MÚA DÂN GIAN KHMER NAM BỘ TRONG BỐI CẢNH VĂN HÓA HIỆN NAY

Do quá trình cộng cư giữa các tộc người Việt (Kinh), Hoa, Khmer, Chăm cùng với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, múa dân gian Khmer Nam Bộ đang gặp phải nhiều yếu tố tác động dẫn đến một số hạn chế và nguy cơ biến mất. Từ việc chỉ ra thực tiễn đó, bài viết đề xuất xây dựng một số khuyến nghị giúp bảo tồn những giá trị tốt đẹp của văn hóa Khmer Nam Bộ nói chung và nghệ thuật múa dân gian Khmer nói riêng.

   Người Khmer tại Nam Bộ có nền văn hoá đặc sắc với các lễ hội truyền thống như Chol Chnam Thmay, Sen Đolta, Ooc om bok…; các nghệ thuật truyền thống có nhiều hình thức biểu diễn như dân ca trữ tình, điệu múa, tuồng Robam, Dù Kê mang đậm tính huyền thoại, sử thi… Nghệ thuật múa nói chung và múa dân gian nói riêng là phương tiện giao tiếp, gắn kết cộng đồng và là hoạt động không thể thiếu trong đời sống văn hoá của người Khmer tại Nam Bộ. Tuy nhiên, do sự giao thoa qua quá trình cộng cư giữa các tộc người Việt (Kinh), Hoa, Khmer, Chăm cùng với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay đã khiến bộ môn nghệ thuật múa dân gian Khmer dần mai một đi. Bằng phương pháp nghiên cứu định tính, khảo sát các buổi sinh hoạt nghệ thuật quần chúng tại những ngôi chùa Khmer ở thành phố Cần Thơ và các cơ quan quản lý văn hóa, nghệ thuật tại Cần Thơ, bài viết sẽ chỉ ra thực trạng của múa dân gian Khmer Nam Bộ đang gặp phải nhiều yếu tố tác động dẫn đến những hạn chế và nguy cơ biến mất.

   1. Đặc điểm của múa dân gian Khmer Nam Bộ

   Múa dân gian Khmer Nam Bộ có tính hệ thống và tính dị bản. Tất cả các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội đều có mối quan hệ với nhau và múa dân gian Khmer Nam Bộ cũng vậy. Múa có liên quan đến các thành tố khác như âm nhạc, trang phục, ngôn ngữ hình thể… phải tiết chế hoặc nâng đẩy lẫn nhau để tạo ra bài múa đúng. Các điệu múa dân gian Khmer sinh hoạt vui chơi đa số đều mang tính chất lặp đi lặp lại nên âm nhạc sử dụng trong múa thường tiết tấu phải nhanh, nhịp nhàng, điều độ để động tác tay kéo lên hay đẩy xuống, bước chân lên hoặc xuống đều phải ngắt đúng nhịp. Việc sử dụng âm nhạc có tiết tấu rộn ràng nên gương mặt, ánh mắt của người múa phải luôn tươi vui. Đối với múa tín ngưỡng dân gian, bởi sự nghiêm trang, tôn kính đối với Thần, Phật nên âm nhạc sử dụng đòi hỏi đa dạng âm tiết hơn. Tùy vào nội dung bài múa, âm nhạc lúc chậm rãi, lúc cần cao độ để thể hiện sự cao trào, các động tác múa lúc nhẹ nhàng, uyển chuyển, khi lại mạnh mẽ, dứt khoát. Hầu hết các động tác múa dân gian Khmer Nam Bộ ít bung xòe như ballet, không uốn lượn như múa Trung Quốc mà chủ yếu là gấp gãy, đường nét nên trang phục sử dụng luôn gọn gàng. Tất cả những yếu tố này luôn phải liên quan, phù hợp với nhau, không tách rời, tạo nên tính hệ thống của múa dân gian Khmer Nam Bộ.

   Múa dân gian Khmer Nam Bộ có tính hệ thống nhưng đó không phải là khuôn mẫu bắt buộc mà chỉ là quy tắc tự nhiên sinh ra từ mối quan hệ giữa các yếu tố trong một bài múa cơ bản. Bên cạnh đó, múa dân gian được lưu truyền trong dân gian, không theo đúng bài bản, khuôn khổ mà luôn được sáng tạo, do đó có tính dị bản. Tính dị bản của múa dân gian tỉ lệ thuận với khoảng cách thời gian lịch sử hình thành của nó. Điều này có nghĩa là múa dân gian Khmer Nam Bộ nếu tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật của nền văn hóa khác thì nguy cơ biến đổi, thậm chí biến mất là có cơ sở.

   2. Những hạn chế của múa dân gian Khmer Nam Bộ hiện nay

   2.1. Hoạt động tuyên truyền nghệ thuật múa dân gian

   Bảo tàng Văn hóa Khmer cũng sẽ là nơi lưu giữ, trưng bày, giới thiệu những hiện vật, hình ảnh, tài liệu phản ánh đời sống văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của cộng đồng dân tộc Khmer địa phương, từ truyền thống đến đương đại. Tuy nhiên, hiện chỉ có tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh là có Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer. Thậm chí còn rất nhiều người Khmer chưa biết Bảo tàng Văn hóa Khmer là gì hoặc không biết xây dựng nên thì nó có nhiệm vụ gì. Điều này đồng nghĩa là việc quảng bá cho bảo tàng cũng còn hạn chế. Vốn dĩ, yếu tố dân gian là rất khó để lưu truyền, nhất là do sự thâm nhập bởi những yếu tố ngoại lai như hiện nay. Cho nên “nếu không có chiến lược bảo tồn và phát huy thì khoảng hai - ba thế hệ nữa, thanh thiếu niên sẽ không còn biết đến các bài hát, điệu múa… của dân tộc”1. Đây là vấn đề hết sức cấp bách cần được quan tâm giải quyết mà Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Tri Tôn 2006 cũng đã bàn luận.

   2.2. Sự giao lưu, tiếp biến văn hóa

   Nam Bộ hiện có rất nhiều tộc người cùng sinh sống như Kinh, Chăm, Hoa, Khmer… họ sống xen kẽ và cùng sinh hoạt với nhau, do đó có sự giao thoa nhất định về văn hóa, trong đó có nghệ thuật múa dân gian. Tác giả Lý Tùng Hiếu cũng đã nhận định rằng: “Không gian văn hóa Nam Bộ là phần mở rộng của không gian văn hóa Việt Nam trên một vùng đất mới mà ở đó, tộc người Việt cùng chia sẻ không gian văn hóa đồng bằng với ba tộc người thiểu số có nền văn hóa phát triển và có những thế mạnh văn hóa khác nhau: Hoa, Khmer, Chăm; chưa kể các cư dân khác đến từ mọi miền đất nước. Đây cũng là nơi mà người Việt tiếp xúc thuận lợi nhất với Đông Nam Á và là nơi văn hóa Việt tiếp xúc lâu dài nhất với văn hóa phương Tây. Tất cả đã biến Nam Bộ thành một vùng đất mà giao lưu tiếp biến văn hóa diễn ra với tốc độ rất nhanh, làm biến đổi sâu sắc văn hóa của tất cả các tộc người ở đây”2. Trong bối cảnh phát triển của xã hội, văn hóa Khmer dân gian Nam Bộ đang có chiều hướng mất dần bản sắc với văn hóa ngoại lai như Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã nhận định: “Hiện nay, trước nền kinh tế thị trường, văn hóa Khmer dân gian Nam Bộ đang có chiều hướng mất dần bản sắc. Văn hóa ngoại lai đang từng ngày, từng giờ như những đợt sóng xô vào bến bờ văn hóa dân tộc chúng ta. Thực tế cho thấy, văn hóa truyền thống Khmer tuy đã bám rễ sâu vào đời sống qua nhiều thế hệ nhưng nay nó đang bị chao đảo, có lúc không tìm thấy hướng đi”3. Trong buổi sinh hoạt văn nghệ dân gian Khmer hiện nay không còn đơn thuần là các tiết mục múa dân gian Khmer nữa mà còn xen lẫn vào nhảy hiện đại, những bài hát nhịp điệu Romvong, Saravan, Lăm Lêu… được làm mới lại trở nên sôi động hơn. Cô Danh Thị Sóc, cựu diễn viên múa Đoàn Nghệ thuật Khmer Bạc Liêu ngậm ngùi rằng: “Cô thấy giờ không có nhiều bạn trẻ thích hát, múa Khmer nữa. Phần vì họ biết ít, phần vì công nghệ giải trí nước ngoài ảnh hưởng quá lớn, như kiểu Hàn Quốc vậy”. Làn sóng mới này không chỉ ảnh hưởng với giới trẻ thành thị mà những vùng quê cũng bị ảnh hưởng theo. Dần dần giới trẻ Khmer không còn nhiều người chọn múa dân gian của tộc người mình để trình diễn, thậm chí là họ không biết múa.

   2.3. Chính sách phát triển

   Để giữ hồn cho nghệ thuật múa dân gian Khmer thì cần nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là con người. Hiện nay, các đoàn nghệ thuật biểu diễn như Đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh ở Trà Vinh hay Đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống bởi tần suất biểu diễn thấp, lương bổng không đủ để trang trải. Tại mỗi địa phương cũng chưa có nhiều chính sách hỗ trợ để hoạt động biểu diễn, giảng dạy, tuyên truyền về nghệ thuật dân gian. Theo ông Thạch Sô Rên, cựu nhạc công của Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Bạc Liêu và Đoàn Nghệ thuật Triều An Trà Vinh, kể rằng: “Đi theo Đoàn, lương thấp lắm, chủ yếu đi cho vui vì mê quá. Tôi về nhà mở lớp dạy đờn nhỏ nhỏ cho mấy em trong xóm kiếm thêm bữa cơm mà giờ tụi nhỏ cũng không chịu học đờn ca Khmer nữa mà mê nhạc của nước ngoài, thành ra lớp học cũng không còn ai theo”. Khi được hỏi về chính sách của nhà nước hiện nay đối với đời sống anh em nghệ sĩ của Đoàn thì anh Quang, một nhạc công hiện đang công tác tại Đoàn Nghệ thuật Ánh Bình Minh của Trà Vinh, cho biết hiện nay đoàn rất được quan tâm, nhất là sau đại dịch Covid-19. Anh Quang cho biết: “Hiện nay nhà nước ngoài trả lương đủ sống cũng có chương trình đi học thêm cho anh chị em. Ai có bằng lớp 9, lớp 12 gì đó thì đi học bồi dưỡng thêm để nâng cấp và tăng ngạch lương”.

   Như vậy, việc chăm lo đời sống nghệ sĩ là rất quan trọng, cần chú trọng phát huy hơn nữa để tạo hiệu quả trong việc truyền bá văn hóa dân gian Khmer Nam Bộ không bị mất đi bởi sự thờ ơ và yếu tố văn hóa ngoại lai. 

   3. Các khuyến nghị nhằm bảo tồn và phát huy múa dân gian Khmer Nam Bộ

   3.1. Về phía cộng đồng người Khmer Nam Bộ

   Chính người Khmer cần hiểu rõ được vai trò của bản thân họ đối với các hoạt động văn hóa tộc người mình. Điều Chính người Khmer cần hiểu rõ được vai trò của bản thân họ đối với các hoạt động văn hóa tộc người mình. Điều này có nghĩa là về phía cộng đồng Khmer Nam Bộ đối với múa dân gian cần có những nhiệm vụ nhất định. Trong vấn đề bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa dân gian Khmer Nam Bộ thì chính ý thức, hành động của người dân Khmer là quan trọng nhất. Bởi vì mối quan hệ giữa họ đối với nghệ thuật truyền thống là gắn bó, thống nhất và quy định lẫn nhau. Họ có vai trò rất lớn trong việc quyết định sự tồn tại của nghệ thuật, nhất là múa dân gian. Vì tầm quan trọng của múa dân gian trong sự cố kết cộng đồng thì quả thực việc phải bảo tồn, phát huy là cấp thiết. này có nghĩa là về phía cộng đồng Khmer Nam Bộ đối với múa dân gian cần có những nhiệm vụ nhất định. Trong vấn đề bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa dân gian Khmer Nam Bộ thì chính ý thức, hành động của người dân Khmer là quan trọng nhất. Bởi vì mối quan hệ giữa họ đối với nghệ thuật truyền thống là gắn bó, thống nhất và quy định lẫn nhau. Họ có vai trò rất lớn trong việc quyết định sự tồn tại của nghệ thuật, nhất là múa dân gian. Vì tầm quan trọng của múa dân gian trong sự cố kết cộng đồng thì quả thực việc phải bảo tồn, phát huy là cấp thiết.

   Để nghệ thuật múa dân gian còn tồn tại và phát triển mãi thì cộng đồng Khmer cần tạo điều kiện thuận lợi giúp người trẻ được tiếp xúc với những thông tin truyền bá về nghệ thuật dân gian. Cần khuyến khích giới trẻ tham gia hoạt động văn nghệ của địa phương như các buổi sinh hoạt cộng đồng tại phum sóc, các buổi sinh hoạt văn nghệ tại gia vào các dịp lễ tết… Chính những người lớn trong gia đình cũng cần thể hiện tinh thần yêu văn nghệ để truyền cảm hứng cho con cháu bằng cách xem, nghe các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian trên báo, đài. Đồng thời hưởng ứng những đợt vận động cho các cuộc giao lưu văn nghệ do địa phương tổ chức nhằm góp tiếng nói truyền bá, bảo tồn và phát huy giá trị của múa dân gian Khmer Nam Bộ. Anh Nguyễn Thanh Phú, Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ nhận định rằng: “Lửa đam mê phải được truyền từ gia đình, từ cộng đồng, từ truyền thông thông tin… đại khái là từ những điều làm cho các bạn trẻ cảm nhận được múa Khmer là đặc trưng văn hóa, là niềm tự hào của các bạn ấy!”. Nếu thực hiện tốt các nhiệm vụ trên sẽ bảo tồn được sự sống cho múa dân gian Khmer Nam Bộ. Bởi lẽ, cộng đồng còn tiếp nhận và thực hiện thì nghệ thuật đó còn sống mãi, ngược lại, nếu cộng đồng thờ ơ, xem nhẹ thì nghệ thuật dân gian sẽ chết dần trong sự quên lãng.

   3.2. Về phía chùa Khmer

   Trong văn hóa tôn giáo tín ngưỡng Khmer, Phật giáo và chùa rất quan trọng, giữ vai trò then chốt. Nhà sư là nhân tố luôn được cộng đồng tôn kính, là những người có ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Tác giả Hà Lý cho biết: “Sư sãi không trực tiếp quản lý hành chính nhưng ý kiến của các sư sãi, nhất là các hòa thượng, đại đức, các sư cả được đồng bào rất coi trọng và gần như phục tùng vô điều kiện”4. Thượng tọa Lý Hùng thông qua luận án tiến sĩ của mình đã đóng góp thêm ý kiến rằng “vai trò của tu sĩ là người có học, có đạo hạnh, được xã hội kính trọng và tôn vinh. Nhiều tu sĩ có ảnh hưởng rất lớn và chi phối đến đời sống mọi mặt của người Khmer. Mọi tín đồ đều nghe theo lời nói từ cửa miệng các vị tu sĩ như là lời đức Phật”5.

   Vì vậy, trong vấn đề truyền bá để bảo tồn, phát huy múa dân gian Khmer Nam Bộ không thể bỏ qua vai trò rất quan trọng của nhà chùa và các vị sư sãi. Nếu thực hiện và phát huy tốt nhiệm vụ của mỗi đối tượng thì văn hóa, nghệ thuật Khmer nói chung, múa dân gian nói riêng khó có thể bị mất đi. Chùa là nơi tập trung sinh hoạt văn hóa và sư sãi là những người đứng đầu để truyền bá, vận động, cộng đồng Khmer nghe theo và thực hiện thì ít nhất là trong mỗi phum sóc Khmer đều sẽ bảo tồn được giá trị nghệ thuật, văn hóa riêng.

   3.3. Về phía chính quyền địa phương

   Cần đầu tư quy hoạch, đề bạt cán bộ các cấp làm công tác văn hóa - thông tin là người Khmer. Những cán bộ là người Khmer hiểu rõ về văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng mình hơn. Điều này sẽ khiến cho việc vận động hoạt động, bảo tồn và phát huy về văn hóa, nghệ thuật có hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, thực hiện các chương trình trao đổi, giao lưu văn hóa, văn nghệ với những địa phương có người Khmer tập trung nhằm củng cố, giúp họ ý thức về tầm quan trọng của nghệ thuật dân gian.

   Cần tăng cường các thông tin đại chúng về văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp trong vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống. Mặt khác, đưa chương trình giảng dạy văn hóa Khmer vào trường học, nơi có nhiều đồng bào Khmer sinh sống để tuyên truyền văn hóa, nghệ thuật Khmer được phát huy triệt để. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư cho các ngôi chùa bởi chùa rất quan trọng trong đời sống của người Khmer. Phát huy vai trò của nhà sư bằng việc bổ nhiệm Ban Quản trị chùa bởi đây là điều kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vị sư cả luôn là người có uy tín rất lớn đối với người dân Khmer nên nếu sư cả đứng ra vận động, tuyên truyền về văn hóa, văn nghệ… thì hiệu quả đạt được càng cao hơn.

   Đưa ra các biện pháp phòng chống tệ nạn xã hội ảnh hưởng đến sự an toàn và quyền lợi của du khách như móc túi, cướp giật, hiện tượng chèo kéo khách để bán hàng… Có chính sách ưu đãi cho diễn viên của các đoàn nghệ thuật như chăm lo đời sống của họ về nhà ở, bảo hiểm lao động, khen ngợi những cá nhân và tập thể thi đua tốt, quà tết, lễ…

   Có thể thấy, múa dân gian Khmer Nam Bộ là phương tiện giao tiếp trong cộng đồng Khmer và đóng góp nhiều giá trị trong văn hóa Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, hiện nay múa dân gian Khmer Nam Bộ đang gặp nhiều hạn chế. Bởi thế, bài viết của chúng tôi đề xuất một số khuyến nghị giúp bảo tồn những giá trị tốt đẹp của văn hóa Khmer Nam Bộ nói chung và nghệ thuật múa dân gian Khmer nói riêng.

 

 

 

Chú thích:
1 Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Tri Tôn (2006), Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Khmer Tri Tôn, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tri Tôn, tr. 44.
2 Lý Tùng Hiêú (2019), Các vùng văn hóa Việt Nam, NXBĐại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh,tr. 245.
3 Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (2005), Nam Bộ dân tộc và tôn giáo, NXB Khoa học xã hội, tr. 87.
4 Hà Lý (2004), Chùa Khmer Nam Bộ với văn hóa đương đại, NXB Văn hóa dân tộc, tr. 29.
5 Lý Hùng (2020),Vai trò của tu sĩ Phật giáo Nam tông trong đời sống xã hội của người Khmer ở Tây Nam Bộ hiện nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tr. 127.

Bình luận

    Chưa có bình luận