GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, KHOA HỌC VÀ THẨM MĨ CỦA MỘC BẢN TRƯỜNG HỌC PHÚC GIANG

Bài viết giới thiệu khái quát về mộc bản Trường học Phúc Giang – bộ ván khắc do các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh chế tạo phục vụ in sách giáo khoa tóm tắt kinh điển Nho giáo phục vụ dạy học thời phong kiến từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX. Từ đó, phân tích, làm nổi bật giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mĩ của mộc bản Trường học Phúc Giang.

 

   Trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, Hà Tĩnh là vùng đất nổi danh với truyền thống lịch sử và văn hóa, từ ngàn xưa được biết đến là vùng “địa linh nhân kiệt” với những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử dân tộc, tiêu biểu cho lòng yêu nước, truyền thống văn hóa, hiếu học, ý chí quật cường của mảnh đất, con người nơi đây.

   Làng Trường Lưu thuộc xã Lai Thạch, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (nay là thuộc xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời. Giữa thế kỷ XV, thủy tổ dòng họ Nguyễn Huy Nguyễn Uyên Hậu là người lập nên ngôi làng này. Từ đó đến nay, nhiều người thuộc các dòng họ: Hồ, Lê Văn, Nguyễn Văn, Trịnh, Nguyễn Thanh, Trần Văn… đã về đây định cư và phát triển, làm nên truyền thống tốt đẹp của làng. Đến thế kỷ XVIII, làng Trường Lưu trở thành một trung tâm văn hóa với Trường học Phúc Giang (Phúc Giang thư viện) do dòng họ Nguyễn Huy có công lớn xây dựng, thu hút hàng ngàn người theo học và hàng chục người thi đỗ Tiến sĩ.

   Với lịch sử hơn hơn 600 năm phát triển, mảnh đất này đã sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng và danh nhân văn hóa mà sự nghiệp của họ luôn gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước. Các danh nhân văn hóa ấy đã cùng dân làng xây dựng, sáng tạo, bồi đắp qua nhiều thế hệ, tạo nên các giá trị di sản để làng Trường Lưu thành một trung tâm văn hóa lớn ở Việt Nam. Đặc biệt, các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy có truyền thống học hành, khoa bảng và hoạn lộ với nhiều người đỗ đạt cao và làm quan, có đóng góp lớn về văn hóa, giáo dục, quân sự, chính trị, ngoại giao… dưới triều Lê - Trịnh, làm nên nhiều di sản văn hóa đã được công nhận và vinh danh.

   Làng Trường Lưu là ngôi làng văn hóa nổi tiếng của Việt Nam, nơi đây được mệnh danh là Trường Lưu bát cảnh, gồm: chợ Quan, rú Phượng, Hân Thiên tự, Ao Nghĩa Thương, Miếu Cổ, Ao Sen, Giếng Thạc, Vườn hoa họ Nguyễn… hội tụ nhiều di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nổi tiếng, nhiều tư liệu quý hiếm được các bậc tiền nhân tạo nên. Di sản phi vật thể có hát ví Phường Vải là một phần của ví giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; các tác phẩm văn học nổi tiếng như Hoa Tiên truyện, Mai Đình mộng ký; lễ hội Kỳ Phúc, lễ Cầu Tiên. Ngoài ra, làng có ba di sản là: mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ, văn bản Hán Nôm được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thể thuộc Chương trình ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Làng Trường Lưu có 7 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, 14 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, 37 nhà thờ của các dòng họ và 10 ngôi nhà cổ có lịch sử hàng trăm năm, tiêu biểu như Nhà thờ Nguyễn Huy Oánh, Đền thờ Nguyễn Huy Cự, Nhà thờ Nguyễn Huy Tự, Nhà thờ Nguyễn Huy Hổ…

   1. Khái quát về mộc bản Trường học Phúc Giang

   Thời Hậu Lê, Nho giáo trở thành quốc giáo; việc học hành, giáo dục được coi trọng từ trung ương đến địa phương với trường công và trường tư được mở ra ở nhiều nơi. Vào thế kỷ XVIII, dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu đã mở một trường tư gọi là Trường học Phúc Giang, đào tạo ra nhiều học trò thành đạt với 30 Tiến sĩ và rất nhiều Hương cống, Cử nhân. Để có tài liệu dạy học, nhà trường đã tổ chức khắc mộc bản in sách giáo khoa “toản yếu” những kinh điển của Nho gia. Mộc bản Trường học Phúc Giang còn lưu giữ các bút tích, ấn triện, gia huy… nhằm khẳng định bản quyền của 5 nhà giáo thuộc 3 thế hệ từ đời thứ 9 đến đời thứ 11 dòng họ Nguyễn Huy.


Bằng công nhận Di sản tư liệu của UNESCO cho Mộc bản Trường học Phúc Giang - Hà Tĩnh.

   Mộc bản Trường học Phúc Giang gồm 379 bản, dùng để in 3 tập sách giáo khoa kinh điển (gồm 12 quyển) được “toản yếu” nhưng “đại toàn” của Nho giáo: Tính lý toản yếu đại toàn (性理纂要大全), Ngũ kinh toản yếu đại toàn (五經纂要大全) và Thư viện quy lệ (書院規例) hiện đang lưu giữ tại tư gia ở làng Trường Lưu.

   Về chất liệu, hình dạng và kích thước, mộc bản Trường học Phúc Giang được làm từ thân gỗ cây thị đực lâu năm có đặc tính vật lý cứng, ít bị mối, mọt, không bị giòn gãy, cong vênh, khá phổ biến ở làng Trường Lưu và vùng lân cận vào thế kỷ XVIII, có chiều dài 25-30cm, rộng 15-18cm và dày 1-2cm tùy theo trang, nếu là trang bìa thì dày và rộng hơn. Mộc bản đều được làm thủ công, kỹ thuật tinh xảo. Thợ khắc mộc bản đến từ làng Hồng Lục, Liễu Chàng, xứ Hải Dương (nay thuộc tỉnh Hải Dương).


Nhà thờ họ Nguyễn Huy – Di tích lịch sử quốc gia, nơi thờ các danh nhân có công biên soạn và tổ chức khắc in mộc bản Trường học Phúc Giang. (Ảnh: Trí Sơn)


Ấn triện, gia huy của dòng họ Nguyễn Huy trên mộc bản Trường học Phúc Giang. (Ảnh: Trí Sơn)

   Chữ khắc trên mộc bản Trường học Phúc Giang là chữ Hán ngược (âm bản) được bố trí từ trên xuống dưới, từ phải sang trái theo từng cột chữ, có thư pháp đẹp, chỉn chu, được bố trí đều đặn, hài hòa trên trang sách, với dạng thư pháp phong phú từ chân thư, lệ thư, thảo thư, hành thư; giản, dị tự, tục tự, cổ tự, chữ kiêng húy… Phần lớn mộc bản khắc 2 mặt, một số khắc 1 mặt để ghi tên sách, tờ đầu, lời tựa, tự, bạt, được trình bày chính giữa tên sách, trang, tập, quyển. Mỗi mộc bản để lề rộng 1-1,2cm, lề phải 1cm và lề trái 1cm. Mỗi bản gập lại đóng quyền thành 2 trang, gáy ghi tên sách và quyển sách.

   Về các chi tiết khác, ngoài nội dung của tập sách, mộc bản Trường học Phúc Giang còn được khắc về thời gian, tên và chức danh người biên soạn, người chỉnh sửa, người viết chữ, người trông coi việc khắc và những người liên quan. Các sách kinh điển được phản ánh trong mộc bản Trường học Phúc Giang được thống kê cụ thể như sau1:


   Mộc bản Trường học Phúc Giang được 3 thế hệ dòng họ Nguyễn Huy biên soạn với cha là Nguyễn Huy Tựu; các con là Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh; cháu là Nguyễn Huy Tự. Nguyễn Huy Tựu (1690-1750) đỗ Hương cống năm 27 tuổi, đỗ Tam trường năm 31 tuổi, làm đến chức Tham chính, được tặng Thượng thư Bộ Công, tước Khiết Nhã hầu, rồi Anh liệt Đại vương. Ông soạn Tính lý toản yếu, Thiên văn bảo kính, Địa lý minh kính..., dạy 1.218 học trò. Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), con trai đầu của Nguyễn Huy Tựu, đỗ đầu thi Hương năm 19 tuổi, đỗ Đình Nguyên Thám hoa năm 35 tuổi; làm đến chức Thượng thư Bộ Công, Bộ Lễ, Tế tửu Quốc Tử Giám, Chánh sứ tuế cống Trung Hoa, tước Hoằng thạc Đại vương, Thần đền Thư viện vì là người sáng lập Thư viện Phúc Giang; biên soạn 40 đầu sách, đào tạo 30 học trò đỗ Tiến sĩ. Ông là người biên soạn và viết chữ để khắc mộc bản Trường học Phúc Giang. Nguyễn Huy Cự (1717-1775), đỗ Hương cống năm 21 tuổi, làm quan đến Khanh thông tướng quân, tước Khanh thông chương Đại vương, Thành hoàng làng Trường Lưu. Ông là người viết chữ trên mộc bản Trường học Phúc Giang. Nguyễn Huy Quýnh (1734-1785), đỗ Tiến sĩ năm 38 tuổi, làm đến chức Đốc thị Thuận Quảng, giảng dạy Quốc Tử Giám, biên soạn Quảng Thuận đạo sử tập. Ông tham gia viết chữ khắc in mộc bản. Nguyễn Huy Tự (1743-1790) đỗ Hương cống năm 16 tuổi, làm quan đến Hữu thị lang thời Tây Sơn, tước Uẩn Đình hầu, tác giả của truyện Hoa Tiên (thơ Nôm).

   2. Giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mĩ

   Việc mộc bản Trường học Phúc Giang in sách Tính lý toản yếu đại toàn (性理纂要 大全), Ngũ kinh toản yếu đại toàn (五經纂 要大全) và Thư viện quy lệ (書院規例) cho thấy dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu đã để lại cho hậu thế những tác phẩm có giá trị cao được tóm tắt và khái quát, chắt lọc nội dung tinh hoa của kinh điển Nho gia; văn hóa, giáo dục của khu vực kết hợp nhuần nhuyễn với văn hóa bản địa. Các soạn giả đã bổ sung nhiều tư liệu của Việt Nam như phần lịch sử các triều đại Việt Nam từ thời Đinh đến thời Trần cùng các nhận xét, đánh giá các vị vua. Một số tư tưởng của Nho giáo được tiếp thu có phê phán2.


Mộc bản Trường học Phúc Giang in bìa sách Ngũ kinh toản yếu đại toàn, Nguyễn Huy Oánh biên soạn, Thạc Đình tàng bản. (Ảnh: Trí Sơn)

   Trong lịch sử giáo dục Nho học ở Việt Nam, có lẽ đây là những giáo trình kinh điển Nho gia đầy đủ duy nhất của tư nhân, dòng họ được khắc in và có bản quyền, được biết đến cho đến bây giờ3.

   Mộc bản Trường học Phúc Giang có tầm ảnh hưởng lớn, góp phần đào tạo nhân tài cho Hà Tĩnh và Việt Nam vào giai đoạn Lê - Trịnh từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX. Đây là cổ vật, nguồn tư liệu gốc giúp các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, giáo dục tìm hiểu lịch sử giáo dục đương thời và truyền thống học hành khoa bảng đã có từ lâu đời ở Hà Tĩnh. Ngoài ra, mộc bản còn phản ánh quá trình Nho giáo du nhập vào Việt Nam đã được biến đổi cho phù hợp, đồng thời nó cũng thể hiện sự giao lưu văn hóa Việt Nam - Trung Hoa.Mộc bản Trường học Phúc Giang có tầm ảnh hưởng lớn, góp phần đào tạo nhân tài cho Hà Tĩnh và Việt Nam vào giai đoạn Lê - Trịnh từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX. Đây là cổ vật, nguồn tư liệu gốc giúp các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, giáo dục tìm hiểu lịch sử giáo dục đương thời và truyền thống học hành khoa bảng đã có từ lâu đời ở Hà Tĩnh. Ngoài ra, mộc bản còn phản ánh quá trình Nho giáo du nhập vào Việt Nam đã được biến đổi cho phù hợp, đồng thời nó cũng thể hiện sự giao lưu văn hóa Việt Nam - Trung Hoa.

   Mộc bản Trường học Phúc Giang khắc in những tác phẩm được các tác giả dòng họ Nguyễn Huy ở làng Trường Lưu chọn lọc biên soạn, thể hiện thời gian, địa điểm cụ thể trên chất liệu gỗ thị, lưu giữ các bút tích ấn triện, gia huy của các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy thế kỷ XVIII, chứa đựng nhiều thông tin lịch sử, chính trị, xã hội, tư tưởng, văn hóa, ngoại giao, tiếp thu, phát triển Nho giáo... Thêm nữa, mộc bản Trường học Phúc Giang còn lưu lại bút tích các danh nhân văn hóa và quan lại như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh và Nguyễn Huy Tự.

   Mộc bản Trường học Phúc Giang là di sản văn hóa thể hiện vai trò, vị trí và tầm ảnh hưởng của đạo Nho đối với triều đình và các địa phương xa kinh thành Thăng Long như Hà Tĩnh vào thế kỷ XVIII.

   Mộc bản Trường học Phúc Giang được những người thợ dân gian với bàn tay tài hoa khéo léo tạo tác, điêu khắc mà thành. Nhiều tấm mộc bản có tính thẩm mĩ cao giống như những tác phẩm nghệ thuật, mang dấu ấn thư pháp phong phú, đa dạng, tinh xảo của giai đoạn lịch sử sinh ra chúng.

   Toàn bộ số lượng mộc bản Trường học Phúc Giang hiện được lưu giữ, bảo quản tại làng Trường Lưu là khối mộc bản duy nhất, cổ nhất ở Việt Nam về giáo dục của một dòng họ lưu giữ được cho đến ngày nay.

   Mộc bản Trường học Phúc Giang thể hiện phương pháp biên soạn sách giáo khoa vẫn còn ý nghĩa kinh nghiệm cho đến ngày nay. Hiện vật cho phép các nhà nghiên cứu tìm hiểu những lĩnh vực nghề in, đời sống kinh tế, xã hội đương thời.

   3. Kết luận

   Với tư cách là cổ vật – di sản tư liệu được UNESCO công nhận, mộc bản Trường học Phúc Giang chứa đựng nhiều giá trị nội dung đặc biệt, độc đáo, ít lặp lại ở các di sản văn hóa khác ở các địa phương khác trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Đây là cơ sở để tỉnh Hà Tĩnh có điều kiện quảng bá những bản sắc văn hóa, những nét độc đáo về truyền thống lịch sử, văn hóa, mà tiêu biểu là truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và khoa cử của mình tới bạn bè trong nước và quốc tế đến tham quan, học học tập và du lịch. Đồng thời, mộc bản Trường học Phúc Giang cùng với khối lượng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và tư liệu lớn của làng Trường Lưu về sẽ là nguồn tài nguyên văn hóa, du lịch tạo lợi thế cạnh tranh, tạo đà giúp Hà Tĩnh có bước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trước mắt cũng như lâu dài.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Đặng Duy Báu (Chủ biên, 2016), Lịch sử Hà Tĩnh, tập 1, NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh (2015), Nghiên cứu bảo tồn mộc bản Trường Lưu, Kỷ yếu hội thảo khoa học.

Chú thích:
1 , 3 Nguyễn Huy Mỹ (Chủ biên, 2022), Tổng tập di sản văn hóa Trường Lưu, tập 3, NXB Đại học Vinh, tr. 13-15, 15.
2 Hồ sơ đề cử danh mục Di sản tư liệu Chương trình Ký ức Thế giới năm 2015 khu vực châu Á-Thái Bình Dương: Mộc bản Trường học Phúc Giang (thế kỷ XVIII-XX).

 

Bình luận

    Chưa có bình luận