PHONG TRÀO “CHÚNG TÔI CẦN NHỮNG CUỐN SÁCH ĐA DẠNG” VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐỐI VỚI VĂN HỌC THIẾU NHI VIỆT NAM

Trên cơ sở phân tích, đánh giá về phong trào We Need Diverse Books (WNDB - Chúng tôi cần những cuốn sách đa dạng) và những tác động của nó đến đời sống văn học, bài viết khẳng định tính khả thi của việc áp dụng phong trào này ở Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực phát triển văn học thiếu nhi.

   Ở Mĩ, ý tưởng thúc đẩy sự đa dạng của sách thiếu nhi xuất hiện từ lâu. Trước khi thuật ngữ We Need Diverse Books (WNDB - Chúng tôi cần những cuốn sách đa dạng) xuất hiện trong đời sống văn học Mĩ đương đại, đã có những “di sản” lịch sử, văn hóa, chính trị làm tiền đề cho vấn đề này1. Nhưng phải đến 2014, “cơn bão hoàn hảo” thúc đẩy phong trào sách đa dạng mới xuất hiện. Tháng 4 năm 2014, hai tác giả văn học thiếu nhi: Ellen Oh và Malinda Lo đã lên Twitter để phản đối hội thảo BookCon, một hội thảo sách nổi tiếng do Book Expo America tổ chức nhưng chỉ bao gồm các tác giả nam da trắng viết truyện cho trẻ. Từ cuộc trao đổi trực tuyến mở rộng của họ cùng với hơn 20 tác giả, nhà xuất bản và blogger khác, trên Twitter đã xuất hiện hashtag #WeNeedDiverseBooks. Điều đáng nói là vượt qua tính chất của một hashtag, WNDB đã trở thành chiến dịch rầm rộ với sứ mệnh, tầm nhìn rõ ràng, thể hiện vai trò không chỉ với văn học thiếu nhi của đất nước này2.

   Trong nhiều nguyên nhân, sự bùng nổ của WNDB có sự liên quan mật thiết với môi trường, tình hình chính trị của nước Mĩ. Bầu không khí chính trị của những năm 80 của thế kỷ XX ở đất nước này được xem là đã làm trì hoãn động lực xuất bản văn học thiếu nhi đa dạng. Trong bối cảnh ấy, nhiều năm, Hội đồng sách dành cho trẻ em của các chủng tộc (CIBC) trở thành một phần của phong trào dân quyền với nỗ lực quảng bá một nền văn học trẻ em với khả năng phản ánh tốt hơn thực tế của một xã hội đa văn hóa. Một trong những di sản của CIBC là đã mang đến cơ hội sáng tác, xuất bản cho các nhà văn da màu và các nhà văn bản địa3. Là phong trào phi lợi nhuận, WNDB có sự tham gia đông đảo của đội ngũ nhà văn, nhà xuất bản, giáo viên, cán bộ thư viện, độc giả... Mục đích của WNDB là nhằm thúc đẩy những thay đổi thiết yếu trong ngành xuất bản để sản xuất, quảng bá nền văn học phản ánh và tôn vinh cuộc sống của tất cả trẻ em. WNDB hướng đến tạo ra một thế giới mà mọi độc giả nhí có thể nhìn thấy bản thân mình trong những trang sách, xem đó là cơ sở xây dựng sự đồng cảm và giảm thiểu thành kiến. Nancy Snow cho rằng, có thể phát triển sự đồng cảm nếu đọc sách về người khác và cố gắng đặt mình vào vị trí của họ. Nếu chúng ta không thể đặt mọi người gần nhau về mặt vật lý thì chúng ta có thể kể cho họ nghe những câu chuyện của người khác và nói về họ4. Phong trào WNDB cũng chống lại sự kiểm duyệt và thách thức sách thiếu nhi đa dạng với sứ mệnh vận động cho sự hiện diện của tất cả trẻ em trong những trang sách5.

   Như vậy, WNDB là một sáng kiến tiên phong trong lĩnh vực sáng tác văn học thiếu nhi, nhằm thúc đẩy sự đa dạng về chủng tộc, văn hóa, tôn giáo, giới tính, khả năng... của các nhân vật trong tác phẩm văn học lẫn đội ngũ sáng tác. Như Ebony Elizabeth Thomas đã nhận định, nếu trẻ em ngày nay lớn lên với nền văn học đa văn hóa, đa dạng và phi thuộc địa hóa, chúng ta có thể bắt đầu công cuộc hàn gắn đất nước và thế giới thông qua những câu chuyện mang tính nhân văn6. Trong phong trào này, vai trò của các nhà nghiên cứu là không nhỏ. Mặc dù các cuộc tranh luận/ thảo luận chủ yếu tập trung vào vấn đề chủng tộc7 nhưng rất nhiều thông điệp mang tính học thuật đã trao gửi. Walter Dean Myers trong tiểu luận Người da màu ở đâu trong sách thiếu nhi cho rằng, sách là phương tiện truyền tải các giá trị, góp phần khám phá nhân loại chung, vậy thông điệp của sách là gì khi một số trẻ em không được nhắc đến trong những cuốn sách đó?”8. Các nhà nghiên cứu cũng xác định ranh giới giữa hai thuật ngữ xuất hiện trong đời sống học thuật của nước Mĩ: văn học thiếu nhi đa văn hóa và văn học thiếu nhi đa dạng. Đa văn hóa ban đầu được dự định là một thuật ngữ bao gồm các nền văn hóa vượt ra ngoài chủng tộc và sắc tộc. Nó không đề cập đầy đủ sự khác biệt giới tính, khuynh hướng tình dục, tôn giáo, tình trạng nhập cư, sự khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ và khuyết tật. Vì các yếu tố này ngày càng trở nên thiết yếu nên thuật ngữ đa dạng được dùng để bao hàm phạm vi bản sắc rộng hơn trong văn học9. Định hướng của WNDB là ghi nhận tất cả các trải nghiệm đa dạng, bao gồm: LGBTQIA (viết tắt của các từ: Lesbian, Gay, Bisexual, Transgender, Queer, Intersex, Asexual; nghĩa tiếng Việt là: đồng tính nữ, gay, lưỡng tính, chuyển giới, đang băn khoăn về giới tính, liên giới tính và vô tính), người bản địa, người da màu, đa dạng giới tính, người khuyết tật và các nhóm thiểu số về sắc tộc, văn hóa và tôn giáo. Họ tán thành một định nghĩa rộng về khuyết tật, bao gồm nhưng không giới hạn ở các khuyết tật về thể chất, giác quan, nhận thức, trí tuệ hoặc phát triển, các bệnh mãn tính và bệnh tâm thần. WNDB ủng hộ một mô hình xã hội về khuyết tật, trong đó thể hiện tình trạng khuyết tật được tạo ra bởi các rào cản trong môi trường xã hội, do thiếu khả năng tiếp cận bình đẳng, bị rập khuôn và các hình thức bị gạt ra ngoài lề xã hội khác10.

   Một trong những yếu tố then chốt tạo nên thành công ban đầu của WNDB là chiến dịch Indigogo. Từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2014, chiến dịch này đã huy động được 181.767 USD. Số tiền này được dùng để tài trợ cho các sinh viên theo đuổi mục tiêu xuất bản văn học thiếu nhi. Các sinh viên này được hỗ trợ chi phí đi lại và sinh hoạt khi thực tập ở các nhà xuất bản. Sau đó họ được tạo cơ hội để kết hợp với các tác giả uy tín, từng đạt các giải thưởng văn học. Cuộc thi truyện ngắn WNDB cũng được phátđộng11. Giải thưởng Walter Dean Myers được lập với mục đích nâng cao danh tiếng của những cuốn sách đa dạng nổi bật có xu hướng bị các giải thưởng khác bỏ qua12. Với những nỗ lực đó, đời sống văn học thiếu nhi ở Mĩ đã có sự thay đổi đáng kể. Một số nhà nghiên cứu đã có những bài báo khoa học để khảo sát và đánh giá về phong trào. Bài báo “Why We Need Diverse Books” của Mary Ellen Flannery thực hiện phép thống kê và so sánh để thấy tác động tích cực của WNDB. Năm 1985, chưa đến 1% sách dành cho trẻ em ở Mĩ đề cập đến các nhân vật da đen. Hai mươi năm sau, không có nhiều thay đổi. Nhưng đến năm 2019, hơn 12% sách dành cho trẻ em được xuất bản có các nhân vật da đen. Ngoài ra, có 9% sách xuất hiện các nhân vật châu Á; 6,3% sách có các nhân vật gốc Tây Ban Nha; và ít hơn 1% là sự xuất hiện của người Mĩ bản địa hoặc thổ dân Alaska13.

   Điều quan trọng mà WNDB tạo ra là đã lan tỏa sách đa dạng đến thị trường tiêu thụ, trong đó có học trường. Không chỉ tài trợ cho các cuộc viếng thăm, trao đổi, tặng sách của nhiều nhà văn ở các trường học, WNDB còn hợp tác với Câu lạc bộ Sách Scholastic, một trong những câu lạc bộ sách nổi tiếng nhất trong nước để tạo tờ rơi quảng cáo các loại sách đa dạng, sau đó chuyển giao đến các trường học trên khắp nước Mĩ cùng với các sản phẩm của Scholastic. WNDB xây dựng bộ công cụ đọc sách giúp thủ thư và giáo viên thuận lợi chia sẻ những cuốn sách đa dạng với học sinh. Ngoài ra, WNDB còn hợp tác với Tạp chí thư viện Trường học và Hiệp hội Nhà sách Hoa Kỳ để được cung cấp danh sách sách với những bản tóm tắt hấp dẫn phù hợp cho những người bận rộn14. Tất cả những chính sách ấy đều ảnh hưởng đến cơ chế hoạt động của các thư viện. Số liệu thống kê cho thấy, các thủ thư mua nhiều loại sách đa dạng hơn. 68% số người trả lời khảo sát cho biết số lượng sách dành cho trẻ em có các nhân vật đa dạng đã tăng lên trong năm qua. Tỉ lệ này có sự chênh lệch không đáng kể giữa các hệ thống thư viện: thư viện công cộng (73,4%); trường tư thục (74%); thư viện ở thành thị và ngoại ô (lần lượt là 71,8% và 70%); các thư viện ở vùng Đông Bắc (73%)15.

   Xét về ý nghĩa xã hội, phong trào WNDB đã góp phần vào việc xây dựng sự hiểu biết và tôn trọng giữa các nhóm người khác nhau trong xã hội Mĩ. Mạng xã hội là không gian thường được mọi người sử dụng để chia sẻ những trải nghiệm cá nhân và ý kiến về sách đa dạng. WNDB đã sử dụng không gian công cộng cho các cuộc đối thoại xuyên biên giới văn hóa và xã hội, góp phần vào việc thúc đẩy sự đa dạng. Như Ellen Oh đã nói, các chiến dịch đa dạng hóa, đặc biệt là trong văn học thiếu nhi, không phải là điều gì mới mẻ. Nhưng điều làm cho WNDB trở nên khác biệt là tác động và phạm vi tiếp cận rộng rãi của mạng xã hội trên tất cả các nền tảng: Twitter, Tumblr, Instagram, Facebook, Pinterest. Điều này cho phép những người quan tâm đến văn học thiếu nhi được tương tác thuận lợi, đặc biệt, đó là nơi tuyệt vời để những tiếng nói của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội được lắngnghe16.

   Như vậy, WNDB là một phong trào được xã hội và các nhà nghiên cứu đánh giá cao về ý nghĩa và tác động của nó. WNDB đã có nhiều hoạt động và thành tựu như cung cấp học bổng cho các tác giả và họa sĩ thiếu nhi đa dạng, hỗ trợ các nhà xuất bản và quyên góp sách đa dạng cho lớp học, thư viện, góp phần vào việc tạo ra nền văn học thiếu nhi mang đặc tính của “bộ sưu tập”, phù hợp với thực tế và nhu cầu của trẻ em trong xã hội hiện đại. Điều này đã có những ảnh hưởng tích cực đến ngành xuất bản, giáo dục và xã hội như tăng số lượng và chất lượng của các cuốn sách đa dạng, nâng cao nhận thức và thái độ của cộng đồng về sự đa dạng. Với đội ngũ nhà văn, WNDB có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là những nhà văn thuộc các nhóm thiểu số hay bị gạt ra trong ngành xuất bản sách thiếu nhi. WNDB đã tạo ra một sân chơi công bằng và sáng tạo cho các tác giả, giúp họ thể hiện quan điểm, kinh nghiệm và góc nhìn đa chiều trong các tác phẩm dành cho trẻ em. Ngoài ra, WNDB cũng đã tạo ra một cộng đồng văn nghệ sĩ đoàn kết và hợp tác, khuyến khích sự trao đổi và học hỏi giữa các nhà văn có nền văn hóa khác nhau.

   Vì WNDB là một sáng kiến hữu ích trên cơ sở phát huy sức mạnh của truyền thông, xã hội để khuyến khích sự đa dạng về nhiều phương diện trong sáng tác và xuất bản văn học thiếu nhi nên thiết nghĩ Việt Nam cũng có thể vận dụng phong trào này để tạo ra những cuốn sách mang lại niềm vui cho trẻ em, góp phần khẳng định và tôn vinh những giá trị văn hóa, lịch sử, đặc trưng của các vùng miền, dân tộc; đồng thời phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

   Việc áp dụng phong trào này ở Việt Nam hoàn toàn có cơ sở. Bởi lẽ:

   1) Ở Việt Nam, tính đa dạng trong cơ cấu dân số trẻ em thể hiện rõ, xét ở nhiều tiêu chí. Trẻ đã và sẽ tiếp tục hiện diện trong tính đa dạng về văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ, trình độ, khả năng, ngoại hình, nguồn gốc... Bên cạnh những đứa trẻ có đời sống vật chất đầy đủ, ổn định về nơi sống, có hình thể khỏe mạnh và đảm bảo về sức khỏe tâm thần thì vẫn có trẻ khuyết tật, tự kỷ, đồng tính, nhập cư/ di cư; trẻ em nghèo, trẻ béo phì... Quá trình đô thị hóa đã hình thành xu thế di cư trong xã hội. Theo kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, cả nước có 6,4 triệu người di cư, chiếm 7,3% tổng dân số từ 5 tuổi trở lên của cả nước. Đương nhiên, trong số ấy, có cả trẻ em17. Về tỉ lệ trẻ khuyết tật, theo kết quả điều tra chọn mẫu, “tính đến cuối năm 2016 đầu năm 2017, cả nước có hơn 6.199.048 người khuyết tật thực tế thường trú trong các hộ gia đình (Khoảng tin cậy 95% CI=5.779.173-6.654.058), trong đó có 663.964 trẻ em 2-17 tuổi (Khoảng tin cậy 95% CI=647.099-684.215), riêng trẻ em 2-15 tuổi là 635.811 trẻ em (Khoảng tin cậy 95% CI=634.031-637.591) và 5.535.084 người từ 18 tuổi trở lên (Khoảng tin cậy 95% CI=5.077.333-6.033.242)18. Trẻ tự kỷ, theo số liệu chưa đầy đủ của Tổng Cục Thống kê công bố vào tháng 1/2019, có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong số này có khoảng 1 triệu người tự kỷ, tỉ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ước tính là 1% số trẻ em sinh ra19. Người đồng tính, song tính, chuyển giới (trong đó có trẻ 15 tuổi), như kết quả của nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) công bố vào tháng 12/2021, chiếm từ 9% đến 11% dân số nước ta20. Với số liệu điều tra trên, trẻ di cư, khuyết tật, tự kỷ, đồng tính... thuộc về nhóm thiểu số nhưng là tồn tại tất yếu trong xã hội, phân bố trên cả 54 dân tộc. Tuy nhiên, số sách thiếu nhi được xuất bản có nhân vật chính thuộc các nhóm thiểu số này rất ít. Điều này cho thấy sự không hài hòa giữa cấu trúc dân số và cấu trúc xuất bản, khiến cho nhiều trẻ em khó/ không thể tìm thấy mình trong những tác phẩm văn học.

   2) Trong những năm gần đây, ở Việt Nam, các vấn đề về sự bất bình đẳng về văn hóa, giới tính, khuyết tật... được bàn luận rộng rãi trong xã hội. Dù chưa có các phong trào/ chiến dịch rầm rộ để đòi quyền lợi và công bằng cho các nhóm thiểu số như một số phong trào ở Mĩ (phong trào Black Lives Matter phản đối bạo lực và phân biệt chủng tộc đối với người da màu; phong trào Me Too chống lại việc quấy rối và kỳ thị giới tính; phong trào Disability Rights yêu cầu việc tôn trọng và hỗ trợ cho người khuyết tật...) nhưng sự bàn luận thường xuyên các vấn đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng đã tác động đến ý thức và thái độ của cộng đồng, đánh động ý thức tôn trọng sự khác biệt. Văn học thiếu nhi Việt Nam phù hợp để chuyển tải sự khác biệt ấy, đặc biệt là khi nó được phát triển trong bầu không khí chính trị mang tính dân chủ, tự do như hiện nay.

   3) Nền tảng quan trọng của WNDB là mạng xã hội và truyền thông. Rất thuận lợi là vì thời gian qua, công nghệ thông tin ở nước ta có sự phát triển vượt bậc, mang lại nhiều cơ hội cho ngành xuất bản sách thiếu nhi. Với sự phổ biến của internet và các thiết bị di động, có thể dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn, tìm mua và đọc sách thiếu nhi ở nhiều hình thức khác nhau như sách in, sách điện tử, sách âm thanh... Đồng thời, công nghệ thông tin cũng giúp các nhà văn có thêm nhiều kênh để xuất bản và quảng bá sách của mình. Nhờ vậy, các tác giả có thể vượt qua những rào cản và hạn chế của ngành xuất bản truyền thống như chi phí, thời gian, quy định của cục/ nhà xuất bản, thị hiếu thẩm mĩ... để đưa ra thị trường những cuốn sách đa dạng hơn.

   4) Văn học thiếu nhi trong nước thời gian qua có sự chuyển biến tích cực xét từ sự hỗ trợ của đa dạng chủ thể. Các nhà xuất bản ngoài khâu sản xuất đã quan tâm nhiều hơn đến khâu phát hành. Những hoạt động (triển lãm, hội sách, giới thiệu sách…) và sự kiện văn học thiếu nhi đã được tổ chức, góp phần nâng cao nhận thức và thu hút sự quan tâm của cộng đồng về sách thiếu nhi. Các cuộc thi/ vận động sáng tác cũng đa dạng hơn về chủ thể phát động và chủ đề sáng tác. Năm 2021, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ phát động sáng tác về đề tài thiếu nhi, kéo dài từ cuối năm 2021 đến tháng 5 năm 2025. Một số giải thưởng văn học thiếu nhi cũng được thiết lập như: Giải thưởng Dế Mèn (Báo Thể thao và Văn hóa), hạng mục văn học thiếu nhi trong cơ cấu giải thưởng của Hội Nhà văn và gần đây nhất là Giải thưởng sách thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh (Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Thành Đoàn - Hội đồng Đội Thành phố, Hội Xuất bản Việt Nam, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh), Giải thưởng Văn học Kim Đồng (Nhà xuất bản Kim Đồng). Đấy là tiền đề thuận lợi cho một phong trào WNDB của riêng Việt Nam, mang màu sắc Việt Nam.

   Xuất phát từ cơ sở thực tiễn ấy, có thể phác họa ý tưởng đa dạng sách cho thiếu nhi như sau:

   - Khuyến khích các nhà xuất bản thực hiện chủ trương “sản xuất” và phân phối các cuốn sách đa dạng. Nhà xuất bản đặt hàng cho các tác giả với những “đơn đặt hàng” thể hiện rõ chiến lược đa dạng về thể loại, nội dung… và đặc biệt quan tâm đến các nhóm trẻ thiểu số để chủ động tìm kiếm sự phong phú về đối tượng, góc nhìn, phương diện phản ánh. 

   - Với đội ngũ sáng tác, điều quan trọng là cần giảm thiểu thành kiến với văn học thiếu nhi. Khi đã quan tâm đến bộ phận văn học này thì ngoài cảm xúc đặc biệt dành riêng cho một đối tượng, các tác giả nên quan sát, lắng nghe chuyển động của đời sống lẫn văn học thiếu nhi để kịp thời nhận diện các khoảng trống của văn học trong tương quan với bức tranh cuộc đời. Sự đa dạng là một sức mạnh của văn học thiếu nhi. Việc nhà văn kể mãi một câu chuyện, không tìm cách phá vỡ các định dạng, khuôn mẫu, mặc định có thể không dính líu tới vấn đề thiên kiến chính trị nhưng vô tình tạo ra định kiến trong văn chương. Quay lưng, lẩn tránh, tẩy trắng bất cứ đối tượng nào đều là thiếu công bằng. Mà đã là văn học thiếu nhi thì không thể là nơi ẩn náu của sự bất bình đẳng. Văn học thiếu nhi không dành đặc quyền cho một đối tượng nào và thực tế chúng ta cũng chưa thấy quyền lực rõ ràng của riêng ai trong văn học thiếu nhi đương đại đang nỗ lực chuyển mình. Tuy nhiên, không đổi mới hướng tiếp cận, sự hiện diện lặp lại một vài dạng thức nhân vật không giúp nhà văn phản ánh thế giới thực tại đa dạng. Sự không phù hợp giữa xã hội được miêu tả trong tác phẩm với sự đa dạng của thực tại ngoài trang sách hay hiện tượng che phủ thông tin hiện thực cuộc sống, ở khía cạnh nào đấy là sự bất lực của nhà văn trong hành trình sáng tạo. Được có mặt trong các trang sách là quyền của trẻ em, kể cả trẻ khuyết tật, tự kỷ, đồng tính, trẻ dân tộc thiểu số... Với quan điểm ấy, chúng tôi cũng kỳ vọng vào sự hòa nhập văn hóa, sự giao thoa các lý thuyết sáng tạo văn học trong các tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam.

   - Với các nhà nghiên cứu, họ phải nỗ lực hoạt động vì văn học thiếu nhi nhiều hơn, không nên bỏ rơi văn học thiếu nhi trong đời sống học thuật. Vượt lên/ bất chấp thái độ tiêu cực trong quá khứ, cần tiếp cận các hướng nghiên cứu liên quan đến văn học thiếu nhi và WNDB như: nghiên cứu về ảnh hưởng của sách đa dạng đến sự phát triển nhận thức, cảm xúc và hành vi của trẻ em; nghiên cứu về những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển phong trào sách thiếu nhi đa dạng; đánh giá về thành tựu của phong trào sách thiếu nhi đa dạng... Các nhà nghiên cứu cần tiên phong trong việc chống lại sự kiểm duyệt và thách thức sách thiếu nhi đa dạng, bảo vệ quyền tự do biểu đạt và sáng tạo của các tác giả và người đọc.

   - Đối với ngành giáo dục, cần cân nhắc lại tài chính dành cho thư viện các trường học. Khuyến khích giáo viên, thư viện trường học sử dụng các cuốn sách đa dạng trong việc giảng dạy và hoạt động khuyến đọc. Cũng cần quan tâm quyên góp sách đa dạng và tổ chức các chuỗi hoạt động tương tác với sách đa dạng cho trường học ở các vùng khó khăn, thiếu thốn.

   - Khuyến khích các bậc phụ huynh tham gia vào các sự kiện giới thiệu sách và các cộng đồng đọc sách, mua và giới thiệu các cuốn sách đa dạng cho con em mình, chia sẻ và lan tỏa các cuốn sách đa dạng thông qua nhiều hình thức. Nhân đây, xin nhấn mạnh ý nghĩa mà WNDB có được tại Việt Nam xét ở tác động của nó đến trẻ em, nếu phong trào này được quan tâm phát triển. Một mặt WNDB mang đến niềm vui cho trẻ, niềm vui được thấy mình trong thế giới nghệ thuật đồng nghĩa với niềm vui được thừa nhận, được thấu hiểu, được là một phần của cộng đồng. Mặt khác, từ sự tiếp xúc đa dạng qua cầu nối văn chương, trẻ sẽ tăng khả năng thích ứng xã hội, biết chấp nhận, tương tác, hòa nhập với các đối tượng khác. Sự bao dung, đồng cảm, sẻ chia cũng được hình thành từ đó. Hơn bất kỳ ai, phụ huynh là người muốn nhìn thấy sự đổi thay ấy từ con của mình.

   - Muốn thực hiện tốt những vấn đề trên thì cần chú trọng xây dựng hệ sinh thái văn học thiếu nhi, mời gọi sự quan tâm văn học thiếu nhi, có “thể chế” cụ thể cho sự “liên minh” vì lợi ích chung của những cuốn sách thiếu nhi đa dạng. Sự cam kết, ký kết các nguồn đầu tư, tài trợ cho hoạt động văn học thiếu nhi hay các hợp đồng sáng tác, chuyển giao, phát hành văn học thiếu nhi đa dạng giữa các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân… là cần thiết. Nhưng ngoài ra, cần tạo dựng một nền tảng trực tuyến để kết nối các nhà xuất bản, tác giả, họa sĩ, nhà phê bình, đơn vị phát hành, nhà trường, thư viện, độc giả…, tạo điều kiện cho việc trao đổi, hợp tác và quảng bá sách đa dạng

   Với những điều đã chia sẻ, có thể khẳng định, riêng với nước Mĩ, WNDB là một sự kiện quan trọng trong lịch sử văn học và xã hội. Đến thời điểm này, WNDB vẫn đang tiếp tục thay đổi cảnh quan của văn học thiếu nhi đất nước này theo hướng tích cực và bền vững. Mặc dù có nhiều điểm khác biệt so với Mĩ nhưng chúng tôi vẫn kỳ vọng vào sự xuất hiện hệ thống, khoa học của WNDB ở Việt Nam. Đương nhiên, như đã nói, đấy không chỉ là vấn đề riêng của bộ phận văn học này, nhưng nếu làm được thì đó là biểu hiện cụ thể, nhân văn của tôn trọng sự đa dạng và khác biệt.

 

 

 

Chú thích:
1, 5 Lawrence, E. E. (2020), The trouble with diverse books, part I: On the limits of conceptual analysis for political negotiation in library & information science, Journal of Documentation, 76(6), 1473-1491.
2 Dahlen, S. P. (2020), We need diverse books: Diversity, activism, and children’s literature, In J. C. Ireson-Paine & A. M. Cox (Eds.), Literary cultures and childhoods (pp. 217-232), Palgrave Macmillan; Mabbott, C. (2017), The we need diverse books campaign and critical race theory: Charlemae Rollins and the call for diverse children’s books. Library Trends, 65(4), 508-522.
4, 15 Dẫn theo Ishizuka, K. (2018), Can diverse books save us? In a divided world, librarians are on a mission, School Library Journal, truy cập ngày 5/10/2023 tại: https://www.slj.com/story/can-diverse-books-save-us.
6 Dẫn theo Thomas, E. (2016), Stories still matter: Rethinking the role of diverse children’s literature today, Language Arts, 94(2), 112-119.
8 Dẫn theo Mabbott, C. (2017), The we need diverse books campaign and critical race theory: Charlemae Rollins and the call for diverse children’s books. Library Trends, 65(4), 508-522.
9 Thomas, E. (2016), Stories still matter: Rethinking the role of diverse children’s literature today, Language Arts, 94(2), 112-119.
10 We Need Diverse Books (WNDB) (2016), About us; our programs, truy cập ngày 5/10/2023 tại: https://weneeddiversebooks.org.
11 Oh, E. (2015), Ellen Oh discusses why we need diverse books, BookTrib, truy cập ngày 5/10/2023 tại: https://booktrib.com/2015/02/25/ellen-oh-discusses-why-we-need-diverse-dooks; Mabbott, C. (2017), The we need diverse books campaign and critical race theory: Charlemae Rollins and the call for diverse children’s books. Library Trends, 65(4), 508-522.
12 Oh, E. (2015), Ellen Oh discusses why we need diverse books, BookTrib, truy cập ngày 5/10/2023 tại: https://booktrib.com/2015/02/25/ellen-oh-discusses-why-we-need-diverse-dooks.
13 Flannery, M. E. (2020), Why we need diverse books. National Education Association Today, truy cập ngày 5/10/2023 tại: https://www.nea.org/nea-today/allnews-articles/why-we-need-diverse-books.
14 Mabbott, C. (2017), The we need diverse books campaign and critical race theory: Charlemae Rollins and the call for diverse children’s books. Library Trends, 65(4), 508-522.
16 Authors Guild (2016), We need diverse books: More than a hashtag, truy cập ngày 5/10/2023 tại: https://authorsguild.org/news/need-diverse-bookshashtag/.
17 Đỗ Thu Hương (2023), Di cư và đô thị hóa tại Việt Nam - Góc nhìn từ những con số, Cổng thông tin sự kiện Việt Nam - Consosukien.vn, truy cập ngày 5/10/2023 tại: https://consosukien.vn/di-cu-va-do-thihoa-tai-viet-nam-goc-nhin-tu-nhung-con-so.htm.
18 Tổng Cục Thống kê (2016), Việt Nam điều tra người khuyết tật 2016, NXB Thống kê.
19 Hùng Quân (2023), Giáo dục cho trẻ tự kỷ: Cần sớm khắc phục những “lỗ hổng” từ chính sách, Báo Công an Nhân dân - Cand.com.vn, truy cập ngày 5/10/2023 tại: https://cand.com.vn/giao-duc/giaoduc-cho-tre-tu-ky-can-som-khac-phuc-nhung-lohong-tu-chinh-sach-i679647.
20 Thái An (2021), Công bố kết quả nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế của chính sách về hôn nhân cùng giới tại Việt Nam, Tạp chí Bảo hiểm Xã hội, truy cập ngày 5/10/2023 tại: https://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/cong-bo-ket-qua-nghien-cuudanh-gia-tac-dong-kinh-te-cua-chinh-sach-ve-honnhan-cung-gioi-tai-vn-69120.html.

Bình luận

    Chưa có bình luận