Văn học Việt Nam từ sau năm 1975, đặc biệt là từ thời kỳ đổi mới đã chứng kiến sự nở rộ của một loạt cây bút nữ ở nhiều thế hệ, với nhiều phong cách, bút pháp, ở các thể loại khác nhau. Kết thúc tình trạng “im lặng” và góp những tiếng nói ngày càng mạnh mẽ, đa dạng trong văn chương, sự trưởng thành của các cây bút nữ gắn liền với sự gia tăng nhận thức, ý thức về giới, tinh thần kháng cự cái nhìn độc tôn gia trưởng mang tính nam quyền, và thậm chí, cả những tiếng nói của giới nữ nhưng phản chiếu cái nhìn gia trưởng nam quyền trong xã hội, chống lại những định kiến trong xã hội về người phụ nữ - đó chính là những phương thức biểu hành giới mới mẻ, đặt ra nhiều vấn đề không chỉ đối với văn chương mà thể hiện tính dân chủ của đời sống tư tưởng, tinh thần trong xã hội đương đại. Có thể quan sát những nỗ lực kiến tạo tự sự về mẫu tính, đồng thời cũng là cách chống lại những tự sự trước đó về mẫu tính trong văn học nữ đương đại, qua trường hợp các truyện ngắn Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Bức thư gửi mẹ Âu Cơ của Y Ban và Lãng mạn nửa mùa của Lê Minh Khuê.
Cả ba truyện ngắn đều đề cập đến những tình huống có thai (hoặc khả năng có thai) ngoài ý muốn của các nhân vật nữ: Nương nghĩ đến việc mình có thai và tương lai của đứa trẻ sau khi bị cưỡng bức ngay trước mặt cha mình (Cánh đồng bất tận); cô gái đi phá thai gửi gắm những tâm tư tới mẹ mình cũng là gửi mẹ Âu Cơ (Bức thư gửi mẹ Âu Cơ) và “em” quyết giữ cái thai trong bụng chấp nhận nuôi con một mình dù “gã” phủi tay tàn nhẫn (Lãng mạn nửa mùa). Cách ứng xử của các nhân vật nữ với việc/ khả năng có thai của mình, đi cùng với đó là những phát ngôn, đã cho thấy những biểu hành mẫu tính mang bản dạng giới và màu sắc cá nhân của thời kỳ đương đại, trên tinh thần phản kháng công nghệ sinh sản hay là công nghệ bảo vệ tập tục gia trưởng; lựa chọn vị thế mẹ đơn thân như một cách kiến tạo hạnh phúc và xác lập cái nhìn tự chủ, chống lại cái nhìn phán xét về mẫu tính.
1. Người nữ và sự phản kháng công nghệ sinh sản chống lại cơ thể phụ nữ
Việc phá thai, cũng như các phương pháp tránh thai, là một trong những mối quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu về giới cũng như các nhà hoạt động xã hội vì bình đẳng giới và trào lưu nữ quyền trong xã hội hiện đại. Theo Bell Hooks trong Nữ quyền cho tất cả mọi người, “Trước khi có bất kỳ một quyền lợi về giới tính nào trong vấn đề tự do luyến ái được đặt ra, phụ nữ cần được tiếp cận những biện pháp ngừa thai và nạo thai an toàn, hiệu quả”1. Các biện pháp giúp cho phụ nữ tránh được việc có thai hoặc không phải sinh con, nuôi con ngoài ý muốn là cách mà nhiều nhà nữ quyền ghi nhận để tránh những “rắc rối giới” và nỗi sợ hãi của phụ nữ trước hậu quả không mong muốn của việc quan hệ tình dục. Được coi như một khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới, “Khái niệm Công nghệ sinh sản (reproductive technologies) đề cập đến một loạt các kiến thức và thực hành công nghệ y tế liên quan đến sinh sản hữu tính của con người”, trong đó có hình thức chấm dứt thai kỳ. Tuy nhiên, “các tác giả nữ quyền gần đây, dù lạc quan nhất, lại tỏ ra lưỡng lự đối với những công nghệ như vậy”, “chủ nghĩa đạo đức bảo thủ và tân tôn giáo về cha mẹ “đúng đắn/ không phù hợp”, được lồng ghép trong những diễn ngôn công khai về công nghệ sinh sản”2. Nói cách khác, công nghệ sinh sản vô hình trung đã tiếp tay cho việc coi phụ nữ là công cụ hay nô lệ tình dục, hoặc để nhằm bảo vệ cho những yếu tố khác liên quan đến định kiến giới thuộc về thiết chế xã hội, văn hoá như tránh tai tiếng “không chồng mà chửa”, che đậy việc quan hệ tình dục trước hôn nhân và cùng với đó là nỗi ám ảnh về trinh tiết, đạo đức của phụ nữ theo quan niệm truyền thống như một thứ đại tự sự tồn tại dai dẳng trong xã hội. Như vậy, việc phá thai và công nghệ sinh sản nói chung một mặt là một lựa chọn giúp phụ nữ tránh được những phiền toái và góp phần giải phóng tình dục cho họ, nhưng mặt khác lại vừa là một cách thức chống lại cơ thể họ, và trong một số trường hợp, là sự áp đặt của tư tưởng gia trưởng để phủ định khả năng/ quyền làm mẹ của phụ nữ. “Việc khoa học “xâm lược bằng công nghệ” vào cơ thể phụ nữ giống như một chiến lược gia trưởng để loại bỏ một lợi thế mà phụ nữ có so với nam giới. Các công nghệ mới, theo viễn tượng này, là một hình thức bạo lực dựa trên cơ sở khoa học, bị y tế hoá để chống lại cơ thể phụ nữ. Do đó, người ta phải sợ hãi và chống lại chúng như chống lại những tập tục gia trưởng tiếp tục khai thác lâu dài cơ thể phụ nữ phục vụ cho lợi thế nam tính”3. Trong Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, người con gái có thai với bạn trai đã bị mẹ mình ép phải đi “cô - vắc” (phá thai). Vì cô và bạn trai chưa làm đám cưới, việc cô có thai khiến cô bị nhìn như “cái giống lạc loài”. Cô đau đớn suy tư về sự khác nhau của tình yêu và hôn nhân, của một đứa trẻ sinh ra không gắn với và có gắn với hôn nhân: “Vậy khác nhau như thế nào? Cái gì làm thước. Tình yêu hay hôn nhân? Con sẽ không lạc loài nếu như không bao giờ xảy ra chuyện này. Hài nhi của con sẽ không lạc loài, nếu như con và anh ấy đã cưới nhau. Phải thế không mẹ? Tình yêu và hôn nhân? Con chưa có hôn nhân nên con không biết điều đó”. Việc buộc phải kết thúc một mầm sống đang thành hình trong cơ thể mình cũng đồng thời khiến cô gái giã biệt tình yêu và niềm tin trước cuộc đời. Cô rơi vào trạng thái dằn vặt, ân hận và đau đớn: “Tội lỗi của con, người đàn bà tuổi ấy có quyền có đứa con chứ. Vậy sao con không bảo vệ nổi nó. Con lặng lẽ khóc. Nước mắt tràn đầy trên gối”. Cô ước ao: “Giá như ngày ấy mặc dù tội lỗi, mẹ cứ cho chúng con lấy nhau thì con đã trở thành người phụ nữ bình thường chứ không phải mang cảnh goá bụa trong cô thiếu nữ kén chồng thế này”. Tình huống của cô gái chứa đựng hai nỗi đau: nỗi đau của cô – người mẹ mất con, và nỗi đau của mẹ cô – người mẹ có đứa con gái “hư hỏng”. Không chỉ đau đớn cả về thể xác và tâm hồn khi bị buộc bỏ đi thai nhi trong bụng, cô gái còn phải chịu đựng những “đòn roi” từ sự phán xét, khinh miệt thể hiện qua những lời mắng mỏ của mẹ cô, những lời xì xào, đàm tiếu và ánh mắt ghẻ lạnh hoặc mỉa mai từ những người phụ nữ khác trong bệnh viện, những lời cợt nhả, trêu chọc, xoi mói của các cô y tá… Tập hợp những “lời” ấy, thái độ ấy đều xuất phát từ những người phụ nữ khác – từ một cộng đồng đàn bà nhân danh trinh tiết, đạo đức, phẩm hạnh của phụ nữ truyền thống, hay nói cách khác là một cộng đồng đàn bà đã hàng ngàn năm chịu đựng và khúc xạ những định kiến giới kìm kẹp người phụ nữ trong bổn phận, trách nhiệm, trong những ràng buộc đạo đức không chấp nhận tự do yêu đương và tự do tình dục gắn với tình yêu. Đó phải chăng là tầng tầng lớp lớp những nhận thức, những xác tín về tiết tháo, về tam tòng tứ đức… đã hằn sâu trong trí óc và trái tim khiến họ mặc nhiên bảo vệ những phạm trù ấy và không quan tâm đến những tình cảm, những rung động, những khát khao, thèm muốn mang tính nhân bản của cảm xúc và thân thể con người. Dù bất lực trong việc từ chối “cô - vắc” nhưng trong thẳm sâu, cô gái luôn chứa đựng một nỗi ân hận và thái độ kháng cự sâu sắc với thứ công nghệ sinh sản chống lại cơ thể mình – “thủ phạm” tước đoạt tình yêu, sự đồng cảm và hoà hợp giữa cô với người yêu. Và từ nỗi đau của bản thân, sự thấu cảm nỗi đau của mẹ mình, của giới mình một cách sâu sắc, cô đã gửi tới mẹ Âu Cơ – người mẹ của dân tộc, của giống nòi Việt, những lời đầy trăn trở về thân phận giới nữ: “Mẹ Âu Cơ sinh được năm mươi người con trai, năm mươi người con gái. Con trai của mẹ thì thành anh hùng, thi sĩ, con gái của mẹ thì trở thành những bà mẹ. Đất nước anh hùng, ngoại xâm, thiên tai liên miên, nên mẹ quan tâm đến những anh hùng, thi sĩ. Mẹ đã không chú ý đến những cô gái vốn dịu dàng, nhu mì, không mấy đòi hỏi. Mẹ ơi, mẹ hãy quan tâm đến chúng con, đến nỗi đau của những cô gái, những bà mẹ”. Thái độ day dứt khôn nguôi và nỗi đau về tình thế không thể tự bảo vệ mình, bảo vệ con mình trước định kiến của gia đình, cộng đồng về tình dục không hôn nhân của cô gái phải chăng cũng chính là tiếng nói đòi giải phóng tình yêu, giải phóng tình dục của giới nữ trên hành trình kiếm tìm sự tự chủ, kiếm tìm hạnh phúc.
Cũng ở trong tình trạng mang thai ngoài dự kiến, cô gái không tên được gọi là “em” trong Lãng mạn nửa mùa của Lê Minh Khuê sau khi trao đời trinh nữ cho người đàn ông giàu có, thành đạt, thích sưu tầm khám phá gái đẹp đã nhắn tin cho gã để báo tin về việc có bầu, và như những cô gái trong “bộ sưu tập phụ nữ” của gã, cô bị từ chối một cách dửng dưng, sắc lạnh: “Tin nhắn đến với gã như nhiều trường hợp xảy ra: anh cho em gặp anh một chút. Chuyện gì? Em bị rồi anh ạ, làm sao đây? Tôi không liên quan, đã nóirồi… Tôi sẽ không sao, chỉ cô mới đáng lo. Đừng gọi, đừng nhắn cho tôi nữa. Tôi cảnh cáo đấy! Em xin anh…”. Xinh đẹp, trinh nguyên nhưng ngay sau lần đầu trao thân, cũng là trao niềm tin, sự ngưỡng mộ một cách thành thực, cô đã bị hắt hủi, bởi với gã, những cuộc ái ân với một người con gái đẹp chỉ là nhu cầu kiếm tìm cái đẹp lạ, là cách để chứng minh đẳng cấp, sức hút của bản thân. “Gã không thể bỏ được cái sự mê thích sưu tầm người mẫu để làm le với thiên hạ lắm chuyện”, “Gã cũng nẫng tay trên của các đại gia mấy nàng hát hay có học trong làng ca sĩ”, “Giới diễn viên có nàng còn khóc lóc vì “anh nỡ quay đi như thế ư?” […] Gã ôm tất các kiểu nàng…”. Gã luôn nhìn các người đẹp bằng con mắt trịch thượng, ban ơn vì cho rằng họ “muốn chường mặt thiên hạ cùng gã để được đưa lên hạng văn minh”. Nhưng, trái với suy nghĩ của gã, trái với những trường hợp thông thường khác, cô gái đã không chấp nhận mình như một món đồ chơi, một thứ nô lệ tình dục cho đại gia, quý tộc, cô không lựa chọn phá thai để giữ bình yên cho đời thiếu nữ. Thành thực ngưỡng mộ, thành thực run rẩy khi trao thân, cô đã lựa chọn giữ lại mầm sống ấy. Không một tuyên ngôn cho sự lựa chọn, cô hiện lên qua lời kể của đám đông phụ nữ xung quanh: “Bị với ông nào nó chẳng nói đâu. Con ấy xem thế mà gan cóc tía. Quyết đẻ nuôi con, bảo sếp có đuổi nó cũng không cần”. “Gan cóc tía” ấy chính là sự mạnh mẽ, bản lĩnh, thậm chí liều lĩnh của người phụ nữ dám đối diện với khó khăn thử thách, dám đương đầu với dư luận, từ chối phá thai để bảo toàn sự sống cho con mình, bảo toàn khả năng và thiên chức làm mẹ – dẫu rằng tình huống kiến tạo thiên chức ấy được hình thành có chủ ý nhưng không trong sự đồng thuận của “đối tác”. Bằng tất cả sự trong trẻo, ngây thơ, hồn nhiên, và cả sự kiên cường trong lựa chọn giữ lại cái thai, cô gái đã thể hiện sự yêu quý, trân trọng cơ thể mình, giải phóng mình khỏi thân phận một món đồ chơi, một thứ công cụ mua vui của đàn ông, để chính thức bước vào hành trình làm chủ cơ thể, làm chủ nữ tính, mẫu tính, làm chủ cuộc đời. Chính hành động dám giữ lại cái thai của cô gái đã khiến “gã” thay đổi, dừng lại, chuyển trạng thái: “Gã tạm thời cắt cuộc chơi với giới người đẹp gã sưu tầm cả đống. Có thể gã cũng chỉ đứng thế này thôi. Chờ đứa trẻ ra đời để xem nó là gái hay là trai. Cũng chưa biết làm gì tiếp theo…”. Người phụ nữ tưởng như mong manh, yếu đuối, lệ thuộc nay đã biến “gã” thành kẻ lãng mạn nửa mùa: kẻ tưởng như luôn làm chủ cuộc chơi, áp đặt luật chơi, đứng bên trên hiện thực để thể hiện cái tôi độc đoán, gia trưởng, thượng lưu, suy tôn ham muốn và khoái cảm cá nhân, nay trở nên thụ động, bất động trước hiện thực, bị hiện thực cảm hoá.
Thái độ ân hận, dằn vặt khi không thể kháng cự việc phá thai hoặc sự từ chối phá thai của hai nhân vật nữ không tên trong hai tác phẩm đã cho thấy một sự trưởng thành trong nhận thức của người nữ đương đại: họ trân trọng cơ thể và mẫu tính tự nhiên của mình hơn là sự bình yên trước những phán xét và búa rìu dư luận; họ muốn vượt thoát khỏi những kìm kẹp của quan niệm truyền thống về tình dục, tình yêu, mang thai và hôn nhân đối với phụ nữ. Các tác phẩm đã trình hiện người nữ trong sự biểu hành giới thông qua ngôn ngữ (những tâm tư được phát ngôn từ ngôi thứ nhất để gửi gắm đến mẹ, đến mẹ Âu Cơ của cô gái trong Bức thư gửi mẹ Âu Cơ) và hành động (việc giữ lại cái thai, bất chấp thái độ hắt hủi, phủ nhận từ cha đứa trẻ của nhân vật “em” trong Lãng mạn nửa mùa). Qua đó, người nữ hiện lên như những chủ thể ham muốn, chủ thể yêu đương, chủ thể mang thai và sinh nở, không phải những kẻ “khác” (other) lệ thuộc vào đàn ông, vào định kiến trong một nền văn hoá gia trưởng.
2. Người nữ và sự lựa chọn vị thế mẹ đơn thân như một cách kiến tạo hạnh phúc
Trong những hình dung thông thường, phổ biến của xã hội, một gia đình hạnh phúc là gia đình đầy đủ chồng và vợ, cha và mẹ và con. Đối với xã hội Việt Nam từ truyền thống tới hiện đại, người đàn ông thường được gọi là “trụ cột gia đình” với nghĩa là người gánh vác áp lực tài chính và cũng là người cao nhất quyết định những vấn đề trọng yếu của gia đình. “Trong gia đình Khổng giáo, phụ nữ được dạy các kỹ năng nội trợ – ví dụ nấu ăn, thêu thùa, may vá – vì vậy họ có thể điều hành việc nhà; đàn ông được đào tạo theo đuổi các mục tiêu tri thức để có thể đảm nhiệm các quan hệ hướng ngoại trong cộng đồng và quốc gia”4. Phụ nữ Việt Nam thường trước hết là “người nội trợ”, người giữ vai trò chính trong việc vun đắp hạnh phúc, “tay hòm chìa khoá” và đặc biệt là nuôi dạy con, và thường ở trong thế phụ thuộc đàn ông về tài chính, đồng thời, theo cách nhìn truyền thống, thường được cho là/ nên là có tuổi tác, học vấn, vị thế xã hội thấp hơn đàn ông. “Phần lớn những khó khăn đối với phụ nữ trong đời sống gia đình là về tài chính, trong đó, theo truyền thống, đàn ông bị coi là phải kiếm được “thu nhập cho gia đình” bất kể hoàn cảnh thực tế của họ là gì”5. Trường hợp phụ nữ nuôi con một mình không phải sau ly hôn mà là có thai ngoài ý muốn, không được thừa nhận hoặc không gắn với hôn nhân/ đám cưới và tự sinh con, nuôi con một mình, trong nhận thức và cảm nhận thông thường, thường không được đề cao, tôn trọng, thậm chí bị cộng đồng (nhất là cộng đồng làng xã truyền thống) khinh thường, dè bỉu. Nhưng cô con gái trong Bức thư gửi mẹ Âu Cơ khao khát được giữ lại đứa con bởi đó là kết quả tình yêu, sự say mê giữa cô với người yêu. Cô đặt câu hỏi: “Vậy về vật chất, cái đêm sinh ra giống lạc loài có giống cái đêm sinh ra giống không lạc loài không hả mẹ? Mẹ, con yêu mẹ. Con tin mẹ. Nhưng con cũng yêu sách vở và tin sách vở. Vậy mà con không hiểu được rằng tình yêu thì được hết lời ca ngợi như thế. Mà tình yêu lại hay sinh ra những giống lạc loài! Và những đứa con lạc loài thì hay bị ruồng bỏ”. Khi mang thai và bị ruồng rẫy, “em” trong Lãng mạn nửa mùa không được thể hiện bằng những trạng thái tâm lý phức tạp với những lo âu, tính toán hay trăn trở, dằn vặt mà bằng hành động hết sức quyết đoán, mạnh mẽ: “Quyết đẻ nuôi con, bảo sếp có đuổi nó cũng không cần”. Trong Cánh đồng bất tận, sau khi Nương bị bọn côn đồ cưỡng hiếp, trong lúc người cha đau đớn, nhục nhã, lấy áo và cơ thể mình để che chắn cho cơ thể con dưới ánh mặt trời, thì Nương lại xác lập một tâm thế khác: “Dường như đứa con gái đang chết, chỉ đôi mắt là rưng rức chớp mở không thôi. Câu đầu tiên nó hỏi:
- Không biết con bị có con không, hả cha?
Cảm giác một cái gì nhỏ xíu nhưng lanh lợi như con loăng quăng đang vui sướng, ngụp lặn trong nó. Đứa con gái thoáng nghĩ, có thể mình sẽ sinh con. Đứa bé đó, nhất định nó sẽ đặt tên là Thương, là Nhớ hay Dịu, Xuyến, Hường... Đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”. Đó là tâm thế bình thản đón nhận kết quả nỗi đau đớn, nhục nhã như một tất yếu để trở thành mẹ, bù đắp cho đứa con tương lai của mình những thiếu thốn mà mình, với tư cách một đứa con, đã không được đón nhận. “Tha thứ cho lỗi lầm của người lớn” là cái nhìn bao dung của đứa trẻ, cũng là biểu hiện của nữ tính, mẫu tính, dám chấp nhận sai lầm, dám vấp ngã để đương đầu với hoàn cảnh và tìm kiếm hạnh phúc tự thân. Hình dung về “đứa bé không cha nhưng chắc chắn được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời” cũng đồng thời là một hình dung can đảm về vai trò của người mẹ trong việc định hình tương lai của con mình – bằng trách nhiệm, bằng sự mạnh mẽ, và nhất là bằng tình thương và niềm tin vào con đường phía trước.
Khát khao giữ lại đứa con, hay việc giữ lại nó, là những nhận thức và hành động can đảm của người nữ trong các tác phẩm, bởi đó là những lựa chọn khiến họ phải đối mặt với muôn vàn thử thách: thử thách do khó khăn về kinh tế, thử thách về nỗi cô đơn khi đảm nhận vai trò kép: vừa là mẹ vừa là cha trong hành trình nuôi dạy con, và đặc biệt là thử thách trước những tai tiếng về bản thân (“không chồng mà chửa”), về cha mẹ mình (có con gái “hư hỏng”, “lăng loàn”) và về con mình (đứa trẻ không cha)… Khao khát và dám chịu trách nhiệm về hành động của mình, đón nhận kết quả - dù là kết quả của tình yêu, của sự dâng hiến đẹp đẽ, say mê hay là kết quả của một cuộc cưỡng bức đau đớn, nhục nhã, đó vừa là cách để các nhân vật nữ kết thúc tình huống bi kịch trong quá khứ vừa là sự bắt đầu một hình dung mới cho tương lai: một cuộc kiếm tìm sự thấu hiểu, thứ tha, hay là một hành trình độc lập, tự chủ để kiến tạo hạnh phúc bằng yêu thương, bao dung, nhân hậu.
3. Người nữ và sự xác lập cái nhìn tự chủ, chống lại cái nhìn phán xét về mẫu tính
Chống lại công nghệ sinh sản, nuôi con một mình như là mong muốn và lựa chọn thể hiện tình yêu đối với cơ thể và năng lực làm mẹ, người nữ trong ba tác phẩm cũng đã dám bước ra khỏi “vòng kim cô” của những cái nhìn soi mói và phán xét để kiến tạo cái nhìn tự chủ về mình và về cuộc sống. Hành trình xác lập điểm nhìn tự chủ ấy là một quá trình không hề dễ dàng mà vô cùng khó khăn, đầy những trải nghiệm đau đớn, đầy nước mắt và cô đơn nhưng cũng là quá trình trưởng thành mạnh mẽ. Trong Cánh đồng bất tận, Nương và em trai đã làm quen, đã tự trải nghiệm, tự học mọi điều mà không có sự dạy dỗ, bảo ban, chia sẻ từ cha mẹ. Sự ra đi của mẹ cô đã khiến cha cô mang trong mình nỗi hận lớn không chỉ với vợ mình mà với phụ nữ nói chung, khiến cho ngay đến cả ánh nhìn của ông với đứa con gái mình - đứa con phản chiếu hình ảnh người vợ, cũng chứa đựng hận thù, để hàng ngày cứ ngủ dậy là ông đánh chị em Nương. Và với những người phụ nữ nghèo khổ, sống cuộc đời nhàm chán bên những người chồng thô lỗ, ông đã tìm cách gieo yêu thương và hi vọng đổi thay cho họ, vừa đủ, rồi ruồng bỏ, như một cách trả thù vợ mình, trả thù sự phản bội. “Sống đời mục đồng, chúng tôi buộc mình đừng yêu thương, quyến luyến bất cứ ai, để khỏi ngậm ngùi, để lòng dửng dưng khi cuốn lều, nhổ sào đi sang cánh đồng khác, dòng kinh khác. Chúng tôi vô định hơn bất cứ người nuôi vịt chạy đồng nào. Vì những cuộc tình của cha tôi, ngày càng ngắn ngủi”. Cả hành trình dài chịu đựng một cuộc đời vừa nghèo khổ, thiếu thốn, bất định trên những cánh đồng mênh mông hoang hoải vừa lạnh lẽo, không tình thương và thường xuyên tổn thương, mất mát nhưng Nương đã không để mình bị mất cái nhìn bao dung, ấm áp với con người, với tương lai. Khi Điền – em trai cô – bỏ chiếc ghe ra đi theo chị Sương, Nương rơi vào trạng thái “Tôi nhớ Điền, bao gồm nhớ một đồng-loại (và tôi là đồng-loại còn lại), nhớ một cách trò chuyện (đọc thấu lòng nhau), nhớ một người nghe được tiếng tim mình (điều này thì con vịt mù làm được, nhưng nó đã chết rồi), và nhớ một người che chở (công việc này, đáng lẽ là của cha, má tôi)”, đồng thời luôn khao khát và kiếm tìm một sự quan tâm dù là nhỏ nhất từ cha mình để nhen nhóm chút niềm tin vào cuộc sống. Và khi bị bọn côn đồ hãm hiếp trước mắt cha, thay vì giãi bày sự tột cùng khổ đau hay thù hận, điều mà cô nghĩ, cô tin, đó là “Trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”. Sự vụn vỡ của thân xác thiếu nữ trong cơn đau chỉ khiến cho cô bình thản hơn, nhân hậu hơn để xác lập một cái nhìn ấm nóng, bao dung hơn trước cuộc đời. Với suy nghĩ đó, Nương đã thoát khỏi nỗi ám ảnh là cái bóng của mẹ mình trong mắt cha, thoát khỏi thân phận đứa con gái lệ thuộc vào hoàn cảnh trên cánh đồng hay cũng chính là cuộc đời mênh mông bất tận để bắt đầu một hành trình mới: tự xác lập niềm tin, lẽ sống, tự viết nên chương tiếp theo của cuộc đời mình – một tương lai dẫu khó khăn nhưng có định hướng bởi được soi sáng bởi tình thương và sự tự ý thức, tự trưởng thành. Cô gái bé bỏng tội nghiệp, đi qua những mất mát và biến cố đau thương đã trở thành người phụ nữ từng trải, trên cơ thể và ký ức có thể chằng chịt vết thương, sự rạn vỡ nhưng tâm hồn thiện lành và tình yêu thương thì vẹn nguyên, sâu thẳm.
Ở Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, cô gái liên tục bị nhìn, bị soi xét, bị chất vấn từ người khác – những bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khác, các cô y tá và nhất là từ mẹ cô. Nhưng song song với đó là quá trình tự nhìn – nhìn sâu vào những trải nghiệm của bản thân từ quá khứ đến hiện tại, nhìn thấu quá trình lớn lên, quá trình hình thành khát khao hiểu biết, khát khao hoà nhập với thiên nhiên tươi đẹp, khát khao được sẻ chia, đồng cảm, khát khao yêu thương và hoà hợp cả về tâm hồn và thể xác… Và rồi đến cuối tác phẩm, thông qua những lời thống thiết gửi mẹ Âu Cơ, cô đã có cái nhìn ngược trở lại để phản biện thói quen nhận thức và ứng xử của cộng đồng với giới nữ: một dân tộc trải qua những thăng trầm lịch sử luôn suy tôn và ngợi ca những anh hùng, thi sĩ – những đấng nam nhi mà quên đi những nỗi đau, những bi kịch và những khát thèm của giới nữ – những con người bé nhỏ, tội nghiệp và thường không lên tiếng. Từ đó, cô đã lên tiếng đòi một sự đổi thay – một sự thứ tha, một cái nhìn cởi mở và nhân bản của cộng đồng đối với “những cô gái”. Chỉ mấy dòng gửi mẹ Âu Cơ ngắn ngủi cuối truyện, cô gái đã thiết lập một phản tự sự về nữ tính và mẫu tính, ở đó có sự kháng cự với tình trạng bị lãng quên, im lặng để cất lên tiếng nói đòi được quan tâm, được tôn trọng, được thấu hiểu.
Trong Lãng mạn nửa mùa, trái với tưởng tượng của nhân vật “gã”, khi bị người đàn ông giàu có, thành đạt ấy từ chối trách nhiệm, “phủi tay” thẳng thừng khi mình có thai, cô gái thanh tân, nhu mì, trong trẻo, từ chỗ yếu đuối đã bình thản và mạnh mẽ đứng dậy sau vấp ngã. Từ chỗ nhắn tin báo có thai và được gã trả lời “Tôi không liên quan, đã nóirồi… Tôi sẽ không sao, chỉ cô mới đáng lo. Đừng gọi, đừng nhắn cho tôi nữa. Tôi cảnh cáo đấy! Em xin anh…”, cô đã xác lập sự tự chủ của mình: “Gã gọi tên em kia, bụng nghĩ chẳng biết có đúng tên ấy không? Em kia nhìn gã như không quen làm gã chột dạ. Gã gọi lại lần nữa em mới ngẩng đầu nhìn thẳng mặt gã. Nhìn một lúc lâu, nhìn chằm chằm rồi em bỏ đi không nói một lời. Mấy lần sau, gã chào, em đều không quen”. Đó chính là sự đảo ngược tình thế trong mối quan hệ giữa “em” và “gã”, là sự trưởng thành của người nữ để vượt thoát khỏi sự lệ thuộc cả về cơ thể, chức năng sinh sản và vị thế vào người đàn ông. Quan hệ giữa “em” và “gã” chuyển từ quan hệ xin - cho, kẻ yếu thế, lệ thuộc - kẻ mạnh, phán quyết đã bị phá vỡ, thay vào đó là sự mạnh mẽ và tự chủ của một cô gái dám giữ lại cái thai không được thừa nhận, đối mặt với dư luận và những khó khăn trước mắt để bảo toàn chức năng sinh sản, kết quả sự tận hiến, cũng như mẫu tính của mình. Đó chính là “khả năng vượt hơn hiện tại, sống cuộc đời mình với mục đích vươn tới tương lai – sống không vì ân huệ của thế giới này, mà như một người kiến thiết và xây dựng nó”6 như một bí ẩn nữ tính, bí ẩn mẫu tính.
Như vậy, với hình tượng những cô gái đi qua một hành trình nhiều bi kịch, khổ đau để xác lập một sự tự chủ trong suy nghĩ và hành động, dám lựa chọn những phương án phi truyền thống để vượt thoát khỏi định kiến và khẳng định lẽ sống của bản thân, các tác phẩm đã đưa người đọc vào hành trình khám phá hình tượng người phụ nữ với tất cả sự đa dạng, phong phú, phức tạp, nhiều màu sắc cả về thể chất, tâm lý và tư tưởng, từ đó hình dung về nữ tính và mẫu tính cũng được trình hiện và lý giải một cách mới mẻ, thú vị, đa chiều hơn.
4. Mẫu tính và sự biểu hành giới trên phương diện nghệ thuật
Không chỉ đem đến những nhận thức và cảm nhận mới về nữ tính và mẫu tính qua câu chuyện được kể về người nữ, các tác phẩm cũng chính là cách để nhà văn biểu hành giới trên phương diện nghệ thuật khiến cho nữ tính, mẫu tính và tính thẩm mĩ được thể hiện nhuần nhuyễn qua tư tưởng và cấu trúc hình thức tác phẩm.
Sự biểu hành giới trên phương diện nghệ thuật xây dựng nhân vật được thể hiện rõ nét nhất ở sự quan tâm đến thế giới cảm xúc, cảm giác, tâm tư, tiềm thức của nhân vật. Ở Cánh đồng bất tận và Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, câu chuyện được kể từ ngôi thứ nhất để những suy nghĩ, cảm nhận của người nữ được diễn tả một cách trực tiếp, chân thành và sâu sắc. Nhân vật cô gái cũng là người kể chuyện trong tác phẩm của Y Ban đã mượn hình thức “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” để cất lên tiếng nói khẩn thiết đòi quyền được quan tâm, được yêu thương, thấu hiểu cho người nữ: “Mẹ ơi, từ bấy đến nay hai mẹ con ta cùng mang nỗi đau. Mẹ mang nỗi đau của người mẹ, nỗi đau có đứa con hư hỏng. Con đau nỗi đau của con, và cũng là nỗi đau của người mẹ…”. Cô đối thoại với mẹ Âu Cơ, với những xác tín ngàn đời làm nên nỗi đau cho những người con, người mẹ, và khẩn cầu một sự thấu hiểu: “Mẹ ơi, mẹ hãy quan tâm đến chúng con, đến nỗi đau của những cô gái, những bà mẹ. Mẹ kính yêu ơi! Xin mẹ hãy tha thứ cho con”. Cuộc đối thoại tưởng tượng với Mẹ trong bức thư chính là một cách để nhân vật đối diện với chính mình, nhìn nhận rõ hơn bản thân mình và giải tỏa những ẩn ức về tâm lý bị dồn nén, để hóa giải nỗi đau, nỗi cô đơn đang bủa vây tâm hồn.
Hướng vào biểu thị đời sống nội tâm nhân vật, trật tự niên biểu của cốt truyện phá vỡ, ở cả Cánh đồng bất tận và Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, hồi ức và tưởng tượng đều được sử dụng đắc lực để diễn tả dòng chảy tâm tư nhân vật. Và cả những giấc chiêm bao, những nỗi ám ảnh tiềm thức cũng là cách để nhà văn thể hiện tối đa năng lực phân tích tâm lý nhân vật của mình, từ đó người đọc có thể tiếp cận và am hiểu nhân vật trong chiều sâu của tính cách, trong cả những phần sâu kín tưởng như khuất lấp, khó giải mã nhất của tâm hồn.
Không chỉ tập trung diễn tả tâm lý nhân vật nữ chính, các nhà văn còn sử dụng thủ pháp “soi gương” khi để người nữ trải qua một hành trình đi từ sự hiện diện qua ánh mắt, cái nhìn của người khác đến chỗ tự xác lập cái nhìn của chính mình về mình và về cuộc sống. Toàn bộ thiên truyện Lãng mạn nửa mùa được kể một cách dửng dưng qua lời kể từ ngôi thứ ba, và không cần “em” trực tiếp giãi bày, người đọc đã cảm nhận được và thấu hiểu hành trình trưởng thành của “em” qua thái độ của “gã” như một tấm gương phản chiếu sắc nét. Hành trình của Nương trong Cánh đồng bất tận để vượt thoát khỏi việc mình là cái bóng của người mẹ tội lỗi trong mắt cha mình, cũng chính là hành trình để cô hình thành lẽ sống bao dung, thứ tha và nhân hậu. Và đặc biệt, những ánh nhìn, những thái độ mỉa mai, khinh miệt, những câu hỏi đầy tính giễu cợt của cộng đồng những người đàn bà trong bệnh viện đối với cô gái trong Bức thư gửi mẹ Âu Cơ phải chăng là tấm gương rộng lớn phản chiếu góc nhìn, quan niệm đầy định kiến khắc nghiệt và tàn nhẫn, phản chiếu thói quen nhận thức và ứng xử của cộng đồng đối với cô - với những người ở tình huống như cô và rộng hơn, với tình yêu và đam mê của những chủ thể ham muốn mang nữ tính và mẫu tính nói chung.
Có thể nói, những nhận thức và khám phá mới mẻ trên tinh thần thấu hiểu, đồng cảm với nữ tính, mẫu tính đã được các nhà văn thể hiện bằng một tiếng nói sâu sắc, mạnh mẽ nhưng nhẹ nhàng, súc tích, đầy nữ tính. Và nhờ thế, không chỉ các nhân vật nữ mà cả các tác giả cũng đã xác lập một sự biểu hành giới về ngôn ngữ, xác lập một tiếng nói, một tự sự mới của riêng mình về mẫu tính, nữ tính.
Một trong những đặc trưng quan trọng xác lập nữ tính của người phụ nữ, đó là thiên chức làm mẹ, là sự ý thức và thực thi mẫu tính. Nhận thức và ứng xử với việc có thai của bản thân, đặc biệt là khi phải đối mặt với tình huống có thai ngoài ý muốn, không được thừa nhận, không gắn với hôn nhân, chính là cơ hội để người phụ nữ bộc lộ bản lĩnh và khát vọng của mình. Tự sự về mẫu tính trong các tác phẩm vừa là cách để phơi bày những góc khuất trong tâm tư của người phụ nữ, cũng đồng thời là tạo ra những phản tự sự về mẫu tính truyền thống. Giải mã những “bí ẩn nữ tính”, “bí ẩn mẫu tính” ấy, truyện ngắn đã nỗ lực để góp phần vào quá trình dân chủ hoá, đa dạng hoá tiếng nói của văn chương Việt Nam đương đại.
Tài liệu tham khảo:
1. Judith Butler (2021), Yêu sách của Antigone – Thân tộc giữa sự sống và cái chết, Nguyễn Thị Minh dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam.
2. Betty Friedan (2022), Bí ẩn nữ tính, Nguyễn Vân Hà dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam.
3. Bell Hooks (2022), Nữ quyền cho tất cả mọi người, Trần Ngọc Hiếu dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam.
4. Jane Pilcher & Imelda Welehan (2022), Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới, Nguyễn Thị Minh dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam.
5. John C. Schafer (2015), Đọc Phạm Duy và Lê Vân tư duy về nam và nữ giới, Cao Thị Như Quỳnh và Nguyễn Trương Quý dịch, NXB Hồng Đức.
Chú thích:
1 Bell Hooks (2022), Nữ quyền cho tất cả mọi người, Trần Ngọc Hiếu dịch, NXB Phu nữ Việt Nam, tr. 69.
2, 3, 5 Jane Pilcher & Imelda Welehan (2022), Khái niệm then chốt trong nghiên cứu giới, Nguyễn Thị Minh dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, tr. 110, 111-112, 140.
4 John C. Schafer (2015), Đọc Phạm Duy và Lê Vân tư duy về nam và nữ giới, Cao Thị Như Quỳnh và Nguyễn Trương Quý dịch, NXB Hồng Đức, tr. 121.
6 Betty Friedan (2022), Bí ẩn nữ tính, Nguyễn Vân Hà dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, tr. 397