GÓC NHÌN VỀ LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH ÂM NHẠC

Xuất phát từ điểm nhìn lý luận, phê bình, bài viết suy ngẫm, đánh giá về thực tiễn công tác nghiên cứu văn học, nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng; trên cơ sở đó, đề xuất một vài giải pháp về công tác quản lý, kiểm duyệt, thẩm định… để nhằm hạn chế sự 'ô nhiễm' của môi trường âm nhạc hiện nay.

   Tính đến tháng 4/2023, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có số di sản văn hóa nhiều nhất được vinh danh, với 15 di sản được UNESCO ghi nhận là “Di sản phi vật thể truyền khẩu của nhân loại”, hoặc “Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Để có được những thành tựu ấy là có sự đóng góp không nhỏ của các văn nghệ sĩ, trong đó có những người làm công tác lý luận, phê bình (LLPB). Có một thực tế là những người làm công tác LLPB âm nhạc ở nước ta ít được biết đến, ít được quan tâm và hiểu một cách đúng nghĩa.

   1. Đôi điều mạn đàm về lý luận, phê bình âm nhạc

   Từ những năm 1930 của thế kỷ XX đã xuất hiện những cây bút viết LLPB trong lĩnh vực âm nhạc và ngành LLPB âm nhạc của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) có lẽ cũng bắt đầu manh nha từ đó và cùng thời gian xuất hiện những tên tuổi như: Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Đình Thi, Lưu Hữu Phước, Tô Vũ, Lư Nhất Vũ, Nguyễn Xinh, Tú Ngọc, Vũ Tự Lân, Nguyễn Thị Nhung, Dương Viết Á, Trần Hồng, Trần Văn Khê, Tôn Thất Tiết, Trần Thế Bảo, Vũ Nhật Thăng, Nguyễn Thụy Loan, Hoàng Kiều, Bùi Đức Hạnh, Tú Hương, Phạm Lê Hòa, Lê Toàn, Nguyễn Thị Minh Châu, Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Cù Lệ Duyên, Bùi Huyền Nga, Nguyễn Mai Anh, Văn Thu Bích, Trọng Ánh, Nguyễn Quang Long…; các nhạc sĩ và cũng là nhà báo âm nhạc như: Nguyễn Thụy Kha, Đỗ Quang Hạnh, Thanh Thảo, Doãn Nho, Trương Quang Lục, Trương Đình Quang, Cát Vận, Phan Thanh Nam, Nguyễn Trọng Tạo, Dương Bích Hà, Kiều Tấn, Nguyễn Hữu Trịnh... và còn nhiều nhà lý luận đang hoạt động trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, trên các phương tiện báo chí, truyền thông trong cả nước.

   Cũng giống như những người làm công tác khoa học, lĩnh vực phê bình âm nhạc đòi hỏi người làm nghề phải có trình độ chuyên môn vững vàng, có kiến thức tổng hợp, hiểu biết xã hội sâu rộng mới có thể đưa ra ý kiến nhận xét, đánh giá, bình phẩm, trao đổi... nhằm đề cao cái đẹp đích thực, chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu và cả lỗ hổng trong sáng tạo, những biểu hiện lệch chuẩn.

   Vậy, phải hiểu thế nào cho đúng về nhà LLPB âm nhạc?

   Có người đã hiểu chưa thật đầy đủ về nghề LLPB âm nhạc và bản thân tôi nghĩ rằng không phải cứ tốt nghiệp đại học chuyên ngành LLPB là tự gắn mình với tên gọi “nhà lý luận, phê bình âm nhạc”. Đã là một nhà LLPB âm nhạc, ngoài bằng cấp còn cần phải có một quá trình nghiên cứu, sưu tầm và tham gia viết dưới nhiều hình thức khác nhau.

   Công tác LLPB đối với lĩnh vực thanh nhạc đã khó, lĩnh vực âm nhạc hàn lâm hay dân ca nhạc cổ còn khó hơn, bởi không phải nhà LLPB âm nhạc nào cũng có thể nắm rõ đặc trưng thể loại, hình thức thể hiện để có thể phân tích, so sánh và phê bình với những lập luận sắc bén và có sức thuyết phục. Cái khó của người làm công tác LLPB chính là vừa phải dùng những kỹ năng, phương pháp luận để phân tích, chứng minh, làm sáng tỏ một vấn đề nào đó ở góc độ học thuật, vừa chuyên sâu vừa logic, khoa học, nhưng cũng lại rất cần sự uyển chuyển trong ngôn từ, dẫn dắt, truyền đạt làm sao để bài viết đến được với độc giả. Nếu là một bài viết nặng về học thuật thì chỉ đáp ứng được số ít những người làm công tác nghiên cứu hoặc những người muốn tìm hiểu và chủ yếu dành cho người làm nghề (chuyên nghiệp). Vì thế rất cần những nhà LLPB mở rộng phạm vi hoạt động sang lĩnh vực báo chí để qua đó chuyển tải những thông điệp, những góc nhìn mới, những phát hiện sáng tạo vừa chuyên nghiệp nhưng cũng dễ gần với công chúng hơn - đó cũng là việc góp phần nâng cao nhận thức thẩm mĩ cho công chúng đối với âm nhạc.

   Âm nhạc Việt Nam phong phú và đa dạng, với 54 dân tộc, chúng ta có biết bao nhiêu làn điệu dân ca, nghệ thuật truyền thống, nhạc cụ dân tộc; âm nhạc mới Việt Nam với nhiều thể loại như: pop, rock, jazz, techno, hip-hop, rap... để khai thác, phát triển và sáng tạo. Chính vì thế, LLPB âm nhạc cũng được phân chia thành nhiều mảng khác nhau: có người thì nghiên cứu về âm nhạc truyền thống như: chèo, tuồng, cải lương; có người nghiên cứu về dân ca hay nhạc cụ dân tộc; người thì nghiên cứu và đi sâu tìm hiểu về âm nhạc mới Việt Nam... Còn nếu nhà LLPB muốn hoạt động đa dạng ở nhiều mảng, không có cách nào khác là phải trau dồi nghề nghiệp, phải nghiên cứu chuyên sâu về tất cả các thể loại âm nhạc qua từng thời kỳ thì mới có thể có được những bài viết đủ sâu sắc, đủ sức thuyết phục bạn đọc. Tuy nhiên, mong muốn là vậy nhưng lâu nay, trong lĩnh vực báo chí người ta ít quan tâm đến những người làm công tác LLPB, mặc dù từ trung ương đến địa phương, tờ báo nào cũng có mục Văn hóa (trong đó có âm nhạc) nhưng đa phần những bài viết về âm nhạc chủ yếu là câu view bằng thông tin về các ca sĩ trẻ hot hit với scandal là chính chứ không phải những bài viết về học thuật trong giọng hát, trong tiếng đàn hay trong diễn xuất của các nghệ sĩ. Chính sự hời hợt của người viết mà chủ yếu là giới thiệu những gì phía nghệ sĩ đưa ra chứ ít có ý kiến phản biện hoặc có cũng chủ yếu là xuôi chiều. Nhiều khi do ít có kiến thức về âm nhạc nên cũng có những bài viết không chuẩn chỉ, khiến người đọc hiểu sai lệch.

   Âm nhạc là nghệ thuật biểu hiện của cảm xúc và vì thế, ngoài kỹ năng học thuật còn cần phải có cái tâm đủ tĩnh và trong sáng mới có thể cảm thấu được tác phẩm để đưa ra những nhận định, đánh giá một cách sáng suốt, công tâm. Nếu chỉ vô tình có cái nhìn sai lệch sẽ khiến người viết đưa ra những nhận định chủ quan, thiếu khoa học và nhân văn, không chỉ làm tổn thương người sáng tạo mà còn dẫn đến những hệ lụy không thể đo lường trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và hiệu ứng đám đông như hiện nay. Vì vậy, trách nhiệm của nhà LLPB âm nhạc là rất lớn và cũng rất quan trọng nhằm thúc đẩy văn học, nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng phát triển. Chúng ta phải chấp nhận sự khác biệt trong sáng tạo mang bản ngã của mỗi chủ thể sáng tạo nhưng cũng cần phải đưa ra được những nhận định khách quan, tư duy logic và hiểu biết thấu đáo về nghệ thuật để tránh có những nhận định chủ quan, sai lệch, máy móc rập khuôn, đồng thời cũng cần có thái độ tích cực trước những ý kiến trái chiều để nhìn nhận vấn đề một cách trung thực, minh bạch. Người viết cần dùng lý lẽ, lập luận học thuật, kiên trì thuyết phục và chứng minh cho những điều mình viết để dẫn dắt công chúng, giúp công chúng có cái nhìn rộng mở, chân thành, rõ nét về những điều còn gây tranh cãi.

   Thực tế trong nhiều năm qua, tại các cuộc tổng kết hoạt động văn học, nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, nhiều người nhận định rằng: “Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình chưa có tiếng nói, thiếu vắng những cây phê bình sắc bén”, có cả những nhận xét: “Công tác lý luận, phê bình yếu kém”. Riêng cá nhân tôi cho rằng việc đánh giá này chưa đầy đủ và chưa rõ ràng, bởi đã là công trình nghiên cứu thì không thể đặt bút là viết, mà cần phải có quá trình đi thu thập tư liệu, thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, chứng minh mới có một bản thảo tốt và từ bản thảo chuyển sang thành sách là cả một vấn đề. Vậy mà hằng năm chúng ta vẫn có những công trình lý luận lớn, nhỏ được công bố, nghĩa là công tác nghiên cứu LLPB không hề vắng bóng. Tuy nhiên, tính phản biện giữa các nhà LLPB âm nhạc thông qua các công trình, các bài nghiên cứu dường như còn chưa rõ rệt, nếu không muốn nói là thiếu tính phản biện trong phê bình âm nhạc, có chăng chỉ là những phát ngôn phớt qua chứ không có những tranh biện sôi nổi của những người làm nghề, có học thuật để tìm ra tiếng nói chung hoặc hóa giải những khúc mắc gây tranh cãi, trái chiều trong công tác LLPB. Điều đó cũng làm giảm đi tính cấp tiến trong công tác LLPB, không theo kịp với xu thế phát triển. Mặt khác, đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu LLPB ngày càng thưa vắng do không được đầu tư thỏa đáng, đầu ra cho các công trình khó khăn, khó tìm người trao truyền, nhất là trong lĩnh vực nhạc cổ.

   Chúng ta ai cũng biết, để quảng bá một ca khúc đã là một việc làm khó đối với rất nhiều nhạc sĩ thì quảng bá một công trình nghiên cứu còn khó hơn nhiều. Đó là một thực tế đau lòng khi làm nghề mà những đứa con tinh thần của mình đã không thể ra mắt đồng nghiệp, bạn đọc. Như vậy, ở đây đã cho thấy đầu tư của nhà nước cho lĩnh vực nghiên cứu LLPB văn học, nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng còn chưa thực sự đáp ứng được đòi hỏi của công tác nghiên cứu lý luận. Và vì thế, chỉ một số rất ít công trình được xuất bản, trong khi còn biết bao công trình nghiên cứu đang nằm trong ngăn tủ tại các tư gia.

   Một khía cạnh khác của người làm công tác LLPB là: bên cạnh những công trình lý luận, họ còn góp sức trong việc sưu tầm, làm công tác khoa học tại các viện nghiên cứu, trong các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp nhưng vì tính chất công việc mà họ ít được công chúng biết tới, chỉ có người trong nghề, nói đúng hơn là những đồng nghiệp biết đến họ và công việc của họ mà thôi. Điều này được minh chứng bởi tất cả những di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận trong những năm qua đều có phần đóng góp tích cực của những nhà nghiên cứu LLPB âm nhạc, những người làm công tác âm nhạc chuyên nghiệp trong việc nghiên cứu, sưu tầm, lập hồ sơ và có những bản thuyết trình đầy sức thuyết phục để nhận được sự đồng thuận của các thành viên bỏ phiếu cho các di sản của Việt Nam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

   Cùng với đó là số lượng lớn những người làm công tác lý luận trong môi trường sư phạm. Có thể họ không có nhiều công trình nghiên cứu nhưng họ lại đóng góp vào những đề tài khoa học, có sáng kiến, cải tiến trong việc biên soạn giáo trình giảng dạy, đào tạo ra nhiều thế hệ những nhà LLPB tương lai.

   Một lực lượng cũng đáng kể nữa hiện đang công tác tại các cơ quan phát thanh và truyền hình. Họ đã và đang thực hiện các chương trình âm nhạc chuyên đề mang tính học thuật, không chỉ là định hướng thẩm mĩ cho người nghe, người xem mà còn hướng tới đối tượng là những người làm âm nhạc chuyên nghiệp.

   Như vậy, đội ngũ những người làm công tác LLPB âm nhạc không phải là ít, họ trải đều trên các mặt trận. Tuy nhiên, điều tôi trăn trở, suy nghĩ chính là lực lượng những người viết báo trong lĩnh vực âm nhạc.

   2. Báo chí và âm nhạc - nên hiểu thế nào cho đúng

   Thực tế của đời sống xã hội, đã có những giai đoạn, người ta đã gộp nhà báo viết về âm nhạc với nhà LLPB âm nhạc làm một. Chính điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc định hướng dư luận, định hướng về nhận thức, tư tưởng, thẩm mĩ đối với công chúng thưởng thức trong xã hội đầy biến động.

   Thực trạng cho thấy, tại nhiều tòa soạn báo, nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực truyền thông có rất nhiều chuyên viên về văn học, nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng nhưng lại không có chuyên môn, chứ chưa nói gì đến việc có được đào tạo để viết LLPB hay không? Thậm chí họ cũng chẳng được đào tạo báo chí, có khi viết báo chỉ là tay ngang, lâu dần thành quen và cứ viết, cứ “phán” những gì mà bản thân họ thấy thích và cho là đúng (từ quan niệm và nhận thức của chính bản thân họ).

   Điều đáng nói, lực lượng những người viết báo về âm nhạc lại là một lực lượng hùng hậu. Họ thỏa sức viết về âm nhạc, bàn luận về âm nhạc mà không hề nghĩ đến hậu quả để lại từ những bài báo thiếu tính lý luận, không có học thuật nhưng họ vẫn viết, vẫn làm vì công tác quản lý buông lỏng, lãnh đạo cơ quan chủ quản quan liêu, các tổ chức chính trị nghề nghiệp chưa hoặc có lên tiếng cũng không gay gắt do sợ động chạm khi có nhiều vấn đề được các nhà báo không chuyên nghiệp đưa ra mổ xẻ một cách lố bịch trên các diễn đàn báo chí, các trang mạng xã hội. Chính vì thế, mảng âm nhạc trên báo chí với một lực lượng nhà báo trẻ, hùng hậu (thậm chí chỉ là sinh viên thực tập, cộng tác viên) cứ tha hồ tung hoành với những chuyện giật gân, những scandal, đời tư ca sĩ, nghệ sĩ được bê cả lên mặt báo. Vậy cái tâm của nhà báo ở đâu? Và như thế có thể coi đó là phê bình âm nhạc được hay không? Như vậy, báo chí không những không làm tròn sứ mệnh của mình mà còn đang làm phức tạp, làm xấu thêm hình ảnh và lũng đoạn thị trường, thổi bùng lên những tị hiềm, nhỏ nhen, ích kỷ của một bộ phận giới trẻ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, gây hiệu ứng không tốt tới đời sống xã hội.

   Ranh giới giữa nhà báo viết về âm nhạc và nhà phê bình âm nhạc rất rõ ràng nhưng có lẽ chỉ những người làm nghề chuyên nghiệp nhận biết rõ ràng điều này, còn vô hình trung họ đã quy chụp những cái gì viết về nhạc trên các phương tiện truyền thông đại chúng là phê bình âm nhạc và những nhà báo viết về âm nhạc là nhà LLPB.

   Những người làm LLPB đích thực không phải vì không được đào tạo báo chí nên ngại viết báo nhưng hầu như họ mới chỉ dừng lại ở những bài nghiên cứu hoặc những bài viết nặng về tính học thuật được đăng tải trên những tạp chí chuyên ngành, một số đài phát thanh, truyền hình. Cá biệt có một số nhà LLPB cho rằng họ ở “một tầng lớp khác” và vì thế họ có nhiều việc để làm, để viết, họ không thừa thời gian dành cho những điều mà họ cho là vớ vẩn, vô bổ, thậm chí thiếu văn hóa trên báo chí. Trong khi đó, những người làm báo viết âm nhạc thì lại nhiều vô kể và số này hầu hết là không được đào tạo âm nhạc nhưng vẫn lao vào viết vì âm nhạc và giới văn nghệ sĩ là mảnh đất họ dễ kiếm sống. Họ chỉ cần có bài viết, có nhuận bút chứ không nghĩ đến việc mình làm gì, làm như thế nào mang lại ý nghĩa xã hội tích cực. Đáng tiếc thay, nhiều nhà báo lại nghĩ mình tài giỏi hơn người, dám viết vào những lĩnh vực nhạy cảm mà tôi cho rằng “điếc không sợ súng” đã khiến họ tha hồ tự tung, tự tác trên các diễn đàn và giở những chiêu, trò, thủ thuật báo chí làm lũng đoạn thị trường âm nhạc, dẫn đến lệch chuẩn về nhận thức, thẩm mĩ của công chúng, nhất là lớp trẻ. Những bài báo chưa có hoặc ít có bề dày về lý luận, về học thuật, không có cơ sở lý luận vững chắc trong phê bình mà chỉ phê bình bằng cảm tính - chủ quan, nên khen, chê cũng còn nhiều điều cần bàn, nhiều khi sử dụng ngôn từ đời thường thiếu văn hóa và tính nhân văn đang ngày càng phổ biến, tràn lan trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là lý do khiến cho trên các phương tiện thông tin đại chúng, những vấn đề liên quan đến âm nhạc mang tính lý luận, thực tiễn gắn với đời sống xã hội ít được quan tâm đúng mức.

   3. Một số giải pháp

   Lĩnh vực âm nhạc trên báo chí cho thấy một thực tế báo động về công tác quản lý hết sức lỏng lẻo của các cơ quan chức năng đang góp phần để cho thị trường âm nhạc nói chung, báo chí viết về âm nhạc và cả thị trường băng đĩa không lành mạnh tràn lan. Nếu không có sự buông lỏng, không có sự bao che, liệu các nhà báo có tự tung tự tác trên các diễn đàn được như thế hay không? Các nhà mạng có thỏa sức đăng tải những video clip thiếu văn hóa như thế lên các trang mạng, chứ chưa nói gì đến tính nghệ thuật? Vì không có sự kiểm duyệt gắt gao, không có chế tài đủ mạnh nên họ ngày càng coi thường bạn đọc, coi thường dư luận xã hội, tha hồ tâng bốc, tôn vinh bất cứ ai họ muốn lăng xê cho dù người đó không có tài năng, thậm tệ hơn là có “thành phần” nghĩ những thứ “rác rưởi” ấy là nghệ thuật, là văn hóa, là sự cống hiến… và đưa lên các phương tiện truyền thông, mà chủ yếu là các trang mạng. Cứ thế, đĩa nhạc của họ ra đời và mặc nhiên họ mang danh là “nhạc sĩ”, bài viết của họ được đăng tải, lâu dần họ tự đặt mình vào giới phê bình âm nhạc.

   Các cơ quan xuất bản, báo chí, phát thanh, truyền hình là công cụ tuyên truyền, cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, vậy mà nhiều đơn vị, nhiều chương trình, công việc kiểm duyệt, thẩm định gần như thả nổi. Trong khi trình độ chuyên môn của những người làm công tác quản lý ở một số cơ quan phát thanh, truyền hình còn rất hạn chế. Có những bài báo, chương trình kém chất lượng, thiếu định hướng và không có sự công tâm của người viết tại sao vẫn được đăng tải? Lỗi ở nhà báo một phần nhưng trách nhiệm cũng thuộc về những người quản lý báo chí. Đặc biệt, hiện nay, khi công nghệ thông tin bùng nổ, phương tiện kỹ thuật hiện đại đã kéo theo một trào lưu sáng tác mới, nào là nhạc sàn, nhạc chế, nhạc chuông, nhạc chờ, toàn những thứ được làm từ công nghệ, máy móc chứ không phải sản phẩm làm ra bằng trái tim, khối óc và bằng xúc cảm nghệ thuật. Nhiều khi người nghe “sởn da gà” bởi thứ âm nhạc giật gân, lời lẽ thô tục, thiếu tính văn học.

   Đáng lẽ âm nhạc phải khiến con người ta thăng hoa khi cảm xúc được cộng hưởng, đằng này nghe nhạc mà nó khiến con người không thể xích lại gần nhau bởi chỉ toàn thấy gươm, đao, giáo, mác với những lời lẽ thô thiển, kệch cỡm… Vậy thử hỏi vai trò của những người lãnh đạo văn hóa ở đâu? Họ đã và đang làm gì để định hướng dư luận, để góp phần vào sự phát triển của đất nước? Chính sự quan liêu, buông lỏng quản lý của một vài cá nhân ở những vị trí lãnh đạo quan trọng là một trong những nguyên nhân góp phần đẩy môi trường âm nhạc ngày một “ô nhiễm” thêm trầm trọng.

   Vì thế, tôi xin nêu ra một số kiến nghị:

   Thứ nhất: Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Báo chí cần xử phạt nghiêm nếu tờ báo, trang báo điện tử, đài phát thanh, truyền hình nào vi phạm Luật Báo chí, Luật Xuất bản, nhất là việc quảng bá các sản phẩm văn hóa có ảnh hưởng không tốt tới việc định hướng tư tưởng, thẩm mĩ, nhận thức, lối sống của đại bộ phận công chúng trong xã hội.

   Thứ hai: Cần xây dựng và có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu lý luận, không hạn chế số lượng, nhất là đối với các công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, âm nhạc dân gian. Vì điều này rất cần cho việc bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa của dân tộc, bởi “Văn hóa là nền tảng của sự phát triển”.

   Thứ ba: Trong lĩnh vực đào tạo báo chí, bản thân tôi rất mong Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (Hội đồng) có sự tham vấn, đề xuất hoặc liên kết đào tạo để giúp các nhà báo tương lai tiệm cận gần hơn với văn học, nghệ thuật, âm nhạc. Vì chỉ khi họ được học, được tiếp cận một cách đầy đủ thì khi ra trường họ mới hiểu và có cái nhìn đúng và có thể viết báo ở lĩnh vực văn học, nghệ thuật một cách chân xác.

   Thứ tư: Các hội chuyên ngành cần đẩy mạnh các hoạt động của tiểu ban LLPB và rất cần Hội đồng trở thành mái nhà chung cho những người làm công tác lý luận, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Thời gian qua, các Lớp tập huấn của Hội đồng đã thổi luồng gió mới, có tác động rất lớn đến đời sống sáng tạo của những người làm văn học, nghệ thuật. Lớp trung niên chúng tôi không chỉ nhìn các bậc Thầy với sự kính trọng, biết ơn qua những bài giảng, trao đổi, chia sẻ tại hội thảo, hội nghị, tọa đàm và các lớp bồi dưỡng, tập huấn mà còn nhìn về lớp trẻ ở thế hệ 9X để cảm nhận sự nhanh, nhạy, sáng tạo, đầy mới mẻ nơi các em. Bởi ở tuổi các em, chúng tôi chẳng dám mơ mình được bước chân vào môi trường của Hội đồng nhưng nay cơ hội đã rộng mở và chúng tôi thật sự biết ơn Lãnh đạo Hội đồng về những hoạt động nghề nghiệp nhiều ý nghĩa này.

   Bản thân tôi luôn mong chờ những cuộc hội thảo, hội nghị, tập huấn chuyên môn của Hội đồng bởi đây là cơ hội để tôi học tập và phát huy khả năng của mình. Vẫn biết không phải một sớm, một chiều là có thể giải quyết tận gốc mọi vấn đề của văn học, nghệ thuật bởi cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, cơ cấu tổ chức... đã có tác động đến tất cả mọi lĩnh vực, mọi vấn đề của xã hội chứ không chỉ riêng lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng. Và những cuộc hội thảo chẳng khác nào “muối bỏ bể” nhưng có vẫn còn hơn không bởi nếu không có hội thảo, những người hoạt động âm nhạc và báo chí như chúng tôi sẽ chẳng biết chia sẻ cùng ai…

Bình luận

    Chưa có bình luận