MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN TÁC ĐỘNG ĐẾN VĂN HỌC VIỆT NAM ĐẦU THẾ KỶ XXI

Bước sang thế kỷ XXI, bối cảnh đời sống thay đổi cùng với ý thức của chủ thể sáng tạo đã làm nên một khuôn diện mới của đời sống văn học. Bài viết tìm hiểu một số yếu tố tác động, những phương diện góp phần tạo nên chuyển biến của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XXI.

   1. Internet, không gian mạng và đời sống văn học

   Văn học là sản phẩm sáng tạo mang tính cá nhân nhưng được khúc xạ từ các nhân tố văn hóa, xã hội. Mỗi người viết với bản lĩnh và tài năng, vốn sống, vốn văn hóa, tri thức và sự trải nghiệm sẽ chịu ảnh hưởng tác động khác nhau. Những thập niên đầu thế kỷ XXI là thời kỳ đời sống văn học có những chuyển động đáng chú ý, trong đó có hiệu ứng từ sự xuất hiện, ứng dụng, phổ biến của internet.

   Sự gia nhập vào mạng lưới internet toàn cầu cùng với tiến bộ trong công nghệ và các công cụ hỗ trợ vào những năm đầu thế kỷ XXI của Việt Nam đã tạo nên bước chuyển trong đời sống xã hội, văn hóa, văn học. Internet, truyền thông đa phương tiện phát triển; các trang mạng, các website, blog cá nhân, Facebook hiện diện làm thay đổi nhiều phương diện của đời sống. Không gian mạng mở ra thông tin đa chiều, đồng thời ý thức, tiếng nói cá nhân có thêm điều kiện bộc lộ. Internet trở thành một phương tiện tác động góp phần tạo nên những cơ chế đặc thù cho sáng tạo và tiếp nhận, xuất bản và phát hành tác phẩm.

   Không gian mạng là điều kiện cho sự hình thành văn học mạng1. Văn học mạng ở Việt Nam hình thành không lâu sau khi internet có mặt ở Việt Nam. Từ những năm đầu thế kỷ XXI, văn học mạng đã manh nha xuất hiện và đến năm 2005 khi mạng xã hội Yahoo! 360O đi vào hoạt động với các tính năng đa dạng, hỗ trợ đắc lực cho các blogger thì văn học mạng đã trở thành một trào lưu sáng tác. Cần phải thấy rằng văn học mạng Việt Nam có những sắc thái đặc thù (không thuần nhất ở những đặc trưng kỹ thuật sáng tác, công bố và tương tác hoàn toàn trong môi trường mạng) nhưng sự xuất hiện và phát triển của văn học mạng ở những thập niên đầu thế kỷ XXI đã tạo ra một không gian văn học rộng mở, gia tăng những kết nối linh hoạt giữa người viết và người đọc, giữa hoạt động sáng tác và xuất bản, phát hành tác phẩm tạo nên không gian sáng tác, tiếp nhận văn học khác trước. Văn học mạng mở rộng các phương thức tiếp cận, do đó độc giả có thêm cơ hội lựa chọn cho thực đơn tinh thần của mình và cũng là cách để người viết có phản hồi sớm từ người đọc. Một số phương diện của đời sống văn học đã có những tác động, có sự thay đổi về tính chất như: sự tương tác của người viết và người đọc, nội dung và lối viết, hiệu ứng xuất bản tác phẩm. Song song với sự tồn tại của nhiều tác phẩm văn học xuất bản theo phương thức truyền thống đã xuất hiện một không gian mới với sự hiện diện của các blog cá nhân, website văn học ở đó các tác phẩm văn học được sáng tác và công bố. Cũng cần đề cập đến một phương diện: mặc dù sáng tác trong môi trường mạng được xem là nhu cầu nhưng nhiều tác phẩm văn học mạng sau đó vẫn được xuất bản bằng hình thức in ấn tạo nên một cơ chế sáng tác và xuất bản đặc thù (sáng tác của Trần Thu Trang, Di Li...).

   Thập niên đầu thế kỷ XXI, dấu ấn văn học mạng được thể hiện nhiều ở bộ phận văn học sáng tác nhờ vào những tính năng, kỹ thuật internet. Sự ra đời của báo điện tử, các website văn chương đã có sức lan tỏa, đồng thời tác động đến đời sống văn học. Việc công bố tác phẩm trong không gian mạng đã mở ra những cơ hội cho cả người viết và người đọc trong việc tiếp cận, cập nhật. Ở thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, văn học mạng không phát triển rầm rộ với những đặc thù về phương thức sáng tác trên nền tảng kỹ thuật mạng như thập niên đầu thế kỷ XXI mà có sự chuyển hóa về tính chất và trạng thái. Hình thức sáng tác online không còn phổ biến, thay vào đó là việc người viết có sử dụng hình thức, ngôn ngữ mạng như một trong những cách thức để diễn tả những trạng huống của đời sống trong bối cảnh mới. Một số người viết tiếp tục khai thác lợi thế của không gian mạng để tương tác với người đọc trong quá trình sáng tác và cả sau khi xuất bản tác phẩm.

   Sáng tác văn học mạng như là sản phẩm của văn hóa đương đại, được sinh thành và chịu sự chi phối trực tiếp của không gian văn hóa tinh thần và đời sống cá nhân, phản ánh quy luật quá trình vận động đời sống xã hội và đời sống văn hóa. Dù giá trị nghệ thuật trong sáng tác văn học mạng có sự phân hóa nhưng sự xuất hiện của nó đã phản ánh một thực tế và là xu thế tất yếu của đời sống văn hóa, văn học với những cơ chế đặc thù của hoạt động sáng tạo và tiếp nhận, khi chức năng giải trí của văn học và những cách thức thực hành đọc mới được người viết hướng tới, cũng là cách thức để đáp ứng nhu cầu của người đọc trong bối cảnh đương đại. Internet là một kênh kết nối để tác phẩm văn học có thêm không gian hiện diện. Bên cạnh đó, đời sống con người trong bối cảnh mạng internet trở thành một phương diện có tính ảnh hưởng cũng ít nhiều tác động đến việc chuyển tải không gian hiện thực trong các tác phẩm văn học. Không gian mạng, môi trường sáng tác với những tương tác với không gian mạng đã hình thành những cách viết có nhiều yếu tố của mạng internet. Ở tiểu thuyết Nháp của Nguyễn Đình Tú, người viết đã có ý thức sử dụng các thủ pháp nghệ thuật: xáo trộn câu chuyện của nhân vật Thạch và Đại, đưa vào tác phẩm những chương đoạn mang hình thức blog với ngôn ngữ đặc thù của thế giới mạng xã hội. Dấu hiệu của internet hiện diện trong tác phẩm Blogger (Phong Điệp), Nham (Hồ Anh Thái), Ký ức vụn (Nguyễn Quang Lập), 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] (Đặng Thân)...

   Những thập niên đầu thế kỷ XXI, internet trở thành một phần thiết yếu của đời sống. Các chủ thể văn học đã tiếp cận và thích ứng với việc sử dụng kỹ thuật mạng, công nghệ thông tin trong việc viết, xuất bản, phát hành tác phẩm. Hiệu ứng của mạng internet, nhu cầu về hội nhập văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa đã có những tác động đến nhà văn, quá trình sáng tác và đời sống văn học.

   2. Toàn cầu hóa và những chuyển động của đời sống văn học

   Những thập niên đầu thế kỷ XXI, nhiều chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội được xác định theo hướng toàn cầu hóa. Ở một số phương diện, điều này đã tạo nên một không gian, môi trường sáng tác và tiếp nhận văn học khác trước. Toàn cầu hóa, đa phương hóa trong các lĩnh vực từ kinh tế đến văn hóa đã tạo nên một không gian sống và làm việc có nhiều sự khác biệt. Văn hóa, văn học là một thành tố của đời sống xã hội, bởi vậy, dù mang tính đặc thù vẫn không nằm ngoài sự vận động của đời sống xã hội. Sự giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hóa trên thế giới đã có những tác động đến đời sống văn học. Một số lượng phong phú các phẩm văn học từ nhiều nước trên thế giới được dịch và xuất bản ở Việt Nam. Việc ký kết Công ước Berne (chính thức có hiệu lực ngày 26 tháng 10 năm 2004) cho thấy những động thái của quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế ở phương diện văn hóa và những tác động đến đời sống văn học trong nước. Việc gia nhập Công ước Berne được xem là “sự lựa chọn tất yếu”, theo đó thị trường xuất bản đã có những bước chuyển mình đáng kể. Cùng với việc chú ý đến việc bảo hộ quyền tác giả là việc chú trọng đến những cạnh tranh về giá cả và chất lượng trong thị trường xuất bản. Các công ty văn hóa truyền thông như Phương Nam, Nhã Nam, Alpha Books, Đông A, Thái Hà, Đinh Tị… đã tận dụng những điều kiện này để khai thác nguồn sách của các tác giả trong và ngoài nước. Theo đó, các công ty sách, đơn vị liên kết xuất bản sách cũng chú trọng hơn đến các khâu của quá trình xuất bản sách, tiếp cận các tác phẩm, tác giả nước ngoài, dịch và giới thiệu đến độc giả trong nước. Một số nhà xuất bản cũng đã có những bước đi và sự chuẩn bị cho hoạt động xuất bản sau khi Việt Nam ký kết Công ước Berne. Điển hình là Nhà xuất bản Trẻ với sự chuẩn bị ở ngay từ thời kỳ đầu Việt Nam ký kết Công ước Berne và đến nay đã cho thấy những kết quả thể hiện trên thị trường xuất bản sách. Nhà xuất bản Trẻ đã thành lập Ban khai thác đề tài và giao dịch tác quyền ngay trước thời điểm Công ước Berne có hiệu lực để chủ động hội nhập và nâng cao hoạt động xuất bản2. Sau gần 20 năm gia nhập Công ước Berne, hoạt động xuất bản sách, trong đó có sách văn học, đã có những chuyển biến mạnh mẽ theo chiều hướng năng động hơn, cập nhật hơn, hướng tới nhu cầu và thị hiếu người đọc, đồng thời chú ý đến các tiêu chí về chất lượng, hình thức và nội dung đảm bảo tính cạnh tranh. Khi các hoạt động xuất bản và phát hành được vận hành theo thông lệ, quy ước quốc tế, nhiều tác phẩm, hiện tượng văn học trên thế giới, các tác phẩm đoạt giải Nobel, Goncourt, Booker… đã kịp thời có mặt tại Việt Nam. Đồng thời tác phẩm văn học của các tác giả Việt Nam cũng có nhiều cơ hội được tiếp cận và xuất bản ở ngoài nước. Thị trường xuất bản và phát hành trở nên năng động hơn. Cơ chế xuất bản đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giới thiệu tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài: các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư... Các tác giả sống và viết ở ngoài nước có thêm điều kiện để công bố tác phẩm ở trong nước: Thuận (China town, Pari 11 tháng 8, Chỉ còn 4 ngày là hết tháng tư, T mất tích, Made in Viet Nam, Thang máy Sài Gòn), Đoàn Minh Phượng (Mưa ở kiếp sau, Và khi tro bụi), Lê Minh Hà (Gió tự thời khuất mặt, Thương thế ngày xưa những giọt trầm, Truyện cổ viết lại)… Một số tác giả gốc Việt viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp… được dịch và xuất bản ở Việt Nam như Linda Lê (Lại chơi với lửa), Amond Nguyen Thi Tu (Trên nền tuyết trắng xóa), Viet Thanh Nguyen (Người tị nạn). Quá trình chuyển dịch tác phẩm văn học nước ngoài được mở rộng theo hướng đa dạng nguồn tác phẩm và thể loại. Có sự chuyển dịch trong việc lựa chọn dịch và xuất bản tác phẩm văn học: từ chỗ chuyên chú các sáng tác văn học Nga, văn học Trung Quốc đến việc mở rộng, tiếp cận nhiều hơn đến văn học các nước trên thế giới. Điều này cho thấy những động thái của các nhà xuất bản và đơn vị làm sách trong việc hướng tới yếu tố mới của thị trường xuất bản và thị hiếu người đọc. Việc chuyển ngữ nhanh chóng và cập nhật những tác phẩm văn học từ nhiều nước trên thế giới đã tạo ra một cơ chế năng động, cởi mở cho việc tiếp cận những thành tựu văn học thế giới, bao gồm cả những tri thức lý luận liên ngành, đa ngành. Các nhà văn Việt Nam cũng có thêm nhiều cơ hội đi ra nước ngoài, gia tăng cơ hội chuyển dịch, giới thiệu tác phẩm đến độc giả ngoài nước. Các tác phẩm và tác giả ngoài nước được giới thiệu tại Việt Nam, đồng thời khi ngoại ngữ được trang bị như là một phương tiện thực hành giao tiếp và tích lũy tri thức, nhiều người đọc được tiếp cận một cách chủ động với các tác phẩm chưa được chuyển ngữ từ tiếng bản địa. Toàn cầu hóa tạo thêm cơ hội, cơ chế thông thoáng cho những giao lưu trao đổi, hợp tác văn hóa. Thông tin được tiếp cận theo hướng mở, đa chiều. Các hội nghị quảng bá văn học được tăng cường và mở rộng. Đa dạng văn hóa như một đặc điểm của thời đại toàn cầu hóa cũng là một thực tiễn tại Việt Nam.

   Toàn cầu hóa với những tiếp xúc va chạm văn hóa đã tạo nên không gian văn học mới. Về phương diện kỹ thuật và lối viết, toàn cầu hóa với tác động trong việc tiếp cận những xu hướng văn hóa, văn học đa dạng, không thuần nhất đã góp phần tạo nên sắc thái mới cho đời sống văn học. Tính liên văn hóa, cảm quan hậu hiện đại xuất hiện trong nhiều tác phẩm khắc họa những trạng thái đời sống đặc thù. Điều kiện thuận lợi của việc giới thiệu rộng rãi tri thức, lý thuyết lý văn học thế giới đã có tác động đến thực tiễn hoạt động sáng tác và nghiên cứu, phê bình tại Việt Nam. Những thay đổi trong ý thức nghệ thuật và lối viết không chỉ xuất phát từ nhu cầu đổi mới tư duy nghệ thuật như một hoạt động tự thân – những chuyển biến của đời sống văn học và sự lựa chọn phương thức nghệ thuật phù hợp – mà còn là hệ quả của quá trình giao lưu, tương tác và tiếp biến trong không gian văn hóa mới. Tính đa dạng văn hóa là hệ quả của quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa cộng hưởng với những tri thức văn hóa đã được tích lũy. Từ đó người viết đã có những hấp thu và chuyển hóa tạo nên thế giới nghệ thuật vừa mang dấu ấn cá nhân của chủ thể sáng tạo đồng thời cho thấy dấu hiệu của sự dung hợp và giao thoa, tác động văn hóa. Toàn cầu hóa dẫn đến một phạm vi biểu đạt là tính đa dạng văn hóa như một thực tiễn đời sống được người viết trải nghiệm và chuyển tải. Thế giới nghệ thuật với những sắc thái văn hóa đa dạng được thể hiện trong sáng tác của Thuận, Phan Hồn Nhiên, Lê Ngọc Mai, Nguyễn Văn Thọ... Tìm trong nỗi nhớ của Lê Ngọc Mai cho thấy những góc nhìn về những không gian sống khác nhau, những tương tác và xung đột văn hóa, những thích nghi để tồn tại ở đất khách quê người của một phụ nữ Việt. Không gian trải từ Việt Nam đến Nga, Pháp và Đức với câu chuyện về quãng đời 20 năm của một phụ nữ Việt xa xứ được kể từ những mảnh ghép nối giữa quá khứ và hiện tại, cá nhân và thời cuộc. Hai mươi năm trước khi còn ở Hà Nội và hai mươi năm sau là quãng thời gian trải qua nhiều bước ngoặt của cuộc đời bà. Cuộc sống của những người Việt ở Đức được khắc họa qua câu chuyện về nhân vật Quyên (tiểu thuyết Quyên của Nguyễn Văn Thọ) – một phụ nữ trải qua nhiều thăng trầm trong đời sống từ khi đặt chân đến nước Đức và sống những ngày tháng với nhiều biến cố của một người Việt xa xứ. Những xung đột và hòa hợp văn hóa cũng như sự hóa giải được thể hiện qua việc xây dựng tuyến nhân vật Quyên và Kumar – người đàn ông Srilanka… Toàn cầu hóa đã tác động đến đời sống văn học cả về phương diện lực lượng sáng tác, ý thức của chủ thể sáng tác đến các phạm vi hiện thực được đề cập. Nhiều người viết ở Việt Nam ra nước ngoài sống và viết từ nhiều nguyên do khác nhau là bộ phận có điều kiện tiếp xúc với nhiều nền văn hóa. Quá trình sống và viết trong những không gian khác nhau ở ngoài biên giới quốc gia đã góp phần hình thành những tác phẩm văn học chứa đựng những vấn đề của toàn cầu hóa.

   3. Cơ chế thị trường và những tác động tới đời sống văn học

   Đời sống văn học Việt Nam những thập niên đầu thế kỷ XXI có sự chi phối mạnh mẽ bởi sự phát triển nhanh chóng của kinh tế thị trường3. Cơ chế thị trường với những mặt tích cực của nó đã là nhân tố thúc đẩy hoạt động sáng tác và xuất bản tác phẩm. Người viết đã có những chuyển hướng, quan tâm ở những phạm trù nhất định. Cơ chế thị trường đã tác động đến đời sống xã hội và đời sống cá nhân, kéo theo là sự thay đổi ý thức và nhu cầu cá nhân trong đời sống, sự thay đổi quan niệm và lối sống. Cơ thế thị trường tác động đến đời sống sáng tác văn học ở việc đề cập đến đời sống con người trong cơ chế thị trường như một phạm vi của hiện thực được chuyển tải trong tác phẩm. Thị trường văn học tác động đến hoạt động sáng tác, xuất bản, phát hành tác phẩm. Đời sống xuất bản trở nên sôi động, trong đó ý thức về việc tiêu thụ tác phẩm được quan tâm từ phía nhà xuất bản và chủ thể sáng tác. Có những thay đổi về tính chất, vai trò của các loại hình văn học, nghệ thuật. Sự xuất hiện của những hình thái, bộ môn nghệ thuật mới, sự mai một của những hình thức nghệ thuật từng thịnh hành trong quá khứ cũng ít nhiều đã đặt văn học trước những khả năng và thách thức. Văn học thị trường thể hiện tập trung và rõ nhất ở dòng văn học đại chúng, ở việc lựa chọn đề tài, cách viết và khả năng tiếp cận người đọc. Nhìn từ thị trường tiêu thụ, hoạt động xuất bản sách văn học sôi động hơn ở bộ phận sáng tác văn học hướng đến đại chúng. Nhiều cuốn sách phù hợp với thị hiếu của độc giả đại chúng trở thành những cuốn sách có số lượng phát hành lớn, số lần tái bản nhiều lần ngay sau khi xuất bản và tần suất xuất bản ngắn của các cuốn sách được xem là best seller như Trại hoa đỏ (Di Li), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Nguyễn Nhật Ánh); hiệu ứng của không gian mạng tác động mạnh đến việc xuất bản như Đi qua thương nhớ (Nguyễn Phong Việt)… Trong bối cảnh của không gian văn hóa, văn học rộng mở, nhiều tác phẩm thuộc các thể loại nhật ký, hồi ký, tự truyện được khai thác. Điều này đáp ứng nhu cầu được công bố và được tìm hiểu của người viết và người đọc về những không gian hiện thực bị khuất lấp hoặc trước đây chưa có điều kiện thuận lợi để viết, xuất bản. Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm thuộc thể du ký được xuất bản đã đáp ứng nhu cầu của người viết và người đọc trong bối cảnh mới.

   Cơ chế thị trường có tác động quan trọng đến đời sống sáng tác và xuất bản tác phẩm. Có thể thấy văn học trong bối cảnh có sự cạnh tranh của các loại hình giải trí, truyền thông đang đối mặt với nhiều thách thức nhưng sự thay đổi trong phương thức xuất bản, phát hành là yếu tố xúc tác cho người viết công bố tác phẩm. Thị trường sách hiện nay có một số lượng lớn sách văn học được xuất bản và được công chúng đón nhận. Dòng sách văn học hàn lâm với những giá trị cốt lõi vẫn được nhiều nhà xuất bản chú trọng dành một phân khúc xuất bản để cung ứng đến độc giả. Những cuốn sách của dòng sách hàn lâm được nhiều người đọc lựa chọn cho thấy tính không thuần nhất của nhu cầu độc giả và sự đa dạng về thị hiếu thẩm mĩ của người đọc.

   Các hình thức tiếp cận người đọc được mở rộng. Để tăng cường quảng bá tác phẩm văn học sau khi xuất bản, các tác giả, nhà xuất bản, công ty phát hành sách đã tổ chức các cuộc họp báo, cà phê sách để kết nối độc giả. Cùng với việc xuất bản sách là các hoạt động quảng bá, giới thiệu sách mới phần lớn do các công ty tư nhân, công ty phát hành, các cá nhân trực tiếp đảm nhiệm với hình thức tọa đàm, bàn tròn văn chương, cà phê văn học... Các ngày hội sách được tổ chức thường kỳ trong nhiều không gian khác nhau để gia tăng khả năng tiếp cận người đọc. Hằng năm, tại các phố sách hoặc tại các nơi tổ chức sự kiện văn hóa, các gian hàng, các không gian trưng bày sách được thiết lập để giới thiệu và bán sách làm gia tăng cơ hội để sách được đến với người đọc. Hệ thống phát hành sách cũng được mở rộng trên phạm vi cả nước. Người đọc cũng có nhiều cơ hội trong việc lựa chọn tác phẩm theo thị hiếu và sản phẩm có chất lượng. Không chỉ nội dung mà hình thức các ấn phẩm cũng được chú trọng.

   Cơ chế thị trường đã được định hướng và hình thành cùng với việc Việt Nam xóa bỏ cơ chế bao cấp. Những chuyển biến trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội đã thể hiện ngay sau thời điểm này4. Những thập niên đầu thế kỷ XXI, cơ chế thị trường bộc lộ rõ hơn ở nhiều lĩnh vực, trong đó văn học cũng là một thành tố chịu tác động. Cơ chế thị trường một mặt kích thích động lực sáng tạo của người cầm bút, người đọc có thêm cơ hội để lựa chọn các tác phẩm văn học; mặt khác, ở một số trường hợp, yếu tố thị trường đã dẫn đến xu hướng chạy theo lợi nhuận của cả người viết và đơn vị làm sách. Với nguồn cung phong phú, đã có một không gian rộng mở cho việc tiếp cận tác phẩm trong và ngoài nước; bởi vậy, trong việc lựa chọn sách, người đọc cũng cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết.

   4. Chủ thể sáng tác với những sắc thái đặc thù

   Chủ thể sáng tác vừa đóng vai trò cốt lõi cho sự hình thành, vận động của đời sống văn học vừa là nhân tố thuộc về phương diện tác động làm nên sắc diện đời sống văn học. Mỗi chặng đường văn học, không gian văn học sẽ tạo ra những cơ chế đặc thù cho sự hình thành đội ngũ cũng như những đặc tính của chủ thể sáng tác.

   Chặng đường văn học nào cũng có nhiều thế hệ viết, tuy nhiên, mỗi chặng đường có những cơ chế hình thành và tồn tại riêng. Trên bình diện thế hệ, những thập niên đầu thế kỷ XXI có sự đồng hành của nhiều thế hệ viết với những sắc thái đặc thù. Đặc tính thế hệ và sự chi phối của tư duy nghệ thuật đến sáng tác cho thấy một số phương diện của đời sống văn học, cho thấy diễn ngôn của thế hệ viết, sự quy chiếu của đời sống sáng tác và tiếp nhận văn học trong từ trường và bối cảnh văn hóa, không gian văn học mới. Những thập niên đầu thế kỷ XXI có sự đồng hành của các nhà văn xuất hiện từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mĩ, các thế hệ người viết xuất hiện trên văn đàn khi đất nước đã kết thúc chiến tranh, một lực lượng viết là những cây bút trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh sống trong khí quyển của thời đại toàn cầu hóa cũng đang hiện diện trong đời sống văn học. Tinh thần tôn trọng sự khác biệt được khích lệ, không gian rộng mở cho sự sáng tạo đã tạo nên một dòng chảy liên tục của đội ngũ sáng tác. Cùng với đó là việc xuất hiện những tác giả sống và viết trong những không gian khác nhau ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới (Lý Lan, Hồ Anh Thái, Nguyễn Phan Quế Mai, Trần Thùy Mai, Phan Việt...). Điều đó tạo nên những sắc thái đặc thù trong cảm quan sáng tác, sử dụng chất liệu sáng tác cũng như thế giới hiện thực được biểu hiện. Một mặt, toàn cầu hóa làm thay đổi quan niệm về không gian, xóa bỏ những khoảng cách không gian và thời gian; mặt khác, cảm thức về nơi chốn cũng là một cảm quan hiện hữu, có tính chi phối ở nhiều người viết. Đi để viết, đi và viết trở thành một cách thức của người viết trong bối cảnh toàn cầu hóa.

   Một phương diện cũng cần đề cập tới là những người viết đã, đang làm nhiều ngành nghề khác nhau: những công việc liên quan đến nghề viết như báo chí, xuất bản (Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Uông Triều, Trần Nhã Thụy…) và những ngành nghề đặc thù khác: nghề ngoại giao (Hồ Anh Thái), nghề PR (Dương Thụy), Copywriter - viết quảng cáo (Nguyễn Thiên Ngân), nghiên cứu, giảng dạy (Trường Đăng Dung, Huỳnh Như Phương)... Người viết được đào tạo từ nhiều ngành nghề khác nhau như: Vũ Đình Giang tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Ngọc Thuần tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Hồn Nhiên tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, Di Li là giảng viên tiếng Anh Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội. Điều này góp phần tạo nên những sắc thái đa dạng trong thế giới nghệ thuật và lối viết của các tác giả.

   Văn học là sản phẩm sáng tạo mang tính cá nhân nhưng được kết tinh, khúc xạ từ nhiều nhân tố văn hóa, xã hội. Dù muốn hay không, mỗi nhà văn khi sáng tác đều chịu sự tác động từ không gian văn hóa, xã hội mà họ đang sống. Sự tác động này khác biệt với từng thế hệ viết, khác biệt với mỗi cá nhân người viết. Những đặc trưng của đời sống xã hội những thập niên đầu thế kỷ XXI đã tạo ra không gian văn học đặc thù. Một khuôn diện mới của đời sống văn học đã và đang được hình thành từ những thành tố trên đây góp phần thúc đẩy và tạo ra một cơ chế vận hành có những sắc thái khác biệt với chặng đường trước đó. Chỉ trong vòng vài thập niên, đời sống văn học đã có được những dấu ấn đáng ghi nhận. Người đọc trong bối cảnh thực tại cũng có những thay đổi đáng kể về sự lựa chọn tác phẩm, thay đổi thị hiếu thẩm mĩ và cách đọc tác phẩm. Trước thực tiễn của đời sống xã hội với những sắc thái đa dạng của không gian văn học, sự hình thành của một đội ngũ những người viết mới, sự đồng hành của nhiều thế hệ viết, các khuynh hướng văn học cũng đa dạng hơn. Mối quan tâm đến thị trường tiêu thụ, hướng tới thu hút sự chú ý của người đọc cũng đã chi phối nhiều đến sự lựa chọn đề tài, phương thức chuyển tải những vấn đề của đời sống. Bên cạnh đó là những cách tiếp cận cho thấy nỗ lực và ý thức đổi mới lối viết vừa như một yếu tố thuộc về cơ chế sáng tạo vừa là một cách thế của người viết trong không gian văn học mới. Nhìn từ phương diện phương thức biểu hiện có thể thấy bên cạnh những người viết tiếp tục với phương thức nghệ thuật truyền thống là sự tiếp tục đổi mới bút pháp và lối viết trong ý hướng sử dụng phương thức nghệ thuật hướng tới chuyển tải những vấn đề đa dạng của đời sống, chuyển tải hiện thực đa dạng, nhiều tầng bậc. Ý thức lựa chọn thể loại được biểu hiện, bút pháp thể loại có những thay đổi để kiếm tìm và đổi mới lối viết.

   Những tác động của đời sống văn hóa, xã hội đến đời sống văn học những thập niên đầu thế kỷ XXI mang tính đa chiều. Một mặt thúc đẩy hoạt động sáng tác theo hướng dân chủ hóa thể hiện ở sự năng động và kích thích tư duy sáng tạo của chủ thể. Mặt khác, ở một số phương diện đã cho thấy những trì níu, những bất cập của hoạt động sáng tác trước những tác động đó. Việc chạy theo thị hiếu nhất thời của một số người viết đã tạo ra những ấn phẩm chưa có chất lượng. Quy luật của thị trường và quy luật của văn học, nghệ thuật vẫn có những độ vênh nhất định. Toàn cầu hóa tạo ra cơ hội cho sự hội nhập và giao lưu văn hóa nhưng cũng đặt văn học trước những thách thức về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

 

 

 

Chú thích:
1 Xem thêm: Trần Khánh Thành (Chủ biên, 2021), Văn học mạng Việt Nam xu hướng sáng tạo và tiếp nhận, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
2 “Nhà xuất bản Trẻ sau một năm thực hiện công ước Berne”, https://www.nxbtre.com.vn/diem-tin/ nha-xuat-ban-tre-sau-mot-nam-thuc-hien-conguoc-berne-790.html, truy cập ngày 12/6/2023.
3 Sự xóa bỏ cơ chế bao cấp từ những năm cuối thập kỷ 80, thập kỷ 90 của thế kỷ XX đã tạo đà cho những chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
4 Những bất cập trong sự vận hành của đời sống đã bộc lộ ở thời điểm trước 1986. Đại hội VI của Đảng vào tháng 12 năm 1986 với những thay đổi trong chính sách, đường lối, cơ chế quản lý đã tạo ra bước ngoặt thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Bình luận

    Chưa có bình luận