PHÁT TRIỂN NGHỆ THUẬT ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI ĐẠI SỐ

Trên cơ sở khẳng định việc nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ số là một xu hướng, nhu cầu tất yếu trong hoạt động âm nhạc hiện nay, bài viết phân tích, lý giải thực trạng ứng dụng công nghệ số trong sáng tạo, biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật âm nhạc; nghiên cứu âm nhạc dân tộc, bảo tồn di sản văn hóa âm nhạc; đào tạo, giáo dục âm nhạc của Việt Nam. Từ đó, đề xuất giải pháp phát triển âm nhạc bền vững theo hướng công nghệ số ở Việt Nam.

 

   Hiện nay, khoa học, công nghệ đang ngày càng tác động và chiếm lĩnh vị trí quan trọng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Từ một sản phẩm vật chất được đưa ra thị trường như một gói thực phẩm, một chiếc xe ô tô cho đến sản phẩm đào tạo như một cử nhân, một kỹ sư, một nghệ sĩ hoặc một chương trình văn hóa, nghệ thuật được trình diễn... đều có sự tham gia của khoa học, công nghệ và văn hóa. Trong thời đại ngày nay, không có một sản phẩm vật chất hay tinh thần nào không chứa đựng những yếu tố khoa học, công nghệ và văn hóa. Giá trị của sản phẩm vật chất hay tinh thần thời nay được đo đếm và quyết định bằng hàm lượng khoa học, công nghệ, văn hóa. Tuy hàm lượng của mỗi yếu tố chứa đựng trong mỗi sản phẩm, sự vật là tùy thuộc vào chủ thể sáng tạo nhưng sự hiện diện của khoa học, công nghệ đã ngày càng chiếm ưu thế và đây chính là xu thế của mọi sáng tạo xã hội hiện nay.

   Âm nhạc cũng không nằm ngoài xu thế đó, công nghệ hiện diện trong mỗi hoạt động âm nhạc, từ sáng tác, biểu diễn đến nghiên cứu, đào tạo. Khoa học, công nghệ trở thành biểu tượng của thế kỷ XXI và việc đưa khoa học, công nghệ vào các hoạt động âm nhạc đang là nhu cầu, xu hướng và cũng là điều kiện để âm nhạc tồn tại trong thế giới ngày nay. Tuy nhiên, không nên cho rằng công nghệ tham gia vào âm nhạc chỉ là xu hướng, công nghệ còn mang đến nhiều điều lớn hơn và góp phần tích cực cho các hoạt động âm nhạc, cho đời sống âm nhạc, cho chính sự tồn tại của âm nhạc hiện nay và trong tương lai.

   1. Công nghệ số và thực tế sáng tạo âm nhạc ở Việt Nam

   Không kể sự thay đổi của truyền hình/ phát thanh, từ kỹ thuật băng từ sang kỹ thuật số, những chương trình nghệ thuật/ âm nhạc được giới thiệu trên hệ thống truyền thông (truyền thanh và truyền hình) cũng phải thay đổi để có thể tiếp tục hiện diện; không kể những kỹ thuật sân khấu, âm thanh, ánh sáng sân khấu; kỹ thuật thu âm và phòng thu, thực hiện những bản thu âm cho các ca khúc, chương trình thu âm và đặc biệt là kỹ thuật âm thanh (sửa chữa, làm hoàn thiện các bản thu âm bằng các phần mềm…) đã góp phần rất nhiều cho sự thay đổi của nghệ thuật trình diễn âm nhạc.

   Công nghệ đã tham gia rất sâu vào hoạt động âm nhạc, từ sáng tác đến phối khí, hòa âm. Cách nay hơn 30 năm, con người đã thiết kế những phần mềm để có thể từ một chủ đề âm nhạc cùng các dữ liệu khác về hòa âm, phối khí, biên chế dàn nhạc… nhanh chóng tạo ra một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh vừa có bản phổ vừa có cả âm thanh (tất nhiên là âm thanh điện tử). Ở nhiều nước, người ta đã nghiên cứu kỹ thuật hòa âm, phong cách phối khí, lối sử dụng dàn nhạc hay phương pháp phát triển giai điệu, xây dựng chủ đề âm nhạc của một nhạc sĩ nào đó và đưa những dữ liệu này vào phần mềm sáng tác nhạc để có thể “sáng tạo” nên những tác phẩm mới, hoàn chỉnh theo phong cách của nhạc sĩ đó bằng phần mềm công nghệ. Nhưng giới sáng tác chuyên nghiệp vẫn có thể dễ dàng nhìn ra đâu là tác phẩm do “phần mềm công nghệ” và tác phẩm nào là do con người (nhạc sĩ) sáng tác. Người Việt Nam cũng rất nhanh chóng cập nhật những phần mềm này nhưng rất may là do giá cả các phần mềm này còn cao, chưa thể sử dụng dễ dàng và nhất là nhu cầu xã hội cũng không cần đến những bản giao hưởng do máy móc làm ra hay những bản nhạc độc tấu, hoà tấu nhạc không lời phức tạp nên hầu như không thấy trên “thị trường” sản xuất âm nhạc loại nhạc này. Giới làm băng đĩa để bán chỉ nhắm đến việc làm lại những ca khúc quen thuộc, phổ biến thành “nhạc hòa tấu”. Nhiều tác phẩm của nhạc sĩ họ Trịnh đã được phổ biến bằng con đường này, từ ca khúc biến thành nhạc không (ghi âm) lời và được thực hiện bằng âm thanh điện tử.

   Đến nay, trí tuệ nhân tạo (AI) tiến rất xa trong việc “sản xuất” những “tác phẩm” âm nhạc chỉ trong vài giây. Công việc sáng tạo, nhân bản, biến các chủ đề âm nhạc, thậm chí chỉ là tựa đề hoặc ý tưởng ghi bằng lời, trở thành một tác phẩm hoàn chỉnh chỉ bằng vài thao tác, trong vài giây. Thậm chí tác phẩm, ca khúc “công nghệ” âm nhạc đó có thể lập tức được một giọng hát, một dàn nhạc điện tử thể hiện và vang lên (bản ghi âm) ngay khi hoàn thành phần sáng tạo bản ký âm. Công nghệ AI cũng đã được nhiều nhạc sĩ (như nhạc sĩ Mai Kiên - giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội) thử nghiên cứu và thực hiện trên một số phần mềm miễn phí. Tuy nhiên, cũng do giá cả và chất lượng của sản phẩm, việc giới thiệu những phần mềm “sáng tác” âm nhạc của AI chưa phổ biến trong công chúng, nhưng Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã bắt đầu nghĩ đến việc chuẩn bị cho nhạc giới phân biệt công nghệ AI trong các sáng tác. AI sẽ là phương tiện cho nhiều “nhạc sĩ tay ngang” nhưng sẽ có những ca khúc chỉn chu với bản ghi âm có đầy đủ phần hòa âm, phối khí và trình diễn của ca sĩ. Mặc dù công nghệ và những phát minh từ AI đã chiếm hữu, trở thành phương tiện sáng tác và khá phổ biến nhưng các trường âm nhạc chuyên nghiệp (học viện, nhạc viện) vẫn chưa có một nghiên cứu nào về hướng này, kể cả nghiên cứu ứng dụng hoặc nghiên cứu thông tin để có ứng xử đúng đắn với loại tác phẩm này. Mới đây, ngày 21/6/2024, Trường Đại học Văn Hiến đã tổ chức Hội thảo khoa học Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo âm nhạc đương đại. AI đang là xu hướng không thể cưỡng lại của sáng tác âm nhạc nên dù không muốn sử dụng, chúng ta cũng cần phải biết cách phân biệt sản phẩm âm nhạc của AI với sáng tác từ con người. Bởi tác phẩm âm nhạc là nghệ thuật, sản phẩm của con người, với những tính chất của tâm hồn và trí tuệ con người, với đặc trưng của cá nhân người nghệ sĩ, không thể là sản phẩm sản xuất hàng loạt kiểu công nghệ được.

   Ở Việt Nam, công nghệ được sử dụng trong thực hiện những bản thu âm cho các ca khúc, thu âm sẵn phần nhạc đệm cho bài hát trong các chương trình biểu diễn được thực hiện bằng công nghệ phòng thu. Nhạc sĩ ngày nay có thể bỏ qua phần sáng tác âm nhạc hoặc hòa âm, phối khí cho dàn nhạc trên giấy; bỏ qua yêu cầu nhạc công tập dượt, thực hiện bài bản âm nhạc do mình sáng tác, biên soạn và biểu diễn với sự sáng tạo nghệ thuật và cảm xúc, thể hiện nghiêm túc và tôn trọng nhạc sĩ sáng tác. Ngày nay, nhạc sĩ chỉ cần có một cây đàn phím điện tử kết nối với một máy vi tính xách tay và điều quan trọng là biết sử dụng các phần mềm vi tính để có thể phù phép ngay trong một ngày, “sản xuất” vài ba bản thu âm phần nhạc cho ca khúc, nhạc nền cho các tiết mục múa hay “làm” phần âm thanh - âm nhạc cho cả một chương trình biểu diễn. Nhiều bản nhạc đã được “ngẫu hứng” sáng tạo ngay trên máy tính mà sau đó chính tác giả của nó cũng không cách gì có được bản ghi chép bởi do máy làm và các phần bè cũng do máy thể hiện (diễn tấu), máy thu - cho ra bản ghi âm. Trên thực tế, nhiều phần bè đàn xuất hiện trong bản ghi âm điện tử rất hấp dẫn, thu hút nhưng không thể nào thực hiện nổi trên thực tế diễn tấu bởi nhạc cụ không có những âm đó hoặc không thể diễn tấu được những giai điệu như phần mềm làm ra!

   Trong khi các học viện âm nhạc, nhạc viện vẫn tiếp tục giảng dạy sáng tác ca khúc, nhạc thính phòng, giao hưởng… theo phương pháp cũ thì công nghệ đã xâm nhập vào giới sáng tác. Có thể nói, từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều nhạc sĩ đã bắt đầu tự học, tìm hiểu và ứng dụng công nghệ trong sáng tác, ghi chép… nhưng cho đến nay, những học phần “tin học âm nhạc” trong chương trình đào tạo ngành sáng tác âm nhạc vẫn rất lạc hậu so với những bước phát triển trên thế giới. Đã có hẳn ngành công nghệ âm nhạc (Technology of music) tại một số trường đại học có đào tạo âm nhạc. Nhưng những trường đại học, học viện âm nhạc ở Việt Nam vẫn thờ ơ trước xu thế công nghệ hóa, số hóa đối với sáng tạo nghệ thuật.

   2. Thực tế biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật âm nhạc với công nghệ số

   Đối với âm nhạc, ai cũng cho rằng công nghệ có những mặt tích cực vì đã đóng góp rất lớn trong mỗi sản phẩm âm nhạc. Khoa học, công nghệ góp phần “chủ đạo” từ việc đưa đến tay người đọc, người nghe một tác phẩm nghệ thuật, một sản phẩm văn hóa âm nhạc đương đại chỉ gọn nhỏ trong một đĩa CD hoặc “file” trên máy vi tính. Việc lưu giữ những vốn quý “phi vật thể” như giọng hát của nghệ sĩ, roi trống tuyệt vời của nghệ nhân nhạc lễ dân gian hay nét diễn xuất xuất thần của nghệ sĩ múa, nghệ sĩ sân khấu... cũng được giữ trong các “ổ cứng”, “ổ di động”.

   Những áp dụng công nghệ âm thanh hiện đại như công nghệ phòng thu, phần mềm sửa lỗi âm thanh, nghệ thuật điều chỉnh âm thanh, DJ... hoặc những kỹ thuật công nghệ về hiệu ứng ánh sáng, các phần mềm hiệu ứng ánh sáng sân khấu, công nghệ sản xuất mới đèn sân khấu... đến kỹ thuật trong xây dựng như sân khấu quay, những hội trường acoustic, các hiệu ứng phông, nền cho chương trình ca nhạc..., đó là những nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng nhu cầu thực tế của hoạt động nghệ thuật và phần nào tác động xu hướng cảm thụ, thị hiếu nghệ thuật của công chúng Việt Nam hiện nay.

   Đối với các sản phẩm nghệ thuật âm nhạc, chỉ bàn về mặt chất lượng, người ta dễ dàng nhận thấy hàm lượng nghệ thuật, văn hóa, kể cả tính chất thuần phong mĩ tục, truyền thống văn hóa... đều có thể bị đẩy xuống hàng thứ yếu bởi kỹ thuật - công nghệ đã có đủ khả năng thay thế. Rất nhiều bài báo, trang viết “lên tiếng” về việc công chúng ngày nay “xem nhạc” chứ không nghe nhạc, công nghệ “hát nhép”, “lăng xê”... trở thành vấn nạn. Tình trạng đó phổ biến đến mức nghệ thuật sân khấu cải lương cũng bị người hâm mộ quay lưng vì có hiện tượng hát nhép, dàn đờn là đĩa thu sẵn khiến nghệ sĩ chỉ cố gắng chạy theo âm thanh đang phát của phần thu sẵn để “nhại”, “nhép”, “đớp” cho khớp, nghệ sĩ chỉ diễn xuất theo âm thanh thu sẵn của chính mình nhưng diễn thì như con rối, đánh mất đặc trưng diễn xuất của nghệ thuật sân khấu truyền thống.

   Đôi khi công nghệ tham gia “làm giả” nghệ thuật, như nói trên, có thể biến đổi một giọng hát tầm thường thành “khác thường” và “phi thường”! Người ta đã biết đến những “chương trình”, “phần mềm” có thể “biến” giọng hát dày hơn, màu sắc hơn; nghệ sĩ vào phòng thu có thể yên tâm vì kỹ thuật có thể giúp sửa sai về cao độ, tiết tấu; có thể ghép - nối, cắt dán thành công bất cứ đoạn nhạc nào, làm thành nhiều giọng, hát bè, chồng âm… Chưa kể người ta có thể tách phần sound, phần “bit” nhạc (nhạc nền, nhạc đệm) của người khác để đưa vào đó phần hát của mình và biến thành sản phẩm của mình! Và như thế, phần tài năng nghệ thuật, cảm xúc nghệ thuật, sự điêu luyện cần có của nghệ sĩ trở nên ít cần thiết, tác phẩm nghệ thuật thường mất đi cái phần “hồn” do người nghệ sĩ không phải tư duy, thể hiện gì cả mà trông nhờ vào kỹ thuật công nghệ thực hiện.

   Người thưởng thức đã bắt đầu có thói quen thưởng thức các chương trình nghệ thuật có chứa “hàm lượng” công nghệ cao hơn mức độ “xứng đáng và cần thiết” phải có! Các nhà sản xuất chương trình, người thực hiện chương trình nghệ thuật đang ở trong cuộc đua công nghệ và chương trình nghệ thuật dần trở thành “chương trình công nghệ”. Những phương tiện kỹ thuật công nghệ như hiệu ứng âm thanh, hiệu ứng ánh sáng, hiệu ứng hình ảnh trên phông nền, trong không gian khán phòng, hiệu ứng nước, khí, gió… được điều khiển bằng phần mềm công nghệ đã trở thành những phần không thể thiếu trong chương trình biểu diễn nghệ thuật. Điều đó đã chứa đựng khá nhiều bất cập, khán giả cũng dần quên rằng mình đang bị đánh lừa, họ đang mua vé đến xem kỹ thuật cao của công nghệ nghe - nhìn chứ không phải đến xem nghệ thuật. Nhưng dù sao, để giải trí, các chương trình nghệ thuật loại này vẫn đang rất thu hút khán giả.

   Năm 1997, internet du nhập vào Việt Nam, mở ra một giai đoạn mới đối với ngành truyền thông – giai đoạn hội nhập. Đối với nghệ thuật trình diễn nói chung và âm nhạc nói riêng, internet đã tạo nên một môi trường mới để tất cả mọi người đều có thể tham gia vào: sáng tạo, trình diễn, giới thiệu, thưởng thức. Đối với âm nhạc, đó chính là thế giới âm nhạc “không gian mạng”. Các thể loại âm nhạc do người Việt sáng tạo, thể hiện, giới thiệu trên không gian mạng hiện nay rất đa dạng như âm nhạc chuyên nghiệp: giao hưởng, thính phòng, nhạc kịch (opera), vũ kịch (ballet); âm nhạc dân tộc, cổ truyền: dân ca, âm nhạc truyền thống của người Việt, các dân tộc thiểu số hay âm nhạc đại chúng: ca khúc, nhạc trẻ, nhạc giáo dục, dành cho đối tượng thiếu nhi… được giới thiệu rầm rộ trên không gian mạng. Trong vài năm gần đây, rap đang trở nên phổ biến, xâm nhập, trộn lẫn vào các thể loại khác nhau và “chiếm sóng” nhiều nhất so với tất cả các thể loại nhạc giải trí. Cùng với sự “bùng nổ” này, tình trạng nhiễu loạn thông tin, thật giả lẫn lộn: đạo nhạc, nhạc nhái, nhạc chế (ví dụ các trang của Lệ Rơi, Hậu Hoàng, Thanh An…) trên không gian mạng cũng ở mức báo động, ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng; tạo nên những ngộ nhận, đua đòi, thậm chí khiến giới trẻ chạy theo lối sống thực dụng, suy thoái đạo đức…

   Không gian mạng là hình thái “môi trường ảo”, thúc đẩy thay đổi một cách căn bản quá trình tiếp nhận, tương tác, chia sẻ thông tin của toàn xã hội, tác động đến quá trình học tập, hình thành thói quen, tư duy, cảm xúc, đạo đức, lối sống, quan điểm, tư tưởng của từng cá nhân, mà đặc biệt là giới trẻ. Từ đó, với những sản phẩm âm nhạc chưa tốt, những sản phẩm âm nhạc dễ dãi, tầm thường, thậm chí là dung tục, phản cảm lại dễ hấp dẫn công chúng, tạo nên một loại công chúng có thị hiếu thẩm mĩ xô bồ, làm thoái hóa nghệ thuật âm nhạc, đánh mất những cơ hội sáng tạo tiến bộ và làm giới hạn truyền bá những tác phẩm tốt.

   Tóm lại, trong lĩnh vực biểu diễn và thưởng thức âm nhạc, thực tế cho thấy công nghệ đã trở thành phương tiện đắc dụng và không thể thiếu. Nhưng chúng ta vẫn chưa chiếm lĩnh, quản lý, đưa công nghệ vào nghệ thuật một cách chủ động, mặc dù cho đến nay công nghệ là phần quan trọng và cũng là xu hướng của nghệ thuật âm nhạc, để phát triển nghệ thuật âm nhạc theo hướng “bền vững”.

   3. Một số ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu âm nhạc dân tộc, bảo tồn di sản văn hóa âm nhạc

   Không kể Luận văn Thạc sĩ bảo vệ tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh năm 1996 của Đặng Huy Hoàng với đề tài Tìm hiểu ứng dụng tin học trong âm nhạc giới thiệu những ứng dụng của công nghệ trong ngành âm nhạc thì đã có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Năm 2006, Đặng Huy Hoàng nghiên cứu phương pháp ký âm pháp để tiếp cận âm nhạc cổ truyền Việt Nam Sự giữ gìn của ký âm pháp chữ nhạc cho biểu diễn âm nhạc: một thiết kế giao diện với sự liên hệ đặc biệt đến âm nhạc truyền thống Việt Nam1 làm Luận án Tiến sĩ tại Trường Nghệ thuật Utrecht (Hà Lan). Mục đích của luận án là qua ký âm pháp phát nhạc, sử dụng công nghệ thông tin để phục hồi, lưu giữ, làm phương tiện giới thiệu âm nhạc cổ truyền Việt Nam và nhất là giúp cho những người chưa biết có thể tiếp cận, người biết rồi có thể thông cảm, yêu quý, người trong nhạc giới cổ truyền có phương tiện để lưu giữ, ghi chép, sáng tạo thêm…

   Đặng Huy Hoàng chọn kỹ thuật - phần mềm Midi Utility Music2 của Nguyễn Anh Kiệt và Trần Việt Hùng xây dựng giao diện để ký âm và điều chỉnh ký âm truyền thống Việt Nam, phát ra âm nhạc dân tộc Việt Nam; dùng các loại ký tự “chữ nhạc” Việt Nam và điều chỉnh phần mềm để phát ra âm thanh cho 18 loại nhạc cụ dân tộc và truyền thống Việt Nam. Với việc sử dụng phần mềm, các thao tác trên phần mềm, xu hướng sử dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu âm nhạc truyền thống - dân tộc là một cố gắng đáng khen ngợi, đáng được phổ biến để tiếp tục khai triển. Phương pháp này trong ngành công nghệ thông tin đã được sử dụng rất nhiều tại Mĩ.

   Với một phần mềm ký âm và phát được nhạc, việc ghi lại âm thanh cùng với bản ký âm đã có những phần mềm trước đây (phần mềm Encore với các phiên bản, phần mềm Final…) nhưng tham vọng của luận án còn muốn ghi chép lại những chi tiết tinh tế của âm thanh âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Đặng Huy Hoàng chọn nhạc tài tử Nam Bộ làm trường hợp nghiên cứu, những âm thanh của nhạc tài tử Nam Bộ được ghi âm và thể hiện bản ghi nhưng lại chưa giải quyết được việc tìm ra những đặc điểm/ đặc tính chung nhất của mỗi bài bản bởi một bản đàn tài tử được mỗi nhạc sĩ/ nghệ nhân thể hiện khác nhau, chưa kể mỗi người khi diễn tấu cũng không lặp lại mình mà luôn có những sáng tạo. Do đó, phần mềm của Đặng Huy Hoàng chỉ thuần tuý ghi lại các âm thanh diễn tấu nhạc tài tử Nam Bộ, còn đối với người muốn tiếp cận, nghiên cứu, họ sẽ hoàn toàn lúng túng bởi sự khác biệt của các “dị bản” (version) của mỗi nghệ nhân tạo ra khi diễn tấu, của các dị bản của chính một người diễn tấu nhiều lần ở các thời điểm khác nhau… Phần mềm của Đặng Huy Hoàng cũng chỉ là lý thuyết trên giấy mà chưa bao giờ được giới thiệu, sử dụng ở Việt Nam.

   Năm 2014, trong bài tham luận cho Hội thảo khoa học quốc tế tại Thành phố Vinh3, GS, TS Trần Quang Hải giới thiệu phần mềm Sygyt để ứng dụng vào việc nghiên cứu dân ca ví-giặm của Nghệ An-Hà Tĩnh. Phần mềm Sygyt được hình thành tại Đức vào năm 2003 bởi Bodo Maass (kỹ sư âm thanh) và Wolfgang Saus (ca sĩ âm bội nổi tiếng) để khám phá những sáng tạo của các công cụ, có thể giúp con người trở thành những nhạc sĩ tốt hơn và nhận ra tiềm năng, âm sắc riêng trong giọng nói của họ. Phần mềm Sygyt - “Phân tích âm bội” (overtone analyzer) là một ứng dụng phần mềm để ghi lại, tương tác cũng như “thăm dò” âm thanh. Màn hình hiển thị hình ảnh của một âm thanh cho phép một sự ghi nhận nhanh chóng về mặt giai điệu một cách cơ bản, màu sắc âm thanh (âm sắc) và kể cả các âm bội. Nó cũng giúp nhìn thấy được và có thể so sánh được qua các tập tin âm thanh. Phân tích âm bội đặc biệt phù hợp như một công cụ phản hồi để luyện tập ca hát và để dẫn chứng phát triển giọng hát trong quá trình rèn luyện tiếng…


Hình 1: Một ví dụ trong bài tham luận của GS, TS Trần Quang Hải.

   Phân tích quang phổ cho thấy được thang âm, nhìn thấy hình ảnh của giai điệu (âm vực, đường nét, màu sắc của giai điệu, độ rộng và độ dài của từng từ phát ra), hình ảnh quang phổ cho thấy độ rung của giọng hát… từ đây, ông cũng có những kết luận về kỹ thuật hát đặc trưng (nhấn nhá, luyến láy…) của thể loại dân ca ví-giặm, âm vực, thang âm, những yếu tố biểu hiện giai điệu bằng hình ảnh…

   GS, TS Trần Quang Hải không có bình luận gì thêm ngoài giới thiệu kỹ thuật này, ông xem đây như một cách để định dạng thang âm của một làn điệu - một thể loại âm nhạc và đã sử dụng thử trong nghiên cứu các làn điệu ví, giặm Nghệ An, Hà Tĩnh. Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng chưa bao giờ được tiếp nhận và thực hiện đối với bất cứ một thể loại âm nhạc cổ truyền nào khác ở Việt Nam sau khi GS, TS Trần Quang Hải giới thiệu ở Hội thảo. Điều này cũng khó giải thích vì sao, nhưng trên thực tế, giới nghiên cứu Việt Nam vẫn còn giữ thói quen mô tả, nhận dạng, phân tích các làn điệu âm nhạc cổ truyền, nghiên cứu âm nhạc cổ truyền trên bản ký âm ngũ tuyến.

   Trong luận án Âm nhạc ca trù Hà Nội4, Nguyễn Hiền Đức đã mạnh dạn sử dụng phần mềm Overtone Analyze với cách ghép hình ảnh phím đàn piano để phân tích các đặc điểm rung, âm ngân rung, rung nảy hạt… là những đặc thù của lối hát ca trù. Từ đây, Nguyễn Hiền Đức cũng cho thấy khả năng sử dụng các phần mềm điện toán trong nghiên cứu là khả thi và có thể đạt đến những kết quả chính xác trong phân tích đặc điểm âm nhạc, thang âm điệu thức và cả những vấn đề liên quan đến phong cách thể loại, phong cách nghệ sĩ diễn tấu…

Trong Hội thảo quốc tế Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm trong xã hội đương đại tại Ninh Bình, tháng 12/2021, nhóm nghiên cứu Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phan Gia Anh Thư và Ngô Thanh Nhàn đã sử dụng hát xẩm làm trường hợp nghiên cứu để giới thiệu “âm phổ” như một phương pháp “ghi chép”, “nhận diện” âm thanh âm nhạc trung thực nhất có thể, hỗ trợ nghiên cứu, phân tích âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Âm phổ là một phương trận 3 chiều, ghi lại 3 cách đo âm thanh trên các loại máy ghi âm thông dụng thành 3 trục số: cao độ (hertz, Hz), cường độ (decibels, dB) và trường độ (miliseconds, ms). Đồng thời, từ sử dụng “âm phổ”, bài viết đưa ra thuật ngữ “chữ nhạc”, đã được sử dụng nhiều trong ghi chép lòng bản nhạc tài tử Nam Bộ, như một khái niệm cho một “đơn vị hình ảnh” của âm thanh được “ký âm” bằng âm phổ.


Hình 2: Một ví dụ về âm phổ.

   Từ đây, nhóm đã giới thiệu một phương tiện, hệ thống ký âm mới cũng như cách nhận diện âm thanh âm nhạc bằng kỹ thuật công nghệ, hữu ích và có tính tương lai trong nghiên cứu, phân tích âm nhạc truyền khẩu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là một thể nghiệm, cần thời gian để thử nghiệm nhiều lần mới có thể đưa ra kết quả chắc chắn và đưa vào thực tế để sử dụng.

   Tóm lại, những giới thiệu cũng như ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu âm nhạc cổ truyền, âm nhạc dân gian, dân tộc… tại Việt Nam chưa nhiều. Mặc dù các ứng dụng này đã được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng trong một số trường hợp nhưng chỉ mang tính “nghiên cứu thử nghiệm” hoặc chỉ ở dạng “giới thiệu”, thông tin về các thành tựu khoa học - kỹ thuật có thể ứng dụng cho nghiên cứu âm nhạc Việt mà chưa có một ứng dụng nào được sử dụng trong thực tế nghiên cứu. Bởi nhiều lý do nhưng có lẽ lý do lớn nhất là những ứng dụng này vẫn chưa mang đến cho nghiên cứu một kết quả mong muốn: ngoài việc “viết lại âm nhạc”, “chuyển dịch” từ âm thanh sang hình ảnh còn phải đạt được mục đích cuối cùng là đưa ra được một “chuỗi” những hướng dẫn hoặc định hình chi tiết cho người biểu diễn (thực hiện): diễn tấu cái gì, như thế nào nhằm đạt được hiệu quả âm thanh nhất định với đặc trưng chung nhất, thể hiện rõ ràng nhất phong cách của tác phẩm. Hơn nữa, những ứng dụng này cũng chưa được những nhà nghiên cứu Việt sử dụng để đưa vào nhận dạng, mô tả, phân tích âm nhạc cổ truyền nên cũng chưa thể ứng dụng trong bảo tồn, phát huy hay truyền dạy âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Những ứng dụng khoa học, công nghệ vẫn chưa thực sự được sử dụng, “thói quen”, lối mòn của các nhà nghiên cứu Việt Nam vẫn chỉ là ký âm trên 5 dòng kẻ các thể loại âm nhạc cổ truyền để mô tả, phân tích, nhận dạng và kể cả truyền bá, giới thiệu hay sử dụng trong giảng dạy, kế thừa, phát huy trong đời sống và phát triển.

   Có thể nói những ứng dụng công nghệ thông tin vào nghiên cứu âm nhạc tại Việt Nam hiện nay chỉ dừng lại ở việc sử dụng phần mềm chép nhạc có phát âm (Encore, Final, MuseScore…). Chưa có nhiều nghiên cứu sử dụng công nghệ mặc dù những ngành này đã đạt trình độ rất cao. Những nghiên cứu về phương pháp cũng như nghiên cứu sử dụng phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc tiếp cận, nhận diện, nghiên cứu âm nhạc truyền thống, nhạc dân tộc cũng như cho ngành Âm nhạc dân tộc học còn khá khiêm tốn; những công trình (sản phẩm là các “phần mềm”) đã bước đầu đưa ra những ứng dụng công nghệ số cho nghiên cứu, đào tạo nhưng vẫn chỉ mới là “khúc dạo đầu” mà hầu như chưa đi được vào “chủ đề chính” của tác phẩm “ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong nghiên cứu âm nhạc cổ truyền”...

   Cuối cùng, để lưu giữ những âm thanh tuyệt vời, bảo tồn di sản âm nhạc, người ta cần phải sử dụng khoa học, công nghệ; muốn phát huy giá trị di sản âm nhạc trong đời sống, người ta cũng phải nhờ vào khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Vai trò tích cực và đóng góp tích cực của khoa học, công nghệ đối với công việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản âm nhạc trong đời sống hiện nay đều có sự hỗ trợ tích cực của khoa học, công nghệ.

   4. Ứng dụng công nghệ trong đào tạo, giáo dục âm nhạc

   Cho đến nay, sử dụng khoa học, công nghệ trong đào tạo âm nhạc còn khá khiêm tốn. Trong giáo dục âm nhạc phổ thông, các giáo viên chỉ mới sử dụng phần mềm Encore trong dạy hát cho các học sinh bậc Tiểu học. Các giáo viên chép nhạc trên phần mềm Encore có phát nhạc, sử dụng khi dạy học để học sinh hát theo. Tuy nhiên, đối với những bài dân ca các dân tộc Việt Nam, do có rung nhấn, luyến láy cũng như với cao độ không tuyệt đối theo thang âm bình quân như thang âm phương Tây nên việc sử dụng phần mềm này còn rất nhiều hạn chế.

   Do các trường phổ thông không đồng đều điều kiện cơ sở vật chất nên trong giáo dục phổ thông môn âm nhạc, việc sử dụng công nghệ thông tin cũng còn nhiều hạn chế (nhất là ở vùng sâu, vùng xa). Cũng giống như trong giảng dạy các môn học khác, đa phần các giáo viên dạy âm nhạc trong trường phổ thông sử dụng hình thức “trình chiếu” (PowerPoint) để thực hành dạy âm nhạc. Trên các slide, giáo viên đưa vào các bài học âm nhạc được ghi chép trên 5 dòng kẻ cùng với phần âm thanh (audio) cho các bài hát, trích đoạn âm nhạc, hình ảnh cắt từ các clip được lấy từ các trang mạng xã hội. Công thức chung là: giáo viên tự thiết kế PowerPoint, đưa các văn bản âm nhạc (score) vào cùng với những hình ảnh liên quan và phần audio, video chủ yếu được tìm thấy trên hệ thống mạng xã hội (Youtube, Zing, Facebook, Twitter, LinkedIn, Youtube, WhatsApp, Instagram, Spotify, Soundcloud, Tumblr, Pinterest, WeChat, Google và cả TikTok). Điều này cho thấy những nội dung âm nhạc được đưa vào giáo dục phổ thông sẽ không đảm bảo về chất lượng âm thanh, hình ảnh và đôi khi còn có thể sai sót về âm nhạc (sai về giai điệu, tiết tấu, bị biên soạn – cover, điều chỉnh theo thị hiếu của người sáng tạo nội dung và tự đưa lên mạng theo chủ ý riêng). Đó là những sai sót mà chính người sử dụng cũng khó có khả năng thẩm định, đánh giá đầy đủ để có thể loại bỏ, không sử dụng và tìm đến những nội dung chất lượng.

   Để bảo đảm giáo viên có thể thực hành giảng dạy theo yêu cầu sử dụng được sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức “Chương trình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” (gọi tắt là ETEP). Chương trình còn có mục đích cung cấp kiến thức, học liệu, phương pháp mới và đồng hành cùng giáo viên trong quá trình dạy học. Nội dung Chương trình được thể hiện trong 9 module và Module thứ 9 là Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh (Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT)). Tất nhiên, nội dung của Module 9 không chỉ nhằm giới thiệu các ứng dụng công nghệ mà còn cung cấp phương pháp dạy học mới cho giáo viên dựa trên các nền tảng công nghệ, các app, phần mềm... Tuy nhiên, bản thân các tác giả biên soạn Module 9 và trực tiếp tập huấn cho giáo viên “cốt cán”5 cũng cho rằng không phải tất cả các trường đều có đủ thiết bị để giáo viên thực hiện các ứng dụng. Hơn nữa, học liệu được cung cấp trong chương trình tập huấn cũng chỉ là bài tập mẫu (Chuyên đề 2 trong bộ sách Chân trời sáng tạo), không phải nguồn thông tin dồi dào có thể đáp ứng được tất cả các nội dung của các bộ sách.

   Trong định hướng “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể kiểm soát được nội dung giảng dạy thông qua hội đồng thẩm định sách giáo khoa và các nhà biên soạn sách nhưng phương pháp chuyển tải, cách cung cấp thông tin và nhất là phương pháp dạy học sẽ do mỗi người thầy tự chủ. Đối với âm nhạc, chỉ cần thay đổi một thành tố trong các phương tiện biểu hiện ngôn ngữ âm nhạc (như giai điệu, tiết tấu, âm khu, cường độ, sử dụng các nhạc cụ, âm sắc khác, các cách thể hiện - nuance…) khi thể hiện (performance), hình tượng âm nhạc sẽ thay đổi (như trường hợp Quốc ca nhưng được hát giản nhịp, chậm nhịp hoặc quá nhanh cũng sẽ làm thay đổi tính chất, ý nghĩa và hình tượng thiêng liêng của Quốc ca). Như vậy, tuy đã sử dụng hình thức, phương tiện giảng dạy mới, đã áp dụng các phương tiện công nghệ phổ biến (như PowerPoint, audio và hình ảnh video…), vấn đề chất lượng của âm nhạc được giới thiệu vẫn còn bỏ ngõ. Các giáo viên phổ thông sẽ không thể chọn lựa hoặc khó có được những bản phối (version) chất lượng đúng chuẩn. Về mục tiêu giáo dục, yêu cầu lớn nhất trong nội dung giáo dục âm nhạc phổ thông vẫn là “cảm thụ âm nhạc”6 nhưng khó có thể hướng người học đến sự cảm thụ nếu không thể mang đến âm nhạc chất lượng tốt, mà các giáo viên âm nhạc hoàn toàn không có điều kiện hay phương tiện nào khác để thực hiện việc giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông.

   Song song với cách làm tự phát như trên, các giáo viên dạy âm nhạc ở trường phổ thông còn được cung cấp các site nhạc từ các nhà xuất bản của các bộ sách giáo khoa hoặc các đường link để truy cập vào kho dữ liệu của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh (âm nhạc dành cho thiếu nhi) hoặc Nhà thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Giáo dục một số quận như: Quận 3, 5, 6... Để có thể hỗ trợ cho giáo viên âm nhạc về phương pháp cũng như cập nhật cho họ những nội dung mới trong sách giáo khoa, các nhà xuất bản tổ chức “tập huấn” cho giáo viên và cung cấp một phần nhỏ những audio âm nhạc trong thời gian tập huấn. Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng được tập huấn, cũng không phải giáo viên nào cũng có thể thực hiện được việc sử dụng công nghệ trong hoạt động giáo dục âm nhạc do thiếu thiết bị cũng như học liệu, không phải tỉnh/ thành nào cũng có điều kiện tổ chức như các thành phố lớn, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh...

   Một số đề tài, luận văn thạc sĩ nghiên cứu ứng dụng các phần mềm công nghệ trong giảng dạy âm nhạc chuyên nghiệp như: Nguyễn Thanh Huy (2008), Xây dựng phần mềm dạy Guitare cho sinh viên Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Luận văn tốt nghiệp cao học chuyên ngành Phương pháp giảng dạy chuyên ngành Guitare, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh; Lê Minh Phước (2014), Ứng dụng phần mềm Sibelius trong dạy học âm nhạc, Luận văn tốt nghiệp cao học chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh… đã thể hiện hướng nghiên cứu giống như Đặng Huy Hoàng nhưng áp dụng cụ thể vào chuyên ngành và thực hiện nhiều thể nghiệm, thực nghiệm cũng như có thể sử dụng trong giảng dạy âm nhạc chuyên nghiệp.

   Ngoài ra, trong đào tạo chuyên nghiệp, nhiều giảng viên ngành Thanh nhạc đã bắt đầu sử dụng phần mềm Garageband hoặc Auto tune… trên smartphone để điều chỉnh giọng hát của người học hoặc nhiều học viên ngành Thanh nhạc cũng sử dụng các phần mềm khác nhau để nghe, nhận biết và tự sửa cao độ, tiết tấu… của bản thân. Tuy nhiên, đây cũng là tự phát, tự mày mò và cũng chưa hẳn đã sử dụng một cách hiệu quả, ứng dụng được hết những tính năng, ứng dụng của các phần mềm âm nhạc này.

   5. Phát triển âm nhạc bền vững theo hướng công nghệ số

   Chúng ta không thể phản đối hay “chống đối” khoa học, công nghệ. Những ứng dụng của công nghệ trong hoạt động âm nhạc đã trở nên cần thiết đến mức khó có thể thiếu. Nếu được nghe nhạc trong một khán phòng không chất lượng âm thanh (acoustic), liệu nghệ thuật trình diễn điêu luyện của người nghệ sĩ có được đảm bảo, trọn vẹn, không bị méo mó, sai lệch? Chưa kể những chương trình giải trí âm nhạc rất cần những chuyên viên kỹ thuật, người điều chỉnh âm nhạc (DJ) để tạo dựng một không gian, ở đó âm nhạc vang lên theo ý muốn… Công nghệ có thể phục hồi những băng đĩa cũ đã hỏng, có cách bảo quản những đĩa thu giọng hát, tiếng đàn đã trở thành “tượng đài” nghệ thuật; công nghệ có thể giúp thu giữ được di sản âm nhạc đang trên đà mai một; công nghệ giúp nhạc sĩ sáng tác dễ dàng hơn, người làm nghiên cứu thuận tiện hơn trong công việc. Có thể nói khoa học, công nghệ đã đem đến những tiện ích và hiệu quả cho âm nhạc. Và việc công nghệ có “làm giả” được nghệ thuật không do lỗi của nó mà do lỗi của người sử dụng.

   Trở lại với vấn đề “hàm lượng” văn hóa, khoa học, công nghệ... trong sản phẩm nghệ thuật âm nhạc nói riêng và các sản phẩm xã hội khác nói chung, xu hướng chung là công nghệ hóa và công nghệ hóa mạnh mẽ. Xu hướng này có thể trở thành mối nguy cơ, trong khi đó, về bản chất, công nghệ hoàn toàn có thể mang đến cho con người sản phẩm nghệ thuật âm nhạc chất lượng, trọn vẹn đúng như hoặc đẹp hơn cái mà người nghệ sĩ đã thực hiện! Như vậy, nghiên cứu khoa học, công nghệ, âm nhạc công nghệ có thể nâng cao chất lượng nghệ thuật và đem đến cho người thưởng thức cảm xúc chân thực, đầy đủ. Khoa học, công nghệ và âm nhạc công nghệ vẫn đang phát triển để nâng cao chất lượng nghệ thuật và chất lượng cuộc sống. Dù muốn hay không, công nghệ và âm nhạc công nghệ vẫn phát triển không ngừng, không dừng ở một đối tượng, một phương diện nào và gần như không có giới hạn.

   Âm nhạc công nghệ ở Việt Nam chưa phải là một ngành đào tạo, sản xuất, sáng tạo nhưng lại là một ngành đã có ứng dụng đều khắp, đắc dụng cho nhiều phương diện của nghệ thuật âm nhạc và là ngành có nhiều tiềm năng trong tương lai. Âm nhạc công nghệ sẽ thu hút nguồn nhân lực và gợi mở cho nhiều hướng phát triển. Ngành âm nhạc công nghệ hiện nay không cần có phần nghiên cứu cơ bản, chưa có ngành sản xuất, thậm chí đào tạo vẫn còn đang ở mức chập chững nhưng đã vô cùng nhộn nhịp với hàng trăm phòng thu, hàng chục công ty dịch vụ âm thanh, ánh sáng, hàng chục nơi đào tạo công nghệ - sử dụng phần mềm phục vụ cho âm nhạc… Âm nhạc công nghệ còn mở rộng hơn ở những mặt tiện ích đối với sáng tác, hòa âm, phối khí, in ấn, quảng cáo, phim âm nhạc (MV)… Ở nước ngoài, ngành âm nhạc công nghệ còn bao gồm cả ngành công nghệ sản xuất chương trình (âm nhạc), quảng cáo âm nhạc, ngành in ấn âm nhạc, công nghệ trong đào tạo âm nhạc, sản xuất đồ chơi âm nhạc, nhạc khí, quản lý nghệ thuật… Ở Thành phố Hồ Chí Minh đã thấy nhiều công ty tư dịch vụ mở rộng hoạt động ở các lĩnh vực này. Âm nhạc công nghệ, quả thực, đang trở thành một ngành tiềm năng và là môi trường bền vững, năng động để phát triển cũng như làm cơ sở để phát triển âm nhạc.

   Không kể đến mặt trái của vấn đề sử dụng công nghệ trong nghệ thuật, bởi mục đích cuối cùng của hoạt động khoa học, công nghệ phải là phục vụ con người thì cho đến nay, khoa học, công nghệ đã hiện diện ở hầu hết các hoạt động âm nhạc. Trong đó, những nghiên cứu khoa học, công nghệ phục vụ cho biểu diễn âm nhạc chiếm vị thế chủ yếu và phát triển mạnh. Với mục tiêu phục vụ con người - xã hội (theo chủ trương lớn của Đảng, con người Việt Nam có trí, đức, thể, mĩ), có thể đưa ra những nghiên cứu xã hội học về văn hóa, nghệ thuật để có những chỉ số cụ thể và kịp điều chỉnh những lệch chuẩn xã hội mà nguyên nhân có thể do lạm dụng công nghệ, công nghệ hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, dù muốn hay không, khoa học, công nghệ cũng luôn hiện diện trong hầu hết các hoạt động âm nhạc, đóng góp nhiều mặt về kinh tế, kỹ thuật, xã hội, văn hóa…

   Nếu chúng ta sử dụng khoa học, công nghệ như một phương tiện, những ứng dụng đó sẽ vô cùng ích lợi, không chỉ đối với hoạt động âm nhạc đương đại mà còn là những đóng góp cho phát triển bền vững và phù hợp với thời đại. Từ những kết quả ứng dụng, khoa học công nghệ sẽ góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa âm nhạc dân tộc trong đời sống đương đại. Đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ cho đào tạo sẽ tạo nên sức mạnh chung và có những bước đột phá mới, giúp nghệ sĩ giỏi cân bằng được những ứng dụng công nghệ trong thực hành biểu diễn, tạo nên các chương trình nghệ thuật có giá trị.

   Hiện nay, khoa học, công nghệ đang có những bước tiến dài và những thành tựu khoa học, công nghệ đang góp phần làm thay đổi xã hội, thay đổi những hoạt động xã hội, sản phẩm xã hội. Xã hội hiện đại đánh giá sản phẩm thông qua các chỉ số về hàm lượng tri thức khoa học, công nghệ, văn hóa chứa trong sản phẩm. Hướng nghiên cứu khoa học, công nghệ ứng dụng cho các ngành văn hóa, nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng có thể chỉ là một trong những định hướng nghiên cứu, phát triển khoa học, góp phần xây dựng đất nước nhưng đây là hướng nghiên cứu, đào tạo có thể tạo dựng một cách nhanh chóng những thay đổi cả về nội dung và hình thức bất cứ một ngành, một hoạt động xã hội nào...

   Hoạt động của mỗi lĩnh vực nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng đều đòi hỏi có những nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ. Đây là xu hướng, là nhu cầu và là sự tồn tại của ngành âm nhạc; là dấu hiệu nhanh chóng hòa nhập và phù hợp xu thế của ngành âm nhạc. Khoa học, công nghệ có thể là một hướng mở cho hoạt động và là hướng phát triển của nghệ thuật âm nhạc…

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hiền Đức (2005): “Khai thác phần mềm nhận diện âm thanh âm nhạc truyền thống Việt Nam”, Tạp chí Thông báo khoa học, số 14, tháng 1-4, tr. 105-111.
2. Claudie Marcel-Dubois (1958), “Histoire de l’ethomusicologie”, in trong: Jacques Chailley (1958), Précis de Musicologie, PUF, p. 55.
3. E. Eleipp (1963), Appareillages et méthodes modernes en acoustique musicale, Bulletin du G.A.M., n.4 (17 - IV - 63), p. 7-9.
4. Nguyễn Thanh Huy (2008), Xây dựng phần mềm dạy guitare cho sinh viên Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Phương pháp giảng dạy chuyên ngành Guitare, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Nguyễn Thị Mỹ Liêm (2019): “Ứng dụng kỹ thuật công nghệ thông tin trong nghiên cứu âm nhạc truyền thống, tại sao không?”, Tạp chí Nghiên cứu âm nhạc - Viện Âm Nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, số 57 (tháng 5-8), tr. 79-93.
6. Nguyễn Thị Mỹ Liêm (2020): “Xu hướng công nghệ hóa âm nhạc ở Thành phố Hồ Chí Minh”, Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật, số 437, tháng 9, tr. 57-69.
7. Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phan Gia Anh Thư, Ngô Thanh Nhàn (2021): “Thử ký âm nhận diện âm nhạc bằng âm phổ”, Kỷ yếu Hội thảo Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm trong xã hội đương đại, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - UBND tỉnh Ninh Bình - Trường Đại học Temple, Hoa Kỳ, tháng 12/2021.
8. Nguyễn Thị Mỹ Liêm (2022): “Âm nhạc trên không gian mạng”, Tạp chí Âm nhạc, số 4.
9. Lê Minh Phước (2014), Ứng dụng phần mềm Sibelius trong dạy học âm nhạc, Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh.
10. Vũ Nhật Thăng (1992), “Cần xây dựng chuyên ngành Nghiên cứu âm nhạc trên cơ sở tín hiệu vang”, Tạp chí Nghiên cứu Âm nhạc, số 3; Hợp tuyển Nghiên cứu, lý luận, phê bình âm nhạc thế kỷ XX, tập 1, Viện Âm nhạc (2003), tr. 1003 -1007.

Chú thích:
* Trường Đại học Sài Gòn.
1 Đặng Huy Hoàng (2005), Sự giữ gìn của ký âm pháp chữ nhạc cho biểu diễn âm nhạc: một thiết kế giao diện với sự liên hệ đặc biệt đến âm nhạc truyền thống Việt Nam, Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật âm nhạc, Khoa Nghệ thuật, Truyền thông và Kỹ thuật, Trường Nghệ thuật Utrecht (Hà Lan).
2 Phần mềm Midi Utility music của Nguyễn Anh Kiệt và Trần Việt Hùng có thể download từ trang web: www.Midiutility.com. Phần mềm được Giải thưởng “Nhân tài đất Việt” năm 2005 và Giải APICTA 2007.
3 Trần Quang Hải (2014), “Suy nghĩ về nghiên cứu âm nhạc dân gian và ứng dụng phương pháp luận phương Tây để phân tích dân ca ví, giặm của tỉnh Nghệ Tĩnh trên quan điểm âm nhạc và âm thanh học”, Tham luận Hội thảo khoa học quốc tế Bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca trong xã hội đương đại (trường hợp dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh), Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - UBND tỉnh Nghệ An - UBND tỉnh Hà Tĩnh.
4 Nguyễn Hiền Đức (2019), Âm nhạc ca trù Hà Nội, Luận án Tiến sĩ, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
5 Chương trình ETEP tại mỗi tỉnh, thành phố đều chỉ tập huấn một số giáo viên “cốt cán”. Những giáo viên này sẽ trở thành hạt nhân, hướng dẫn và tập huấn cho các giáo viên phổ thông tại cơ sở (Phỏng vấn trực tiếp 3/6 thành viên của ban biên soạn Module 9).
6 Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông môn Âm nhạc.

   

 

Bình luận

    Chưa có bình luận