GIÁO DỤC THẨM MĨ CHO NGƯỜI HỌC HIỆN NAY*

Từ việc khẳng định giáo dục thẩm mĩ cho người học là một vấn đề có tính khoa học, cấp thiết hiện nay, bài viết mô tả và phân tích thực trạng giáo dục thẩm mĩ cho người học trong hoạt động đào tạo của Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả giáo dục thẩm mĩ cho người học.

   Là bộ phận quan trọng của văn hóa mỗi dân tộc và nhân loại, văn học có đặc trưng, ưu thế ở tính thẩm mĩ-nhân văn, góp phần trang bị tri thức về cái đẹp, ý thức trân trọng và bảo vệ cái đẹp, hình thành, phát triển khả năng sáng tạo cái đẹp trong cuộc sống cho người đọc, người học... Giá trị tinh thần mà văn học mang lại lý giải sự cần thiết, sức sống bền sâu của nó trong hành trình đi tới của nhân loại.

   Giáo dục thẩm mĩ là một phương diện quan trọng trong chức năng giáo dục của văn học. Suốt lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển, vai trò trang bị tri thức về cái đẹp, từ đó thôi thúc con người tạo ra những sản phẩm vật chất, tinh thần đã khẳng định sự cần thiết của văn học. Nhận thức được vai trò nghệ thuật ngôn từ trong hình thành, phát triển nhân cách cho con người, từ đó có những nội dung và phương pháp giáo dục thẩm mĩ-nhân văn sát hợp, hiệu quả, đó chính là chủ trương và mục đích của giáo dục - đào tạo ở nước ta hiện nay nói chung, các trường sư phạm nói riêng.

   1. Giáo dục thẩm mĩ cho người học - một vấn đề có tính khoa học, cấp thiết hiện nay

   Một trong những nội dung quan trọng của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là: “Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mĩ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”1. Định hướng của Đảng đã khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng, hợp thời của giáo dục thẩm mĩ. Với đặc trưng và ưu thế của mình, văn học đã đồng hành, cộng hưởng với chủ trương đổi mới của Đảng trong nỗ lực kiến tạo con người Việt Nam trong thời đại mới phát triển hài hòa, toàn diện cả thể chất lẫn tinh thần, hòa kết vẻ đẹp của trí tuệ và nhân cách.

   Cùng với năng lực ngôn ngữ, việc hình thành, phát triển năng lực văn học cho học sinh - một biểu hiện quan trọng của năng lực thẩm mĩ - là mục tiêu quan trọng mà Chương trình Ngữ văn 2018 hướng đến. Điều này thể hiện nỗ lực đổi mới theo hướng hiện đại, nhân bản của Chương trình giáo dục phổ thông mới nói chung, môn Ngữ văn nói riêng. Đây là nhân tố góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, nhân cách để học sinh phát triển toàn diện2. Nó cũng đòi hỏi ngành giáo dục, các đơn vị đào tạo, nghiên cứu, đội ngũ giảng dạy… phải có sự đổi mới trong nhận thức, phương pháp dạy học Ngữ văn khoa học, hiệu quả nhằm tận dụng lợi thế của thơ văn trong hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực người học.

   Là một trong hai trường sư phạm trọng điểm của nước ta, triết lý giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ ChíMinh là: “Chấtlượng - Sáng tạo - Nhân văn”3. Với triết lý này, công tác giáo dục, đào tạo của nhà trường luôn đề cao nội dung giáo dục thẩm mĩ nhằm xây dựng và hoàn thiện các phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người học, xem đó là yếu tố quan trọng của nguồn nhân lực phát triển toàn diện, những công dân toàn cầu. Với các ngành khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có Ngữ văn, giá trị “nhân văn” trong chương trình đào tạo thể hiện rõ ở mục tiêu tạo ra những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ có khả năng chuyển đổi và thích ứng với môi trường đa văn hoá; hướng thiện, có lý tưởng, có ý thức trách nhiệm phục vụ; khoan dung và tôn trọng sự khác biệt...

   2. Hoạt động đào tạo tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ thực trạng giáo dục thẩm mĩ cho người học

   Chương trình đào tạo4 của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cụ thể như sau:

   Đào tạo ở bậc đại học có các ngành/ chuyên ngành: Sư phạm Ngữ văn, Văn học, Việt Nam học, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam.

   Đào tạo ở bậc thạc sĩ có các ngành/ chuyên ngành: Lý luận văn học, Ngôn ngữ học, Văn học nước ngoài, Văn học Việt Nam.

   Đào tạo ở bậc tiến sĩ có các ngành/ chuyên ngành: Ngôn ngữ học, Văn học nước ngoài, Văn học Việt Nam.

   Quan điểm, phương pháp đào tạo của nhà trường là: 1) Tích hợp giáo dục thẩm mĩ-nhân văn trong chương trình, trong từng học phần. Đây là cơ sở hiện thực hóa mục tiêu đào tạo người học có thể hiểu sâu về kiến thức chuyên môn trên cơ sở kiến thức nền tảng gắn với tính dân tộc, tinh thần dân tộc, bản sắc dân tộc, tinh thần yêu nước; có khả năng vận dụng kiến thức liên ngành, đa ngành hiện đại vào đánh giá và xử lý những vấn đề mà dân tộc và thời đại đặt ra; hiểu mình để tự tin, sáng tạo, cởi mở, tôn trọng sự đa dạng văn hóa… 2) Gắn đào tạo, nghiên cứu ở đại học với thực tiễn dạy học ở trường phổ thông, với đời sống văn hóa, văn học cả nước và khu vực Nam Bộ; 3) Hướng nghiên cứu văn học truyền thống, văn học hiện đại từ góc độ thẩm mĩ được chú trọng ở cả người dạy và người học, nhất là những vấn đề về thẩm mĩ trong ngôn ngữ văn chương, trong mối quan hệ giữa con người với môi trường sinh thái, trong các nhận thức, ứng xử với giá trị văn hóa của dân tộc, nhân loại…

   Về đội ngũ giảng viên, trường có 7 tổ chuyên môn: Ngôn ngữ học, Hán Nôm, Lý luận văn học, Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài, Lý luận và phương pháp dạy học Ngữ văn, Việt Nam học. Đội ngũ giảng viên có nhiều thành tựu trong nghiên cứu, giảng dạy; tham gia xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu dạy học đại học, phổ thông…

   Trong hoạt động nghiên cứu, hợp tác: nhà trường chú trọng chức năng của văn học, trong đó có chức năng thẩm mĩ. Hướng tiếp cận liên ngành trong giảng dạy, nghiên cứu Văn hóa học - Giáo dục học - Văn học - Xã hội học… đã được đề cao, phát huy được ưu thế của văn học trong giáo dục thẩm mĩ cho người học, người đọc. Nhà trường có sự kết nối với các trường phổ thông, với các trường đại học, viện nghiên cứu, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương… trong nghiên cứu, hợp tác, đào tạo.

   Có thể thấy Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có những ưu điểm: Đây là một trường sư phạm trọng điểm của cả nước, nắm bắt và vận dụng kịp thời, hợp lý các quan điểm, nội dung giáo dục của Đảng, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có giáo dục thẩm mĩ. Khoa Ngữ văn có nhiều ngành đào tạo ở đại học, sau đại học; là đơn vị có bề dày truyền thống, có điều kiện thuận lợi (về chương trình, đội ngũ, cơ hội giao lưu, kết nối…) trong giáo dục thẩm mĩ cho người học. Nội dung, quan điểm giáo dục thẩm mĩ, dạy học phát triển năng lực văn học cho người học được quán triệt xuyên suốt từ giảng dạy, nghiên cứu ở đại học đến thực tiễn dạy học tiếng Việt, văn học trong nhà trường phổ thông.

   Tuy nhiên, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng có những hạn chế như: Chương trình đào tạo có nhiều học phần, ưu thế của mỗi học phần, của người dạy trong giáo dục thẩm mĩ qua giảng dạy, nghiên cứu văn học không đồng đều; sự kết nối với trường phổ thông chưa thường xuyên, liên tục; vì thế, nội dung, phương pháp tích hợp giáo dục thẩm mĩ qua dạy học văn chưa phải mọi lúc, mọi nơi đều sát hợp, hiệu quả; trường chịu những tác động tiêu cực của thực tế cuộc sống, mạng xã hội đến nhận thức, lối sống của người học và người dạy, với một số người trẻ, câu hỏi “Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn?” (Tố Hữu) không còn thường trực, bức thiết như thế hệ cha ông.

   3. Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục thẩm mĩ cho người học trong các trường đại học hiện nay

   Để nâng cao hiệu quả giáo dục thẩm mĩ cho người học trong các trường đại học hiện nay, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau:

   Một là, tích hợp dạy học, giáo dục thẩm mĩ trong chương trình, học phần, các hoạt động trải nghiệm văn học...

   Hai là, nghiên cứu văn học truyền thống, hiện đại Việt Nam, tiếp cận các sáng tác văn học nước ngoài trong và ngoài nhà trường (phổ thông, đại học) từ góc độ giáo dục thẩm mĩ-nhân văn.

   Ba là, tổ chức tọa đàm, hội thảo khoa học, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giảng dạy, nghiên cứu văn học theo định hướng giáo dục văn hóa, giáo dục thẩm mĩ cho giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên…

   4. Kết luận

   Từ thực tiễn giáo dục thẩm mĩ cho người học hiện nay của Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta thấy cần phải nhận thức rõ vai trò của giáo dục thẩm mĩ đối với chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của các trường đại học hiện nay. Đầu tư cho giáo dục thẩm mĩ là một giải pháp quan trọng để phát triển giáo dục-đào tạo, để nhà trường và đất nước vươn tầm. Muốn đạt được mục tiêu đó, cần có nội dung, biện pháp, đội ngũ… đảm bảo để nâng cao chất lượng giáo dục thẩm mĩ trong tất cả các mặt của hoạt động giáo dục đào tạo.

 

 

 

Chú thích:
* Nhìn từ Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

1 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 136-137.
2 Xem: Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông, môn Ngữ văn, Ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, tr. 3-4.
3 Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh: “Tầm nhìn và sứ mạng”, https://hcmue.edu.vn/vi/ gioi-thieu/tam-nhin-su-mang.
4 Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh: “Khoa Bộ môn”, https://hcmue.edu.vn/vi/khoa-bomon/khoa-ngu-van.

Bình luận

    Chưa có bình luận