1. Vài nét về Trương Vĩnh Ký
Trương Vĩnh Ký (1837-1898), tên khai sinh là Trương Chánh Ký, bút danh là Pétrus Ký, tự là Sĩ Tải, tên thánh: Jean Baptiste Pétrus; quê ở làng Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Trương Vĩnh Ký vốn thông minh, chăm chỉ, lại được học với nhiều thầy giỏi và tiếp xúc với bạn học ở nhiều nước khác nhau nên ông luôn là học sinh xuất sắc toàn diện. Năm 1859, khi mới 22 tuổi, Trương Vĩnh Ký đã có thể sử dụng thông thạo nhiều ngôn ngữ. Năm 1863, ông là thành viên của phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp. Sau khi về nước, ông hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và báo chí, giữ các chức vụ như Hiệu trưởng Trường Đào tạo thông dịch viên ở Sài Gòn, Chánh Tổng tài tờ Gia Định báo, cố vấn cho vua Đồng Khánh với tư cách Hàn lâm viện thị giảng học sĩ. Dù được Pháp cho nhập quốc tịch nhưng ông nhiều lần từ chối và cũng như không nhận những chức vụ cao trong bộ máy hành chính. Năm 1888, ông thành lập tờ Thông loại khóa trình (Miscellanées), ra được 18 số trong hai năm 1888-1889 thì đóng cửa. Cũng trong năm này, trường thông ngôn do ông thành lập đóng cửa, Pétrus Ký gần như thất nghiệp, chuyên tâm dạy học và viết sách. Những năm cuối đời, ông sống trong nghèo khó, bệnh tật liên miên và mất tại Sài Gòn ở tuổi 61. Trương Vĩnh Ký góp phần quan trọng trong việc đào tạo cho đất nước hàng ngàn trí thức trẻ và để lại cho kho tàng văn hóa dân tộc khoảng hơn một trăm tác phẩm ở nhiều lĩnh vực và thể loại khác nhau như phiên âm chữ Nôm ra chữ quốc ngữ: Đại Nam quốc sử diễn ca (1875), Kim Vân Kiều (1878), Huấn nữ ca (1882), Lục súc tranh công (1887), Trung nghĩa ca (1888), Lục Vân Tiên (1889), Phan Trần truyện (1889)…; dịch các công trình Hán văn ra quốc ngữ: Đại học (1881), Trung dung (1881), Tam tự kinh quốc ngữ diễn ca (1884), Minh Tâm Bửu giám (1891)… và các sáng tác văn học: Chuyện đời xưa nhón lấy những truyện hay và có ích (1866), Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1776), Chuyện khôi hài (1882), Kiếp phong trần (1882), Bất cượng chớ cượng làm chi (1882), Bút ký ghi về Vương quốc Khmer, Thơ tuyệt mệnh (1898)...
Trương Vĩnh Ký có vai trò to lớn đối với quá trình hình thành và phát triển của văn học quốc ngữ Nam Bộ thể hiện ở tờ Gia Định báo. Trong khoảng 4 năm làm Chánh Tổng tài (từ năm 1869 đến năm 1872), ông đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo và nội dung của tờ báo này bằng cách đưa ra những chủ trương mang tính bước ngoặt, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của chữ quốc ngữ cũng như dần hình thành đội ngũ các nhà làm báo chuyên nghiệp.
2. Trương Vĩnh Ký và quá trình hình thành nền văn xuôi quốc ngữ cuối thế kỷ XIX
2.1. Những “mẩu tin” trên Gia Định báo (1865-1909)
Gia Định báo ra mắt số đầu tiên ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn, do Ernest Potteaux phụ trách và số cuối cùng ra ngày 31/12/1909, sau 44 năm tồn tại. Theo số liệu thống kê ước lượng của một số nhà nghiên cứu, Gia Định báo có tổng cộng khoảng gần 1.500 số đã xuất bản1. Từ khi ra đời cho đến năm 1870, Gia Định báo mỗi tháng ra một kỳ vào ngày 15. Từ năm 1870 trở đi, mỗi tháng ra 3 kỳ và có những khoảng thời gian ra mỗi tháng 4 kỳ.
Dù không phải là người đầu tiên phụ trách Gia Định báo (ông làm Chánh Tổng tài từ năm 1869 đến năm 1872) nhưng trong khoảng 4 năm Trương Vĩnh Ký đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo và nội dung của tờ Gia Định báo. Trước khi Trương Vĩnh Ký nắm quyền điều hành, Gia Định báo là một tờ công báo của chính quyền gồm hai phần: 1) Phần đăng tải công văn, nghị định, tài liệu chính thức…; 2) Phần tạp trở đăng những tin tức trong nước. Từ năm 1869, ngoài hai phần trên, Gia Định báo xuất hiện những bài nghiên cứu lịch sử, thơ, truyện cổ tích. Đây cũng là nơi cho đăng lại các truyện trong tập Chuyện đời xưa, Chuyện khôi hài của Trương Vĩnh Ký, Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Của hay hai thiên du ký bằng thơ song thất lục bát của Trương Minh Ký: Như Tây nhựt trình (1889) và Chư quấc thại hội (1891), mỗi thiên du ký gồm 2000 câu thơ.
Khi nắm quyền điều hành Gia Định báo, Trương Vĩnh Ký đã đưa ra những chủ trương mang tính bước ngoặt làm thay đổi diện mạo của tờ báo và thúc đẩy sự phát triển của chữ quốc ngữ cũng như dần hình thành đội ngũ các nhà làm báo chuyên nghiệp. Cụ thể, ở số ra ngày 24/2/1870, Trương Vĩnh Ký đưa ra lời rao: “Từ nay sấp [sắp] tới ta trông cậy sẽ có nhiều chuyện cho người ta coi: vì nhờ có tờ chạy cho các thầy giáo tập quốc ngữ và thầy thông ngôn các nơi trong cả sáu tỉnh mỗi tuần hay là nửa tháng thì chạy tờ về mà học lại những chuyện các nơi các tỉnh để làm vô Gia Định báo cho thiên hạ hay”. Học giả họ Trương đã đưa những định hướng cụ thể để khuyến khích những người biết chữ quốc ngữ là các thầy thông ngôn, ký lục, giáo tập viết bài vở cho tờ báo. Không dừng lại ở đó, thông qua việc nói rõ công việc lấy bài vở và biên tập viên của mình, Trương Vĩnh Ký đã hướng dẫn cách thức viết bài, soạn bài, gợi ý đề tài cho “cộng tác viên”… Những chỉ dẫn, gợi ý cho thấy Trương Vĩnh Ký đã nắm bắt được các yêu cầu căn bản của báo chí là cần thông tin “nóng hổi”, mới lạ và phong phú ở các nơi. Chính những yêu cầu này của ông đã lôi kéo được những người biết chữ quốc ngữ (dù rất ít ỏi) ở các địa phương trong Nam Kỳ Lục tỉnh tham gia công tác viết bài và dần dần đào tạo được một đội ngũ các nhà báo trong tương lai như Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản, Diệp Văn Cương, Nguyễn Văn Giàu… Sau khi ông nghỉ, Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký là người kế tục và phát huy những công việc mà ông còn dang dở. Đặc biệt, chủ trương “viết như nói”, sử dụng “tiếng Annam ròng” của Trương Vĩnh Ký đã có tác động to lớn đến không chỉ người làm báo mà còn đối với các nhà văn cùng thời và thế hệ sau ông, tạo nên một phong cách ngôn ngữ (khẩu ngữ) đặc sắc trong văn chương Nam Bộ được tiếp nối cho đến ngày nay.
2.2. Những “mầm mống” đầu tiên và sự hình thành văn xuôi quốc ngữ
Nếu xem Gia Định báo là mảnh đất ươm mầm văn học quốc ngữ thì những hạt giống đầu tiên đánh dấu cho sự ra đời thể loại văn xuôi quốc ngữ ở Nam Bộ là tập truyện Chuyện đời xưa, Chuyện khôi hài của Trương Vĩnh Ký – đây là những hình thức ban sơ của thể loại truyện ngắn quốc ngữ trong bước khởi đầu. Nhìn vào “nguồn mạch” truyện ngắn Việt Nam từ thế kỷ X, dạng thức như hai tác phẩm của học giả họ Trương không phải là không có tiền lệ, có điều nó tồn tại dưới lớp vỏ ngôn ngữ khác là chữ Hán. Giai đoạn từ thế kỷ X-XIV là giai đoạn mở đầu của dòng văn học viết thời trung đại nói chung và truyện ngắn nói riêng. Các thể loại văn xuôi tự sự giai đoạn này in đậm dấu ấn của văn học dân gian. Những tác phẩm xuất hiện đầu tiên là Báo cực truyện (Khuyết danh) và Ngoại sử ký (Đỗ Thiện) vào khoảng thế kỷ XII. Đây là hai tác phẩm viết về các nhân vật trong truyền thuyết như thần Tô Lịch, Trương Hống, Trương Hát, Lý Phục Man, thần núi Đồng Cổ... Lý giải về điều này, nhà nghiên cứu Đinh Gia Khánh cho rằng: “Những sách này có lẽ đã dựa vào những thần tích ở các đền miếu và những lời truyền tụng của nhân dân. Sau khi dời đô về Thăng Long, trên tinh thần xây dựng một quốc gia độc lập, thống nhất và củng cố vương quyền, Nhà nước đã muốn dựa vào uy thế của thần linh. Các triều Lý, Trần cho xây dựng nhiều đền miếu và phong tước cho các vị thần thờ ở trong ấy”2. Đến thế kỷ XIV, Lý Tế Xuyên biên soạn Việt điện u linh tập ngoài việc tham khảo Báo cực truyện và Ngoại sử ký, ông bổ sung thêm từ các thần tích qua các đợt phong thần của vua nhà Trần, các câu chuyện trong “bia miệng nhân dân”. Thậm chí, một tác phẩm được xem là mang nhiều dáng dấp của văn chương bác học như Lĩnh Nam chích quái lục cũng chủ yếu là tập hợp các truyện lưu truyền trong dân gian do nhiều thế hệ soạn giả ở các triều đại khác nhau như Lý, Trần, Hậu Lê ghi chép và biên soạn. Theo tác giả Nguyễn Đăng Na, trên thực tế, truyện ngắn ở giai đoạn thế kỷ X-XIV đã được các nhà nho ghi chép, sưu tầm và chỉnh lý lại từ những câu chuyện lưu truyền trong dân gian với tính chất huyễn hoặc, hoang đường, kỳ ảo. Qua việc “gia công” này, các truyện ngắn thời kỳ này vừa mang tính chất dân gian nhưng cũng lại vừa mang tính chất bác học. Đúng như nhận định của ông, ở buổi sơ khởi “văn xuôi tự sự chưa tách khỏi văn học dân gian và văn học chức năng”3. Mở rộng ra, theo chúng tôi, đây là quy luật có tính bất biến trong lịch sử văn học dân tộc. Bằng chứng là vào cuối thế kỷ XIX, văn học viết bằng chữ quốc ngữ cũng có những bước đi tương tự như văn học viết bằng chữ Hán trong bước khởi đầu chúng ta lấy chữ Hán là chữ viết chính thức: từ sưu tập, biên khảo truyện dân gian đến sáng tác văn học. Bởi nói như nhà văn U. Xaroyan: “Truyện ngắn là một thể tài văn học sinh ra một cách tự nhiên từ những câu chuyện hằng ngày, những câu đùa, những lời trêu chọc giữa người nọ người kia. Nó hết sức dẻo dai để thích hợp với mọi biến động trong cảm hứng, cũng tức là tải được mọi sắc thái tài năng của người kể chuyện”4. Có thể thấy đây là nét đặc trưng của truyện ngắn trong bước khởi đầu mà hai tuyển tập của Trương Vĩnh Ký là một ví dụ tiêu biểu.
Trước hết, Chuyện đời xưa lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích được xuất bản khá sớm, chỉ sau sự xuất hiện Gia Định báo một năm (1866), gồm 74 truyện chủ yếu được Trương Vĩnh Ký sưu tầm, chỉnh lý từ truyện dân gian và có một số truyện do ông viết ra (Bụng làm Dạ chịu; Con chồn với con cọp; Đại Trượng Phu, Chí Quân Tử với Phú Trưởng Giả; Thiên lực không phải nhơn lực…). Tập truyện bao gồm nhiều loại như truyện cổ tích (Tích hang ông Từ Thức, Trần Miên khố chuối), truyện ngụ ngôn (Con cóc với con chuột, Con chó và con gà, Cọp mắc bẫy không ai thèm cứu, Ruồi, muỗi, chim sắc với con rùa…), truyện cười (Chàng rể bắt chước cha vợ, Thằng chồng khờ, Ông Cống Quỳnh, Láo dinh láo quê, Kén rể hay tró trinh láo xược…). Nhìn vào danh mục các truyện được tuyển chọn, về cơ bản, tác phẩm thể hiện đúng tinh thần ở nhan đề là “chuyện hay và có ích” và mang tinh thần giáo huấn khá rõ nét. Dù đa phần là các truyện dân gian nhưng cũng như một số truyện do ông sáng tác, đó đều là những câu chuyện gần gũi với đời sống hằng ngày của người bình dân Việt Nam; khi thì là các thói hư tật xấu ở đời như: tham ăn, lười biếng, hà tiện, đố kỵ, nói láo, vô ơn, bạc nghĩa…; khi thì là những mối quan hệ giữa con người với con người (cả những truyện viết về loài vật) như: mẹ chồng - nàng dâu, con cái - cha mẹ, thầy - trò, anh - em, chú - cháu… Ở đây yếu tố hiện thực được tác giả đề cao và là sợi dây xuyên suốt 74 truyện trong tuyển tập. Ở cuối truyện, Trương Vĩnh Ký đã đưa ra những lời bình luận ở cuối tác phẩm. Hầu hết đó đều là những lời triết lý giản dị nhưng cũng không kém phần sâu sắc và gần gũi với tâm lý người dân Nam Bộ. Chẳng hạn như ở truyện Con chồn và con cọp, sau khi con chồn được con cọp cứu thoát, tác giả viết: “Thường kẻ xấu lâm nạn, thì lo phương gỡ mình dầu phải làm mưu cho kẻ khác mắc vòng lao lý cực khổ; miễn là cho mình khỏi thì thôi. Lại đôi khi cũng kiếm thế mà hại nó nữa”. Hay ở truyện Bụng làm Dạ chịu viết về anh thầy bói bất tài nhưng nhờ may mắn mà được vinh hoa phú quý, ông bình luận: “Mà vốn thiệt là việc may đâu mà nên mà thôi. Chẳng phải tại vả [anh ta/ hắn ta] có tài nghề chi đâu! Ở đời có nhiều người nhờ vận may mà nên mà môi, chớ chẳng phải tài tình chi”… Có thể nói, kiểu bình luận trong truyện của Trương Vĩnh Ký đã hình thành nên một phong cách viết truyện đặc trưng trong truyện ngắn quốc ngữ Nam Bộ những năm về sau. Các tác giả ảnh hưởng rõ nhất là các cây bút truyện ngắn trên tờ Nông cổ mín đàm, Nam Kỳ địa phận, Đông Pháp thời báo và các nhà văn thế hệ sau như: Bửu Đình, Trần Quang Nghiệp, Cẩm Tâm, Việt Đông…
Đến Chuyện khôi hài xuất bản năm 1882 cũng là tập truyện sưu tầm và biên khảo từ các truyện dân gian của Trương Vĩnh Ký gồm 38 truyện. Nội dung tập truyện như chính nhan đề là những câu chuyện cười dân gian nhẹ nhàng, dí dỏm. Nếu so với Chuyện đời xưa, tính chất hài hước gây cười ở Chuyện khôi hài không bằng và ít đặc sắc hơn dù xét ở khía cạnh thi pháp, cả hai tập truyện đều sử dụng hình thức kể (diégésis) mà hầu như chưa có tả (mimésis) – nét đặc trưng của văn xuôi tự sự hư cấu. Tuy nhiên, có thể nói, hai tập truyện này của Trương Vĩnh Ký đã có những đóng góp quan trọng cho việc hình thành thể loại văn xuôi tự sự quốc ngữ nói chung và truyện ngắn nói riêng.
Đáng chú ý, cũng trong năm 1882, Trương Vĩnh Ký xuất bản 2 tác phẩm Kiếp phong trần và Bất cượng chớ cượng làm chi. Đây có thể xem là tác phẩm liên hoàn. Căn cứ vào nội dung, có thể thấy Kiếp phong trần là tác phẩm thứ nhất còn Bất cượng chớ cượng làm chi là sự tiếp nối. Cả hai truyện đều xoay quanh cặp nhân vật Trương Đại Chí và Lê Hảo Học. Đúng như tên gọi, nhân vật Trương Đại Chí là một người học rộng, hiểu nhiều, có chí lớn; còn Lê Hảo Học cũng là một người ham học hỏi và cầu tiến: “Thiệt tình tôi vô phước ăn học chẳng được bao nhiêu, dốt nát lắm, xin cho tôi theo…”. Hình thức tác phẩm là những cuộc bàn luận, đối thoại thâu đêm về nhiều vấn đề không chỉ xoay quanh giải thích “kiếp phong trần”, “bất cượng cầu” là gì mà còn các cung bậc sướng - khổ, buồn - vui, sang - hèn, phúc - họa, hạnh phúc - khổ đau… rồi các vấn đề triết lý nhân sinh ở đời: cượng cầu, đạo hiếu, bổn phận, trách nhiệm… Xét về mặt thể loại, tác phẩm rất gần với tiểu thuyết triết học Cháu ông Rameau (Le neveu de Rameau, 1761-1779)5 được xem là “kiệt tác duy nhất” (K. Marx) và là “kiệt tác về mặt biện chứng” (F. Engels) của Denis Diderot (1713-1784) – nhà văn, nhà triết học thời kỳ Khai sáng của Pháp. Toàn bộ tiểu thuyết có 24 đoạn là lời người kể chuyện, dài ngắn khác nhau xen vào giữa 273 cặp lời đối thoại hô ứng giữa nhân vật Tôi và Hắn. Đây là hình thức đối thoại mà Socrates thường dùng. Cháu ông Rameau là cuốn tiểu thuyết có cốt truyện và kết cấu phi truyền thống hay nói chính xác là cốt truyện trí tuệ, cốt truyện ngầm mang tính tối giản và có tính thử nghiệm cao. Soi chiếu vào Kiếp phong trần và Bất cượng chớ cượng làm chi, có lẽ Trương Vĩnh Ký ít nhiều chịu ảnh hưởng của Diderot khi viết hai tác phẩm này. Đến đây, phải chăng chúng ta nên xem chúng là truyện ngắn triết học. Mặt khác, chúng ta hoàn toàn có thể nhập hai tác phẩm làm một mà không ảnh hưởng đến mạch truyện. Tuy nhiên, có lẽ vì những yêu cầu khách quan nên Trương Vĩnh Ký tách ra làm hai với dung lượng 8-10 trang để độc giả dễ tiếp nhận hơn (!?).
Trước đó, năm 1881, ông xuất bản du ký Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876) ghi chép lại chuyến đi Bắc Kỳ của tác giả vào năm 1876. Ông mô tả đầy đủ từ đầu đến cuối cuộc hành trình: từ Cửa Hán, tới Hải Phòng, lên Hải Dương, đi lên Hà Nội, rồi qua Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên… Ở mỗi địa điểm, có ghi ngắn gọn công việc, tiếp xúc với quan sở tại hoặc thân hữu. Tác giả cũng ghi lại cảnh đón tiếp, đãi đằng ở các nơi và việc thăm thú phong cảnh cùng với nét đặc sắc ở từng nơi. Phần Ở tại thành Hà Nội ghi chép khá kỹ cả hành trình, các cuộc vãng thăm phong cảnh cùng những sự tích, danh thắng quan trọng của Hà Nội. Trong tác phẩm, ngòi bút tác giả khá linh hoạt và tự nhiên trong thể du ký: kết hợp cả quan sát, ghi chép tư liệu cùng ấn tượng cảm xúc của du khách. Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876) là một trong số những áng văn xuôi quốc ngữ đầu tiên. Câu văn quốc ngữ ngay từ buổi đầu, qua ngòi bút Trương Vĩnh Ký cũng đã phần nào chứng tỏ khả năng diễn đạt sáng sủa ý tưởng và tình cảm của người viết. Đây là tác phẩm mở đầu cho thể du ký quốc ngữ nói riêng và thể loại ký quốc ngữ nói chung ở nước ta.
Với sự chuẩn bị của Trương Vĩnh Ký, chỉ vài năm sau, năm 1887, học trò của ông là Nguyễn Trọng Quản đã cho ra đời một tác phẩm đặc sắc trong lịch sử văn học quốc ngữ: Thầy Lazaro Phiền – tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên theo lối mới6. Tác phẩm Thầy Lazaro Phiền được kể bằng người kể chuyện xưng tôi với kết cấu truyện trong truyện hết sức mới lạ so với thị hiếu thẩm mĩ của người dân Nam Bộ đương thời nên không được được công chúng đón nhận. Lý giải điều này, học giả Nguyễn Văn Trung, trong bài giảng Truyện đầu tiên viết theo lối Tây phương Truyện “Thầy Lazaro Phiền” của Nguyễn Trọng Quản (bản in ronéo) soạn cho năm cuối đại học và sau đại học của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: Bởi cái nhan đề của truyện và tên của tác giả – P.J.-B. Nguyễn Trọng Quản – đã khiến độc giả cho rằng đây là một truyện đạo và do một người theo đạo Thiên Chúa nên không quan tâm đến. Thêm vào đó, độc giả Nam Bộ, vốn là những người bình dân, xưa nay chỉ quen thưởng thức truyện văn vần và văn biền ngẫu cho nên thời điểm đó khó có thể chấp nhận lối văn nôm na như “tiếng Annam ròng” của Nguyễn Trọng Quản, nhất là đôi khi nó còn mang dáng dấp của những câu văn dịch từ tiếng Pháp. Tâm lý của nhân vật cũng không phù hợp với công chúng bình dân Nam Bộ, chủ đề “phạm tội và sám hối” của đạo Thiên Chúa lại càng xa lạ đối với họ. Hơn nữa, kết thúc câu chuyện bất hạnh cũng không hợp với truyền thống mà lâu nay họ vẫn biết “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo, thiện giả thiện báo”… Trường hợp Thầy Larazo Phiền của Nguyễn Trọng Quản không hiếm gặp trong lịch sử văn học Việt Nam cận hiện đại7 và đã trở thành một quy luật bất thành văn: “cái mới ra đời thường khó khăn, xuất hiện thường lặng lẽ và do đó đôi khi nó bị người cùng thời coi thường và quên lãng. Đặc biệt hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh kéo dài như Việt Nam, có thể có những cái mới trong văn học ra đời chưa được nhận biết đầy đủ, đã bị thất lạc, thậm chí bị tiêu hủy trong khói lửa”8. Tuy thế, Thầy Lazaro Phiền đã có những ảnh hưởng nhất định đến các nhà văn thế hệ sau như Hồ Biểu Chánh, Trần Thiên Trung (tức Gilbert Trần Chánh Chiếu), Trương Duy Toản, Trần Quang Nghiệp, Sơn Vương…
Một điểm đáng lưu ý của văn xuôi quốc ngữ nói riêng và văn học Nam Bộ nói chung cuối thế kỷ XIX là đội ngũ tác giả đều là những người xuất thân từ Công giáo và các trường theo hệ thống giáo dục Pháp - Việt như: Trương Vĩnh Ký học ở Trường Đạo Dulalma ở Penang (Malaysia), Trương Minh Ký tốt nghiệp với bằng Tài năng thượng hạng (Brevet supérieur des instituteurs) tại Trường Khải Tường (sau được gọi là Trường Chasseloup Laubat), Huỳnh Tịnh Của cũng học một trường dòng ở Penang (Malaysia), Nguyễn Trọng Quản và Diệp Văn Cương học tại Lycée d'Alger (Angerie – thuộc địa của Pháp). Họ không chỉ tinh thông chữ quốc ngữ mà còn cả Pháp văn, Hán văn. Cá biệt như Trương Vĩnh Ký còn tinh thông hàng chục ngoại ngữ và tử ngữ của các dân tộc trên thế giới. Họ là thế hệ trí thức Tây học đầu tiên ở Việt Nam và chính những thử nghiệm của họ đã góp phần hình thành và phát triển một nền văn học viết bằng tiếng Việt sau này.
Những biến động về lịch sử - xã hội buổi giao thời với sự va chạm văn minh - văn hóa phương Tây giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mà trọng tâm là sự hình thành và phát triển của đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn phần nào đã có những tác động mạnh mẽ tới sự hình thành và phát triển của văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ. Trong bối cảnh lịch sử ấy, nền giáo dục Nam Bộ mà thực dân Pháp định hướng đã gần như cắt đứt mọi liên hệ văn hóa giữa người Việt với người Trung Quốc qua việc sử dụng chữ quốc ngữ như là “bước trung gian” hữu hiệu nhất. Nam Bộ được chọn là nơi đầu tiên thực hiện phổ biến rộng rãi chữ quốc ngữ cùng với việc tuyên truyền văn minh - văn hóa Pháp nhằm đồng hóa người Annam. Chính nhờ sự phổ biến chữ quốc ngữ và công cuộc kiến tạo nền quốc văn mới do Pháp thực thi khá triệt để khi chính quyền Pháp đưa chữ quốc ngữ vào trong đời sống, giáo dục ở Nam Kỳ mà sự phát triển của văn học quốc ngữ được tiến nhanh hơn một bước. Giai đoạn này chứng kiến sự hình thành một lực lượng đông đảo các tác giả sáng tác văn học chủ yếu với tư cách nhà văn - ký giả. Cùng với sự hình thành công chúng văn học mới và quá trình thay đổi ý thức của người cầm bút, tác động của công nghệ in ấn, xuất bản và phát hành trong môi trường mà báo chí nở rộ và phong trào dịch thuật văn chương sôi động đã đem đến cho văn xuôi quốc ngữ những điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển.
Đánh giá về Trương Vĩnh Ký với lịch sử Việt Nam thời cận đại vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau. Tuy nhiên không thể phủ nhận được vai trò quan trọng của Pétrus Ký với sự hình thành và phát triển của nền văn học quốc ngữ ở Nam Bộ cũng như nền báo chí Việt Nam (qua tờ Gia Định báo) giai đoạn này. Hiện nay, tên của ông cũng đã được dùng để đặt cho một đường lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng…; một số trường học ở Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chú thích:
1 Dương Thu Hằng (2010), Trương Vĩnh Ký và bước khởi đầu đời sống văn chương hiện đại, Luận án tiến sĩ Văn học, Học viện Khoa học xã hội, tr. 46.
2 Đinh Gia Khánh (Chủ biên, 2009), Văn học dân gian Việt Nam (tái bản lần thứ 12), NXB Giáo dục, tr. 50.
3 Nguyễn Đăng Na (2001), Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1, NXB Giáo dục, tr. 22.
4 Dẫn theo Bùi Việt Thắng (2000), Truyện ngắn - những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 421.
5 Theo dịch giả Phùng Văn Tửu trong “Lời giới thiệu” dịch phẩm Le neveu de Rameau ra tiếng Việt: “Cháu ông Rameau bắt đầu được sáng tác vào khoảng năm 1761 nhưng mãi đến năm 1779 mới hoàn thành, là một thử nghiệm táo bạo của Diderot tiếp tục tìm tòi nội dung và hình thức mới tiểu thuyết” (Diderot D. (2006), Cháu ông Rameau (Phùng Văn Tửu dịch), NXB Tri thức, tr. 12).
6 Về thể loại của tác phẩm Thầy Lazaro Phiền, xin xem thêm: “Bàn lại vấn đề thể loại tác phẩm Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản”, trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Những lằn ranh văn học, NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, 2011, tr. 335-352.
7 Chẳng hạn như bài thơ Tình già - đánh dấu cho sự ra đời của Thơ mới - của Phan Khôi khi trình làng cũng có nhiều ý kiến công kích; lối thơ không vần của Nguyễn Đình Thi trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp khi xuất hiện cũng bị một số nhà văn, nhà nghiên cứu phê phán; một số vở kịch của Lưu Quang Vũ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước cũng bị nhiều nhà nghiên cứu công kích dữ dội… Tuy nhiên sau đó, tất cả họ đều được đánh giá đúng và ghi nhận những đóng góp vào tiến trình phát triển văn học Việt Nam.
8 Trần Đình Hượu (Chủ biên, 1988), Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp.