1. Đoàn Thị Điểm trong các thư tịch trung đại
Hình tượng Đoàn Thị Điểm trong các thư tịch trung đại đánh dấu giai đoạn cởi mở của Nho gia với những câu chuyện và nhân vật bên lề, bao gồm nhân vật người phụ nữ. Các văn bản chép về Đoàn Thị Điểm là các văn bản thuộc thể loại văn xuôi tự sự trung đại (xem Tang thương ngẫu lục, Sơn cư tạp thuật). Trong văn xuôi tự sự, các tác giả Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án đã bổ sung những chuyện “quốc sử chưa chép, bại quan chưa ghi”1. Thế kỷ XVIII cũng là thế kỷ chứng kiến sự thay đổi của các thể loại văn xuôi tự sự. Thể loại truyền kỳ, sau đỉnh cao Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, bước vào giai đoạn thoái trào và biến đổi. “Quan điểm “văn dĩ tải đạo”, “thi ngôn chí” bị đẩy xuống hàng thứ yếu […]. Trong thực tế, các tác giả kể trên đã cố gắng viết về “người thật việc thật”, cố gắng bám sát các sự kiện đương thời”2. Điều này có lẽ giải thích cho việc Đoàn Thị Điểm và tài học của bà trở thành một chủ đề nghiêm túc, đáng quan tâm với giới Nho sĩ đương thời.
Chịu ảnh hưởng của tư tưởng “thực lục”, “kiến văn lục”, các tài liệu liên quan đến Hồng Hà nữ sĩ trong các thế kỷ XVIII-XIX có thể được coi là những trang viết tương đối chân thực về Đoàn Thị Điểm. Khác với những văn bản tự sự ở giai đoạn trước, nơi người viết dựa vào một cốt truyện có sẵn để sáng tạo ra câu chuyện riêng, ở các văn bản giai đoạn thế kỷ XVII trở đi, các chuyện được chép với độ chính xác cao hơn. Khi giới thiệu về Đoàn Thị Điểm, người chép chú ý tới gia cảnh của nữ sĩ. Đoàn Thị Điểm được nhắc đến như “em gái ông Tỉnh nguyên Đoàn Luân” (Tang thương ngẫu lục) hoặc “em gái ông Giải nguyên Nguyễn Luân” (Sơn cư tạp thuật). Bà có một thời gian “du học ở kinh đô” (Sơn cư tạp thuật). Đoàn Thị Điểm là người giỏi đối đáp, biết làm thơ, văn. Hai tác phẩm đều nhấn mạnh đến thái độ khe khắt của bà khi kén chồng, “bao nhiêu người muốn lấy bà đều không vừa ý” (Tang thương ngẫu lục). Quá tuổi cập kê, bà mới nhận lời lấy ông Hạo Hiên Nguyễn Kiều. Việc bà dạy học, có nhiều học trò đỗ đạt, được ghi lại. Các tác phẩm của bà, bao gồm Truyền kỳ tân phả (Sơn cư tạp thuật có kể thêm Bích Câu kỳ ngộ) được giới thiệu trong các chuyện này. Tang thương ngẫu lục còn kể việc bà sống đến năm 78 tuổi, đi lại chốn kinh kỳ, mặc dù chi tiết này mâu thuẫn với những nét tiểu sử của Đoàn Thị Điểm trong Đoàn thị thực lục.
Tuy vậy, vẫn tồn tại những khác biệt xung quanh chân dung Đoàn Thị Điểm trong những văn bản tưởng như chỉ có giá trị tiểu sử này. Sự khác biệt nằm trước tiên ở tiêu đề văn bản. Chuyện thứ bốn mươi của Tang thương ngẫu lục viết về Đoàn Thị Điểm có tên Á phu nhân, còn Sơn cư tạp thuật giới thiệu bà như một người có tài, “Tài nữ”. Như vậy, trong mắt các tác giả Tùng Niên, Kính Phủ, danh tính quan trọng nhất của Đoàn Thị Điểm là danh tính của một người vợ - “phu nhân”. Đọc các truyện khác của Tang thương ngẫu lục, người đọc cũng sẽ thấy các nhân vật nữ được định danh bằng tình trạng hôn nhân - xem Liệt phụ Đoàn phu nhân, Đào mẫu mộ, hoặc “Tiên quận chúa”. Cũng như vậy, Đoàn Thị Điểm có tài năng đến đâu vẫn là một người vợ, “Á phu nhân”. Tiêu đề văn bản chi phối cách tổ chức thông tin của văn bản. Những chi tiết về tài năng của Đoàn Thị Điểm đều phục vụ cho việc giải thích tại sao bà “kén chồng khe khắt”. Một người phụ nữ “nổi tiếng văn học”, từ nhỏ đã cùng anh trai “vui việc bút nghiên”, ắt sẽ không dễ dàng chấp nhận những người đàn ông kém tài. Tang thương ngẫu lục tiếp tục dẫn câu chuyện về Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn như một ví dụ cho yêu cầu khe khắt của bà. Khi Đặng Trần Côn mến tiếng mà muốn vào thăm, Đoàn Thị Điểm cười, cho rằng “Cậu học trò mới học ấy, bõ gì nói chuyện”. Tất cả những ví dụ về tài năng ấy của bà đều ngụ ý rằng Đoàn Thị Điểm đang đợi chờ một người có thể chinh phục bà bằng tài năng. Chi tiết về Nguyễn Kiều, vì thế, càng làm người đọc thoả mãn khi người tài nữ đã tìm được tấm chồng vừa ý, “vợ chồng kính trọng nhau như khách, đương thời cho là một chuyện đẹp”. Tài năng của Đoàn Thị Điểm vẫn chỉ là yếu tố thứ yếu tạo nên danh tính của bà. Câu chuyện về người cháu gái tên Mỗ và người chồng Nguyễn Xuân Huy là sự láy lại về tầm quan trọng của đạo vợ chồng. Trong truyện, Nguyễn Xuân Huy mất sớm, người cháu gái trở thành goá bụa. Đoàn Thị Điểm làm câu đối để nói thay lòng cháu gái: “Tuyền hạ thừa hoan, ưng tri quân hữu tử; Mộng trung đối thoại: thuỳ vị thiếp vô phu” (Dưới suối vàng vui vầy, biết chàng có con/ Trong giấc mộng chuyện trò, ai bảo thiếp không chồng). Người phụ nữ có thể vì nhiều lý do mà xa chồng hay mất chồng nhưng điều quan trọng là họ đã thành thân và họ sẽ luôn chung thuỷ, ngay cả trong tâm tưởng, giống như người cháu gái “trong mơ trò chuyện” với người chồng quá cố. Dễ thấy, nói hộ cháu gái, song Đoàn Thị Điểm trong Tang thương ngẫu lục thực ra đang lên tiếng cho chính mình - ông Hạo Hiên chồng bà có thể mất, song bà vẫn luôn được ghi nhớ như một người vợ thứ của ông.
Ngược lại, tiêu đề chương “Tài nữ” của Sơn cư tạp thuật đã định hướng cho việc kiến tạo hình tượng Đoàn Thị Điểm như một người phụ nữ với tài năng nổi trội. Những chi tiết miêu tả Đoàn Thị Điểm đều tập trung giải thích đặc điểm “tài nữ” của bà: bà sinh ra trong gia đình gia giáo, có anh trai đỗ đến Giải nguyên; bà có tài văn học, lại được du học ở kinh đô. Danh tiếng của bà khiến các bậc tài tử phải “nhường bước”; nhiều người muốn hỏi bà mà chỉ gác bút, cáo lui. Như vậy, danh tính “tài nữ” đã chi phối cuộc đời Đoàn Thị Điểm để đến độ tài năng này ảnh hưởng đến chuyện quan trọng nhất cuộc đời mỗi người phụ nữ - việc cưới xin. Đoàn Thị Điểm trong Tang thương ngẫu lục dùng tài năng như phép thử để phục vụ chuyện trăm năm; Đoàn Thị Điểm trong Sơn cư tạp thuật sống thuần tuý với thú bút nghiên hơn là đạo vợ chồng. Tương tự, những vần thơ Đoàn Thị Điểm làm trong Tang thương ngẫu lục liên quan đến vấn đề trinh tiết; ngược lại, Đoàn Thị Điểm trong Đan Sơn cư sĩ làm thơ để tỏ rõ chí khí trọng dụng người tài của mình, “Đàm tiếu cổ kim tâm phúc khách; Phù trì tả hữu cổ quăng nhân” (Xưa nay tâm phúc cùng bàn luận; Phải trái thân gần lại trợ phò). Sơn cư tạp thuật có nhắc đến việc bà lấy Nguyễn Kiều, song chi tiết này được xếp lẫn với các chi tiết khác về cuộc đời khác thường của bà. Như vậy, chuyện cưới xin đã được đẩy xuống hàng thứ yếu trong cuộc đời của Đoàn Thị Điểm ở chương “Tài nữ” của Sơn cư tạp thuật.
Hai thiên truyện của Tang thương ngẫu lục và Sơn cư tạp thuật đã cho thấy sự khác biệt về mặt nhận thức dẫn đến sự khác biệt về mặt đánh giá và kiến tạo hình tượng. Cụ thể, Tang thương ngẫu lục xây dựng hình tượng Đoàn Thị Điểm như một nhân vật tiết phụ của thời đại mới - có tài năng, song sử dụng tài năng để kén chồng; sớm goá chồng, song cả đời vẫn một lòng chung thuỷ với chồng. Ngược lại, Sơn cư tạp thuật nhìn nhận Đoàn Thị Điểm như một tài nữ, vì thế thiên truyện tập trung miêu tả cuộc đời của một người phụ nữ chịu ảnh hưởng của tài năng. Nhìn chung, hình tượng Đoàn Thị Điểm trong thư tịch trung đại thống nhất ở việc công nhận tài năng của bà, song sự diễn giải hình tượng vẫn là khá phong phú với mỗi chủ thể kiến tạo.
Bên cạnh đó, cũng tồn tại không ít những ý kiến trái chiều về tài năng văn chương của Đoàn Thị Điểm. Nham Giác phu Tốn Phong thị viết lời tựa cho tập Lưu Hương Ký3 nhắc đến Đoàn Thị Điểm: “Nước Nam tôi có tiếng là văn hiến nhưng đàn bà nhiều người không được học, giữa thời Lê có nữ tử Đoàn Thị Điểm viết truyện truyền kỳ” và chê văn của bà “ngôn từ thiên về trào phúng, đùa bỡn”. Theo Tốn Phong, làm thơ - hay làm văn chương - “Có thể phát ở tình, dừng ở lễ nghĩa, chính là nhằm lay động thiên địa, cảm tới quỷ thần, giáo hóa điều tốt đẹp, làm dày luân lý con người”. Nhấn mạnh vào sự “đủ”, Tốn Phong phê phán Truyền kỳ tân phả không dừng ở lễ nghĩa, trở thành tác phẩm đùa giỡn, bỡn cợt. Ý kiến của Tốn Phong gặp gỡ với ý kiến của hai tác giả Thanh Hoà Tử, Quế Hiên Tử viết Hội chân biên: trong truyện về An Quốc Chân Nhân, các tác giả trích lại thơ tổng kết về cuộc đời các vị tiên, nhân đó nhắc đến Đoàn Thị Điểm: “Tiếu sát Hồng Hà bút vị chân”4 (dịch nghĩa: Cười ngất cho Hồng Hà nữ sĩ, ngòi bút chưa được chân thực). Trong một thiên khác kể về Thánh mẫu Liễu Hạnh, Đoàn Thị Điểm cũng xuất hiện: “Huy phong ý đức quang khung nhưỡng; Mạc đạo truyền kì bút đảo điên”5 (dịch nghĩa: Giấc mơ dâng hiến tấm lòng thành thường quanh quẩn cung trời cao quý; Chớ có kể ngòi bút Truyền kỳ vốn nghiêng ngả). Quan điểm tôn giáo đã chi phối cách kể và nhìn nhận sự kiện trong Hội chân biên. Xét việc những chi tiết kết hôn giữa các nhân vật đều được diễn giải thành cuộc gặp gỡ và tu luyện đạo, các tác giả Thanh Hoà Tử, Quế Hiên Tử hẳn không thể chấp nhận việc nhân vật Tiên chúa Liễu Hạnh trong Vân Cát thần nữ truyện hai lần thành hôn, lại có những tư tưởng hôn nhân thật khác thường: “Thiếp với lang quân, trên không có cha mẹ để thưa gửi, dưới không có thân thích để nương nhờ, tri kỷ gặp nhau, một lời là lễ, còn cần phải mối lái làm gì”6. Tương tự, những vần thơ Hà Sinh và Giáng Kiều làm ra miêu tả mối tình thật nồng cháy, khác hẳn diễn giải của Thanh Hoà Tử: “Nhận đắc đồng xa vân thượng hữu; Phương tri tòng giá kính trung nhân” (dịch nghĩa: Phải hiểu rằng cùng xe mây nhưng vẫn là bạn; Mới hay người đi cùng xe cũng là người trong gương)7. Các tác giả của Hội chân biên đứng trên góc nhìn tôn giáo mà phê phán Đoàn Thị Điểm “ngòi bút Truyền kỳ vốn nghiêng ngả”, cho là bà đã diễn giải sai câu chuyện về vị Thánh mẫu. Tốn Phong đứng từ góc độ nhà nho với quan niệm “Tất cả có thể phát ở tình, nhưng dừng ở lễ nghĩa” để chê Đoàn Thị Điểm xây dựng những nhân vật cá tính, phong lưu, làm thơ phú làm cảm động lòng người. Như vậy, trong mắt một số Nho sĩ, người phụ nữ dù có giỏi đến đâu thì cuối cùng vẫn phải được nhìn từ khía cạnh đạo đức. Tốn Phong tuy thừa nhận Đoàn Thị Điểm thạo chữ giữa những người đàn bà nước Nam không được học nhưng vẫn không công nhận tài năng của bà vì tác phẩm thiếu chuẩn mực lễ nghĩa. Phan Huy Chú bình luận trong mục viết về Tục truyền kỳ ở phần “Văn tịch chí” trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Lời văn hoa mỹ dồi dào, nhưng khí cách hơi yếu, kém tập trước [Truyền kỳ mạn lục]”. Xét rằng trong số các tác phẩm xếp vào hạng mục “Truyện ký” của Lịch triều hiến chương loại chí, chỉ có hai tác phẩm đề thể loại “truyền kỳ” trong tiêu đề là Truyền kỳ mạn lục và Tục truyền kỳ, chúng tôi cho rằng Phan Huy Chú đã sử dụng tiêu chí thể loại để so sánh, đánh giá hai tác phẩm. Tác phẩm của Nguyễn Dữ được coi là đỉnh cao của thể loại truyền kỳ ở Việt Nam, “đại khái bắt chước Tiễn đăng tập của một nhà Nho thời Nguyên”8, ứng dụng đầy đủ bút pháp của truyện truyền kỳ. Ngược lại, Đoàn Thị Điểm viết Truyền kỳ tân phả ““khớp” với lịch sử, chính xác đến cả từng năm, tháng, thời tiết...”9, yếu tố kỳ ảo trở nên thưa thớt và có phần gượng ép. Chúng tôi tin rằng quan niệm chung của người cầm bút thế kỷ XVII-XVIII đã thôi thúc Đoàn Thị Điểm viết theo tinh thần “kiến văn lục”, vừa để kể chuyện mà cũng vừa để giới thiệu về những người phụ nữ nổi bật của nước Nam. Song, xét theo bút pháp thể loại, sự rẽ hướng của Đoàn Thị Điểm vẫn là một cú hẫng cho những người yêu thể loại truyền kỳ. Sự “chệch hướng” về mặt bút pháp thể loại có thể là lý do cho những bình luận không nhiều thiện cảm của Phan Huy Chú về tác phẩm của Đoàn Thị Điểm.
2. Đoàn Thị Điểm lưu truyền trong dân gian
Chân dung về Hồng Hà nữ sĩ được dựng lên bởi tầng lớp Nho sĩ có nhiều điểm tương đồng với chân dung của bà trong tâm thức dân gian. Những màn đối đáp của bà được tập hợp trong Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 11, Giai thoại văn học Việt Nam. Ngoài ra, các câu chuyện về tài chữ nghĩa của bà cũng có thể tìm thấy trong các cuốn Văn tuyển Đoàn Thị Điểm (Bùi Hạnh Cẩn, 2002), Nhóm tác gia nữ sĩ Việt Nam (Bùi Hạnh Cẩn, Phạm Minh Thảo, Nguyễn Thị Kim Loan, Việt Anh, 2002) và Câu đối dân gian truyền thống Việt Nam (Trần Gia Linh, 2002). Điều đáng chú ý là nguồn tư liệu cho các câu đối trong Tổng tập văn học dân gian người Việt là các văn bản trung đại, bao gồm Đoàn thị thực lục, Tang thương ngẫu lục, Sơn cư tạp thuật. Như vậy, văn học thành văn và văn học dân gian có chung tài nguyên, chúng chia sẻ những thông tin về tiểu sử và các câu đối. Các giai thoại về Đoàn Thị Điểm có thể bắt nguồn từ những văn bản văn xuôi trung đại. Đời sống lâu dài của những câu chuyện này, tuy nhiên, lại được quyết định bởi sự lưu truyền dân gian. Chúng tôi sẽ chỉ ra xu hướng dân gian trong các giai thoại về Đoàn Thị Điểm, từ đó tái hiện hình tượng Hồng Hà nữ sĩ trong tâm thức cộng đồng.
Chúng tôi cho rằng quần chúng hưởng ứng các câu chuyện về Đoàn Thị Điểm nhờ tài đối đáp của bà, vốn là một dạng tài năng phát triển lên từ hò hát dân gian và câu đố. Trong hò hát dân gian, khi một bên dùng hò hát để xướng lên vấn đề thì bên kia phải dùng hò hát để đáp lời. Đối đáp diễn ra ở nhiều môi trường, trong các hoàn cảnh khác nhau: khi đi hỏi cưới, khi trêu ghẹo hoặc thách thức, trong rạp hát. Mục đích của việc đối đáp có thể là để thử tài, một hoạt động giao tiếp có tính thăm dò đơn thuần hoặc liên quan đến các vấn đề hệ trọng như cưới hỏi. Nội dung đối đáp thường xoay quanh những vấn đề đời sống, sử dụng ngôn ngữ bình dân. Những nội dung này có thể mở rộng ra các vấn đề chữ nghĩa, khi người tham gia đối đáp vận dụng các kiến thức từ sách vở thánh hiền. Hát đối được tầng lớp bình dân ưa chuộng, trong khi câu đối dùng trong các trường hợp trang trọng hơn như thờ phụng, lễ lạt và chúc tụng. Khả năng đối đáp của Đoàn Thị Điểm trong các giai thoại dân gian đã chứng tỏ tầm ảnh hưởng của bà như một nhân vật tiêu biểu của hò hát dân gian. Những câu đối bằng chữ Hán với những ý nghĩa thâm sâu dường như là đại diện xuất sắc cho hình thức giao tiếp hò hát của người Việt.
Những cuộc hội thoại đối đáp của Đoàn Thị Điểm phản ánh tinh thần sinh hoạt hò hát của nhân dân. Không gian diễn ra những màn đối đáp thường là ở nhà hoặc trên đường, những không gian gần gũi với đời sống bình dân hơn là không gian trang trọng. Mục đích đối đáp cũng đa dạng, gắn với sinh hoạt thường ngày, từ mong muốn thử tài đơn thuần đến bảo vệ thể diện quốc gia. Những nhân vật tham gia đối đáp bao gồm anh trai Doãn Luân, thượng thư Lê Anh Tuấn, các văn nhân hay sứ Tàu. Đặt trong bối cảnh giai thoại dân gian, sự xuất hiện của các nhân vật này cho thấy đời sống giao thiệp phong phú của Đoàn Thị Điểm, tương tự như những mối quan hệ mà người phụ nữ nông dân có “trong nhiều công việc, lúc cấy lúa, khi gặt hái, lúc làm đường, khi đắp đê”10. Dù được viết bằng chữ Hán và yêu cầu một trình độ học vấn nhất định để sử dụng, nội dung câu đối vẫn được hưởng ứng rộng rãi trong dân gian. Các câu đối được coi là đỉnh cao của tri thức dân gian, vận dụng nhuần nhuyễn chữ Hán chứ không phải là các sản phẩm lai căng của nền học vấn ngoại lai. Cuối cùng, vị thế chủ động của Đoàn Thị Điểm khi tham gia đối đáp có nhiều sự tương đồng với những người phụ nữ bình dân hơn là một cô gái quyền quý. Nếu như những người phụ nữ nông dân “tìm cách tỏ ra xuất sắc bằng trí óc cũng như sự hiểu biết của mình”11 thì Đoàn Thị Điểm cũng không ngần ngại thể hiện tài năng của bản thân trong việc đối đáp và kén chồng. Tất cả những đặc điểm ấy cho thấy sự phù hợp của hình tượng Đoàn Thị Điểm như một điển hình của trí khôn dân gian, từ đó kết nối một nhân vật thuộc tầng lớp cao với quảng đại quần chúng.
Chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt giữa những đối tượng cùng tham gia cuộc đối đáp với Đoàn Thị Điểm. Một bên đối tượng này là những người thân của bà, bao gồm anh trai Doãn Luân, cha nuôi Lê Anh Tuấn và cháu gái Lệnh Khương. Bên còn lại của đối tượng là “người khác”, xã hội, những người Đoàn Thị Điểm có giao thiệp. Đó là thầy dạy học của Trịnh Giang Nguyễn Công Hãng, ba văn sĩ trong lần đến thăm Đoàn Thị Điểm và sứ Tàu.
Các cuộc đối đáp giữa Đoàn Thị Điểm với những người thân của bà đều diễn ra trong các không gian quen thuộc. Đó là không gian nhà học của hai anh em Doãn Luân và Thị Điểm; không gian nhà bố nuôi Lê Anh Tuấn tại phường Bích Câu; không gian nhà anh trai Doãn Luân thời kỳ ở làng Vô Ngại. Người khởi xướng câu đối thường là anh trai Doãn Luân và trong trường hợp ở phường Bích Câu là thượng thư Lê Anh Tuấn. Mục đích của việc nêu vế đối cũng thường bắt nguồn từ lý do đơn giản: những nhân vật này muốn thử tài Đoàn Thị Điểm. Ví dụ, theo Tang thương ngẫu lục, khi vào nhà thấy em gái đang ngồi trước gương, Doãn Luân đã ra đề:
“Đối kính hoạ mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm” (Soi gương vẽ mày, một nét hoá thành hai nét).
Đoàn Thị Điểm hoàn chỉnh vế đối:
“Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân” (Tới ao xem trăng, một vầng biến ra hai vầng).
Trong một ví dụ khác, được kể trong Đoàn Thị thực lục, khi Doãn Luân nêu vế đầu tiên:
“Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi” (Rắn trắng cản đường, Hán Cao Tổ tuốt gươm ra chém).
Đoàn Thị Điểm đã đáp lại:
“Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết” (Rồng vàng đội thuyền, Hạ Vũ ngửa mặt mà than).
Theo các truyện được kể lại, Doãn Luân chỉ có một mục tiêu đơn giản khi ra vế đối cho em gái: ông muốn thử tài Đoàn Thị Điểm. Phản ứng của ông trước khả năng ứng biến của Đoàn Thị Điểm là rất tích cực. Doãn Luân được miêu tả là vô cùng ngạc nhiên và khâm phục tài năng của em gái. Như vậy, tài năng của Đoàn Thị Điểm đã được anh trai và gia đình đón nhận.
Đoàn Thị Điểm không chỉ trò chuyện với người thân mà còn giao thiệp với nhiều nhân vật trong giới trí thức. Những mối giao hảo này cũng để lại một số câu chuyện đáng chú ý, hé lộ tài năng và bản lĩnh của bà. Cụ thể, Đoàn Thị Điểm đã có cuộc gặp gỡ với quan đại thần Nguyễn Công Hãng, người bạn của thượng thư Lê Anh Tuấn; với ba văn sĩ ở nhà bà tại làng Vô Ngại, tỉnh Hưng Yên; và với sứ Tàu ở trạm Hoài Viễn, bên kia sông Nhị.
Những nhân vật trên có các mục đích khác nhau khi gặp Đoàn Thị Điểm. Nếu thượng thư Nguyễn Công Hãng muốn thử tài của bà thì ba văn sĩ tiếp cận bà với mục đích trêu ghẹo và bà xuất hiện bên bờ sông Nhị để đấu trí với sứ Tàu. Trong những câu chuyện này, Đoàn Thị Điểm đã thoát khỏi không gian gia đình cùng những người ra đề bài quen thuộc. Thay vì bố nuôi, bà phải đối diện với bạn của ông; thay vì anh trai, bà phải tiếp những văn nhân bỡn cợt; thay vì tầng lớp trí thức Việt, bà phải tiếp đón đoàn khách từ Trung Hoa. Như vậy, thử thách đặt ra cho bà đã lớn hơn. Nếu những người trong gia đình chỉ đơn thuần muốn thử tài bà thì các nhân vật người ngoài sẽ quyết định danh tiếng của bà. Danh dự của Đoàn Thị Điểm như một nữ sĩ có thể bị huỷ hoại nghiêm trọng nếu bà không vượt qua các màn đấu trí này. Sự thắng thế của bà trong các câu chuyện, vì vậy, càng củng cố tài năng của bà và cho thấy bà là một đại diện xứng đáng khi nhắc đến các gương mặt tiêu biểu của tài năng nữ.
Câu chuyện giữa bà và sứ Tàu một lần nữa củng cố tài năng của bà với tư cách một nữ sĩ, không đơn thuần là một nữ nhân hay chữ của dòng họ. Khi sứ nhà Thanh sang, triều đình cử những người văn hay chữ tốt để làm các công việc bán hàng, lái đò, nhằm chứng minh cho phương Bắc thấy Đại Việt cũng là quốc gia có truyền thống khoa cử. Hàng nước được dựng ở thôn Cự Linh, huyện Gia Lâm. Đoàn sứ vượt sông Hồng qua Thăng Long sẽ dừng thuyền tại đây để đi bộ. Khi gặp Đoàn Thị Điểm, sứ thần có trêu ghẹo:
“Nam phương nhất thốn thổ, bất tri kỉ nhân canh” (Phương Nam một tấc đất, không biết bao nhiêu người cấy cày rồi).
Đáp lại, Đoàn Thị Điểm rất thản nhiên:
“Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất” (Đàn ông to lớn ở phương Bắc đều từ con đường này mà ra cả).
Kinh ngạc trước lời đối đáp của một người phụ nữ nước Nam và cũng hốt hoảng trước sự bạo dạn của bà, sứ thần lẳng lặng bỏ đi. Câu đối của Đoàn Thị Điểm không chỉ chuẩn mực về mặt chữ nghĩa mà còn ngụ ý sâu xa về sự ra đời của người đàn ông - từ cái “đồ” (từ thông tục miêu tả bộ phận sinh dục của người phụ nữ) mà ra. Sự thông tục này trong lời đáp của Đoàn Thị Điểm đã đáp trả ý tưởng kém duyên của sứ Tàu ở vế đầu. Như vậy, có thể thấy được sự hợp lý trong lời nói của Đoàn Thị Điểm: sự thông tục đã được sử dụng một cách có ngụ ý để cảnh cáo sứ Tàu. Trong màn giao thiệp với người phương Bắc, Đoàn Thị Điểm đã bảo vệ không chỉ là danh dự bản thân mà còn là danh dự của quốc gia.
Sự xuất hiện của Đoàn Thị Điểm trong các giai thoại giữa bà và Trạng Quỳnh cũng góp phần tô đậm hình tượng của Đoàn Thị Điểm như một người giỏi đối đáp trong tâm thức dân gian.
Trong các nghiên cứu tiểu sử chính thống cũng như trong Đoàn thị thực lục, không xuất hiện nhân vật Trạng Quỳnh. Nguyên mẫu của nhân vật này, Vĩ Hiên Công Nguyễn Quỳnh, cũng lớn hơn Đoàn Thị Điểm đến hai tám tuổi. Trạng Quỳnh quen biết Đoàn Thị Điểm trong thời gian Quỳnh đến học tại nhà cụ bảng nhãn, thân phụ bà Điểm. Tuy vậy, Nguyễn Quỳnh đã sớm đỗ Giải nguyên từ năm mười chín tuổi và chỉ ôn thi để đỗ kỳ thi Hội. Xét việc Đoàn Doãn Nghi chưa bao giờ đỗ kỳ thi Hội, chúng tôi cho rằng ít có khả năng Nguyễn Quỳnh đã theo học Dương Kinh tiến sĩ. Trong trường hợp Nguyễn Quỳnh có tầm sư học đạo ông Hương cống, có lẽ không xảy ra sự tiếp xúc giữa Nguyễn Quỳnh và Đoàn Thị Điểm. Nguyễn Quỳnh đỗ Á khoa nguyên Sĩ Vọng năm bốn mươi mốt tuổi (1719), khi Đoàn Thị Điểm mười bốn tuổi. Khoảng cách tuổi tác này là quá lớn để tạo ra những màn đối đáp có tính thân mật được lưu truyền trong dân gian. Như vậy, Trạng Quỳnh - hay nguyên mẫu của nhân vật là Nguyễn Quỳnh - không xuất hiện trong thời niên thiếu của Đoàn Thị Điểm. Có thể cho rằng những cuộc hội thoại giữa Đoàn Thị Điểm và Trạng Quỳnh là những cuộc hội thoại hư cấu. Tâm thức dân gian không chỉ bằng lòng với những câu chuyện chính thống lưu truyền về Đoàn Thị Điểm, Hồng Hà nữ sĩ là nguồn cảm hứng để tạo ra những hình tượng tài nữ có tài ứng đáp trong xã hội.
Tiểu sử của Đoàn Thị Điểm có những nét phù hợp cho việc kiến tạo các cuộc hội thoại tưởng tượng giữa bà và nhân vật Trạng Quỳnh. Không gian gặp gỡ giữa Đoàn Thị Điểm và Trạng Quỳnh là lớp học của thân phụ bà. Các trường học mở tại gia cho phép sự giao lưu, tiếp xúc giữa các học trò và gia đình người thầy. Nguyễn Văn Huyên khẳng định điều này: “Ở các làng quê Việt Nam cũng vậy, ở thời kỳ mọi người còn học chữ Hán tại nhà một ông đồ, học trò nam nữ nói chuyện với nhau luôn; họ làm thơ và câu đối, làm quen nhau bằng tài văn hay chữ tốt và ứng khẩu thành thơ”12. Đoàn Thị Điểm, mặc dù là con gái thầy đồ, cũng không có sự cách bức với những chàng trai bởi sự phân chia tầng lớp ở Việt Nam không bị đẩy đến mức gay gắt như ở phương Tây. Nhà nho là bộ phận “quý tộc tinh thần”, vừa phân biệt với quần chúng nhờ tài chữ nghĩa vừa bắt nguồn và sống lẫn trong quần chúng. Điều này giải thích tại sao những anh học trò “mặt trắng” có thể gặp gỡ với con gái các thầy học. Đoàn Thị Điểm và Trạng Quỳnh hẳn đã quen nhau trong hoàn cảnh như vậy. Thêm vào đó, Đoàn Thị Điểm vốn nổi tiếng là một người giỏi văn thơ. Tài năng của bà là nguồn cảm hứng cho dân gian sáng tạo ra những màn đối đáp nổi danh giữa bà và Trạng Quỳnh.
Như vậy, trong các hoàn cảnh phải đối đáp với người ngoài, Đoàn Thị Điểm đã chứng minh được tài năng của bản thân. Bà không chỉ là một phụ nữ biết chút chữ nghĩa thông thường, giới hạn tài năng trong khuôn khổ gia đình, mà còn mở rộng mối quan hệ của mình với những nhân vật quan trọng của triều đình, quốc gia. Dù là người chủ động đưa đề hay ứng đối, bà cũng chứng tỏ được bản lĩnh của mình, xứng đáng là nữ sĩ được giới trí thức lẫn nhân dân mến mộ.
Hình tượng Đoàn Thị Điểm trong các thư tịch trung đại hé lộ một số điểm quan trọng trong quan niệm của giới trí thức về Đoàn Thị Điểm cũng như những người phụ nữ có học. Trước hết, việc phụ nữ biết chữ không phổ biến. Mặc dù tầng lớp tác giả đã được mở rộng trong thời kỳ Lê Trung Hưng, thể hiện ở việc xuất hiện các tác phẩm của các tác giả nữ như Trịnh Thị Ngọc Trúc hay Diệu Viên, không có nhiều nữ nhân được đi học. Tài chữ nghĩa của người phụ nữ, vì vậy, được coi là điều kỳ lạ và đáng để truyền tụng. Thái độ của Nho sĩ về tài học của người phụ nữ cũng trở nên cởi mở hơn. Giai đoạn Mạc - Lê Trung Hưng đón nhận nhiều tác phẩm của các nữ sĩ: Trịnh Thị Ngọc Trúc, Trịnh Thị Ngọc Thuỳ, Đoàn Thị Điểm, Đoàn Lệnh Khương, Trương Thị Ngọc Trang, Bà Huyện Thanh Quan cùng tác giả khuyết danh của tập Ni tần thi tập. Sự xuất hiện đông đảo của tầng lớp này là một sự thay đổi lớn so với các nhân vật nữ nổi bật nhưng lẻ tẻ ở các thời kỳ trước, như Lý Ngọc Kiều hay Lê Thị Ỷ Lan ở thời Lý, Nguyễn Bích Châu ở thời Trần, Nguyễn Thị Lộ ở thời Lê sơ. Người phụ nữ và tài chữ nghĩa của họ, có thể thấy, đã dần trở thành một vấn đề được quan tâm và lưu truyền trong các thế kỷ sau.
Những nhà Nho thể hiện sự dè dặt với tài năng của người phụ nữ khi vẫn đặt tài năng của họ trong lễ giáo phong kiến. Một người phụ nữ có tài cũng không bộc lộ trực tiếp tài năng của họ. Phải có một yếu tố bên ngoài tác động vào họ - ví dụ như một cuộc thách đố hay thi tài - để họ vận dụng tài năng của mình. Trong các cuộc đối đáp, phụ nữ thường chứng tỏ cho tầng lớp trí thức nam giới rằng họ cũng là người biết chữ, hơn là khẳng định tài năng của mình bằng cách chủ động ra vế đối. Một người nữ có thể có tài nhưng tài năng này không quyết định số phận của họ. Tài năng bộc lộ giúp một người đàn ông đỗ đạt và làm quan; tài năng bộc lộ cho thấy một khía cạnh mới của phụ nữ, khiến họ trở nên “khó tiếp cận”. Các quan điểm cứng rắn hơn, ví dụ như quan điểm của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí hay Nham Giác phu Tốn Phong thị với Lưu Hương Ký, cho rằng tài năng của bà đã khiến những lời lẽ của bà có tính bỡn cợt, không phù hợp với giới nữ nói riêng và mẫu hình người sáng tác trung đại nói chung. Hình tượng Đoàn Thị Điểm trong hình dung của giới bác học trung đại là một người phụ nữ có học, có tài năng, song vẫn nằm trong vòng kiềm toả của lễ giáo phong kiến. Sự vượt lẽ thường của bà, thể hiện ở tác phẩm có tính “trào phúng, đùa bỡn”, cảnh báo về một người phụ nữ đã vượt qua vòng tròn lễ giáo, khiến bà trở thành tâm điểm của những phê phán, chê trách.
Ngược lại, trong hình dung của dân gian, Đoàn Thị Điểm là một đại diện tiêu biểu cho hình thức hò hát đối đáp, nơi người phụ nữ có quyền lực ngang với nam giới. Sinh hoạt hò hát của nhân dân cho phép người nam và người nữ bình đẳng thể hiện tài năng của họ; người kém tài hơn, không thể đối lại được, sẽ phải rời khỏi cuộc chơi. Trong hình thức này, người phụ nữ thoát ra khỏi những ràng buộc của đạo Nho về vấn đề “nam tôn nữ ti”, “phu xướng phụ tuỳ”. Họ đồng thời bảo vệ được danh dự, nhân phẩm của bản thân thông qua những trao đổi tài năng với người nam. Tài ứng đáp của Đoàn Thị Điểm, như vậy, là phù hợp với tư tưởng cởi mở của nhân dân. Bà trở thành điển hình của tài năng nữ giới trong một cuộc chơi bình đẳng - sinh hoạt hò hát nam nữ Việt Nam. Giai thoại dân gian đã xây dựng hình tượng một nhân vật đáo để, có khả năng tự quyết.
Chú thích:
1 Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án (1961), Tang thương ngẫu lục (Đạm Nguyên dịch), NXB Tủ sách dịch thuật, tr. 9.
2, 9 Nguyễn Đăng Na (1997), Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại (tập một), NXB Giáo dục, tr. 31, 32.
3 Phạm Trọng Chánh (2012): “Hồ Xuân Hương và Tốn Phong, người tình si”,
http://chimviet.free.fr/vanhoc/phamtrongchanh/phamtrongchanh_ HXH_TonPhong.htm.
4, 5, 7 Thanh Hoà Tử (2020), Hội chân biên (Nguyễn Thanh Tùng dịch và chú giải),NXB Đại học Sư phạm, tr. 70, 145, 70.
6 Trần Thị Băng Thanh (2018), Một điểm tinh hoa - Thơ văn Hồng Hà nữ sĩ, NXB Phụ nữ, tr. 74.
8 Phan Huy Chú (1960), Lịch triều hiến chương loại chí, tập II (Viện Sử học dịch và chú giải), NXB Giáo dục, tr. 512.
10, 11, 12 Nguyễn Văn Huyên (2003), Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, NXB Khoa học xã hội, tr. 30, 31, 30.