâm trí. Việc này giúp tăng cường cảm giác chấn thương và nỗi đau, đồng thời thể hiện sự không thể thay đổi và sự trường tồn của những cảm xúc này: “Phía trời xanh/ mây đang trôi/ thời gian đang trôi/ Phật tọa thiền/ phiên bản nữ thần tự do tay giơ cao ngọn giáo/ tách cà phê nguội và đắng/ thấm dần/ trong một ban mai” (tr. 50). Ánh ban mai đã xua tan gam màu u ám và khêu sáng hồn thi sĩ. Bằng cách lắp ghép các hình ảnh có vẻ rời rạc, người thơ chuyển tải hi vọng vượt khổ, vươn đến tự do và trở lại trong sự tỉnh thức ở giây phút hiện tại. Cảm hứng tôn giáo giúp người đọc phần nào nắm bắt điểm tựa tinh thần của nữ sĩ họ Trịnh trong đau thương.
Ngoài tôn giáo, người thơ đã tin vịn vào nghệ thuật. Nghệ thuật trở nên điểm tựa cho hồn khổ. Thi ca cứu rỗi hồn đau bằng cách bất tử hóa niềm đau: “Những con chữ/ từ ngàn xưa/ vẫn đắm say/ và bao dung/ trước dòng đời/ nghiệt ngã/ Những con chữ/ không thăng hoa/ nỗi đau/ thành/ vòng nguyệt quế/ trên đầu/ Những con chữ/ linh hồn/ bất tử” (tr. 139). Từ nhãn quan lý thuyết chấn thương, niềm đau có thể dẫn đến những hành vi hoặc hồi tưởng lặp đi lặp lại khi tâm trí cố gắng xử lý trải nghiệm choáng ngợp và việc xử lý này có thể đưa tới sự thăng hoa (trong trường hợp người nghệ sĩ). Tác phẩm văn học có thể sử dụng các motif, hình ảnh hoặc cảnh lặp đi lặp lại để phản ánh khía cạnh chấn thương này. Có những bài thơ của Trịnh Bích Ngân lặp đi lặp lại những nỗi đau như: mất mát, đau buồn, cái chết, dòng sông, bóng đêm… Nữ sĩ họ Trịnh đã sử dụng chính chất liệu đau thương để biến thành chất liệu nghệ thuật. Vẻ đẹp ở đây là vẻ đẹp của những vết sẹo! Thi ca là điểm tựa giúp chạy chữa cho tâm hồn.
5. Thay lời kết
Trong tập thơ Nghiêng về phía nỗi đau, nữ sĩ Trịnh Bích Ngân thường sử dụng không gian bóng tối, có phần hoang tưởng để biểu trưng nỗi sợ hãi, bơ vơ hoặc trạng thái tuyệt vọng. Nó có thể đại diện cho vô thức, nơi có thể ẩn chứa những ký ức đau thương. Lẽ đó, người thơ hay sử dụng hình ảnh này để khắc họa niềm đau u uẩn trong tâm thức. Trịnh Bích Ngân cũng sử dụng khá phổ biến sự bí ẩn của bóng tối và đêm sâu để khắc họa niềm đau. Bóng tối trong thơ Trịnh Bích Ngân tượng trưng cho những tác động kéo dài của chấn thương, những vùng tối của bản ngã bị che khuất hoặc bị kìm nén tích tụ từ quá khứ đến hiện tại.
Ngoài ra, Trịnh Bích Ngân thường sử dụng những hình ảnh thơ trong tình trạng tan vỡ, phân mảnh để minh họa cho tâm thức đứt gãy. Bởi niềm đau không có hình thù nên được tư duy nghệ thuật nhào nặn thành những hiện thể cảm quan. Tuy vậy, thơ ca khiến cho những hiện thể cảm quan đó thành ra niềm đau hữu hình, có thể sờ lấy, cảm được nỗi đau rõ ràng. Chẳng hạn như gương, thủy tinh hoặc các đồ vật dễ vỡ khác được sử dụng để minh họa cho cảm giác tan vỡ của bản ngã hoặc sự phân mảnh của ký ức. Những mảnh vỡ đó còn tượng trưng cho những ký ức không trọn vẹn hoặc căn tính đứt gãy hậu chấn thương.
Vết thương gắn với máu và sẹo, hai hình ảnh này cũng được sử dụng khá phổ biến để khắc họa chấn thương. Vết thương tượng trưng cho nỗi đau và sự đau khổ do chấn thương, dù là về tình cảm, tâm lý hay thể chất. Chúng cũng có thể tượng trưng cho sự tổn thương và khả năng chạy chữa nhưng để lành lặn thật sự thì không thể, mà chỉ có thể trở thành sẹo: “Anh và em/ hai tinh cầu xa lạ/ va vào nhau/ bỏng cháy thịt da/ và còn lại/ vết sẹo dài/ năm tháng/ Vết sẹo long lanh/ tợ dãy ngân hà” (tr. 41). Điều đáng nói, chính từ vết sẹo đó, Trịnh Bích Ngân chuyển hóa, nhào nặn trở nên chất liệu nghệ thuật. Thật kỳ diệu, Trịnh Bích Ngân gọi đó là những vết sẹo long lanh. Sẹo tượng trưng cho sự tác động lâu dài của chấn thương, những dấu vết hữu hình để lại trên tinh thần hoặc cơ thể. Vết sẹo cũng như dấu hiệu mãi nhắc nhớ chủ thể trữ tình về niềm đau. Cơn đau không mất đi, chỉ là cô đọng lại, chờ đó và một ngày trỗi dậy, biến thành vẻ đẹp của đời người.
Nữ sĩ họ Trịnh khai thác những chủ đề liên quan đến nỗi đau, tình yêu và các vấn đề xã hội. Phong cách của Trịnh Bích Ngân thường có sự kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn, với một cái nhìn sâu sắc về con người và cuộc sống; đồng thời khám phá các khía cạnh tinh tế của cảm xúc và tâm lý con người, đặc biệt là những trải nghiệm đau thương. Vì thế, Nghiêng về phía nỗi đau chính là hành trình đi từ bóng tối ra ánh sáng, đi từ chấn thương đến chỗ đối diện để chạy chữa vết thương. Thi ca trở thành phương tiện tuyệt diệu chạy chữa tâm hồn. Có lẽ vậy, Trịnh Bích Ngân tâm tình cùng người đọc: “Tập thơ này được viết bằng một trái tim trụi trần hạnh phúc” (tr. 5). Trong khi chấn thương có thể là chủ đề trung tâm, thơ hiện đại không chỉ tập trung vào đau khổ. Không chỉ phản ánh niềm đau, Trịnh Bích Ngân còn mô tả quá trình chữa lành, biến đổi và tìm kiếm hi vọng sau chấn thương. Đây là một thông điệp mạnh mẽ về sự kiên cường và khả năng vượt qua nghịch cảnh của tinh thần con người.
Nghiêng về phía nỗi đau đi từ bóng tối đến ánh sáng!
Chú thích:
1 Trịnh Bích Ngân (2024), Nghiêng về phía nỗi đau, NXB Hội Nhà văn, tr. 4. Từ đây, sau mỗi trích dẫn thơ từ tập thơ này sẽ được ghi chú trực tiếp số trang (tr.).
2, 4 Đặng Hoàng Oanh (2021): “Phác thảo hành trình của lí thuyết chấn thương trong lịch sử tư tưởng phương Tây”, Tạp chí Khoa học - Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, tập 18, số 4/2021, tr. 666.
3 V. Shklovski nói: “Thủ pháp nghệ thuật là thủ pháp làm “lạ hóa” sự vật, là thủ pháp tạo ra sự phức tạp hóa, nó tăng thêm những cảm thụ khó khăn và kéo dài”. Dẫn theo Phạm Ngọc Hiền (2016): “Khuynh hướng nghiên cứu ngôn ngữ - hình thức trong thi pháp học”, Thông tin Khoa học xã hội, số 8/2016, tr. 23.