Là một nhánh mới trong tự sự học hậu kinh điển, tự sự học queer thuộc giai đoạn phát triển sau của tự sự học nữ quyền luận, và chưa có tên gọi thống nhất. Từ nghiên cứu tự sự queer (queer narrative studies), lý thuyết tự sự queer (queer narrative theory) tới tự sự học queer (queer narratology), mỗi tên gọi lại có ngụ ý phương pháp luận khác nhau. Dù chưa có khung phương pháp luận cố định, tự sự học queer có chung tinh thần cốt lõi với lý luận queer: tính chất vấn và tính tương đối. Queer luôn gắn liền với ngữ cảnh văn hoá, lịch sử, chính trị, kinh tế xung quanh, đòi hỏi người nghiên cứu phải nhạy cảm với những biểu đạt “lệch” với cái được coi là chuẩn mực của từng thời đại. Thay vì cố gắng giới hạn tự sự queer vào một định nghĩa hay phương pháp luận, tôi tin rằng nhìn vào những bối cảnh tác động lên sự hình thành của tự sự queer sẽ là hướng tiếp cận hiệu quả hơn.
1. Mâu thuẫn tư tưởng giữa tự sự học và lý luận queer
Tự sự học queer chưa phải một nhánh ổn định trong tự sự học/ nghiên cứu tự sự, và chưa có tên gọi hay định nghĩa chính thức. Ba tên gọi thường thấy để chỉ vấn đề tính queer trong truyện kể gồm “tự sự học queer” (queer narratology), “nghiên cứu tự sự queer” (queer narrative studies) và “lý luận tự sự queer” (queer narrative theory). Dana Seitler, Tyler Bradway, Rob Gallagher dùng “tự sự học queer” như một nhánh khác của tự sự học hậu kinh điển. Mặt khác, Abby Coykendall chủ đích sử dụng “nghiên cứu tự sự queer” thay cho đuôi “-ology” (học) nhằm giải phóng tự sự ra khỏi một loại khoa học khép kín và hướng tới nghiên cứu liên ngành. “Lý luận tự sự queer” đã xuất hiện trong các nghiên cứu của Tyler Bradway, Valerie Rohy, Robyn Warhol và Susan S. Lanser, Zara Dinnen, cùng tinh thần nhấn mạnh tính mới của vấn đề queer trong lý luận tự sự. Nhìn chung, tự sự học queer vừa chú ý tới văn bản có nội dung queer rõ ràng, vừa dùng lăng kính queer với các văn bản ít được coi là queer. Nói cách khác, queer không chỉ là một yếu tố phụ trong truyện kể hay một phương thức “diễn giải” cho tự sự. Những “biến số” như bản dạng giới, giới tính, xu hướng tính dục đều có khả năng chi phối không chỉ nội dung mà cả hình thức của truyện kể1. Do đó, bài viết chọn sử dụng tự sự học queer thay vì hai tên gọi còn lại với mong muốn định vị rõ hơn vấn đề queer vẫn còn mập mờ trong quá trình phát triển của tự sự học.
Phần lớn nguyên do lý luận queer và tự sự học chưa chính thức kết hợp là bởi hai lĩnh vực coi nhau như hai tư tưởng đối lập không thể dung hợp. Theo Coykendall, cấu trúc luận vẫn có sức ảnh hưởng mạnh trong lĩnh vực tự sự học, dẫn đến quan điểm bảo thủ với những xu hướng nghiên cứu tự sự mới. Nghiên cứu queer, nữ quyền luận, hay văn hoá, đều bị coi như ở vị trí “ngoại biên” (peripheral) so với “vùng tự sự học phi chính trị, phi lịch sử”2. Ngược lại, nhiều công trình nghiên cứu queer có ảnh hưởng lớn, tuy có vận dụng lý thuyết tự sự, lại nhắm tới thách thức các đại tự sự, đôi lúc tấn công trực tiếp tính cấu trúc của tự sự học.
Tiêu biểu nhất cho xung đột tư tưởng giữa tự sự học và lý luận queer là những nhận định mang tính phản tự sự (antinarrative) của Judith Butler rằng tự sự không thể bắt trọn được những hình thái tồn tại ngoại biên. Xuyên suốt những nghiên cứu và lập luận về tính biểu đạt (performativity) của Butler, tự sự được coi là một công cụ trung tâm nhằm duy trì diễn ngôn bá quyền. Những chuẩn mực giới và tính dục được thiết lập qua các tự sự văn hoá, và cấu trúc tuyến tính của tự sự giới hạn biểu đạt những hiện tượng “bất thường”, lệch chuẩn, đứt đoạn như trải nghiệm của người chuyển giới, người liên giới, và sang chấn. No Future: Queer Theory and the Death Drive (tạm dịch: Không tương lai: Lý thuyết queer và động lực tử) của Lee Edelman đề xuất cách mường tượng khác về thời gian và tương lai có tính queer, phản kháng lại chuẩn dị tính chỉ lấy sinh sản làm điểm tham chiếu độc nhất dự phóng cho tương lai. Teresa de Lauretis định nghĩa rộng queer như văn bản có xu hướng “đi ngược lại tính tự sự, cái áp lực chung đè lên mọi tự sự rằng phải đi tới hồi kết và đáp ứng yêu cầu tạo nghĩa”, cũng như làm gián đoạn “tính tham chiếu của ngôn ngữ và tính tham chiếu của hình ảnh”3. Cuối cùng, không thể không nhắc đến Judith Roof cùng công trình Come as You are: Sexuality and Narrative (Như là chính mình: Tính dục và Tự sự). Roof đưa ra lý thuyết dựa trên phân tâm học về tính dục trong tự sự qua mô hình tự sự dị tính (hetoronarrative), tức một dạng tự sự hướng tới trình diện một thế giới nhân quả lấy dị tính làm chuẩn, qua đó làm phẳng những biến số khác, như cách Freud đã tư duy và sắp xếp lý luận về tính dục con người theo tuyến tính dị tính của tự sự bằng cách bài trừ những thứ bị coi là “biến thái” như đồng tính. Trong khi đó, cơ thể, tính dục và trải nghiệm sống của con người vốn phức tạp, phản cấu trúc, thậm chí “không thể tưởng tượng được”4 trong logic lấy dị tính làm chuẩn của tự sự.
Như vậy, tinh thần giải cấu trúc, hậu kinh điển, và phản bản chất luận mạnh mẽ của lý thuyết queer dường như đi ngược lại với những lý tưởng của tự sự. Nhưng chính sự “biến thái” của queer này lại cho tự sự học hậu kinh điển cơ hội để mở rộng theo đúng nghĩa hậu kinh điển của nó. Thay vì cố gắng phân tích truyện kể queer qua những khái niệm tự sự đã lâu chưa được định nghĩa lại như cốt truyện, cao trào, chronotope (không-thời gian), bối cảnh, câu hỏi mở rộng hơn ta có thể đặt ra là: tự sự queer thách thức cách ta hiểu về những yếu tố tự sự được thiết lập từ thời cấu trúc luận và tới giờ vẫn bất biến như thế nào?
Lý thuyết queer coi bản năng trần thuật những câu chuyện thành các chỉnh thể ngay ngắn của tự sự là yếu tố phản queer cốt lõi của tự sự học, nhưng điểm mù này cũng chính là tiềm năng để nghiên cứu tự sự đương đại thực sự bứt phá khỏi cái bóng cấu trúc luận. Vận dụng lý thuyết queer vào phân tích tự sự không chỉ góp phần làm sáng tỏ các cơ chế tiêu chuẩn hoá một số tri thức và diễn ngôn nhất định qua truyện kể. Nó còn qua đó hé lộ những tiếng nói bị ngoại biên hoá và trấn áp, đòi hỏi ta truy vết chúng qua những phương thức biểu đạt “lệch chuẩn” và thách thức cách ta cảm nhận và phản tư về nghệ thuật. Một tự sự học queer hơn sẽ giúp vạch ra sắc nét những hình thức thẩm mĩ mới mà queer mang đến cho sáng tạo văn chương và những cách hiểu khả thể về mối liên kết giữa người và người.
2. Tự sự mới: cơ hội cho tự sự học queer
Trong thập niên 80 và 90, tự sự học trải qua hai bước ngoặt lớn: Robyn Warhol và Susan Lanser đánh dấu sự khởi điểm của tự sự học nữ quyền năm 1986; David Herman đề xuất một tự sự hậu kinh điển đa nguyên, chào đón những phương pháp luận mới nhằm khám phá các hình thức và chức năng của tự sự. Đây là điều kiện khá thuận lợi để tự sự học chính thức kết hợp cùng lý thuyết queer, nhưng như bài viết trình bày ở trên, mâu thuẫn tư tưởng là một trong những lý do chủ đạo khiến hai lĩnh vực chưa có sự hợp tác phát triển đáng kể cho tới khoảng một thập niên trở lại đây. Đối tượng nghiên cứu lý tưởng nhưng bị lãng quên trong thời điểm này là phong trào Tự sự mới (New Narrative) nổi lên vào cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 tại San Francisco, Hoa Kỳ, bởi một nhóm nhỏ các nhà văn queer.
Tự sự mới được đồng khởi xướng bởi Bruce Boone và Robert Glück, cùng những nhà văn như Kathy Acker, Dodie Bellamy, Dennis Cooper, Kevin Killian, Chris Kraus, Camille Roy, Gail Scott và một số nhà văn, nghệ sĩ queer khác. Đặc điểm của các tác phẩm Tự sự mới là phá cách và thử nghiệm với các phương pháp truyện kể mới mang tính chính trị và đặt cộng đồng làm trung tâm. Cũng chính từ phong cách này mà những cây bút Tự sự mới được mô tả như một trong những nhóm “avant-garde (tiên phong) có tính queer rõ nét nhất thời hậu chiến”5. Tuy phá cách như vậy, những nhà tiên phong này lại không nhận được sự chú ý từ giới nghiên cứu văn học vào thời điểm ấy, chỉ trừ một bài khảo cứu năm 1995 của Gregory W. Bredback, “The new queer narrative: intervention and critique” (“Tự sự queer mới: can thiệp và phê bình”). Chỉ trong khoảng 10 tới 15 năm trở lại đây mới bắt đầu xuất hiện các bài nghiên cứu và phân tích Tự sự mới, phần lớn do một số các tác phẩm của phong trào này được tái bản như Great Expectations (Những kỳ vọng lớn lao) và Empire of the Senseless (Đế chế của những kẻ ngu muội) của Acker, Margery Kempe của Glück, và Heroine (Nữ anh hùng) của Scott.
Quan điểm và thực hành viết của Tự sự mới sẽ là bức tranh thực tế rõ nét nhất cho sự xung đột giữa queer và tự sự, và cũng sẽ giúp mở ra những giải pháp khả thể cho cả sáng tác và nghiên cứu tự sự và queer. Phong trào được ra đời trong bối cảnh nạn AIDS đang hoành hành tại Hoa Kỳ và không lâu sau một phòng trào khác - thơ Ngôn ngữ (Language poetry) - ra đời vào những năm 1970 với mong muốn tạo ra khoái cảm và mời gọi người đọc tham gia diễn giải qua ngôn từ. Tuy cùng theo tinh thần avant-garde, Tự sự mới cho rằng thơ Ngôn ngữ phụ thuộc quá nhiều vào “hiệu ứng trên văn bản”6, và Glück coi nó quá “trai thẳng”7, tính tham chiếu của nó vẫn còn bị chi phối bởi các tư tưởng hệ dị tính8. Quen thuộc với các lý luận hậu hiện đại của Jacques Derrida, Georges Bataille và Paul Virilio, các nhà văn Tự sự mới phần lớn dùng khái niệm “abject”9 của Julia Kristeva để mô tả sáng tác của mình, hướng tới một loại văn học phá cách, phản tư và mang tính chính trị tính dục khai phóng hơn. Họ thực hành viết trong nhiều thể loại, phổ biến nhất là tiểu thuyết và truyện ngắn, ngoài ra còn có dịch thuật, kịch, phê bình, thơ ca.
Về nội dung, gần như các tác phẩm Tự sự mới đều xoay quanh bạo lực, quan hệ tình dục, những chất liệu mang tính khiêu dâm và không có một mạch truyện rõ ràng. Harris nhận xét thêm rằng những cảnh đáng nhớ như “quan hệ trên bàn bếp hay trong hậu trường nào đó” không hẳn được viết ra để gây sốc, mà để kêu gọi sự chú ý “tới những yếu điểm trong những cấu trúc quản chế các hành vi xã hội mang tính bài trừ và thường vô hình”10. Qua những khoảnh khắc thân mật trần trụi giữa người với người, các nhà văn Tự sự mới đưa ra những chủ thể độc đáo, muôn hình vạn trạng, biến đổi giữa mạng lưới chằng chịt những diễn ngôn chính trị về tính dục. Tuy nội dung mang tính cá nhân cao, các tác phẩm Tự sự mới không chỉ đang kể về bản thân. Qua tập hợp các mảnh chuyện về tình bạn, tình yêu và tình thân nói chung, họ soi sáng những biểu hành lệch chuẩn, hành vi tính dục biến thái, những xúc cảm không thể nói ra. Sáng tác của Tự sự mới - những biểu hành tính dục - về bản chất có tính diễn ngôn và biện luận mà tính tự sự truyền thống không thể diễn đạt được, từ đó buộc người viết phải vật lộn và kiến tạo nên những hình thức tự sự phản tự sự mới.
Như vậy, mối liên kết chặt chẽ giữa hình thức và nội dung của Tự sự mới đem lại những ví dụ cụ thể về tiềm năng kết hợp và dung hoà cân bằng giữa tự sự học và nghiên cứu queer. Tự sự mới hướng tới những thứ “không thể diễn tả được”, nằm ngoài trật tự biểu trưng của xã hội chi phối bởi tri thức thông thường về tính dục “chuẩn”. Để làm được điều đó, nó phải luôn tự chất vấn cái “thực tại” đang được biểu đạt trên trang giấy. Chiêm nghiệm sáng tác của bản thân và những người bạn nhà văn, Boone rút ra thủ pháp “văn bản-siêu văn bản” (text-metatext) được Glück mô tả như “một câu chuyện luôn duy trì luồng nhận xét về chính nó từ quan điểm hiện tại” dưới hình thức “suy tư hoặc một câu chuyện thứ hai”. Văn bảnsiêu văn bản, về bản chất, được thành hình “từ kẽ hở biện chứng giữa đời thật và cuộc sống nó muốn là”11, tức giữa trải nghiệm sống thật và cuộc sống được mô phỏng/ tái hiện lại trong văn xuôi tự sự. Các tác phẩm Tự sự mới mang trên mình những nội dung khó nói, đòi hỏi hình thức phải tìm thủ pháp mới để biểu đạt được phần nào nội dung ấy. Ngược lại, hình thức cũng nhào nặn và đem lại hình hài tự sự cho những khoảnh khắc vô tưởng, ngoại biên ấy. Từ đó, ta có một thứ hình thức tự sự đậm chất queer, thách thức các nhà nghiên cứu tự sự mở rộng cách nhìn về nội dung và hình thức, về queer và tự sự.
Trong 20 năm trở lại đây, Tự sự mới như vậy đã trở lại thành đối tượng được quan tâm trong nghiên cứu tự sự queer. Minh họa rõ nét nhất cho nỗ lực kết nối queer với tự sự như hai lĩnh vực hoàn toàn có thể tương trợ lẫn nhau là phân tích của Tyler Bradway về truyện ngắn Sanchez and Day (Sanchez và Day) của Robert Glück và tiểu thuyết Những kỳ vọng lớn lao của Kathy Acker nhằm củng cố lý thuyết mới về cốt truyện xúc cảm (affect plot). Thay vì được cấu thành bởi chuỗi biểu hành bên ngoài, cốt truyện xúc cảm do xúc cảm, phản ứng, tâm tư trong mỗi nhân vật chi phối và xúc tác. Bradway mô tả đặc trưng của Tự sự mới là tính quan hệ (relationality), được dựng trên những mối liên kết cảm xúc (affect). Do bản chất diễn ngôn của queer - những thứ nằm ngoài thực tế “chuẩn” và ngôn ngữ “chuẩn” theo chế độ phụ hệ dị tính, các nhà văn Tự sự mới chỉ có thể mô phỏng lại cảm thức queer qua tính tương đối, tạo nên một “thứ thẩm mĩ đặc biệt quan tâm tới hình thức hoá ‘tính dục mất định hướng’ hay những cách mà người queer và những cá nhân bất tuân về mặt tính dục trải qua việc bị trục xuất khỏi thế giới xã hội qua bạo lực”12.
Truyện ngắn Sanchez và Day được kể từ ngôi thứ nhất, trong đó người kể chuyện đang dắt chó đi dạo thì gặp bốn người đàn ông trong chiếc xe bán tải. Ông lỡ chạm mắt với một trong bốn người đàn ông và họ bắt đầu lăng mạ, chửi bới ông là đồ đồng tính và rượt đuổi ông. Câu chuyện trên bề mặt chỉ có vậy, nhưng lời kể là chuỗi phản tư, “văn bản-siêu văn bản” về những bạo lực mà người queer gặp phải. Xuyên suốt thời gian rượt đuổi, người kể chuyện suy nghĩ về một thời thơ ấu đầy an yên, rồi phản tư về cuộc sống bấp bênh, đầy nguy hiểm của người queer. Người kể chuyện tách bản thân ra khỏi sự kiện để vừa phản tư về nó, vừa điều hướng câu hỏi về phía người đọc, gợi ra một cộng đồng thực của ngoài văn bản. Bằng cách gián đoạn tự sự tuyến tính, người kể chuyện đưa những luồng cảm xúc phát sinh lên chính mạch - hoài niệm về quá khứ, chất vấn về thực tại, băn khoăn về tương lai - qua đó trình hiện một hình thức tự sự có khả năng truyền tải được đời sống queer phức hợp, ngoại biên hoá, không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ và tự sự thông thường. Bradway coi đây là đại diện cho một “tự sự học queer xúc cảm và có tính chính trị” (affective queer narratology)13, trong đó các cốt truyện dựa trên luồng xúc cảm bất an/ xúc cảm trở thành những cốt truyện nhập nhằng, khiến người đọc cảm nhận được cái rối ren, cái hãi hùng của đời sống queer.
Tiểu thuyết Những kỳ vọng lớn lao cũng được kể từ ngôi thứ nhất, và thể hiện rõ hơn thủ pháp thử nghiệm không chỉ với cấu trúc tự sự, mà cả văn xuôi như ngữ pháp, cú pháp, ngữ dụng. Người kể chuyện luôn trong trạng thái rối bời, tự mâu thuẫn, không phân biệt được giữa suy nghĩ/ giọng kể của bản thân và giọng nói của những diễn ngôn khác. Cô kể về quan hệ tình dục, lịch sử gia đình, các mối quan hệ, sang chấn và những sự kiện lẻ tẻ khác một cách nhập nhằng, không rõ đầu đuôi, cũng chẳng rõ thực hư. Thay vào đó, Bradway nhận thấy rằng thứ đang thúc đẩy vận động của tự sự trong tiểu thuyết chính là xúc cảm, như có thể thấy rõ trong trích đoạn sau: “Mẹ tôi là sùng bái thù ghét chơi đùa. Mẹ tôi là thế giới. Mẹ tôi là đứa con của tôi. Mẹ tôi chính là người mẹ tôi muốn là”14. Bradway cho rằng những câu văn này “bắt trọn năng lượng đầy động lực của một cốt truyện xúc cảm”. Ngữ nghĩa của cú pháp không có tác động lên người đọc nhiều bằng “chuyển động vô tận từ một xúc cảm đối lập tới một xúc cảm khác, từ sùng bái tới thù ghét tới chơi đùa” được “trình hiện đồng điệu [và] liên tiếp”15. Ta hoàn toàn có thể tìm được nguyên do của những xúc cảm này trong các mảnh ghép khác xuyên suốt tiểu thuyết, nhưng người kể chuyện ưu tiên biểu đạt cảm xúc, phản ứng nhất thời của mình hơn là gạt chúng vào thứ yếu để sắp đặt một cốt truyện nhân quả tròn trịa. Những trải nghiệm của cô kỳ quái, ngoại biên và bạo lực khó hiểu tới mức cô chỉ có thể kể lại nó qua xúc cảm. Qua đó, cô buộc người đọc phải vin lấy mạch cảm xúc của cô - dù nó có tự mâu thuẫn, lắt léo, không đầu không đuôi tới mức nào - và trải nghiệm nó như mạng lưới các tiểu sự kiện cốt truyện. Nếu cố gắng tìm kiếm ngọn nguồn nỗi đau của cô qua manh mối được phân tán trong tiểu thuyết, ta sẽ phải đối mặt với tầng tầng lớp lớp những diễn ngôn áp bức vô hạn mà cả hình thức văn bản-siêu văn bản này cũng khó lột tả được toàn vẹn.
Cú pháp/ các chuỗi câu thiếu logic, thao tác tự phản tư, và đưa xúc cảm thay cho hành động lên bề nổi của văn bản là những thủ pháp phổ biến trong văn học Tự sự mới nhằm biểu đạt trải nghiệm “mất phương hướng” của những người nằm ngoài diễn ngôn bá quyền. Nghiên cứu của Tyler Bradway tuy không phải nỗ lực duy nhất thiết lập lý thuyết tự sự queer hay phân tích Tự sự mới nhưng là bài viết trực diện hoà giải mâu thuẫn lý tưởng giữa nghiên cứu queer và tự sự học bằng cách dùng các lập luận queer để lý giải và khái quát hoá hình thức tự sự đột phá của Tự sự mới. Nói rộng hơn, những tác phẩm Tự sự mới có tiềm năng làm nền tảng chất vấn, dự phóng và hoà hợp giữa lý thuyết queer và các hình thức tự sự, trong đó tính queer vừa giữ bản chất diễn ngôn vừa được biểu đạt qua những hình thái mới, còn tính tự sự vừa phát huy những yếu tố tự sự cốt lõi vừa mở ra những mường tượng mới về cách chúng được biểu đạt, sắp xếp, và nhào nặn.
3. Tự sự học queer: thực tiễn và phát triển
Susan Lanser, vốn nghiên cứu tự sự học nữ quyền và một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong nghiên cứu tự sự, đã đặt vấn đề cho tự sự học queer trong bài viết “Queering Narratology” (“Queer hoá tự sự học”) năm 1996. Lanser sau đó cố gắng kết hợp lý thuyết queer vào nghiên cứu của bà qua phân tích về giới và tính dục trong tự sự16. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu về tính dục và tự sự vẫn coi queer và nữ quyền luận như hai vấn đề tương đồng trong hệ quy chiếu phổ quát hơn là nghiên cứu giới. Tới thời điểm hiện tại, tự sự học queer vẫn chưa có công trình thiết lập cơ sở lý thuyết cơ bản và chưa hoàn toàn thoát ly được khỏi cái bóng của tự sự học nữ quyền.
Giới trong tự sự như một vấn đề nữ quyền luận được Lanser thiết lập trong bài viết “Toward a Feminist Narratology” (“Hướng tới một tự sự học nữ quyền”), chỉ ra những điểm khác biệt thường bị bỏ qua giữa giọng kể của tác giả nữ và của tác giả nam, nhằm mở rộng thực hành nghiên cứu tự sự. Bởi nam giới vẫn thống trị lĩnh vực sách được xuất bản rộng rãi và tự sự học vì thế mà bị ảnh hưởng nặng nề bởi góc nhìn nam giới trong thế kỷ XX, Lanser đề xuất rằng “thứ tự sự học mà không thể lý giải thoả đáng cho tự sự của nữ giới cũng sẽ trở thành một thứ tự sự học không thoả đáng cho văn bản của nam giới”17. Trong các nghiên cứu sau này, Lanser tiếp tục làm rõ thêm tác động của giới lên các thành tố tự sự, từ đó dần nhận ra rằng đọc văn bản qua lăng kính giới cần sự mở rộng mô hình tới không chỉ lý luận nữ quyền mà cả lý luận queer. Cụ thể hơn, khi phân tích tiểu thuyết Written on the Body (Khắc ghi trên cơ thể) của Jeanette Winterson (1992) viết về mối quan hệ giữa một người phụ nữ đã có chồng và người kể chuyện vô danh không rõ bản dạng giới, Lanser nhận thấy sự mơ hồ này khơi ra nhiều câu hỏi gợi mở cho vấn đề tính dục trong tự sự và kêu gọi các học giả cần chú ý tới tự sự học queer với tinh thần học thuật cao độ như với tự sự học nữ quyền.
Dù Lanser đã bày tỏ hi vọng và mối quan tâm sâu sắc với tự sự học queer, bà nhận xét rằng lĩnh vực này vẫn “còn chậm tiến, mối liên hệ của nó với tự sự học nữ quyền thiếu khai phá, và tiềm năng đóng góp của nó với tự sự học vì thế mà chưa được xác định rõ ràng”18. Những nỗ lực bà bỏ ra “nhằm kết đôi ‘queer và nữ quyền’ dựa trên mục tiêu chung của cả hai là “chất vấn”19, tuy hoàn toàn có cơ sở, nhưng dễ dẫn đến sự đánh đồng hai khái niệm với nhau. Nhiều nhà tự sự học nữ quyền khác cũng thường viết “nữ quyền và queer” liền kề như hai khái niệm luôn đi đôi với nhau, khiến tự sự học queer càng khó khẳng định chỗ đứng của mình trong nghiên cứu tự sự. Như vậy, phê bình nữ quyền đã đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu và phổ biến lý luận queer trong tự sự học, nhưng cũng chính sự cộng sinh này mà tự sự học queer tới nay vẫn chưa có tiếng nói lý luận rõ rệt.
Không chỉ thế, nghiên cứu và lý thuyết queer vận dụng tự sự như công cụ mô phỏng các thể chế dị tính. Qua đó, queer không chỉ đưa ra những tiếp cận mới về diễn ngôn và tri thức thông thường, mà còn gián tiếp chỉ ra tính chất bảo thủ trong nghiên cứu tự sự do ảnh hưởng từ chủ nghĩa cấu trúc. Tuy nhiên, cách tự sự học vận dụng lý thuyết queer phần lớn vẫn đang dừng lại ở mức phân tích nội dung bề nổi - như cốt truyện, nhân vật, bối cảnh nói lên điều gì về những diễn ngôn, chính trị, văn hoá, biểu hành của người queer. Nó chưa đào sâu vào mối tương quan giữa queer và nội dung/ hình thức, hay đặt câu hỏi rằng tự sự học được “queer hoá” như thế nào, với ví dụ điển hình là phong trào Tự sự mới. Coykendall cho rằng dù không được thừa nhận nhưng nghiên cứu nữ quyền và queer đã làm “phân nhánh sâu sắc cấu trúc” của lĩnh vực nghiên cứu tự sự, thách thức cách nó coi bản thân là “một lãnh thổ dày đặc tranh chấp biên giới, giám sát chặt chẽ, và nỗ lực khử độc và cách y theo từng thời kỳ”20. Lanser, sau khi cho rằng tự sự học cần “queer và nữ quyền hơn” vào những năm 1980 và 1990, giờ lại nhận thấy “nghiên cứu nữ quyền và queer, và cả nghiên cứu tự sự, cần phải có tính tự sự học hơn”21. Nói cách khác, tự sự học, qua các can thiệp tri thức queer, cần nhìn nhận lại chính nó như một lĩnh vực nghiên cứu lỏng, có khả năng thay đổi về cả cấu trúc lẫn bản chất. Ngược lại, nghiên cứu queer cần có cái nhìn linh hoạt hơn về tự sự và tự sự học để không chỉ chất vấn ý thức hệ qua tự sự, mà mường tượng ra những hình thức tự sự mới để biểu đạt tính quan hệ của con người.
Vậy phải kết hợp tự sự học và lý thuyết queer như thế nào mới thực sự là đang thực hiện tự sự học queer, chứ không phải phân tích tự sự qua lăng kính queer, hay dùng tự sự để diễn đạt một lý luận queer nào đó? Nghiên cứu của Tyler Bradway về Tự sự mới như tóm gọn trong mục 2 là một ví dụ rõ nét cho một mường tượng mới về cách thực hiện “cốt truyện” trong truyện kể. Ngoài cốt truyện, những thành tố tự sự khác đã và đang được chất vấn lại qua ý thức queer mà tôi khảo sát được gồm độ đóng (closure), tiêu cự, nhân vật, không-thời gian (chronotope) của truyện kể.
Độ đóng được đề cập nhiều hơn so với các vấn đề tự sự khác, do nó có mối liên kết trực diện nhất với tính phản tự sự của lý luận queer. Mô hình tự sự phổ thông nhân quả, trong đó các nút thắt được giải quyết viên mãn, bị nghiên cứu queer coi là ham muốn (dị tính) mọi chuyện đều khép kín trọn vẹn. Trong khi đó, queer lại có tính mở hơn, trôi dạt giữa cái thật và trật tự biểu trưng. Ngoài lý thuyết queer về một tương lai không xoay quanh sinh sản dị tính của Edelman, có Dana Seitler phân tích motif tự tận trong các tác phẩm truyện và tiểu thuyết ngắn Mĩ đầu thế kỷ XX như Trường hợp của Paul bởi Willa Cather (1905), Ethan Frome bởi Edith Wharton (1911), và Giả mạo bởi Nella Larsen (1929). Tự tận hoặc mơ tưởng về tự tận có thể được coi như “một hình thức đối kháng, một thách thức, hoặc đơn thuần là một lời khẩn nài để [chủ thể] không còn khổ đau nữa”22. Queer là những thành tố bị coi là “chệch hướng”, là mâu thuẫn chuyện kể cần được là phẳng để tự sự đạt được cái kết “chuẩn” của nó. Theo Seitler, queer ở đây có thể mang hình hài những hành vi nổi loạn tức thời như những cô gái trong Chuyện gia đình March - Những cô gái nhỏ, sau khi khám phá bản thân ngoài phạm vi giới dành cho nữ, rồi cũng bị cốt truyện kết hôn (marriage plot) quy phục về đường thẳng truyền thống. Nếu coi cái kết toàn vẹn là một hình thức bị dị tính hoá thì coi tự tận như một hình thức kết thúc tự sự khác chính là đang queer hoá tự sự bằng cách biến đổi/ mở rộng cách ta hiểu về cái kết trong tự sự. Tự tận vừa là một kết thúc mở hay gián đoạn ham muốn tự sự hướng tới một tương lai chuẩn dị tính như Edelman từng đặt vấn đề vừa là biểu đạt cho một hình thức kết thúc và ham muốn tự sự hướng tới một tương lai khác, queer hơn.
Cũng trong đối thoại với mối hoài nghi tương lai (dị tính) của Edelman, Jack Halberstam, và Elizabeth Freeman, Jesse Matz vận dụng tuyển tập tự sự và tiểu luận dành cho các bạn trẻ LGBTQ+ It Gets Better (Mọi chuyện sẽ tốt hơn) nhằm chất vấn và tái hình dung ý niệm về thời gian tự sự, từ đó thúc đẩy những góc nhìn bền bỉ hơn về cuộc sống hiện tại. Một mặt, lý thuyết queer chỉ ra cảm thức khác biệt của người queer về thời gian, cho rằng queer vốn kháng cự tính niên đại chuẩn mực (chrononormativity) và những thông điệp về tương lai tươi sáng như trong It Gets Better sẽ bị coi là cổ xuý cho việc ngó lơ khó khăn hiện tại để ảo tưởng về một cái kết có hậu mà chẳng ai hứa trước được. Mặt khác, Matz cũng đồng thời nhận thấy cách tiếp cận thời gian tự sự trong đó có khả năng “mở rộng” ý tưởng của Edelman thành “sự kháng cự thiết thực ngoài đời thật với thứ tương lai nhăm nhe lặp lại quá khứ”23. Trong It Gets Better, các văn bản có xu hướng dùng thì hiện tại và “nhấn mạnh sự tồn tại ngay lúc này của một trạng thái tương lai sẽ đến”24. Thay cho những câu hứa hẹn tương lai là những câu an ủi, vỗ về rằng tương lai vẫn luôn ở đây: “[Ánh sáng cuối đường] vẫn luôn ở nguyên đó, và đã luôn ở đó rồi”25. Matz gọi đây là trường hợp chronotope “‘giải thì’ (detense) tương lai” trong đó “hình thức không gian quy tương lai và cả quá khứ vào hiện tại”26. Tương lai/ cái kết không phải một điểm bất động hay cái kết bất biến được định sẵn mà ta chỉ có thể dần tiến đến qua chuỗi những sự kiện nhân quả. Tương lai là một không gian và thời gian cụ thể trong đó những điều tốt đẹp đang chờ đón. Chủ thể queer không phải một nhân vật bất lực chờ đợi chronotope ấy xảy đến với mình, mà tìm thế chủ động bước vào bối cảnh vốn đã tồn tại ấy. Qua cách xử lý thời gian tự sự ấy, các tác giả đưa ra một cảm thức thời gian queer vừa không quy phục theo chuẩn dị tính vừa tự tin, thân mật và đầy những khả thể tươi sáng hơn.
4. Lời kết
Qua những khảo sát và đánh giá trên, có thể thấy rằng tự sự học và lý thuyết queer tuy vẫn còn nhiều mâu thuẫn và đối kháng về mặt tư tưởng, đang trong giai đoạn chuyển đổi trong đó các nhà lý luận queer suy nghĩ lại về tính cấu trúc bảo thủ của tự sự và các nhà tự sự tiếp cận lại cấu trúc luận để chào đón những hình thái tự sự mới. Một số nét tiêu biểu, tất nhiên là không toàn vẹn, về tự sự học queer có thể kể đến như:
- Tự sự học queer vẫn còn sơ khai, trên bề nổi tiếp tục quan tâm chủ yếu tới những vấn đề tính dục và ham muốn (desire) trong văn học queer nói riêng; cách tri thức và diễn ngôn được kiến tạo, duy trì, biểu đạt/ biểu hành, và chuẩn hoá; và những biểu đạt/ biểu hành khác biệt và/ hoặc phản kháng như được truyền tải qua tự sự (nhân vật, không gian, thời gian, cốt truyện…).
- Lý thuyết queer đóng vai trò chủ chốt trong việc trao cảm hứng và điều hướng phân tích nội dung tự sự, tuy nghiên cứu về hình thức còn hạn hẹp. Giai đoạn đầu, queer và tự sự học gặp phải mâu thuẫn về tư tưởng khiến queer bị coi là lý thuyết phản tự sự; ngược lại, tự sự học cho mình là một phương pháp nghiên cứu khoa học phi lịch sử và không coi queer (hay thậm chí là cả nữ quyền) như đối tác nghiên cứu, mà chỉ là một “đề tài” nghiên cứu. Tuy nhiên, gần đây đã có động thái vận dụng lý thuyết queer để cân nhắc lại các khái niệm cấu trúc luận cốt lõi của tự sự học, và vận dụng các khái niệm đó để góp thêm các hình thức diễn đạt mới cho queer.
- Các nghiên cứu tự sự học queer trong 10 đến 15 năm trở lại đây đã có ý thức cao độ về việc kết hợp hài hoà lý thuyết tự sự và lý thuyết queer. Họ đặc biệt quan tâm tới cách thức mà các yếu tố, thủ pháp tự sự giúp sắp xếp, biểu đạt, và tạo nghĩa cho những xúc cảm, sự kiện, hiện tượng queer vốn từng bị coi là phi ngôn ngữ/ nằm ngoài trật tự biểu trưng.
Trên đây là vài nét về lịch sử phát triển cũng như giản lược một số công trình đương đại về đa dạng các tiếp cận queer với các hình thức tự sự. Dù chưa có đủ dữ liệu để hệ thống hoá hay khái quát hoá một thứ tự sự học queer, bài viết cũng mong muốn qua đó cho thấy queer là một công cụ vô cùng linh hoạt để chất vấn lại những suy nghĩ tưởng chừng như bất biến. Bài viết nhận định rằng tự sự học queer, tại thời điểm hiện tại, là phương pháp vận dụng góc nhìn và lý thuyết queer nhằm mở rộng nghiên cứu tự sự, hay là, queer hoá tự sự học.
Tuy bài viết dựa chủ yếu vào lý thuyết phương Tây, có thể thấy chính các nhà tự sự học và nghiên cứu queer cũng đang vật lộn với việc định nghĩa và thiết lập khung lý luận cho nhánh mới này của tự sự học. Chính vì queer mang tính quan hệ, tính phản ánh và cả tính lay chuyển ngữ cảnh văn hoá xung quanh nó, mà các phương pháp luận của nó có tiềm năng thích nghi và biến đổi trong bất cứ văn cảnh nào. Tương tự như vậy, tự sự có thể được coi như những hình thức có cấu trúc gắn bó sâu sắc với phong tục, tập quán, ý thức về tính dục của một tập thể. Cái nhìn queer hoá, dù phần lớn lý thuyết là của phương Tây, khi vận dụng cho văn học tự sự Việt Nam, cũng sẽ hé mở những khoái cảm thẩm mĩ mới để các nhà nghiên cứu văn chương lẫn người thực hành viết đều chung tay mường tượng những khả thể tự sự mới mẻ, tinh tế và giàu nhân văn hơn.
Chú thích:
* Nghiên cứu sinh, Đại học California, Los Angeles.
1 Lanser, S. S. (2005), “Queering Narratology”, Essentials of the Theory of Fiction, Duke University Press, tr. 387.
2, 20 Coykendall, A. (2015), “Towards a Queer Feminism; Or, Feminist Theories and/as Queer Narrative Studies”, Narrative Theory Unbound: Queer and Feminist Interventions, Ohio State University Press, tr. 331, 329.
3 De Lauretis, T. (2011): “Queer Texts, Bad Habits, and the Issue of a Future”, GLQ: A Journal of Lesbian and Gay Studies, 17(2–3), tr. 244.
4 Roof, J. (1996), Come as You are: Sexuality and Narrative, Columbia University Press, tr. Xxiii.
5 Bradway, T. (2021), “Sexual Disorientation: Queer Narratology and Affect Plots in New Narrative”, Textual Practice, 35(8), tr. 1300.
6, 10 Harris, K. (2009): “New Narrative and the Making of Language Poetry”, American Literature, 81(4), tr. 805, 808.
7, 11 Glück, R. (2004): “Long Note on New Narrative”, Narrative, 1, https://www.sfsu. edu/~newlit/narrativity/issue_one/gluck.html.
8 Các nhà văn theo hai phong trào này vẫn có sự tôn trọng và kính nể nhau, trong đó các nhà Tự sự mới viết thơ và các nhà thơ Ngôn ngữ thực hành viết tự sự.
9 Tiếng Việt có nghĩa là đê tiện, bần hàn, khốn khổ, còn Kristeva dùng “abject” theo lý luận phân tâm học để mô tả cảm giác kinh hoàng khi đối mặt với một thứ nằm ngoài trật tự biểu trưng (tức cái phi ngôn ngữ nằm ngoài ngôn ngữ).
12, 13, 15 Bradway, T. (2021), “Sexual Disorientation: Queer Narratology and Affect Plots in New Narrative”, Textual Practice, 35(8), tr. 1302, 1307, 1312.
14 Acker, K. (2018), Great Expectations, Penguin, tr. 14.
16 Xem thêm Narrative Theory Unbound: Queer and Feminist Interventions, 2015, Ohio State University Press.
17 Lanser, S. S. (1986): “Toward a Feminist Narratology”, Style, 20 (3), tr. 342.
18, 19 Lanser, S. S. (2018), “Queering Narrative Voice”, Textual Practice, 32(6), tr. 925.
21 Lanser, S. S. (2018a), “Toward (a queerer and) more (Feminist) narratology”, Narrative Theory Unbound, Ohio State University Press, tr.24.
22 Seitler, D. (2019), “Suicidal Tendencies: Notes toward a Queer Narratology,” GLQ, 25(4), tr. 599.
23, 24, 26 Matz, J. (2015), “‘No Future’ vs. ‘It Gets Better’: Queer Prospects for Narrative Temporality”, Narrative Theory Unbound: Queer and Feminist Interventions, Ohio State University Press, tr. 231, 235, 235.
25 Daring, A. Y. (2011), This I Know For Sure, It Gets Better: Coming Out, Overcoming Bullying, and Creating a Life Worth Living, Penguin, tr. 65.