GIỌNG ĐIỆU TRONG NGÔN NGỮ KỂ CHUYỆN CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN MINH CHÂU*

Bài viết phân tích ngôn ngữ kể chuyện từ điểm nhìn không biết hết trong hai truyện ngắn ''Khách ở quê ra'' và ''Phiên chợ Giát''. Từ điểm nhìn đó, xuất hiện giọng điệu dân dã đời thường trong lời văn trần thuật, làm nên vẻ đẹp cho hình tượng nhân vật. Giọng điệu ngôn ngữ kể chuyện này đã làm nên thành công của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong trào lưu đổi mới tư duy sáng tạo của văn học Việt Nam sau 1975.

   Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn lớn của văn học hiện đại Việt Nam. Những tác phẩm của ông giai đoạn trước 1975 có giọng ca ngợi, cổ vũ động viên tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước. Sau 1975, ngòi bút của ông tập trung vào việc thể hiện cuộc sống phức tạp đa chiều bằng những giọng điệu mới. Sinh ra trên mảnh đất Quỳnh Lưu, Nghệ An, Khách ở quê raPhiên chợ Giát là hai truyện ngắn liên hoàn của ông viết về người nông dân quê mình. Một trong những yếu tố làm nên thành công của hai truyện ngắn này là chất giọng đời thường trong ngôn ngữ người kể chuyện. Chất giọng đó, không chỉ làm nên giá trị nội dung nghệ thuật cho câu chuyện mà nó còn thể hiện sâu sắc tấm lòng tha thiết, gắn bó của ông với quê hương xứ Nghệ.

   1. Vài nét về sự thay đổi giọng điệu trong tác phẩm của Nguyễn Minh Châu trước và sau 1975

   Giọng và giọng điệu là một trong những yếu tố quan trọng làm nên nét đặc trưng riêng cho mỗi loại hình lời văn nghệ thuật. Nó còn góp phần khu biệt đặc trưng phong cách của mỗi nhà văn và mỗi phong cách sáng tác. Trong Ngữ âm học, giọng chỉ mặt âm thanh được phát ngôn, còn trong Ngữ pháp học, giọng được dùng để mô tả phạm trù thuộc về lời nói, liên quan đến quan hệ giữa chủ thể, khách thể và hành động được biểu đạt bởi động từ ngoại động. Theo Lê Huy Bắc, trong phê bình văn học, khi đề cập đến âm thanh của tác phẩm, các nhà phê bình thường dùng hai khái niệm: voice và tone. Trong đó, voice được định nghĩa là giọng còn tone là giọng điệu1. Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì giọng điệu là “Thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn, quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm…”2.

   Giọng và giọng điệu cũng chịu sự chi phối của điểm nhìn (point of view) nhưng lại góp phần thể hiện điểm nhìn. Chính vì vậy, khi tìm hiểu giọng điệu trong hai truyện ngắn Khách ở quê raPhiên chợ Giát, không thể không tìm hiểu các điểm nhìn của người kể chuyện trong hai tác phẩm đó.

   Trước 1975, giống như các nhà văn cách mạng, sáng tác của Nguyễn Minh Châu thể hiện tinh thần cổ vũ động viên cho cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm đi đến thắng lợi, tiến tới thống nhất đất nước. Giai đoạn đó, trong hầu hết các tác phẩm của ông thường có người kể chuyện hàm ẩn - tác giả, mang điểm nhìn toàn tri. Từ điểm nhìn đó, người kể chuyện tái hiện lại hiện thực như một nội dung đã được hoàn kết, theo những cách diễn đạt, những hình tượng phần nào có tính khuôn mẫu. Giọng điệu ngôn ngữ ở đó là thứ ngôn ngữ đơn giọng, độc thoại. Người đọc chỉ thấy toàn một giọng của người kể truyện mang âm hưởng hào hùng, sảng khoái, ngợi ca tin tưởng: “Thoa xách khẩu súng bước ra trước hàng quân, trực tiếp làm động tác chiến đấu mẫu mực cho chiến sĩ xem. Động tác của Thoa chậm, nhưng gọn và chính xác. Rõ ràng Thoa hãy còn dồi dào sức lực, cái sức lực dẻo dai của người nông dân quen xốc vác từ tấm bé. Thoa co chân nhảy qua một đoạn hào rồi nâng súng trên hai tay chạy thẳng về hướng địch. Các chiến sĩ theo dõi từng cử chỉ nhỏ của chính trị viên. Lúc anh chạy qua trước mặt, họ chỉ trông thấy một mảng lưng né nghiêng, ánh đầu mũi lê hơi loáng lên, và tiếng hô “xung phong” của Thoa chợt xé màn sương thét lên dữ dội trên cánh đồng, tiếng thét quả cảm, lẫm liệt khiến cho vài cậu chiến sĩ phải giật mình”3. Trong đoạn trích trên, ta thấy hình tượng người cán bộ chiến sĩ hiện lên đẹp một cách hoàn hảo. Các động tác huấn luyện của anh mạnh mẽ, dứt khoát. Ngoại hình của anh, dù không được miêu tả cụ thể, nhưng chỉ qua vài nét phác họa cũng giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của một trang nam nhi khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Người đọc sẽ bị choáng ngợp ngay lập tức về một tinh thần thép, một ý chí sắt đá được toát lên từ vóc dáng đến hành động và đặc biệt tiếng hô “xung phong” của anh được miêu tả thành một biểu tượng cho ý chí quyết tâm giành lại độc lập, tự do của dân tộc.

   Sau 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu xuất hiện nhiều giọng điệu mới. Vẫn là đề tài chiến tranh nhưng bên cạnh giọng tự tin, tự hào của người kể chuyện có điểm nhìn toàn tri – người kể chuyện biết tuốt, xuất hiện giọng hoài nghi, giọng triết lý tranh biện của “người kể chuyện không biết hết”. Truyện ngắn Bức tranh có rất nhiều đoạn thể hiện nhiều giọng điệu đan xen của người kể chuyện. Tác giả đã sử dụng nghệ thuật độc thoại nội tâm để cho nhân vật người kể chuyện xưng tôi “lội” vào tâm trạng người họa sĩ, tái hiện suy nghĩ, xúc cảm, làm xuất hiện trong các tác phẩm kiểu “lời nửa trực tiếp” (lời văn gián tiếp hai giọng). Ta sẽ thấy có hai giọng điệu, hai quan điểm mâu thuẫn nhau, tranh biện với nhau. Một giọng điệu là của nhân vật người họa sĩ bao biện cho hành động “nuốt lời hứa” của mình với người chiến sĩ năm xưa – người đã suýt hi sinh để bảo vệ những bức tranh quý cho người họa sĩ mang ra Miền Bắc để dự triển lãm: “Tôi là một nghệ sĩ chứ có phải đâu một anh thợ vẽ truyền thần, công việc người nghệ sĩ là phục vụ cả một số đông người, chứ không phải chỉ phục vụ một người! Anh chỉ là một cá nhân với một cái chuyện của riêng anh, anh hãy chịu để tôi quên đi, để phục vụ cho cái đích lớn lao hơn. Anh đã thấy đấy, bức “Chân dung chiến sĩ giải phóng” đã đóng góp đôi chút vào công việc làm cho thế giới hiểu cuộc kháng chiến của chúng ta thêm?”.

   Đối lập với giọng bao biện trên là giọng điệu kết tội từ điểm nhìn của người chiến sĩ: “- A ha! Vì mục đích phục vụ số đông của người nghệ sĩ cho nên anh quên tôi đi hả... Có quyền lừa dối hả? Thôi, anh bước khỏi mắt tôi đi. Anh cút đi”.

   Sau chiến tranh, đặc biệt từ 1986, lời văn có tính đối thoại nhiều giọng điệu đã xuất hiện khá phổ biến trong các sáng tác, đem lại hơi thở mới, sức sống mới cho văn học hiện đại. Đặc trưng của loại lời văn này, theo quan điểm của M. Bakhtin là: trên nền một phát ngôn tồn tại hai tiếng nói, hai điểm nhìn4. Trong đoạn trích truyện ngắn Một bàn tay và chín bàn tay, về hình thức cú pháp là lời của người kể chuyện nhưng trên nền ngôn từ đó đã xuất hiện bóng dáng nội tâm của nhân vật, những suy nghĩ của anh ta về tình yêu, cuộc sống của mình.

   2. Giọng và giọng điệu trong Khách ở quê raPhiên chợ Giát

   Khảo sát ngôn ngữ kể chuyện trong Phiên chợ GiátKhách ở quê ra, ta thấy có nhiều thành phần ngôn ngữ khẩu ngữ. Trước hết đó là các từ định danh gọi tên sự vật theo thói quen, phong tục của địa phương: bồ ổ, lão chắt, mụ, kẻ biển, bà ké... Tính chất khẩu ngữ còn được thể hiện rất rõ qua cách dùng từ, ngữ, các hình ảnh so sánh thể hiện sự liên tưởng hồn nhiên, dân dã. Các cách diễn đạt mang đậm lối nói năng, suy nghĩ của một người nông dân xứ Nghệ. Tất cả đều đem đến cho truyện một sắc thái tự nhiên dân dã, suồng sã, thân mật. Đó là cách sử dụng nhiều hình ảnh so sánh rất đặc sắc, độc đáo, cách diễn đạt thô mộc của người nông dân: “Đêm nằm bên vợ, bây giờ hắn thấy trên khuôn ngực trắng như ngó sen tự nhiên úp vào hai cái vung chằm bằng thứ vải Tô Châu mới xanh biếc như hai con cánh cam to tổ bố, nom đến tức mắt”.

   Khách ở quê ra được kể từ điểm nhìn của người kể chuyện ở ngôi thứ ba. Người kể chuyện này đã tựa vào điểm nhìn của Định để kể, nhưng trong đoạn văn trên, điểm nhìn ấy đã được chuyển sang cho nhân vật Khúng để từ đó người đọc được thấy trực tiếp những suy nghĩ của lão về người vợ vốn gốc gác “nhà thành phố” mà lão tưởng lão đã thuần phục được: “Từ rất lâu, vợ hắn tưởng đã quên hẳn thói quen mặc áo lót mình. Sau mỗi lứa đẻ, hai bầu vú để thỗn thệ, bây giờ “co” người trở lại gọn gàng, và chiếc nịt vú của người đàn bà cũng may bằng thứ mặt hàng quân phục”. Từ điểm nhìn của lão thì quá trình từ người con gái thành phố trở thành người nông dân sống tận nơi hoang vu rừng núi và quá trình ngược trở lại, đang “đô thị hoá” của người vợ được đánh dấu bằng những hình ảnh vừa đẹp một cách trong trắng thanh khiết, nguyên sơ: “khuôn ngực trắng như ngó sen”, lại vừa được thể hiện qua những hình ảnh thô mộc như chính cái cuộc sống phồn thực của họ: chiếc nịt vú như “hai cái vung nồi”; như “hai con cánh cam to tổ bố”. Được tự do thể hiện cách nhìn nhận của mình trước hiện thực, ngôn ngữ của nhân vật hướng tới đối thoại với người đọc mà không bị lệ thuộc vào văn cảnh của người kể chuyện. Giống như người họa sĩ đang dùng màu sắc tạo nên bức tranh, chất liệu ngôn ngữ của lão Khúng cũng đang tạo nên một bức tranh hiện thực sống động qua những hình ảnh so sánh đầy bất ngờ, nhiều liên tưởng độc đáo và những tình thái từ (những từ được in đậm) thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá: “Sao mà người nào cũng y như ngâm lâu ngày trong bể nước mới vớt lên? Da thịt người đâu mà cứ trắng nhợt, mà người nào người nấy cứ mềm oặt, mềm như sợi bún, từ cái ngón tay đến sợi tóc đều mềm, tiếng nói cũng mềm, dáng đi điệu đứng lại càng mềm, nhất là cái tiếng cười lại mới thật là mềm chứ?” hoặc “đã già, mặt mũi lại đen nhẻm y như đít nồi kho cá”.

   Được tiếp xúc với ngôn ngữ đời thường của lão, người đọc vừa có cảm giác thích thú vì được thấy những ý nghĩ ngộ nghĩnh qua hình ảnh so sánh mộc mạc, dân dã của lão, lại vừa như được đối thoại với lão, với người kể chuyện về một thực tại, một vấn đề có ý nghĩa nhân sinh: Bao giờ những người dân quê như lão mới được thoát khỏi cuộc sống tù túng, mới được tiếp cận với nền văn minh đô thị?

   Sự đối lập giữa nông thôn và thành thị trở nên sinh động thuyết phục hơn qua hình ảnh so sánh kép của lão: “các em đã từng biết cái tiện lợi của ô tô và tàu bay so với chiếc xe đạp, vậy như anh đây ở nhà quê trong ấy, suốt đời đẩy xe cút kít thì một chiếc xe bánh lốp ô tô có ổ bi với con trâu kéo, đã là ô tô, tàu bay rồi đấy!”. Đặt vào miệng lão Khúng một hình ảnh so sánh kép, tác giả càng làm nổi bật hơn sự khác nhau gay gắt giữa những người như lão và những người dân thành phố. Phải là một lão nông đã trải bao đắng chát mặn mòi của thân phận người dân quê chỉ có hai bàn tay trắng khai hoang lập nghiệp, mới có những hình ảnh so sánh như thấm cả vào đó cái vất vả, chua chát của một cuộc đời. Cuộc đời ấy đã mài dũa lên những hình ảnh so sánh sắc sảo của lão, cũng “tạo nặn” lên dáng vẻ con người lão từ cái nhìn cận cảnh của Định – người chú ruột. Đây là khuôn mặt của lão Khúng: “những đường nét gãy khúc đầy khắc khổ với những khoảng lồi lõm y như những tảng đất cày đắp lên” và bàn tay của lão thì “chẳng còn là hình thù một bàn tay con người nữa! Hai bàn tay lão đầy những chỗ nổi u nổi cục, các ngón vặn vẹo và bọc một lớp da giống như một thứ vỏ cây, và cả bàn tay lão giống y như một toà rễ cây vừa mới đào dưới đất lên”, còn thân hình lão thì “y như một con bọ hung vừa từ dưới lỗ chui lên, vừa đen vừa gầy, vừa già vừa xấu”. Những chi tiết rất thực ấy về lão nông dân có tên là Khúng được phản ánh từ điểm nhìn của người chú ruột đang sinh sống ở thành phố. Nhưng ông ta cũng là người được sinh ra và lớn lên ở cái làng quê nghèo khó. Hơn nữa, ông cũng đã chứng kiến việc lão Khúng đã phải đổ bao mồ hôi và cả máu xuống mảnh đất chó ăn đá, gà ăn sỏi để biến nó thành mảnh đất tốt tươi. Từ một nơi ma thiêng nước độc, giờ đây đã là “một vùng đất bát ngát cứ xanh um lên, không phải màu xanh hoang dã của rừng nữa, mà là lạc, mía, chè, mít, bầu bí và xa xa dưới chân đồi trước nhà là lúa, lúa đang vào chắc...”. Chính từ điểm nhìn ấy mà ông chú đã nhìn ra khuôn mặt người cháu của mình như được tượng hình lên từ những khó khăn, gian khổ. Những dấu vết khắc nghiệt của cuộc tranh chấp khốc liệt với thiên nhiên hoang dã đã hằn in lên gương mặt, lên bàn tay lao động của người cháu. Đặt điểm nhìn của người kể chuyện giữa cuộc đời thường, nhà văn đã “chộp” được những hình ảnh so sánh độc đáo, được tạo nên bằng cái ngôn ngữ như vừa được “bới lên” vẫn còn “hăng nồng” mùi đất cát của người dân quê: u cục, lồi lõm, tảng đất cày, đắp, vặn vẹo, vỏ cây, toà rễ cây, đào đất, bọ hung, lỗ, chui. Cái người nông dân “này” mà từ gương mặt, bàn tay cho đến thân hình của lão đều như đã được cái thiên nhiên khắc nghiệt ở đây “nghiền nát” rồi tái tạo lại theo cách riêng của nó, để ở đây ta bắt gặp một người nông dân đích thực theo cái nghĩa được sinh ra từ đất hòa lẫn vào với đất, phải bám sâu vào đất để sinh tồn.

   Từ quan điểm đổi mới cách nghĩ, cách viết, đổi mới tư duy nghệ thuật, Nguyễn Minh Châu đã làm một cuộc cách mạng về ngôn ngữ trong lời văn nghệ thuật của mình. Lời văn trong các bức tranh miêu tả ngoại hình cũng không còn đơn thuần chỉ là những lời miêu tả. Nó không phải là công việc lấy những từ có sẵn lấp đầy vào những khuôn hình có sẵn. Đúng như Hoàng Ngọc Hiến từng phân biệt hai cách viết văn xuôi: “Kể lại nội dung” và “Viết nội dung”. “Kể lại nội dung” chỉ quan tâm tới việc “kể cái gì”, còn khi “viết nội dung” nhà văn sẽ phải trăn trở “kể như thế nào”? Sự kết hợp giữa việc “viết cái gì” và “viết như thế nào” sẽ tạo ra “sức căng” cho câu văn, mạch văn, “làm cho câu văn, mạch văn có giọng, có hồn”5. Trong Khách ở quê raPhiên chợ Giát, nhà văn Nguyễn Minh Châu thực sự đã “viết nội dung” cho nhân vật lão Khúng. Với điểm nhìn của một người kể chuyện không biết hết, người nông dân mà cụ thể là lão Khúng đã trở nên là chính lão mà không chịu sự sắp đặt, gọt tỉa của ai. Lão là lão với ngoại hình và cả những suy nghĩ đều là của riêng lão và tất cả được tạo nên bằng chất liệu ngôn ngữ mang giọng điệu của chính nhân vật, của một lão nông đặc sệt, của một vùng đất thuần nông xứ Nghệ – hồn nhiên dân dã, đậm phong cách khẩu ngữ, đời thường.

   Điểm nhìn trong Khách ở quê ra Phiên chợ Giát luôn được di chuyển, khi thì ở người kể chuyện, khi thì lại ở nhân vật. Từ điểm nhìn của mình, lão Khúng được tự do bày tỏ, thể hiện những quan điểm suy nghĩ trên mọi lĩnh vực. Dưới đây là quan điểm của lão về cái gọi là “sinh đẻ có kế hoạch” - ấy là theo cách gọi văn minh khoa học của người chú, còn như lão thì đó là “mỗi lứa đẻ” là “làm ra con người”. Theo lão thì “làm ra con người khó đếch gì?”. Lão đã đồng nghĩa vợ lão với một cái “máy đẻ” khi cho rằng “cái kho người nằm trong bụng vợ chứ có ở đâu xa?”. Vì lão nghĩ: “đã dám bỏ làng bìu ríu nhau lên sống giữa chốn rừng thiêng hoang vắng đến nửa ngày không gặp một người thì phải có thêm người chứ. Không có thật đông người làm sao dọn hết đá?”. Đó chính là những suy nghĩ hết sức lạc hậu, kết quả của lối làm ăn manh mún, sản xuất nhỏ có từ hàng ngàn năm, đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của lão Khúng. Tư tưởng thích đông người cũng là dấu vết của tư tưởng phong kiến vẫn còn hằn in trong đầu óc lão. Tư tưởng này trong tầng lớp thống trị là đông con thì nhiều phúc, còn ở lão, một người nông dân chỉ có hai bàn tay trắng đi khai hoang lập nghiệp thì phải đông con mới có nhiều nhân lực. Cái “nội dung” về nhân vật lão Khúng được sản sinh ra từ cái ngôn ngữ mang điểm nhìn từ “đời thường” ở đây trở nên thật phong phú và đầy bất ngờ. Điểm nhìn ấy được tạo nên nhờ việc tác giả đã thu hẹp cái khoảng cách giữa tác giả và nhân vật. Vì vậy mà tính cách của lão, ngôn ngữ của lão cũng thật phức tạp, phong phú, chứa đựng nhiều sắc thái thẩm mĩ.

   Thoát khỏi điểm nhìn cố định của một người kể chuyện biết hết, trong Phiên chợ Giát Khách ở quê ra, điểm nhìn của người kể chuyện đã được di chuyển linh hoạt sang cho nhân vật. Vì vậy, lão Khúng được hồn nhiên nói năng suy nghĩ, tái hiện lại các chặng đường đã qua của gia đình lão bằng chất liệu ngôn ngữ xù xì, thô nhám, thông tục, suồng sã. Một giọng điệu ngôn ngữ không những gần gũi với cuộc đời thường vì có rất nhiều thành phần của khẩu ngữ mà cú pháp của câu văn cũng rất linh hoạt, đầy biểu cảm theo lối nói dân gian. Qua lời ăn tiếng nói của lão, người ta nhận ra con người lão vừa đơn giản vừa phức tạp. Lão là một người “nông dân ròng”, rất nghèo, nghèo đến mức phải bỏ quê vào tận vùng ma thiêng nước độc hòng khai khẩn đất hoang để kiếm ăn, nhưng lão cũng rất táo bạo, liều lĩnh. Cũng như người nông dân ngàn đời gắn bó yêu quý đất đai, lão rất say sưa với việc khai hoang mở đất. Cái vùng đất lão mới lên lập nghiệp chỉ toàn có đá. Lão đã khai thác triệt để cái “kho người nằm trong bụng vợ lão”. Đó là kho nhân lực vô cùng quý báu của lão. Ấy vậy mà khi Tổ quốc cần, lão đã “trao cho bộ đội quách”. Trong câu văn trên, phó từ “quách” với nghĩa “ngay lập tức cho xong chuyện” đã thể hiện một thái độ dứt khoát, không do dự, một tinh thần trách nhiệm cao của vợ chồng lão với Tổ quốc. Vợ chồng lão đã lấy đó làm điều “vinh dự, sung sướng”. Nhưng lão vẫn là một con người, một người cha! Khi đoàn tàu có thằng Dũng con trai lão chuyển bánh vào Nam, lão đã không che giấu được cảm xúc rất chân thật của một ông bố: “Nhưng mà tiếc! Nhưng mà nhớ nó lắm!”.

   Tất cả mọi vấn đề dù có mang tính khoa học, trừu tượng, cao siêu bao nhiêu, qua sự suy nghĩ của lão đều trở thành mộc mạc, đơn giản đầy hình ảnh, đôi khi thể hiện cách tư duy hết sức ngô nghê đến tức cười. Sự kiện một con người ra đời qua cách diễn đạt của lão chẳng còn thiêng liêng cao cả nữa: “Làm ra con người khó đếch gì?”. Trợ từ “đếch” cùng với câu hỏi tu từ đã phủ nhận dứt khoát điều đó. Bất luận vấn đề cần bàn thuộc lĩnh vực nào, lão cũng nói bằng cách nói thông tục, dân dã của riêng lão: “Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, lão thấy bình tâm hơn, bởi anh nông dân suốt đời đi sau mông con bò như lão thì là cái thá gì mà cũng đòi hỏi có một ngôi sao ứng mệnh ở tận trên trời? (1) Có mà đến Tết (2). Ngồi thèo đảnh trên cái càng xe bò, tự nhiên lão Khúng thấy ngượng nghịu, tõn tẽn vì đã đề cao cá nhân mình lên quá mức, y như cái lần ông Bời cứ bắt buộc lão lên ngồi ghế chủ tịch đoàn trong đại hội nông dân xã (3). Rồi lão chặc lưỡi một cái thật kêu (4). Cái lão Khúng này thiết đếch gì! (5) Sao với chả trăng! (6) Cho mặt trời, ông cũng đếch thiết nữa là (7). Lão chỉ thiết cái mặt đất ở dưới chân với mấy mảnh ruộng vỡ hoang được thuộc sở hữu gia đình lão” (8).

   Với tâm lý của một người nông dân nghèo, lão Khúng chỉ có một mối lo lớn nhất là miếng ăn cho gia đình lão. Ngoài vấn đề “cái đói”, “cái ăn” trong gia đình, lão không coi cái gì là quan trọng nữa. Điểm nhìn đoạn văn được di chuyển linh hoạt từ người kể chuyện chuyển sang lão Khúng, để ở những lời văn từ điểm nhìn của lão ta thấy rất rõ những diễn biến tâm lý phức tạp trong con người lão. Câu (1) và câu (2) là từ điểm nhìn của lão Khúng. Động từ “nghĩ” như một dấu hiệu minh định cho điều đó. Những hình ảnh, ngôn từ thuộc phong cách khẩu ngữ: “đi sau mông con bò”, “là cái thá gì mà cũng đòi”, “có mà đến Tết!” đã thể hiện thật sinh động cái tâm lý mặc cảm tự ti, hạ thấp mình, tự giễu cợt mình của lão. Nhưng nét tâm lý đó ngay lập tức được thay bằng tâm lý bất cần, đề cao cá nhân, coi thường tất cả những cái gì phù phiếm, không liên quan đến miếng ăn, cái mặc của gia đình lão: “cái lão Khúng này thiết đếch gì!” (5). Sao với chả trăng! (6). Cho mặt trời, ông cũng đếch thiết nữa là! (7). Trợ từ “đếch” ở câu số (5) biểu thị ý nhấn mạnh với sắc thái thông tục, có liên hệ hồi chỉ với câu số (4) ở trên nhằm phủ định cái danh hão mà chủ tịch Bời cứ cố tình khoác vào lão. Cũng vẫn bằng sắc thái thông tục suồng sã, phó từ “đếch” ở câu số (7) trong cụm động từ “cũng đếch thiết” có quan hệ hồi chỉ với câu (6) nhằm tăng cường ý phủ định cái tư tưởng mê tín “mỗi người có một ngôi sao ứng mệnh”. Ngoài ra, nhờ việc sắp xếp các từ cùng trường nghĩa: sao, trăng, mặt trời của các câu (6) và (7) ta còn thấy một nét nghĩa mới trong ý nghĩ của lão Khúng. Ở câu (6), trợ từ “với” xen vào giữa sao và trăng đã thể hiện ý mỉa mai, bất cần của lão. Sang đến câu (7) thì các từ: sao, trăng và mặt trời là cùng trường nghĩa nhưng “mặt trời” lại to hơn và sáng hơn gấp nhiều lần sao và trăng. Theo cái lối suy diễn rất thô mộc của lão, nếu như ai đó có mặt trời ứng mệnh thì người đó phải có mệnh thiên tử, nhưng lão “cũng đếch thiết”, vì đó là những cái chẳng ăn được. Nó không giúp lão làm ra hạt lúa, củ khoai để làm no bụng đàn con của lão, cả nhà lão.

   Chuyển điểm nhìn trần thuật cho lão Khúng, người đọc được nghe chính lão tâm sự, được thấy những ý nghĩ rất ngô nghê nhưng cũng rất thiết thực trong lòng lão. Người đọc được tiếp cận hiện thực cuộc sống trong tác phẩm bằng chính cái ngôn từ quê kệch, xù xì, thô mộc của những người dân quê vốn giản dị, cần mẫn. Được thưởng thức giọng văn đầy gồ ghề, trắc trở, câu văn như có ngấm cả cái vị mặn mòi, chua chát của cuộc sống của những người dân biển quanh năm vất vả, lam lũ. Cả đoạn ấy có 8 câu thì những câu số (3), (4), (8) là những câu được kể từ điểm nhìn của người kể chuyện. Còn lại là lời của lão Khúng từ điểm nhìn của lão. Tất cả những lời của lão đều là những câu chứa đầy sắc thái biểu cảm. Câu (1) kết thúc là một câu hỏi, nhưng thực ra đó là câu hỏi tu từ, hỏi nhưng để giễu cái thứ bậc thấp kém của mình. Các câu (5), (6), (7) đều kết thúc bằng dấu chấm than. Những dấu cảm thán đó đều nhằm bộc lộ ở mức độ cao thái độ phủ định hoặc coi thường của nhân vật trước hiện thực.

   Bằng việc rút ngắn khoảng cách giữa người kể chuyện và nhân vật, tác giả đã tái hiện lại thật sống động hình tượng người nông dân quê Nghệ An – người nông dân của ngày xưa và của hiện tại hôm nay. Nhãn quan ngôn ngữ sinh hoạt đời thường đã kể ra nhân vật lão Khúng đúng như lão – một người nông dân xứ Nghệ từ cuộc đời thường bước vào trang sách mà nói năng, suy nghĩ, hành động. Nhãn quan đó đã mô phỏng lại hiện thực đúng như là nó vốn có bằng một chất liệu ngôn ngữ đậm chất phương ngữ Nghệ Tĩnh, như vừa được “xắn” lên từ cuộc sống của vùng quê lam lũ, khó khăn nhưng cũng rất khẳng khái, dám nghĩ dám làm.

   Với ngôn ngữ mang giọng điệu sinh hoạt đời thường của người nông dân, lời văn trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu từ chỗ có giọng điệu trữ tình, sôi nổi ngợi ca, hào sảng, giờ đây trở nên gai góc hơn, trầm lắng hơn, nhiều trắc ẩn hơn bởi vì nó gần gũi với con người, cuộc đời hơn. Hiện thực được phản ánh trong hai truyện ngắn Khách ở quê raPhiên chợ Giát là lão Khúng một “người nông dân ròng”. Từ điểm nhìn bên trong, ta thấy được những suy nghĩ, những quan điểm của lão, của một người nông dân mà sự gắn bó với đất đai được đẩy đến mức hồn nhiên, táo bạo. Sự gắn bó máu thịt ấy còn được thể hiện ngay ở ngoại hình có vẻ hơi “cổ quái” của lão. Nhìn cái ngoại hình kỳ dị ấy và được chứng kiến công cuộc khai hoang đầy nhọc nhằn, vất vả của người cháu – lão Khúng, ông chú như đang được chứng kiến cái lịch sử “khai sơn lập địa” của cha ông từ thuở “hồng hoang”. Bức tranh ngoại hình của lão Khúng từ điểm nhìn của người chú, đã lớn hơn ý nghĩa của bản thân nó. Những hình ảnh, những từ ngữ có trong hai bức tranh miêu tả về khuôn mặt, bàn tay của lão Khúng đều khiến người đọc dễ dàng liên tưởng tới cái số phận nhọc nhằn mà vĩ đại của người nông dân. Một bàn tay với những “u”, “cục” và “y như một toà rễ vừa mới đào dưới đất lên”, còn khuôn mặt thì “gãy khúc”, “lồi lõm”, “y như những tảng đất cày vừa mới đắp lên”. Đó chẳng phải là mối quan hệ thiêng liêng giữa con người với đất đai đã có từ ngàn xưa và cái bàn tay xù xì, thô kệch kia chẳng phải là bàn tay của tổ tiên ta từ thuở khai thiên lập địa đã biết kiên trì cải tạo đất hoang, làm nên giang sơn gấm vóc hôm nay cho chúng ta. Những từ ngữ miêu tả ngoại hình của lão Khúng vừa chứng tỏ ngôn ngữ kể chuyện của Nguyễn Minh Châu sau 1975 vẫn mang những nét phong cách ngôn ngữ riêng (ngôn ngữ kể chuyện có nhiều thành phần ngôn ngữ miêu tả và hình ảnh biểu tượng), vừa thể hiện sự sáng tạo của ông. Những từ ngữ miêu tả có tính biểu tượng: gãy khúc, lồi lõm, tảng đất cày, nổi u nổi cục, vặn vẹo, vỏ cây, toàn rễ cây, đào dưới đất lên, bọ hung, dưới lỗ chui lên đã trở thành những biểu tượng ngôn ngữ. Theo Nguyễn Thái Hòa thì đó là những biểu tượng trong sáng tạo văn học, tức là những hình ảnh, tín hiệu ngôn ngữ trong tác phẩm văn học có tính khái quát và phổ biến đến mức có khả năng gợi ra một hình ảnh khác hoặc một số phẩm chất, một số đặc trưng khác với đối tượng được biểu hiện6.

   3. Kết luận

   Giọng điệu là một khái niệm thuộc thi pháp học. Ngay từ những năm giữa thế kỷ XX, Roman Jakobson đã khẳng định vai trò của thi pháp trong việc tìm hiểu văn bản của một tác phẩm văn học: Thời đại mà những nhà ngôn ngữ học và nghiên cứu văn học không đếm xỉa đến thi pháp học đã qua đi không trở lại... giờ đây tất cả chúng ta đã hiểu rõ rằng một nhà ngôn ngữ học dửng dưng với chức năng thơ của ngôn ngữ, cũng như một nhà nghiên cứu văn học thờ ơ với những vấn đề ngôn ngữ học, xa lạ với các phương pháp ngôn ngữ học là một hiện tượng lỗi thời quá mức như thế nào. Với tinh thần đó, bài viết đã sử dụng các phương pháp của ngôn ngữ học làm nổi bật chức năng thơ – giọng điệu suồng sã của những lời văn có tính đối thoại nội tại qua văn bản ngôn từ của Khách ở quê raPhiên chợ Giát. Được kể ra bằng lời văn có giọng đối thoại đa thanh, hình tượng lão Khúng trong Khách ở quê ra và Phiên chợ Giát đã đánh dấu sự thành công của Nguyễn Minh Châu trong trào lưu đổi mới sáng tạo văn chương sau 1975. Trao điểm nhìn kể chuyện cho nhân vật, nhà văn đã làm xuất hiện một chất liệu ngôn ngữ mới, một giọng điệu mới mang hơi thở của cuộc sống. Nhà văn đã đi xa nhưng thành công của ông, sự dũng cảm, điềm đạm của ông trong văn chương thể hiện qua hình tượng nghệ thuật nhân vật lão Khúng sẽ còn lại mãi trong niềm tôn kính của nhiều thế hệ bạn đọc.

 

 

 

Chú thích:
* Khảo sát trường hợp Khách ở quê ra và Phiên chợ Giát.
1 Lê Huy Bắc: “Giọng và giọng điệu trong văn xuôi hiện đại”, Tạp chí Văn học, số 9/1998, tr. 73.
2 Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục.
3 Những trích dẫn tác phẩm trong bài viết được chúng tôi dẫn từ: Nguyễn Minh Châu (2006), Tuyển tập truyện ngắn, NXB Văn học.
4 M. Bakhtin (1998), Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch), NXB Giáo dục.
5 Hoàng Ngọc Hiến (2004), “Kể lại nội dung và viết nội dung”, Kỷ yếu Hội thảo Tự sự học (2002), Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm, tr. 97-108.
6 Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, NXB Giáo dục.

Bình luận

    Chưa có bình luận