1. Dẫn luận về cuộc “hôn phối” giữa tự sự học và nữ quyền luận nhìn từ quá trình phát triển của hai lĩnh vực đối lập
Giới (gender) chắc chắn là một phạm trù quan trọng không chỉ đối với các nhà phê bình văn học trong việc diễn giải các câu chuyện mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Tuy nhiên, câu hỏi về việc liệu giới có phải là một phạm trù phù hợp với việc phân tích các đặc điểm cấu trúc của văn bản tự sự không thì vẫn đang được tiếp tục bàn luận trên nhiều diễn đàn1 . Kể từ khi tự sự học bước vào giai đoạn “hồi sinh” với việc mở rộng phạm vi trong một khái niệm “bành trướng” (Richardson) là “tự sự học hậu kinh điển”, lĩnh vực này được định hình với ba xu hướng chính, bao gồm “tự sự học theo ngữ cảnh” (được tiên phong bởi Seymour Chatman), tự sự học nhận thức (Monika Fludernik, Manfred Jahn, Ansgar Nünning…) và tự sự học hậu thuộc địa (Monika Fludernik, Roy Sommer và những người khác). Mặc dù về sau sự phân loại này cũng có nhiều thay đổi2, song những cách tiếp cận hậu kinh điển chủ yếu dựa trên giả định người ta cần bối cảnh hóa các phân tích về cấu trúc tự sự để xác lập một thực tế rằng việc “sản xuất” và tiếp nhận các văn bản văn học chắc chắn được định hình bởi những bối cảnh văn hóa và lịch sử mà ở đó các văn bản được hình thành, được viết ra, phân phối và đọc3. Nói cách khác, các lý thuyết tự sự về “văn hóa” hay “định hướng theo ngữ cảnh” sẽ coi các cấu trúc tự sự bị chi phối bởi các yếu tố ngoài văn bản và sẽ luôn phải ở trong một cuộc đối thoại với (các) bối cảnh văn hóa liên quan. Trong mạch phát triển đó, một trong những cách tiếp cận theo định hướng ngữ cảnh đầu tiên (vào những năm 1980) nhằm nghiên cứu các văn bản tự sự là tự sự học nữ quyền luận, một nhánh của lý thuyết tự sự do Susan Lanser tiên phong4 và được thúc đẩy bởi sự quan tâm ngày càng tăng đối với lý thuyết nữ quyền kể từ thế kỷ XX.
Điểm bắt đầu cho sự kết hợp của nhánh tự sự hậu kinh điển này chính là các vấn đề xoay quanh khái niệm “giới” và “tự sự học”. Susan Lanser khi viết Gender and Narrative in trong Handbook of Narratology đã định nghĩa về việc nghiên cứu kết hợp hai lĩnh vực này như sau: “Nghiên cứu về giới và tự sự khám phá những cách thức (ngẫu nhiên về mặt lịch sử) mà ở đó giới tính, giới và/ hoặc tình dục có thể định hình cả văn bản tự sự và các lý thuyết mà qua đó độc giả và các nhà nghiên cứu đều tiếp cận chúng. Trong phạm vi nghiên cứu rộng rãi này, lĩnh vực được gọi là “tự sự học nữ quyền luận” sẽ hướng tới việc khám phá những tác động của giới tính, giới và/ hoặc tình dục để hiểu “bản chất, hình thức và chức năng của truyện kể” (Prince) và cũng để khám phá đầy đủ các yếu tố tạo nên văn bản tự sự”5. Như thế, tự sự học nữ quyền luận quan tâm đến những cách thức mà các khái niệm, phạm trù, phương pháp và sự khác biệt trong tự sự học đã “thúc đẩy hoặc che khuất việc khám phá giới và tính dục như các khía cạnh biểu thị của trần thuật”6. Mặc dù từ khi xuất hiện đến nay, sự kết hợp này cùng với mục tiêu của nó vẫn còn gây tranh cãi, song định nghĩa này đã bao quát khá đầy đủ nội hàm của khái niệm “tự sự học nữ quyền luận” (Feminist narratology). Ngay từ khi được định danh, tự sự học nữ quyền luận có thể được coi là một ví dụ điển hình cho chiến lược mở rộng mô hình hậu kinh điển của tự sự học.
Trên cơ sở khảo sát một văn bản phi văn chương, đó là bức thư của người vợ viết cho người bạn thân nhằm tránh sự kiểm duyệt của người chồng tò mò, muốn kiểm soát mọi hành động của vợ, tiểu luận Hướng tới tự sự học nữ quyền luận (1986) của Susan Lanser đã vượt qua một số nghiên cứu trước đó (như cuốn Writing Beyond the Ending (1985) của Rachel Blau DuPlessis; Emphasis Added: Plots and Plausibilities in Women’s Fiction (1981) của Nancy K. Miller; A loosening of tongues: From narrative economy to women writing (1984) của Brewer; Toward a theory of the engaging narrator: Earnest interventions in Gaskell (1986) của Warhol) để trở thành công trình kinh điển đánh dấu sự xuất hiện của khuynh hướng nghiên cứu này. Bằng việc chỉ ra sự xếp chồng hai văn bản khác nhau (hay nói chính xác là hai tầng bậc/ hai cách đọc của một văn bản) được đặt trong sự khảo sát về giọng (voice), S. Lanser đã cho thấy một con đường tuyệt vời của sự kết hợp giữa hai ngành tưởng chừng rất khác biệt: tự sự học cấu trúc luận với hệ thống khái niệm về kỹ thuật kể chuyện mang tính phổ quát và nữ quyền luận, đối lập lại, gắn với việc nhấn mạnh đến hệ tư tưởng, quan niệm chính trị giới thông qua hệ thống nhân vật và ý thức hệ. Các nhà phê bình nữ quyền có khuynh hướng quan tâm nhiều đến nhân vật hơn bất cứ bình diện nào khác của truyện kể và nói về các nhân vật trên quy mô rộng như thể họ là những con người cá thể riêng biệt song mang tính khái quát, điển hình. Trái lại, hầu hết các lý thuyết gia tự sự nghiên cứu nhân vật, nếu có, như là “những mô hình tái diễn, những motif tiếp tục được đặt lại vào một ngữ cảnh thích hợp trong những motif khác”7. Ở tiểu luận của S. Lanser, việc chỉ ra cấu trúc kép được thiết lập bởi người viết nhằm vượt qua kiểm duyệt đã làm gia tăng tính hữu ích của các vấn đề giọng điệu, tình huống truyện kể và cốt truyện. Văn bản bề mặt và văn bản phụ khác nhau một cách ấn tượng cả về câu chuyện và cách kể chuyện đã cho thấy lý thuyết tự sự thích hợp đối với việc miêu tả toàn bộ câu chuyện và giải thích về cái khung truyện kể đã trói buộc chúng vào. Như thế, có thể khẳng định, các cấp độ trần thuật đa tầng bậc mà Genette đề xuất chính là cái khớp nối đầu tiên trên con đường hòa giải giữa hai lĩnh vực tưởng chừng hoàn toàn tách biệt. Tự sự học đối với phê bình nữ quyền trước hết cũng sẽ phải hòa giải phương pháp tiếp cận ký hiệu học của tự sự học với khuynh hướng mô phỏng căn bản của hầu hết tư tưởng nữ quyền về truyện kể. Sự khác nhau này nhắc nhở chúng ta rằng “văn học là điểm nối liền của hai hệ thống”8. Sự kết hợp phương pháp tiếp cận của chúng bộc lộ nỗ lực giao cắt hai lĩnh vực xuất phát từ những mức độ khác nhau: một lĩnh vực khoa học, mô tả và phi tư tưởng hệ; một lĩnh vực khác ấn tượng, có thể định giá, liên quan đến cả chính trị và văn hóa9.
Tự sự học nữ quyền luận định hình một cách thức hợp nhất giữa tính tự sự và giới. Theo M. Currie trong Postmodern Narrative Theory (1998), con đường hợp nhất đó không chỉ đánh dấu hành trình từ một lĩnh vực “mạch lạc” sang “phức tạp” mà ngày càng cho thấy mức độ mở rộng và sự phong phú của nó gắn liền với sự phát triển không ngừng của cả hai. Với sự phát triển ngày càng đa dạng của phong trào nữ quyền và nữ quyền luận trong văn chương, việc áp dụng lý thuyết tự sự vào các văn bản nữ quyền cũng ngày càng mở rộng và phong phú hơn. Tuy nhiên sự đa dạng này vẫn tập trung vào một mối quan tâm cốt lõi, đó chính là tính tự sự và giới trong các văn bản. Dựa trên các bình diện cốt lõi này, mọi sự phân tích của tự sự học nữ quyền luận đều hướng đến sự hợp nhất và phát triển, tiếp cận với những cách thức mà ngôn ngữ học nữ quyền có thể phản ánh như thế nào trong cách chúng ta nói về hình thức của văn bản văn học.
2. Một số bình diện cơ bản trong phương pháp tiếp cận tự sự học nữ quyền luận
Đối với một lĩnh vực được xây dựng trên cơ sở của sự giao thoa như tự sự học nữ quyền luận, các học giả phương Tây đã xác lập phương pháp tiếp cận một cách khá linh hoạt dựa trên nền tảng của tính tự sự và giới, tuy nhiên, sự giao thoa này được thực hiện với nhiều phương thức đa dạng. Chẳng hạn, Friedman (1998) tập trung vào sự chuyển đổi đáng kể lý thuyết tự sự về truyện kể nữ quyền với việc tránh xa những nhấn mạnh có xuất phát điểm Âu-Mĩ của lĩnh vực này bằng cách lập luận về tính ưu việt của việc khám phá “sự khác biệt địa chính trị và văn hóa trong việc cung cấp những gì tạo ra và thúc đẩy câu chuyện”10. Thêm nữa, ủng hộ sự chuyển đổi từ mô hình phân tâm học sang mô hình nhân học, Friedman đặt nền móng cho một nền thi pháp tự sự nữ quyền mang tính không gian cũng như thời gian. Hoặc Lanser (2010) kêu gọi thực hiện một dự án lớn về lập bản đồ toàn cầu không chỉ về văn bản mà còn về tự sự học nói chung để xem xét đâu là trọng tâm của tự sự học nữ quyền luận và nơi nào việc nghiên cứu tự sự vẫn chưa được khám phá11. Nhiều học giả tự sự học nữ quyền luận khác giờ đây đã thúc đẩy những dự án nghiên cứu chú ý đến các văn bản riêng lẻ không phải của người Mĩ gốc Anh hoặc các tác phẩm của đàn ông và các thể loại khác ngoài tiểu thuyết và phim. Trên cơ sở nới rộng phạm vi khảo sát về không gian, thời gian, địa chính trị, và văn hóa vùng nhằm thoát khỏi sự “áp đặt” của phương Tây, tự sự học nữ quyền luận hướng tới việc định hình phương pháp tiếp cận khá đa dạng của nó, tuy nhiên, có thể được khuôn lại ở một số phạm trù tiêu biểu sau:
2.1. Giọng điệu (voice) và giới (gender)
Phạm trù thi pháp đầu tiên được bàn luận một cách kỹ lưỡng và cụ thể trong sự kết hợp giữa tự sự học và nữ quyền luận chính là vấn đề giọng (voice). Thông qua việc khảo sát lối viết của phụ nữ trong công trình kinh điển Hướng tới tự sự học nữ quyền luận, S. Lanser đã minh chứng một cách thuyết phục nữ quyền luận có thể tác động đến tự sự học như thế nào. Ở đây, bằng cách “làm gia tăng những vấn đề mới, bổ sung những nét độc đáo tự sự học mà nó đã thực sự tồn tại” trong một ngữ cảnh cụ thể12, Lanser đã phân tích điểm khớp nối giữa hai lĩnh vực ở một số bình diện cơ bản, trong đó tập trung nhiều nhất vào giọng. Thực tế, trước hai phạm trù đối lập, một bên là bản chất không ổn định của vấn đề nữ quyền và một bên đề cao tính chính xác và tính trừu tượng của hệ thống tự sự học, tự sự học nữ quyền luận theo quan điểm của Lanser hướng tới việc khám phá một trong những vấn đề phức tạp và rắc rối nhất của phê bình nữ quyền: “văn phong của phụ nữ” và/ hoặc truyền thống tính nữ để chỉ ra đàn ông và phụ nữ viết khác nhau. Ở đây, thách thức đối với cả nữ quyền luận và tự sự học là nhận thức về bản chất kép của truyện kể nhằm tìm kiếm các phạm trù và điều kiện trở thành trừu tượng và tính ký hiệu đủ để trở nên hữu ích. Sự kết hợp này hướng tới việc minh chứng cho sự hồi đáp cụ thể của tự sự học đối với những vấn đề nhất định mà các lý thuyết khác đã không giải quyết thỏa đáng, vì thế, “minh chứng cho giá trị độc nhất của nó đối với tri thức nữ quyền luận”13.
Từ việc phân tích cấu trúc tự sự hai bậc văn bản một bức thư được viết bởi một phụ nữ mới cưới gửi cho người bạn thân nhưng muốn tránh sự kiểm duyệt của chồng, Lanser đã tìm ra điểm giao thoa giữa tính tự sự và giới dựa trên cơ sở tri thức về các cấp độ trần thuật mà Genette đề xướng (trong Diễn ngôn tự sự). Để phân tích cấu trúc bề mặt và cấu trúc ngầm (bậc hai) của văn bản bức thư, Lanser đã tập trung vào hai vấn đề nổi trội: giọng và lối viết của phụ nữ. Đối với vấn đề giọng, bà lập luận, chúng ta luôn bị chi phối bởi một quy ước ngầm, một thiết chế được thiết lập bởi uy quyền nam giới, đó là giọng phụ nữ thì phải mềm mỏng, vòng vo, và tạo thành một kiểu diễn ngôn của kẻ phi quyền lực14 với đặc điểm lời nói “lịch sự, cảm xúc, nhiệt tình, ngồi lê đôi mách, lắm lời, không chắc chắn, ngu ngốc và tán gẫu”. Trong khi đó, giọng đàn ông phải mạnh mẽ, kiên quyết, gắn liền với đặc điểm ngôn ngữ quyền lực: “có năng lực, trực tiếp, lý trí, tiêu biểu cho tính hài hước, không tình cảm, mạnh mẽ (trong giọng điệu và việc lựa chọn từ ngữ) và thẳng thắn”15. Tuy nhiên, từ việc phát hiện cấu trúc tự sự hai bậc của văn bản này, Lanser đã trình ra một kiểu giọng kép của phụ nữ. Chỉ một bức thư nhưng hướng tới hai đối tượng khác nhau, người chồng gia trưởng và người bạn gái thân thiết, chủ thể của bức thư đã viết bằng một chiến thuật cực kỳ thông minh, vừa để chuyển tải thông điệp tới người bạn thân về sự thật cuộc hôn nhân u tối và bi đát của mình vừa vượt qua sự kiểm duyệt của người chồng gia trưởng. Ở đây, Lanser đã chỉ ra rằng, văn bản bề mặt gần như là một ví dụ về “ngôn ngữ của phụ nữ”, người kể chuyện tự mình “nhún nhường, tán dương về người chồng” với “những xúc cảm sống động mới mẻ nhất” của cô ấy và tạo ra một kiểu “diễn ngôn lặp lại, ngoa dụ, vòng vo và khác thường của ngữ pháp. Đó là giọng của một người mà rõ ràng là không thể “nói tất cả trong một từ”, một người có thể xác nhận bản thân cô ấy chỉ nằm trong những cụm từ trống rỗng và cú pháp của phủ định”16. Trái lại, giọng của văn bản phụ (văn bản ngầm ở bậc hai) “đơn giản và trực tiếp một cách ấn tượng, với một loại ngôn ngữ gắn với uy quyền mệnh lệnh”. Thêm nữa, “người kể chuyện thứ hai này phô bày sự giận dữ, mạnh mẽ, quyết đoán, sự chắc chắn trong đánh giá, nhận thức sắc sảo của cô ấy về những khiếm khuyết của chồng mình và về chính những cơ hội đã bị mất của bản thân”17. Như thế, chỉ ở một văn bản, chủ thể bức thư đã tạo ra một cấu trúc tự sự kép, bên dưới giọng nhún nhường và cảm xúc “nữ tính” là giọng uy quyền “nam tính” mà người viết không thể công khai. Lanser khẳng định: “Văn bản phụ cũng phơi bày trên văn bản bề mặt và vì thế giọng điệu của văn bản bề mặt, như một trò lừa bịp gian lận, khám phá “phong cách nữ tính” trở thành một bức tranh biếm họa khoác tấm mặt nạ của một giọng điệu chắc chắn hơn trong quá trình giao tiếp của một phụ nữ dưới con mắt cảnh giác của đàn ông.
Với giọng kép này, có thể thấy, không phải phụ nữ không thể viết được những cấu trúc “mạnh mẽ và quyết đoán”. Tính lưỡng phân của giọng rõ ràng phủ nhận cái gọi là bản chất phù phiếm, ngồi lê đôi mách của giọng nữ. Người nữ hoàn toàn có khả năng viết bằng một giọng kể mạch lạc, dứt khoát và mạnh mẽ. Và chính việc phải sử dụng hai bậc tự sự với hai giọng hoàn toàn khác biệt đã tố cáo hệ thống nam quyền. Điều gì đã buộc họ phải sử dựng hai giọng như vậy? Đối với tình thế của một phụ nữ trong một xã hội nam quyền, tốt nhất cần phải có giọng kép, đó là một sự lẩn tránh có ý thức hoặc như một sự giải thoát bi kịch của bản thân.
Trong nghiên cứu này, Lanser không chỉ dừng lại ở việc phân biệt giữa giọng nam và giọng nữ chi phối đến quá trình trần thuật như thế nào mà còn chỉ ra việc sử dụng giọng kép còn làm biến đổi cấu trúc tự sự của văn bản gốc, “tính phủ định này nhiều hơn sự kết nối giữa hai văn bản; đây là cách thức mà từ hai bức thư cuối cùng tạo ra bức thư thứ ba: câu chuyện thứ ba, giọng điệu thứ ba, độc giả thứ ba”18. Như thế, từ việc xác định những nét đặc trưng của giọng kép, bằng việc khảo sát những hình thức “dư thừa” bị giảm dần trong quá trình giải mã, Lanser còn chỉ ra một tầng bậc tự sự thứ ba xuất hiện trong cấu trúc kép này.
Thứ hai, để chỉ ra sự khác biệt của giọng trong những ngữ cảnh nhất định, Lanser đã đề cập đến vấn đề lối viết của phụ nữ đặt trong phạm trù “riêng tư” và “công khai”. Không thể phủ nhận, đã tồn tại một quy ước rất phổ biến thời điểm đó là phụ nữ sẽ viết những gì riêng tư, cá nhân, nghĩa là những câu chuyện đàn bà, là những sự “viết” cho riêng phụ nữ với một loạt các thể loại mang tính cá nhân quen thuộc: thư từ, nhật ký, khuyên bảo…; còn “viết” của nam giới là lối viết công khai, nghĩa là họ được phép công khai và hướng tới cả độc giả nam giới và nữ giới. Nếu như đối với Genette, sự phân biệt giữa người kể chuyện công khai và riêng tư đơn giản chỉ là hàm ẩn hoặc hiển ngôn, tập trung vào người nghe mà họ ở bên ngoài thế giới văn bản và dành cho người có thể ngang hàng với những độc giả công khai, còn kể chuyện riêng tư là tập trung vào người nghe chuyện được chỉ định rõ ràng, người chỉ tồn tại trong thế giới văn bản. Kể chuyện công khai gợi ra mối quan hệ trực tiếp giữa độc giả và người nghe chuyện, và rõ ràng gần như rất giống với mối quan hệ tác giả - độc giả phi hư cấu, trong khi sự xâm nhập của độc giả là gián tiếp trong kể chuyện riêng tư, bởi vì nó “xuyên qua” hình thái cá nhân của văn bản. Tuy nhiên, Lanser dựa trên cơ sở này để đề xuất “khái niệm về các cấp độ kể chuyện công khai và riêng tư như là một phạm trù bổ sung cho sự liên quan đặc biệt về việc nghiên cứu những văn bản của phụ nữ”19.
Như vậy, ở nghiên cứu mở đầu của khuynh hướng tự sự học nữ quyền luận này, rõ ràng, Lanser nhấn mạnh đến tính nhị nguyên trong giọng kể, điều mà về sau, cùng với sự phát triển đa dạng của nữ quyền luận, giọng điệu nhị nguyên này đã được chính bà xem xét lại. Tuy nhiên, cũng chính ở giai đoạn đầu này, không thể phủ nhận, tính nhị nguyên có phần cực đoan đó đã đem lại một sự phân tích tuyệt vời về hiện tượng giao thoa giữa tính tự sự và các thủ pháp tự sự với vấn đề giới. Sự giao cắt giữa hai lĩnh vực tưởng chừng hoàn toàn khác biệt đem đến những khám phá bất ngờ và sâu sắc, nó hoàn toàn thuyết phục mọi người về một tương lai xa hơn trong việc kết hợp giữa tự sự học và nữ quyền luận. Những vấn đề về nhân vật và tư tưởng cùng với các quan điểm chính trị đã được khai thác một cách triệt để nhờ việc sử dụng các biện pháp và hệ thống công cụ chính xác và mang tính phổ quát của tự sự học. Lanser đã châm ngòi cho hàng loạt các vấn đề liên quan đến cả hai lĩnh vực và lật đổ quan niệm về giọng và lối viết của phụ nữ. Cách tiếp cận ở đây chính là việc xem xét giọng trong từng bối cảnh cụ thể. Đặt tự sự trong ngữ cảnh và giới, nhà tự sự nữ quyền luận đi tìm sự chi phối của giới đến cấu trúc tự sự với hàng loạt các yếu tố khác.
2.2. Cốt truyện (plot) và giới
Phạm trù tiếp theo được các nhà tự sự học nữ quyền luận chú ý đó chính là cốt truyện. Cốt truyện gắn liền với câu hỏi cái gì tạo nên phạm trù này như một khái niệm của tự sự học nữ quyền luận và sau đó nhận thức về tính tự sự gắn liền với mối quan hệ phức tạp giữa đặc điểm ngôn ngữ trong văn bản, sự mạch lạc thông qua trình tự thời gian, những mô tả đặc điểm và đánh giá được kết hợp thành các mô hình tổ chức có thể nhận biết về mặt văn hóa? Thông thường, bất kỳ văn bản nào cũng có thể được coi là có tính tự sự yếu hoặc mạnh hơn văn bản khác, tuy nhiên, những phân tích nữ quyền về các loại cốt truyện dường như bộc lộ nhiều hơn mối tương quan mạnh - yếu về mức độ tự sự gắn liền với sự phân biệt giới. Chẳng hạn, theo Brooks, các cốt truyện “nam” được đánh giá là mang tính tự sự mạnh và cốt truyện “nữ” mang tính tự sự yếu20.
Ở thời điểm bắt đầu xu hướng này, cốt truyện, mặc dù nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn sâu của Lanser nhưng bà cũng đã đề cập và phân tích một số điểm quan trọng liên quan đến mối quan hệ giữa cốt truyện và giới. Ở đây, nếu căn cứ vào các yếu tố của cốt truyện là sự kiện và nhân vật, có thể nhận thấy, câu chuyện của văn bản bề mặt bức thư tạo nên một cốt truyện “ngưng trệ” về một chuyện tình “mơ mộng” và “hòa hợp”, còn ở văn bản thứ hai (văn bản phụ) lại là một cốt truyện hợp lý hơn với kiểu mô hình “một tam giác có thể bùng phát mạnh mẽ - người chồng, người tình, người vợ - mà ở đó cần một người bạn gái tâm tình để câu chuyện trở nên logic. Cốt truyện của văn bản phụ này trên thực tế là một quy ước chặt chẽ: người chồng nghiện ngập, bà dì độc thân nham hiểm”21. Tuy nhiên, theo phân tích của Lanser, mặc dù tự sự học rất phong phú và đa dạng với vô số mô hình xác định rõ bản chất cốt truyện, như những phát biểu có hệ thống của Propp, Bremond, Todorov, Costello, Pavel, Prince… đều đã đề xuất những cách thức hữu ích để nói về một con số khổng lồ các văn bản, song “trong trường hợp bức thư, từng cách thức đều thất bại”22. Bởi ở văn bản bức thư này, mặc dù xuất hiện các hành động xấu xa của nhân vật nhưng mỗi hành động đó không tạo ra “một sự thay đổi mới” như quan niệm của Propp23, cũng không tạo ra các sự kiện làm biến chuyển số phận nhân vật như quan điểm về cốt truyện của IU. Lotman24. Trong trường hợp này, các khái niệm tự sự học chuẩn mực về cốt truyện đã không miêu tả một cách thỏa đáng văn bản của phụ nữ, cụ thể là ở văn bản bức thư đã nói. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là phải xác lập được thế nào là “cốt truyện” hoặc “phi cốt truyện” ở các văn bản phụ nữ, dựa trên sự biến đổi của những câu chuyện gắn với giới25.
Nếu các lý thuyết cốt truyện của tự sự học thừa nhận rằng hành động văn bản dựa trên cơ sở những hành vi (có chủ ý) của các nhân vật chính thì ở cốt truyện bề mặt của văn bản bức thư, khi chống lại quyền uy của đàn ông, kinh nghiệm của phụ nữ dường như thường “tĩnh tại và nằm trong mô hình của sự chờ đợi. Nó không phải là một tiến trình phát triển hoặc các sự kiện có khuynh hướng xảy ra liên tục hay đẩy lên đến tột đỉnh, như trong cốt truyện của đàn ông truyền thống”26. Tự sự học truyền thống miêu tả mô hình này là “phi cốt truyện”, tuy nhiên, việc thiết lập những cốt truyện kiểu “ngưng đọng” này thường hướng tới mô tả nỗ lực của phụ nữ nhằm “tạo ra ý nghĩa” cho thế giới của họ. Vì vậy, theo Lanser, “người ta có thể nhìn thấy cốt truyện này như là một cấu trúc về sự bất an và nổi bật lên (dần dần) tương ứng với những trải nghiệm “thế giới thực” của phụ nữ trong những hoàn cảnh khó khăn”27.
Như thế, nếu căn cứ vào khái niệm về cốt truyện theo hình thái học của Propp hoặc “khung” (frame) hay “vượt ranh giới” của IU. Lotman để nghiên cứu về văn phong của phụ nữ thì sẽ là “sai lầm” và chúng ta buộc phải nói về khái niệm “phi cốt truyện” theo một ý nghĩa khác. Lanser nhận định: “Có lẽ, tự sự học đã mắc sai lầm trong việc cố gắng đạt tới một định nghĩa và miêu tả đơn độc về cốt truyện. Chúng ta sẽ phải học thêm về những truyện kể của phụ nữ - và về thực tế những văn bản thế kỷ XX - nếu chúng ta tự mình tìm thấy ngôn ngữ miêu tả cốt truyện của họ bằng những thuật ngữ khẳng định hơn là phủ định”28. Như vậy, giới và các vấn đề liên quan đến giới đã làm biến đổi mạnh mẽ cấu trúc cốt truyện và sự biểu hiện của nó. Bức thư của cô gái trẻ mới kết hôn kia đã đề xuất một cốt truyện logic và chặt chẽ hơn bên dưới một truyện kể “không có cốt truyện” của phụ nữ - một cốt truyện có tính chất phá vỡ sự chia sẻ kinh nghiệm với mục đích để cuộc sống của người nghe có thể hoàn thiện câu chuyện của người nói”29.
Song song với cái gọi là cốt truyện nam-nữ và giải quyết mối quan hệ giữa cốt truyện tự sự và giới, các nhà văn nữ quyền đã đề xuất những mô hình tự sự thay thế bắt nguồn từ việc phân tích văn bản của các nhà văn nữ (chủ yếu từ thế kỷ XIX và XX). Theo Ruth, những mô hình tự sự này có thể được mô tả bằng các thuật ngữ giới rõ ràng, thường tôn vinh trải nghiệm cụ thể của phụ nữ dựa trên cơ thể. Điều này bao gồm phác thảo của Hirsch về những sửa đổi của phụ nữ đối với các mô hình cốt truyện phức cảm Ơ-đíp, mô tả của Anderson về mô hình cốt truyện cực khoái của phụ nữ (“Gendered pleasure, gendered plot: Defloration as climax” in Clarissa and Memoirs of a Woman of Pleasure”, 1995) và việc Winnett sử dụng sinh con và cho con bú làm phép ẩn dụ cho những câu chuyện về khoái cảm của phụ nữ30. Điểm chung của tất cả những mô hình này là tiếp tục chỉ ra sự khác biệt giữa các câu chuyện của phụ nữ với những câu chuyện có “cốt truyện nam giới”. Điều này tiếp tục dẫn đến sự đối lập nhị nguyên giữa các lựa chọn thay thế nam và nữ. Nhìn chung “cốt truyện nam” là tuyến tính, với quỹ đạo tăng-giảm đỉnh điểm trong căng thẳng tự sự và kết thúc bằng một điểm kết thúc xác định. Ngược lại với điều này, theo Winnett, “cốt truyện nữ” không tuyến tính, lặp đi lặp lại và chống lại việc kết thúc câu chuyện31; cốt truyện nữ có thể chứa nhiều cao trào hoặc không có cao trào nào cả (Anderson, 1995) và được ví như hình thức trữ tình được tổ chức theo tính phi thời gian thời kỳ tiền phức cảm Ơ-dip (Wallace, 2000)32.
Quan điểm nhị nguyên rạch ròi này mong muốn “phá vỡ trật tự” nam quyền nhằm khẳng định cái gọi là lối viết nữ tính, được coi là trọng tâm của sự phản kháng nữ quyền trong các nữ quyền luận Anh-Mĩ khi tiếp nhận các tác phẩm của Cixous, Irigaray và Kristeva. Giống như lý thuyết tự sự về nữ quyền đã được nhắc đến ít nhiều ở đây, lối viết nữ tính này cũng bắt nguồn từ phân tâm học và thay thế cách thể hiện “tham vọng nam quyền” bằng một ngôn ngữ nữ tính và liên tục thách thức các ranh giới.
2.3. Diễn ngôn tự sự và giới
Một phạm trù quan trọng khác khi xác lập mối quan hệ giữa tính tự sự và giới đó chính là diễn ngôn. Với bản chất như một hiện tượng tư tưởng, diễn ngôn trong tự sự học không chỉ là ngôn ngữ biểu đạt, phương thức giao tiếp, biểu đạt của con người, mà với với chức năng kiến tạo thế giới, bộc lộ rõ nhất tiếng nói của chủ thể quyền lực, diễn ngôn là ngôn ngữ của kẻ chiếm địa vị thống trị về tư tưởng. Các chủ thể diễn ngôn với những địa vị khác nhau sẽ tạo ra những trật tự diễn ngôn khác nhau. Để kiến tạo nên điều này, mỗi văn bản sẽ có một chiến lược diễn ngôn khác nhau, từ tuyên bố, ra lệnh cho đến đối thoại, trao đổi hay trình bày, diễn giải quan điểm của mình. Như thế, nghiên cứu diễn ngôn là đi tìm xem các chủ thể xã hội đứng đằng sau diễn ngôn, xem đó là tiếng nói của ai, vào thời điểm nào và mức độ quyền uy của họ ra sao. Điểm căn bản này chính là khớp nối quan trọng gắn nữ quyền luận với diễn ngôn, một phạm trù không chỉ nghiên cứu hình thức của ngôn ngữ.
Nhận thức rõ phạm trù ngôn ngữ có thể chi phối và hợp nhất giữa tự sự học và nữ quyền luận nhằm hướng tới việc khám phá một một tập hợp các tham số có thể nhân rộng để so sánh các hình thức tự sự, S. Mills trong công trình Feminist Stylistics (1995) đã chỉ ra rằng “việc phân tích ngôn ngữ các văn bản là một bước quan trọng trong việc làm sáng tỏ giá trị của những khẳng định về sự khác biệt giới trong ngôn ngữ, ở đây bao gồm cả cấu trúc trần thuật”33. Theo các nhà tự sự học nữ quyền luận, nhận thức về tính tự sự có thể được hiểu là mối quan hệ phức tạp giữa các đặc điểm ngôn ngữ “trong” văn bản và các đặc điểm ngôn ngữ “ngoài” văn bản, chẳng hạn như tri thức về thế giới của người đọc có thể được định hình bởi các bối cảnh văn hóa cụ thể theo nhiều cách khác nhau (Herman (1997), Hoey (2001)). Những đặc điểm ngôn ngữ “trong” văn bản bao gồm những nhân tố được nghiên cứu theo truyền thống tự sự học. Nó kết hợp giữa cách thức mà trật tự thời gian được đánh dấu gắn với việc tổ chức, mô tả đặc điểm được sử dụng, trạng thái của người kể chuyện và/ hoặc người tiêu điểm của văn bản và toàn bộ tổ chức của văn bản. Những yếu tố này không nên được coi là một tiêu chí đối với trạng thái của văn bản như một câu chuyện kể trái ngược so với một số loại văn bản khác, mà đúng hơn là một tập hợp mở, có thể được kết hợp với nhau để tạo ra tính tự sự ở nhiều loại và mức độ khác nhau. Ẩn ý trong định nghĩa của Herman về tính tự sự là bất kỳ văn bản nào cũng có thể được cảm nhận là có mức độ tự sự cao hơn hoặc thấp hơn và người đọc cũng có thể nhận ra những mức độ này. Từ đó, chúng ta có thể suy ra rằng sự kết hợp nhất định của các đặc điểm ngôn ngữ xảy ra theo một mô hình nào đó có thể nhận biết được sẽ trở thành cơ sở để xử lý một văn bản tự sự và được coi là có tính tự sự cao hay thấp. Trong mối quan hệ của tự sự học nữ quyền luận, sự tương quan giữa mức độ trần thuật và sự phân biệt giới nằm trong khuôn mẫu của cốt truyện, ở đó các cốt truyện “nam” và “nữ” lần lượt thể hiện tính trần thuật mạnh và yếu.
Cụ thể, tính chất tự sự và việc sử dụng ngôn ngữ trong “âm mưu tham vọng của nam giới” sẽ được đặc trưng bởi sự hiện diện của một loạt các yếu tố và phong cách nhất định. Việc mô tả mô hình cốt truyện này phải được thực hiện một cách nhất quán và mạch lạc tập trung vào nhân vật nam chính nhằm thể hiện mong muốn của anh ta, với “một sức mạnh thúc đẩy nhân vật chính tiến về phía trước, và đảm bảo rằng không có biến cố hoặc hành động nào là cuối cùng hoặc tự khép lại cho đến thời điểm mà mục đích của tham vọng được làm rõ, thông qua thành công hay sự từ bỏ”34. Trong sự tiến triển của mô hình đó, để giải quyết thỏa đáng và đạt được các mục tiêu thì mọi sự kiện tự sự đều phải được mô tả bằng “ngôn ngữ nam quyền” với những dấu hiệu bề mặt hiện hữu trong các thành phần cốt truyện. Trái lại, tính tự sự của “cốt truyện nữ” dường như tương phản với những đặc điểm trần thuật này theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, ngôn ngữ của mô hình cốt truyện này mô tả bất kỳ yếu tố nào được sử dụng cũng có thể thay đổi, lỏng lẻo hoặc điển hình cho việc bị gián đoạn theo một cách nào đó (ví dụ: trình tự thời gian có thể bị gián đoạn do lỗi thời, các vấn đề vẫn chưa được giải quyết...). Những đặc điểm ngôn ngữ này không cố định trong một cấu hình bất biến mà thống nhất trong sự tương phản với tính tự sự của cốt truyện nam-nữ. Như vậy, mặc dù việc xác lập các mô hình cốt truyện “nam” và “nữ” có thể hình thành tính tự sự mạnh và yếu được thể hiện ở hàng loạt các yếu tố như sự kiện và hành động nhân vật, tuy nhiên, quan điểm nhị nguyên này còn được bộc lộ và chi phối rõ ràng ở việc sử dụng ngôn ngữ, tạo thành từng kiểu diễn ngôn đặc thù.
3. Một cái nhìn khái quát về tương lai của tự sự học nữ quyền luận: từ quan điểm nhị nguyên đến quan điểm đa nguyên (tự sự học nữ quyền luận hậu hiện đại)
Thay lời kết cho những thảo luận về phương pháp tiếp cận tự sự học nữ quyền luận, tôi muốn đề cập cái nhìn sơ lược đến tương lai của ngành nghiên cứu này. Trước hết, chúng ta phải thừa nhận, mọi sự chuyển đổi và phát triển của tự sự học nữ quyền luận này dựa trên bình diện cốt lõi của mỗi lĩnh vực, vì thế, sự phát triển đa dạng phong phú hay nghèo nàn của nó sẽ gắn liền với quá trình phát triển của nữ quyền luận và phong trào chính trị nữ quyền trên thế giới cùng khả năng tái tri nhận tự sự học kinh điển. Tiềm năng của tự sự học nữ quyền luận trong nhiều thập kỷ qua đã được minh chứng với những thành tựu và chuyển biến ấn tượng. Sự phát triển mạnh mẽ của nó được khẳng định khi xem xét trong những bối cảnh lịch sử và xã hội cụ thể. Chính những khảo sát, đánh giá dựa trên nền tảng lịch sử và xã hội cụ thể đã tạo cơ sở cho việc tái khái niệm hóa sự trao đổi giữa (các) chủ nghĩa nữ quyền và lý thuyết tự sự nhằm tranh luận về tính hữu ích của nó đối với cả hai lĩnh vực. Đặc biệt, Ruth đã gợi ý rằng: “Tự sự học nữ quyền luận phải tính đến những thay đổi đã diễn ra trong cả hai lĩnh vực do ảnh hưởng của hậu hiện đại”35. Như thế, có thể thấy, các siêu câu chuyện, ở cả hai lĩnh vực đều có chung một tiến trình thoát khỏi mối quan tâm phổ quát hóa các phạm trù thành sự đa dạng hóa và hướng đến tính đặc thù. Trong đó, tự sự học theo chủ nghĩa xét lại đặt câu hỏi về các giả định của một hệ thống trừu tượng; còn đối với chủ nghĩa nữ quyền, nhà hậu cấu trúc luận thách thức việc xây dựng các phạm trù phổ quát về phụ nữ. Ruth đã chỉ ra sự giao thoa và mở rộng này: “Các vấn đề của chủ nghĩa phổ quát đã được giải quyết bằng cách đưa vào nhiều quan điểm dẫn đến sự rạn nứt của tự sự học và chủ nghĩa nữ quyền thành chủ nghĩa đa nguyên gia tăng đi đôi với việc tập trung vào bối cảnh địa phương hóa”36.
Thực tế, một thời gian khá dài kể từ ngày tự sự học nữ quyền luận được xác lập trong nghiên cứu của S. Lanser, không có một bộ dữ liệu, mô hình phân tích, phương pháp luận hay lý thuyết nào có thể đạt được các mục tiêu kép của cả chủ nghĩa nữ quyền hoặc tự sự học. Đúng hơn là mỗi lĩnh vực sẽ bộc lộ những điểm mạnh và hạn chế riêng. Hiện nay các nhà tự sự học nữ quyền luận kêu gọi về một cách tiếp cận toàn diện hơn đối với truyện kể/ tự sự nữ quyền, không chỉ nhìn xa hơn các ranh giới hiện có về mặt dữ liệu cũng như lý thuyết và tính khắt khe của nó mà còn kết hợp tính đa dạng của nữ quyền luận với “niềm tin rằng sự tổng hợp có thể mang lại hiệu quả”37. Cách tiếp cận mà các nhà tự sự học nữ quyền luận thực hiện chủ yếu là so sánh (ví dụ như trong công trình của Ruth (2006) hay Porter Abbott (2000)), một mặt, cách tiếp cận này có thể cho phép chúng ta đánh giá lại ý nghĩa của các thuật ngữ được sử dụng đương nhiên, như “giới”, “ngữ cảnh” và “văn bản”; mặt khác, nó cũng mở ra khả năng đối thoại giữa những nhà nghiên cứu làm việc ở các lĩnh vực khác nhau. Điểm cơ bản, nghiên cứu theo hướng này sẽ bao gồm việc thừa nhận những phát hiện và lập luận có liên quan đến giới của các tự sự, khám phá những điểm chung và khác biệt của chúng có thể khiến chúng ta thay đổi quan điểm. Ở đây, vấn đề gây tranh cãi và cũng là nhân tố nền tảng cho sự phát triển sâu rộng hơn giữa hai ngành là vấn đề tích hợp và chuyển đổi các mô hình, phương pháp hoặc lý thuyết xuyên qua các ranh giới. Đó chính là điều kiện cần, tuy nhiên, luôn phải được xử lý một cách thích đáng và tinh tế để diễn giải phù hợp những biến dạng có thể phát sinh từ quá trình ngữ cảnh hóa.
Trong khi các nhà nữ quyền ở làn sóng thứ hai phân biệt giữa giới tính sinh học (nam/ nữ) và giới tính do xã hội xây dựng (nam tính/ nữ tính) thì các nhà lý thuyết nữ quyền sau này, đặc biệt là Judith Butler, đã phá bỏ sự phân biệt này, cho rằng bản thân tình dục được xây dựng về mặt xã hội và được hiểu rõ hơn là một khả năng liên tục chứ không phải là một cặp nhị phân. Tuy nhiên, trong công trình Literary and Linguistic Approaches to Feminist Narratology, Ruth mặc dù tiếp tục sử dụng thuật ngữ “giới” để đề cập đến cách thức mà các cá nhân có thể tự nhận dạng mình hoặc được xác định (hầu hết) là phụ nữ hoặc nam giới và để mô tả hành vi và niềm tin cho phép các chuẩn mực này được áp dụng, nhưng bà cũng nhận ra rằng có các lựa chọn thay thế giới tính khác có thể vượt xa sự phân biệt hai chiều này, chẳng hạn như thông qua sự hòa trộn giới tính hoặc trong hình ảnh người máy38. Các nghiên cứu gần đây về tự sự học nữ quyền luận đã vượt ra ngoài mô hình nhị nguyên về giới được sử dụng trong những năm trước đó (như nghiên cứu của Lanser (1995, 1999); Warhol (2003) đã chỉ ra), “văn bản của phụ nữ” không dễ được coi là một phạm trù đơn giản và sự đồng nhất cùng những khác biệt quan trọng giữa phụ nữ cũng cần được thừa nhận. Thông thường những khác biệt này sẽ trở thành cơ sở để làm nổi bật cội nguồn áp bức hoặc loại trừ và thay thế, chẳng hạn như chủng tộc, giai cấp hoặc tình dục và cũng có thể bao gồm những yếu tố khác như tuổi tác, lịch sử hoặc ngành học. Có thể nói, những chuyển đổi từ nhị nguyên sang đa nguyên về giới chính là điểm khởi đầu cho tự sự học queer sau này, được phát triển như một nhánh của tự sự học nữ quyền luận. Tuy nhiên, dù tuân thủ theo nguyên tắc nhị nguyên (giai đoạn đầu) hay đa nguyên (giai đoạn hậu hiện đại) thì tự sự học nữ quyền luận vẫn chạy trên đường ray của vấn đề tự sự và giới.
Như vậy, từ những phân tích ở trên, có thể thấy, tự sự học nữ quyền luận không thể được hiểu như một thực thể thống nhất, duy nhất. Chính nền tảng hình thành của nó từ hai lĩnh vực khác biệt, và mặc dù có thể gối chồng và tác động đến nhau từ nhiều điểm khớp nối, song tính đa dạng và sự biến đổi liên tục của mỗi lĩnh vực là cơ sở nền tảng để tạo nên một sự phong phú, với nhiều khác biệt, đòi hỏi ngày càng được mở rộng và có chiều sâu hơn. Trong sự tái hình dung về tính đa nguyên này, tự sự học nữ quyền luận đã hoàn toàn bước sang giai đoạn hậu hiện đại, phù hợp với lý thuyết nữ quyền hậu hiện đại do Fraser và Nicholson (1990) đề xuất. Tự sự học nữ quyền luận không hướng tới việc phổ quát hóa mà đi tìm sự hòa hợp với những thay đổi và tương phản hơn là một điều gì đó “bao trùm luật pháp”. Họ “sẽ thay thế các quan niệm thống nhất về bản dạng giới của phụ nữ và nữ tính bằng các quan niệm số nhiều và được xây dựng phức tạp về bản sắc xã hội, coi giới là một chuỗi có liên quan giữa những người khác”39. Tuy nhiên, bất chấp những động cơ chính trị thúc đẩy sự đa dạng như vậy, tự sự học nữ quyền luận vẫn giữ lại những điểm chung nhất định. Vì thế, tính tích hợp của lối kể chuyện nữ quyền hậu hiện đại đã được Ruth kết luận: “Tự sự học nữ quyền luận hậu hiện đại được tạo thành từ nhiều sợi dây có thể không chỉ có màu sắc khác nhau mà còn có những điểm mà chúng giao nhau và kết hợp. Chỉ khi chúng được đan kết với nhau thì bức tranh tổng thể về tự sự học nữ quyền luận mới có thể bắt đầu được hình thành”40.
Chú thích:
1 Marion Gymnich: “Gender and narratology”, Literature Compass 10/9/2013, pp. 705-715.
2 Xin xem thêm Roy Sommer: “The merger of classical and postclassical narratologies and the consolidated future of narrative theory”, Diegesis 1/1/2012.
3 Theo David Herman (1999), “Narratologies: New perspectives on narrative analysis”, Ohio State University Press.
4 Susan Lanser: “Toward a Feminist Narratology” (Hướng tới tự sự học nữ quyền luận) in Style, Vol. 20 (3), pp. 314-363, The Pennsylvania State University Press, 1986 (Cao Kim Lan dịch, in trong Tự sự học hậu kinh điển), NXB Khoa học xã hội, 2023, tr. 64-107.
5, 6 Susan Lanser: “Gender and narrative”, Handbook of Narratology, Bd. I, Berlin/Boston 22014 (2014): 206-218, tr. 206.
7, 8 Susan Lanser: “Toward a Feminist Narratology” (Hướng tới tự sự học nữ quyền luận) in Style, Vol. 20 (3), pp. 314-363, tr. 343, 343-344.
9 Cao Kim Lan: “Một viễn cảnh về tự sự học hậu kinh điển và phương pháp tiếp cận của nó”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 11 (597), 2021, tr. 39-57.
10 Susan Stanford Friedman (1998), Mappings: Feminism and the Cultural Geographies of Encounter, Princeton: Princeton UP, tr. 134.
11 Susan Lanser: “Are We There Yet? The Intersectional Future of Feminist Narratology”, Wai guo wen xue yan jiu (Wuhan Shi, China) 32.4 (2010), pp. 32-41.
12, 13, 16, 17, 18, 19, 21, 22, 23, 26, 27, 28, 29 Susan Lanser: “Toward a Feminist Narratology” (Hướng tới tự sự học nữ quyền luận) in Style, Vol. 20 (3), pp. 314-363, The Pennsylvania State University Press, 1986 (Cao Kim Lan dịch, in trong Tự sự học hậu kinh điển, NXB Khoa học xã hội, 2023, tr. 71, 76, 83, 83, 86, 91, 97, 98, 98, 98, 100, 100, 100).
14 Robin Lakoff: “Language and woman’s place”, Language in society 2/1/1973, pp. 45-79; và Spender, Dale: “Man made language” (1985), Routledge.
15 Chéris Kramarae (1980), “Proprietors of Language”, Women and Language in Literature and Society, Ed. Sally McConnel-Ginet et al. New York: Praeger, pp. 58-68, tr. 58.
20 P. Brooks (1984), Reading for the Plot: Design and Intention in Narrative, Cambridge, London: Harvard University Press.
24 IU. Lotman (2004), Cấu trúc văn bản nghệ thuật (Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
25 IU. Lotman (2004), Cấu trúc văn bản nghệ thuật (Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 362- 375, 395-407.
30, 31 S. Winnett: “Coming unstrung: Women, men, narrative and principles of pleasure”, PMLA, 1990, pp. 505–518, tr. 509.
32 Dẫn theo Page Ruth (2006), Literary and linguistic approaches to feminist narratology, Springer, tr. 14.
33 S. Mills (1995), Feminist Stylistics. London: Routledge. Dẫn theo Ruth, Sđd, tr. 16-17.
34 P. Brooks (1984), Reading for the Plot: Design and Intention in Narrative, Cambridge, London: Harvard University Press, 1984. Dẫn theo Ruth, Sđd, tr. 39.
35, 36, 37, 38, 39, 40 Page Ruth (2006), Literary and linguistic approaches to feminist narratology, Springer, tr. 11, 11, 12, 14, 34-35, 16.