ĐIỂN CỐ TRONG MỘT SỐ TRUYỆN THƠ NÔM TÀY

Bài viết phân tích về việc sử dụng điển cố trong một số truyện thơ Nôm Tày. Qua đó thể hiện được ý nBài viết phân tích về việc sử dụng điển cố trong một số truyện thơ Nôm Tày. Qua đó thể hiện được ý nghĩa khái quát, sâu xa về những bài học, những quan niệm sống, những tấm gương đạo đức… mà người Tày muốn gửi đến các thế hệ sau.ghĩa khái quát, sâu xa về những bài học, những quan niệm sống, những tấm gương đạo đức… mà người Tày muốn gửi đến các thế hệ sau.

   Truyện thơ Nôm Tày là một thể loại văn học thành văn có giá trị tiêu biểu của văn học dân tộc Tày nói riêng và văn học dân tộc thiểu số nước ta nói chung. Các truyện Nôm Tày có đặc điểm “không xác định được tác giả, giống như tình hình ở hầu hết các truyện Nôm khuyết danh của người Kinh”1 và “thời điểm xuất hiện và phát triển truyện Nôm Tày, cũng rất trùng hợp với thời điểm xuất hiện và phát triển truyện Nôm Kinh”2. Về nguồn gốc, các nhà nghiên cứu cho rằng: “… từ thế kỷ thứ XVI, khi vua nhà Mạc lên Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang thì xuất hiện thơ Nôm Tày Nùng… các thầy đồ, quan chức đã noi theo kiểu cách của những truyện thơ Nôm khuyết danh của người Kinh mà sáng tác ra những tập truyện thơ Nôm Tày… trên cơ sở những truyện cổ tích truyền miệng đã được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân lựa chọn viết thành truyện…”3. Như vậy, tác giả của truyện thơ Nôm Tày tuy không xác định được rõ ràng, cụ thể nhưng có thể khẳng định họ đều là những người có học, có kiến thức về văn chương thi phú. Và cũng giống như truyện Nôm Kinh, điển cố được sử dụng như một biện pháp nghệ thuật khá phổ biến trong truyện thơ Nôm Tày. Muốn hiểu được hình tượng nghệ thuật và tư tưởng của truyện thơ Nôm Tày, người đọc phải có sự am hiểu nhất định về các điển cố.

   Trong văn học cổ Việt Nam, điển cố được sử dụng từ lâu đời và khá thông dụng. Dương Quảng Hàm định nghĩa: “Điển (nghĩa đen là việc cũ) là một chữ hoặc một câu có ám chỉ đến một việc cũ, một sự tích xưa khiến cho người đọc sách phải nhớ đến việc ấy, sự tích ấy mới hiểu được ý nghĩa và cái lý thú của câu văn”4. Trong công trình Từ điển điển cố văn học trong nhà trường, tác giả Nguyễn Ngọc San cho rằng “điển cố là rút gọn chuyện cũ lời xưa thành đôi ba chữ để đưa vào văn chương, làm cho câu văn hàm súc ngắn gọn, lời ít ý nhiều”5. Theo Đoàn Ánh Loan thì “điển cố là những từ ngữ về chuyện xưa, tích cũ, về tư tưởng, hình tượng trong sách xưa được tác giả dùng làm phương tiện để diễn đạt ý tưởng một cách ngắn gọn, hàm súc”6. Như vậy, muốn hiểu được ý nghĩa sâu sắc của từng câu chữ, để từ đó thấy được cái hay cái đẹp của các truyện thơ Nôm Tày thì việc tìm hiểu điển cố là việc làm cần thiết.

   Trong các truyện thơ Nôm Tày chúng ta thấy điển cố thường là từ hoặc nhóm từ, qua đó gợi cho ta nghĩ đến những nhân vật hay những câu chuyện trong sử sách Trung Hoa. Việc nhắc đến một tên người, một câu chuyện trong sách xưa nhằm gợi ra những bài học, những quan niệm nhân sinh, những hình tượng mang tính khái quát. Nhiều điển cố được dùng để xây dựng hình tượng nhân vật, đặc biệt là hình tượng người phụ nữ đẹp cả ngoại hình lẫn phẩm chất đạo đức. Tác giả dân gian đã dùng một số điển cố để chỉ những người phụ nữ xinh đẹp, tài giỏi, tiết hạnh, hết mực thương yêu và hi sinh cho người yêu hoặc cho chồng con. Các điển này có thể lấy từ các nhân vật trong tích xưa như Ngô Bươn/ Ngô Ban, Văn Đăm, Dương Nga… hoặc lấy từ tích truyện như kinh trâm/ kình trâm… Ngô Bươn/ Ngô Ban là tên nàng Ban Chiêu đời Hậu Hán – một cô gái không những xinh đẹp mà còn tài cao học rộng. Dương Nga có sách nói là tên người con gái đẹp đời nhà Hán, có sách nói là Dương Quý Phi cũng là người đẹp đời Đường. Văn Đăm chỉ một người con gái có nhan sắc trong sử sách Trung Quốc thời xưa. Kinh trâm/ kình trâm gợi đến câu chuyện nàng Mạnh Quang đời Đông Hán lấy cành gai làm trâm cài đầu. Các truyện thơ sử dụng những từ này phổ biến đến nỗi Ngô Bươn/ Ngô Ban, Văn Đăm, Dương Nga, kinh trâm/ kình trâm trở thành danh từ chung mỗi khi nhắc đến người phụ nữ đẹp, có phẩm hạnh tốt. Chúng ta có thể thấy qua những câu thơ sau: “Thị Lương ngọc Ngô Bươn đứt ruột”7 (Lý Lan – Thị Dung), “Lại sinh thêm em đẹp Ngô Bươn”, “Hai tay ôm Ngô Bươn nhẹ dỗ” (Quảng Tân – Ngọc Lương), “Ngày lành cho Ngô Bươn kén rể” (Lưu Trương), “Không biết số Ngô Bươn mường trời” (Tống Kim), “Anh dặn ngọc nàng Ngô Ban hỡi”, “Tìm Trinh Thị Ngô Ban mặt ngọc” (Lý Thế Khanh), “Nhân Lăng biệt Ngô Ban trong núi” (Nhân Lăng), “Lại nói đoạn Ngô Bươn Kim Nữ”, “Thiếu nữ ngọc Ngô Bươn trình bố”, “Về với ngọc Ngô Bươn tức khắc” (Chiêu Đức), “Tủm tỉm nàng Ngô Ban nhìn mặt”, “Lưu Đài chào Ngô Bươn liền bước”, “Trạng nguyên cùng Ngô Ban lo lắng”, “Sứ tiên bảo: Ngô Bươn nàng hỡi”, “Về bảo với em ngọc Ngô Ban” (Lưu Đài – Hán Xuân); “Bụt xuống dặn Văn Đăm xinh đẹp” (Lý Lan – Thị Dung), “Thấy em gái Văn Đăm Xuân Thị” (Tống Kim), “Cất lời hỏi số em Văn Đăm” (Ngọc Sinh), “Chắp tay nàng Văn Đăm thưa kể”, “Mâm bàn mời Văn Đăm Trinh Thị” (Lý Thế Khanh), “Nàng Thị Nhan Văn Đăm ngọc nữ” (Chiêu Đức), “Đau lòng nàng Văn Đăm liền khóc”, “Trạng nguyên cùng Văn Đăm hợp ý” (Lưu Đài – Hán Xuân), “Quan chê của Dương Nga thất lỗi”, “Thừa tướng ép Dương Nga em gái”, “Lý La chào em đẹp Dương Nga”, “Lão bà dặn Dương Nga mọi sự” (Lý Lan – Thị Dung), “Ngọc Đỗ nàng Dương Nga bỏ mạng”, “Quảng Tân bảo Dương Nga em hỡi” (Quảng Tân – Ngọc Lương), “Dương Nga nàng lòng yêu sẽ kết”, “Lưu Trương nói mọi ý Dương Nga” (Lưu Trương), “Nói với nàng Dương Nga Từ Thị” (Tống Kim), “Sao xứng đôi mặt đẹp Dương Nga”, “Đau xót nàng Dương Nga khóc chồng” (Tống Kim), “Vàng bạc đưa Dương Nga làm vốn”, “Phải duyên kiếp cho được Dương Nga”, “Nhà nước cậy nhờ đến Dương Nga” (Lý Thế Khanh), “Lại kể đoạn Dương Nga Kim Nữ” (Chiêu Đức), “Không nhận thì Dương Nga trách tới”, “Trạng Nguyên với Dương Nga Hán Thị” (Lưu Đài – Hán Xuân), “Thừa tướng bảo kình trâm thánh nữ” (Lý Lan – Thị Dung), “Cất lời bảo kinh trâm mặt đẹp” (Tống Kim), “May rồi nàng kinh trâm đưa chàng”, “Ngọc Sinh cất lời bảo kinh trâm” (Ngọc Sinh), “Quan rằng: Hỡi quý mến kinh trâm” (Lý Thế Khanh), “Được biết ngọc kinh trâm Kim Nữ”, “Xin đón ngọc kinh trâm về các” (Chiêu Đức), “Đau đớn lòng kinh trâm cô ả” (Lưu Đài – Hán Xuân)… Việc dùng các điển này khá phổ biến thể hiện sự coi trọng, ngợi ca, đề cao và khuynh hướng lý tưởng hóa nhân vật người phụ nữ của các truyện thơ Nôm Tày.

   Từ một câu chuyện, các tác giả dân gian cũng khéo léo vận dụng thành nhiều hình thức điển cố khác nhau, tạo ra sự đa dạng, phong phú cho các điển cố. Nguyệt lão, tơ hồng, dây tơ, xích thằng, xe chỉ… là những điển cố có xuất xứ từ câu chuyện trong sách cổ Tục U quái lục của Trung Hoa. Qua câu chuyện này chúng ta hiểu được nguyệt lão (gọi tắt từ nguyệt hạ lão nhân: ông già ngồi dưới trăng) chính là vị thần hôn nhân, buộc mối nhân duyên vợ chồng cho các chàng trai cô gái bằng những sợi chỉ đỏ. Như vậy, có rất nhiều điển cố xuất xứ từ một câu chuyện trong sách xưa. Và dù dưới hình thức nào thì chúng cũng gợi đến ý nghĩa trai gái nên duyên vợ chồng là do số trời xếp đặt, được vị tiên ngồi dưới trăng lấy sợi chỉ hồng buộc duyên số với nhau. Từ đó chúng ta sẽ hiểu ý nghĩa của những câu: “Duyên tơ hồng thắt mối lứa đôi”, “Duyên cá nước dây tơ đẹp lứa”, “Xích thằng duyên phòng loan ngày trước” (Lý Thế Khanh), “Có kế gì xích thằng xe chỉ”, “Nguyệt lão mong được gặp tơ hồng” (Chiêu Đức), “Nguyệt lão xe nhân duyên định mối” (Lý Lan – Thị Dung)… Từ tích truyện nàng tiên dệt vải Chức Nữ kết duyên với chàng chăn trâu Ngưu Lang, sau đó bị trời phạt, mỗi năm hai người chỉ được gặp nhau một lần vào đêm mùng bảy tháng bảy âm lịch, qua cầu Ô Thước (cầu do bầy quạ bắc qua sông Ngân Hà), các truyện thơ Nôm Tày đã tạo ra những điển cố như cầu Ngân, Chức Nữ, Ngưu Lang: “Ngày trước lập cầu Ngân cúng tế” (Lý Lan – Thị Dung), “Chức Nữ còn chờ gã Ngưu Lang” (Nhân Lăng), “Ta như duyên Ngưu Lang hội ngộ” (Lưu Đài – Hán Xuân)… Và khi biết tích xưa, người đọc sẽ thấm thía được nỗi lòng mong nhớ, đợi chờ được gặp nhau của những đôi lứa phải cách xa. Vũ Môn do vua Vũ nhà Hạ khi trị thủy trên sông Hoàng Hà đục mỏm đá thành hình cái cửa cho nước chảy qua. Theo sách Thủy kinh chú, ở Vũ Môn sóng to, hàng năm khi nước lớn, cá chép đua nhau tới đây để nhảy thi vượt sóng, con nào qua được sẽ hóa rồng. Người xưa thường dùng điển Vũ Môn để nói việc học trò đi thi, qua được Vũ Môn tức là thi đỗ. Các truyện thơ Nôm Tày cũng dùng điển này một cách rất linh hoạt: “Lý ngư hóa xác vượt Vũ Môn” (Lý Lan – Thị Dung), “Bằng học văn sá kể ngày đêm/ Lý ngư vượt Vũ Môn có bữa”, “Đúng Vũ Môn hợp bạn kim ngư”, “Lý ngư vượt thiên đình chốn ấy” (Chiêu Đức)…

   Cũng có trường hợp điển cố là từ hay nhóm từ rút ra từ những câu trong thơ văn cổ. Trong Kinh Thi có câu “Yểu điệu thục nữ/ Quân tử hảo cầu” (Người con gái dịu dàng, xinh đẹp, xứng đôi với người quân tử). Truyện Lý Thế Khanh dùng từ hảo cầu: “Chọn ngày nàng hảo cầu đại lợi” với ý nghĩa chỉ ngày tốt đẹp, đôi trai gái kết duyên sẽ được may mắn, trọn vẹn. Hai loại đàn cầm, đàn sắt kết hợp với nhau tạo ra âm điệu hài hòa, nhịp nhàng. Kinh Thi có câu “Cầm sắt hữu chi” (Đánh đàn cầm đàn sắt gần gũi nàng). Truyện thơ Nôm Tày cũng mượn hai từ này “Đàn cầm sắt xướng ca không ngớt” (Lý Thế Khanh), “Đàn cầm thêm đàn sắt nỉ non” (Nho Hương)… để chỉ tình vợ chồng hòa hợp, êm ấm. Từ kinh luân trong truyện Nho Hương: “Phò mã người tướng quân anh dũng/ Binh thư hiểu thuộc bụng kinh luân” là lấy chữ trong Kinh Dịch “Quân tử dĩ kinh luân” (người quân tử có tài ngang dọc trời đất) nhằm ca ngợi người anh hùng tài giỏi mọi mặt. Từ Bạch Đế trong câu thơ “Bạch Đế ngóng Thiên Tào về đấy” (Lưu Đài – Hán Xuân) lấy từ câu thơ của Lý Bạch thời Đường: “Triêu từ Bạch Đế thái vân gian/ Thiên lý Giang Lăng nhất nhật hoàn” (Buổi sáng từ biệt thành Bạch Đế trong làn mây rực rỡ/ Vượt qua ngàn dặm về tới Giang Lăng trong một ngày) để thể hiện ý nơi trần gian đang mong nàng Hán Xuân sớm trở về. Bài Nam hương tử - Tặng kĩ, Tân Khí Tật đời Tống có câu “Hải thệ sơn minh tổng thị xa” (Chỉ núi thề sông chốn xa xôi). Điển hải thệ sơn minh đã được đưa vào truyện thơ Nôm Tày với hình thức nhất tâm minh thệ/ lời thề sơn hải để nói về việc đôi trai gái cùng nhau chỉ non hẹn biển thề giữ trọn tình yêu chung thủy, kiên định một lòng trong những hoàn cảnh phải xa cách “Nàng giữ trọn nhất tâm minh thệ”, “Hỡi nàng nhớ lời thề sơn hải” (Chiêu Đức)…

   Tuy chỉ là một vài từ nhưng các điển cố gợi cho chúng ta nghĩ đến những câu chuyện thời xa xưa. Và khi hiểu được xuất xứ của điển cố đó, người đọc sẽ hiểu thấu đáo và sâu sắc hơn ý nghĩa của câu thơ trong truyện thơ Nôm Tày. Nói đến tình vợ chồng, nhiều câu trong truyện thơ Nôm Tày dùng điển tao khang: “Vợ chồng nghĩa tao khang thiết chí”, “Tao khang nghĩa chí thiết chẳng sai” (Tống Kim), “Gái giai định tao khang vượng tướng”, “Thị Trinh là quyền chính tao khang”, “Vợ chồng nghĩa tao khang phu phụ”, “Nghĩa trọng đạo tao khang phu phụ” (Lý Thế Khanh), “Trời phó kết tao khang phu phụ”, “Vợ chồng đạo tao khang chính sự” (Chiêu Đức), “Nơi nào đáng thì nên duyên chồng vợ/ Cho sum vầy phu phụ tao khang” (Lưu Đài – Hán Xuân)… Tao khang là những đồ ăn hèn mọn của người nghèo (tao là bã rượu, khang là cám gạo). Những từ này gợi người đọc nhớ đến câu chuyện trong sách Hậu Hán thư: vua Hán Quang Vũ muốn gả người chị mới góa chồng cho Tống Hoằng (vốn đã có vợ) nhưng Tống Hoằng nói người vợ lấy từ thuở đói khổ phải ăn cám bã mà sống không thể rời bỏ nhau. Như vậy, chỉ cần qua hai từ tao khang người đọc cũng có thể hiểu ý nghĩa của những câu thơ nói về tình nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt từ lúc còn nghèo khổ, tình vợ chồng gắn bó keo sơn, trải qua bao khó khăn, vất vả, chung sống với nhau từ thuở hàn vi nên luôn yêu thương, trân trọng nhau, không dễ chia lìa. Nghiêu Thuấn là hai vị vua hiền nổi tiếng trong truyền thuyết Trung Hoa. Dưới thời hai vị vua này trị vì dân chúng được an cư lạc nghiệp, cuộc sống sung túc, bình an, vui sướng, không có giặc cướp, trộm cắp… Nhắc điển Thuấn Nghiêu “Động vào dạ nhân tâm hớn hở/ Coi khác nào đời cổ Thuấn Nghiêu” (Chiêu Đức) để nói đến một thời kỳ vua sáng tôi hiền, người dân ai cũng được ấm no thịnh vượng. Vua Thuấn trước khi lên ngôi vua cũng đã phải chịu nhiều vất vả, bị dì ghẻ độc ác nhiều lần tìm cách hãm hại nên phải tự mình vào núi Lịch San cày cấy. Trong truyện thơ Nôm Tày nhắc điển Nghiêu Thuấn còn để gợi nhắc đến quãng đời vất vả, khó khăn của vua, nhưng cuối cùng với tài năng, đức hạnh của mình ngài vẫn được lên ngôi. Từ đó người đọc hiểu ý nghĩa của các câu thơ như những lời động viên, thể hiện sự tin tưởng đối với các nhân vật: “Đời trước vua Thuấn vương khốn khổ/ Còn được ngôi thượng đế làm vua” (Lý Lan – Thị Dung), “Khó nào bằng Thuấn Nghiêu đời cổ” (Lưu Đài – Hán Xuân), “Ôi! Đức Thuấn, nhân Nghiêu vinh nhục/ Gặp đạo chích, lâm lộc đòi khi” (Lý Thế Khanh), “Đời thượng cổ vua Nghiêu truyền Thuấn/ Nơi Lịch Sơn vua ẩn rừng xanh” (Chiêu Đức)… Trong Đào hoa nguyên ký, Đào Tiềm kể chuyện người đánh cá (ngư phủ) ở Vũ Lăng đi thuyền ngược dòng suối, hai bên suối là rừng đào, đi mãi đến nơi có cảnh vật tuyệt đẹp, cuộc sống thanh bình, thuần phác, dân cư an lạc, không hề biết đến những chuyện thịnh suy bên ngoài. Từ đó, ta sẽ hiểu Đào nguyên, ngư phủ chỉ nơi có cảnh đẹp, có cuộc sống lý tưởng, hạnh phúc, chỉ cõi tiên, như trong những câu: “Gió thổi vườn cảnh quý Đào nguyên”, “Nàng ra vườn Đào nguyên mây móc” (Lý Lan – Thị Dung), “Liệu số lên đến chốn Đào nguyên” (Ngọc Sinh), “Bây giờ được giao hội kết duyên/ Còn ngờ mộng Đào nguyên – ngư phủ” (Lý Thế Khanh), “Ngư phủ vượt Đào nguyên ngàn dặm” (Lưu Đài – Hán Xuân)…

   Đoàn Ánh Loan khi nghiên cứu về điển cố đã khái quát: “Điển cố hàm chứa nội dung và ý nghĩa sâu sắc nhưng thể hiện trong một hình thức kiệm lời đến mức thấp nhất”8. Với việc sử dụng điển cố, các tác giả truyện thơ Nôm Tày đã giúp việc chuyển tải nội dung được cô đọng, hàm súc. Từ hình ảnh đôi chim uyên (con trống) và ương (con mái) luôn đi thành từng đôi, luôn sống theo cặp không lúc nào lìa xa nhau, người xưa đã dùng từ uyên ương để chỉ tình yêu lứa đôi, tình cảm vợ chồng gắn bó thắm thiết: “Vợ chồng nghĩa uyên ương trăm tuổi” (Tống Kim), “Sớm định hẹn uyên ương thả cỏ” (Chiêu Đức)… Câu thơ “Nàng ngọc nữ xót xa trong bụng/ Gió đêm khuya nổi sóng Tiêu Tương” (Chiêu Đức) dùng điển sông Tiêu Tương. Đây là con sông ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, là con đường thủy xuôi ngược Bắc Nam nên thường diễn ra những cảnh chia ly. Không cần miêu tả cụ thể, dài dòng, chỉ cần nhắc đến từ Tiêu Tương cũng đủ gợi cho người đọc cảm nhận được tâm trạng của đôi lứa trong cảnh ly biệt, xa cách nghìn trùng. Sách Hán thư ghi lại câu chuyện Tô Vũ đời Hán đi sứ Hung Nô, không chịu hàng phục, bị Hung Nô giữ lại suốt mười chín năm, sau đó nhờ buộc thư vào chim nhạn để báo tin cho vua Hán nên mới được trở về. Truyện thơ Nôm Tày dùng điển này để chỉ đường sá xa xôi cách trở, không thể đưa tin qua lại được “Ngày mưa nắng hểnh râm ai biết/ Én nhạn tin nam bắc khôn thông” (Lý Thế Khanh), “Nhớ chồng như Tô Vũ hiền thê” (Chiêu Đức)… Nếu biết được truyền thuyết về vị vua thời thượng cổ của Trung Hoa là Thái Hiệu quy định trong hôn nhân chỉ cần dùng hai tấm da thú để làm tặng vật thì chúng ta sẽ hiểu điển “Đưa cặp da ghi dấu lứa đôi” (Lý Thế Khanh) nói về việc trai gái chính thức kết hôn. Hàn Tín là tướng giỏi, theo giúp Hán Cao Tổ lập được nhiều công lớn góp phần dựng nên cơ đồ nhà Hán. Trong thư gửi cho nước Yên, Hàn Tín có câu “Mã ẩm tắc Mạnh hà thủy can” (Ngựa uống nước thì sông Mạnh cạn). Từ đó ta sẽ hiểu câu “Sự này việc chiến trận mưu cơ/ Như Hàn Tín đời xưa phá Hạng” (Lý Thế Khanh) muốn ca ngợi vị tướng giỏi mưu lược và hiểu câu “Ngựa uống nước hồ bể cạn dòng” (Lý Thế Khanh) muốn nói đến số lượng quân sĩ rất đông. Theo sách Tấn thư, Lệnh Hồ Sách nằm mộng thấy mình đứng trên băng nói với người dưới băng, đem hỏi người đoán mộng thì biết đó là điềm liên quan đến việc hôn nhân, sau làm việc mai mối. Từ đó ta sẽ hiểu băng nhân trong câu “Băng nhân vào bàn luận thư trai” (Chiêu Đức) nói về người làm mối trong chuyện cưới xin của đôi trai gái. Chu Mãi Thần là người đời Hán, lúc trẻ nghèo khổ phải đi kiếm củi để nuôi thân nhưng rất ham học, sau này được Hán Vũ Đế trọng dụng, cho làm thái thú đất Cối Kê. Các nhân vật trong truyện thơ Nôm Tày nhắc điển Chu Mãi Thần “Chu Mãi Thần đời cổ lưu gương” (Chiêu Đức), “Xưa có Chu Mãi Thần khổ lắm” (Lưu Đài – Hán Xuân) để động viên những chàng trai nghèo khổ cố gắng học hành sau này sẽ có tương lai tốt đẹp. Bao Tự là tên người con gái xinh đẹp, được U Vương nhà Chu sủng ái, sau vì nàng mà U Vương mất nước. Khi nhắc đến Bao Tự trong câu “Con không theo Bao Tự ngày xưa/ Để thiên hạ làm bia nhiều đoạn” (Chiêu Đức) ta hiểu ý nàng Kim Nữ không muốn bị cha mẹ coi như một món đồ để dễ dàng thay đổi lời hứa, một người con gái đẹp như nàng kiên quyết giữ phẩm hạnh chứ không dễ bị sai khiến và lợi dụng. Câu thơ “Gã Thạch Sùng giàu thịnh thuở xưa/ Lại thua cuộc hạng nô nghèo khó” (Chiêu Đức) khiến chúng ta nhớ đến nhân vật Thạch Sùng trong sách Tấn thư, một người cực kỳ giàu có nhưng sau thua cuộc anh nhà nghèo mà mất hết gia tài, tiêu tan cơ nghiệp. Biết Ngô Khởi là một tướng giỏi thời Chiến Quốc, có tài, đánh đâu được đấy chúng ta sẽ hiểu câu “Quầy phép quan Ngô Khởi Tề bang” (Chiêu Đức) muốn ca ngợi chàng trai tài năng, giỏi thao lược. Từ câu chuyện trong Long thành lục kể vua Đường Minh Hoàng được đưa lên mặt trăng, cửa cung trăng đề chữ “Quảng Hàn thanh hư chi phủ” chúng ta sẽ hiểu Quảng Đài hay Quảng Hàn trong các câu “Mẹ phải về cung mây Quảng Đài”, “Sương mù tỏa tràn lan rừng núi/ Cung Quảng Hàn ngày tối hư không” (Lưu Đài – Hán Xuân) chỉ cõi trời, cõi tiên. Biết về Khổng Tử và Nhan Uyên chúng ta sẽ hiểu được lời của Lưu Đài “Lưu Đài cất lời kể trình qua/ Tôi là người Khổng Nhan tìm thầy” (Lưu Đài – Hán Xuân) ý nói chàng là học trò, là người muốn tìm theo học đạo Nho. Theo Thần tiên truyện, Bành Tổ sống tới tám trăm tuổi nên khi nhắc tới nhân vật này là muốn nói đến việc sống lâu, sống thọ “Sống đâu bằng Bành Tổ đời xưa/ Cũng còn có ngày đi chẳng lại” (Lưu Đài – Hán Xuân). “Khảm khắc” trong những câu như “Hè về khảm khắc gọi nhà nông”, “Khảm khắc kêu núi rừng ngàn dặm” (Lưu Đài – Hán Xuân) bắt nguồn từ câu chuyện tương truyền khi hai vợ chồng chim khảm khắc đi kiếm ăn ban ngày bị lạc nhau nên đêm đến đi tìm nhau, cất lên tiếng kêu bi thiết. Hình ảnh chim khảm khắc gợi cho người đọc hình dung ra nỗi lòng đôi nam nữ nhớ thương, tìm kiếm, chờ đợi nhau… Ý nghĩa mà điển cố gợi lên mang tính khái quát cao và làm cho câu thơ giàu tính hình tượng hơn. Các điển cố giúp cho người đọc liên tưởng, gắn kết giữa hiện tại và những tích truyện xưa cũ, kích thích người đọc phát huy trí tưởng tượng của mình, tạo nên sự hứng thú trong cảm nhận.

   Điển cố được sử dụng trong truyện thơ Nôm Tày thường có nguồn gốc từ thư tịch cổ Trung Hoa. Các điển cố cũng rất đa dạng về hình thức, có thể là một từ chỉ tên người, tên địa danh (như: Ngô Bươn/ Ngô Ban, Văn Đăm, Dương Nga…); một ngữ (như: én nhạn tin, nhất tâm minh thệ, sóng Tiêu Tương…) hoặc một câu (như: “Ngựa uống nước hồ bể cạn dòng”, “Lý ngư hóa xác vượt Vũ Môn”…). Từ một tích truyện thời xưa, các tác giả cũng có thể vận dụng dưới những hình thức điển cố khác nhau (như: nguyệt lão, tơ hồng, dây tơ, xích thằng, xe chỉ…). Các điển cố mang tính khái quát cao. Chỉ cần qua một từ hoặc một nhóm từ, một câu nhưng gợi cho người đọc cả một câu chuyện, một cuộc đời, một tấm gương... Từ đó giúp cho người đọc có thể hiểu được sâu sắc hơn ý câu thơ, cảm nhận được một cách thấm thía những bài học, tư tưởng, quan niệm mà các tác giả truyện thơ Nôm Tày muốn gửi gắm.

   Nhìn chung, truyện thơ Nôm Tày sử dụng điển cố để phục vụ cho việc xây dựng hình tượng nhân vật và thể hiện tư tưởng, cảm xúc, quan niệm… của các tác giả. Điển cố cũng được coi là một rào cản, một khó khăn đối với việc đọc và hiểu những tác phẩm văn học cổ. Muốn hiểu được đầy đủ và sâu sắc câu thơ, câu văn cổ, người đọc cần có kiến thức về điển cố. Tuy nhiên, việc sử dụng số lượng điển cố không quá nhiều và lựa chọn những điển cố thông dụng đã góp phần đem lại cho các truyện thơ Nôm Tày hiệu quả biểu đạt cao mà vẫn dễ hiểu. Các điển cố được dùng thường bắt nguồn từ những nhân vật, những tích truyện quen thuộc với đại đa số người dân. Chính vì vậy, việc dùng điển cố không gây khó hiểu, không làm cho ngôn ngữ trong truyện thơ Nôm Tày trở nên xa lạ mà luôn gần gũi và được người dân Tày yêu mến, coi là tài sản tinh thần vô giá của cộng đồng.

 

 

 

Chú thích:
* Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
1 Lại Nguyên Ân (1999), Từ điển văn học Việt Nam: từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX, NXB Giáo dục, tr. 662-664.
2 Kiều Thu Hoạch (2007), Truyện Nôm – Lịch sử phát triển và thi pháp thể loại, NXB Giáo dục, tr. 271.
3 Hoàng Quyết, Ma Khánh Bằng, Hoàng Huy Phách, Cung Văn Lược, Vương Toàn (2018), Văn hóa truyền thống Tày, Nùng, NXB Văn hóa dân tộc, tr. 231.
4 Dương Quảng Hàm (2019), Việt Nam văn học sử yếu, NXB Văn học, tr. 225.
5 Nguyễn Ngọc San,Đinh Văn Thiện (1998), Từ điển điển cố văn học trong nhà trường, NXB Giáo dục, tr. 3.
6, 8 Đoàn Ánh Loan (2003), Điển cố và Nghệ thuật sử dụng điển cố, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 20, 39.
7 Những dẫn chứng trong bài viết này được chúng tôi trích dẫn từ bộ Tổng tập truyện thơ Nôm các dân tộc thiểu số Việt Nam (tập 3, 4, 5, 13, 16, 19), Viện Khoa học xã hội Việt Nam – Viện Nghiên cứu Hán Nôm (2008-2016), NXB Khoa học xã hội.

Bình luận

    Chưa có bình luận