Dải đất Việt Nam hình chữ S là nơi sinh tụ, cộng cư của 54 dân tộc anh em. Các dân tộc thiểu số (DTTS) cư trú chủ yếu tập trung ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cộng đồng các dân tộc đã luôn gắn bó, đồng hành cùng nhau trong suốt hành trình lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng. Do vậy, Đảng ta đã xác định vấn đề dân tộc có vai trò và vị trí quan trọng đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tôn chỉ “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” luôn được Đảng ta quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt là từ Đại hội VI (1986) – Đại hội của kỷ nguyên đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập toàn cầu, Đảng đã khẳng định: “Trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở những nơi có đông đồng bào các DTTS, cần thể hiện đầy đủ chính sách dân tộc, phát triển mối quan hệ gắn bó tốt đẹp giữa các dân tộc trên tinh thần đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng làm chủ tập thể; Kết hợp phát triển kinh tế và phát triển xã hội, đẩy mạnh sản xuất và chăm lo đời sống con người, kể cả những người từ nơi khác đến và dân tại chỗ. Chống những thái độ và những biểu thị tư tưởng “dân tộc lớn” và những biểu hiện của “dân tộc hẹp hòi””. Vì thế, giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc luôn là một trong những nhiệm vụ có tính chất chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Giữa bối cảnh đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay, vấn đề dân tộc càng cần được quan tâm hơn bao giờ hết. Bởi chúng ta muốn hội nhập và phát triển cùng thế giới thì một trong những nguyên tắc quan trọng là phải đảm bảo các vấn đề dân tộc, tránh các thế lực thù địch gây chia rẽ, mất đoàn kết dân tộc ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và bình yên Tổ quốc. Trong những giải pháp giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc nói chung và các DTTS nói riêng, giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc trong văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Một trong các giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các DTTS cần gìn giữ, phát huy như những bảo vật chính là tác phẩm văn học cổ truyền (VHCT). Bởi, giá trị tinh hoa của các tác phẩm VHCT DTTS có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt nói chung, của đồng bào DTTS nói riêng. Đó chính là kho tàng trí tuệ, là tài sản tinh thần vô giá. Những “lời khôn, điều khéo” của ông cha đã tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của cộng đồng DTTS. Nó có sức lan toả sâu rộng trong đời sống và neo đậu lâu dài trong tâm hồn con người. Giá trị VHCT chính là màng lọc, là hệ điều tiết tinh thần cho đời sống văn hóa xã hội, là yếu tố cốt lõi của văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị VHCT các DTTS đậm đà bản sắc góp phần vào mục tiêu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần phải quan tâm giải quyết.
1. Những thách thức trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị VHCT các DTTS Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển
1.1. Những tồn tại
Thứ nhất, thực trạng bảo tồn và phát huy các giá trị VHCT của các DTTS ở nước ta hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Tình trạng phổ biến là những nghệ nhân, trí thức bản địa, những người nắm giữ gia bảo tinh thần của tộc người phần lớn đã có tuổi, trí nhớ kém, sức khỏe không tốt. Những người trẻ bị tác động bởi các phương tiện thông tin nghe nhìn hiện đại, thích Facebook, Zalo, YouTube và các trang giải trí khác. Họ không mấy quan tâm đến văn học của dân tộc mình, không còn thích những lời sli, lượn, câu hát quan lang, diễn xướng nơi sàn hoa, hạn khuống, sân khấu dù kê... Vì thế, họ không được định hướng, không có ý thức giữ gìn và rất dễ chối bỏ những giá trị tinh thần quý giá của cha ông. Giá trị văn học, bản sắc văn hóa không chỉ là dòng sinh mệnh, sức đề kháng nội sinh chống lại sự đồng hóa, hình thành nên sức mạnh dân tộc mà còn lan tỏa những giá trị ra thế giới. Do vậy, cần phải nhanh chóng có kế hoạch phân tích, đánh giá, nhận diện thực trạng của sự mai một các giá trị VHCT, từ đó đề xuất và triển khai các giải pháp cấp bách để sưu tầm, bảo tồn giá trị các tác phẩm VHCT trước khi những người “giữ kho báu phi vật thể” dần khuất núi.
Thứ hai, các tác phẩm văn học dân gian thường gắn liền với những phong tục, tập quán đặc trưng của dân tộc. Chẳng hạn như mo Đẻ đất, đẻ nước gắn với tín ngưỡng tang lễ của người Mường, những bài hát quan lang trong đám cưới của người Tày, người Thái... Nhưng xã hội phát triển, những phong tục tập quán cũ dần được thay thế bằng những hình thức mới. Mặt khác, các không gian khơi nguồn cảm hứng cho các tác phẩm văn học ra đời ngày càng bị thu hẹp bởi cuộc sống đô thị. Các tác phẩm không còn nhiều “đất” để diễn xướng và nếu có thì cũng không có nhiều người nghe. Môi trường sinh tồn và phát triển của các loại hình diễn xướng không có thì các tác phẩm văn học dân gian đặc sắc cũng không còn được ứng dụng trong thực tiễn cuộc sống. Như vậy, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các tác phẩm VHCT của các DTTS sẽ giúp những cư dân gìn giữ được những phong tục, những nét đẹp độc đáo trong đời sống sinh hoạt tạo nên sự đa dạng, khác biệt trong cộng đồng 54 dân tộc, làm nên “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam.
Thứ ba, làn sóng toàn cầu hóa đã tác động đến mọi lĩnh vực, trong đó có văn hóa, văn học các DTTS. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong xã hội hiện đại, bối cảnh văn hóa toàn cầu cần phải có một loạt các chính sách phù hợp về văn hóa, trong đó đặc biệt chú ý đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị VHCT DTTS Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, một trong những điều gây trở ngại lớn nhất đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị VHCT là môi trường sản sinh hình thành, nuôi dưỡng VHCT các DTTS như các hoạt động nghi lễ, tín ngưỡng, diễn xướng, sinh hoạt gia đình, làng bản, cộng đồng đang dần bị thu hẹp, không được coi trọng. Vì vậy, VHCT cùng các giá trị của nó không chỉ bị mai một mà thậm chí còn đứng trước nguy cơ tiêu biến và mất dấu hoàn toàn trong đời sống. Do vậy, mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, VHCT của các DTTS Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn và trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Bản sắc văn hóa truyền thống của nhiều dân tộc có nguy cơ mai một, ảnh hưởng theo nhiều chiều khác nhau mà một trong những di sản đang có nguy cơ nhất là VHCT cũng như các giá trị VHCT của các DTTS Việt Nam - nơi lưu giữ rất nhiều giá trị tinh thần quan trọng, cốt lõi làm nên bản sắc độc đáo của các DTTS.
Thứ tư, quan tâm đến đời sống vật chất, đời sống tinh thần của đồng bào DTTS là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển. Trong đó bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà hệ thống chính sách dân tộc thời gian qua tập trung giải quyết. Những kết quả, thành tựu và tác động của các giải pháp cơ chế chính sách, các đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đến năm 2020; Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam… phần nào đã phát huy được giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các DTTS, tuy nhiên vẫn còn có những bất cập, hạn chế cần phải được nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách khoa học, khách quan để từ đó cung cấp luận cứ xác đáng, khả thi cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu trong đó có VHCT của cộng đồng các DTTS ở Việt Nam.
Thứ năm, công tác sưu tầm, dịch thuật, giới thiệu, quảng bá VHCT và các giá trị VHCT đang gặp nhiều khó khăn cả về chính sách và quá trình thực hiện. Giải quyết vấn đề này một cách thấu đáo và hiệu quả đòi hỏi có sự đầu tư phối hợp, nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện từ các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
1.2. Những thách thức
Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có vai trò định hướng quan trọng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn học cổ truyền các dân tộc thiểu số Việt Nam. Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị VHCT của 53 DTTS trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến ba yếu tố cơ bản: môi trường sản sinh, nuôi dưỡng VHCT, giáo dục và truyền thông.
1.2.1. Môi trường sản sinh, nuôi dưỡng văn học cổ truyền
VHCT được lưu truyền bằng phương thức truyền miệng, bởi vậy đặc trưng của VHCT là gắn liền với môi trường diễn xướng. Không gian, thời gian làm nảy sinh, nuôi dưỡng, trao truyền các tác phẩm VHCT chính là môi trường sản sinh, nuôi dưỡng văn học, ở đó các giá trị VHCT được nảy sinh và có đời sống riêng của nó. Môi trường ấy có tác động mạnh mẽ đến việc tác phẩm VHCT, giá trị của VHCT trường tồn hay biến mất, lưu giữ hay mai một.
Nếu tác phẩm VHCT được sống trong môi trường nó nảy sinh, tồn tại thì giá trị VHCT chắc chắn sẽ được giữ gìn, lan tỏa vượt qua giới hạn không gian, thời gian. Trong truyền thống sáng tác dân gian, người ta không sáng tác văn học với mục đích để in sách; những sáng tác đó được gắn liền với môi trường diễn xướng hàng ngày trong lao động như: hát ví trong lúc đi cấy, hát đò đưa trong lúc chèo thuyền, hò giã gạo trong lúc giã gạo... Nếu tách các thể loại như dân ca, sử thi… khỏi môi trường nảy sinh ra nó, có lẽ đó chỉ còn là các tư liệu văn học ít giá trị. Dân ca là hình thức âm nhạc lời được hình thành và tồn tại dưới dạng cấu trúc thơ, giá trị mĩ học dân ca chỉ được xác định khi gắn liền với phương thức diễn xướng, nếu không chỉ là bài dân ca “im lặng”, bởi lẽ, dân ca là để hát, có hát lên mới đem lại nguồn cảm xúc hoàn chỉnh và hiệu quả nghệ thuật. Có hát lên, mới hiểu được dấu ấn địa phương, tính cách dân tộc, bản sắc văn hóa, và có hát lên, dân ca mới được lưu truyền, tồn tại. Bởi vậy, môi trường diễn xướng chính là môi trường thẩm mĩ của VHCT.
Đối với đồng bào DTTS, môi trường sản sinh, nuôi dưỡng VHCT cũng chính là môi trường bảo tồn và phát huy các giá trị VHCT trong cộng đồng dân tộc đã sáng tạo ra tác phẩm đó. Điều này rất đúng với thực tế, với tâm thức của đồng bào DTTS từ xa xưa. Những câu sli, lượn ngọt ngào của dân tộc Tày - Nùng sẽ vang vọng khắp bản làng, rừng núi trong những phiên chợ, ngày rằm, hội xuân… Những người con Ê Đê, M’nông… của đại ngàn Tây Nguyên yêu tha thiết những ngôi nhà dài, những bến nước, những tiếng chiêng khắc khoải đêm trường hay những đêm khan - hát kể sử thi huyền hoặc giữa hai miền mơ thực. Nghệ thuật Dù kê chỉ có thể phát huy giá trị trong môi trường văn hoá đặc trưng của người Khmer chứ không thể “bê” đi những không gian khác một cách tuỳ tiện. Cộng đồng dân tộc chính là môi trường tốt nhất để bảo tồn, phát huy nuôi dưỡng VHCT của họ, bởi đó là bản sắc ngôn ngữ, là dòng chảy văn hóa của mỗi tộc người.
Tuy nhiên, có thể thấy rất rõ, nền kinh tế thị trường, bối cảnh hội nhập đã tác động mạnh mẽ đến môi trường sản sinh, nuôi dưỡng VHCT, cũng là môi trường bảo tồn, phát huy giá trị VHCT của các DTTS. Môi trường sản sinh văn học đã không còn nguyên bản, thậm chí biến đổi theo chiều hướng tiêu cực khiến các giá trị văn học bị biến đổi.
Như vậy, có thể thấy, còn rất nhiều bất cập liên quan đến môi trường bảo tồn, phát huy các giá trị VHCT của các DTTS hiện nay. Trong quá trình khảo sát tại Thừa Thiên Huế chúng tôi nhận thấy một thực trạng đáng tiếc. Sử thi A Chất là một tác phẩm quan trọng đối với đồng bào Tà Ôi, Pa Cô. A Chất là nhân vật đại diện cho ý chí, sức mạnh, hiện diện trong đời sống cộng đồng, xoay quanh nhân vật A Chất là nỗ lực vượt qua những trở ngại từ thế lực siêu nhiên và từ chính con người gây ra, chàng đã chiến đấu để chiến thắng, vượt qua tất cả, đưa cộng đồng mình đến ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, thời gian và sự thay đổi mạnh mẽ của xã hội khiến cho sử thi A Chất bị chia nhỏ thành những câu chuyện khá dài và có vẻ rời rạc. Trưởng làng Vỗ Dương (làng Ân Triêng, xã Hồng Trung, huyện A Lưới) tâm sự: “Ngày xưa, câu chuyện về các nhân vật anh hùng được các cụ kể ở phòng moon của nhà dài. Trong đó, A Chất là câu chuyện kể dài nhất, có thể nói là hơn cả chục đêm. Sau này, khi chiến tranh khốc liệt, điều kiện truyền lại câu chuyện về A Chất ngày một khó khăn. Cho đến nay, như bản thân tôi cũng chỉ nhớ chưa được một phần ba trong câu chuyện dài như thế. Mất mát này lớn lắm”. Người kể có thể diễn xướng đầy đủ nội dung A Chất chuyển tải là cụ Kon Hiêm đã qua đời năm 2014. Hiện nay, chỉ còn một người còn có thể kể được sử thi này là con trai của cụ Kon Hiêm, ông Ku Treo, ở làng Chi Lanh, xã A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế1.
Hát kể sử thi Tây Nguyên có nguy cơ mai một do số lượng người kể khan ngày càng ít, trong khi lớp trẻ không mặn mà và không gian kể khan như bếp lửa, nhà rông, cồng chiêng cũng không còn phổ biến. Những giá trị văn hóa cổ truyền Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ phai nhạt bởi không gian thực hành văn hóa là rừng và làng đang ngày càng bị xâm phạm.
Môi trường sản sinh, nuôi dưỡng VHCT cần được trả lại nguyên bản của nó, để có thể trở thành môi trường bảo tồn, phát huy giá trị VHCT. Đây cũng là mong muốn của phần lớn đồng bào DTTS – những người còn giữ tình yêu tha thiết với buôn làng, rừng núi, với bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Trên quan điểm bảo tồn có chọn lọc, cần xác định trọng tâm, trọng điểm, cần trả lại không gian cho VHCT, đó chính là phương thức “bảo tồn sống” để văn học cất tiếng nói của nó trong “không gian thực”. Với thực trạng hiện nay, văn học bị xói mòn đến đâu thì phải tìm cách đắp bồi đến đó. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản nhằm giới thiệu và quảng bá tác phẩm văn học thì phải đầu tư cho công tác phục dựng môi trường sản sinh, nuôi dưỡng VHCT.
1.2.2. Giáo dục và truyền thông
Bên cạnh các yếu tố như kinh tế, du lịch, tôn giáo, tín ngưỡng… có thể thấy giáo dục và truyền thông là hai yếu tố quan trọng, tác động mạnh mẽ đến công tác bảo tồn phát huy giá trị VHCT của đồng bào DTTS Việt Nam.
Phải làm gì, làm như thế nào để có thể giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong xu thế hội nhập tất yếu? Giáo dục có vai trò như thế nào trong việc bảo tồn vốn văn hóa truyền thống trong quá trình giao lưu, tiếp biến toàn cầu hóa? Mỗi quốc gia đều sở hữu nền văn hóa truyền thống mang nhiều giá trị. Tất cả đều đã kết tinh, mang lại những giá trị trong việc duy trì sự tồn vong của mỗi tộc người và lớn hơn nữa là sự tồn tại của mỗi quốc gia, lãnh thổ. Trong bối cảnh hội nhập, phát triển, giao thoa văn hóa sẽ tạo ra những sản phẩm văn hóa mới, thích nghi với điều kiện mới. Sản phẩm mới này có thể là những lớp, những tầng văn hóa mới phủ lên trầm tích, những giá trị văn hóa đã “hóa thạch”. Hoặc hòa trộn, tích lũy các yếu tố mới - cũ đan xen, mang đến những giá trị mới. Giáo dục có ý nghĩa quan trọng trong quá trình đó.
Giáo dục có tác động định hướng nhận thức và hành vi đối với con người – những chủ thể văn hóa. Giáo dục có vai trò quan trọng trong việc tạo ra một thế hệ công dân toàn cầu có tri thức, có bản lĩnh, có ý thức tự tôn, tự trọng dân tộc, biết trân quý, giữ gìn, biết bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, văn học của dân tộc mình. Đặc biệt, việc truyền dạy, tạo nên đội ngũ trí thức DTTS – lực lượng nòng cốt trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa – phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả của hoạt động giáo dục.
Bên cạnh đó, giáo dục cũng là môi trường chính thống để truyền dạy ngôn ngữ dân tộc, truyền dạy các tác phẩm VHCT, những tinh hoa trong kho tàng VHCT của các DTTS Việt Nam. Đây là môi trường tốt nhất để ngôn ngữ, giá trị VHCT, để tình yêu với văn hóa, văn học được lưu giữ, lan tỏa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bởi vậy, giải pháp về giáo dục được xem là giải pháp bền vững nhất để đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị VHCT các DTTS Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Có thể nói, để giá trị của di sản văn hóa nói chung, VHCT nói riêng được lan tỏa, không thể không nhắc tới vai trò của truyền thông. Và trên thực tế điều này cũng đã được chứng minh, truyền thông đã và đang đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Truyền thông không chỉ có vai trò tuyên truyền, quảng bá các giá trị VHCT ở các không gian thời gian khác nhau mà còn có vai trò quan trọng trong việc lưu giữ tác phẩm, giá trị của VHCT. Trong thời đại 4.0, việc xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa các tư liệu VHCT chính là cách bảo tồn bền vững nhất đối với sản phẩm tinh thần của các dân tộc. Mặc dù, truyền thông vẫn còn những bất cập (dung lượng, thời lượng dành cho di sản văn hóa, VHCT các DTTS còn khiêm tốn, một số cơ quan truyền thông chưa thực sự quan tâm trong việc bảo vệ di sản văn hóa, văn học hoặc bộc lộ khuynh hướng thương mại hóa, chiều theo thị hiếu người tiêu dùng…) song truyền thông đã cho thấy sức mạnh vượt trội trong thông tin, tuyên truyền và quảng bá về văn hóa, văn học.
Như vậy, có thể thấy, giáo dục và truyền thông là hai yếu tố có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, tích cực đến VHCT. Nếu biết tận dụng lợi thế của giáo dục, truyền thông, công tác bảo tồn, phát huy giá trị VHCT sẽ được thực hiện hiệu quả và thiết thực hơn.
Cho đến nay, Đảng và Nhà nước ta vẫn tiếp tục chỉ đạo thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS ở Việt Nam bằng định hướng huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các DTTS Việt Nam tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các DTTS2. Thông qua việc phát triển toàn diện văn hóa DTTS nhằm giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa. Đồng thời tiến đến mục tiêu xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân vùng DTTS, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ, phát huy vai trò làm chủ về văn hóa của đồng bào DTTS, đặc biệt là đối với các chương trình, hoạt động lễ hội sưu tầm, bảo tồn kho tàng VHCT của đồng bào DTTS.
2. Một số đề xuất
Có thể nói, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS; đưa văn hóa các DTTS ra khỏi tình trạng mai một, mất bản sắc; huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các DTTS Việt Nam; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các DTTS Việt Nam. Kết quả đạt được trong quá trình thực hiện các chính sách đã góp phần thu hẹp khoảng cách văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền DTTS. Đây cũng là một trong những định hướng lớn, đúng đắn trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 20203.
Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đã được thể chế hoá, nhưng từ văn bản cho đến hiện thực vẫn còn nhiều khoảng cách mà nguyên nhân là chưa có sự tương thích giữa bảo vệ, giữ gìn với phát huy, phát triển. Điều này có nguyên nhân sâu xa từ chỗ chưa có sự đồng thuận của những chủ thể văn hóa. Có thể thấy, vấn đề then chốt trong các chính sách hiện nay là chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy. Công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tuy đã được chú ý nhưng sự đầu tư còn thấp, kinh phí phân bổ hàng năm còn hạn hẹp, chưa đảm bảo cho việc điều tra khảo sát, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy, dẫn đến nhiều giá trị văn hoá đặc sắc đã và đang dần tiêu biến. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị VHCT của các DTTS Việt Nam, các cơ quan quản lý cần xác định rõ và quán triệt đầy đủ quan điểm, nhận thức theo hướng sau:
Hướng tiếp cận về tương đối văn hóa: Không có nền văn hóa “cao” hay “thấp”, không có nền văn hóa của tộc người này “đúng”, văn hóa tộc người kia “sai”. Văn hóa tộc người khác nhau đều có giá trị như nhau. Vì mỗi văn hóa tộc người đều được sản sinh ra để thích ứng với những đặc điểm môi trường tự nhiên và xã hội khác nhau. Do đó, không có quan niệm so sánh văn hóa tộc người này với văn hóa tộc người khác. Càng không có quan niệm văn hóa dân tộc thiểu số lạc hậu hơn văn hóa người Kinh. Quan điểm “miền núi phải tiến kịp miền xuôi” là quan điểm có phần lỗi thời, chưa chính xác.
Hướng tiếp cận về hệ thống chỉnh thể: Văn hóa như một hệ thống có nhiều thành tố (bộ phận) khác nhau (như văn học, nghệ thuật, tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, kiến trúc…) nhưng các bộ phận này là một tiểu hệ thống trong hệ thống lớn là văn hóa. Các tiểu hệ thống này lại quan hệ chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng mật thiết với nhau. Ví dụ: dân ca nghi lễ bao giờ cũng bắt nguồn từ nghi lễ, nghệ thuật kiến trúc gắn liền với tri thức xây dựng nhà cửa, ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội. Như vậy, không thể tách riêng từng bộ phận (văn học, phong tục tập quán, nghệ thuật…) để phân tích, xem xét. Mặt khác, các bộ phận của văn hóa luôn chịu sự chi phối của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Từ hướng tiếp cận này khi nghiên cứu văn học phải chú trọng quan tâm đến các yếu tố môi trường tự nhiên, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của tộc người. Hướng tiếp cận này đòi hỏi phải đặt văn học trong mối liên hệ với các thành tố khác của văn hóa như tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, nghi lễ, lễ hội… VHCT các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc phải gắn với nương rẫy, ruộng bậc thang, các nghi lễ, phong tục; VHCT các DTTS khu vực Miền Trung phải tính đến sự tác động của môi trường miền biển và đặc điểm tự nhiên của núi rừng Trường Sơn; VHCT các DTTS khu vực Tây Nguyên phải tính đến mối quan hệ giữa con người và núi rừng đại ngàn; VHCT các DTTS khu vực Nam Bộ phải tính đến sự giao thoa văn hóa với Trung Quốc, Campuchia và văn hóa Phật giáo.
Hướng tiếp cận theo quan điểm của người trong cuộc: Văn hóa là do cộng đồng tộc người sáng tạo nên, do đó hiểu về văn hóa (gồm cả văn học) sâu sắc nhất chính là cộng đồng - chủ nhân của nền văn hóa (văn học) đó. Vì vậy, các quan điểm nghiên cứu, phân tích, giải thích về văn học tộc người (văn hóa tộc người) đều phải dựa trên nhãn quan của người trong cộng đồng chủ nhân - người trong cuộc. Quan điểm này đề cao vai trò của cộng đồng DTTS, tiếng nói của chính cộng đồng DTTS trong việc đề xuất các chính sách cũng như nghiên cứu về văn hóa, văn học4.
Các DTTS luôn có nhu cầu khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc mình trong bức tranh văn hóa dân tộc nói chung và văn học các DTTS nói riêng. Phải khẳng định rằng văn học, văn hóa của các DTTS luôn có những giá trị riêng, mang vẻ đẹp thuần hậu, chân thực, tự nhiên của những cư dân sống hòa đồng giữa núi rừng trùng điệp, hùng vĩ. Các giải pháp cần hướng tới hỗ trợ cho việc sàng lọc, phát triển những giá trị VHCT có ý nghĩa nhất đối với truyền thống, lịch sử và văn hóa của từng DTTS. Đồng thời tạo môi trường để VHCT các DTTS có cơ hội tiếp thu, giao lưu, lan tỏa văn hóa giữa các dân tộc trong và ngoài nước5.
Cộng đồng DTTS cần nhận thức đầy đủ về vai trò, giá trị VHCT của từng dân tộc và chính dân tộc mình, là tài sản quý giá, là hồn cốt trong bản sắc dân tộc; bởi vậy việc giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp ấy là nhiệm vụ của mỗi cộng đồng, của toàn dân.
3. Kết luận
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, có thể một hệ giá trị mới của VHCT các DTTS Việt Nam sẽ được hình thành nhưng các giá trị tinh hoa vẫn luôn được trân quý, trao truyền qua các thế hệ. Vì thế, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị VHCT các DTTS vẫn là một trong những ưu tiên. Căn cứ vào định hướng của Đảng và Chính phủ về vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị VHCT mà chúng ta cần có những giải pháp cụ thể cho vấn đề này. Đặc biệt, căn cứ vào Đề án tổng thể Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (Giai đoạn 2025-2021, định hướng 2030) được phê duyệt (11/2020), cho đến thời điểm hiện tại, Đảng, Nhà nước vẫn luôn xác định nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trong đó có văn học là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đây chính là cơ sở quan trọng để chúng ta tiếp tục có những giải pháp hiệu quả hơn cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị VHCT các DTTS Việt Nam trong bối cảnh phát triển và hội nhập toàn cầu.
Chú thích:
1 Đình Đính: “Sử thi A Chất của đồng bào Tà Ôi, Pa Cô”, http://khamphahue.com.vn/kham-pha/ lich-su-van-hoa/tid/Su-thi-A-Chat-cua-dong-baoTa-Oi-Pa-Co, ngày 11/7/2020.
2 Phạm Duy Đức (Chủ biên, 2010), Thành tựu trong xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam 25 năm đổi mới (1986 - 2010), NXB Chính trị quốc gia.
3 Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (2019), Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện chiến lược văn hoá.
4 Trịnh Quang Cảnh (2005), Phát huy vai trò đội ngũ trí thức các dân tộc thiểu số nước ta trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, NXB Chính trị quốc gia.
5 Chính phủ (2020), Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2020, Triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021-2030.