NHÂN VẬT NHÀ VĂN TRONG VĂN CHƯƠNG ĐƯƠNG ĐẠI

Qua việc phân tích nhân vật nhà văn trong một số tác phẩm văn chương đương đại Việt Nam tiêu biểu, bài viết đề cập đến hiện thực cuộc sống, sự xuống cấp, suy thoái đạo đức của một số nhà văn, nhà phê bình.

   Loại hình nhân vật đặc biệt là nhà văn (bao gồm cả nhà thơ và nhà phê bình) đã xuất hiện trong khá nhiều tác phẩm văn chương đương đại Việt. Có thể kể ra một số tác giả và tác phẩm tiêu biểu sau: Nguyễn Huy Thiệp với Vàng lửa, Giọt máu, Chút thoáng Xuân Hương, Nguyễn Thị Lộ, Mưa, Quan Âm chỉ lộ, Thiên văn, Thương cho cả đời bạc, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Chú Hoạt tôi, Đưa sáo sang sông, Bài học tiếng Việt; Nguyễn Việt Hà với Khải huyền muộn, Cơ hội của Chúa, Thị dân tiểu thuyết; Hồ Anh Thái với Bắt đầu cất lên tiếng cười; Phùng Văn Khai với Hư thực; Nguyễn Phúc Lộc Thành với Cõi nhân gian; Đoàn Ánh Thuận với Chinatown, Thư gửi Mina; Trần Gia Thái với Sóng độc; Nguyễn Thế Hùng với Kẻ nằm người ngồi; Nguyễn Đình Tú với Ánh sao sa bên trời đêm tăm tối; Đỗ Trọng Khơi với Trần trụi con người

   Có thể thấy, loại nhân vật đặc biệt này đã gián tiếp phản ánh những vui buồn xung quanh nghề nghiệp nhà văn. Ở họ, ta bắt gặp những quan niệm nghệ thuật, ý thức phản ánh cuộc sống, sự tự hào và niềm vui sáng tạo chữ nghĩa… nhưng bên cạnh đó còn thấy thực trạng của lý luận, phê bình, nỗi sợ hãi phê bình và cả những “góc khuất”, những điểm tối xấu xí, tiêu cực cùng những khó khăn của cuộc sống đời thường liên quan đến giới cầm bút được đề cập trong sáng tác của các nhà văn đương đại. Đây vốn là những chuyện phức tạp và động chạm. Vì vậy, tác giả phải có cách viết thông minh để không bị bắt bẻ, họ thường để cho nhân vật phát biểu cảm nghĩ hoặc phát ngôn tưởng như tự nhiên, vô tư trong những ngữ cảnh, hoàn cảnh hết sức hợp lý. Bằng lối viết giễu nhại và tự phản tính, các tác giả đã gián tiếp bộc lộ quan điểm của chính mình thông qua nhân vật nhà văn. Trong khuôn khổ của một bài viết, chúng tôi xin được lấy dẫn chứng ở một số tác phẩm tiêu biểu.

   1. Quan niệm văn chương và ý thức phản ánh cuộc sống của nhà văn

   Nhà văn phải có ý thức trách nhiệm phản ánh hiện thực xã hội và mang tính dự báo, phải tạo được nhân vật điển hình của thời đại. Nhà văn cần có giọng điệu riêng, lao động sáng tạo, đổi mới cách viết. Về điều này, Nguyễn Đình Tú đã để cho nhân vật nhà văn Tuấn thể hiện quan điểm sáng tác như sau: “Nhà văn phải gắn liền với nhân vật của mình. Một đời văn không để lại nhân vật là một đời văn bỏ. Một nền văn học không để lại những nhân vật thời đại là nền văn học vứt đi” hoặc qua lời nói của bố Tuấn (là người có tác phẩm in trong sách giáo khoa): “Nhà văn phải viết thật hơn cả sự thật cơ. Chỉ có nhà văn tài năng mới làm nổi việc ấy”. Nhân vật Tuấn sau khi đọc xong 200 trang bản thảo tác phẩm của nhân vật “tôi” đã tỏ ra thất vọng rồi nói thẳng: “Ông thấy không, chúng ta đều giống nhau, chỉ mang cái tôi của mình ra tãi nên không có nổi một bóng lưng của nhân vật thời đại (Ánh sao sa bên trời đêm tăm tối). Chi tiết này chính là một thông điệp: Nếu văn chương “mang cái tôi của mình ra tãi”, “tự ăn thịt mình” thì chắc chắn không bao giờ trở thành tác phẩm lớn bởi không có nhân vật điển hình của thời đại.

   Nhân vật nhà văn trong tác phẩm Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà cũng luôn ý thức rằng văn học phải phản ánh hiện thực một cách khách quan, không nên là lối văn “phải đạo”: “dù nói xuôi nói ngược thích nhất là được viết hồn nhiên” (tr. 18). Lao động nhà văn phải được thể hiện qua tác phẩm và phải có tác dụng an ủi, động viên, chia sẻ được với con người: “Tất cả những gì mà nhà văn muốn chia sẻ với thế giới được anh ta nói lên bằng tiểu thuyết, truyện ngắn và tiểu luận” (tr. 148). Nhà văn phải có trách nhiệm với câu chữ của mình. Với ý thức đó, Nguyễn Việt Hà đã để cho nhân vật nhà văn Bạch nói với cô người mẫu Cẩm My rằng: “... anh sẽ phải chịu trách nhiệm về tất cả những câu chữ của anh” rồi cười buồn khi nhận thấy có quá nhiều hệ lụy sinh ra từ những con chữ nên “hình như những người viết văn thường sợ trách nhiệm...” (tr. 8). Nhân vật nhà văn Bạch cho rằng cần phải đổi mới cách viết chứ không phải là cách kể chuyện thông thường, bởi hình thức cũng quan trọng như nội dung: “Tiểu thuyết quan trọng ở cấu trúc, cấu trúc khác nhau quy định cách kể khác nhau”, “Một cuốn tiểu thuyết mà không đem đến một cái gì mới cho người đọc thì đó là một sự vô đạo đức”, “Văn chương bị lặp đáng sợ như văn chương nhạt nhẽo” (tr. 341). Nguyễn Việt Hà đánh giá cao công việc viết tiểu thuyết (ít nhất là từ hai cuốn hay trở lên) thông qua lời nhân vật Giăng (anh bạn người Pháp của nhà văn Bạch): “Tôi luôn thích những người viết tiểu thuyết. Nói tôn trọng thì khách sáo quá. Viết dài là công việc khổ nhọc không phải ai cũng dám. Tất nhiên là phải viết cho hay. Tôi theo quan điểm cũ, văn hay là tình là hồn nhiên xúc động” (tr. 169). Nhân vật của Nguyễn Việt Hà khẳng định đã viết tiểu thuyết thì không thể là một nhà văn nghiệp dư. Đó là một công việc nặng nhọc. Viết văn là để dưỡng tâm, tu thân, sống tử tế hơn. Nhà văn tài năng là phải có giọng điệu, cá tính riêng: “Tiểu thuyết bắt buộc phải có một giọng riêng. Đã thế anh ta lại cứ nhăm nhắm tới đám đông. Đám đông thì vĩnh viễn không có giọng, vì bản chất của đám đông là vô thanh” (Thị dân tiểu thuyết, tr. 230). Nguyễn Huy Thiệp cũng gián tiếp phê phán thứ văn chương xu nịnh, a dua, thứ văn chương của đám đông với những “uầy dô” qua tác phẩm Trương Chi.

   Trong Khải huyền muộn, Nguyễn Việt Hà đánh giá cao lao động nhà văn, coi đây là loại lao động đặc biệt, không kém phần vất vả nhưng là cái phúc mà Chúa ban cho bởi chỉ có nhà văn, qua sáng tạo câu chữ, đã đoạt được quyền của tạo hoá: “Có những lúc khá lạ lùng. Mùa đông mưa phùn rét mướt ngồi trên lầu cao co ro nghe gió lạnh cầm bút viết tả cảnh mùa hè, được một chốc bỗng thấy người hầm hập nhiều giọt mồ hôi lõng bõng nóng chảy. Còn giữa tháng bảy chính ngọ chang chang nắng viết một đoạn về tảo mộ thanh minh, cái thê lương lảng vảng hàn khí của bãi tha ma lạnh run vào đến tuỷ, đành lập cập mở tủ khoác thêm áo vét” (tr. 165). Những nhà văn chân chính “là những người đang theo đuổi văn chương đích thực, họ gần như không màng đến danh lợi (…), chính vì thế họ sống khá khuất lấp, chừng mực, tự trọng nên ít được nhiều người biết đến. Nhưng chính họ là những người may ra sẽ để lại được cái gì đó cho đời (Kẻ nằm người ngồi, tr. 137). Nếu phải viết về tình dục, một đề tài quen thuộc của con người, các nhà văn chân chính ấy cũng sẽ có một cách viết nghệ thuật không theo lối mòn, không chiều chuộng thị hiếu tầm thường của độc giả. Nhân vật nhà văn của Thuận đã bày tỏ suy nghĩ đó như sau: “Đúng là tao có thể tả những chi tiết và những tư thế khiến những tâm hồn dưới mười tám hay trên sáu tám phải đỏ mặt nhưng có một thứ tao luôn e ngại là quá trần trụi không phải chỉ với độc giả mà với cả tao, nó không cần đến ngòi bút của tao, trí tưởng tượng của tao, khả năng sắp xếp của tao…” (Thư gửi Mina)1.

   Để độc giả không nhầm lẫn giữa nhân cách và văn cách của nhà văn, Nguyễn Việt Hà đã cho nhân vật Cẩm My và nhà văn Bạch trong Khải huyền muộn trao đổi với nhau: “Những văn cách lớn thường thành thực”. Các nhà văn có tài thường biết thương yêu nhau, “nhân cách và văn cách là hai chuyện khác hẳn nhau” (tr. 335), “một nhân cách bình thường vẫn có thể tạo ra một văn cách lỗi lạc” (tr. 334)…

   2. Những chuyện “bên lề” trong thế giới nhà văn

   Các nhà văn đương đại (sau 1986) đã nhìn thẳng vào thói xấu cũng như sự tha hóa, biến chất trong lối sống của giới cầm bút. Họ đã đề cập đến những chuyện lớn nhỏ xoay quanh thế giới nhà văn như: thói đố kỵ, thói háo danh (bán mua, đổi chác, tai tiếng của nhà văn nữ); chuyện “cơm áo gạo không đùa với khách thơ”, chuyện xét trao giải thưởng trong các cuộc thi văn chương; chuyện phê bình văn chương (trình độ các nhà phê bình, đánh giá giá trị của phê bình, những hệ lụy xảy ra do tác phẩm bị “đánh”)… Nguyễn Đình Tú đã cho bạn đọc thấy được thói đố kỵ cố hữu của một số nhà văn với nhân vật nhà văn Tuấn (qua những lời xì xào thiếu thiện cảm cùng những ánh mắt hậm hực, chế giễu của họ) khi anh dám nói ra một thực trạng: “Hậu sinh nó tinh quái lắm. Nó sẽ phán xét chúng ta đâu ra đấy. Tội nặng. Xô đẩy cả nền văn học vào cảnh trôi sông lạc chợ. Thời gian đãi hết. Chẳng còn lại gì đâu” (Ánh sao sa bên trời đêm tăm tối)2. Trong tiểu thuyết Khải huyền muộn, Nguyễn Việt Hà cũng để cho nhân vật của mình nói về tính xấu đó như sau: “Người trót viết văn thành danh nào mà chẳng có đông người đố kỵ. Nhẹ nhàng thì bằng mặt không bằng lòng. Nặng nề thì tố cáo vu oan nhau” (tr. 333); “Không phải ngẫu nhiên mà những người già kêu văn chương là chốn trường văn trận bút” (tr. 163).

   Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành cũng đề cập đến thói tật này qua đối thoại của các nhân vật trong tiểu thuyết Cõi nhân gian: “Văn giới nói về anh nhiều lắm. Cả quý phục, nhưng đố kỵ thì không ít” (tr. 59, quyển 3); “Cái cõi văn chương ấy nhiều u minh lắm, con người bạc bẽo như chữ nghĩa, thuận mình thì bu vào bợ đỡ, nâng bi nhau, còn nếu nghịch, thì tìm mọi cách dìm nhau trong tro. Em nghe giang hồ viết lách người ta nói thế… (tr. 37, quyển 3); “Ồ, chú quyết định vào giới văn chương nghệ thuật rồi à? Sang đấy chú giữ mình nhé. Bên ấy mật ít nhưng lắm ruồi bu. Văn giới, nhiều kẻ còn hơn cả nhặng xanh, là cụ tổ của ruồi. Tôi càng vào sâu, càng sợ (…). Đấy, cũng là bất nghĩa nhưng kiểu bất nghĩa của thằng có tí chữ, nó kinh khủng lắm” (tr. 69, quyển 3); “Tôi thấy, chị cũng xinh đẹp, không như mấy tay văn giới ác khẩu, không ăn được thì dìm hàng người ta (tr. 71, quyển 3).

   Khi viết về nghề nghiệp của chính mình, các nhà văn đương đại thường dùng giọng hóm hỉnh, giễu nhại xoay quanh danh phận nhà văn. Nguyễn Việt Hà cảnh báo độc giả không nên “thần tượng hóa” nhà văn: “Nói chung khuôn mặt nhà văn không thể hớn hở thoả mãn. Mặt họ phải sâu sắc nhầu nát cảm động. Bạch nói là, những nhà văn anh biết trông lộm nhộm, chẳng có vẻ gì khác thường. Còn những nhà văn trông thật giống nhà văn, là bởi họ hay lên truyền hình” (tr. 97). Hình ảnh nhà văn, nhà thơ trong các sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp cũng xuất hiện khá nhiều cùng với sự nghèo nàn, túng kiết về vật chất hoặc mơ mộng viển vông, lạc loài lập dị trước cuộc đời như cuộc trò chuyện “ông nói gà, bà nói vịt” giữa bà bán nước và một nhà thơ trong truyện Đưa sáo sang sông. Chuyện áo cơm cũng khiến những nhà văn có tài phải bán bản thảo cho kẻ háo danh đứng tên. Nỗi lo cơm áo gạo tiền cũng khiến cho “những nhà văn nghèo đã có gia đình rất khó viết được cuốn (tiểu thuyết) thứ hai” (Khải huyền muộn, tr. 170) bởi muốn viết được tiểu thuyết thì phải tĩnh tâm, ít phải bận tâm chuyện tiền nong.

   Nhân vật nhà phê bình cũng được đề cập đến trong nhiều tác phẩm có thời gian cách nhau khoảng gần hai mươi năm. Đó là một số nhà phê bình bị tha hóa, viết bài lăng xê tác phẩm dở vì tiền. Nhân vật Lợi trong Kẻ nằm người ngồi đã được Nguyễn Thế Hùng miêu tả bằng ngòi bút giễu nhại, hoạt kê, đánh giá hắn là “dạng phê bình điếm đường”. Lợi chả khác gì một con điếm đường, về cơ bản là hành nghề vì tiền, chỉ cần một khách làng chơi cho tiền và thọc vào là rú lên, rú lên như một phản xạ có điều kiện chứ không hề có cảm xúc gì, hay nói đúng hơn là cảm xúc đã chai lì sau bao nhiêu năm làm điếm đường” (tr. 135). Và điều đáng sợ là “Với con mắt của một nhà văn, Thuận thấy càng ngày càng xuất hiện nhiều điếm”. Còn nhân vật nhà văn của Nguyễn Việt Hà trong Khải huyền muộn thì nhận xét: “Ở khoảng thời gian này, khen chê hoặc phê hoặc bình đang bị ô nhiễm bởi nhiều thói dung tục. Đáng sợ nhất là người khen thường bị coi là bè đảng, là tụi lăng xê mấy đứa sáng tác dỏm, thật lòng thích cũng đành ngần ngại, cho nên viết phê bình văn chương vô tư khách quan là phải chửi thật nặng... Có những người viết thuê người khác chửi hoặc chính mình viết bài chửi mình. Cái đích vẫn là sự nổi tiếng” (tr. 323); “Rất nhiều nhà thơ tha hoá để trở thành nhà phê bình” (tr. 155). Nhân vật nhà văn tên Bạch rất biết giá trị của phê bình: “phê bình văn học là một vũ khí. Có thể trực tiếp giết được người. Phanh phui, xoi mói, mổ xẻ một tác phẩm thông thường đòi hỏi thao tác của một đồ tể” (tr. 334). Tuy nhiên, đáng sợ nhất là nhà phê bình chỉ có vốn kiến thức hạn chế, không chịu đọc kỹ tác phẩm, toàn “nghe hơi nồi chõ”, nhưng lại “hay ra vẻ” và “phán như đúng rồi”: “Rất đông các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình chỉ đọc được tiếng Việt kêu lên rằng, nhiều người viết văn ở ta dốt ngoại ngữ quá”; “Các nhà phê bình có tuổi chớm bị vôi hoá cột sống ít có thời gian để đọc” (tr. 334). Nhưng đáng sợ hơn cả là thói phê bình chụp mũ, nâng quan điểm chính trị theo kiểu “Cây táo ông Lành”. Nhân vật nhà văn trong Chinatown của tác giả Thuận cũng được khuyên như sau: “Mày loăng quăng thế nào thì loăng quăng, đừng để cho các nhà phê bình đội cho cái mũ phản kháng, đội mũ ấy không về thăm bố mẹ được đâu”. Vẫn trong Khải huyền muộn, mượn lời nhân vật nhà văn, Nguyễn Việt Hà cũng xót xa nhắc đến trường hợp những người cầm bút dũng cảm đã bị hứng tai nạn nghề nghiệp khi tác phẩm bị chỉ trích. Đó là câu chuyện về một nhà văn quân đội viết về cuộc Chiến tranh Vệ quốc (với những chi tiết hiện thực buồn bã) đã bị hơn 20 bài chê bai khổ lớn trên nhiều báo và tạp chí. Một số cựu chiến binh cao cấp đòi bắt nhà văn bỏ tù, những nhà văn không đi bộ đội bao giờ thì gay gắt phê phán tác phẩm vì không tin những điều nhà văn phản ánh trong cuộc chiến. “Không biết có phải vì những chuyện linh tinh đó không mà vợ nhà văn đột ngột bỏ anh. Hai anh chị có hai đứa con nhờ nhỡ, cả nhà mếu máo khóc. Đứa con gái lớn ở với bố còn đứa con trai bé thì theo mẹ”. Kết quả là nhà văn này sau đó sợ không dám viết nữa mà chỉ ngồi thiền. Phải thế chăng mà rất ít nhà văn dám đề cập tới giới quan chức, chính khách vì: “Ở ta có những điều cấm kị bất thành văn, tưởng là vớ vẩn, nhưng bất kỳ người viết chuyên nghiệp nào cũng phải biết. Thế là tự sợ. Câu cú trên bản thảo đâu có ai kiểm duyệt, nhưng cứ tự mình biên tập lấy cho tròn vo đã. Văn chương muốn nó tươi nó thật thì phải được đùa, mà đã run rẩy rồi thì bố thằng nào dám đùa nữa” (tr. 199).

   Sự ngộ nhận về danh xưng nhà văn, nhà thơ và thói háo danh cũng được đem ra bàn trong các tác phẩm văn chương: “Giống hệt như mối tình đầu, tất cả những người viết thường khởi nguyên từ trong trắng. Rồi gần như tất cả bị tha hoá bởi sự ma mị quyến rũ từ cái gọi là danh hiệu nhà văn. Đã là danh thì đa phần đều hão hề phù phiếm. Những nhà đã thành văn đấy mê muội nhan nhản đi lại ở khắp nơi. Họ nghĩ là họ đặc biệt và họ luôn lo lắng bị lẫn vào những người bình thường khác. Họ nghiêm khắc hãi sợ người khác không biết là họ đang viết văn đang làm thơ” (Khải huyền muộn). Nhân vật Lợi (nhà phê bình) trong Kẻ nằm người ngồi của Nguyễn Thế Hùng thì nói rằng có một loại nhà văn làm mọi cách để nổi tiếng, thậm chí “đốt đền”: “Ngoài hạ bệ thần tượng thì họ theo đuổi đề tài đồng tính, khai thác tình dục (…). Tóm lại là khuynh hướng: sốc - sướng - sến” (tr. 136). Việc vào Hội Nhà văn là niềm mơ ước của nhiều người cầm bút nhưng để kiên trì phấn đấu đạt được điều đó thật là khốn khổ, khôi hài: “Bố sắp hàng đã gần ba mươi năm nay rồi… chân đã mỏi… mắt đã mờ… đầu óc không còn minh mẫn nữa… Vậy mà vẫn… vẫn chưa đến lượt”; có người “khi thành nhà văn thì mồm miệng lại không nhai được, hôm qua cái răng hàm cuối cùng vừa rụng” (Khải huyền muộn, tr. 145). Tai tiếng của các nữ nhà văn trẻ khi vào hội cũng được phơi bày ở một số tác phẩm. Có thể thấy rõ điều này trong Kẻ nằm người ngồi thông qua nhân vật Mận. Cô này tài năng tầm thường nhưng quyết tìm danh lợi từ văn chương bằng “vốn tự có, lẫy lỗ làm lãi” để trở thành nhà văn Lâm Oanh nổi tiếng. Để có danh, Mận sẵn sàng lên giường với Thuận (một nhà văn có tài đã viết hộ cho Mận mấy cái truyện ngắn dự thi đạt giải cao); để có lợi, Mận sẵn sàng trở thành bồ của Chủ (một ông quan tỉnh); còn để có cả danh lẫn lợi, Mận lại sẵn sàng làm bạn tình của Tổng (Tổng Biên tập một tạp chí văn chương của tỉnh) và với Lợi (nhà phê bình “điếm đường” hành nghề vì tiền). Tai tiếng đó cũng đã được Nguyễn Việt Hà phản ánh từ rất lâu (2005) trong tiểu thuyết Khải huyền muộn khi cho nhân vật nhà văn nói đến thực trạng này bằng giọng giễu nhại: “Nó cũng giống sự sốt ruột hấp tấp của những người viết trẻ khi chưa được công nhận là Hội viên Hội Nhà văn”, “Các nữ văn sĩ đa phần đều muốn thành chẵn. Hình như trong môn xóc đĩa của cờ bạc, chẵn là ngửa” (tr. 195). Sự ngộ nhận về tài năng văn chương của một số nữ nhà báo cũng được nhân vật nhà văn diễn đạt theo kiểu đùa, nói nước đôi, dùng uyển ngữ nhưng rất đáng suy nghĩ: “Các nhà báo nữ đa phần đều có in thơ đã viết hoặc một truyện ngắn hoặc một tập truyện ngắn. Nếu họ tự khắt khe vứt bỏ đi vài sự nuông chiều nịnh nọt vớ vẩn thì họ đã trở thành những nữ văn sĩ rất giỏi. Tôi ghét cái giả thiết này, đấy là luận điệu đầu môi của đám văn sĩ đàn ông đang ao ước bỏ vợ” (tr. 143)…

   Bên cạnh những thói xấu và những tiêu cực còn tồn tại trong văn giới thì cuộc sống vất vả, điều kiện làm việc thiếu thốn của phần đông các nhà văn Việt Nam cũng được phán ánh khá rõ nét. Chẳng hạn, trong Khải huyền muộn, tình trạng hầu hết người viết không có thư phòng đã được Nguyễn Việt Hà miêu tả một cách hết sức hài hước khi để nhân vật nhà văn Bạch đi xem triển lãm ảnh (ở phố Tràng Tiền) về phòng làm việc đầy đủ tiện nghi của các nhà văn nước ngoài và“chứng kiến thấy nhiều nhà văn quen mặt đứng rờ rẫm những tấm ảnh đó nước dãi chảy thành dòng...” (tr. 170).

   Có thể thấy, các nhân vật nhà văn trong tác phẩm văn chương được tái hiện sống động như những gương mặt người cụ thể. Qua họ, người đọc được cung cấp thêm góc nhìn nhiều chiều, đa dạng về thế giới của chính những người cầm bút. Bên cạnh quan niệm và trách nhiệm của họ về văn chương, chúng ta còn biết thêm những góc khuất, những chuyện bên lề của văn giới để từ đó gióng lên một hồi chuông cảnh báo về sự tha hóa nhân cách của một số nhà văn, trong đó có các nhà phê bình.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Việt Hà (2005), Khải huyền muộn, NXB Hội Nhà văn.
2. Nguyễn Việt Hà (2019), Thị dân tiểu thuyết, NXB Trẻ.
3. Nguyễn Thế Hùng (2022), Kẻ nằm người ngồi, NXB Hội Nhà văn.
4. Nguyễn Phúc Lộc Thành (2022), Cõi nhân gian (4 cuốn), NXB Hội Nhà văn.
5. Nguyễn Huy Thiệp - Tuyển tập truyện ngắn, NXB Văn học và Công ty Đông Á, 2020.
6. Nguyễn Đình Tú: “Ánh sao sa bên trời đêm tăm tối”, Báo Văn nghệ, 2/2023.
7. Thuận (2019), Thư gửi Mina, NXB Phụ nữ.
8. Thuận (2022), Chinatown (tái bản), NXB Phụ nữ.

Chú thích:
1 Xem: https://vnexpress.net/nha-van-thuan-toiviet-ve-tinh-duc-khong-theo-loi-mon (Chủ nhật, ngày 16/6/2019).
2 Nguyễn Đình Tú: “Ánh sao sa bên trời đêm tăm tối”, Báo Văn nghệ, 2/2023.

Bình luận

    Chưa có bình luận