Quê nội Nguyễn Đình Thi ở Phú Xuyên, trấn Sơn Nam Thượng xưa, sau chuyển cư lên làng Vũ Thạch, Hà Nội (thuộc phố Bà Triệu ngày nay, nơi gần Hồ Gươm). Ông ngoại Nguyễn Đình Thi người Hà Tĩnh, những năm đầu thế kỷ XX đã tham gia phong trào chống Pháp, phải đưa gia đình phiêu dạt sang Lào. Thân sinh Nguyễn Đình Thi là viên chức Sở Bưu điện Đông Dương, phải thuyên chuyển công việc qua nhiều nơi, trong đó có thời gian dài ở Lào. Nguyễn Đình Thi được sinh ra tại Luang Prabang - Lào, ngày 20 tháng 12 năm 1924, ngay từ thơ ấu đã nay đây mai đó cùng cha mẹ. Địa phương cư trú tương đối lâu của gia đình là vùng Phongsaly - Lào, gần biên giới với Trung Quốc và Myanmar. Đến năm 1931, gia đình ông chuyển về nước và vẫn phải nay đây mai đó, lúc ở Hà Nội, khi vào Sài Gòn - Chợ Lớn, nơi cư ngụ lâu nhất là Hải Phòng. Tuổi niên thiếu của Nguyễn Đinh Thi gắn bó nhiều với đất cảng, từng học ở Trường Bonal (nay là Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền) cùng với Văn Cao. Nguyễn Đình Thi và Văn Cao chơi thân với nhau từ những ngày niên thiếu đó, rồi cùng tham gia phong trào Hướng đạo sinh tại Hải Phòng.
Dẫu phải về Hà Nội học tiếp trung học nhưng sau này Nguyễn Đình Thi lại gặp Văn Cao, rồi cùng được giác ngộ, tham gia Hội Văn hóa cứu quốc. Năm mười bảy tuổi, 1941, Nguyễn Đình Thi tham gia tổ chức học sinh - sinh viên trong phong trào Việt Minh tại Hà Nội. Những tác phẩm đầu tiên của ông xuất hiện trên báo chí thời gian này là giới thiệu triết học Tây - Âu đương thời. Một số tiểu luận của Nguyễn Đình Thi được dư luận chú ý là những bài viết về các vấn đề của đời sống Việt Nam như “Sức sống của dân Việt Nam trong ca dao, cổ tích” và “Xây dựng con người mới”. Thực chất đó là các tác phẩm mĩ học chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa Marx-Lenin. Nguyễn Đình Thi từng đăng đàn tại Nhà hát Lớn Hà Nội với bài diễn luận mang tên “Dòng máu Việt Nam chảy trong ca dao” được đông đảo người nghe nồng nhiệt tán thưởng. Năm 1942, ông đã bị mật thám thực dân Pháp bắt, đưa vào giam tại nhà tù Hỏa Lò.
Trong nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, nhà mĩ học trẻ Nguyễn Đình Thi đã gặp nhà cách mạng Trần Đăng Ninh. Chính những ngày này, Trần Đăng Ninh đã nói với Nguyễn Đình Thi: “Nghe nói nhà cậu ở Hải Phòng có cửa hàng bán đàn guitare, chắc cậu biết nhạc? Nếu thế thì hãy viết bài hát đánh phát xit đi, không cứ để tù nhân họ ô ố hát bài hát Nhật, nghe khó chịu lắm…”. Bởi gợi ý đó mà chỉ ít ngày sau, ngay trong nhà tù Hỏa Lò, nhà mĩ học trẻ đã sáng tác xong ca khúc Diệt phát xít nổi tiếng; đời sống văn nghệ Việt Nam có thêm nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Năm 1943, ông tham gia tổ chức Văn hóa cứu quốc, được giao nhiệm vụ phụ trách Báo Độc lập và tham gia biên soạn Tạp chí Tiên phong. Cuối năm 1944, ông lại bị mật thám thực dân Pháp bắt giam tại Nam Định. Năm 1945, ông là đại biểu chính thức tham gia Quốc dân Đại hội tại Tân Trào và được cử vào Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam. Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Đình Thi được bầu làm Tổng Thư ký Hội Văn hóa cứu quốc. Ông tham gia Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa khóa I, trong Ban Dự thảo Hiến pháp và là ủy viên Ban Thường trực Quốc hội. Cuối năm 1945, Nguyễn Đình Thi cùng một số văn nghệ sĩ, trí thức cách mạng như Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Như Phong, Tô Hoài, Hải Triều… tập trung sức lực và tài năng làm Tạp chí Tiên phong, cơ quan ngôn luận của Hội Văn hóa cứu quốc. Đến thời gian này, bài hát Diệt phát xít của ông đã được dân chúng biết đến như bài ca mang khát vọng của mình trong một thời đại mới!
Năm 1946, kháng chiến chống Pháp bùng nổ trên quy mô toàn quốc, cơ quan Hội Văn hóa cứu quốc chuyển về huyện Thanh Oai, Hà Đông. Nguyễn Đình Thi được tổ chức bố trí ở nhờ một gia đình người Hà Nội tản cư. Họ có một cây đàn dương cầm cũ, nhà chật, lại trong thời buổi chiến tranh, nên cây đàn bị để ngoài vườn như một thứ đồ cũ, bỏ đi cũng được. Nguyễn Đình Thi đã ngồi vào bên cây đàn này cùng nỗi lòng ngóng vọng về Hà Nội. Ông đưa tay lên phím đàn và thế là bài hát bất hủ Người Hà Nội được ra đời: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm…”. Nhà văn Tô Hoài có viết hồi ức về quãng thời gian này: “Ngày ngày tôi liên hệ với Nguyễn Đình Thi từ huyện lỵ Thanh Oai. Chúng tôi cũng dồn dập những công việc lấy tin và viết bài khẩn trương cho kịp liên lạc đem về tòa soạn và nhà in. Nhưng đêm ấy chúng tôi trú vào một ổ rơm ven đường cái. Trong ánh nến leo lắt, Nguyễn Đình Thi đọc lời và hát cho chúng tôi nghe ca khúc Người Hà Nội mà anh anh đang chữa lại đoạn cuối cho trầm hùng hơn, theo gợi ý của Thép Mới”… Con đường số phận đã đưa nhà mĩ học trẻ Nguyễn Đình Thi lao mình vào cuộc sống cách mạng và chiến đấu với những xúc cảm to lớn về nhân dân, đất nước. Do vậy mà đã bừng dậy một tài năng âm nhạc đặc biệt trong ông, khiến hai ca khúc của Nguyễn Đình Thi sống lâu bền trong đời sống đất nước. Bài Diệt phát xít đã trở thành nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam, bài Người Hà Nội đã trở thành nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội!
*
Có thể nói, mĩ học và âm nhạc mà Nguyễn Đình Thi khởi đầu sự nghiệp của mình, cũng mang ý nghĩa khai mở trong đời sống văn nghệ của thời đại mới, đã đạt tới thành công đỉnh cao ngay từ buổi ban đầu. Ông còn là một tài năng đặc sắc và phong phú trong văn học, lĩnh vực mà ông đeo đẳng suốt đời. Nói Nguyễn Đình Thi là tài năng đặc sắc và phong phú bởi vì trong lĩnh vực này, ông được ghi nhận là đã thành công cả về thơ, văn xuôi, lý luận và kịch nói. Những năm tuổi thanh xuân, trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đình Thi làm báo, viết văn xuôi và sáng tác thơ. Theo bộ đội đi nhiều chiến dịch, ông viết đều đặn những bài báo và truyện ngắn. Với tri thức sâu sắc về mĩ học hiện đại, vào năm 1947, Nguyễn Đình Thi viết “Nhận đường” – thiên tiểu luận quan trọng về lý tưởng và trách nhiệm của văn nghệ sĩ khi dân tộc vừa giành được độc lập, tự do, lại phải làm cuộc kháng chiến bảo vệ quyền tự do, độc lập ấy. Năm 1948, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam; viết nhiều cho Báo Văn nghệ. Ngoài bút danh Nguyễn Đình Thi, ông còn có bút danh Anh Nghĩa. Thực sự dấn thân, Nguyễn Đình Thi gia nhập quân đội và thường có mặt ở các chiến dịch lớn như chiến dịch Sông Thao (1949), chiến dịch Biên giới (1950), ăn gió nằm sương cùng các chiến sĩ và viết. Sau hơn hai năm, dẫu văn nghệ còn “bỡ ngỡ vì mới bước vào cuộc kháng chiến” (chữ của Nguyễn Đình Thi) nhưng nhà văn đã nhận thấy rõ “Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa mặt trận đang đúc nên văn nghệ mới của chúng ta”! Sáng tác của ông giai đoạn này là thơ tự do không vần với một nghệ thuật mới lạ, sâu đậm chất suy tưởng; đặc biệt, mạnh bạo đề cập tới nỗi đau cá nhân trong chiến tranh… Năm 1949, tại chiến khu Việt Bắc diễn ra chương trình hội thảo quy mô lớn về văn học, nghệ thuật, trong đó có một hội thảo khá đặc biệt là Hội thảo Thơ tự do không vần của Nguyễn Đình Thi. Dù đến thời điểm này, ông mới đăng trên Văn nghệ bốn bài (Không nói, Sáng mát trong như sáng năm xưa, Đường núi và Đêm mít tinh) nhưng đã được các văn nghệ sĩ tiêu biểu ở chiến khu Việt Bắc khi ấy quan tâm, tranh luận như một hiện tượng học thuật - thơ ca quan trọng, đến mức ở Khu IV có hiện tượng cá biệt là nhà thơ Lưu Trọng Lư đòi đuổi thơ tự do không vần của Nguyễn Đình Thi “ra khỏi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”! Tuy nhiên, ngay trên đất Khu IV, Hữu Loan vẫn viết thơ tự do không vần, câu chữ leo thang thoải mái, mà còn viết cả về những nỗi đau đớn về tình yêu trong chiến tranh (như bài Màu tím hoa sim). Theo quy luật, thơ ca ra đời để phụng sự đời sống và phải được hoài thai bởi những gì có trong bản ngã của nhà thơ. Thơ tự do không vần của Trần Mai Ninh, Hữu Loan và Nguyễn Đình Thi xuất hiện đột ngột trong cuộc chiến chống Pháp, như chính Nguyễn Đình Thi đã viết trong tiểu luận “Nhận đường”: “Sắt lửa mặt trận đang đúc nên văn nghệ mới của chúng ta!”. Sau chương trình hội thảo ở Việt Bắc, Nguyễn Đình Thi được chuyển sang quân đội. Sau một số bài thơ tự do không vần, Nguyễn Đình Thi có tiểu thuyết đầu tay Xung kích (Giải thưởng Hội Văn nghệ 1951-1952). Không trải ra trên cả bề mặt chiến dịch, nhà văn đi sâu vào mô tả thực tế chiến đấu của Đại đội xung kích, bởi thế, tiểu thuyết Xung kích mang đậm hơi thở cuộc sống chiến đấu và có tính tiên phong trong dòng chủ lưu của văn chương kháng chiến.
Năm 1952, ông giữ chức Chính trị viên phó một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Thủ đô cho đến hết Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1955, ông về công tác tại Hội Văn nghệ Việt Nam, giữ trách nhiệm Tổng Thư ký Hội (1956-1958). Thời kỳ này Nguyễn Đình Thi viết nhiều thơ, trong đó có bài Đất nước (mà ông lấy bài Sáng mát trong như sáng năm xưa làm khổ đầu và bài Đêm mít tinh làm khổ giữa). Đất nước là một sáng tạo lớn cả về số trang chữ và tầm vóc tư tưởng. Trong tình hình chung thơ ca khi đó mang nặng tính “chân chân chân, thật thật thật” mà Xuân Diệu đề cao, Nguyễn Đình Thi tạo được những hình ảnh rất tượng trưng, tươi mới, dồi dào xúc cảm khiến những câu thơ thực sự cất cánh:
“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”…
Dư luận đương thời ghi nhận Đất nước là thành tựu mới của thơ ca cách mạng, Nguyễn Đình Thi đột ngột đem đến cho thơ Việt lối suy cảm rộng lớn, sâu xa lạ thường. Có thể nói, ông là thi sĩ tiếp thu được sự mới lạ của thơ tượng trưng đang rất thịnh hành ở Tây - Âu đương thời và đã viết thật hay bằng tâm hồn Việt về đời sống Việt Nam:
“Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về”…
Năm 1956, Nguyễn Đình Thi cho xuất bản tập Người chiến sĩ và lập tức trở thành một hiện tượng văn chương. Do vậy, giới quan tâm và bạn đọc rộng rãi đã hiểu sự mới lạ và giá trị nhân bản trong thơ ông đã có từ những bài thơ tự do không vần hồi đang chinh chiến ở chiến khu Việt Bắc. Bằng ngôn ngữ thơ, ông đã tạo nên hình ảnh tượng trưng cao đẹp đến mức để thấy được biệt tài và vị trí tiên phong của Nguyễn Đình Thi trong nền thơ Việt Nam, người ta chỉ đọc vang lên đôi câu thơ:
“Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Mới ngoài hai mươi tuổi, tri thức về triết học hiện đại đã bộc lộ rõ trong văn Nguyễn Đình Thi (đơn cử như tiểu luận “Nhận đường”); trong thơ, ông đã vượt qua mĩ học lãng mạn, dấn bước sang chủ nghĩa tượng trưng khi đó đang lan rộng ở châu Âu. Năm 1951, Nguyễn Đình Thi được cử sang Đức dự Đại hội Thanh niên Dân chủ thế giới lần thứ III, với phong thái của một nhà văn hóa hiện đại, ông đã tìm đến phái đoàn Pháp hỏi thăm tin tức về nữ sĩ Madeleine Riffaud, tác giả Bài ca tuyệt mệnh – một tác phẩm đặc sắc của phong trào văn học yêu nước và chống phát xít xâm lược trong đời sống văn học Pháp. Nguyễn Đình Thi coi đó là một tuyệt bút chan chứa lòng tin vào chiến thắng cuối cùng của cuộc chiến đấu chung mà bà ấy và ông đang là những chiến sĩ xả thân vô điều kiện. Được một nữ đồng nghiệp của M. Riffaud tạo điều kiện cho cuộc gặp gỡ, rồi sự đồng điệu, đồng cảm thật lớn về lý tưởng chống thực dân xâm lược cũng như lối sống nhân bản đã nảy sinh một tình bạn sâu xa và đặc biệt giữa hai người. Nguyễn Đình Thi đã thổ lộ qua một kiệt tác của ông: “Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây/ Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh/ Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây” (Nhớ). Là thơ tình, một mối tình đôi lứa của hai dân tộc, thấm đẫm vẻ đẹp nhân bản:
“Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn”.
Với tấm lòng nồng nàn cùng phong thái hào hoa của một thi sĩ lớn, Nguyễn Đình Thi dành cả cho đất nước và tình yêu những bài thơ như Không nói, Người chiến sĩ, Đất nước, Nhớ… được ông viết như triết luận về tình yêu và cuộc sống của con người Việt Nam từng nếm trải qua nhiều buồn vui, sướng khổ trên chặng đường lịch sử quan trọng của dân tộc từ giữa đến cuối thế kỷ XX. Bởi thế, hình tượng thơ ông có chiều sâu về văn hóa Việt và niềm kiêu hãnh trong lý tưởng sống:
“Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người!”
(Nhớ)
*
Nguyễn Đình Thi có một vị trí quan trọng trong nền văn nghệ Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám, là tác gia duy nhất ở thế kỷ XX tạo nên những thành công lớn từ âm nhạc, thơ, văn xuôi và kịch nói.
Năm 1958, Nguyễn Đình Thi đảm nhiệm chức Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa I, rồi làm tiếp chức trách đó ở khóa II và III. Sau tập thơ Người chiến sĩ, Nguyễn Đình Thi xuất bản hai tập tiểu luận quan trọng là Mấy vấn đề văn học (1956-1958) và Một số vấn đề đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ hiện nay (1957). Từ những năm sáu mươi thế kỷ XX, ông sáng tác nhiều văn xuôi tự sự, các nhà lý luận khi đó coi ông như một nhà tiểu thuyết hàng đầu đương thời. Tiểu thuyết Vỡ bờ (tập I xuất bản năm 1962, tập II xuất bản năm 1970) là thiên tiểu thuyết tầm cỡ sử thi đầu tiên, là một đóng góp lớn cho sự phát triển của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Tiếp nữa là các tiểu thuyết Vào lửa (năm 1966) và Mặt trận trên cao (năm 1967) cũng được giới lý luận văn học khi đó đánh giá cao và coi Nguyễn Đình Thi là nghệ sĩ xuất sắc, đa tài và dường như thành công nhất của ông là thể tài tiểu thuyết. Có thể nói, thời kỳ văn chương nước ta với dòng chủ lưu là cảm hứng sử thi, Nguyễn Đình Thi là tác gia văn xuôi được đề cao bậc nhất.
Nhưng rồi, năm 1961, dư luận văn nghệ lại đột ngột xôn xao về sự táo bạo của Nguyễn Đình Thi trong kịch nói. Với sự kế thừa một truyện cổ Italia, Nguyễn Đình Thi viết vở Con nai đen với cảm hứng “kịch trữ tình - anh hùng” (nhận định của Phạm Vĩnh Cư) nhưng xung đột kịch thật sâu đậm tính triết lý, là sự xung đột giữa “thật” và “giả” thực sự thăng hoa trong văn học kịch Nguyễn Đình Thi! Con nai đen khiến giới văn nghệ trăn trở một dạo nhưng nó không được phổ biến rộng vì thời điểm năm 1961, đời sống văn nghệ đang có sự chỉnh đốn sau sự kiện Nhân văn - Giai phẩm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nghệ thuật sân khấu trong Nguyễn Đình Thi không phải là cảm hứng nhất thời, ông vẫn đeo đẳng nó, nuôi dưỡng nó trong lòng và hai mươi năm sau, xung đột kịch vừa có chiều sâu triết học vừa thăng hoa trong ngôn ngữ văn chương của Nguyễn Đình Thi lại xuất hiện trên sân khấu Việt Nam hiện đại qua các vở Hoa và Ngần, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Giấc mơ, Tiếng sóng, Rừng trúc, Trương Chi, Hòn cuội… Có thể nói, Nguyễn Đình Thi lại đột ngột trở thành nhà viết kịch hiện đại giàu trí tuệ sáng tạo bậc nhất, mỗi vở kịch của ông được dàn dựng đều trở thành một hiện tượng sân khấu!
Nói đến nghệ thuật sân khấu là nói đến xung đột kịch. Xung đột kịch Nguyễn Đình Thi thường được ông khai thác từ đời sống thật mà ông đã nếm trải, tích cóp qua những bài học trường đời. Vậy nên cả những vở kịch lịch sử của ông cũng hầu như là chuyện của con người muôn đời, không có gì cổ xưa, xa lạ mà còn khiến người xem cảm nhận nó gần gũi, xa xót, đau đớn như đương đại. Nó là những xung đột như ta thấy trong đời và trải nghiệm, khiến ta như được nhập vào trạng huống lo lắng, đôi khi sợ hãi một nguy cơ nào đó sắp xảy ra! Với nghệ thuật hút hồn như vậy, Nguyễn Đình Thi đã tạo nên sự xung đột giữa quyền lực và quyền sống tự do của con người; ở tầm mức nội dung lịch sử thì là những xung đột giữa vận nước và thân phận con người. Khi giải quyết những xung đột kịch, nhà văn đồng thời lý giải vấn đề tốt - xấu, thiện - ác, chính nghĩa - gian tà một cách thực sự minh triết. Có thể nói, nhà triết học trong kịch tác gia Nguyễn Đình Thi khiến ông sáng tạo nên những tác phẩm sân khấu với giá trị nhân văn sâu sắc hơn người. Riêng vở Rừng trúc, ông viết từ năm 1978; năm 1999, đoạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu toàn quốc và trở thành hiện tượng mới của sân khấu đương đại!
*
Nguyễn Đình Thi là câu chuyện lớn về những sự khởi đầu trong đời sống văn nghệ Việt Nam thời đại mới. Ông là một tài năng thiên phú, được kích hoạt bởi sự kiện lịch sử vô cùng lớn lao của dân tộc là Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa giành được được độc lập, lại phải tiến hành cuộc chiến bảo vệ nền độc lập non trẻ! Khởi đầu sự nghiệp nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi, như chúng tôi đã nói ở trên, là âm nhạc với ca khúc Diệt phát xít ông viết trong nhà tù Hỏa Lò “để đánh chủ nghĩa phát xít” (như lời nhà cách mạng Trần Đăng Ninh nói). Tiếp đó, bài hát Người Hà Nội, được ông viết, chỉnh sửa bên đống rơm ven đường kháng chiến, là một bản trường ca hùng tráng. Rồi lại khởi đầu trong việc xác định tư tưởng và trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong công cuộc đánh giặc để bảo vệ nền độc lập, thể hiện qua thiên tiểu luận quan trọng “Nhận đường” viết buổi đầu tại chiến khu Việt Bắc. Và nữa, sau thành tựu về âm nhạc và văn xuôi (tiểu thuyết Xung kích), Nguyễn Đình Thi lại cùng với Trần Mai Ninh và Hữu Loan đưa thơ tự do không vần vào đời sống thơ ca Việt Nam khiến giới văn chương mở cuộc hội thảo về thơ không vần của ông ở chiến khu Việt Bắc năm 1949... Một sự khởi đầu rất mạnh bạo nữa của Nguyễn Đình Thi là chủ động đưa tác phẩm văn nghệ của nước Việt Nam độc lập, tự do và cách mạng hội nhập với đời sống văn nghệ Tây - Âu! Đó là năm 1951, với tư cách đại biểu của Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Đại hội Thanh niên Dân chủ thế giới ở nước Đức, ông đã trực tiếp đọc thơ mình (bằng tiếng Pháp) cho Madeleine Riffaud (nhà thơ, phóng viên Báo Nhân đạo, đại biểu của Pháp) và các bạn quốc tế khác nghe. Rồi các năm 1955, 1956, M. Riffaud thường xuyên sang Việt Nam viết về công cuộc xây dựng lại đất nước ta sau chiến tranh, đương nhiên có những giao lưu, tình cảm với Nguyễn Đình Thi nên thơ văn Nguyễn Đình Thi qua M. Riffaud tiếp tục đến với bạn đọc Pháp và một số nước Tây - Âu. Biết việc đó, Bác Hồ đã tặng M. Riffaud hai tấm lụa; bà đã may hai bộ quần áo bà ba, một bộ mặc thường ngày, bộ kia bà cất giữ để mặc mỗi khi sang Việt Nam. Năm 1964, M. Riffaud cùng Wilfred Burchett (nhà báo nổi tiểng Australia) bí mật thâm nhập cuộc chiến chống Mĩ của Giải phóng quân ở Miền Nam, viết cho báo chí Pháp và nhiều nước trên thế giới. M. Riffaud đã gửi tác phẩm của mình tặng Hồ Chủ tịch với lời đề từ: “Kính tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lòng biết ơn vô bờ và tình yêu sâu nặng mà con dành cho Người và dân tộc của Người!”. Từ vùng giải phóng ở Miền Nam, bà ra Miền Bắc để viết về tội ác của Mĩ trong cuộc chiến tranh phá hoại và cuộc đánh trả anh hùng của quân dân Việt Nam ta với không lực Mĩ. Năm 1967, bà xuất bản tập ký sự Ở Bắc Việt Nam nói về cuộc chiến sôi động và hào hùng của Việt Nam. Năm 1968, bà dịch sang Pháp ngữ và giới thiệu tiểu thuyết Mặt trận trên cao của Nguyễn Đình Thi tại Paris…
Nguyễn Đình Thi không chỉ chủ động đưa văn thơ mình sang các nước Tây - Âu, sau này, với cương vị lãnh đạo Hội Nhà văn, ông là người đi đầu trong việc đưa thành tựu văn học Việt Nam hội nhập với văn chương quốc tế. Năm 1961, Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới) khởi lên chương trình dài hơi để quảng bá văn học Việt Nam ra quốc tế, cụ thể là dịch các tác phẩm tiêu biểu của Việt Nam sang ngôn ngữ các nước Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Nhật… Tuyển tập Chí Phèo và một số truyện ngắn của Nam Cao là ấn phẩm đầu tiên, do chính Nguyễn Đình Thi dịch sang tiếng Anh với nhan đề Chi Pheo and Other stories. Sau nhiều bài thơ và tiểu thuyết Mặt trận trên cao được giới thiệu ở Pháp và Tây - Âu, Nguyễn Đình Thi còn có nhiều tác phẩm được dịch, in ở nhiều nước: tiểu thuyết Xung kích (ở Trung Quốc và Nga); tiểu thuyết Mặt trận trên cao (ở Italia, Bồ Đào Nha, Nga, Litva, Đức, Ba Lan, Hungary, Anh, Rumani, Bungari); tiểu thuyết Vỡ bờ (ở Nga, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Armeni); vở kịch Giấc mơ (ở Hungary, Nga, Ả Rập, Anh); vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan (ở Pháp)…
Năm 1995, Nguyễn Đình Thi là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam. Đã ngoài bảy mươi tuổi, thật lạ, ông lại quan tâm nhiều đến thơ, gửi gắm, thổ lộ nhiều trong thơ:
“Tôi còn biết nói điều gì nữa
Trời đổ chiều hôm lằng lặng buồn
Cánh chim xa vắng nào bay mãi
Đường dài còn một khoảng hoàng hôn”.
(Trời chiều)
Năm 2001, Nguyễn Đình Thi xuất bản thập thơ Sóng reo. So với các tập thơ trước như Người chiến sĩ (1956), Bài thơ Hắc Hải (1959), Dòng sông trong xanh (1974) và Tia nắng (1983) thì Sóng reo chất chứa nhiều hơn những bài học trường đời và những buồn vui sướng khổ sâu kín trong lòng. Đã sống, đã yêu và đã nếm trải suốt mấy chục năm trường dốc lòng dốc sức cho sự nghiệp văn nghệ, giờ ông thốt lên:
“Tôi không nói được mình đã trải đời
Không nói được mình đã hiểu người
Không dám nói mình đã biết yêu
Không dám nói mình đã biết sống”.
(Tóc bạc)
Thơ như thế, khiêm nhường mà cũng kiêu hãnh. Nhưng có những thoáng qua, ta bắt gặp một Nguyễn Đình Thi cũng mềm lòng như bao người khác:
“Nước mưa đọng đầy mi mắt
Ngoảnh trông lại đã bạc đầu”.
khi dường như ông đã thấy sự giã biệt:
“Thoáng đời người tiếng cười khóc
Bay vào vô tận sóng reo”…
Thơ Nguyễn Đình Thi, nhất quán suốt đời, là sự hòa quyện giữa cảm xúc tươi trong và những tư tưởng nhân bản sâu lắng ông có được qua kinh nghiệm trường đời. Ngôn ngữ và hình tượng thơ ông mới lạ từ khi mới xuất hiện trên thi đàn. Hơn nửa thế kỷ sau, trong đời sống thơ ca ồn ào nhiều vẻ, thơ ông vẫn độc đáo và trầm sâu. Thơ ấy là thơ của một tâm hồn không bao giờ già, không bao giờ ngừng yêu! Chúng tôi muốn nhấn mạnh cụm từ “không bao giờ ngừng yêu” với ý nghĩa thật đối với một thi sĩ lỗi lạc và hào hoa nên xin kể thêm một chút về chuyện riêng tư của Nguyễn Đình Thi và nữ sĩ danh tiếng của nước Pháp Madeleine Riffaud. Bắt đầu từ năm 1951, họ cùng vào tuổi 26, gặp nhau trong Đại hội Thanh niên Dân chủ thế giới tại Đức. Sự đồng điệu, đồng cảm lạ lùng về lý tưởng cũng như trong phong cách sống nhân bản, văn minh nên họ đã nảy sinh mối tình hết sức đặc biệt của đôi lứa. Đối với M. Riffaud, như đã gặp được mối tình trọn đời, nó như một lý tưởng sống, nên từ đó bà quyết không nhận lời yêu ai, cũng không lập gia đình nữa. Những năm chúng tôi được làm việc gần bên nhà thơ Huy Cận, có được nghe ông kể một số chuyện về bà M. Riffaud và nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nay xin tóm tắt lại một chuyện: Trong một lá thư (viết bằng tiếng Pháp) gửi cho Nguyễn Đình Thi mà bà bắt đầu bằng hai câu ca dao (tiếng Việt): “Ông tơ ghét bỏ chi nhau/ Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi” và câu “Đôi ta là bạn thong dong/ Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng”. Khi kể cho chúng tôi nghe sự tình đó, nhà thơ Huy Cận còn nói: “Về chuyện anh Nguyễn Đình Thi với chị Madeleine Riffaud, chỉ qua một chi tiết đó thôi cũng cho thấy là rất, rất nhiều rồi!”. Còn về Nguyễn Đình Thi, tới những ngày cuối cuộc đời ông mới trao cho con trai là nhà văn Nguyễn Đình Chính chiếc cặp da cũ kỹ căng phồng, với lời dặn: “Sau khi bố mất mới được mở ra, tùy con liệu”… Trong cái cặp đó là hàng trăm bức thư, bưu thiếp với những lời yêu thương nồng nàn mà ông và bà Madeleine Riffaud trao cho nhau trong suốt hành trình yêu thương hơn nửa thế kỷ! Được biết, nữ nhà báo M. Riffaud đã tuổi cao sức yếu vẫn cùng một người bạn Pháp dịch để xuất bản tuyển tập thơ Nguyễn Đình Thi tại Paris cuối năm nay nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh Nguyễn Đình Thi. Một cộng sự thân thiết của nhà thơ Nguyễn Đình Thi những năm làm việc tại Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam là nhà thơ Bằng Việt cũng đang cộng tác với M. Riffaud và người bạn Pháp trong việc dịch thuật đó. Anh cho chúng tôi biết: Tuyển tập thơ Nguyễn Đình Thi tuyển chọn từ tất cả các bài thơ đã in và những bài di cảo nhà thơ để lại cho thân nhân, có nhan đề Lotus en bouton - éclats de soleil (Búp sen và tia nắng). Như vậy, có thể nói, dẫu Nguyễn Đình Thi đã qua đời hơn hai mươi năm nhưng mối tình của ông và bà Madeleine Riffaud vẫn đang sống đúng theo nghĩa thực của nó. Khi chúng tôi đang viết những dòng khép lại bài viết này thì được biết, tập thơ Lotus en bouton - éclats de soleil vừa in xong tại Paris, nước Pháp. Bà Madeleine Riffaud vẫn kịp cầm trong tay tuyển thơ Nguyễn Đình Thi, như một niềm hạnh phúc. Ngay sau đó vài giờ, bà lặng lẽ và bình tâm từ biệt cõi đời. Chúng tôi xin được bày tỏ lòng kính trọng cùng nỗi tiếc thương sâu nặng đối với nữ sĩ Madeleine Riffaud lỗi lạc của nước Pháp mà dường như cũng là của đời sống văn học Việt Nam!
Nghệ sĩ lỗi lạc và hào hoa Nguyễn Đình Thi tạ thế ngày 18/4/2003, để lại cuộc đời này một trí tuệ mẫn tiệp, sức sáng tạo to lớn và một tâm hồn mãi thanh xuân trong âm nhạc, trong văn, trong kịch và trong thơ ông; đồng thời, cũng để lại trong văn hóa Việt Nam một kho chuyện về một con người đã tạo nên nhiều sự khởi đầu cho đời sống văn nghệ Việt Nam thời đại mới, thời đại Độc lập - Tự do - Hạnh phúc và hội nhập thế giới!