Trong xu thế toàn cầu hóa, văn học Việt Nam tiếp nhận cùng lúc nhiều lý thuyết hiện đại và hậu hiện đại nhưng nguyên lý đối thoại - một trong những hệ thống lý thuyết của Bakhtin vẫn được xem một bộ công cụ lý thuyết mang tính cách mạng để khảo cứu về văn xuôi đương đại. Sở dĩ như vậy là bởi tinh thần đối thoại trong lý thuyết của Bakhtin chú trọng tới tính phi trung tâm, các phạm trù trung tâm, ngoại biên, góp phần xóa bỏ những thành trì vững chắc của những cái lỗi thời trong thời đại mà bình đẳng, tự do và dân chủ được đề cao.
Tính đối thoại là thuộc tính của ngôn ngữ nên một tác phẩm văn học khi sử dụng ngôn ngữ đã mang tính đối thoại. Tuy nhiên, tính đối thoại theo quan điểm của Bakhtin chỉ xuất hiện khi nhà văn ý thức tạo tính đối thoại bằng cách tôn trọng ngôn ngữ người kể, của chính nhân vật và cả người đọc. Ở đây cũng không nên hiểu đối thoại với quan niệm theo nghĩa thông thường là đối đáp, phản biện, tranh cãi, đối lập... mà cần hiểu theo nghĩa triết học như sự giao tiếp giữa hai chủ thể (cả với chính mình), hai ý thức mở, như bản chất của ý thức con người. Vì thế, tính đối thoại là nền tảng tạo tính đa thanh (tính nhiều tiếng nói và ý thức độc lập không hòa làm một cho tác phẩm văn học. Như vậy, đa thanh là việc tổ chức đồng thời những tiếng nói khác nhau. Văn bản đa thanh gồm nhiều giọng: giọng nhân vật, giọng người kể chuyện, giọng tác giả tạo ở cấp độ sâu hơn là đối thoại tư tưởng, đối thoại liên văn hóa... nên có độ căng và sự tương phản đáng kể bởi những giá trị tự thân và sự độc lập tương đối của các “tiếng nói”. Tinh thần dân chủ của tính đối thoại là một sự phản tư “tính độc thoại”, “tính trung tâm độc sáng”. Về bản chất, đó chính là sự khát khao được nói tiếng nói của riêng mình, là sự không ngừng nghỉ truy tìm bản thể của hiện tồn trong mọi sự vật, hiện tượng và quan trọng là mọi hiện tồn tuy độc lập nhưng đều trong thế phụ thuộc lẫn nhau theo cách “đối thoại” để tôn trọng, để thấu hiểu, để dân chủ và để sống đẹp với nhau hơn. Trong The Bakhtinian road to ecological insight (Từ con đường học thuyết Bakhtin đến cái nhìn sâu về sinh thái), Michael J. McDowell cho rằng: “Lý thuyết của Bakhtin có thể được xem như là văn học về sinh thái học, khoa học về các mối quan hệ”, vì theo Bakhtin, hình thức lý tưởng để miêu tả hiện thực là một hình thức đối thoại, trong số đó có đa thanh hay nhiều điểm nhìn tương tác với nhau. “Ngược lại, hình thức độc thoại khiến cho chủ thể hội thoại ít hơn để ngăn chặn bất kỳ điều gì không phù hợp với tư tưởng của anh/ cô ấy. Kết quả là một dạng đối thoại giữa các quan điểm khác nhau, đưa đến giá trị cho một loạt những quan điểm xã hội-chính trị. Bắt đầu với ý nghĩ rằng, tất cả các thực thể trong mạng lưới rộng lớn của tự nhiên đều đáng được thừa nhận và có một tiếng nói, một phê bình văn học sinh thái có thể khám phá cách thức tác giả miêu tả những tiếng nói của nhân loại và phi nhân loại trong bối cảnh như thế nào”1. Từ đây, nguyên lý đối thoại của Bakhtin có thể được xem như là khoa học về các mối quan hệ trong đó có nữ quyền sinh thái (ecofeminism).
Nhìn từ lý thuyết đối thoại của Bakhtin có thể nhận thấy văn xuôi nữ đương đại Việt Nam có sự chuyển giao hệ hình từ đối âm sang đa âm, từ hiện đại sang hậu hiện đại, ở cấp độ sâu hơn là đối thoại tư tưởng, quan niệm, đối thoại liên văn hóa... với nhu cầu nhận thức lại quá khứ, nhận thức lại các hệ giá trị và các mối quan hệ chủ thể và khách thể thẩm mĩ, các nhà văn nữ Việt Nam đương đại chú ý đến việc gia tăng tính đối thoại, đa thanh, bình đẳng giữa các giọng điệu, giảm thiểu cái nhìn chủ quan, một chiều của tác giả hàm ẩn. Quan niệm hiện đại về “con người bản chất” đã được thay thế bằng quan niệm hậu hiện đại về “con người quan hệ” và đó là lý do dẫn tới “cái chết của chủ thể”. Cái định đoạt tư tưởng tác phẩm không phải là tác giả mà chính là sự đối thoại giữa các nhân vật, vì mỗi nhân vật là một nhà tư tưởng. Trong ý nghĩa này, tính đối thoại được xem như một phương thức quan trọng để các nhà văn nữ Việt Nam đương đại kết nối với tự nhiên, hơn thế, để giải mã, thấu hiểu thế giới tự nhiên. Từ góc nhìn nữ quyền sinh thái, tính đối thoại như một phương thức phản tư nhân loại trung tâm luận vốn tồn tại trong văn học Việt Nam trước đây như một chân lý. Sự tương đồng về thân phận, sức phản kháng và những thông điệp về bảo vệ môi sinh dần được hé lộ trong văn bản thông qua nghệ thuật đối thoại.
1. Đối thoại để được đồng cảm và cứu rỗi
Thế giới tự nhiên xung quanh ta có tiếng nói không? Chúng ta có thể giao tiếp với chúng không? Và giao tiếp bằng cách nào? Những thực thể tự nhiên như: không khí, nước lửa, đá, cây cối, động vật, đất đai có trước ngôn ngữ của chúng ta và có ngôn ngữ riêng của chúng. Dù vậy đối với chúng ta, thế giới tự nhiên ấy đã bị rơi vào câm lặng. Bởi chúng ta đang cư ngụ trong một thế giới ngày càng nhân tính hóa (humanised). Thực tế, tự nhiên luôn có những hệ thống biểu nghĩa riêng của nó và hệ thống ấy chẳng có gì liên quan trong cách áp đặt diễn ngôn của chúng ta lên nó. Để thấu hiểu và xây dựng kênh giao tiếp với vạn vật, các nhà văn nữ đương đại đã vận dụng lý luận đối thoại để tìm hiểu mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, để lắng nghe tiếng nói của tự nhiên, để hiểu được những điều tự nhiên phải chống chọi và khiếp sợ. Công cuộc tái thiết lại diễn ngôn tự nhiên không chỉ là sự đồng cảm mà còn là sự cứu rỗi, đó cũng là một cách giúp chúng ta truy vấn, khám phá chính bản thân mình và cuộc sống.
Để thể hiện sự quan sát, cảm nhận tinh tường và bằng cả sự cảm thông, chia sẻ sâu sắc của giới nữ với tự nhiên thì việc hòa phối diễn ngôn đối thoại và độc thoại là phương tiện hữu ích để nhà văn phản ánh chân thực nhưng không kém phần sinh động quá trình gắn kết của nữ giới và tự nhiên. Điều này cũng làm nên tính chất đa thanh, đa giọng điệu cho tác phẩm. Mỗi lớp diễn ngôn, nhà văn đưa người đọc đến với mỗi cung bậc trong cảm xúc, suy tư trong tâm lý của nhân vật. Việc để cho đối thoại xâm nhập vào độc thoại nội tâm giúp ta hiểu hơn mối quan hệ giữa nữ giới và tự nhiên. M. Bakthin cho rằng: “Tất cả đều là phương tiện, đối thoại là mục đích. Một tiếng nói không kết thúc gì hết và không giải quyết gì hết. Hai tiếng nói là cái tối thiểu của sự sống, cái tối thiểu của tồn tại”2. Tính chất đối thoại với tự nhiên trong những tác phẩm nữ quyền sinh thái khác với đối thoại trong các truyện viết về loài vật. Ở đây, nhà văn không tạo ra những lượt vấn đáp/ chuyện trò giữa nhân loại và thế giới phi nhân loại, cũng không theo phương thức đồng thoại. Sự thấu cảm và kết nối ở đây được thực hiện chủ yếu thông qua độc thoại nội tâm, suy tưởng, tự vấn của nữ giới với tự nhiên. Qua sự hòa phối đối thoại trong độc thoại của nhân vật, nhiều uẩn khúc của giới tự nhiên dần được hé lộ. Trong cuộc chiến đấu sinh tồn giữa người và người, giữa người và tự nhiên thì tự nhiên cũng như nữ giới là những nạn nhân thiệt thòi. Các nhà văn đã nói hộ “tiếng lòng” của thế giới phi nhân qua sự đối thoại, chất vấn. Bởi cây cối, các loài vật không phải là một thế giới câm lặng, không có tiếng nói mà chính chúng ta đã khước từ sự lắng nghe thế giới tự nhiên, hoặc chúng ta đã không hiểu được ngôn ngữ của chúng. Các nhà nữ quyền sinh thái cho rằng làm bạn với muông thú, ăn chay (Vegetarian Ecofeminism), lắng nghe thấu hiểu tự nhiên là cách để chúng ta thấy được bi kịch của con người giữa đồng loại. Đối thoại với thiên nhiên trong độc thoại nội tâm đã giúp các nhân vật nữ lắng nghe và thấu hiểu tiếng nói của tự nhiên. Việc đối thoại này không phải là một cuộc hội thoại có các khách thể mà nó diễn ra trong suy nghĩ, trong tư tưởng của các hình tượng nhân vật nữ. Kỹ thuật này được gọi là đối thoại nội tâm. Đối thoại nội tâm là một cuộc đối thoại tưởng tượng diễn ra trong ý nghĩ của nhân vật. Đây là một cấu trúc đối thoại giả, trong đó có ngôi thứ nhất (người đang nghĩ) và ngôi thứ hai (nhân vật đối thoại) tưởng tượng, có ý nghĩ nói ra, có ý nghĩ đáp lại như một cuộc đối thoại, có cả hô, gọi, phản bác, xác định: “Ở đây không chỉ có đối thoại lưỡng thoại mà cùng một lúc đối thoại với nhiều người, nhiều số phận khác nhau, nhà văn thực hiện cuộc đối thoại nội tâm, nhưng là một cấu trúc giả tưởng”3. Là sự đối đáp, tranh luận giữa các giọng nói khác nhau trong lời nói của nhân vật khi họ đang suy nghĩ, qua đối thoại nội tâm, văn bản hiện lên không chỉ là tiếng nói đơn phương, một chiều từ con người, mà còn là tiếng nói của tự nhiên. Chúng ta có thể lắng nghe câu chuyện của bầy vịt qua đoạn độc thoại nội tâm của Nương trong Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư: Bầy vịt nhạy cảm khủng khiếp, sau này, tôi cố sửa lại những chỗ hụt hơi ấy, chúng nhận ra ngay, và nhìn tôi với vẻ ngờ vực, “Ủa, phải con - người hôm trước không ta?”. Một con vịt đui khịt mũi, cười: “Nó chớ ai, giọng có khác, nhưng rõ ràng là tiếng trái tim nó. Quen lắm. Chập chờn, thút thít, đòng đưa như sắp rụng...”. “Có nổ hôn đó, cha nội?”. “Sao không, mấy người thử đui đi rồi biết”. Bất giác, tôi nhắm mắt để nghe lại tiếng tim mình4. Bởi những toan tính trả thù, người cha nhẫn tâm đẩy cô con gái vào cuộc sống cô độc, thậm chí mất đi ngôn ngữ loài người. Để tạm quên đi nỗi buồn của loài người, chị em Nương học cách yêu thương và lắng nghe ngôn ngữ của bầy vịt với hi vọng “sẽ không bị đau như yêu thương một con người nào đó”. Tác giả đã sử dụng kỹ thuật hòa phối giữa diễn ngôn độc thoại và đối thoại, cụ thể là đối thoại của bầy vịt thâm nhập vào độc thoại nội tâm Nương, tất nhiên là cuộc đối thoại này diễn ra trong suy nghĩ, trong tư tưởng của Nương. Nương đã lắng nghe và thấu hiểu tiếng nói của bầy vịt và ngược lại bầy vịt cũng hiểu thấu nỗi lòng của cô. Chính vì lẽ đó, khi lũ vịt của gia đình bị thiêu hủy, Nương đã trải qua một cảm giác đau đớn như đánh mất đi một người bạn thân thiết của mình vậy: “Tôi tiếc thôi là tiếc sinh linh nhỏ bé đã thấu hiểu trái tim mình”5. Từ diễn ngôn đối thoại này, Nguyễn Ngọc Tư đã cho thấy mối gắn kết của nữ giới và tự nhiên qua đó khẳng định cái nhìn bình đẳng nhân ái của nữ giới với thế giới tự nhiên.
Tự nhiên không chỉ là đối tượng làm nền cho chủ thể người mà trở thành chủ thể trung tâm của văn bản, có tiếng nói độc lập. Điều này kiến tạo nên một thế giới đối thoại đa chủ thể giữa các nhân vật với nhau, giữa con người và tự nhiên, nhân vật với độc giả, nhân vật với tác giả, với người kể chuyện, rồi tác giả với độc giả. Các chủ thể độc lập có giá trị và thẩm quyền ngang nhau, không ai hơn ai. Cuộc đối thoại của cô gái với cây gội trong Gốc gội xù xì của Hà Thị Cẩm Anh cũng là một ví dụ điển hình:
- “Cháu gái yêu à! Con sai rồi.
Tôi không giận hờn nhưng vẫn nhìn cây gội chằm chằm:
- Con sai à? Con sai như thế nào?
- Con sai vì lúc nào con cũng nghĩ mình là người tàn phế, là một kẻ đã bị bỏ đi rồi”6.
Cô gái trong Gốc gội xù xì của Hà Thị Cẩm Anh chỉ tìm thấy niềm vui và ý nghĩa sống từ việc sống hài hòa với tự nhiên nên cô bảo vệ rừng, bảo vệ “lá phổi xanh” của con người như tính mạng của mình: “Tôi chăm sóc cho cả khu rừng mà tôi đang phải sống nhờ. Rừng chính là ngôi làng của tôi”7. Cây gội già xấu xí trong rừng và cô như những người bạn tâm giao tri kỷ, họ chia sẻ về niềm vui, về nỗi buồn từ xuân đến đông, cứ như thế qua ngày tháng dài đằng đẵng. Rõ ràng sự tương đồng và gắn kết của nữ giới và tự nhiên được tái hiện qua nguyên lý đối thoại. Từ đây, ta có thể thấy rõ nữ giới luôn coi tự nhiên có đời sống, có sinh mệnh, có linh hồn riêng và ngược lại, tự nhiên cũng là nơi cứu rỗi linh hồn cho những người phụ nữ: không chỉ là sự đồng cảm, hơn thế, nữ giới còn kết nối, hòa nhập vào tự nhiên để thấu hiểu những gì thế giới đó phải gánh chịu cũng như để được chia sẻ những tổn thương mà nữ giới đã trải qua. Ở đây, cô gái vì mặc cảm ngoại hình xấu xí, dị dạng từ di chứng chất độc màu da cam trong chiến tranh, phải chịu sự xa lánh của người đời và cả cha mẹ, cô đã bỏ nhà vào rừng. Cuộc sống cô độc tưởng chừng như sẽ làm cô gục ngã nhưng chính sự gần gũi, trò chuyện với thiên nhiên mà cụ thể là cây gội già đã khiến cô thấy rằng sự sống trở nên có ý nghĩa.
Tình trạng chối bỏ, đánh mất ngôn ngữ loài người để được cứu rỗi trong thế giới tự nhiên này cũng được tái hiện trong Gió lẻ. Nhân vật “em” khi chứng kiến sự cay nghiệt, những lời dối trá của người cha, cô đã trở nên câm lặng. Thậm chí cô mắc chứng buồn nôn và mất đi khả năng ngôn ngữ của loài người khi nhận ra con người luôn mang một chiếc mặt nạ giả dối để che đậy những sự thật khủng khiếp bên trong. Ông Tám Nhơn Đạo, người cha và rất nhiều người xung quanh nói dối để che đậy đi bản chất xấu xa của họ. Vì thế nhân vật em đã chọn cách giao tiếp, đối thoại và làm bạn với loài vật. Nguyễn Ngọc Tư đã thiết lập diễn ngôn đối thoại với thế giới tự nhiên thông qua những suy tưởng của nhân vật “em”:
“Lúc lời bật ra khỏi môi, thì em đang nghĩ tới tổ chim sâu trên nóc căn chòi cuối rẫy. Chẳng biết chuyện ở đâu mà chúng nói ríu ran cả ngày. Em hình dung vầy, con chim chồng nói:
- Anh vừa gặp một con voi chết trong rừng.
Vợ nó hỏi ngay, trời sao con voi đó chết? Vậy là giả thuyết được đặt ra, và câu chuyện trở nên bất tận, hết con voi thì tới đàn kiến đang bò đi, chắc là bò tới chỗ con voi, rồi nước suối chảy vòng qua xác con voi, rồi cái tán cây phía trên con voi”8.
Một thế giới tự nhiên sinh động và trong trẻo được đánh thức qua suy tưởng của nhân vật “em”. Chúng có những sinh mệnh, những câu chuyện về cuộc sống như loài người nhưng tuyệt nhiên ngôn ngữ của chúng không để làm tổn thương nhau như con người: “Tiếng nói của con vật không dùng để làm tổn thương nhau”9. Bản chất của loài vật là vô tư, hồn nhiên, không có những lọc lừa, phải chăng vì lẽ đó mà “em” đã tìm đến thế giới của chúng, học cách nói và lắng nghe ngôn ngữ của chúng như là một cách để bảo tồn phần bản tính tự nhiên tốt đẹp của con người, đồng thời bộc lộ một thái độ chối từ dứt khoát với sự xảo trá, lọc lừa của thế giới con người. Việc xây dựng những lớp diễn ngôn đối thoại trong độc thoại đã chuyển tải một bức thông điệp hiển nhiên nhưng cũng rất đau đớn về việc con người phải từ bỏ thế giới của mình, từ bỏ ngôn ngữ của đồng loại để đi tìm ngôn ngữ loài khác. Tạo hóa sinh ra con người và muôn loài là tốt đẹp và hoàn hảo, chỉ vì dục vọng, ích kỷ mà con người đã đánh mất đi bản tính tự nhiên tốt đẹp của mình. Để lột tả được sự gắn kết của nữ giới và tự nhiên, Nguyễn Ngọc Tư đã lựa chọn phương thức đối thoại với tự nhiên trong những độc thoại nội tâm của nhân vật nữ. Đánh thức tiếng nói của tự nhiên cũng là một trong những chủ trương của các nhà nữ quyền sinh thái để cho nhân loại có cái nhìn bình đẳng với thế giới phi nhân: “Để đạt kết quả trong các lĩnh vực thực tiễn xã hội, cần có sự quan tâm đến thiên nhiên như một hoạt động và có khả năng nói diễn giải... làm sao để văn bản văn học nói lên được tiếng nói của tự nhiên và những hậu quả, những uẩn khúc của nó? Chỉ có thể thông qua đối thoại, nhân loại và thế giới phi nhân loại mới có thể thấu hiểu về nhau. Đồng thời, đối thoại cũng là hình thức để phê bình sinh thái phản đối sự độc đoán, trung tâm hóa, đề cao tính chất đa điểm nhìn, đa chủ thể, đa thanh trong văn học”10. Từ góc nhìn nữ quyền sinh thái, sự hòa kết diễn ngôn độc thoại với đối thoại cũng chính là đặc tính đối thoại của nữ giới với tự nhiên, với đặc tính đối thoại này, văn bản hiện lên không chỉ là tiếng nói đơn chiều từ con người, mà còn là tiếng nói của tự nhiên. Thông qua tính đối thoại, thế giới tự nhiên cũng có những câu chuyện riêng và “nỗi lòng” của tự nhiên cũng được thấu hiểu chia sẻ bởi nữ giới.
Việc hòa phối diễn ngôn đối thoại trong độc thoại ở diễn ngôn nữ quyền sinh thái không phải là hướng vào hình thức nghệ thuật, bao gồm vẻ đẹp của ngôn từ, cốt truyện hấp dẫn, xây dựng nhân vật tinh tế, mà hướng đến việc thiết lập mối quan hệ tương giao của nữ giới với tự nhiên. Đối thoại với thế giới phi nhân loại không chỉ là sự đồng cảm, hơn thế, còn là nhập thân vào tự nhiên để thấu hiểu những gì thế giới đó phải gánh chịu. Đối thoại với tự nhiên vì thế như một cách đặt mình vào vị trí của thế giới phi nhân, giúp con người phản tỉnh qua cách mà mình đã từng đối xử với tự nhiên; từ đó nhìn xa hơn, rõ hơn những thách thức và nguy cơ trong tương lai nhân loại sẽ đương đầu.
2. Đối thoại để chất vấn hoài nghi và phản tư
Hoài nghi là sự “trật đường ray” ra khỏi những quy tắc thông thường. Trạng thái ngờ vực, đa nghi đối với những giá trị quy chuẩn, cố định trong văn xuôi nữ Việt Nam đương đại là một hình thức giải cấu trúc trung tâm, đặt lại vị thế của sinh loài, của thiên nhiên trong bối cảnh phát triển của đô thị: “Lối viết hậu hiện đại phản ánh những mối lo lắng hoang mang tính đa nghi hoang tưởng bằng nhiều cách, gồm có: sự hoài nghi đối với những gì cố định đối với việc bị hạn chế trong bất cứ nơi chốn hay danh tính nào, sự tin chắc rằng xã hội âm mưu chống lại cá nhân, và sự bội tăng của những mưu đồ tự tạo để chống lại kế hoạch của những người khác”11.
Khi con người tự cho mình là bá chủ muôn loài, còn những giống loài khác thì thấp kém, Dạ Ngân đã làm một phép so sánh để chứng minh con người chỉ là “giống loài yếu đuối”: “Một con voi mới sinh chưa đầy tiếng đồng hồ đã phải gượng bước theo chân mẹ, một con mèo mới lọt lòng đã có thể tự đánh hơi mà tự rúc về phía bụng mẹ tìm vú... Con người nếu không được chăm bẵm thì không ai có thể sống sót qua mấy năm đầu đời bấy bá, quờ quạng u minh”. Bà đặt ra sự chất vấn hoài nghi với tư tưởng bá chủ của loài người: “Tại sao lại có những ý nghĩ kỳ khôi này? Là vì con người hay lớn lối với thiên nhiên và muôn loài hay thực sự con người là giống bất lực một cách thâm căn cố đế nên đến giai đoạn nào đấy, con người bỗng chợt nhận ra chân lý ấy?”12. Tác giả cũng bày tỏ sự ngờ vực với những giá trị hiện đại của quá trình đô thị hóa nông thôn: “Cũng khép kín, cũng oi ngột, cũng “đèn nhà ai nấy sáng” thì văn hóa làng đã đội nón ra đi chưa?... Quá tiếc cho một nông thôn thoáng đãng yên bình. Khi con người quây chặt mình vào bốn bức tường và thản nhiên vứt rác ra đường, thì dân tộc ấy đã đánh mất mình hay chưa?”13. Thông qua đó là bức thông điệp phê phán chủ nghĩa nhân loại trung tâm, phản đối việc xem tự nhiên là người “mẹ” cung ứng và hi sinh cho mọi nhu cầu của con người mà không cần được báo đền, từ đó chủ trương thay đổi tư tưởng thống trị, đề cao sự tồn tại bình đẳng của các sinh mệnh trên trái đất.
Không chỉ có nhu cầu nhận thức, luận giải và đối thoại với tư tưởng bá chủ của con người với tự nhiên mà các nhà văn nữ đương đại còn thể hiện thái độ phản tư, lên án những hành động xâm phạm đến tự nhiên: “Tôi ghét cay ghét đắng những gã đàn ông trai tráng làng Chiềng Va mỗi khi bắt gặp họ vác súng, vác nỏ, đuổi chó vào rừng săn bắn những con thú hoang vô tội”14. Hơn thế, họ cũng bảo vệ tự nhiên bằng tất cả sự mưu trí và gan dạ của mình để trừng trị những kẻ phá rừng: “Đã có nhiều lần, tôi bắn vào giữa kẽ ngón tay của bàn tay những đứa xoè ra để trả tiền và nhận tiền bán gỗ, bán thú săn trong rừng dù không phải là khu rừng tôi chăm sóc và bảo vệ. Tôi đã thực sự làm cái việc là gây ra nỗi sợ hãi hoang mang cho những thằng chuyên buôn bán gỗ khai thác lậu trong rừng”15. Ở các dân tộc thiểu số Việt Nam, rừng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bảo vệ rừng, bảo vệ tự nhiên đã trở thành chủ đề day dứt trở đi trở lại trong rất nhiều sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh như Suối lạnh, Quả còn, Gốc gội xù xì, Giải vía, Nước mắt đỏ, Một nửa của người đàn bà… Một số nhà nữ quyền sinh thái thổ dân cho rằng, phụ nữ bản địa (Native-ness) có một sức mạnh đóng vai trò như một loại “mô liên kết”, liên kết nhân loại và thế giới phi nhân với nhau. Đó là sức mạnh giúp tạo ra sự kết nối tổng thể. Và rõ ràng, loại “mô liên kết” đó trong sáng tác các của các nhà văn nữ đương đại được thể hiện qua nguyên lý đối thoại.
Tự nhiên qua diễn ngôn của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại không phải là một thế giới vô ngôn, hơn thế, chúng có bản năng sống vô cũng mãnh liệt. Không một sinh loài nào muốn nhận lấy cái chết nên chúng có tiếng nói và sức đề kháng mạnh mẽ nếu bị con người tấn công. Sự phản kháng của Soong - chú khỉ con mồ côi mẹ trong Lời sli bay cao của Bùi Thị Như Lan cũng là minh chứng cho cuộc chiến đấu sinh tồn của tự nhiên cũng như sự bảo vệ quyết liệt của nữ giới trước bàn tay thô bạo độc ác của nam giới: “người đàn ông râu quai nón tua tủa, dữ dằn đang dội gáo nước nghi ngút khói vào con Soong. Dín vội xô ngã ông ta, giật tung sợi dây trên cổ Soong, hét lên: - Chạy nhanh. Soong guồng chân, nhằm hướng rừng lao đi”16. Đối với loài vật, nữ giới thường giàu lòng trắc ẩn và nam giới thường bộc lộ bản chất thống trị. Tuy nhiên, ở đâu có quyền lực ở đó có đấu tranh. Quyền lực không đơn thuần là sự cai trị mà luôn có sự thách thức, đối kháng lại sự cai trị đó.
Tự nhiên vô sinh qua diễn ngôn của nữ giới cũng thực sự lên tiếng. Khuất phục tự nhiên là tham vọng và ý chí của người đàn ông. Tuy nhiên, họ cần phải thức tỉnh trước những đòn trả thù chí mạng của giới tự nhiên. Trong Biển và người của Quế Hương, biển là nguồn sống, tuy nhiên biển cũng có thể gieo rắc những hiểm họa và sự tàn phá khủng khiếp: “sóng cuốn phăng tất cả, ném phận người khắp nơi trong mưa bão tơi bời”. Nục phải đối diện với muôn vàn nguy hiểm, đói khát. Ngày trở về Nục “nằm phơi trên chiếc áo phao nó như con mực lép kẹp dần bởi nắng gió và nước biển”. Biển cuốn trôi tất cả. Chuyến ra khơi của Nục còn lại nỗi kinh hoàng. Đó như là lời cảnh tỉnh con người: “Tự nhiên luôn có những logic huyền bí của nó, nếu con người cư xử ngỗ ngược thì sẽ bị trừng phạt thê thảm”17. Võ Thị Xuân Hà cũng đã lắng nghe sự trở mình của thiên nhiên trước tình trạng bị xâm chiếm. Sông Hương không phải lúc nào cũng hiền hòa như một người mẹ nhân từ hiến mình cho cuộc sống được tiếp nối và phình ra những tế bào sống mới. Đôi khi dòng sông cũng nổi giận và lồng lên dữ dội như cảm nhận được sự tàn khốc của chiến tranh: “Dòng sông Hương giấu hết vẻ hiền từ vốn có như sắp lồng lên dữ dội. Bởi lúc bấy giờ cả ngôi làng như bị gió bốc lên khỏi mặt đất. Muôn loài hốt hoảng”18. Khi tự nhiên lên tiếng khẳng định quyền lực của mình, tính mạng con người trở nên nhỏ bé đáng thương: “cuối cùng con người bé nhỏ phải gánh chịu toàn bộ cơn cuồng phong của trời đất”19. Rõ ràng ngay cả thế giới tự nhiên vô sinh cũng có đời sống sinh mệnh riêng. Dù biển cả, sông suối hay rừng núi, một khi đã bị xâm phạm chúng đều trở nên hung hãn khó lường. Cơn cuồng nộ rừng khi những đứa con của mình bị giết hại cũng được mô tả trong trong Lời sli bay cao của Bùi Thị Như Lan: “Rừng gào thét, còn gió thì lồng lên như có một người khổng lồ đang đập những chiếc váy đen trên ngọn cây rừng, ôm chặt lấy các cây gỗ mà lắc man dại, gào rú bằng trăm giọng hoang rợ”20. Tự nhiên và nữ giới là những thực thể bình đẳng, nếu nam giới hành xử với họ như là “giới thứ hai” thì bằng cách này hay cách khác sẽ nhận sự trả giá từ sự lên tiếng phản ứng của họ. Sự chuyển đổi vị thế từ nạn nhân nhỏ bé, thua thiệt sang vị thế chủ động của nữ giới cũng như tự nhiên là sự phản tỉnh về diễn ngôn cao ngạo của nam giới, đó cũng là lời nhắc nhở về thái độ sống tôn trọng kẻ “khác”, bởi một triết lý giản đơn: “tất cả chúng ta sinh ra từ cát bụi của các vì sao, là anh em họ hàng với động vật hoang dã, với hoa đồng cỏ nội. Con người không thể độc quyền trái đất. Nó là mái nhà của muôn loài”21. Bằng diễn ngôn đối kháng, các cây bút nữ đương đại đã đánh thức tiếng nói của tự nhiên, đồng nghĩa chúng ta lắng nghe được cơn cuồng nộ của thế giới phi nhân dưới bàn tay tàn bạo của nhân loại. Lắng nghe những thanh âm của thiên nhiên, biết đặt mình vào vị thế của tự nhiên, các nhà văn nữ đương đại góp phần “đưa ra những luận điểm phản tỉnh để thúc đẩy sự công bằng không chỉ với tự nhiên mà với cả những số phận gần gũi, bảo vệ, che chở cho tự nhiên, kêu gọi một sự công bằng xã hội”22. Chính những phản ứng của tự nhiên như vậy đã tạo ra từ trường đối thoại trong tiểu thuyết. Rõ ràng, thuyết nhân loại trung tâm đã tan rã trên văn bản để tái thiết quan niệm mới: nhân loại – tự nhiên. Vì thế, đối thoại diễn ra không chỉ ở các nhân vật trong văn bản mà còn là sự tương tác giữa văn bản và độc giả.
Dám chất vấn và biết chất vấn bao giờ cũng là kết quả của sự bình đẳng trong đối thoại và phát triển trong nhận thức. Diễn ngôn về tính nữ trong sáng tác của các cây bút nữ sẽ trở nên táo bạo, sắc sảo và quyết liệt khi họ để cho nhân vật nữ của mình dám chất vấn, hoài nghi và phản tư tư tưởng nam quyền thống trị. Vì thế những đối thoại thực chất là thể hiện sự đối lập về lập trường tư tưởng của các nhân vật nữ với tư tưởng nhân loại trung tâm. Từ vị trí của “giới mình”, các nhà văn nữ đương đại đã thấu hiểu nỗi niềm của những thân phận dễ bị tổn thương là nữ giới cũng như giới tự nhiên, hiểu được những khao khát giải phóng bản thân và tiềm năng của họ trong việc kết nối và liên hệ chặt chẽ trong quá trình phản kháng lại nam tính gia trưởng. Khẳng định vị thế của những thân phận vốn được coi là ngoại biên, họ đã góp phần cất tiếng trong việc lật đổ và tái thiết lại văn hóa gia trưởng của nhân loại.
Nhìn văn xuôi nữ Việt Nam đương đại từ nguyên lý đối thoại, chúng ta hiểu sự kết nối giữa nữ giới và tự nhiên. Qua đối thoại, văn bản hiện lên không chỉ là tiếng nói đơn phương, một chiều từ con người mà còn là tiếng nói của tự nhiên. Người nữ có thể lắng nghe những thanh âm lạ thường của tự nhiên, sống hài hòa với muôn loài bằng tình yêu “tương trợ” là chủ đích phê bình nữ quyền sinh thái hướng tới, cũng là những gì nghệ thuật đối thoại mang lại. Mặt khác, tính phản tư của nữ giới và tự nhiên cũng tạo ra từ trường đối thoại trong văn xuôi vì nó cho thấy nhân loại trung tâm đã tan rã trên văn bản và những quan niệm mới về tính bình đẳng đã được tái thiết.
Tài liệu tham khảo:
1. Christopher Manes (1995), Nature and Silence, The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology, edited by Cheryll Glotfelty & Harold Fromm, New York & London: Routledge, p. 15-29.
2. Nguyễn Thái Hoà (2006), Từ điển Tu từ – Phong cách – Thi pháp học, NXB Giáo dục.
3. Mikhail Bakhtin (1993), Những vấn đề về thi pháp Đôxtôiepxki (Trần Đình Sử dịch), NXB Giáo dục, tr. 235.
4. Michael J. McDowell (1995), “The Bakhtinian road to ecological insight”, The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology edited by Cheryll Glotfelty and Harold Fromm, University of Georgia Press, p. 372.
5. Trần Thị Ánh Nguyệt - Lê Lưu Oanh (2016), Con người và tự nhiên trong văn xuôi, NXB Giáo dục Việt Nam.
6. Phùng Gia Thế (2016), Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chú thích:
1 Michael J. McDowell (1995), “The Bakhtinian road to ecological insight”, The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology edited by Cheryll Glotfelty and Harold Fromm, University of Georgia Press, p. 372.
2 Mikhail Bakhtin (1993), Những vấn đề về thi pháp Đôxtôiepxki, Trần Đình Sử dịch, NXB Giáo dục, tr. 235.
3 Nguyễn Thái Hoà (2006), Từ điển Tu từ – Phong cách – Thi pháp học, NXB Giáo dục, tr. 70.
4, 5 Nguyễn Ngọc Tư (2005), Cánh đồng bất tận, NXB Trẻ, tr. 202.
6 , 7, 14, 15 Hà Thị Cẩm Anh - Trần Thị Vân Trung (2016), Tuyển tập văn xuôi Hà Thị Cẩm Anh, NXB Đại học Thái Nguyên, tr. 375, 385, 406, 387.
8, 9 Nguyễn Ngọc Tư (2010), Khói trời lộng lẫy, NXB Thời đại, tr. 139.
10 Christopher Manes (1995), Nature and Silence, The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology, edited by Cheryll Glotfelty & Harold Fromm, New York & London: Routledge, p. 15-29.
11 Phùng Gia Thế (2016), Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 129.
12, 13 Dạ Ngân (2010), Phố của làng, NXB Thanh niên, tr. 189, 183.
16, 20 Bùi Thị Như Lan, Lời Sili bay cao, http:// chimviet.free.fr/truyenky/buithinhulan/buithinhu lan_LoiSliBayCao_a.htm, ngày truy cập: 20/2/2024.
17, 22 Trần Thị Ánh Nguyệt - Lê Lưu Oanh (2016), Con người và tự nhiên trong văn xuôi, NXB Giáo dục Việt Nam, tr. 96, 72.
18, 19 Võ Thị Xuân Hà (2002), Tập truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà, NXB Phụ nữ, tr. 9, 7.
21 Quế Hương (2011), Tre nở hoa, https://isach. info/story.php, ngày truy cập: 20/2/2024.