1. Vai trò của các chính sách văn hóa, văn nghệ với sự định hình tính chất văn học Việt Nam sau 1975
Từ sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, cả nước bước vào thực hiện nhiệm vụ chính trị mới, đó là công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đây, một giai đoạn mới đã mở ra trong lịch sử dân tộc. Sự thay thế nền kinh tế quan liêu bao cấp bằng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ làm thay đổi đời sống vật chất của người dân mà theo đó còn làm thay đổi đời sống văn học, nghệ thuật. Thông qua sự điều tiết của thị trường, văn học Việt Nam hiện nay phát triển đa dạng, phong phú, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu thẩm mĩ và giải trí của công chúng văn học. Bên cạnh đó, sự phổ cập của internet và mạng xã hội, sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam từ ngày đất nước thống nhất góp phần quan trọng thúc đẩy văn học phát triển đa dạng.
Qua 30 năm đất nước bị chia cắt, chiến tranh kéo dài với vô vàn khó khăn và những hậu quả nặng nề: đất nước bị tàn phá trong chiến tranh, nền sản xuất nhỏ với trình độ sản xuất còn lạc hậu, đời sống nhân dân nghèo nàn, khó khăn. Vấn đề bức thiết đặt ra sau khi thống nhất đất nước là tái thiết đất nước. Song song với công cuộc cải tạo, xây dựng, phát triển kinh tế, tư tưởng, văn hóa vẫn được coi trọng đặc biệt. Nếu như ở Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, văn hóa được xác định là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) thì sau khi thống nhất đất nước, “tư tưởng và văn hóa” được xác định là một trong ba cuộc cách mạng được tiến hành đồng thời. Bước sang thời kỳ mới, quá trình hội nhập và toàn cầu hóa thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động giao lưu văn hóa. Từ thực tiễn đó, các văn kiện nối tiếp nhau trong các kỳ đại hội, các nghị quyết chuyên biệt về các vấn đề văn học đã góp phần định hình chính sách văn hóa, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển đa dạng trong thống nhất của nền văn học.
Trong thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ hai (1957), Đảng ta đã xác định tính chất của nền văn hóa, văn nghệ mới ở nước ta là “một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức”. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960) tiếp tục khẳng định: “Phát triển nền văn nghệ mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, có tính Đảng và tính nhân dân sâu sắc”. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội đại biểu lần thứ VI của Đảng với tinh thần đổi mới tư duy đã khẳng định: “Không hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người”. Cương lĩnh xây dựng đất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (6/1991) được trình bày tại Đại hội lần thứ VII, Đảng ta đã vạch ra đường lối xây dựng văn hóa nước ta theo phương châm: “Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mĩ ngày càng cao”. Đường lối đổi mới toàn diện của Đảng được khởi xướng từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đã tạo nên động lực mới trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và tác động mạnh mẽ đến văn học, nghệ thuật, giúp các văn nghệ sĩ thêm tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, phát huy tiềm năng sáng tạo, cống hiến vào sự phát triển chung của đất nước. Đại hội Đảng lần thứ VIII (tháng 6/1996), nhấn mạnh vấn đề “tiếp thu tinh hoa của các dân tộc trên thế giới, làm giàu đẹp thêm nền văn hóa Việt Nam”, đồng thời xác định “có chính sách đầu tư thích đáng cho văn hóa, văn nghệ”. Đại hội IX của Đảng (4/2001), đặt vấn đề: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Đại hội X của Đảng (4/2006) tiếp tục nhấn mạnh “phát triển văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội”.
Một văn kiện quan trọng, đánh dấu bước đổi mới trong đường lối văn nghệ của Đảng là việc ban hành một nghị quyết riêng về văn học, nghệ thuật. Đó là Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Trong văn kiện này, Đảng ta nhấn mạnh vai trò và tính đặc thù của văn nghệ: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Nghị quyết khẳng định, về tính chất nền văn nghệ nước ta, ngoài tính khoa học, dân tộc còn phải “thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ”, đồng thời “Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ”. Từ quan điểm chỉ đạo đó, Đảng đã đưa ra chủ trương: “Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà”.
Quan điểm đúng đắn và mới mẻ đó được tiếp tục khẳng định qua các kỳ đại hội của Đảng: Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng (1/2011) tiếp tục khẳng định đường lối: “Tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII (1/2021) nhấn mạnh thêm về vai trò to lớn của văn hóa, văn nghệ: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Trần Thanh Đạm trong bài viết Khi dân tộc nhịp bước cùng thời đại đã chỉ ra ý nghĩa song hành của lòng yêu nước với những sáng tác mang đậm chất lạc quan cách mạng. Ở đó, “ý thức về tính dân tộc và tính hiện đại, sự liên kết và thống nhất của hai giá trị đó xuất hiện sớm nhất trong trí tuệ Việt Nam đầu thế kỷ XX khi vấn đề sống còn của dân tộc chỉ có thể giải quyết bằng sự tiến kịp với thời đại, thời đại duy tân và cách mạng”1. Ở giai đoạn hiện tại, những điều kiện tiên quyết cho sự phát triển văn học mang đậm bản sắc dân tộc không đi ngược với xu hướng giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng bởi “Thực tế lịch sử văn học cho thấy, những cuộc giao lưu văn hóa lớn và cởi mở sẽ sinh tạo nên nhiều nghệ thuật xuất sắc. Tất nhiên, điều quan trọng nhất là phải có bộ lọc văn hóa thích hợp trong quá trình tiếp nhận”2. Bước chuyển từ thời chiến sang thời bình, từ chia cắt đến thống nhất đã tác động mạnh mẽ tới nhà văn và kiến tạo nên một đời sống văn học mới mẻ và khác biệt so với hoàn cảnh chiến tranh trước đó. Hòa bình, độc lập và mở rộng hợp tác quốc tế sâu rộng, cùng với đó là việc giao lưu, tiếp biến văn hóa cũng tạo ra những thách thức và cơ hội cho sự phát triển của nền văn học trong giai đoạn/ thời đại mới.
2. Vấn đề bảo tồn, phát huy truyền thống và di sản văn hóa dân tộc
Truyền thống được hiểu như là một hệ thống các tính cách, các thế ứng xử của một cộng đồng được hình thành trong lịch sử, trong một môi trường sinh thái và nhân văn nhất định, trở nên ổn định, trường tồn nhưng không vĩnh cửu, có thể được định chế hóa bằng luật hay bằng lệ (phong tục tập quán) và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có thể gọi là sự di truyền văn hóa, bên cạnh sự di truyền sinh vật và thân xác - để bảo đảm tính đồng nhất của một cộng đồng (Trần Quốc Vượng). Theo đó, truyền thống thuộc về tinh thần xã hội, hình thành trong lịch sử, có cách quãng thời gian nhất định, thường là tương đối dài tính đến thời điểm hiện tại, mang tính cộng đồng, được chắt lọc, trao truyền qua nhiều thế hệ.
Di sản văn hóa là các giá trị vật chất hoặc tinh thần của con người chứa đựng các giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học… hình thành trong lịch sử, được bảo lưu, truyền lại cho các thế hệ sau. Di sản văn hóa được phân làm hai loại, gồm di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, di vật, cổ vật… thể hiện bản sắc văn hoá độc đáo, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng nhiều hình thức. Di sản văn hoá phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, không gian văn hóa liên quan, bao gồm gồm: tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, làng nghề thủ công, tri thức dân gian về y học cổ truyền, ẩm thực, trang phục truyền thống… Di sản văn hóa dân tộc là di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) gắn với mỗi dân tộc cụ thể. Có thể thấy sự tương cận của khái niệm truyền thống và di sản văn hóa. Truyền thống chính là một dạng của di sản văn hóa, thuộc về di sản văn hóa phi vật thể.
Đất nước ta có truyền thống lịch sử văn hiến lâu đời. Nguyễn Trãi, trong Bình Ngô đại cáo, từng thể hiện niềm tự hào sâu sắc về quốc gia, dân tộc khi viết:
“Như ngã Đại Việt chi quốc,
Thực vi văn hiến chi bang.
Sơn xuyên chi cương vực ký thù,
Bắc Nam chi phong tục diệc dị.
Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần nhi triệu tạo ngã quốc;
Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương.
Tuy cường nhược thời hữu bất đồng,
Nhi hào kiệt thế vị thường phạp”.
(Như nước Đại Việt ta,
Thực là một nước văn hiến.
Non sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần mở mang xây dựng nước ta,
Cùng với các triều Hán, Đường, Tống,
Nguyên mỗi bên làm đế ở một phương.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Nhưng hào kiệt chẳng đời nào thiếu).
Nói về lòng yêu nước của nhân dân ta, Hồ Chí Minh từng khẳng định, đó là một truyền thống quý báu, được trao truyền qua nhiều đời, nhiều thế hệ. Tại Quốc dân Đại hội Tân Trào diễn ra vào tháng 8 năm 1945, Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Chúng ta có quyền tự hào về những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, v.v... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu cho một dân tộc anh hùng”. Ngay khi nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời ngày 02/9/1945, để bảo vệ và củng cố những thành quả cách mạng đã đạt được, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã bắt tay ngay vào quá trình quản lý đất nước trước sự đe dọa của thù trong, giặc ngoài và đối mặt với muôn vàn khó khăn về nhiều mặt: giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn, nguy hiểm ấy, công cuộc bảo vệ di sản văn hóa đã được Hồ Chí Minh cụ thể hóa bằng việc ban hành Sắc lệnh số 65/SL ngày 23 tháng 11 năm 1945, hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành được độc lập. Đây là sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta đặt nền móng cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, thể hiện tầm nhìn xa rộng của Đảng và Bác, trong đó có những điều liên quan cụ thể đến hoạt động bảo vệ di sản như: “Những luật lệ về việc bảo tồn cổ tích vẫn để nguyên như cũ” (Điều thứ ba); “Cấm phá hủy những đình chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành, quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má, sách vở có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn” (Điều thứ tư). Có thể thấy vấn đề bảo tồn phát huy truyền thống, di sản văn hóa dân tộc đã được Đảng và Bác Hồ đề cập từ rất sớm, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng văn bản cụ thể. Sau này, ngày 23 tháng 11 được lấy làm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.
Đại hội IV của Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1976) nhấn mạnh việc “xây dựng nền văn hóa mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa”. Trong đó, bản chất của nền văn hóa mới bên cạnh nội dung xã hội chủ nghĩa còn có “tính chất dân tộc”, xây dựng nền văn hóa mới cần kế thừa “truyền thống tốt đẹp của dân tộc”. Nền văn hóa ấy là sự kết hợp hài hòa những tinh hoa và phong cách riêng của các dân tộc anh em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, năm 1998, Ban Chấp hành Trung ương có Nghị quyết số 03-NQ/TW Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mở đầu Nghị quyết khẳng định: “Văn hoá Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hoá Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc […]. Những thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ thế giới cùng với việc mở rộng giao lưu quốc tế là cơ hội để chúng ta tiếp thụ những thành quả trí tuệ của loài người, đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc”. Khi đề cập đến những nhiệm vụ cụ thể, việc “Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa” được nhấn mạnh: “Di sản văn hoá là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống (bác học và dân gian), văn hoá cách mạng, bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể. Nghiên cứu và giáo dục sâu rộng những đạo lý dân tộc tốt đẹp do cha ông để lại”. Ngoài nền văn hóa dân tộc đa số, việc bảo tồn, phát huy và phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số cũng đặc biệt được đề cao: “Coi trọng và bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống và xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hoá, văn học, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số” (mục 7, phần II). Về quan điểm chỉ đạo cơ bản, Nghị quyết xác định văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và đó là một nền văn hoá thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Có thể thấy đây là Nghị quyết đặc biệt quan trọng về văn hóa, trong đó có vấn đề phát huy truyền thống, di sản văn hóa dân tộc.
Từ sau năm 1975, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của tất cả các tộc người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam được coi trọng, đặc biệt là từ sau Đổi mới (1986). Trong bối cảnh mới, bảo tồn văn hóa gắn liền với phát huy giá trị. Văn hóa được nhìn nhận một cách đa diện và sâu sắc hơn, bảo tồn gắn với phát huy còn có nghĩa là bên cạnh việc bảo tồn các giá trị văn hóa vốn có, cần tạo nên những nhân tố văn hóa mới, phát triển cái mới trên nền tảng của cái cũ. Văn hóa được nhìn nhận ở góc độ giá trị, văn hóa trở thành một thứ “vốn” phục vụ cho sự phát triển, được định danh là “vốn văn hóa”. Vốn văn hóa này có khả năng tham gia, làm tăng thêm giá trị kinh tế của sản phẩm văn hóa, có thể góp phần xây dựng nhân cách, điều chỉnh hành vi con người, giúp xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, văn minh; văn hóa cần được kết tinh vào sản phẩm, trở thành một yếu tố của hàng hóa. Văn hóa, hay di sản văn hóa theo đó, còn được tiếp cận ở góc độ kinh tế, văn hóa có thể đem đến lợi ích kinh tế cho cộng đồng quốc gia bởi đó là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong lĩnh vực văn học, trong 50 năm qua, di sản văn học dân tộc được coi trọng, khai thác, giới thiệu, nghiên cứu một cách sâu rộng. Tính tổng thể của nền văn học được nhìn nhận gồm nhiều bộ phận, gồm văn học quá khứ đến hiện – đương đại, trong và ngoài nước (ngoài văn học trong nước còn có bộ phận văn học hải ngoại); văn học của tộc người Kinh và văn học của các tộc anh em trong cộng đồng quốc gia dân tộc; văn học dân tộc gồm nhiều bộ phận cấu thành, với nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Đối với di sản văn học quá khứ, các tác phẩm văn học từ giai đoạn Bắc thuộc đến các giai đoạn Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng, Tây Sơn, Nguyễn đều được quan tâm sưu tập, bảo tồn… Các tư liệu văn học bằng chữ Hán và chữ Nôm được sưu tập rộng rãi, từ các kho lưu trữ hải ngoại như Trung Quốc, Pháp, Nhật, đến các địa phương trong nước, được bảo quản cẩn thận, được lên thư mục, xuất bản sách về thư mục để thuận tiện cho việc tra cứu, tiếp cận, khai thác. Ngoài các sách, các nguồn tư liệu khác như thác bản văn bia, mộc bản… cũng được chú ý sưu tập.
Bên cạnh việc sưu tập, bảo quản, công tác dịch thuật được đẩy mạnh, xuất hiện hàng loạt các công trình dịch thuật giới thiệu về tác phẩm văn học Việt Nam thời kỳ Bắc thuộc, thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn… bao gồm các công trình lớn, theo kiểu tổng tập và các công trình chuyên biệt về thể loại hoặc tác giả cụ thể. Về thể loại có các tập sách dịch chú về văn bia các thời Lý, Trần, Lê sơ, Mạc… văn bia các địa phương; về tác giả có các công trình về thơ văn Trần Nhân Tông, Phạm Sư Mạnh, Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi… đây cũng là thời điểm ra đời của bộ Tổng tập văn học Việt Nam (42 tập). Ngay các sách và báo chí đầu thế kỷ XX thời gian qua cũng được khai thác, số hóa để phục vụ cho công tác giới thiệu, nghiên cứu; nhiều sách, tác phẩm quốc ngữ đầu thế kỷ XX được tái bản. Các hoạt động sưu tầm, bảo quản, số hóa, phiên dịch, tái bản này góp phần bảo tồn, quảng bá, phát huy giá trị của di sản văn học truyền thống dân tộc.
Về văn học dân gian, thời gian gần đây có nhiều dự án sưu tập, in ấn; hàng loạt sách sưu tầm văn học dân gian được xuất bản, giới thiệu rộng rãi đến bạn đọc, từ sử thi Tây Nguyên đến các thể loại văn học dân gian khác như câu đố, ca dao, tục ngữ, truyện ngụ ngôn… Bên cạnh văn học truyền miệng, văn học viết của các dân tộc được chú ý sưu tập, giới thiệu. Chẳng hạn đối với các truyện thơ Nôm Tày, đến nay đã xuất hiện hàng loạt công trình sưu tập, phiên dịch.
Trong việc kế thừa các di sản văn hóa truyền thống, nghệ thuật truyền thống là một kho tàng vô tận, một nền tảng vững chắc giúp văn học có được sự phát triển đa sắc, bề thế. Mối quan hệ giữa văn học và nghệ thuật là mối quan hệ hai chiều, tác động qua lại lẫn nhau. Sự giao thoa và chuyển hóa giữa các loại hình nghệ thuật còn có sự thú vị bởi tính tiếp biến. Kho tàng sân khấu truyền thống phong phú với rất nhiều loại hình: tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, bài chòi... Không ít các tác phẩm văn học trung đại được các tác giả hiện đại khai thác, phát huy giá trị trong bối cảnh thời đại mới. Chẳng hạn Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiệt tác truyện thơ Nôm trong văn học trung đại Việt Nam từng cung cấp dữ liệu và gợi cảm hứng cho sự ra đời của nhiều tác phẩm chuyển thể, cải biên, ở nhiều thể loại, loại hình nghệ thuật khác nhau. Riêng việc chuyển thể Truyện Kiều (hay Kim Vân Kiều) thành phim đã được thực hiện từ năm 1923 và gần đây tiếp tục được cải biên. Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, một tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu, từ sau khi ra đời cũng được chuyển thể, cải biên sang nhiều thể loại, năm 2004, được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập. Chưa nói đến mức độ thành công của các tác phẩm cải biên, song về thao tác, cải biên từ tác phẩm văn học sang thể loại khác, như điện ảnh chẳng hạn, là một hành vi tiếp nhận; trong quá trình tiếp nhận, tác giả, người tiếp nhận bằng tầm đón đợi của mình, các yếu tố ảnh hưởng khác, trong đó có vấn đề cộng đồng diễn giải, tất yếu có những điều chỉnh, biến đổi… và do đó, tác phẩm sau khi đã được chuyển thể, cải biên có tính độc lập tương đối so với bản gốc, có đời sống riêng. Chuyển thể, cải biên tác phẩm văn học sang điện ảnh thời gian gần đây được thực hiện một cách thường xuyên, bao gồm cả chuyển thể, cải biên tác phẩm văn học trung đại và các tác phẩm văn học cận, hiện, đương đại… Ngoài chuyển thể, các sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử cũng thu hút sự quan tâm của nhiều tác giả. Nhìn lại lịch sử trở thành một khuynh hướng sáng tác quan trọng của văn học Việt Nam, nhất là sau Đổi mới.
*
Có thể thấy “Bất kỳ sự sáng tạo nào cũng khởi nguồn từ sự tiếp thụ cái đã có, chuyển hóa và phát huy để tạo ra cái mới. Ðây là một quá trình đầu tư nghệ thuật đáng trân trọng và nó hoàn toàn xa lạ với việc thuần túy “sao chép”. Và chỉ có nhận thức đúng quy luật tiếp biến của nghệ thuật, thì những người quản lý mới có thể xây dựng và vận dụng tốt quy định của luật pháp để trở thành bà đỡ mát tay cho những đứa con nghệ thuật mới được sinh ra từ sự giao thoa tinh tế và chuyển hóa đầy nhân tính trong sự đa dạng của loại hình nghệ thuật”3. Trong xu thế mở cửa hiện nay, về văn học nói riêng, văn hóa nói chung, “Việt Nam nên bắt đầu thực hiện những chính sách khuyến khích truyền tải những nét văn hóa dân tộc trong điện ảnh giống như các quốc gia khác đã và đang làm. Chẳng hạn, tại Hàn Quốc và Thái Lan hiện nay đều có quỹ riêng hỗ trợ chi phí cho các bộ phim nói đến những chủ đề văn hóa như thời trang, ẩm thực, du lịch4... Kết quả của các hoạt động như trên khiến chúng ta cảm nhận được một cách đầy đủ hơn về di sản văn hiến dân tộc. Việc giới thiệu, tiếp nhận và phát huy rộng rãi vốn văn hóa, văn học quá khứ giúp độc giả hiện tại hiểu hơn về truyền thống, về giá trị, di sản dân tộc, đồng thời cung cấp nguồn tư liệu phong phú cho các sáng tác ở giai đoạn tiếp theo.
Chú thích:
1, 2 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (2010), Tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 95-96, 281-282.
3 Hoài An: “Sự giao thoa giữa các loại hình nghệ thuật”, nguồn: nhandan.vn.
4 Lê Công Hội: “Trống vắng đời sống văn hóa các dân tộc ít người trong phim Việt?!”, Báo Công an Nhân dân điện tử (cand.com.vn), ngày 19/4/2019.