Không gian có vai trò quan trọng trong đời sống cũng như trong sáng tạo nghệ thuật. Con người luôn tồn tại trong một không gian nhất định. Nhà văn khi sáng tác thường có một không gian nào đó của riêng mình, không gian đó thức dậy những cảm hứng sáng tạo. Người đọc khi tiếp nhận tác phẩm văn học cũng tiếp nhận trong một không gian cụ thể, bản thân người đọc cũng có những không gian tâm tưởng của riêng mình; các nhân vật, sự kiện cũng chỉ có thể xuất hiện gắn với một không gian cụ thể nào đó. Mặc dù có ý nghĩa quan trọng như vậy nhưng trong nghiên cứu tự sự, phương diện không gian không được chú trọng bằng phương diện thời gian. Hiện nay, tự sự học đã phá vỡ tính khép kín trong phạm vi nghiên cứu văn bản, mở rộng đến vai trò của người đọc, ngữ cảnh lịch sử, nghiên cứu liên ngành, xuyên phương tiện, nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào phương diện thời gian của tự sự. Quan tâm đến phương diện không gian chính là một sự bổ khuyết cho tự sự học, hướng tới khám phá giá trị của không gian trong hoạt động sáng tạo và tiếp nhận tự sự, trong tổ chức trần thuật ở văn bản ngôn ngữ cũng như “văn bản” phi ngôn ngữ (hội họa, điêu khắc…), “văn bản” mang tính chất tổng hợp (điện ảnh, truyền hình…).
1. Chuyển hướng không gian trong nghiên cứu và sáng tác
Quan tâm đến phương diện không gian của tự sự là đáp ứng nhu cầu từ lý thuyết và thực tiễn. Không gian và thời gian không thể tách rời nhau, M. Bakhtin từng đưa ra phạm trù không - thời gian, do đó, nếu chỉ chú ý đến một trong hai phương diện thì chưa đủ để nhận ra bản chất của hiện thực. Trong cùng một thời điểm, ở những không gian khác nhau có thể xuất hiện những sự kiện khác nhau và không phải bao giờ các sự kiện cũng có quan hệ nhân quả. Những tác phẩm trần thuật sự kiện theo trật tự tuyến tính, nhân quả ít nhiều đã giảm bớt tính phong phú của hiện thực đời sống, thậm chí còn che lấp một phương diện nào đó của hiện thực. Từ nửa sau thế kỷ XX, sự phát triển của phương tiện truyền thông, phương tiện giao thông, phương thức chinh phục thời gian đã khiến cảm giác không gian của con người bắt đầu thay thế cảm giác thời gian, trong nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn cũng đã diễn ra quá trình chuyển hướng từ quan tâm đến phương diện thời gian sang quan tâm đến phương diện không gian. Edward W. Soja cho rằng “thứ có thể kích phát giới lý luận suy tư và thay đổi, là sự sáng tạo của địa lý học, chứ không phải là sự sáng tạo của lịch sử”1. Henri Lefebvre trong cuốn Sản xuất không gian cho rằng không gian không phải là một phạm trù tĩnh tại, nó được sản sinh, diễn biến và tổ chức lại trong tiến trình lịch sử. Trong sáng tác văn học, từ đầu thế kỷ XX, các nhà văn như M. Proust đã đột phá tự sự tuyến tính, theo đuổi kết cấu không gian hoá, các nhà “tiểu thuyết mới” cũng thử nghiệm những thủ pháp nghệ thuật khắc phục tính tuần tự của thời gian. Có thể nói, từ cảm giác của con người trong đời sống đến nghiên cứu xã hội nhân văn, rồi đến sáng tác văn học, đều đã có xu hướng chuyển mối quan tâm từ thời gian sang không gian.
2. Vai trò của không gian trong sáng tạo và tiếp nhận tự sự
Không gian có vai trò quan trọng đối với hoạt động sáng tạo và tiếp nhận tự sự. Tự sự là một hoạt động văn hóa phổ biến trong xã hội, nhân loại không ngừng kể cho nhau nghe những câu chuyện. Trong du lịch, kinh doanh, người ta cũng thường kể những câu chuyên liên quan đến địa danh, sản phẩm hàng hóa, cấp cho chúng một ý nghĩa nào đó. Tự sự còn là cách để nhân loại truyền đạt thông tin vượt không gian, thời gian, là cách để nhân loại bảo lưu ký ức về một sự kiện diễn ra trong một không gian thời gian nhất định. Sự kiện, nhân vật – đối tượng chủ yếu của tự sự luôn tồn tại trong một không gian gắn với một thời gian cụ thể. Đối với ký ức của nhân loại, không gian không chỉ là nơi diễn ra sự kiện, môi trường để nhân vật hoạt động mà còn là nơi lưu giữ thời gian, nơi gợi nhắc những ký ức. Khi chúng ta nhớ về một giai đoạn nào đó trong cuộc đời mình là chúng ta nhớ về sự kiện, con người trong một không gian cụ thể. Trong ký ức của mỗi người tồn tại vô số không gian khác nhau. Trong Thi học không gian, Gaston Bachelard đã tiến hành phân tích mẫu gốc nơi chốn của ý tượng không gian cư trú, chỉ ra ảnh hưởng của nó đối với mỗi cá nhân. Nơi cư trú, căn nhà, quê hương…, những nơi gắn với buồn vui, khổ đau, hạnh phúc in sâu trong ký ức mỗi cá nhân, chi phối cách nhìn, cách cảm về thế giới của họ. Theo nhà tâm lý học Jean Piaget, nhận thức của con người luôn có xu hướng sử dụng những gì đã quen thuộc với mình để tiếp nhận, lý giải, đánh giá sự vật, hiện tượng mới. Chính vì thế, khi con người di chuyển đến không gian khác, quan sát không gian khác thì không gian mà họ từng gắn bó sẽ trở thành hệ quy chiếu. Chính đặc điểm mang tính phổ quát này đã khiến không gian có vai trò không nhỏ trong hoạt động tự sự cũng như tiếp nhận tự sự. Mỗi nhà văn dường như đều gắn bó với một không gian nào đó và không gian ấy chi phối sâu sắc hoạt động sáng tác của họ. Người ta thường nhắc đến vai trò của vùng đất Thương Châu đối với hoạt động sáng tác của Giả Bình Ao, vai trò của vùng đất Cao Mật đối với hoạt động sáng tác của Mạc Ngôn, vai trò của vùng núi Bá Lâu đối với hoạt động sáng tác của Diêm Liên Khoa... Ký ức về không gian quen thuộc và mong muốn tái tạo lại không gian đó đã trở thành một trong những động lực thúc đẩy hoạt động tự sự của các nhà văn. Trong các buổi diễn giảng, Diêm Liên Khoa thường nhắc đến mối quan hệ giữa nơi ông sinh ra và sáng tác của ông. Năm 2019, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Diêm Liên Khoa đã nói chuyện về chủ đề Trung Quốc và văn học trong một thôn trang. Ông cho rằng mình đã sinh ra ở một thôn trang đặc biệt. Hồi nhỏ ông nghĩ rằng thôn trang của ông ở trung tâm thế giới, thượng đế đã cho ông sinh ra và lớn lên trong một thôn trang đặc biệt như vậy thì chắc chắn đã giao phó cho ông một trọng trách đặc biệt nào đó. Mười lăm, mười sáu tuổi khi bắt đầu sáng tác, ông đã nghĩ đến sứ mệnh ấy. Quê hương luôn sống trong ký ức và được tái tạo trong các sáng tác của Diêm Liên Khoa. Trong tiểu thuyết Tạc Liệt chí, Diêm Liên Khoa đã sử dụng lối viết siêu hư cấu: kể chuyện nhà văn tham gia viết dư địa chí cho quê mình nhưng tác phẩm lại đậm màu sắc kỳ ảo, hoang đường, hòa trộn thực và ảo, có lý và phi lý. Không gian không chỉ có ý nghĩa với hoạt động tự sự mà còn có ý nghĩa với hoạt động tiếp nhận tự sự. Mỗi người đọc khi tiếp nhận tự sự cũng thường liên tưởng đến không gian quen thuộc của mình. Độc giả Việt Nam khi đọc tiểu thuyết Thế giới bình thường của Lộ Dao chắc chắn sẽ cảm thấy nông thôn Trung Quốc ngày ấy rất giống với nông thôn Việt Nam. Không gian quen thuộc sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để người đọc tiếp nhận không gian khác trong tiểu thuyết.
3. Vai trò của không gian trong tự sự bằng ngôn ngữ
Không gian có vai trò quan trọng trong văn bản tự sự bằng ngôn ngữ. Con người sử dụng nhiều phương tiện để tự sự, trong đó ngôn ngữ và hình ảnh là phương tiện chủ yếu nhất. Trong cuốn Laokoon, Lessing coi nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ làm chất liệu là nghệ thuật thời gian, nghệ thuật sử dụng đường nét, màu sắc, hình khối làm chất liệu là nghệ thuật không gian. Nghệ thuật thời gian có thế mạnh trong việc thể hiện quá trình, tuyến tính, quan hệ nhân quả giữa các sự kiện. Thời gian mang tính tuần tự, còn không gian lại mang tính đồng thời, do đó tự sự bằng ngôn ngữ sẽ gặp khó khăn trong việc thể hiện không gian. Trong một khoảnh khắc, văn bản ngôn ngữ không thể làm cho đối tượng hiện lên trước mắt người đọc giống như bức tranh. Cảnh tượng trong văn bản tự sự bằng ngôn ngữ chỉ có thể từ từ hiện lên theo dòng thời gian trong tâm tưởng người đọc. Người đọc luôn phải ghi nhớ những chi tiết ở đoạn trước, hồi tưởng lại những phần đã đọc, dần dần bồi đắp không gian trong cảm nhận của mình. Có thể nói, không gian trong văn bản tự sự được thể hiện qua tính tuần tự của thời gian, gắn với cảm nhận của người đọc.
Trong nghiên cứu văn học, không gian thường được quan tâm với tư cách là môi trường xuất hiện của nhân vật, thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Nhà nghiên cứu thường tìm hiểu các kiểu không gian, xem chúng thể hiện điều gì về số phận nhân vật, nhà văn gửi gắm quan niệm nghệ thuật gì. Trên thực tế, không gian không chỉ là nơi diễn ra các sự kiện, là phương tiện khắc họa nhân vật mà còn tham gia vào việc tổ chức trần thuật, thúc đẩy tiến trình tự sự. Lựa chọn được một không gian đắc địa có ý nghĩa rất quan trọng đối với trần thuật. Trong truyện ngắn Khổng Ất Kỷ, Lỗ Tấn đã chọn không gian quán rượu làm điểm tựa để kể những chuyện liên quan đến một nhà Nho lỗi thời, nghèo đói, lúc nào cũng tỏ ra nghiêm nghị một cách nực cười. Quán rượu phục vụ đủ các loại khách, từ khách bình dân đến khách có vẻ đứng đắn, kiểu cách. Lựa chọn không gian mang tính chất điểm như vậy khiến cho câu chuyện được kể như đang diễn ra trên sân khấu. Lựa chọn không gian có nhiều loại người khác nhau sẽ tạo điều kiện để nhà văn kể về những cách nhìn khác nhau. Không gian quán rượu là nơi người ta tự do thoải mái bộc lộ quan điểm. Chính không gian suồng sã đó đã giúp cho nhà văn cấu tứ câu chuyện một cách độc đáo. Truyện ngắn Muối của rừng của Nguyễn Huy Thiệp cũng triển khai quá trình tự sự dựa trên không gian khu rừng. Sự thay đổi trong mối quan hệ giữa ông Diểu và gia đình nhà khỉ, sự thay đổi trong chính bản thân ông Diểu cũng đều diễn ra trong không gian đó. Không gian ở đây không chỉ là môi trường để nhân vật xuất hiện mà còn là đối tượng để nhà văn kể chuyện – chuyện về không gian tự nhiên, chuyện về khả năng thanh lọc của tự nhiên đối với con người. Có thể nói, quá trình tự sự thuận lợi hơn rất nhiều khi chọn được một không gian đắc địa. Nếu tác phẩm có nhiều không gian thì việc tổ chức sắp xếp các không gian theo một quan hệ nhất định có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình tự sự. Trong tác phẩm Ngày tháng năm của Diêm Liên Khoa xuất hiện ba không gian chủ đạo: không gian trong làng, không gian ngoài cánh đồng, không gian bên vũng nước trong núi. Ba không gian được sắp xếp theo quan hệ đồng đẳng, tất cả đều nhấn mạnh vào sự khắc nghiệt của cuộc đấu tranh sinh tồn. Qua các không gian đó, nhà văn kể về chuyện người trong làng đi tránh hạn hán hết, chỉ còn lại ông lão với một con chó mù. Ông lão không đi cùng dân làng được vì ông không còn sức để đi. Ông lão đã phải vào trong làng tìm đồ ăn, lấy nước dùng nhưng trong làng cũng không còn thứ gì có thể ăn được, nước giếng cũng bị lũ chuột tranh mất; ông lão nghĩ ra cách đi đào những hạt giống đã gieo xuống nhưng không mọc được vì hạn hán, ông tranh giành những hạt giống đó với lũ chuột; khi vào núi tìm nguồn nước, ông lão đã phải tranh giành nguồn nước với bầy hổ… Các không gian được đặt cạnh nhau vừa mở rộng câu chuyện vừa nhấn mạnh sự khốc liệt trong cuộc chiến sinh tồn mà ông lão phải đương đầu. Nhân vật hành động trong không gian cụ thể, sự kiện xảy ra trong những không gian cụ thể, do đó, lựa chọn không gian, sắp xếp không gian có vai trò rất lớn đối với tiến trình tự sự.
Ý thức về không gian đã giúp nhà văn tạo nên những đổi mới trong tổ chức văn bản trần thuật. Tiểu thuyết truyền thống chú trọng tính tuần tự, khai thác quan hệ nhân quả giữa các sự kiện. Cách tổ chức văn bản này nhấn mạnh vào tính thời gian, nhấn mạnh tính quá trình của sự kiện, nhấn mạnh diễn biến tâm lý của nhân vật, tăng kịch tính cho câu chuyện. Tuy nhiên, cách tổ chức trần thuật như vậy ít nhiều cũng hạn chế khả năng thể hiện các chiều kích không gian, hạn chế khả năng khơi gợi liên tưởng, tưởng tượng. Với mong muốn khắc phục hạn chế của chất liệu, mở rộng khả năng biểu đạt của phương tiện ngôn ngữ, các nhà văn hiện đại, hậu hiện đại đã tiến hành thử nghiệm phá vỡ trật tự tuyến tính, quan hệ nhân quả giữa các sự kiện, tăng tính không gian trong tổ chức văn bản trần thuật. Các nhà nghiên cứu tự sự phương Tây đã bước đầu nghiên cứu phương diện không gian tự sự của tác phẩm văn học, phát hiện ra những kiểu tổ chức văn bản trần thuật nhấn mạnh tính đồng thời, chỉ ra giá trị của nó trong thể hiện thế giới, trong tiến trình phát triển của văn học. Josef Frank, trong bài Hình thức không gian trong văn học hiện đại, đã chỉ ra vấn đề hình thức không gian trong tác phẩm văn học chủ nghĩa hiện đại, tác giả cho rằng tác phẩm văn học chủ nghĩa hiện đại đã sử dụng “tính đồng thời” của không gian đã thay thế tính tuần tự của thời gian thông qua thủ pháp “lắp ghép”. Trong cuốn Truyện kể và diễn ngôn (1978), Seymour Chatman đã đề cập đến khái niệm “không gian truyện kể” (story-space) và “không gian diễn ngôn (discourse-space), không gian truyện kể là bối cảnh truyện kể, bối cảnh của hành vi, còn không gian diễn ngôn là không gian tồn tại của người trần thuật. Trong quan niệm của Chatman, không gian của tự sự bằng ngôn ngữ có tính chất trừu tượng, cần được tái cấu trúc trong ý thức của người đọc. W. J. T. Mitchell, trong Hình thức không gian trong văn học: hướng tới một loại lý thuyết tổng thể (1980), đã chia không gian văn học thành bốn loại thuộc các tầng khác nhau: tầng mặt chữ, tầng miêu tả, tầng sắp xếp sự kiện và không gian siêu hình ẩn sau câu chuyện. Gabriel Zonan, trong bài Hướng tới lý thuyết không gian tự sự (1984), nhấn mạnh không gian là một quá trình kiến tạo có sự tham dự tích cực của người đọc, đề xuất ba tầng của tái hiện không gian trong tự sự: không gian địa chí, không gian mang hình thức thời gian, không gian văn bản. Ruth Ronen, trong bài viết Không gian của tiểu thuyết (1986), đề xuất ba hình thức tổ chức kết cấu của không gian trong tác phẩm tự sự. Ở Trung Quốc, Long Địch Dũng đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu vấn đề “hình thức không gian” của tác phẩm sự sự. Trong cuốn Tự sự học không gian2, ông đã khái quát một số hình thức tổ chức văn bản trần thuật mang lại hiệu quả không gian hoá: kiểu truyện lồng trong truyện, kiểu kết cấu vòng tròn, kiểu kết cấu móc xích, hình thức tiểu thuyết dạng tự điển. Theo ông, kiểu truyện lồng trong truyện giống như cách sắp xếp của búp bê Nga, trong truyện lớn có truyện vừa, trong truyện vừa có truyện nhỏ hơn, kiểu kết cấu này khiến cho tự sự trong tiểu thuyết được phân tầng lớp. Kiểu kết cấu này từng xuất hiện trong Nghìn lẻ một đêm nhưng phải đến tiểu thuyết hiện đại nó mới trở nên phức tạp. Thích khách mù của nữ văn sĩ Margaret Atwood, Khu vườn những lối đi rẽ đôi của Jorge Luis Borges… là những tác phẩm tiêu biểu cho kiểu kết cấu này. Kiểu kết cấu vòng tròn với điển hình là tiểu thuyết Trăm năm cô đơn của G. Marquez. Tổng thể tiểu thuyết là viết về quá khứ nhưng tiểu thuyết lại bắt đầu trần thuật từ một “tương lai” của quá khứ nên cho dù tiểu thuyết viết như thế nào về quá khứ của quá khứ này thì cuối cùng nó vẫn phải trở về với “tương lai” – mở đầu của tiểu thuyết. Hiệu quả của kết cấu vòng tròn là mang lại cảm giác về sự tuần hoàn, luẩn quẩn, không tịnh tiến, không phát triển, rất phù hợp để tự sự về một thị trấn Macondo nhỏ bé, cô độc, lạc hậu, khép kín. Tiểu thuyết Nếu một đêm đông có người lữ khách của nhà văn Ý Calvino lại tiêu biểu cho kết cấu móc xích. Tiểu thuyết được tạo thành từ mở đầu của mười tiểu thuyết khác nhau, chương kế tiếp không phải là sự phát triển của chương trước mà lại lạc sang một câu chuyện khác. Kiểu kết cấu này không tập trung vào sự phát triển của tình tiết, vào trật tự tuyến tính, vào logic nhân quả, không quan tâm đến trước và sau của tình huống. Tiểu thuyết trần thuật đến đoạn quan trọng nhất, đến tình huống có thể phát sinh nhiều kết quả khác nhau thì dừng lại rồi chuyển sang một chuyện khác, điều này không những phá vỡ logic nhân quả mà còn mở ra các chiều kích của sự liên tưởng, tưởng tượng, mở ra các chiều kích ngoài văn bản. Tiểu thuyết dạng từ điển là hình thức không gian hoá văn bản tự sự độc đáo. Từ điển Khazar của Milorad Pavic, Từ điển Mã Kiều của Hàn Thiếu Công là hai tiểu thuyết mô phỏng cách kết cấu của từ điển. Nếu tiểu thuyết truyền thống được tổ chức theo chương, hồi thì tiểu thuyết dạng từ điển lại được tổ chức theo mục từ. Về bản chất, từ điển và tiểu thuyết hoàn toàn khác nhau. Từ điển nhấn mạnh tính đồng thời, tập hợp tri thức chân thực, còn tiểu thuyết nhấn mạnh tính tuần tự, là sản phẩm của hư cấu tưởng tượng. Tổ chức văn bản của tiểu thuyết quy định trình tự đọc, còn tổ chức văn bản của từ điển cho phép người đọc tự do lựa chọn bắt đầu đọc từ đâu, đọc phần nào, không cần phải đọc từ đầu đến cuối, người đọc có thể tham gia tái cấu trúc văn bản tự sự. Cách tổ chức văn bản theo dạng từ điển nhằm tăng tính đồng thời, tính không gian cho tiểu thuyết, khắc phục tính tuần tự, quan hệ nhân quả, mang lại cho người đọc cảm giác chân thực. Hình thức không gian đặt cạnh nhau là một kiểu kết cấu quan trọng trong tiểu thuyết hiện đại. Cách sắp xếp này cũng phá vỡ quan hệ nhân quả trong tiểu thuyết truyền thống. Chẳng hạn cuốn Cuộc sống: Bản hướng dẫn sử dụng (1965) của Georges Perec viết về cuộc sống của những người sống trong 34 căn hộ ở một chung cư, các câu chuyện được được trần thuật tản mạn trong toàn bộ cuốn sách, các chương mục trong tác phẩm giống như các nguyên kiện mang đến cho độc giả. Độc giả phải lắp ghép nội dung giống như trò chơi ghép hình thì mới phát hiện ra chỗ thú vị của tiểu thuyết. Đới Đăng của Giả Bình Ao cũng không sử dụng chương hồi để cấu trúc văn bản, mà thay vào đó là các đoạn, có đoạn ngắn chưa đầy một trang giấy, có đoạn chỉ là nội dung công văn của ủy ban trấn, tên của mỗi đoạn được đóng khung; so với tiểu thuyết truyền thống, trục tuyến tính, quan hệ nhân quả giữa các đoạn giảm đi rất nhiều. Chính điều đó khiến tiểu thuyết Đới Đăng có hơi hướng của tản văn, tản mạn trần thuật rất nhiều chuyện khác nhau xảy ra ở Anh Trấn. Tổ chức trần thuật theo dòng ý thức cũng là một hình thức làm tăng tính không gian cho tác phẩm tự sự. Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, Vết loang trên tường của Virginia Woolf là điển hình cho lối kết cấu này. Ý thức luôn gắn với một không gian, một địa điểm cụ thể nào đó, không gian như là nơi neo đậu của ký ức, là nơi gợi nhắc, đánh thức ký ức, phát triển liên tưởng, tưởng tượng. Trong truyện ngắn Vết loang trên tường của Virginia Woolf, không gian đã trở thành logic tự sự, xuất phát từ vết loang, sau đó nghĩ đến tòa nhà… rồi lại trở về vết loang… Trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, Bảo Ninh sử dụng thủ pháp dòng ý thức làm cho những không gian ám ảnh trong quá khứ chen lẫn không gian trong cuộc sống hiện tại của nhân vật Kiên, không những có thể đồng hiện được các không gian khác nhau mà còn tái hiện được những góc khuất trong tâm hồn. Trần Đình Sử cũng đã chú ý đến vấn đề hình thức không gian của tác phẩm tự sự. Ông bàn đến “các hình thức không gian khắc phục tính tuyến tính của thời gian” và khái quát các biểu hiện của hình thức không gian đó như sau: “1. Giảm nhẹ, bỏ bớt tính chất sự kiện đến mức thấp nhất, làm cho câu chuyện không gian hóa; 2. Giảm hẳn hoặc không nói đến các thông số thời gian như năm, tháng, ngày, giờ, phút, giây, mùa; 3. Thời gian lặp đi lặp lại hình vòng xoáy; 4. Gia tăng yếu tố miêu tả, hình thành các mảng khối đời sống không liên tục ghép nối bên nhau; 5. Chia câu chuyện thành các đoạn bị xáo trộn không theo trật tự thời gian, tạo cảm giác đồng hiện”3.
Có thể nói, biểu hiện không gian vốn không phải là thế mạnh của tự sự bằng ngôn ngữ nhưng các nhà văn hiện đại, hậu hiện đại đã khắc phục hạn chế đó thông qua khai thác hiệu quả yếu tố không gian. Đối với sự phát triển của văn học nghệ thuật nói chung, tác phẩm tự sự nói riêng, việc khắc phục hạn chế của chất liệu thường tạo ra đột phá trong khả năng thể hiện. Chính yếu tố không gian đã mang đến sự mới mẻ cho tự sự bằng ngôn ngữ, mở rộng khả năng biểu đạt những chiều kích khác nhau của hiện thực và đời sống tâm hồn con người. Bên cạnh nghiên cứu vấn đề thời gian, tự sự học cũng quan tâm đến vấn đề không gian, ghi nhận những tìm tòi, đổi mới của nhà văn, chỉ ra giá trị của những tìm tòi đổi mới đó.
4. Vai trò của không gian trong tự sự bằng hình ảnh
Bên cạnh quan tâm đến vấn đề không gian trong văn bản tự sự bằng ngôn ngữ – phương tiện tự sự mang tính thời gian, tự sự học không gian cũng quan tâm nghiên cứu khả năng tự sự bằng hình ảnh trong những loại hình nghệ thuật không gian như hội họa, điêu khắc… Làm thế nào để loại hình nghệ thuật sử dụng chất liệu mang tính không gian có thể kể được hoàn chỉnh, rõ ràng một câu chuyện; tự sự bằng hình ảnh thường sử dụng mô hình tự sự nào; mối quan hệ giữa tự sự bằng hình ảnh và tự sự bằng ngôn ngữ… Những vấn đề này được Long Địch Dũng trình bày khá sâu sắc trong công trình Tự sự học không gian, gợi mở hướng vận dụng tự sự học vào nghiên cứu các loại hình nghệ thuật không gian. Long Địch Dũng cho rằng, muốn tự sự được thì hình ảnh với tư cách là chất liệu thể hiện không gian phải tái hiện được khoảnh khắc đầy tính phát triển giúp người đọc nhận ra quan hệ nhân quả của sự kiện, tổ chức hình ảnh thành hệ thống để xây dựng lại dòng thời gian, logic bên trong hoặc quan hệ nhân quả, từ đó thiết lập trật tự trần thuật. Như vậy, không gian phải hướng tới thể hiện thời gian thì mới có khả năng tự sự. Theo Long Địch Dũng, mô hình tự sự bằng hình ảnh có thể chia làm ba loại lớn: trần thuật về một trường cảnh đơn nhất, trần thuật tổng hợp và trần thuật tuần hoàn. Trần thuật về một trường cảnh đơn nhất đòi hỏi họa sĩ phải vẽ được khoảnh khắc giàu sức gợi, ám thị nguyên nhân, kết quả của sự kiện, khơi gợi một quá trình tự sự trong ý thức của người xem. Khoảnh khắc đó không phải là khoảnh khắc khi mọi thứ đã hoàn kết mà phải là khoảnh khắc giúp người xem nhận ra nguyên nhân (quá khứ) và kết quả (tương lai). Như vậy, mục đích tự sự chỉ có thể đạt được nếu họa sĩ gợi lên trong người xem ý thức về sự chảy trôi của thời gian. Chẳng hạn bức tranh Sự yết kiến của thánh mẫu của Giotto vẽ cảnh chủ tế Anne dìu thánh mẫu hướng lên bậc thềm, những người xung quanh không nhìn vào đối tượng chính mà lại đang nhìn nhau. Trần thuật theo kiểu tổng hợp là sắp xếp sự kiện, trường cảnh ở nhiều thời điểm khác nhau trong một bức tranh. Mỗi sự kiện, trường cảnh lại gắn với một không gian và một khoảng thời gian khiến cho thời gian và không gian trong bức tranh được nới rộng. Chẳng hạn như bức tranh Chân dung Arnolfini của Jan Van Eyck miêu tả cảnh một đôi vợ chồng mới cưới ở trong phòng cưới nhưng qua tấm gương trong phòng, họa sĩ lại vẽ được cả hình ảnh của tân khách đến chúc mừng. Trần thuật theo kiểu tuần hoàn được Long Địch Dũng nhận diện như sau: Đây là mô hình trần thuật dung hợp hàng loạt tình tiết với nhau, trong mô hình này, “bản thân mỗi tình tiết hoặc là sử dụng trần thuật trường cảnh đơn nhất, hoặc là sử dụng phương thức trần thuật tổng hợp”; trong rất nhiều tác phẩm, trần thuật theo kiểu tuần hoàn lại không phải sắp xếp theo trật tự thời gian trước sau để kể một sự kiện hoặc một câu chuyện hoàn chỉnh nhưng trong câu chuyện lại ám chỉ một trình tự nào đó nên người xem có thể tiến hành lý giải nó. Thế nhưng trong trần thuật theo kiểu tuần hoàn, không những bản thân bức tranh không thể hiện một trật tự thời gian nào đó mà người xem cũng không thể dùng quy luật nhân quả để lý giải tranh. Logic thời gian của loại tác phẩm này đã ẩn đi, nó trông chờ vào sự tái tạo lại trong hoạt động thưởng thức của người xem. Mô hình trần thuật này có lẽ tuân theo một quy luật khác – quy luật phương vị không gian, phù hợp với một logic khác – logic không gian. Do kết cấu phức tạp hơn nên sức biểu hiện của tác phẩm tự sự tranh này lớn hơn4.
Trong lịch sử nhân loại, tự sự bằng ngôn ngữ và tự sự bằng hình ảnh chiếm vị trí chủ đạo, nếu tự sự bằng ngôn ngữ sử dụng phương tiện mang tính thời gian thì tự sự bằng hình ảnh sử dụng phương tiện mang tính không gian, mỗi loại hình tự sự có điểm mạnh và hạn chế riêng nhưng luôn có xu hướng muốn vượt qua hạn chế của chất liệu. Khi nhân loại sáng tạo ra loại hình nghệ thuật tổng hợp được ưu điểm của hai loại hình tự sự cơ bản trên thì khả năng tự sự được nâng lên một tầng cao mới – đó là sự ra đời của điện ảnh, truyền hình... Các hình thức tự sự có mối quan hệ mật thiết với nhau. Loại tranh kể chuyện không chỉ mô phỏng các sự kiện trong đời sống mà còn mô phỏng câu chuyện trong các văn bản khác. Tranh mô phỏng các câu chuyện thần thoại, mô phỏng các câu chuyện trong văn bản tự sự không hề hiếm trong lịch sử hội họa. Đến khi điện ảnh ra đời, hiện tượng chuyển thể truyện ngắn, tiểu thuyết thành phim cũng khá phổ biến. Chúng ta có thể tiếp cận hiện tượng tự sự ở các loại hình nghệ thuật khác nhau như vậy từ góc độ nào? Văn học, hội họa, điện ảnh đều có bản chất ký hiệu, cho nên, tranh mô phỏng câu chuyện trong văn bản tự sự bằng ngôn ngữ, điện ảnh chuyển thể từ tác phẩm tự sự, trong chiều sâu của nó chính là chuyển dịch ký hiệu – chuyển dịch từ ký hiệu ngôn từ sang ký hiệu hình ảnh, từ ký hiệu ngôn từ sang ký hiệu tổng hợp, sự chuyển dịch này vừa phải đảm bảo được khả năng tự sự vừa chịu sự chi phối bởi đặc trưng chất liệu.
Nhìn chung, nghiên cứu vai trò của không gian đối với hoạt động sáng tạo, tiếp nhận, tổ chức tự sự, nghiên cứu khả năng tự sự ở các loại hình nghệ thuật khác nhau, nghiên cứu sự chuyển dịch giữa các loại hình nghệ thuật có cùng mục đích tự sự sẽ mở ra một chiều kích mới của tự sự học.
Chú thích:
1 Edward W. Soja (2004), Địa lý học hậu hiện đại – tìm lại không gian trong lý luận phê phán xã hội (bản tiếng Trung Quốc, Chi Lục Dương dịch), Thương Vụ Ấn Thư Quán, tr. 1.
2, 4 Long Địch Dũng (2015), Tự sự học không gian, NXB Tam Liên Thư Điếm, tr. 154-164, 426-450.
3 Trần Đình Sử (Chủ biên, 2017), Tự sự học – Lí thuyết và ứng dụng, NXB Giáo dục Việt Nam, tr. 189.