VAI TRÒ CỦA MẠNG XÃ HỘI TRONG VIỆC GIÁO DỤC THẨM MĨ CHO HỌC SINH, SINH VIÊN Ở VIỆT NAM

Bài viết tập trung phân tích, luận giải về vai trò của mạng xã hội trong việc giáo dục thẩm mĩ ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là trong thời điểm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm khuynh đảo mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Từ đó đề xuất một vài giải pháp tận dụng các đặc tính của mạng xã hội nhằm phục vụ quá trình giáo dục thẩm mĩ cho học sinh, sinh viên.

 

   Giáo dục thẩm mĩ là giáo dục để người học có nhận thức đúng đắn và tương đối đầy đủ về cái đẹp nói chung, cái đẹp trong nghệ thuật nói riêng; về các nền văn hóa, văn minh, các trường phái nghệ thuật; về những điều đối lập với cái đẹp: cái xấu, cái ác... Lâu nay, việc giáo dục thẩm mĩ ở Việt Nam vẫn được lồng ghép trong các môn học ở nhà trường từ phổ thông đến đại học nhưng không nhiều. Ở bậc đại học và sau đại học, ngoại trừ các chuyên ngành liên quan đến văn chương, nghệ thuật thì việc giáo dục thẩm mĩ một cách trường quy gần như chấm dứt. Ở bên ngoài nhà trường, việc giáo dục thẩm mĩ chưa được chú trọng nhiều. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống người Việt Nam và có ảnh hưởng lớn đến nhận thức về cái đẹp của người sử dụng, trong đó thanh thiếu niên là những người chịu ảnh hưởng sâu sắc nhất vì họ là nhóm người dùng mạng xã hội đông nhất, đồng thời lại dễ xúc động và dao động hơn cả. Do đó, việc tìm hiểu bản chất, đặc trưng của mạng xã hội để từ đó tìm ra cách sử dụng nó phục vụ quá trình giáo dục thẩm mĩ cho học sinh, sinh viên là rất cần thiết.

   1. Khái niệm mạng xã hội

   “Mạng xã hội” (social network service/ social network site/ SNS) là một danh từ quen thuộc với nhiều người dùng internet hiện nay. Mọi người có thể dễ dàng nêu ra những ví dụ về mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, TikTok, Youtube, Zalo, Messenger... Tuy nhiên, mạng xã hội lại chưa có một định nghĩa thống nhất hoàn toàn bởi nó luôn thay đổi theo sự phát triển chóng mặt của công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật.

   Định nghĩa của Jonathan Obar và Steve Wildman dựa trên ba khía cạnh nền tảng kỹ thuật, nội dung và người dùng có thể xem là đủ bao quát các đối tượng của mạng xã hội. Về mặt nền tảng kỹ thuật, mạng xã hội là những nền tảng trực tuyến được xây dựng hệ thống mạng web 2.0, tức là hệ thống mạng tương tác, vận hành trên các thiết bị điện tử như điện thoại di động thông minh và máy tính. Khác với web 1.0 phổ biến vào thập niên 1990 chỉ truyền thông tin một chiều đến người dùng, web 2.0 cho phép người dùng tương tác với nguồn phát tin và với những người khác trên cùng một không gian mạng. Nếu chỉ căn cứ trên cơ sở này thì một trang báo như Tuổi trẻ Online cho phép người đọc đăng bình luận dưới các bài báo cũng là mạng xã hội. Về mặt người dùng, mỗi cá nhân hoặc tập thể tạo một tài khoản có tính chất đại diện cho họ khi tham gia mạng xã hội. Nếu tính thêm cơ sở này thì các ứng dụng thiên về việc tạo điều kiện cho những cuộc trò chuyện một đối một hoặc trò chuyện trong phạm vi nhóm nhỏ như Email, Messenger, Zalo, WhatsApp, Viber... cũng là mạng xã hội. Về mặt nội dung, mạng xã hội được tạo ra và duy trì dựa trên thông tin mà mỗi người dùng cung cấp thông qua tài khoản của mình và các hành vi thực hiện bằng tài khoản đó, có thể là các thông tin cá nhân, các bài viết, hình ảnh, đoạn phim, âm thanh..., cũng có thể là thói quen, sở thích, thái độ của người dùng được thể hiện thông qua từng cú nhấp chuột. Như vậy, trên mạng xã hội, mỗi người dùng vừa là nguồn thu vừa là nguồn phát thông tin, khiến cho lượng dữ liệu thông tin tăng nhanh theo từng giây và trở thành cơ sở để phát sinh những hành vi thu-phát mới. Những thông tin này là cơ sở để những người dùng mạng xã hội kết nối với nhau nhằm xây dựng mạng lưới xã hội hoặc các mối quan hệ xã hội trực tuyến dựa trên điểm chung về nghề nghiệp, sở thích, mối quan tâm hoặc mối quan hệ có thực ngoài đời. Nếu tính đủ cả ba tiêu chí thì các ứng dụng như Facebook, Twitter, Instagram, TikTok... là những ví dụ tiêu biểu nhất.

   2. Đặc điểm của mạng xã hội nhìn từ yêu cầu giáo dục thẩm mĩ

   Mạng xã hội có nhiều đặc điểm đa dạng, phức tạp tùy vào hướng tiếp cận. Ở đây chúng tôi chỉ bàn đến một số đặc điểm của mạng xã hội có thể ảnh hưởng đến người dùng trong quá trình tiếp thu tri thức và phát triển các giá trị quan, trong đó có giá trị quan về thẩm mĩ.

   Tính tương tác: Mạng xã hội cho phép người dùng tương tác với nhau với một tốc độ siêu nhanh và trên một phạm vi siêu rộng mà họ không thể nào thực hiện được ngoài đời thực, tạo ra một số lượng kết nối khổng lồ trong một thời điểm nhất định. Điện thoại thông minh, sản phẩm mà người dùng luôn mang theo bên mình và có thể cài đặt các mạng xã hội ở chế độ mở để sẵn sàng nhận thông báo bất cứ lúc nào, đã khiến cho không ít người dùng luôn trong tình trạng kết nối với mạng xã hội. Tốc độ, phạm vi, số lượng và tần suất của sự tương tác trên mạng xã hội có thể tạo áp lực cộng đồng lên mỗi người dùng cao hơn gấp nhiều lần so với áp lực cộng đồng trong đời thực, từ đó chi phối cách người dùng nhìn nhận, đánh giá về sự vật, sự việc, lâu dần ảnh hưởng đến hệ thống giá trị thẩm mĩ của họ. Tính tương tác là một trong những tiền đề tạo ra các xu hướng, trào lưu (trend) trên mạng xã hội ở khắp các lĩnh vực, từ lối sống, ẩm thực, thời trang, phim ảnh đến cả ngôn ngữ và những trò vui vặt vãnh hằng ngày, chẳng hạn như trào lưu bỏ phố về quê để chữa lành, trào lưu mặc cổ phục, trào lưu ăn gỏi gà măng cụt, trào lưu sử dụng các cụm từ “sao mà hay ra vẻ quá”, “ghê chưa, ghê chưa”, “ủa a lô”, “báo đời báo đốm”...

   Tính bình đẳng: Nếu như các mối quan hệ trong đời thực luôn đòi hỏi con người phải xác định vị trí cao/ thấp của mình trong tương quan với người khác thì mạng xã hội lại xóa mờ sự phân biệt cao/ thấp này. Với người Việt, cộng đồng mà sự phân biệt cao thấp hiển lộ ngay trong hệ thống đại từ nhân xưng thì sự khác biệt này càng rõ hơn so với nhiều dân tộc khác. Khi tương tác với người lạ trên mạng xã hội, người dùng Việt có thể dễ dàng gọi đối phương là “bạn” và thoải mái xưng “tôi” mà không cần tìm hiểu tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị xã hội của đối phương để tìm kiếm đại từ xưng hô phù hợp - điều mà họ luôn phải làm trong đời thực. Khi tương tác với người mà mình quen biết ngoài đời thực, người dùng cũng cảm thấy giảm bớt sự phân biệt cao/ thấp vì mạng xã hội thường được xem như một không gian chơi, không gian phi chính thống. Tính bình đẳng này giúp cho quá trình ảnh hưởng thẩm mĩ diễn ra dễ dàng hơn, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi, mà cụ thể ở đây là học sinh, sinh viên, vốn từ lâu đã được quan niệm là những người thường chịu ảnh hưởng từ bạn đồng lứa nhiều hơn là từ những người lớn hơn hoặc ở vị trí cao hơn trong mối quan hệ.

   Tính cá biệt hóa: Mỗi tài khoản mạng xã hội đều có tính khu biệt dựa trên thông tin mà người dùng đổ vào đó. Mỗi mạng xã hội có những thuật toán riêng nhưng hầu như đều có thuật toán đề xuất thông tin cho người dùng căn cứ trên chính những thông tin mà họ đã cung cấp. Như vậy tính cá biệt hóa không chỉ ở chiều phát tin mà còn ở chiều nhận tin. Hai người dùng mạng xã hội sẽ không nhìn thấy một lượng thông tin hoàn toàn giống nhau trong cùng một khoảng thời gian lướt mạng. Điều này có nghĩa là tuy sống trong thời đại bùng nổ thông tin nhưng mỗi người dùng sẽ chỉ sống trong thế giới thông tin do mình xây dựng nên mà thôi. Một người trẻ thường xuyên bấm vào các đường link phim hài giải trí hoặc truyện ngôn tình đại chúng thì sẽ được mạng xã hội giới thiệu nhiều phim hài và truyện ngôn tình hơn và rất khó có khả năng nhìn thấy được thông tin về việc phát hành phiên bản giới hạn của một tác phẩm văn học kinh điển.

   Tính thương mại: Hầu hết các nền tảng mạng xã hội hiện nay đều không thu phí người dùng, hoặc nếu có (ví dụ như Youtube) thì cũng ít người dùng chọn lựa hình thức trả phí. Do đó, nguồn thu chính của mạng xã hội là quảng cáo và người dùng là đối tượng chịu tác động trực tiếp của các quảng cáo này. Tùy vào số tiền bỏ ra mà sản phẩm được quảng cáo có thể tiếp cận các nhóm người dùng mạng xã hội khác nhau (nhóm tuổi, nhóm giới tính, nhóm nghề nghiệp, nhóm sở thích...), ở những phạm vi cư trú và tần suất khác nhau. Tính thương mại không chỉ tồn tại ở quan hệ giữa bên thuê quảng cáo với bên cung cấp dịch vụ mạng xã hội mà còn tồn tại giữa bên thuê quảng cáo với chính người dùng mạng xã hội khi họ thuê các công ty truyền thông, dịch vụ nội dung hoặc các nhóm quảng cáo để triển khai chiến lược truyền thông về sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội. Trong số đó có dịch vụ “seeding”, khi mà người dùng được thuê để thích, chia sẻ, bình luận tích cực về sản phẩm và bình luận tiêu cực để “dìm” sản phẩm đối thủ. Nếu số tiền chi cho quảng cáo và truyền thông đủ lớn thì sản phẩm có thể tiếp cận người dùng bất chấp sự giới hạn của thế giới thông tin mà mỗi người dùng tự tạo ra cho mình. Ví dụ, một người dùng hoàn toàn không thích phim của Trấn Thành vẫn có thể nhìn thấy các quảng cáo và tin tức truyền thông về phim của Trấn Thành, bất chấp người đó thường xuyên chọn chế độ ẩn các bài viết tương tự. Đây cũng là yếu tố thứ hai tạo nên xu hướng, trào lưu trên mạng xã hội. Chẳng hạn, những người kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường có thể chi tiền để đẩy các bài viết về lợi ích của việc sống xanh lên thành trào lưu. Với sự trợ giúp của công nghệ, tiền bạc có thể giúp điều chỉnh sở thích của đám đông, ít nhất là trong một khoảng thời gian nhất định.

   3. Mức độ phổ biến của mạng xã hội ở Việt Nam và ý nghĩa của nó đối với giáo dục thẩm mĩ cho người trẻ

   Các thống kê về người dùng mạng xã hội thường khó đưa ra được những số liệu chính xác, vì mỗi người có thể có nhiều tài khoản mạng xã hội, trong đó có thể có những tài khoản được tạo ra với thông tin không thật, mặc dù các nền tảng mạng xã hội hiện nay đã có nhiều nỗ lực trong việc xác minh tài khoản người dùng. Do đó, số liệu từ nhiều bên thống kê có thể khác nhau rất xa, tuy nhiên chúng vẫn có những giá trị tham khảo nhất định.

   Kết quả thống kê của Statista cho thấy, tính đến tháng 1 năm 2024, Việt Nam có khoảng 73.3% dân số sử dụng mạng xã hội, thuộc top 30 thế giới, trong khi số liệu trung bình của thế giới là 59.4%. Với con số ấn tượng này, có thể nói Việt Nam nằm trong nhóm những quốc gia hàng đầu về tỉ lệ gia nhập mạng xã hội và trong nhóm này có rất ít quốc gia thuộc nhóm đang phát triển. Do đó, hầu như không có khía cạnh nào trong đời sống của phần lớn dân số Việt Nam nằm ngoài sự tác động của mạng xã hội, việc xem xét giáo dục thẩm mĩ cho người trẻ thông qua mạng xã hội là việc hết sức cấp thiết.

   Facebook là nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất ở cả thế giới lẫn Việt Nam. Theo Statista, tính đến quý 3 năm 2023, sau Facebook, các nền tảng phổ biến ở Việt Nam lần lượt có Zalo, Youtube và TikTok, nhìn chung, trừ TikTok thì không có sự chênh lệch quá lớn về mặt tỉ lệ người dùng giữa các thế hệ X, Y, Z (thế hệ X sinh trong khoảng thập niên 70 đến giữa 80, thế hệ Y sinh trong khoảng giữa thập niên 80 đến cuối thập niên 90, thế hệ Z sinh từ cuối thập niên 90 đến hết thập niên 2000). Đây là một thuận lợi cho công tác giáo dục thẩm mĩ trên mạng xã hội, vì thế hệ những người làm công tác giáo dục (thế hệ X, Y) không xa lạ với mạng xã hội so với người thụ hưởng giáo dục (thế hệ Z).

   Riêng với TikTok, số liệu thống kê cho thấy người dùng thuộc thế hệ Z nhiều hơn hẳn so với các thế hệ trước. TikTok là nền tảng chia sẻ video ngắn. Khác với Facebook hay Zalo, TikTok gần như triệt tiêu hoạt động viết-đọc, từ đó có thể làm suy giảm tư duy trừu tượng của người dùng. Khác với Youtube (một nền tảng chia sẻ video với độ dài không giới hạn), TikTok khiến người dùng vội vã hơn với các video ngắn và chuyển tiếp liên tục. Có lẽ đây cũng là lý do khiến người dùng thuộc thế hệ X, Y – vốn là người nhập cư của thế giới kỹ thuật số – không thích và cảm thấy khó làm quen với TikTok hơn so với thế hệ Z – vốn là cư dân bản địa của thế giới kỹ thuật số, vì họ sinh ra và trưởng thành trong thời kỳ mạng internet đã được phổ cập ở Việt Nam. Người dùng hầu như không suy nghĩ nhiều khi giải trí trên TikTok, trong khi đó bằng thuật toán của mình, TikTok và Facebook là hai nền tảng mạng xã hội có khả năng tạo ra xu hướng mạnh mẽ nhất. Do đó, người làm công tác giáo dục cần khắc phục trở ngại này và làm quen với nền tảng TikTok nhiều hơn để có thể tiếp cận sâu sát hơn với người thụ hưởng giáo dục.


Biểu đồ: Thống kê người dùng mạng xã hội tại Việt Nam theo thế hệ, tính đến quý 3 năm 2023. (Nguồn: Statista)

   4. Một vài tham khảo từ nước ngoài về việc giáo dục thẩm mĩ qua mạng xã hội

   Chúng tôi tin rằng vấn đề giáo dục thẩm mĩ thông qua mạng xã hội đã được nghiên cứu đáng kể ở nước ngoài nhưng chưa thể tiếp cận được nhiều tài liệu do bị giới hạn quyền truy cập, nên ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu một vài trường hợp.

   Trong bài viết Phát triển và cải tiến việc giáo dục thẩm mĩ trong trường đại học từ góc nhìn của truyền thông mới, Peng Lili và Xu Hang (Trường Đại học Tổng hợp Thâm Quyến, Trung Quốc) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới (new media) trong các môn học về nghệ thuật ở trường đại học. Ở đây, “new media” được hiểu là toàn bộ các công nghệ giúp tăng cường sự tương tác giữa người dùng với nhau và người dùng với nội dung, như thực tế ảo (virtual reality), thực tế ảo tăng cường (augmented reality), trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng xã hội. Các tác giả cho rằng việc áp dụng new media vào giáo dục thẩm mĩ sẽ giúp khuyến khích sự đa dạng, làm gia tăng khả năng sáng tạo của người học, thúc đẩy tính liên ngành và liên văn hóa về mặt thẩm mĩ cũng như tạo được môi trường mở với khả năng chia sẻ vô bờ bến, tuy nhiên họ cũng thừa nhận rằng việc vận dụng new media trong giáo dục thẩm mĩ ở trường đại học còn rất hạn chế cả về phương tiện kỹ thuật, chương trình học và phương pháp giảng dạy. Từ đó, họ đề xuất các vấn đề như tăng cường việc giáo dục thẩm mĩ ở cấp độ chương trình học, chú trọng nâng cao năng lực sử dụng new media ở người dạy, tận dụng mọi nguồn lực trực tuyến mở và thay đổi cách đánh giá về hiệu quả giáo dục thẩm mĩ, vốn là một vấn đề trừu tượng và rất khó đo lường.

   Trong bài viết Nghiên cứu về vai trò của mạng xã hội trong việc giáo dục thẩm mĩ cho thanh thiếu niên, Yijia Xiang (Ôn Châu, Trung Quốc) trình bày những số liệu thống kê cụ thể để cho thấy thực trạng các nhà giáo dục Trung Quốc hiện đang quan tâm rất ít đến vấn đề giáo dục thẩm mĩ cho học sinh trung học, chỉ ra những tác động tiêu cực của mạng xã hội đến quá trình giáo dục thẩm mĩ, chẳng hạn như dung túng, tạo điều kiện cho sự phổ biến của văn hóa dung tục, những thú vui giải trí nhất thời và nông cạn. Để khắc phục điều này, tác giả đề xuất tăng cường hơn nữa sự định hướng từ gia đình và xã hội đối với các em nhưng lại chưa đưa ra được những giải pháp cụ thể.

   Thực hiện nghiên cứu trên một bình diện hẹp và cụ thể hơn rất nhiều, Yee Bee Choo, Abdullah Mohd Nawi và Tina Abdullah (Malaysia) trong bài viết Facebook: công cụ thu hút sinh viên trong việc đọc hiểu kịch Shakespeare nghiên cứu khả năng ứng dụng mạng xã hội vào chương trình học và bài giảng cụ thể. Các tác giả đưa ra 7 lý do nên sử dụng Facebook như một công cụ giảng dạy: (1) khả năng thu hút người dùng cao; (2) giúp tiếp thu và liên hệ vấn đề sách vở với xã hội hiện thời; (3) giúp sinh viên sử dụng thời gian học ngoài lớp hiệu quả; (4) gia tăng cơ hội thực hành kỹ năng viết (so với những nền tảng mạng xã hội khác chỉ chú trọng hình ảnh, âm thanh); (5) thúc đẩy giao tiếp giữa người dạy và người học, giúp người dạy tiếp cận nhiều cá nhân người học trong lớp; (6) giúp người học chủ động vượt trước thiết kế bài giảng; (7) thúc đẩy các mối quan hệ.

   5. Kinh nghiệm cho Việt Nam

   Dựa trên các đặc trưng của mạng xã hội, mức độ phổ biến của mạng xã hội ở Việt Nam và một vài quan sát về vấn đề này ở nước ngoài như đã trình bày ở trên, chúng tôi đề xuất một số điều sau về việc sử dụng mạng xã hội trong giáo dục thẩm mĩ cho người trẻ ở Việt Nam:

   Về mặt nhận thức, người làm công tác giáo dục nên tận dụng các nền tảng mạng xã hội như một công cụ giúp định hướng thẩm mĩ cho người trẻ nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng, thay vì chỉ nhìn thấy ảnh hưởng tiêu cực và bài xích chúng.

   Về mặt thực tiễn, người làm công tác giáo dục có thể tận dụng các đặc trưng của mạng xã hội để phục vụ việc giáo dục thẩm mĩ trong và ngoài chương trình học. Ở cấp độ chương trình đào tạo, có thể xây dựng nhiều hơn nữa các chương trình đào tạo ở bậc đại học hướng vào việc kết hợp thực hành mạng xã hội và truyền thông đa phương tiện với quá trình tiếp nhận và sáng tạo thẩm mĩ. Ở cấp độ lớp học, việc giao cho sinh viên nhiệm vụ dùng mạng xã hội để thực hiện các bài tập liên quan đến tiếp nhận thẩm mĩ là một gợi ý hay. Môn Văn học Nga – Slav dành cho sinh viên năm thứ 3 ngành Văn học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, do PGS, TS Trần Thị Phương Phương và TS Nguyễn Ngọc Bảo Trâm phụ trách, là một ví dụ. Trong môn học này, sinh viên được yêu cầu làm việc theo nhóm để xây dựng các tài khoản Facebook của các nhà văn Nga hoặc các tờ báo Nga và tương tác với nhau bằng các tài khoản này. Để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ, sinh viên phải tìm hiểu thông tin về nhà văn, tờ báo mình được giao và bắt chước phong cách của họ. Người dạy cũng sử dụng tài khoản mang tên nhân vật văn học Nga để nhận xét kết quả làm việc của sinh viên thông qua việc bình luận trên trang mạng xã hội. Bài tập này không chỉ giúp tăng cường tương tác trong môn học, mang lại cảm giác mới mẻ, thú vị cho người học mà quan trọng hơn, nó đã tận dụng triệt để tính cá biệt hóa của mạng xã hội để phục vụ mục đích giáo dục thẩm mĩ. Khi xây dựng tài khoản các nhà văn, tờ báo, tác phẩm văn học kinh điển, sinh viên đã cung cấp một lượng thông tin về cá nhân người dùng cho mạng xã hội, từ đó, mạng xã hội đề xuất cho họ các thông tin tương tự. Bằng cách liên kết, chia sẻ các thông tin từ tài khoản nhà văn đến tài khoản chính chủ của cá nhân sinh viên, bài tập này giúp sinh viên xây dựng và củng cố vùng không gian thông tin của mình trên mạng xã hội theo hướng liên quan nhiều hơn đến các tác phẩm kinh điển, từ đó giảm bớt tần suất xuất hiện của các sản phẩm thẩm mĩ đại chúng. Như vậy, việc giáo dục thẩm mĩ cho sinh viên ở đây không còn giới hạn trong một bài tập cụ thể mà đã giúp định hướng thẩm mĩ cho sinh viên ở mức độ rộng hơn, có tác dụng lâu dài sau khi môn học kết thúc.

   Người làm công tác giáo dục gần như không thể can thiệp vào tính thương mại để điều chỉnh thị hiếu thẩm mĩ trên mạng xã hội, do đó chỉ có thể khuyến khích người học tận dụng tính cá biệt hóa của mạng xã hội để xây dựng một môi trường thẩm mĩ lành mạnh cho riêng mình: chọn xem nhiều hơn những sản phẩm thẩm mĩ tích cực, kết nối nhiều hơn với những người có trình độ thẩm mĩ cao, từ chối hoặc ẩn những thông tin hoặc sản phẩm tiêu cực về mặt thẩm mĩ.

   6. Kết luận

   Sự phổ biến của mạng xã hội là xu thế không thể chống lại. Người làm công tác giáo dục có thể tận dụng các đặc tính của mạng xã hội như tính tương tác nhanh, rộng, nhiều và xuyên suốt, tính bình đẳng và tính cá biệt hóa thông tin để giúp định hướng thẩm mĩ cho người học. Thay vì chỉ nhìn thấy ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội hoặc có những chính sách cấm đoán một vài nền tảng mạng xã hội như cách mà một số quốc gia đang làm (ví dụ Ấn Độ cấm TikTok), việc trang bị cho người học bộ lọc tự thân là điều mà những người làm giáo dục hiện nay có thể thực hiện được, đồng thời đây cũng là biện pháp bền vững hơn trong thời đại toàn cầu hóa.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Obar, J. A. & Wildman, S. (2015), “Social media definition and the governance challenge: an introduction to the special issue”, Telecommunication Policy 39(9), pp. 745-750.
2. Choo, Y.B., Nawi, A.M. & Abdullah, T. (2016): “Facebook: a tool to engage students in meaning making of Shakespearean drama”, Man in India 96 (6), pp. 1891-1902.
3. Vnetwork (2020), Thống kê internet ViệtNam 2020, Trang web của Công ty Vnetwork, truy cập tại: https://vnetwork.vn/news/ thong-ke-internet-viet-nam-2020.
4. Statista Resesarch Department (2023): “Social media in Vietnam: statistic and facts”, https://www.statista.com/topics/ 8182/social-media-in-vietnam/#topic Overview.
5. Lili, P. & Hang, X. (2023): “Development and innovation of college aesthetic education from the perspective of new media”, Advancesin Educational Technology and Psychology, 7 (13), pp. 22-29.
6. Xiang Y. (2023): “Research on the guiding role of social media in teenagers’ aesthetic education”, BCP Education & Psychology (10), pp. 55-59.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận