THIÊNG LIÊNG 55 NĂM ''DI CHÚC'' CỦA BÁC HỒ

Bài viết giới thiệu những áng văn có giá trị lớn lao cho dân tộc trong hành trình 50 năm viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, bài viết phân tích một số nội dung, giới thiệu quá trình viết ''Di chúc'' trong khoảng thời gian dài với những đắn đo, sửa chữa, thêm bớt, cân nhắc trên từng ý, từng câu, từng chữ, thể hiện những trăn trở, suy nghĩ, tình cảm lớn lao, thiêng liêng của Bác đối với nước, với dân.

   Trên hành trình 50 năm viết của Hồ Chí Minh, Di chúc là áng văn cuối cùng gây xúc động lớn nhất cho toàn thể dân tộc Việt Nam và bạn bè năm châu. Trong hành trình 50 năm ấy, kể từ Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Versaille (1919), Bác đã để lại bao áng văn có giá trị khai sáng, thúc đẩy, đánh dấu và tạo nên các bước ngoặt cơ bản cho dân tộc, như: Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường Kách mệnh (1927), Tuyên ngôn độc lập (1945). Tiếp đó, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ kéo dài 30 năm, cả dân tộc Việt Nam, triệu người như một, đã lắng nghe lời Bác trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946) và Không có gì quý hơn độc lập, tự do (1966), cả hai như là hịch xuất quân, là hiệu lệnh tấn công. Kể từ Tuyên ngôn độc lập (1945), lời Bác đã thành lời non nước, là âm vang lịch sử, là sự dồn tụ sức mạnh của dân tộc; sau nữa là Di chúc (1969), áng văn cuối cùng Bác viết để vĩnh biệt nhân dân, đi vào thế giới người hiền.

   Khác với mọi áng văn được viết trong suốt 50 năm, Di chúc được Bác chuẩn bị sớm và được sửa chữa nhiều lần. Đó là tài liệu “Tuyệt đối bí mật” được Bác chính thức khởi thảo từ 10/5/1965, ở tuổi chẵn 75; sau đó, hằng năm, vào tháng Năm, Bác đều tiếp tục sửa chữa, cho đến 10/5/1969, có nghĩa là Bác đã chủ động và cẩn trọng suy nghĩ về nó trong nhiều năm, đã chuẩn bị cho mình một cuộc ra đi thanh thản sau mọi lo tính chu đáo cho dân, cho nước. Nhìn vào bút tích Bác để lại trong các văn bản Di chúc, với những dập xoá, thêm bớt, sẽ thấy Bác đã đắn đo, cân nhắc trên từng ý, từng câu, từng chữ. Bao trùm lên tất cả là một tình cảm vừa bao la vừa thấm thía đối với tất cả những ai có chung nguồn cội Tiên Rồng và có quyết tâm đi đến cùng khát vọng độc lập, tự do mà Bác là người đã gieo hạt giống đầu tiên trong tư cách tác giả của Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Versaille trước đó chẵn 50 năm. Kể từ đầu tháng 9/1969, mọi thế hệ người dân Việt Nam yêu nước hẳn không ai là không thuộc từng ý, từng lời trong Di chúc và nhận ra qua những căn dặn của Bác tất cả những gì là cốt thiết nhất, cơ bản nhất cho sự nghiệp cách mạng nhằm giải phóng dân tộc và đem lại hạnh phúc cho mỗi con người. Mở đầu Di chúc, đó là sự khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hi sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn” và “Đó là một điều chắc chắn”. Tiếp đó: “Trước hết nói về Đảng” với căn dặn “giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, do là một Đảng cầm quyền nên mỗi đảng viên, cán bộ phải thấm nhuần đạo đức cách mạng. Sau Đảng, là các đoàn viên và thanh niên, với yêu cầu “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”. Rồi nhân dân lao động, Đảng “phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Kế đến “là phong trào cộng sản thế giới” đang trong nguy cơ chia rẽ mà Bác đang gắng công hàn gắn. Cuối cùng là “Về việc riêng”, chỉ trong 76 chữ, nếu cộng thêm ba chữ “Về việc riêng” thì mới đến 79 chữ.

   Bản Di chúc viết xong ngày 10/5/1969, được công bố trong Lễ tang Bác và đăng trên Báo Nhân Dân ngày 10/9/1969, do tình hình lịch sử nên không đưa vào một số đoạn Bác viết thêm. Đến năm 1989, nhân 20 năm thực hiện Di chúc của Bác, bản Di chúc mới được công bố đầy đủ, khiến ta càng xúc động và cảm nhận một chủ nghĩa nhân văn sâu sắc và đạo đức cách mạng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những đoạn Bác nói về những việc cần làm ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Trước tiên vẫn là “chỉnh đốn lại Đảng” (đây là điểm Bác nhắc đến 2 lần). Tiếp đó là “công việc đối với con người”, những ai đã hi sinh cho Tổ quốc, những liệt sĩ và cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sĩ; là việc học hành, lập nghiệp của thanh niên; việc chăm sóc phụ nữ; việc giáo dục, cải tạo những nạn nhân hư hỏng của chế độ cũ…; cuối cùng là việc miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho nông dân. Còn “Về việc riêng” thì trong bản thảo đầu tiên đề ngày 15/5/1965, Bác đã yêu cầu được hoả táng và để lại tro xương, trong đó dành một phần tro cho Miền Nam; trong bản chữa lần sau, Bác lại yêu cầu chia tro thành 3 phần để vào 3 lọ sành đặt ở 3 miền Bắc, Trung, Nam để nơi đâu nhân dân cũng có Bác ở cạnh và đỡ phải đi lại xa xôi. Nghĩ sâu vào việc này sẽ có bao điều thật xúc động trong tình thương dân mênh mông của Bác.

   Nhớ lại những ngày đầu tháng 9/1969 “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”1, cùng với bản Di chúc lịch sử được công bố là 5 lời thề thiêng liêng trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hơn 10 vạn người tham dự trên Quảng trường Ba Đình, cùng một đúc kết tuyệt vời về Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

   55 năm đã qua, kể từ khi Di chúc được công bố. Kiểm lại những mục tiêu chúng ta đã thực hiện được, những mục tiêu chúng ta đang tiếp tục làm – thể theo nguyện vọng của Bác, kể cả những sai lầm, những khuyết điểm, những tệ bệnh lưu niên và những việc còn chưa làm được có thể khiến cho hương hồn Bác không vui, Di chúc vẫn tiếp tục đưa đường, chỉ lối cho chúng ta. Đã 55 năm Bác đi xa nhưng với dân tộc Việt Nam, không lúc nào và không ở đâu thiếu vắng hình ảnh Bác – người đã để lại “muôn vàn tình thân yêu” cho tất cả chúng ta, người suốt đời “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là Tổ quốc ta được độc lập, dân ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Chỉ bấy nhiêu điều, đơn giản vậy, như cách nói quen thuộc của Bác, nhưng hãy khơi cho hết độ sâu và mở ra cho hết diện rộng của nó, ta sẽ đến được với cái đích cuối cùng gọi bằng “Hạnh phúc” (trong bộ ba: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc) chung cho cả dân tộc và riêng cho từng người trong kỷ nguyên xứng đáng mang tên gọi “Kỷ nguyên Hồ Chí Minh”.

 

 

 

Chú thích:
 1 Thơ Tố Hữu.

Bình luận

    Chưa có bình luận