Các dân tộc thiểu số Việt Nam trải qua quá trình lịch sử hình thành, phát triển lâu dài đã tích lũy và lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa tinh thần phong phú, đặc sắc. Trong đó, văn học dân tộc Tày với số lượng tác phẩm khá đồ sộ cũng góp phần làm tăng giá trị cho bộ phận văn học các dân tộc thiểu số nước ta.
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Triều Ân thì “người Tày đã có mặt từ rất lâu, và sinh sống ở vùng ruộng đồng, vùng thấp của lưu vực các con sông Đông Bắc và Việt Bắc”1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều bài thơ chữ Hán để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Đối với nhiều nhà thơ Tày, thơ ca cũng được coi là một thứ vũ khí quan trọng phục vụ chiến đấu. Ở giai đoạn này “thơ ca của một số tác giả người dân tộc thiểu số cũng đã hòa vào dòng thơ yêu nước, cách mạng…”2. Bên cạnh thơ tiếng Tày, tiếng Việt thì thơ chữ Hán vẫn được sáng tác và giữ vai trò quan trọng, có tác dụng tích cực trong phong trào yêu nước của nhân dân vùng Việt Bắc. Có thể kể đến một số tác giả người Tày thời hiện đại làm thơ chữ Hán để phục vụ cách mạng như: Hoàng Đức Triều, Hà Văn Độ, Hoàng Đức Nghị, Tô Vũ Nghiêm, Thân Văn Lư, Dương Nhật Thanh, Bế Nhật Văn, Hoàng Thành Châu… Họ đều là những người được học chữ Hán (bên cạnh chữ quốc ngữ), có tinh thần yêu nước và tích cực tham gia vào các hoạt động của cách mạng từ thời kỳ còn khó khăn như tham gia Việt Minh, tuyên truyền lý tưởng cách mạng cho đồng bào dân tộc thiểu số… Các tác giả kể trên làm cả thơ tiếng Việt, tiếng Tày nhưng nhờ có trình độ Hán học và nhận thấy tác dụng của thơ chữ Hán vẫn lớn nên họ đã viết nhiều bài thơ chữ Hán. Thơ chữ Hán được sáng tác nhằm mục đích quan trọng là “giác ngộ quần chúng, tổ chức quần chúng làm cách mạng”3. Qua những bài thơ chữ Hán thời kỳ này chúng ta thấy được hình ảnh chân thực của những chiến sĩ cách mạng người Tày với tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc, với ý chí lớn lao cống hiến cho cách mạng, sẵn sàng hi sinh cho lý tưởng cao đẹp mà mình theo đuổi.
Những người chiến sĩ cách mạng yêu thiên nhiên tha thiết, tâm hồn luôn rung động trước mỗi cành hoa, mỗi ngọn núi, mỗi một dáng hình của quê hương xứ sở. Nghiêu Sơn là ngọn núi ở thôn Kẻ Ngõa, xã Phúc Tăng – quê hương của Hoàng Đức Triều. Ngắm Nghiêu Sơn sừng sững, xung quanh có nhiều núi nhỏ quần tụ, suối lượn bao quanh, trên núi cây cối sum suê, tươi tốt… tác giả đã có những liên tưởng rất thú vị:
“Long lân cước đạp hầu môn ngoại,
Sư tử vũ đầu thuận lĩnh cương”.
(Con rồng con kỳ lân đứng sững cuối thung lũng cửa ngõ ra ngoài, Con sư tử múa lúc lắc đầu trên đỉnh núi)4.
(Nghiêu Sơn (Núi Nghiêu) - Hoàng Đức Triều)
Tâm hồn chiến sĩ - thi sĩ rung động khi gặp muôn cánh hoa đua nở, thơm ngào ngạt, cành cao cành thấp giao hòa trong “Ngày xuân kháng chiến” (Kháng chiến xuân nhật - Hoàng Đức Triều). Và cũng trong những ngày kháng chiến gian khổ đó, trên đường đi công tác, người chiến sĩ cách mạng say sưa đắm mình trong cảnh thơ mộng của hồ Thăng Hen với vực sâu thăm thẳm, chim hót líu lo, với cảnh sinh hoạt bình dị của người dân chài và không giấu được lòng tự hào về sự hùng vĩ, tươi đẹp của núi non:
“Quang huy tư cảnh thùy khai triệu,
Cẩm tú giang sơn quý tự chuyên”.
(Cảnh đẹp rực rỡ ấy ai là người gây dựng ban đầu? Tự nó rất quý của giang san gấm vóc ta).
(Thăng Hen hồ (Hồ Thăng Hen) - Hoàng Đức Triều)
Hoàng Đức Nghị đã có cái nhìn thật yêu thương với thôn Vỏ Ngả (Ngõa thôn) quê mình. Ông say sưa trước cảnh nắng xuân tươi đẹp, muôn hoa đua nở tỏa hương thơm ngát. Những cảnh vật nơi quê nhà hiện lên thật kỳ vĩ:
“Nghiêu Sơn vạn lý hổ long phục,
Ngõa ốc trùng môn loan phụng tường”.
(Dãy Nghiêu Sơn trùng điệp dài vạn dặm hình rồng, hình hổ chầu phục, Nhà nhà ngói đỏ nhiều tầng nhiều lớp như loan phượng giương cánh).
(Ngõa thôn (Thôn Vỏ Ngả) - Hoàng Đức Nghị)
Núi non trùng điệp, hùng vĩ không chỉ làm rung động tâm hồn các chiến sĩ - thi sĩ mà còn bao bọc, chở che cho họ trong những ngày tháng kháng chiến gian khổ, giúp họ tránh được những cuộc truy quét của giặc:
“Nhật Pháp đa phiên lai kịch chiến,
An toàn nhược hải cố như tùng”.
(Nhật Pháp đã nhiều phen đánh vào khu căn cứ này, Nơi đây an toàn như biển cả, đứng vững như cây tùng).
(Hoàng Sơn (Núi Hoàng) - Bế Nhật Văn)
Lòng yêu nước bắt nguồn từ tình thương đối với nhân dân, lòng căm thù giặc. Họ thương cảm trước nỗi khổ cực, vất vả, oan ức của đồng bào. Chứng kiến cảnh người dân cực nhọc trăm bề làm lụng, cày cấy, gặt hái (giữa buổi trưa nóng nực, phơi mặt dưới cái nắng mùa hè, mồ hôi đầm đìa, chân lấm tay bùn, chân tay nứt nẻ…) chỉ để nuôi béo lũ giặc, Hoàng Đức Thạc không khỏi “Thống khổ bi thương thấp lệ liên” (Nghĩ bao điều thống khổ bi thương mà rơi nước mắt). Ông kêu gọi nhân dân không cam tâm chịu bóc lột nữa mà phải đứng lên:
“Khôi phục sơn hà thanh Pháp Nhật,
Cam lai khổ tận thái bình thiên”.
(Khôi phục lại núi sông đánh đuổi sạch lũ Pháp Nhật, Hết khổ đến sướng vui hưởng những ngày thái bình).
(Trĩ hoạch mạch điền (Gặt ruộng chiêm) - Hoàng Đức Thạc)
Những người chiến sĩ sẵn sàng dấn thân vào con đường cách mạng, chấp nhận bao gian khổ, hi sinh là bởi trong trái tim họ tình yêu quê hương, yêu đồng bào thật sâu nặng. Chính tình yêu đó đã thôi thúc họ đi theo cách mạng và trở thành những người cộng sản để đánh đổ lũ đế quốc, cường hào, để giành lấy quyền lợi cho những người cần lao:
“Ý chí kiên cường cố phủ liêm,
Tâm hồn dũng mãnh trương kỳ đố”.
(Ý chí kiên cường, vững chắc nắm lấy búa và liềm,
Tâm hồn dũng cảm mãnh liệt giương cao cờ đỏ).
(Phúc Tăng chi bộ (Chi bộ Phúc Tăng) - Hoàng Đức Nghị)
Nhìn lá cờ đỏ trên cao bay phần phật trong gió, Hoàng Đức Nghị đã liên tưởng ý nghĩa của búa và liềm:
“Phủ cử trừ thanh quân đế quốc,
Liêm khai cát tận cảnh hàn vi”.
(Giơ búa lên cao phá tan hết phường đế quốc,
Cầm liềm cắt đứt hết cái cảnh hàn vi).
(Hồng kỳ (Lá cờ đỏ))
Lá cờ đỏ hình búa liềm hiện lên trong thơ người cán bộ cách mạng như lời hiệu triệu nhân dân đoàn kết, như biểu tượng của niềm tin, khát vọng đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc.
Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng đất có truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm từ lâu đời cho nên các thanh niên Tày rất nhanh chóng giác ngộ tư tưởng cách mạng. Họ đề cao, ca ngợi lý tưởng của Đảng, thể hiện quyết tâm và động viên quần chúng nhân dân theo Đảng. Là trí thức sớm giác ngộ và tham gia Việt Minh, Hà Văn Độ vừa dạy học vừa động viên học trò cần luyện tập võ nghệ, chuẩn bị vũ khí, có ý chí mạnh mẽ để sẵn sàng chiến đấu. Ông luôn mang nặng tâm tư:
“Tình trọng vị dân đa khổ sở,
Tâm thâm thù địch quyết phân tranh”.
(Tình ta nặng suy nghĩ vì dân ta còn nhiều đói khổ,
Trong lòng sâu kín chúng ta phải đấu tranh với quân thù).
(Mãn khóa (Tan khóa học))
Khi tâm hồn say sưa trước cảnh đẹp của thiên nhiên hoa lá, nhìn cây lá giao hòa người chiến sĩ dễ dàng liên tưởng đến việc đoàn kết để tạo sức mạnh cho phong trào kháng chiến đồng thời cũng không quên động viên, kêu gọi quần chúng:
“Tâm huyết dẫn thân lai cứu quốc,
Phong hoa điệp lạc vạn niên ca”.
(Hỡi ai có tâm huyết hãy cùng dấn thân đi cứu nước,
Để như ong bướm gặp hoa vạn năm (mãi mãi) cùng hát ca).
(Kháng chiến xuân nhật (Ngày xuân kháng chiến) - Hoàng Đức Triều)
Trong những ngày bị giam cầm ở nhà ngục Sơn La, Hoàng Đức Triều vẫn nghĩ tới việc tuyên truyền cho nhân dân giác ngộ lý tưởng của Đảng:
“Tuyên truyền Đảng ý như phong bạo,
Giác ngộ dân tâm tự thủy ba”.
(Lý tưởng Đảng càng được tuyên truyền sẽ nổi lên như gió bão,
Lòng dân được giác ngộ sẽ vùng lên như sóng nước).
(Tại Sơn La ngục lý (Ở ngục Sơn La) - Hoàng Đức Triều)
Những cán bộ cách mạng phải chịu cảnh đói rét, không có cơm ăn, không có áo mặc, phải chịu cảnh cơ hàn, khổ cực trăm bề. Họ phải rời xa gia đình, người thân để thực hiện nhiệm vụ cách mạng giao và nhiều lúc cũng da diết nhớ quê nhà, nhớ người thân ruột thịt… Họ cũng có những trăn trở khi vì việc nước mà không thể chăm lo cho ông bà, bố mẹ đã già yếu. Họ cũng nhớ thương người vợ đang chờ đợi mỏi mòn ở nơi xa… Xong nhiệm vụ cách mạng, trở về hang động trên núi, trong đêm khuya họ không khỏi chạnh lòng:
“Dạ tĩnh ái thê phương chức cẩm,
Tồn vong thế hữu tại tha hương”.
(Nghĩ rằng đêm nay khuya khoắt nàng đang say mê dệt gấm,
Còn nhớ hay chăng kẻ bạn đời nay đang bơ vơ đất khách).
(Tư ái thê (Nhớ vợ) - Hoàng Thành Châu)
Người cán bộ luôn bản lĩnh, vững vàng, hết lòng với nhiệm vụ mà cách mạng giao cho. Trên những con đường núi hiểm trở, khi thực hiện nhiệm vụ, đôi khi họ có những nỗi niềm “Cảm ý tư thê thậm khát ky” (Cảm lòng nhớ vợ đến là khát khao) cũng là những cảm xúc rất chân thực, rất đáng quý. Và chính hình ảnh những người thân yêu nơi quê nhà đã trở thành nguồn động lực to lớn giúp họ thêm quyết tâm, lạc quan, tin tưởng vào con đường của Đảng:
“Cước đạp cức kinh tiềm cận đích,
Tương lai tịnh bộ khải tinh kỳ”.
(Chân ta giẫm chông gai trên con đường gian khổ đã gần tới đích,
Mai đây sẽ sánh vai cùng bước dưới cờ khải hoàn).
(Sơn đồ (Đường núi) - Hoàng Thành Châu)
Có những thời điểm, có những giai đoạn gặp khó khăn, cán bộ bị bắt, bị khủng bố, giết hại dã man buộc họ phải tìm cách đối phó (ẩn náu hoặc tạm lánh ra nước ngoài một thời gian để bảo toàn lực lượng…). Nhưng dẫu trong bất kỳ hoàn cảnh nào dẫu hiểm nguy nhất họ vẫn một lòng vững tin với lý tưởng của Đảng. Tinh thần lạc quan cách mạng luôn ngời sáng trong những cảnh ngộ khó khăn, gian khổ nhất. Nhiều người bị giặc bắt, bị giam cầm trong cảnh tù ngục, chịu muôn vàn cực khổ, bị đày đọa ngày đêm nhưng vẫn bền gan vững chí, vẫn luôn thể hiện khí phách quật cường.
Thân Văn Lư là một chiến sĩ cộng sản sớm tham gia kháng chiến. Ông đã từng bị bắt giam và trong những đêm không ngủ được vì rét mướt, thân thể đau đớn, ông lại thao thức nhớ đất nước. Nhớ nhà, nhớ người thân, ông nhắn gửi vợ giữ mình, dạy bảo con cái, chăm sóc cha mẹ… Dẫu trong cảnh tăm tối cực khổ trăm bề của cảnh tù đày, người chiến sĩ vẫn vững vàng một niềm tin tưởng mãnh liệt:
“Tao phùng nguy biến kiên tâm chí,
Cách mệnh công thành hữu nhật lai”.
(Lúc này gặp cơn nguy biến ta vẫn kiên định ý chí cách mạng,
Bởi cách mạng thành công sẽ chắc chắn có ngày).
(Dạ thụy bất trước (Đêm không ngủ) - Thân Văn Lư)
Đồng chí An Định (bí danh của Hoàng Đức Triều) bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà ngục Sơn La. Thân thể của người chiến sĩ cách mạng tuy ở trong lao tù nhưng tư tưởng thì đã thoát ra khỏi bốn bức tường lạnh lẽo của nhà giam để luôn dõi theo tình hình đất nước. Ý chí, khí phách của họ luôn vững vàng, hiên ngang dẫu trong hoàn cảnh bị giam hãm, tù ngục:
“Tuyệt thực nhật gia tăng dũng khí,
Kiên tâm cố chí tục canh ca”.
(Đã tuyệt thực càng nhiều ngày càng tăng thêm dũng khí,
Càng giữ vững lòng (không dao động) giữ chí khí tiếp tục ca hát).
(Tại Sơn La ngục lý (Ở ngục Sơn La) - Hoàng Đức Triều)
“Tuyệt thực nhật gia tăng dũng khí, Kiên tâm cố chí tục canh ca”. (Đã tuyệt thực càng nhiều ngày càng tăng thêm dũng khí, Càng giữ vững lòng (không dao động) giữ chí khí tiếp tục ca hát). (Tại Sơn La ngục lý (Ở ngục Sơn La) - Hoàng Đức Triều)
“Tinh thần cộng sản nguyên vô dị,
Tâm chí cần lao cố vị tha”.
(Duy tinh thần cộng sản còn nguyên không gì khác,
Mà ý chí người cần lao vẫn vững vàng không nhạt nhòa).
(Ký An Định đồng chí (Gửi đồng chí An Định) - Hoàng Đức Thạc)
Khi thực dân Pháp khủng bố, bắt bớ, giết hại những cán bộ cách mạng, một số đồng chí phải tạm lánh ra nước ngoài, Hoàng Đức Thạc ở lại với quyết tâm “Duy trì thị ngã đương chuyên nhiệm” (Giữ vững phong trào là nhiệm vụ của tôi, người ở lại) và với tinh thần lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng:
“Đoàn viên tất đạt tương lai ngộ,
Hiển hách tiêu cao nghĩa bái dương”.
(Tương lai thắng lợi ta gặp nhau là chắc chắn,
Ta sẽ nêu cao nghĩa khí vinh quang hiển hách).
(Tống hữu xuất dương (Tiễn bạn xuất dương) - Hoàng Đức Thạc)
Triệu Văn Phán cũng sớm gặp ánh sáng cách mạng, tích cực tuyên truyền cho tổ chức. Trước khi bị giặc bắn và hi sinh, ông đã được sống trong không khí tưng bừng của những ngày sục sôi chuẩn bị khởi nghĩa. Ông hòa cùng niềm vui với bạn bè, làng xóm, anh em, phấn khởi và tự hào vì mình là người con của Tĩnh Oa (Cao Bằng), tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng:
“Khải hoàn hội ngộ thời tương cận,
Thế vận giang sơn đáo thái hòa”.
(Ngày khải hoàn gặp nhau đã xích gần lại,
Vận hội của núi sông ta đã đến lúc thái bình yên ổn).
(Ất Dậu niên (Năm Ất Dậu) - Triệu Văn Phán)
Người chiến sĩ cách mạng xuất thân từ nhân dân, hết lòng cống hiến cho dân cho nước, luôn gần gũi và được đồng bào yêu thương bảo vệ. Dẫu cho kẻ địch treo thưởng, dụ dỗ nhưng người dân vẫn luôn đùm bọc, che chở cho những người chiến sĩ, coi họ như ruột thịt của mình. Tác giả Dương Nhật Thanh đã ghi lại tình cảm của người dân đối với cán bộ cách mạng:
“Quỷ Phiên dụ bỉ diêm vô hạn,
Dân chúng mẫn tha thủ bảo lưu”.
(Lũ quỷ Pháp dụ dỗ dân chúng sát hại đồng chí tha hồ được thưởng muối,
Nhưng dân chúng thương cán bộ vẫn giữ cái đầu đồng chí).
(Cường Tiến đồng chí (Đồng chí Cường Tiến) - Dương Nhật Thanh)
Thực dân Pháp dụ dỗ người dân chặt đầu đồng chí Cường Tiến đem nộp sẽ được thưởng muối, tiền bạc nhưng không ai làm theo. Người cán bộ cộng sản sống trong hang động, núi rừng để gây dựng cơ sở và hoạt động cách mạng. Họ được người dân yêu quý, kính trọng, biết ơn:
“Hảo a cộng sản tình dân trọng,
Nghĩa cảm nồng thâm bản mạt hưu”.
(Ôi, người cộng sản dân quý trọng,
Tình nghĩa nồng nàn chẳng bao giờ phai).
(Cường Tiến đồng chí (Đồng chí Cường Tiến) - Dương Nhật Thanh)
Cơ sở cách mạng từ những ngày đầu còn non yếu nhưng nhờ núi non hiểm trở bao bọc, nhờ tấm lòng của đồng bào yêu thương, ủng hộ mà vẫn vững vàng và ngày một lớn mạnh.
Người Tày định cư và giữ vai trò chủ thể từ lâu đời ở khu vực miền núi Đông Bắc nước ta. Trải qua quá trình lịch sử, họ đã gìn giữ và phát huy nhiều truyền thống tốt đẹp, trong đó nổi bật là truyền thống yêu nước. Đặc biệt, đến thời hiện đại “truyền thống đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc của đồng bào Tày và Nùng ngày càng được phát huy mạnh mẽ nhất là từ khi có ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”5. Qua thơ ca của các tác giả người Tày, chúng ta thấy hình ảnh người chiến sĩ cộng sản dân tộc thiểu số hiện lên thật bình dị mà cao đẹp. Họ là những người con của đồng bào miền núi, là những trí thức có niềm tin son sắt vào lý tưởng cộng sản, mang một trái tim giàu lòng yêu thương, một bản lĩnh vững vàng. Họ đã trở thành biểu tượng cao đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số nước ta.
Chú thích:
1, 3 Triều Ân (2008), Văn học Hán Nôm dân tộc Tày, NXB Văn hóa dân tộc, tr. 8, 360.
2 Trần Thị Việt Trung (2016), Nghiên cứu, phê bình về văn học dân tộc thiểu số, NXB Đại học Thái Nguyên, tr. 39.
4 Những câu thơ trong bài viết này đều dẫn theo sách Văn học Hán Nôm dân tộc Tày (Hoàng Triều Ân, NXB Văn hóa dân tộc, 2008).
5 Hoàng Quyết, Ma Khánh Bằng, Hoàng Huy Phách, Cung Văn Lược, Vương Toàn (2018), Văn hóa truyền thống Tày, Nùng, NXB Văn hóa dân tộc, tr. 44.