NGƯỜI XÂY ĐỀN VÀ NGƯỜI ĐƯỢC THỜ TRONG ĐỀN: ĐỌC LẠI TỰ SỰ THẦN TÍCH ĐỀN CHÈM TRONG ''VIỆT ĐIỆN U LINH TẬP''

Bài viết tìm hiểu, phân tích thần tích Đền Chèm được biên chép trong tác phẩm Hán văn Việt Nam Việt điện u linh tập. Qua đó làm rõ hơn những nội dung quan trọng của thần tích Lý Ông Trọng cùng lịch sử Đền Chèm. Đồng thời lý giải sự xuất hiện, đặc điểm của hai nhân vật dựng đền và tu bổ Đền Chèm là Triệu Xương và Cao Biền, giúp người đọc hiểu sâu hơn người xưa tích cũ và giá trị lịch sử - văn hoá của Đền Chèm.

 

   Thần tích Đền Chèm được biên chép trong hai tác phẩm Hán văn Việt Nam trung đại – Lĩnh Nam chích quái (嶺 南 摭 怪) và Việt điện u linh tập (粵 甸 幽 靈 集); kế đó cũng thấy có ở Đại Việt sử ký toàn thư (大 越 史 記 全 書). Nếu ta đồng ý với ý kiến phổ biến coi Lĩnh Nam chích quái (LNCQ) xuất hiện sau thì cho đến nay, có thể nói tài liệu thành văn sớm nhất hiện được biết đến và cũng là tài liệu quan trọng nhất đối việc tìm hiểu thần tích Lý Ông Trọng (李 翁 仲) cùng lịch sử Đền/ Đình Chèm là cuốn Việt điện u linh tập (VĐULT) của Lý Tế Xuyên (李 濟 川). Trong thiên thần tích này, ta còn thấy xuất hiện hai nhân vật Triệu Xương (赵 昌, 730-814) và Cao Biền (高 骈, 821-887) – người dựng đền và người tu bổ đền. Đọc lại thiên thần tích này trong liên hệ với các tài liệu liên quan cũng là một dịp để hiểu sâu hơn người xưa tích cũ của xứ sở.

   1. Thần tích Lý Ông Trọng trong Việt điện u linh tập

   Như trên đã nói, thần tích Đền Chèm biên chép trong VĐULT được xem tài liệu thành văn sớm nhất hiện được biết đến và cũng là tài liệu quan trọng nhất đối việc tìm hiểu thần tích Lý Ông Trọng cùng lịch sử Đền Chèm. Dĩ nhiên chúng ta cũng biết Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) có đoạn ký tải liên quan đến thần Đền Chèm. Ta cũng biết trước ĐVSKTT đã có Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu (黎 文 休, 1230-1322) là bộ sử mà Ngô Sỹ Liên (吳 士 連) tham khảo nhưng ta không rõ về khả năng Lê Văn Hưu có ký tải về Lý Ông Trọng và Đền Chèm hay không. Mặt khác, thông tin năm sinh, năm mất (nếu chính xác) cũng cho thấy Lê Văn Hưu thuộc thế hệ sau Lý Tế Xuyên. Vì vậy có thể tạm nói thần tích Hiệu Úy Anh Liệt Uy Mãnh Phụ Tín Đại Vương (Lý Ông Trọng) trong VĐULT (粵 甸 幽 靈 集 錄 歷 代 人 臣 校 尉 英 烈 威 猛 輔 信 大 王) là tài liệu thành văn sớm nhất hiện biết đến về Đền Chèm.

   Ngày nay, phần đa các học giả nhận định tác giả VĐULT là người đời Trần. Tuy vậy, cũng có ý kiến khác. Chư Cát Thị1 nói sách VĐULT là sách từ đời Lý; Hoàng Xuân Hãn, thậm chí, đoán định cả tác giả của nó cũng người đời Lý. Nhận định tác giả VĐULT là người đời Trần chủ yếu dựa vào dòng lạc khoản đề “Hoàng Triều Khai Hựu nguyên niên” (皇 朝 開 祐 元 年, công lịch: 1329) dưới bài Tựa trong sách này. Giới học thuật ước đoán Lý Tế Xuyên sống vào khoảng cuối thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XIV, làm quan dưới thời vua Trần Hiến Tông (陳 憲 宗, ở ngôi: 1329-1341). Các thiên thần tích trong VĐULT đều kết thúc với việc ghi lại thời gian các lần sắc phong hay gia phong, như ở thần tích Lý Ông Trọng ghi là “Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Anh Liệt Vương, đến bốn năm, gia phong hai chữ Dũng Mãnh, năm Hưng Long thứ hai mươi, gia phong Phụ Tín Đại Vương”2. Nếu đúng Lý Tế Xuyên sống dưới thời vua Trần Hiến Tông thì các đợt gia phong mĩ hiệu Thần Đền Chèm dưới triều Trần Nhân Tông (陳 仁 宗, ở ngôi: 1278-1293) có lẽ cũng không xa thời ông lắm. Thậm chí rất có thể Lý Tế Xuyên còn được chứng kiến lần gia phong năm Hưng Long thứ hai mươi (1312) – cách thời điểm ông viết lời tựa cho tập thần tích nổi tiếng này độ 17 năm. Tất nhiên thời điểm “năm Hưng Long thứ hai mươi” không phải là thời điểm muộn nhất được trần thuật trong VĐULTT. Chẳng hạn cuối thiên Đô Thống Khuông Quốc Tá Thánh Vương (Lê Phụng Hiểu) ghi: “Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Đô Thống Vương, năm thứ tư gia phong hai chữ Khuông Quốc. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Tá Thánh, đến nay miếu vũ nguy nga, hương hỏa không dứt”3. Trần thuật này cho thấy giữa cái “hiện tại” Lý Tế Xuyên cầm bút biên thuật tập thần tích và “quá khứ” của những đợt gia phong mĩ hiệu cho các thần mà ông biết đã có một khoảng cách thời gian nhất định. Dù sao trong tư cách quan Thủ Đại-Tạng Kinh Thư-Hỏa Chính-Chưởng4, hẳnông có điều kiện tiếp xúc với hồ sơ tài liệu của triều đình.

   Như đã nói trên, trần thuật về tích chuyện Đền Chèm đều thấy có ở cả VĐULT, LNCQĐVSKTT. Trần thuật của các thiên/ đoạn trần thuật đó chủ yếu chỉ khác nhau ở phần “thân thế” vị nhân thần nhưng giống nhau ở phần dựng đền và tu bổ đền – tức cũng là phần liên quan đến hai nhân vật Triệu Xương và Cao Biền. Về sự khác biệt giữa chúng, có thể nói trần thuật về Triệu Xương và Cao Biền ở thiên thần tích trong VĐULT xuất hiện trong tính cách là một phần mạch tự sự hai ý: trần thuật xong thân thế vị thần thì trần thuật tiếp về đền thờ thần (để khép toàn thiên với tiểu đoạn thông tin sắc phong, gia phong); trong lúc ở ĐVSKTT, đoạn thứ hai, lại xuất hiện như là một bổ thuật tô đậm hình tượng sử truyện Lý Ông Trọng (nhân vật trong Kỷ Nhà Thục). Thật vậy, bản dịch ĐVSKTT tuy dịch “thần thường hiển linh giúp sức” nhưng trong nguyên bản Hán văn ta thấy Ngô Sỹ Liên không dùng chữ “神” (thần). Duy nhất một chữ “thần” trong cả trường đoạn về Lý Ông Trọng chỉ được Ngô Sỹ Liên dùng kèm với chữ “từ” (“thần từ” - cuối đoạn thứ hai): “迨高王破南詔,常顯應助順”, “其神祠 在 慈 廉 縣 瑞 香 社” (“Đãi Cao vương phá Nam Chiếu, thường hiển ứng trợ thuận”, “Kỳ thần từ tại Từ Liêm huyện, Thụy Hương xã”)5. Nguyên văn đoạn trần thuật dựng và tu bổ đền liên quan đến hai nhân vật Triệu Xương và Cao Biền trong ĐVSKTT:

   “唐趙昌為交州都護,常夜夢與翁仲講《春秋左氏傳》。因訪其故宅,在焉。立祠致祭,迨高王破南詔,常顯應助順。高王重修祠字,彫木立像,號李校尉。其神祠在慈廉縣瑞香社”6.

   Bản in Nội các Quan bản ĐVSKTT (Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18) đến đoạn này chuyển sang cỡ chữ nhỏ chắc cũng thể hiện ý coi tiểu đoạn này như là một “tiểu vĩ thanh” hay như vừa nói trên – một trần thuật bổ sung cho chân dung một nhân vật thời An Dương Vương (ĐVSKTT, bản in chữ Hán hàng ngang cũng như ấn bản bản dịch sách này ngày nay đã đặt toàn đoạn này trong mở đóng ngoặc đơn). Một phân tích sâu hơn về đoạn trần thuật dựng và tu bổ Đền Chèm liên quan hai nhân vật Triệu Xương và Cao Biền này chắc chắn giúp ích cho cho việc đọc hiểu tốt hơn thần tích này. Thử đọc lại hai đoạn đồng dẫn từ cả VĐULTĐVSKTT dưới đây:

   2. Trần thuật về Triệu Xương và Cao Biền trong thiên thần tích Lý Ông Trọng

   Cứ như tự sự ở 2 đoạn dẫn trên thì ta dường như có thể biết rằng việc lập đền thờ Lý Ông Trọng khởi từ thời Bắc thuộc khi Triệu Xương trấn nhậm Giao Châu và đền được trùng tu quy mô lớn dưới thời Cao Biền. Dĩ nhiên khi đọc đoạn viết như thế, câu hỏi nảy sinh một cách tự nhiên là “Lý Tế Xuyên làm thế nào để có thể có những thông tin này?” (hoặc nói như cách nói ngày nay là: “Tác giả đã tham khảo nguồn tài liệu nào?”). Đọc một lượt tác phẩm VĐULT, ta thấy có vài ba chỗ đã nhắc đến Triệu Xương dưới hình thức viện dẫn tài liệu tham khảo. Các viện dẫn này đều được nêu rõ ngay từ đầu thiên, chẳng hạn ở thiên Bố Cái Đại Vương: “Xét Giao Châu Ký của Triệu Vương chép rằng: Vương họ Phùng tên Hưng…”9, thiên Bảo Quốc Trấn Linh Định Bang Quốc Đô Thành Hoàng Đại Vương (Thần sông Tô Lịch): “Xét sử, Giao Châu Ký và Báo Cực Truyện thì Vương vốn họ Tô, tên Lịch…”10, thiên Trung Dục Vũ Phụ Uy Linh Vương (Thần sông Bạch Hạc): “Theo Giao Châu Ký của Triệu Công thì Vương vốn là Thổ Lệnh Trưởng…”11.

   Tuy ở thiên Hiệu Úy Uy Mãnh Anh Liệt Phụ Tín Đại Vương – Lý Ông Trọng không thấy nêu rõ như vậy nhưng điều thú vị là Triệu Xương ở các thiên khác chỉ được nhắc đến như là tác giả (của một tài liệu mà Lý Tế Xuyên tham bác thông tin để viết cuốn thần tích U linh tập) thì đến thiên Lý Ông Trọng này, Triệu Xương đã trở thành một nhân vật trong thiên thần tích (người xây đền ở Cõi Việt). Học giả Lê Hữu Mục cho rằng “cuốn Phủ Chí còn gọi là Giao Châu Ký thường truyền là của ông không thấy được nói tới trong Cựu Đường Thư [chú thích số 33: Tiểu sử 161, tờ 5-6], như vậy Giao Châu Ký (hay Giao Châu Chí) chưa chắc là một tác phẩm đã được ấn hành, có lẽ đấy chỉ là một vài nhận xét rời rạc mà Triệu Xương đã ghi chú một cách vội vàng khi còn ở Giao Châu”12.

   Ta có thể cùng đồng ý phần nào với phán đoán cho rằng Giao Châu Ký truyền của Triệu Xương “chưa chắc là một tác phẩm đã được ấn hành”, nếu không nó đã được Cựu Đường Thư (舊唐書) đề cập rồi (nếu đã hoàn chỉnh thành sách và trong sách đó Triệu Xương quả có kể chuyện Lý Ông Trọng thì chắc Triệu Xương sẽ dùng hình thức tự thuật hay bút ký để ký tải chuyện bản thân đã đi điền dã làng Chèm và quyết định dựng đền sau giấc mộng ra sao). Thế nhưng khẳng định đó không hoàn toàn chắc chắn (ai dám quả quyết Cựu Đường Thư “biết hết” mọi trước thuật trong thời đại mà nó miêu tả?). Chí ít ta phải tự hỏi rằng nếu ghi chép về Giao Châu của Triệu Xương (730-814) chưa thành sách truyền đời thì khi viết “Xét Giao Châu Ký của Triệu Vương chép rằng…” phải chăng Lý Tế Xuyên cũng chỉ là đang tham khảo gián tiếp – tức đọc thấy dẫn thuật ghi chép về Giao Châu của Triệu Xương từ một sách nào đó?

   Chưa rõ ra sao nhưng nếu đọc chẳng hạn An Nam Chí Nguyên của Cao Hùng Trưng (高熊徵, 安 南 志 原, thế kỷ XVII) đến phần nói về Triệu Xương, ta quả thấy có đề cập đến tác phẩm gọi là Phủ Chí này của Triệu Xương. Đọc lại vài đoạn trong An Nam Chí Nguyên viết về Triệu Xương và Cao Biền – hai viên quan đô hộ mà VĐULT đã nhắc tới ở thiên Lý Ông Trọng cũng có thể giúp ta ít nhiều trong việc tìm hiểu ngôi đền nổi tiếng của làng Chèm.

   Đoạn về Triệu Xương trong An Nam Chí Nguyên: “Là người đời Đức Tông (780-805). Trước kia, vì Đô hộ Cao Chính Bình bắt dân đóng góp nặng nề, bị người trong châu oán hận, nên bọn Đỗ Anh Hàn, Tù trưởng người Lạo ở An Nam dấy quân vây Đô Hộ Phủ. Chính Bình bị chết vì quá lo sợ. Đức Tông dùng Triệu Xương sang làm Đô hộ. Khi đến quận, Xương vỗ yên bọn dân Man. Năm Trinh Nguyên thứ sáu (790), Xương được làm thêm chức Kinh lược Chiêu thảo sứ (經 略 招 討 使). Xương sửa thêm La Thành rồi đi khắp các núi to, sông lớn, cổ tích và tự đàn ở các quận, viết thành tập phủ ký13. Năm Trinh Nguyên thứ 19 (803), Xương tự dâng biểu xin cho người khác sang thay mình. Nhà Đường hạ chiếu cho Bùi Thái (sang thay)”14.

   Theo Tân Đường Thư (新 唐 書), Triệu Xương về nước được bổ làm Quốc Tử Giám Tế Tửu. Vua Đường sai Binh Bộ Thượng Thư Bùi Thái (裴 泰) sang thay không bao lâu thì bị quân tướng ở Giao Châu đuổi về. Đường Đức Tông (德 宗) vời Triệu Xương khi đó tuổi đã ngoài 70 hỏi chuyện rồi sai quay lại trấn nhậm An Nam ngay trong năm 80315.

   Sau khoảng hơn chục đời quan trị nhậm An Nam kể từ Triệu Xương thì đến Cao Biền (821-887). Cao Biền sang An Nam từ năm 865 trong chiến dịch đánh dẹp Nam Chiếu vãn hồi trật tự cai trị của nhà Đường tại Đô Hộ Phủ (都 護 府). Cao Biền tiến quân từ Hải Môn (được cho là Hải Phòng ngày nay) lên đánh thắng quân Nam Chiếu ở Phong Châu xong thì “đóng giữ phủ thành, đắp La Thành, làm sổ định rõ cương giới, lính thú và cống thuế”16. Sau công cuộc bình định, Cao làm Tiết Độ Sứ (節 度 使) cai trị bản xứ từ năm 866 đến năm 874. Cao Biền trở thành nhân vật trong các truyền thuyết phương thuật phong thủy dân gian lưu truyền khá rộng ở nước ta.

   Nếu câu chuyện Lý Ông Trọng trong VĐULT, phần liên quan đến Triệu Xương (730-814) và Cao Biền (821-887), không phản ánh diễn tiến văn hóa tư tưởng từ tôn Nho giáo sang trọng Đạo giáo thì chí ít cũng đã gián tiếp cho thấy sở thích riêng của hai viên quan đế quốc Đường: một kẻ văn trị, trọng sử còn kẻ kia thích phong thủy và võ công. Những tình tiết như “thường qua chơi làng Vương” kể ra như kể việc du ngoạn thăm thú cảnh vật địa phương mà cũng chính là một phần công việc kinh lý, tuần thú của một viên quan viễn chinh, khảo cứu điền dã của một học giả chính quốc “đi khắp các núi to, sông lớn, cổ tích và tự đàn ở các quận, viết thành tập phủ ký” (viết về Triệu Xương). Cũng giống như việc khảo sát địa lý vì mục đích phong thủy và dụng tậm chính trị của Cao Biền vậy. Tất cả đều ít nhiều phản ánh hoạt động hai viên toàn quyền trong miền đất chịu ảnh hưởng hay đã thành thuộc địa của đế chế Đại Đường.

   Đọc kỹ đoạn trần thuật thiên Lý Ông Trọng dẫn trên từ VĐULT, ta hoàn toàn có quyền phỏng đoán Triệu Xương dường như đã bị ám ảnh bởi truyền thuyết bản địa và phải chăng nỗi ám ảnh đó khi trộn lẫn với xung động vô thức muốn lưu danh mình vào lịch sử xứ sở của nhà “khai hóa” đã đưa đến giấc mơ “cùng Vương nói chuyện trị dân, và giảng luận sách Xuân Thu Tả Truyện17 trong một lần đi điền dã khảo sát địa lý - lịch sử phong tục bản xứ? Tất nhiên làm sao ta biết được giấc mơ là có thực cũng như làm sao có thể định luận được thôi thúc nội tâm nào mới là nguyên do trực tiếp của việc “lập đền thờ… chuẩn bị lễ vật đem đến tế Vương” của viên quan chính quốc hầu chuyện kinh sử cùng anh linh sở tại trong giấc mộng? Điều có thể nói là trong tư cách Kinh lược Chiêu thảo sứ, Tiết độ sứ (chức vụ trải qua của cả Triệu Xương và Cao Biền), hành động của Triệu Xương cũng như hành động của Cao Biền hẳn là kết quả của động cơ chính trị nhưng cũng là sự biểu hiện của thái độ tôn trọng bề dày văn hóa bản địa và có thể là ít nhiều cả sự đồng cảm tâm linh nhất định.

   Ám ảnh về quá vãng huyền bí và tâm tư của một dân tộc đối với Triệu Xương sau đó cũng lại hiển hiện ra ở Cao Biền. Sử chép Cao Biền dẫn quân lên Phong Châu đánh dẹp người Man Nam Chiếu. Đường hành quân của Cao rất có thể cũng ngang qua bến Chèm uy nghi đền thờ Lý Ông Trọng và tình tiết “hiển linh trợ thuận” mà VĐULT nói tới đó phải chăng cũng là một cách nói khác về nỗi ám ảnh tâm linh kia?18.

   3. Đền Chèm từ sau thời tác giả Việt điện u linh tập

   Mỗi một dịp gia phong mĩ hiệu cho Thần Đền Chèm hẳn kéo theo một lần tu bổ trang hoàng cho di tích. Ta không thấy Lý Tế Xương mô tả cụ thể quy mô kiến trúc thờ Lý Ông Trọng nhưng hoàn toàn có thể tưởng tượng được phần nào khung cảnh ngôi đền qua lời thơ của một danh sĩ đời sau Lý Tế Xuyên là Phạm Sư Mạnh (范師孟), 1300 hoặc 1303-1384, đỗ Thái học sinh đời vua Trần Minh Tông (陳 明 宗) ở ngôi 1329-1314. Phạm Sư Mạnh trong bài Họa Đại Minh sứ đề Nhĩ Hà dịch kỳ tam (和 大 明 使 題 珥 河 驛 其 三 (Đề họa thơ với sứ nhà Minh ở nhà dịch trạm bên sông Hồng – bài thứ ba)) có những câu:

   Hai liên thơ phác họa một khung cảnh núi sông, đồng ruộng, kinh thành bát ngát, nổi bật lên giữa mênh mông quang cảnh đó vài cổ tích xưa thẳm của xứ sở, đủ thấy quy mô của Đền Chèm thuở đó. Công việc tu bổ ngôi đền hẳn vẫn là việc trong suốt thời Lê. Cho đến thế kỷ XVIII, cứ như miêu tả ở phần gọi là “tiếm bình” mà Cao Huy Diệu viết thêm vào sau các thiên trong VĐULT thì quang cảnh Đền Chèm đã bội phần tấp nập. Cao Huy Diệu miêu tả: “Miếu ở làng Thụy Hương huyện Từ Liêm, cách phía đông thành bốn mươi dặm đền đài đồ sộ, miếu điện trang nghiêm, cao ngất ở trên bờ sông. Dầu cho sóng cả vỗ bờ, muôn dặm chảy xiết, vẫn nghiễm nhiên đứng vững không lay. Ngay trước miếu có bến đò ngang là con đường thượng lưu đến kinh phải ngang qua đấy, một chỗ đô hội lớn, thương mại hành nhân, cao tài đặt khách, chắp nối ngựa xe qua lại như dệt, mà trọn xưa vẫn an ổn, không xảy ra nạn gió sóng, nhân dân đều xưng tụng công đức của thần. Làng Thụy Hương rất đông, giàu, đến khi cúng tế, lễ vật long trọng tinh khiết, hằng năm đến ngày rằm tháng Bảy, có ngày hội làm lễ Đại kỳ phúc, người đến xem đông như rừng, đường sá chợ búa nhà cửa có cái quang cảnh như thành thị. Lễ tế, đồ thờ nghiêm chỉnh, người đến xem lễ đều phải kín, so với hai đền Tiên Du và Kim Động cùng ngang hàng với nhau. Nhiều người đến đền cầu tự, có người bồng con đến xin Thần cho họ, như hai anh em Tiết, Nghĩa ở làng Vân Canh, đến xưng họ Lý họ Trần tức là Thần cho họ đó. Tập Chích quái20 chép sự tích này cũng đồng với đây”21.

   Miêu tả trên cho ta thấy Đền/ Đình Chèm đã không chỉ là chốn hương khói cúng dường vị thần bảo hộ làng (Thành hoàng). Ngự trong ngôi đền trông ra bến sông đầu mối của đường bộ lẫn đường sông nối liền Kinh thành lên miền thượng du đất nước, đức ngài Lý Ông Trọng cũng là vị thần trấn xứ, bảo hộ cho cả một phương. Bảo hộ cho cuộc sống của nhân dân là mĩ đức chung của các vị thần, cũng như nếp nghĩ “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” là niềm tin chung của nhân dân vậy. Niềm tin đó, sự kính thờ thiêng liêng đó dĩ nhiên bộc lộ rực rỡ trong các kỳ lễ hội hay dịp tu bổ công trình.

   4. Lời kết

   Hơn chục thế kỷ đã trôi qua kể từ lúc đền Lý Ông Trọng soi bóng xuống sông Hồng và cũng non chục thế kỷ kể từ ngày tích truyện ngôi đền được ký tải thành thần tích trong VĐULT, ngôi đền tọa lạc trên bến Chèm đó là dấu xưa tích cũ giữa non sông và cũng chính là phần quan trọng kiến trúc nên lịch sử quốc gia. Lễ hội Đền/ Đình Chèm mở vào giữa hạ (ba ngày rằm tháng Năm), lễ có rước nước, hội có thả chim bồ câu… Đến ngày, người vùng Chèm lại cùng khách thập phương tụ hội trên gảnh đình cùng dõi tầm mắt lên trời cao, nơi những cánh chim bồ câu hòa bình chao mình vào cao xanh vời vợi – vòm cao xanh từng nói đến trong bài Bạt cho một bản VĐULT: “Chính khí chung đúc, từ đó xuất hiện đấng thần kỳ, sống làm bậc danh tướng, chết làm bậc danh thần […]. Chính khí của các vị ấy bàng bạc vòng quanh vòm trời xanh”22.

 

 

 

Chú thích:
1 Lê Hữu Mục phiên âm “Chư Cát Thị”, Đinh Gia Khánh trong phần “Giới thiệu văn bản” in đầu bản dịch VĐULT của ông cũng phiên như thế và hiểu đó là chỉ họ “Chư Cát”. Ông viết: “Thế là họ Chư Cát đã cất công sưu tầm thêm tư liệu và viết lại VĐULT […] Chư Cát Thị tên thật là gì hiện vẫn chưa rõ. Chỉ biết ông là người Hồng Đô, từng giữ chức Thủ bạ ở Bộ Lễ thời Lê Cảnh Hưng” (Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh tập, bản dịch Lê Hữu Mục, trên www.tuvienquangduc.com.au/lichsu/ lichsuvietnam/VietDienULinhtap.pdf, tr. 12). Một số tài liệu thấy phiên Gia Cát Thị. Nếu thế có thể hiểu chỉ “người họ Gia Cát” (một họ hai chữ như các họ “Âu Dương”, “Công Tôn”, “Tư Mã”… vậy).
2, 3, 7, 9, 10, 12 Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh tập (bản dịch Lê Hữu Mục) trên www.tuvienquangduc.com. au/lichsu/lichsuvietnam/VietDienULinhtap.pdf, tr. 44, 51, 44, 27, 49, 14.
4 Theo VĐULT, Bản A. 751. Lê Hữu Mục viết trong lời Dẫn nhập bản dịch VĐULT của ông: “Chức Thư Hỏa Chính Chưởng rõ rệt là một chức phụng vụ vừa giữ sách vừa giữ lửa ở nơi đã để kinh Đại Tạng […]. Có thể nói rằng chính cái ngọn lửa leo lét ở nơi để kinh Đại Tạng kia, dù ở nghĩa đen hay nghĩa bóng, đã gây cảm hứng cho nhà văn Lý Tế Xuyên, cho nên không trong một chuyện nào là tác giả không nhắc đến từ ngữ “hương hỏa bất tuyệt” […]. Qua chức vụ ấy, Lý Tế Xuyên xuất hiện như một nhà tu hành, âm thầm sống ở một nơi bảo tồn kinh Phật, mà nhiệm vụ là giữ sách như một người quản thủ thư viện ngày nay. Trong thời gian ấy, xa sự náo nhiệt của đô thành, trong một nơi có cây già bóng cả, giữa một không khí yên lặng trang nghiêm, Lý Tế Xuyên có đầy đủ thì giờ để đọc sách, viết văn, sưu tầm tài liệu, nhất là suy nghĩ về người xưa. Ông luôn luôn đi về cái thế giới cổ sơ ấy; ông sống với những nhân vật của ông, thấm nhuần cái không khí bao quanh họ, thấu triệt tinh thần họ” (Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh tập, bản dịch Lê Hữu Mục, trên www.tuvienquangduc.com.au/lichsu/ lichsuvietnam/VietDienULinhtap.pdf, tr. 8).
5, 6, 8 Nhiều tác giả (2017), Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch, nguyên văn chữ Hán, Quyển Thủ, tờ 8 a-b), NXB Văn học-Đông A, tr. 33; LNCQ đặt nhan đề Lý Ông Trọng truyện xưng thẳng tên thật Lý Thân để trần thuật. Trong đoạn đầu thuật chuyện thân thế có thêm các chi tiết đáng gọi “chích quái” bên cạnh chi tiết không được “cao cả” cho lắm (giết người, trốn lệnh vời sang lại Hàm Dương, phải tự sát, thi thể phủ thủy ngân giao sang cho Tần Thủy Hoàng). Trong đoạn trần thuật dựng đền, tu bổ đền lại càng không dùng chữ “thần” nào: “至唐赵昌 为 交 州 都 护,夜 梦 与 李 身 讲《春 秋》《左 传》。因 问 其 故 宅, 立 祠 祭 之。迨 高 骈 平 南 诏,愿 显〔灵〕助 顺。 高 骈 重 修 庙 宇,雕 木 为 像,号 李 校 尉 祠。” (李 翁 仲 传 武 琼(校 正)乔 富(删 定)岭 南 摭 怪 卷 之 二, https://zh.wikisource.org/zh-hans/ 嶺 南 摭 怪 李 翁 仲 傳).
11 Xem chú thích 2, tr. 86. “Triệu Vương”, “Triệu Công” ở đây đều chỉ Triệu Xương. Xem thêm chú thích của Lê Hữu Mục: “Giao Châu Ký: đó là tác phẩm của Triệu Xương, mà bản chép tay A. 47 chép là Triệu Công (ông họ Triệu) và bản A. 751 của chúng tôi chép là Triệu Vương (vua họ Triệu). Triệu Xương đã cai trị hai lần ở Giao Châu và đã trở thành như một nhà chuyên môn về các vấn đề Giao Châu, bởi vậy, khó lòng có thể có một người nào hiểu biết về Bố Cái Đại Vương hơn ông” (thiên Bố Cái Đại Vương trong VĐULT của Lý Tế Xuyên (bản dịch Lê Hữu Mục), trên www.tuvienquangduc.com. au/lichsu/lichsuvietnam/VietDienULinhtap.pdf, tr. 27). Hai bản A. 47, A. 751 nói trên cũng như hai bản nữa A. 2879 và A. 1919 là “bốn bản (VĐULT – LTT) chép tay của Trường Viễn Đông Bác Cổ hiện còn lưu giữ được” (Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh tập (bản dịch Lê Hữu Mục), trên www.tuvienquangduc.com.au/ lichsu/lichsuvietnam/VietDienULinhtap.pdf, tr. 7).
13, 16 Chú thích ở từ “phủ ký” này của Hoa Bằng – người dịch An Nam Chí Nguyên: “Cũng gọi “phủ chí”, tức Giao Châu phủ chí” (Cao Hùng Trưng - Khuyết danh (2017), An Nam Chí Nguyên (安 南 志 原) (Hoa Bằng dịch chú và giới thiệu; Émile Gaspardone, Trương Tú Dân khảo cứu; Lộc Nguyên hiệu chú), NXB Đại học Sư phạm, tr. 263.
14 Cao Hùng Trưng - Khuyết danh (2017), An Nam Chí Nguyên (安 南 志 原) (Hoa Bằng dịch chú và giới thiệu; Émile Gaspardone, Trương Tú Dân khảo cứu; Lộc Nguyên hiệu chú), NXB Đại học Sư phạm, tr. 263.
15 歐 陽 修, 宋 祁 撰, 新 唐 書 (卷 一 百 七 十) 中 華 書 局 (1975), Tân Đường Thư, Quyển 170, Trung Hoa thư cục.
17 Tả Truyện ký tải lịch sử Xuân Thu. Các nhà bình định Trung Hoa hẳn đều mê sử và muốn lưu danh sử sách. Giai thoại Trung Hoa có tích “Đỗ Dự mắc bệnh Tả Truyện” kể chuyện Chinh Nam Đại Tướng Quân Đỗ Dự đời Tấn ám ảnh bộ sử đến nỗi đi đâu cũng mang theo bộ sách bên mình ngựa. Biết đâu Triệu Xương trong chuyến vãng cảnh làng Ông Trọng cũng có mang theo bên mình một bộ Tả Truyện?
18 Tác giả bài viết Sự phát minh Lý Ông Trọng (“The Invention of Lý Ông Trọng”) Lê Minh Khai có viết: “Tuy nhiên, tại sao Triệu Xương lại nhận rằng nơi ở xưa kia của Ông Trọng/ Wengzhong nằm trong làng đó? Dường như chẳng có điều gì trong truyền thuyết này gợi ý điều đó. Đây là điểm mà tôi cho rằng, ý kiến cho rằng các quan lại Trung Hoa có thể đã tạo lập một số giáo phái trong khu vực là có lý. Đoạn văn này [đoạn trong ĐVSKTT] khiến tôi tự hỏi liệu có phải Triệu Xương đã xây đền thờ Ông Trọng/ Wengzhong ở nơi vốn để thờ phụng một thần linh đã có sẵn nào đó. Đây là một thực tế rất phổ biến trên khắp khu vực chịu ảnh hưởng Trung Quốc lúc đó. Các quan đô hộ địa phương sẽ tiếp quản một ngôi đền “không chính thống” và bắt người dân bản xứ thờ cúng một vị thần “chính thống” thay vào đó, thông thường đó sẽ là một nhân vật lịch sử chính trực. Có lẽ đây là những gì Triệu Xương đã làm. Triệu đã sử dụng hình tượng Ông Trọng/ Wengzhong, người mà có lẽ ông đã mơ thấy (chúng ta không thể khẳng định được về điều này) và đổi xây một ngôi đền mới cho Ông Trọng, khuyến dụ dân chúng từ bỏ việc thờ cúng thần linh “dị đoan”. Về phần Cao Biền, liệu có phải thực sự Ông Trọng hiển linh phù trợ cho ông ta hay đây là câu chuyện mà Cao kể nhằm khiến mọi người tin vào sức mạnh của một linh hồn đã hỗ trợ cho bản thân Cao, qua đó cũng khiến cho người dân cũng ủng hộ cho chính Cao? Nguyên văn: “Why, however, would Zhao Chang have felt that Ông Trọng’s/ Wengzhong’s old residence was in the area? There does not appear to be anything in this legend to suggest that. This is where I think the idea that Chinese administrators might have created some cults in the region makes sense. This passage makes me wonder if perhaps it was the case that Zhao Chang built a shrine to Ông Trọng/ Wengzhong at a place where some other spirit was already being worshipped. This was a very common practice across the Chinese world at the time. Local officials would take over a “heterodox” shrine and get the people to worship in its place an “orthodox” spirit, which was usually an upright historical figure. Perhaps this is what Zhao Chang did. He used the figure of Ông Trọng/ Wengzhong, about whom perhaps he had dreamed (we can’t say for sure), and created a new shrine for him to get people to turn away from the worship of a “heterodox” spirit. As for Gao Pian, did Ông Trọng’s/ Wengzhong’s spirit really assist him? Or was this a story which Gao Pian told in order to get people to believe in the power of a spirit which supported Gao Pian, and to thereby get the people to support Gao Pian as well?” (Lê Minh Khai, “The Invention of Lý Ông Trọng”, Jule 2, trên https://leminhkhai.wordpress.com/2010/06/02/theinvention-of-ly-ong-tr%E1%BB%8Dng).
19 Lịch triều Hiến chương loại chí (歷 朝 憲 章 類 誌) – Văn Tịch Chí điểm đến Phạm Sư Mạnh với tập Hiệp Thạch Tập có dẫn liên đầu bài tứ tuyệt này (Phan Huy Chú (2014), Lịch triều Hiến chương loại chí, Tập 5, NXB Trẻ, tr. 188.
20 Chỉ Lĩnh Nam chích quái.
21 Xem thêm chú thích 2, tr. 45. Chú thích số 22, tr. 9 của Lê Hữu Mục: “Theo Gaspardone dẫn trong Bibliographie Annamite, Cao Huy Diệu trước là Cao Dương Diệu làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, Bắc Ninh, Tiến Sĩ năm 1715, hồi 35 tuổi, Thượng thư Bộ Lại năm 1739 (xem Đăng Khoa Lục, III, 44; Bị Khảo, phần Kinh Bắc, Gia Lâm)”.
22 Bài Bạt “Trùng bổ Việt điện u linh toàn biên”, lạc khoản đề “Năm Kỷ Mùi (1919), đêm tháng Bảy, Tam Thanh quán Đạo nhân đề bạt” (Tam Thanh quán Đạo nhân: tên hiệu của ông Nghè Ngô Giáp Đậu (dẫn theo bản dịch Đinh Gia Khánh và Trịnh Đình Rư, https://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid= 2qtqv3m3237nvn3n2n4nvn31n343tq83a3q3m3237nvn).

 

Bình luận

    Chưa có bình luận