TỪ LÀNG SEN ĐẾN QUẢNG TRƯỜNG BA ĐÌNH CUỘC ĐỜI CỦA MỘT VĨ NHÂN*

Trên cơ sở phân tích giá trị nội dung và nghệ thuật 3 tập đầu bộ tiểu thuyết ''Nước non vạn dặm'' của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, bài viết làm hiện lên cuộc đời, sự nghiệp với những phẩm chất vừa bình dị vừa cao đẹp của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ thời niên thiếu ở Làng Sen đến khi đọc ''Tuyên ngôn độc lập'' ở Quảng trường Ba Đình.

 

   Bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm của tác giả Nguyễn Thế Kỷ là câu chuyện về cuộc đời lãnh tụ Hồ Chí Minh từ khi sinh ra đến lúc về với các cụ Karl Marx, Lenin. Tập 1 với tên Nợ nước non là bức tranh cuộc đời lãnh tụ Hồ Chí Minh từ lúc lọt lòng mẹ đến khi Người rời bến cảng Nhà Rồng ra nước ngoài tìm con đường cứu dân cứu nước, ngày 5 tháng 6 năm 1911. Tập 2 với nhan đề Lênh đênh bốn biển là quãng đời 30 năm Người bôn ba hải ngoại (1911-1941) để tìm đường cứu nước và từng bước hiện thực hoá con đường Người đã tìm thấy trong điều kiện Việt Nam. Tập 3 mang tên Từ Việt Bắc về Hà Nội là quãng thời gian 5 năm, từ 1941 đến 1945, với hằng hà sa số các sự kiện chính trị quốc tế và trong nước tác động qua lại; những chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản mà Hồ Chí Minh là linh hồn của tổ chức đó chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa mùa thu năm 1945. Những chủ trương Người và Đảng của Người đưa ra và hiện thực hoá nó trong cuộc sống tạo động lực cho cả một dân tộc rùng rùng chuyển động, tích luỹ nguồn lực mọi mặt cho một cuộc chuyển mình vĩ đại, rũ bỏ thân phận nô lệ đau thương, trở thành những người tự do trong một dân tộc độc lập, có chủ quyền. Theo dự kiến của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, 2 tập cuối của bộ sách sẽ trải nốt quãng thời gian từ sau ngày 2 tháng 9 năm 1945 đến lúc Người ra đi ngày 2 tháng 9 năm 1969. Sau khi được hoàn thành, đây sẽ là một bộ sách quý về toàn bộ cuộc đời cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

   Viết về lịch sử, về Bác Hồ theo cách của các nhà chép sử, của văn học sử tuy khó nhưng cũng không quá khó vì đã có bao nhiêu sách vở, tài liệu, nhân chứng, bảo tàng cả trong và ngoài nước... Nhưng viết đúng bút pháp văn học, không sa vào “bẫy lịch sử” mà vẫn tôn trọng các sự kiện, nhân vật quan trọng, nhất là nhân vật chính Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, là vấn đề lớn đặt ra đối với người viết. Viết tiểu thuyết lịch sử, lại là tiểu thuyết lịch sử về một lãnh tụ, một vĩ nhân, quả là một sự lựa chọn đầy can đảm và là một thách thức quá lớn với tác giả. Thể loại này đòi hỏi tác giả đồng thời vừa là một người nghiên cứu lịch sử công phu, nghiêm túc, đồng thời vừa phải là một nhà văn tài ba. Văn học cho phép sự hư cấu. Tuy nhiên, với văn học sử, hư cấu đến ngưỡng nào để vừa giữ được sự chân thực của lịch sử vừa chạm đến trái tim khán giả là điều không hề dễ. Bay bổng quá mức, trôi theo mạch chảy của văn chương có thể khiến lịch sử bị biến dạng. Tuy nhiên, cứng nhắc bám theo các sự kiện lịch sử quen thuộc đã được sách vở ghi chép đến mòn ra suốt bao năm sẽ không ra hình dạng văn chương. Đo lường được ngưỡng kết hợp hợp lý giữa sử và văn, nhìn ra vùng giao thoa giữa văn và sử, sự khu biệt ngặt nghèo giữa 2 lĩnh vực này khi đặt bút trên bản thảo là một yêu cầu quá khó cho người cầm bút. Lý trí và tình cảm, sự thật không thể thêm bớt và sự hư cấu trong sáng tác đặt người viết như “kẻ đi trên dây”. Làm sao để giữ thăng bằng cho đến khi chạm tới đầu dây phía bên kia?

   Nhà văn, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ đã hoàn thành 3 tập đầu tiên của bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm theo cách của “người đi trên dây” như thế. Tôn trọng lịch sử ở mức tối đa, sử chảy trong cách diễn tả mềm mại, nhuần nhị của văn chương đem đến cho người đọc những món quà tinh thần đầy bất ngờ và hết sức kỳ thú.

   1. Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng năm ấy (Tập 1: Nợ nước non)

   Có chút ít hiểu biết về lịch sử Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, tôi rụt rè lật những trang đầu tiên của tập 1 với biết bao thắc thỏm, hồi hộp và cả nghi vấn. Biết bao câu hỏi đặt ra khi bắt đầu lật giở những trang đầu tiên. Tôi đọc theo kiểu dò xét. Và càng đọc, những câu hỏi càng biến mất tăm, tôi bị cuốn một cách tự nhiên vào nội dung câu chuyện với những chi tiết quá quen thuộc về tuổi thơ của Hồ Chí Minh từ lúc còn là một cậu bé rời làng Chùa theo cha vào Huế đến lúc bước lên tàu xuất dương tìm đường cứu nước, cứu dân năm 1911. Quen mà lạ. Quen mà vẫn mới mẻ, cuốn hút và đầy bất ngờ.

   Trôi theo từng trang sách, những kỷ niệm về bà nội tôi trở về tràn đầy trong tâm trí. Bà tôi, một người đàn bà xứ Nghệ, tháo vát, nhanh nhẹn, hoạt bát. Năm tôi 17 tuổi, bà về với ông bà tổ tiên ở tuổi 95. Là người đàn bà tinh anh, sắc sảo, bà tôi cũng là một cuốn từ điển sống về dân ca, hò, vè xứ Nghệ. Tôi như gặp lại bà tôi trong thân mẫu Bác Hồ - bà Hoàng Thị Loan - người đàn bà chứa đựng và kết tinh những di sản phi vật thể quý báu của một vùng đất sản sinh ra những bậc hiền nhân. Tôi nhớ bà tôi. Cám ơn tác giả đã chạm được vào miền ký ức thẳm sâu tưởng đã ngủ quên trong tâm thức tôi tự bao năm. Tôi nhớ bóng lưng còng của bà, giọng bà thánh thót những câu hò, vè dân gian, ca dao, tục ngữ và cách nói mộc mạc đầy minh triết của người xứ Nghệ.

   Cả một kho tàng văn hoá vật thể, phi vật thể của xứ Nghệ đã được tác giả đưa vào trang sách một cách tài tình. Nhiều giá trị đã dần mai một trong thời hiện đại đã được khơi gợi, nhắc nhớ theo cách rất tự nhiên và bình dị. Đây là một công lao lớn về bảo tồn di sản văn hoá truyền thống xứ Nghệ mà tác giả đã làm được qua tập 1 với 222 trang của bộ tiểu thuyết lịch sử này.

   Lịch sử được tôn trọng ở mức tối đa có thể. Chất văn học nồng nàn qua từng câu, từng chữ. Địa lý, văn hoá, lịch sử, cổ, kim, Đông, Tây hoà trộn một cách nhuần nhuỵ. Rất nhiều kiến thức lịch sử Việt Nam và thế giới sẽ đi vào tâm thức bạn một cách đầy lý thú, tự nhiên, không gò ép, không miễn cưỡng. Có những sự kiện lịch sử phổ thông mà bạn học hàng chục, hàng trăm lần nhưng nó vẫn không chịu lưu lại trong tâm trí. Tuy nhiên, tiếp cận theo cách đọc một cuốn tiểu thuyết lịch sử như Nợ nước non, những kiến thức đó sẽ tự nguyện ở lại trong vỏ não. Một cách học lịch sử thật hiệu quả nếu có thêm nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử như cuốn sách này.

   Một Nguyễn Sinh Cung, một Nguyễn Tất Thành, “mầm mống” của vĩ nhân Hồ Chí Minh sau này vừa rất mộc mạc, bình dị, dân dã, đời thường vừa thông tuệ, minh triết được tái hiện vừa quen thuộc vừa lạ lẫm, bất ngờ qua cuốn sách của Nguyễn Thế Kỷ. Một lãnh tụ đã từng có một tuổi thơ, một thời thanh niên rất đời, rất người với những khát vọng lớn lao, đầy nhân văn đã hiện lên chân thực, xúc động qua cuốn tiểu thuyết.

   Đã từng có một thời Hồ Chí Minh được Thánh hoá. Người hiện lên như một vị Thánh qua sách vở, báo chí, truyền thông. Và mức độ Thánh hoá càng cao bao nhiêu, Người càng trở nên xa lạ với cộng đồng, với nhân dân và đồng bào, đồng chí bấy nhiêu. Những cuốn sách như Nợ nước non của Nguyễn Thế Kỷ góp phần “giải Thánh” cho Người và góp phần đem Người trở lại gần gụi hơn trong trái tim những người dân Việt. Trước khi là một lãnh tụ, một vĩ nhân, Hồ Chí Minh là một con người bình dị, một người giống như bao người. Khắc hoạ được cốt cách vĩ nhân trong hình hài một con người bình dị, đó là trí tuệ, tài năng và tâm huyết của tác giả qua cuốn tiểu thuyết lịch sử này.

   2. Từ bến Nhà Rồng đến Pác Bó - Cao Bằng (Tập 2: Lênh đênh bốn biển)

   “- Cậu có thể làm được những việc gì?
   Tôi có thể làm bất cứ việc gì.
   Thành đáp lời một cách chắc chắn.
   Ông ta dường như bị thuyết phục, hoặc có lẽ trên tàu đúng là đang thiếu một chân phụ việc nên đồng ý ngay. […]

   - Này cậu thanh niên, ta không nghĩ là ông ấy lại đồng ý nhận cậu ngay đâu đấy. Có lẽ do cậu biết nói tiếng Pháp. Người Việt ta học tiếng Pháp cũng nhiều, nhưng chẳng ai biết tiếng Pháp lại xin đi làm phụ bếp cả. Vậy là Tất Thành chính thức trở thành một phụ bếp trên tàu Amiral Latouche Tréville, nhằm về phía trùng khơi, đích đến là nước Pháp, rẽ sóng. Tên gọi mới của anh là Nguyễn Văn Ba”1.

   Tập 2 đã mở đầu như thế. Và cả tập là những đoạn hội thoại thú vị để người đọc có thể nhìn rõ hơn phẩm chất vĩ đại qua những điều bình dị, thân thương của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc. Anh đã chủ đích tìm đến quê hương của những kẻ xâm lược và nô dịch đất nước mình để hiểu hơn về kẻ thù của dân tộc, tìm con đường cứu nước, cứu dân.

   Tập 2 - Lênh đênh bốn biển chia thành các chương không quá dài, mỗi chương gắn với một vài địa danh, một số nhân vật mà Hồ Chí Minh đã tới, đã gặp, đã sống và làm việc (tại Pháp, Anh, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan, trở về Cao Bằng - Việt Nam…) hoặc mỗi chương gắn với một sự kiện chính trị mang tính bước ngoặt trong cuộc đời Hồ Chí Minh (Hội nghị Versailles tháng 6/1919), đọc Sơ thảo Luận cương của Lenin tháng 7/1920, tham dự Đại hội Tours tháng 12/1920...). Tác giả dựng lên không khí của các sự kiện lịch sử, không khí đời sống xã hội tại những nơi Người đã sống và làm việc; tác giả đã biến những thông tin lịch sử khô khan thành những câu chuyện sống động gắn với cuộc đời một con người mà ngay sinh thời đã trở thành huyền thoại - Hồ Chí Minh. Cuộc đời một con người với những sinh hoạt bình dị, lao khổ; một con người với các giao tiếp xã hội, các hoạt động, các mối quan hệ, các công việc mưu sinh và thấm sâu trong đó là một khát vọng, một ý chí, một quyết tâm tìm ra cho dân tộc một lối thoát, giành độc lập, tự do đã được khắc họa không thể sinh động hơn qua Lênh đênh bốn biển.

   Những trải nghiệm và kiến thức phong phú về cảnh quan thiên nhiên, địa lý, lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, lối sống, cách tư duy của người dân ở các quốc gia, các khu vực địa lý mà Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc đã tới, đã sống và làm việc, cùng sự hiểu biết sâu sắc các sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng gắn với cuộc đời Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc, tác giả đã biến những sự kiện, câu chuyện lịch sử thành những hình tượng, những nhân vật rất sinh động, lôi cuốn, lấp lánh văn chương và giàu tính nhân văn, làm xúc động trái tim bao độc giả.

   Nguyễn Ái Quốc hiện lên trong chân dung một con người bằng xương bằng thịt với những rung động lứa đôi, những xúc cảm rất con người, rất bình dị về những khát khao tuổi trẻ. Nhưng rồi chàng trai Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc đã ghìm tất cả những khao khát ấy xuống, ưu tiên hàng đầu cho việc kiếm tìm con đường cứu nước, cứu dân: “Annette là một cô gái tuyệt vời, có lẽ phải nói là đặc biệt nữa. Tôi cảm nhận được điều ấy. Nhưng, thứ lỗi cho tôi, Phillipe và những người thân yêu của tôi ơi. Tôi… tôi… chỉ có thể coi Annette như một cô em gái vô cùng quý mến, như ruột thịt mà thôi.

   […] Nhưng, Phillipe à, hình như cuộc đời tôi đã không còn thuộc về tôi nữa.

   Mắt Văn Ba ngấn lệ, vẻ mặt chân thành đến se lòng.

   - Tôi đã quyết định trao toàn bộ cuộc đời này, sinh mệnh này cho đất nước yêu quý và đau thương của tôi, vợ chồng anh có hiểu không? Annette có hiểu và thứ lỗi cho tôi không” (tr. 83, 84).

   Trên hành trình lênh đênh tưởng như vô định những ngày tháng đầu, chưa biết sẽ đi đâu, ở đâu nhưng trong thâm tâm chàng thanh niên ấy đã nhìn thấy nơi phải trở về: “Có thể tôi sẽ không ở đây lâu, có thể tôi sẽ đi đâu đó nay mai. Chưa biết được. Phương Đông là nơi chốn để trở về” (tr. 84).

   Những cuộc gặp gỡ, trò chuyện với các bậc tiền bối như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và các bạn Pháp tiến bộ, các đảng viên Đảng Xã hội Pháp, Đảng Cộng sản Pháp từng bước giúp Nguyễn Tất Thành nhìn rõ hơn những việc trước mắt mình cần làm: “Vậy nên, Thành ạ, việc của chúng ta trước hết là bảo vệ quyền lợi của người An Nam ngay trên đất Pháp, và bằng những cách nào đó, từng bước giành lại quyền tự chủ cho nước, cho dân ta” (tr. 63).

   Với sự sáng tạo đặc biệt, tập 2 cuốn tiểu thuyết đã cho người đọc hình dung một cách sống động, chi tiết, hấp dẫn, chân thực về hành trình 30 năm của Hồ Chí Minh qua biết bao quốc gia, trải biết bao công việc, gặp gỡ biết bao con người từ bình dị đến vĩ đại, những hoạt động chính trị sôi nổi của Người và sức ảnh hưởng, lan tỏa từ những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong cộng đồng người Việt ở Pháp cũng như cộng đồng người bản xứ. Những bước ngoặt lớn trong nhận thức của Người đến từ các dấu mốc quan trọng gắn với các sự kiện lớn của lịch sử thế giới. Trọn vẹn trong tập 2 là hành trình của Người từ khi rời Việt Nam đến Pháp, đi vòng quanh châu Phi, châu Mĩ, trở về Pháp với các hoạt động chính trị sôi nổi. Người gửi Bản yêu sách của nhân dân An Nam đến Hội nghị Versaille, đọc Sơ thảo Luận cương của Lenin về các vấn đề dân tộc và các vấn đề thuộc địa; tham dự Đại hội Tours; đến Liên Xô với những hoạt động chính trị quan trọng; trở về Quảng Châu, Trung Quốc; sang Thái Lan; rồi bị bắt ở Hồng Kông; đi Thượng Hải; trở lại Liên Xô; và mùa xuân 1941, Người trở về đất mẹ Việt Nam. Mỗi bước chân trên hành trình của Người đã được khắc họa sinh động qua sáng tạo văn học. Bằng cách bám sát những sự kiện lịch sử gốc và bằng sáng tạo văn học, tác giả giúp người đọc hình dung chuỗi câu chuyện về cuộc đời của Người vừa mộc mạc, bình dị vừa vĩ đại, cao quý. Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc qua Lênh đênh bốn biển đi vào trái tim người Việt Nam và bạn bè thế giới một cách tự nhiên, lôi cuốn, xúc động bởi trước khi là một vĩ nhân, Người là một con người bình dị, khiêm nhường như triệu triệu người Việt Nam bình dị khác.

   Những sáng tạo văn học thú vị làm mềm hóa các sự kiện lịch sử khô khan, làm lịch sử trở nên sống động mà không làm mất đi tính chân thực của các nhân vật và sự kiện lịch sử cốt yếu. Đây là một đoạn mô tả sự kiện Nguyễn Ái Quốc đọc Luận cương của Lenin và tìm thấy con đường cứu nước:

   “- Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta.

   Anh run rẩy cất lời một mình trong căn phòng nhỏ chật chội nhiều sách vở.

   Bên ngoài ô cửa sổ nhỏ là vòm cây sáng óng ánh bởi nắng đã ngả sang chiều. Mùa hè nước Pháp chưa bao giờ đẹp và đáng yêu đến thế” (tr. 123).

   Toàn bộ những nội dung cốt yếu thuộc về nhân tố chủ quan làm nên tư tưởng Hồ Chí Minh sau này sẽ được người đọc tiếp nhận theo cách thi vị, lôi cuốn trong tập 2 bộ tiểu thuyết. Lý tưởng, hoài bão lớn, ý chí, nghị lực, khả năng tự học, tự kiếm sống của Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc; tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, giàu tính phê phán, đổi mới và cách mạng, tầm nhìn chiến lược… tất cả những phẩm chất cá nhân đó của Người được khắc họa sinh động trong tập 2 cuốn tiểu thuyết.

   Bên cạnh đó, vốn sống và trải nghiệm phong phú của Nguyễn Ái Quốc, hiểu biết sâu sắc chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân và chế độ thực dân không chỉ trên lý thuyết mà qua hoạt động thực tiễn tại các nước đế quốc; sự thấu hiểu về phong trào giải phóng dân tộc ở nhiều châu lục… tất cả vốn hiểu biết và trải nghiệm đó cũng được tác giả Nguyễn Thế Kỷ khắc họa tài tình qua các trang viết để tạo nên hình tượng văn học Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh rất chân thực, rất sinh động và cuốn hút.

   Đọc tập 2 bộ tiểu thuyết để thấy hành trình gian lao, vất vả, trải qua bao cực nhọc nhưng cũng thấm đẫm niềm vui, hạnh phúc và những dư vị ngọt ngào của tình người, tình đời trong 30 năm “Lênh đênh bốn biển” của Nguyễn Ái Quốc. Từ đó chúng ta trân trọng hơn những đóng góp của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cho đất nước và dân tộc Việt Nam, thấu hiểu hơn hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là sản phẩm được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, những năm tháng ngục tù; là sản phẩm được kết tinh từ trí tuệ mẫn tiệp của Người qua quá trình tự học, tự nhận thức, tự vận động mang tính cách mạng và nỗ lực không ngừng vượt qua nghịch cảnh.

   Từ rất sớm, Người đã “chơi” với những người bạn Pháp tiến bộ, giàu lòng nhân ái, dựa vào sự giúp đỡ của họ để tìm cách chống lại thực dân Pháp xâm lược ở đất nước mình và ở nhiều nước khác. Hình tượng Phillipe và Annette là một sáng tạo văn học vô cùng độc đáo trong cuốn sách này. Tác giả dựng lên hình ảnh một người lính Pháp đi lính tại Đông Dương, khi hết hạn, được hồi hương trở về cùng trên con tàu đô đốc với Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc. Là người lính của chính quốc tại An Nam, Phillipe thấu hiểu chủ nghĩa đế quốc, thấu hiểu hơn xứ thuộc địa. Và từ sự thấu hiểu này, Phillipe đã trở thành bạn của Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc, đã chia sẻ, giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc trong thời gian Người sống và hoạt động tại Pháp. Hình ảnh của anh chàng Phillipe thấp thoáng trong nhiều chương sách. Phillipe không chỉ hiện diện trong những ngày Nguyễn Ái Quốc ở Pháp mà còn hiện diện ở nhiều nơi trên hành trình của Người. Không chỉ Phillipe mà vợ anh, em gái anh – Annette và những người yêu thương khác cũng trở thành những điểm tựa về nhiều mặt để Nguyễn Ái Quốc có thể vững tâm trên hành trình đi tìm con đường cứu dân, cứu nước. Sáng tạo văn học của tác giả khi để cho Nguyễn Ái Quốc mặc bộ quần áo cưới của Phillipe tham dự Đại hội Tours thật là thú vị. Sáng tạo ấy tăng thêm ý nghĩa và sức cuốn hút của những câu chuyện được mô tả. Chính mối quan hệ tuyệt vời giữa người dân thuộc địa và người dân chính quốc đã góp phần tiêu diệt chủ nghĩa thực dân, đem lại độc lập, tự do cho các nước thuộc địa. Thực dân Pháp là kẻ thù của nhân dân Việt Nam nhưng nhân dân Pháp là bạn của nhân dân Việt Nam. Nhận thức mới mẻ ấy của Nguyễn Ái Quốc được củng cố sinh động qua những mối quan hệ của Người với những người bạn Pháp trên hành trình 30 năm đằng đẵng. Câu chuyện cảm động về quan hệ của Nguyễn Ái Quốc với một người làm trong Sở Cảnh sát Paris, người đã bí mật báo tin cho Nguyễn Ái Quốc về việc anh bị cảnh sát theo dõi và đã giúp đỡ anh để đảm bảo sự an toàn cho anh là một trong nhiều câu chuyện cảm động được miêu tả trong tập 2 bộ tiểu thuyết:

   “Trưa mùng 2 Tết năm 1941, cả đoàn về đến cột mốc biên giới giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. […]

   Con đường cách mạng phía trước còn rất dài và rất nhiều chông gai, ghềnh thác, nhưng nhất định ông sẽ cùng với đồng chí, đồng bào mình đi tới đích - Nguyễn Ái Quốc tự nhủ khi đặt tay lên cây cột mốc bằng đá trong ngày mùa xuân lạnh giá.

   Trời lạnh nhưng trong lòng ông như có một ngọn lửa vừa được thắp lên” (tr. 216-217).

   3. Từ Pác Bó - Cao Bằng đến quảng trường Ba Đình lịch sử (Tập 3: Từ Việt Bắc về Hà Nội)

   Với thời gian trải dài 5 năm về Hồ Chí Minh, cuốn sách được bố cục thành 5 chương mạch lạc gắn với các mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đời Hồ Chí Minh giai đoạn 1941-1945.

   Chương 1 với nội dung trải từ 28 tháng 1 năm 1941 đến Hội nghị Trung ương 8, tháng 5 năm 1941. Sau 30 năm bôn ba hải ngoại, khi ra đi là một thanh niên, khi về tóc đã điểm bạc, Người trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Cách “ông Ké” tổ chức cuộc sống của mình và đồng chí trong rừng sâu núi thẳm; cách ông sống trong lòng dân, xây dựng tổ chức, tập hợp lực lượng, viết tài liệu Cách đánh du kích; cách ông chỉ đạo thành lập các tổ chức cứu quốc thuộc Mặt trận Việt Minh; Hồ Chí Minh trong quan hệ với đồng bào, đồng chí và quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 8, tháng 5 năm 1941; Người đặt tên suối Lê Nin, núi Các Mác để luôn có đồng minh ở bên dù Người hoạt động trong rừng sâu, núi thẳm… tất cả đã được diễn tả một cách sinh động, hấp dẫn trong chương 1 cuốn sách.

   Chương 2 là cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh từ Hội nghị Trung ương 8, tháng 5 năm 1941, đến trước khi Hồ Chí Minh sang Tĩnh Tây, Trung Quốc. Ý tưởng xây dựng các khu căn cứ an toàn, ra Báo Độc lập, mở lớp Bình dân học vụ, tổ chức đội vũ trang tập trung, mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự, chuyển từ Khuổi Nặm về căn cứ Lam Sơn rồi trở lại Pác Bó, kế hoạch mở rộng quan hệ quốc tế, thành lập các đội vũ trang…, toàn các vấn đề chính trị tưởng chừng khô khan được viết theo hình thức văn học vô cùng cuốn hút.

   Chương 3 là câu chuyện về cuộc đời của Người từ khi Nguyễn Ái Quốc sang Tĩnh Tây, Trung Quốc đến ngày 9 tháng 8 năm 1944, khi Người trở lại Việt Nam. Đây là chương cảm động về mối quan hệ của nhân dân Trung Quốc với Hồ Chí Minh. Người được nhân dân Trung Quốc yêu thương, che chở, giúp đỡ, bảo vệ. Đây cũng là giai đoạn Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải đi khắp các nhà lao trong 1 năm 14 ngày. Nhật ký trong tù đã ra đời như thế nào? Cuộc sống của Hồ Chí Minh ở Trung Quốc sau khi được trả tự do và kế hoạch “về Việt Nam công tác” của Hồ Chí Minh - lúc ấy với tư cách là một người tham gia Việt Cách, tổ chức chính trị thân Tưởng - đã được kể đầy lôi cuốn và vô cùng kỳ thú.

   Chương 4 là bức tranh đầy màu sắc của cuộc đời Hồ Chí Minh từ khi Người trở lại Việt Nam tháng 8 năm 1944 đến khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945. Vấn đề trả phi công Mĩ bị Nhật bắn rơi tại Việt Nam và các nỗ lực của Hồ Chí Minh gây dựng quan hệ với Mĩ; thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và những chiến thắng đầu tiên Phai Khắt, Nà Ngần; sang Trung Quốc và trận ốm lịch sử; trở về nước lúc nạn đói đang hoành hành dữ dội; các mối quan hệ quốc tế phức tạp trong giai đoạn lịch sử này đã được tác giả “bóc tách” và “hòa trộn” giúp người đọc nhìn thấy sự thông thái trong tư duy và hành xử của Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế.

   Chương 5 là câu chuyện cuộc đời Người từ tháng 5 năm 1945 đến Lễ tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945: từ Khuổi Nậm về Tân Trào; từ Tân Trào về Hà Nội; thành lập Khu giải phóng Việt Bắc; nhận giúp đỡ của Mĩ qua sân bay dã chiến; viết Tuyên ngôn độc lập và chuẩn bị cho Lễ tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945. Người đọc không khỏi xúc động với tình cảm của các tầng lớp nhân dân dành cho Hồ Chí Minh, cho Đảng, cho cách mạng.

   198 trang sách của tập 3 đã lột tả được chân dung Hồ Chí Minh vĩ đại trong những gì bình dị nhất; Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân các dân tộc ít người Việt Nam cũng như Trung Quốc; Hồ Chí Minh trong quan hệ quốc tế, trong quan hệ với anh em, đồng chí; một lãnh tụ mà đạo đức, phẩm hạnh, chất văn hoá, nhân văn hoà quyện tiêu biểu cho những người Việt Nam đẹp nhất.

   Hi vọng sau khi hoàn thành, bộ tiểu thuyết 5 tập Nước non vạn dặm sẽ hoàn thiện và làm rõ thêm nhiều “góc khuất” về cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất nên thơ, trữ tình và đầy tính nhân văn của lãnh tụ Hồ Chí Minh thông qua bút pháp văn học độc đáo, phản ánh chân thực lịch sử nhưng không sa vào “bẫy lịch sử” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ. Nước non vạn dặm là một tác phẩm có nhiều giá trị và đóng góp, đậm chất nhân văn.

 

 

 

Chú thích:
* Đọc 3 tập đầu (Nợ nước non, Lênh đênh bốn biển, Từ Việt Bắc về Hà Nội) của bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.
1 Nguyễn Thế Kỷ (2023), Nước non vạn dặm (Tập 2: Lênh đênh bốn biển), NXB Văn học, tr. 9.
Từ đây, xin được ghi chú trực tiếp nguồn trang (tr. ) sau mỗi trích dẫn từ sách này.

   

 

Bình luận

    Chưa có bình luận