GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH TRANG PHỤC NỮ TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC PÀ THẺN Ở TỈNH HÀ GIANG

Bài viết giới thiệu đặc điểm nghệ thuật tạo hình và ý nghĩa, giá trị nghệ thuật tạo hình trang phục nữ truyền thống trong đời sống của người Pà Thẻn ở Hà Giang. Qua đó khẳng định giá trị vật chất và giá trị tinh thần của trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, những giá trị nghệ thuật này được coi là biểu tượng, niềm tự hào, làm nên bản sắc văn hoá tộc người.

 

   Giá trị nghệ thuật được hiểu như là chất lượng nghệ thuật của một tác phẩm đủ để nó có đời sống tham gia tích cực vào đời sống của con người. Đây là một vấn đề khá phức tạp, trong phạm vi của bài viết, dựa trên cơ sở các nguyên lý tạo hình, tác giả đề cập tới giá trị nghệ thuật tạo hình trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn ở tỉnh Hà Giang thông qua các yếu tố ngôn ngữ, thủ pháp tạo hình để biểu hiện chủ đề, nội dung, ý tưởng, gợi nên những cảm xúc tốt đẹp, như một “biểu tượng” thiêng trong đời sống tộc người.

   1. Trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn

   Dân tộc Pà Thẻn là một dân tộc ít người, sống tập trung ở Hà Giang và Tuyên Quang. Trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà Thẻn tương đối đồng nhất, được các nhà nghiên cứu đánh giá là sáng tạo, có giá trị thẩm mĩ cao. Trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà Thẻn bao gồm các phần: áo, là loại áo dài kiểu tứ thân, không cổ; váy, là loại váy mở, dài đến bắp chân, phần cạp được xếp nếp; khăn đội đầu dùng để quấn nhiều lớp quanh đầu tạo thành vành dày khoảng 10cm; khăn vấn tóc có tác dụng bọc tóc; khăn quàng hình vuông có cạnh 80-100cm; khăn cài thắt lưng; yếm, gồm 2 loại: yếm bạc, yếm dài đeo trước ngực; thắt lưng, gồm 2 loại: loại dây trơn và loại có 8 tua. Trang phục kết hợp với trang sức như: khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn.

   Trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà Thẻn nhìn tổng thể là một hoà sắc nóng đỏ rực rỡ trên nền xanh của núi rừng, có kết cấu, tổ chức hình mảng, kỹ thuật, thủ pháp tạo phom dáng độc đáo như một tác phẩm nghệ thuật đương đại. Nhà nghiên cứu Đoàn Thị Tình nhận định: Dưới góc độ thẩm mĩ, trang phục là một tác phẩm mang tính nghệ thuật1. Có thể nói, trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số nói chung, trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà Thẻn nói riêng là một điển hình đặc biệt trong nghệ thuật tạo hình trang phục.

   2. Giá trị nghệ thuật tạo hình trang phục

   Nghệ thuật tạo hình trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn chuyển tải được các nội dung câu chuyện truyền thống văn hóa của tộc người. Hầu hết mỗi hình mảng, mỗi hoa văn trang trí trên trang phục cho dù đơn giản hay phức tạp đều là những hình ảnh có chứa những câu chuyện phía sau nó. Những thủ pháp tạo hình giúp chuyển tải nội dung câu chuyện, ý tưởng thẩm mĩ được thể hiện rõ ràng, cụ thể hơn và có khả năng tác động mạnh mẽ tới con người. Nhờ nghệ thuật, những vấn đề phức tạp của cuộc sống, những tâm tư vốn rất sâu kín của con người được khám phá, lý giải và trình bày trong một dạng thức sống động.

   Giá trị nghệ thuật thể hiện ở sự thống nhất giữa nội dung thẩm mĩ và hình thức nghệ thuật của trang phục. Nó thường biểu hiện ở cách lựa chọn, tổ chức các yếu tố hình mảng, màu sắc, hoa văn trang trí, trang sức, phụ kiện… trên trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn đáp ứng thị hiếu thẩm mĩ, hình thức phù hợp với những câu chuyện, truyền thuyết trong dân gian mà người dân muốn kể.

   Câu chuyện về nguồn gốc của kỹ thuật ghép vải của người Pà Thẻn kể rằng, do bộ trang phục bị cháy nham nhở, họ đã sáng tạo bằng cách lấy những miếng vải lành lặn vá vào chỗ rách cho kín lại. Từ đó, bộ trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà Thẻn có cách chắp vải như ngày nay2. Ở đây, giá trị nghệ thuật là những hình mảng trên trang phục với những mảnh chắp chỉ có đặc điểm là hình vuông hoặc hình chữ nhật. Sắp xếp có tổ chức, có tâm điểm, trọng tâm, hầu như các hình mảng chỉ đặt theo hướng nằm ngang, dọc, không có hướng nghiêng. Thủ pháp kỹ thuật này cho hiệu quả là khi quan sát trang phục thì hoàn toàn không có cảm giác của chiếc áo cháy, rách phải chắp vá mà nó được kết cấu có tổ chức chặt chẽ.


Những mảng hình trang trí ở trên váy đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị ghép thành váy (Ảnh: PV).

   Thủ pháp tạo hình mảng đã hóa giải một tình huống thực tế bất lợi thành một hình thức cân đối, hài hòa, một sự hoàn chỉnh, mang lại cảm xúc, biến cái không thể thành cái có thể, thức tỉnh cái dang dở, cái mất mát thành cái hoàn chỉnh, trọn vẹn.

   Nguyên lý thị giác chỉ ra rằng các hình thể tương đồng nhau dễ nhìn thấy, nhất là tương đồng về hình dạng. Các đặc tính tương đồng khác như kích cỡ, màu sắc thường là yếu tố được cảm nhận sau. Đây cũng có thể là lý do để người Pà Thẻn muốn thể hiện cái đẹp nổi bật, vượt lên thiên nhiên, thể hiện sức mạnh khát vọng sống của dân tộc thông qua hình mảng, là biểu tượng tinh thần, cổ vũ con người trong đời sống.

   Tư duy tạo phom dáng trang phục nữ truyền thống dân tộc Pà Thẻn tương đối độc lập, mảng khối, diễn tả suy nghĩ hơn là hình thức bên ngoài. Đặc điểm hình mảng và cấu trúc không phụ thuộc nhiều vào cấu trúc, đường cong của cơ thể người mặc; không tô vẽ mà thiên về sáng tạo, tạo hình trên cấu trúc cơ thể con người. Đó là những thủ pháp tạo hình để gây hiệu quả thị giác về hình mảng hơn là dựa vào cấu trúc để gia tăng hơn vẻ đẹp, đường cong mềm mại, căng đầy của người phụ nữ như thường làm.

   Dạng thức hình mảng, việc phân bố tỉ lệ và sắp xếp vị trí chiều hướng trên trang phục có dụng ý rõ ràng. Xử lý bề mặt, đậm nhạt mảng hình… tạo hiệu quả thị giác và cảm xúc lạ mắt với người xem đã tạo nên “một tác phẩm nghệ thuật dân gian” trí tuệ và không kém phần hiện đại, là nguồn cảm hứng trong nghệ thuật nói chung và trong thiết kế trang phục hiện đại nói riêng.

   Người Pà Thẻn có những kỹ thuật, chất liệu, thủ pháp tạo hình thông qua việc mắc sợi dệt có màu cho từng mảnh thổ cẩm để giải quyết sắc độ của màu. Họ có những tính toán trước cho việc “lót màu”, phối màu các sợi dệt để tạo ra hiệu quả tươi thắm hay dịu bớt đi ở những màu trên trang phục. Như vậy cũng là màu đỏ nhưng sắc đỏ ở thân áo có xu hướng tươi, rực rỡ hơn sắc đỏ ở váy và ngược lại.

   Bên cạnh việc tổ chức các mảng màu ở những vị trí khác nhau theo quy cách của tộc người, màu đỏ chủ đạo trên áo có hiệu quả ở chỗ khi mặc lên cơ thể thì những vị trí che khuất màu đen, mặt trong và những vị trí nhìn trực diện là màu đỏ. Những lớp vải lót trong khác nhau ở những vị trí sẽ cho hiệu quả sắc màu khác nhau. Lót màu (hay là những mảng vải lót để chắp những mảng màu lên trên nó), cùng là mảng màu đỏ nhưng được chắp đè lên lớp vải màu lót khác nhau như thân áo thì đỏ được chắp đè lên vải trắng, ở tay áo thì đỏ lại được đè lên lớp vải lót màu đen. Phối màu từ những sợi chỉ dọc và ngang trong mắc sợi (tơ bụ), là những sợi chỉ được kéo dọc màu đen hay màu trắng để dệt hoa văn trên áo hoàn toàn cho hiệu quả màu không giống với hoa văn dệt ở váy. Sự hài hoà của màu sắc dựa trên nguyên lý thị giác tạo được hòa sắc nóng, trong đó sắc đỏ chủ đạo được phân bố hợp lý ở cả trang phục đi vào sự tiếp xúc có hiệu lực với tâm hồn con người.

   Hoa văn trang trí trên trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn phản chiếu những nội dung câu chuyện của tộc người; hình tượng hóa được các đối tượng một cách khái quát bằng ngôn ngữ “hình học hóa”3 gần gũi, phù hợp trong mối tương quan các dân tộc; tiếp biến những giá trị truyền thống trong cách tạo hình hoa văn trang trí từ những mũi dệt, thêu cho đến kết cấu trang phục, song không bị hoà tan mà tiếp thu có chọn lọc, thể hiện tinh tế quan niệm thẩm mĩ riêng của tộc người.

   Giá trị nghệ thuật trong tổ chức hoa văn trang trí không đứng đơn lập trên một mảng nền phẳng, ở những vị trí thông thường mà kết hợp với tổng thể trang phục. Hoa văn là công đoạn dệt khó, mất nhiều thời gian nhưng khi đặt vào các vị trí trên trang phục lại không nổi bật mà hòa chung vào tổng thể, rất khó để nhìn ra những chi tiết hoa văn; không có mảng nền phẳng để thêu hoa văn mà hiện lên đều là những mảnh ghép, kể cả hoa văn trang trí. Đó có thể là cách mà người Pà Thẻn muốn tạo nên một một tổng thể trang phục với những hình mảng, khối khỏe khoắn, hiện đại, khác biệt với cách trang trí hoa văn ở những dân tộc khác.

   Chắp vải để trang trí không đơn giản như trong câu chuyện dân gian là áo bị cháy phải vá lại. Chắp vải như một thủ pháp nghệ thuật giải quyết bài toán khổ vải, tận dụng những mảnh vải nhỏ hiện có vào thời điểm đó; chủ động hơn trong tạo nên những mảng hình chữ nhật, hình vuông thổ cẩm với những hoa văn khác nhau và được sắp xếp tổ chức có yếu tố trang trí sáng tạo trên trang phục. Kỹ thuật chắp vải dùng để chuyển màu, kéo hình, làm điểm nhấn trong việc tổ chức tạo hình trang phục. Những mảng vải hình chữ nhật có kích thước nhỏ, to khác nhau, có cấu tạo bề mặt sớ vải, màu sắc khác nhau, thậm chí có hoa văn khác nhau. Những mảng hình có kích thước, cấu tạo bề mặt giống nhau thì được xoay chiều để các sớ vải, hình thêu đối xứng nhau mang đậm nét trang trí, rất tinh tế.


Mô tả mặt ngoài, mặt trong váy nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn (Ảnh: PV).

   Nghệ thuật tạo hình trên trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn có cấu trúc, bố cục tạo hình chặt chẽ đã tỏ ra như một công thức vừa có tính quy chuẩn song chấp nhận cả những sáng tạo riêng của mỗi người khi làm ra nó mà không mất đi tổng thể của trang phục. Một vài chi tiết nhỏ, phụ thể hiện sự sáng tạo riêng trong cái tổng thể chung như một giới hạn vừa nguyên tắc vừa sáng tạo trong tạo hình trang phục truyền thống đối với mỗi người phụ nữ dân tộc Pà Thẻn; tổng thể trang phục thống nhất về mặt nội dung, hình thức, toàn bộ các hoạt động tư duy, phương pháp, thủ pháp thể hiện cho đến khi hoàn thành sản phẩm trang phục. Đó là một trong những hoạt động nổi bật, chứa đựng những giá trị trong đời sống của người Pà Thẻn. Trang phục nữ truyền thống của người Pà Thẻn như một biểu tượng văn hoá lưu giữ những sáng tạo của tộc người này.

   3. Giá trị nghệ thuật tạo hình trang phục trong đời sống

   Nghệ thuật tạo hình trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn có giá trị to lớn trong đời sống tộc người. Nó hiện diện ở những hoạt động tạo ra trang phục, ở giá trị vật chất và tinh thần của người dân tộc. Nó tham gia sâu sắc vào hầu hết khía cạnh đời sống văn hóa của con người nơi đây. Những giá trị này được coi như là biểu tượng, niềm tự hào trong lao động sáng tạo của tộc người.

   Nghệ thuật tạo hình trang phục là tiêu chí, thước đo giá trị của người phụ nữ. Việc tạo hình trang phục sao cho đẹp, đúng quy cách, kỹ thuật thêu, dệt đều tay, không bị xô lệch sẽ làm cho trang phục tăng thêm giá trị. Nghệ thuật tạo hình trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn bằng những yếu tố tạo hình độc đáo, dày công sức của người phụ nữ trên trang phục không đơn thuần là một sản phẩm. Nó chứa đựng khả năng, thẩm mĩ, sự chịu thương, chịu khó, tình cảm sâu lắng và cả quyền năng làm chủ trang phục “biểu tượng tộc người” của mỗi người phụ nữ.


Thiếu nữ Pà Thẻn trong trang phục truyền thống (Ảnh: Trọng Đạt - qđnd.vn).

   Cách mặc, tạo hình trang phục trong các sinh hoạt khác nhau như một thành tố trang trí làm đẹp, nhận diện, tham gia tạo nên bầu không khí của hầu hết các hoạt động tinh thần đối với tộc người. Trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn chỉ có một loại, được dùng cho cả bốn mùa trong năm; hơn nữa, trang phục này được dùng trong các sinh hoạt khác nhau của tộc người. Từ không gian lễ, hội chung đến những không gian sinh hoạt riêng trong gia đình, từ những hoạt động vui tươi đến những lễ nghi tang ma thì tạo hình trang phục qua cách mặc, phối hợp những chi tiết cũng làm cho trang phục mang những ý nghĩa khác nhau, biểu tượng riêng đáp ứng phong phú nhu cầu văn hóa của dân tộc. Trang phục còn là cách phân biệt người đã hay là chưa có chồng và cả việc mặc trang phục truyền thống như thế nào cho người đã chết để được về với tổ tiên…

   Cách phối hợp những chi tiết của trang phục truyền tải thông tin về người mang trang phục. Trong sinh hoạt ngày thường, người phụ nữ Pà Thẻn mặc trang phục truyền thống theo cách đơn giản. Thắt lưng tám tua chỉ dùng cho thiếu nữ, là cách tạo hình để người dân tộc luôn ghi nhớ về tám dòng họ trong tộc người. Thắt lưng trơn màu đen là dấu hiệu nhận biết người đã có chồng, thiếu nữ chỉ mang thắt lưng trơn màu trắng.

   Trong ngày lễ hội, Tết, ngày trọng đại, người phụ nữ Pà Thẻn mặc trang phục truyền thống là bộ trang phục đẹp nhất, mới nhất. Những phụ kiện đẹp, trang sức, trang trí có giá trị như vòng cổ, vòng tay, chùm tua vải, khăn đội đầu, túi… được lấy ra để đeo làm cho bộ trang phục rực rỡ, đủ đầy, thể hiện tinh thần vui tươi trong ngày lễ, Tết.

   Cô dâu trong lễ cưới có những điểm khác trong tạo hình trang phục truyền thống là cùng lúc mang cả hai thắt lưng màu đen và màu trắng. Màu trắng thể hiện người thiếu nữ chưa có gia đình, màu đen thể hiện người phụ nữ đã có gia đình. Ngoài vòng cổ truyền thống và những phụ kiện khác, cô dâu còn đeo thêm vòng đôi, khăn vuông to trùm lên đầu để che mặt trong quá trình làm lễ đón dâu; khăn tay vắt ngang treo ở vòng cổ của cô dâu và chú rể.


Trang phục truyền thống trong đám cưới của đồng bào dân tộc Pà Thẻn (Ảnh: Hà Linh - qđnd.vn).

   Theo phong tục của dân tộc Pà Thẻn, trong đoàn đón dâu có bốn hoặc tám cô gái trẻ chưa chồng hỗ trợ cô dâu trong thời gian đón dâu. Những cô gái này cũng mặc trang phục truyền thống, quấn khăn rực rỡ trên đầu, tết tóc chùm hoa, thắt lưng tám tua như cô dâu nhưng không sử dụng yếm bạc và yếm dài, không đeo nhiều vòng, không có khăn cài thắt lưng, khăn mặt, khăn trùm đầu và dây thắt lưng đen. Nhà cô dâu cũng có hai hoặc bốn cô đưa dâu, cũng là gái chưa chồng mặc trang phục gồm áo, váy, thắt lưng đen, không có các thành tố khác như khăn quấn đầu, chùm hoa, thắt lưng trắng và thắt lưng tám tua.

   Người Pà Thẻn có quan niệm sống chẵn, chết lẻ, tức là trong đám tang, người chết được mặc y phục theo số lẻ, số còn lại có thể được để lại cho con cháu hoặc đem đốt ở phần mộ tùy theo lời dặn dò của người đã chết. Trong đám cưới thì các thành tố trang phục của cô dâu và chú rể theo phong tục phải có đôi theo số chẵn (hai, bốn, sáu bộ…).

   Trong tang ma, trang phục cũng được mặc cho người chết theo những quy định mỗi trường hợp khác nhau. Người Pà Thẻn quan niệm rằng chết không phải là kết thúc mà là về với tổ tiên, với ông bà nên phải mặc trang phục truyền thống biểu tượng của dân tộc để tổ tiên dễ dàng nhận ra con cháu. Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Huyền Nhung, những đám tang bình thường, người chết (a me tế) từ 36 tuổi trở lên thì được mặc quần áo truyền thống để sang thế giới bên kia là được về với tổ tiên. Bộ trang phục mặc cho người chết được gia đình cắt hết túi thành túi thủng đáy. Đối với người chết đường, chết chợ, chết bất đắc kỳ tử sẽ được chôn ngay tại nơi chết, trang phục là bộ quần áo đang mặc trên người. Trẻ em chết yểu không được chôn trong quan tài mà chỉ được quấn vào chiếu hoặc quần áo cũ4.

   Các nghiên cứu cho rằng các hình tượng hoa văn trang trí, tạo hình, trang trí trên trang phục như một cuốn sách lưu giữ những câu chuyện, từ ngữ, tiếng dân tộc. Điều này làm tăng thêm những giá trị của trang phục trong đời sống của người dân tộc. Có thể vì vậy mà trang phục được xếp vào loại hình văn hoá vật thể nhưng lại có quan hệ mật thiết với loại hình phi vật thể.

   Theo thời gian, trang phục đã không chỉ còn là vật giữ ấm, bảo vệ cơ thể; các yếu tố tạo hình, trang trí không những đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ mà còn là một công cụ nhận thức, qua đó, phản chiếu các biến cố, các thông điệp xã hội, lịch sử của dân tộc; mỗi yếu tố tạo hình, trang trí biểu tượng cho những nội dung, ý nghĩa mà người dân tộc hiểu về nó.

   Ngay trong hoạt động tạo hình trang phục nó đã trở thành một nhu cầu tự thân. Nói như M. Gorki, con người bản tính là nghệ sĩ, bất cứ đâu và bằng cách nào con người cũng mong muốn đưa cái đẹp vào cuộc sống. Trang phục không những là sản phẩm chứa đựng những giá trị vật chất, tinh thần, thẩm mĩ… mà quá trình lao động để tạo hình trang phục có chứa đựng sự phong phú thẩm mĩ, đưa lại cho con người khoái cảm tinh thần cao quý. Quá trình đó có ý nghĩa để con người nương tựa vào nhau để sống mà trở nên gắn bó, yêu thương lẫn nhau…

   Hoạt động tạo hình là một lĩnh vực quan trọng, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân - thiện - mĩ của con người, là động lực, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội. Trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn có nghệ thuật tạo hình thể hiện sự gần gũi, giúp mọi người hiểu, cảm nhận, tương tác với nhau; giúp gắn kết con người với nghệ thuật và làm phong phú đời sống tinh thần của cộng đồng.

   4. Kết luận 

   Có thể thấy dưới góc độ thẩm mĩ, trang phục là một tác phẩm mang tính nghệ thuật. Giá trị nghệ thuật tạo hình trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn biểu hiện phong phú, tinh tế ở quan niệm thẩm mĩ, bố cục, hình mảng, màu sắc, hoa văn trang trí, phụ kiện…, đặc biệt là những kỹ thuật, thủ pháp tạo hình giải quyết hài hòa, thống nhất giữa nội dung thẩm mĩ và hình thức nghệ thuật của trang phục chuyển tải những câu chuyện, mang lại cảm xúc cho con người. Nghệ thuật tạo hình trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn có giá trị to lớn trong đời sống tộc người, nó trở thành nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng hướng tới chân - thiện - mĩ của người Pà Thẻn.

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Cynthia Freeland (Như Huy dịch, 2009), Một đề dẫn về lý thuyết nghệ thuật, NXB Tri thức.
2. Graham Collier (Trịnh Lữ dịch, 2019), Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo, NXB Dân trí.
3. Laurie Schneider Adams (Hồ Hồng Đăng dịch, 2019), Dẫn nhập về nghệ thuật, NXB Thế giới.
4. Ninh Văn Hiệp (Chủ biên, 2006), Văn hoá phong tục người Pà Thẻn - bảo tồn và phát huy, NXB Văn hoá dân tộc.
5. Hoàng Văn Kiên - Vũ Diệu Trung (Chủ biên), Hoàng Sơn, Bùi Đức Tân, Nguyễn Thu Đào, Lê Minh Hoàng, Mai Văn Tùng, Đinh Xuân Ninh, Đào Thanh Thái, Nguyễn Thị Mĩ, Phan Mạnh Dương, Nguyễn Thị Hảo và Lê Thị Thanh Nguyên (2014), Người Pà Thẻn huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang, NXB Lao động.
6. Đặng Thị Quang (Chủ biên, 2014), Văn hoá dân gian dân tộc Pà Thẻn ở Việt Nam (quyển 1, 2), NXB Văn hoá thông tin.

Chú thích:
1 Đoàn Thị Tình (2006), Trang phục Việt Nam (Dân tộc Việt), NXB Mỹ thuật.
2, 4 Nguyễn Thị Huyền Nhung (2016), Trang phục của người Pà Thẻn ở tỉnh Hà Giang, NXB Chính trị Quốc gia.
3 Thái Bá Vân (2009), Tiếp xúc với nghệ thuật, NXB Mỹ thuật.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận