Văn chương sau đổi mới đã được “cởi trói” một cách mạnh mẽ, đặc biệt là sự “giải phóng” quan niệm về cái “tôi” cá nhân trong tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết lịch sử. Nhân vật lịch sử đi vào trang viết dưới góc nhìn đa chiều, trở nên giàu sức suy tưởng, mang những kiến giải về thực tại và quá khứ. Hình tượng người anh hùng được khai thác ở những giá trị nhân bản, họ vừa là vĩ nhân vừa là con người bình thường, là “sản phẩm” sinh động của một bối cảnh xã hội cụ thể. Trong số những tiểu thuyết lịch sử được đánh giá cao phải kể đến Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn. Khi vừa ra mắt, tiểu thuyết này đã gây được tiếng vang lớn. Gió bụi đầy trời tập trung xây dựng nhân vật trung tâm là Hồ Chí Minh trong một giai đoạn lịch sử 1945-1946 đầy biến động. Sức hấp dẫn của tác phẩm có được nhờ sự khắc họa thành công hình tượng Hồ Chí Minh được đặt trong những thời khắc lịch sử gay cấn nhất. Với Gió bụi đầy trời, Thiên Sơn đã sáng tạo một hình tượng nghệ thuật trung tâm bằng những phương thức khá độc đáo. Người lãnh tụ được thể hiện thông qua những trạng huống khi trời Nam đầy “gió bụi”, vận nước đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Việc đặt nhân vật vào các bối cảnh trung tâm của thời cuộc đã làm cho hình tượng Hồ Chí Minh trở nên chân thực và sinh động hơn bao giờ hết.
Phương thức xây dựng hình tượng điển hình của Thiên Sơn được thực hiện thông qua một loạt các quy chiếu nhân vật trên các mặt như ngoại hình, trí tuệ, nhân cách, hoạt động... Nhà văn tập trung tiêu điểm vào các phẩm chất nổi bật về tài năng của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong việc chèo lái con thuyền cách mạng đang ở đoạn “ngàn cân treo sợi tóc”.
1. Bút pháp miêu tả ngoại hình
Trong bút pháp miêu tả ngoại hình, Thiên Sơn đã dụng công tái hiện nhân vật thông qua nhiều góc nhìn khác nhau bằng sự thay đổi ngôi kể một cách liên tục, khi thì của người dẫn truyện, khi thì của các nhân vật khác. Lãnh tụ Hồ Chí Minh xuất hiện qua góc nhìn của ngôi kể thứ ba với các tham tố được lựa chọn kỹ lưỡng. Về ăn mặc: “đội mũ rộng vành, quấn khăn quá cằm”1... Về vẻ khắc khổ: “Trông ông gầy còm. Cằm nhọn, hai má hóp lại, râu lưa thưa đã điểm bạc”2; “Ông mặc bộ quần áo kaki sáng màu, kín cổ, mái tóc chải hất ra sau, lộ ra vầng trán rộng, gương mặt gầy sau nhiều ngày làm việc căng thẳng”3… Về thần sắc, phong thái: “Với bộ kaki màu trắng, vầng trán rộng, đôi mắt sáng, một phong thái bình thản, thanh cao”4... Đặc biệt, tiêu điểm được tác giả chú trọng vào đôi mắt của Người. Hình ảnh này trở đi trở lại nhiều lần. Đôi mắt ấy khi thì “sáng rực, đầy vẻ tinh anh”5, “ánh lên những tia sáng mạnh mẽ”6; có thần lực kỳ lạ, “sức cuốn hút đến mê hoặc”; khi nghiêm nghị “không giấu được vẻ bất bình”7; khi “ánh lên một vẻ băn khoăn”8, “ánh lên một nét cảm động”9, khi lại “đọng một nỗi buồn thăm thẳm”10… Bằng cách hướng “góc nhìn” vào một chi tiết đặc biệt thể hiện rõ nét nhất thần thái của một con người, Thiên Sơn đã khái quát hóa được những nét tính cách, tài năng và suy nghĩ của nhân vật. Ngôi kể được luân chuyển liên tục qua các nhân vật khác nhau để sự phóng chiếu hình tượng trở nên sinh động và khách quan hơn. Đầu tiên là qua sự cảm nhận của Nguyễn Chí Thanh, một người học trò, một người đồng chí thân cận: “Lãnh tụ Hồ Chí Minh vô cùng giản dị. Đó là một ông cụ gầy gò, râu thưa, có đôi mắt sáng, nhanh nhẹn và có giọng nói trầm ấm. Điều đặc biệt là ông cụ quan sát rất nhanh, như đọc thấu suy nghĩ mọi người…”11. Có khi sự phản chiếu xuất phát từ những cựu thần bảo thủ và cũng là đối thủ không cùng chính kiến như cựu hoàng Bảo Đại: “Ngay trong khoảnh khắc đầu tiên ấy, Bảo Đại đã thấy có cảm tình với con người gầy gò, tinh anh và hết sức nhanh nhẹn này”12; hoặc với Ngô Đình Diệm: “Hiển hiện trước ông là một người đàn ông gầy, lưa thưa râu, có vầng trán rộng, đôi mắt sáng, đi dép cao su, mặc quần soóc, một tay đút túi quần, một tay cầm điếu thuốc”13. Khi điểm xuất phát của quá trình phóng chiếu được trao cho dân chúng, đối tượng chính yếu, chủ nhân của công cuộc cách mạng và kháng chiến là hàng vạn người dân ở quảng trường Ba Đình trong ngày lễ trọng đại nhất thì hình ảnh vị lãnh tụ lại hiện lên với vẻ ngoài giản dị nhưng lại mang một khả năng truyền cảm hứng vô cùng mạnh mẽ: “Với bộ kaki màu trắng, vầng trán rộng, đôi mắt sáng, một phong thái bình thản, thanh cao và một giọng đọc trầm ấm, lay động lòng người, Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập…”14. Ngay cả điểm nhìn từ kẻ thù là đại diện phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch và Pháp trong những buổi gặp với nội dung thương thảo vô cùng gay go, vẻ ngoài của Hồ Chí Minh trong mắt họ cũng toát lên một phong thái giản dị, điềm tĩnh đến kinh ngạc: “Trên tay cầm một điếu thuốc lá đang cháy dở, vẻ mặt bình thản, ông chìa tay ra bắt. Đôi mắt sáng của Hồ Chí Minh nhìn Sainteny vẻ điềm tĩnh, không hề toát lên một nỗi hằn học, âu lo, hay căng thẳng”15... Ngòi bút của Thiên Sơn khi chú trọng vào những nét đặc sắc nhất về vẻ ngoài của Hồ Chí Minh đã đặt các chi tiết đó dưới tiêu điểm của nhiều góc chiếu khác nhau. Tác giả đã không “giành lấy quyền năng tối thượng” của ngôi kể để phóng chiếu nhân vật mà trao nó cho các đối tượng khác nhau nhằm đưa đến cho người đọc một cảm nhận đầy đủ hơn về hình tượng Hồ Chí Minh.
2. Bút pháp miêu tả nội tâm
Với quan niệm “Nhà tiểu thuyết phải làm cho lịch sử hiện lên sống động với tất cả biểu hiện tinh vi, phức tạp của nó; đặc biệt phải làm sống dậy các nhân vật lịch sử, mở ra cánh cửa để nhìn vào bên trong tâm tưởng của họ, biến các nhân vật lịch sử thành nhân vật văn học với cá tính sống động, hấp dẫn”16, trong Gió bụi đầy trời, Thiên Sơn đã dành rất nhiều công sức và tâm huyết để miêu tả diễn biến tâm lý của nhân vật. Ông đã đặt nhân vật của mình vào những hoàn cảnh, tình huống khác nhau, có khi đầy éo le, bi kịch với giọng điệu trìu mến, thiết tha. Nhà văn đã sử dụng lớp ngôn từ nửa trực tiếp để cho nhân vật nói lên tâm tư của chính mình trong đêm cuối cùng trú tại lán Nà Lừa, chuẩn bị cho một cuộc tổng khởi nghĩa trời long đất lở sau khi đã hội đủ “năng lượng” tích tụ mấy chục năm của phong trào cách mạng đầy gian lao: “Một cảm giác thiêng liêng choán ngợp tâm hồn ông như xua tan đi sự mệt mỏi sau một cơn sốt cao kéo dài. Ông ngồi im lặng cho một dòng suy nghĩ tuôn trào… Nơi đây, ông đã sống và làm việc suốt mấy năm trời. Phong trào cách mạng từ lúc còn nhiều khó khăn gay gắt, bị đàn áp dã man, đến lúc lớn mạnh và độc lập đang trở thành hiện thực. Ông có cảm giác như sắp chạm vào cái khoảnh khắc thiêng liêng ấy. Cái khoảnh khắc mà từ khi mười ba, mười bốn tuổi ông đã từng nghĩ tới… Có lẽ chỉ mấy ngày nữa thôi, tin chiến thắng khắp nơi sẽ dồn dập gửi về. Tổ quốc sẽ bước lên đài vinh quang… Gần như chắc chắn, ông biết rằng, chính quyền sẽ giành được”17. Từ lời độc thoại, nhà văn tái hiện một thế giới nội tâm với một khoảng lặng, khoảng bình yên hiếm hoi trong cuộc đời của Hồ Chí Minh trước một cơn bão lớn. Người như đứng trước một hình hài vô cùng đáng yêu, đáng kính của mình đang lắng lòng trong một phút tĩnh lặng để chiêm nghiệm những gì bản thân và phong trào cách mạng đã đi qua...
Đặc biệt, tình huống Thiên Sơn thể hiện tâm trạng nhân vật qua bút pháp miêu tả khung cảnh Người chấp bút soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập: “Hà Nội mờ sáng. Bầu trời trong và mây trắng lãng đãng bay. Gió heo may xao động lá cành. Qua khung cửa kính, Hồ Chí Minh ngắm vẻ nên thơ của hồ Hoàn Kiếm. Mặt hồ rộng như tấm gương soi, gợi thức những tầng ký ức về những thời đại xa xăm… Hồ Chí Minh quay lại bàn làm việc, đọc một cách chậm rãi bản Tuyên ngôn độc lập mà ông đã thức mấy hôm liền để thảo ra. Mỗi từ, mỗi câu thực sự vắt ra từ sự rung cảm sâu xa, từ ý chí và khát vọng của cuộc đời ông. Ông không nhớ rõ mình đã đọc đi, đọc lại bao nhiêu lần và lần nào trong ông cũng dâng lên một niềm xúc động”18. Ở đây, Thiên Sơn đã rất dụng công khi lựa chọn những tiêu điểm cho bức tranh phong cảnh có “bầu trời trong và mây trắng lãng đãng bay”, có “gió heo may xao động lá cành”, có mặt hồ Hoàn Kiếm “như tấm gương soi”... Chỉ mấy nét điểm xuyết, nhà văn đã dựng lên cả một bức tranh thủy mặc vừa lãng mạn vừa ấm áp, thiêng liêng. Giọng văn trầm tĩnh, trang nghiêm. Tất cả đã “ánh xạ” lên tâm thế của một con người đang ngồi trước án thư thảo chiếu... Chỉ bằng một số nét vẽ, Thiên Sơn đã cho người đọc cảm nhận một cách đầy đủ không khí trang nghiêm và sức nặng của từng con chữ từ từ hiện ra trên bản khai sinh của Tổ quốc...
Bút pháp miêu tả nội tâm lại được thể hiện theo một cách thức khác, thông qua những biểu hiện bên ngoài khi Hồ Chí Minh ở Bắc Bộ phủ, đứng trước những biến động nhanh chóng và phức tạp của thời cuộc. Đầu tiên là biểu hiện của Người đang cảm nhận và suy tính cách thức để thoát ra khỏi một mớ các rắc rối lớn cùng lúc dồn về: “Rời khỏi bàn làm việc, Hồ Chí Minh đứng lặng trên ban công nhìn ra hồ Hoàn Kiếm. Càng khuya, càng tĩnh lặng, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn trầm mặc. Ông châm lửa hút một điếu thuốc lá thơm và chìm đắm vào suy nghĩ. Những âm mưu thâm độc của quân Trung Hoa ở Miền Bắc và quân Anh, Pháp ở Miền Nam nhằm chia rẽ người Việt, khuấy đảo tình hình tạo tình huống gây hấn đang dần hiện rõ […]. Cùng lúc đó, Việt Nam Quốc dân Đảng và liên minh của đảng này hợp thành khối đối lập được sự hậu thuẫn của quân đội Tưởng Giới Thạch đang gây ra nhiều rắc rối. Các tờ báo với những cái tên mĩ miều như Tự do, Thiết thực, Đồng tâm, Liên hiệp, Phục quốc… đang trở thành cái loa phát ngôn xuyên tạc sự thật”19… Ở đây, thời gian được tái hiện là đêm khuya. Không gian là nơi làm việc, ban công nhìn ra mặt hồ cùng tháp Rùa và ngôi đền thiêng. Với giọng điệu thiết tha của ngôi kể thứ nhất, dòng hồi tưởng của nhân vật càng lúc càng trở nên réo rắt. Tất cả đã gieo vào cảm thức người đọc về một không khí dầu sôi lửa bỏng của tình thế cách mạng đang trong thời vận vô cùng gian nguy... Tiếp theo là tâm trạng của một con người khi đã tìm được những kế sách khả dĩ để thoát ra khỏi mớ bòng bong qua những cử chỉ và những sự chuyển động của ngoại giới: “Hồ Chí Minh ngồi lặng trong phòng làm việc ở Bắc Bộ phủ. Giống như người vừa bẻ lái con tàu trên một đại dương giông tố, ông có cảm giác lâng lâng, thấy trời đất hơi chao đảo và đằng sau con tàu, phía bánh lái đang xẻ nước, những cột sóng trắng cuộn lên… Lúc sau ông nhún vai. Cảm giác vừa trút đi một gánh nặng và một gánh nặng khác lại đè lên. Ông đứng dậy khỏi bàn làm việc, đi về phía cửa sổnhìn ra khoảng trời le lói những vì sao”20… Lúc này thời gian được tái hiện vẫn là trời đêm nhưng đã xuất hiện những vì sao. Không gian dịu lại với sự xuất hiện của những vì tinh tú. Những trực chỉ đã đưa người đọc đến với một thế giới vừa “trở giấc” và cũng là lúc chủ nhân của không gian ấy “trút đi một gánh nặng” trong lòng...
Bút pháp miêu tả nội tâm nhân vật được nhà văn sử dụng khá linh hoạt. Khi thì dùng độc thoại, nhân vật tự “phán xét” tình huống của bàn cờ “thiên binh vạn mã”, khi thì dùng ngôi kể thứ ba để miêu tả vẻ ngoài của những suy tư bên trong. Nhưng trên hết vẫn là việc nhà văn đặt nhân vật nhìn vào với ngoại giới, thiên nhiên vừa là bạn vừa là khí thiêng sông núi, đất trời đang ngưng tụ như “vạn trùng sơn ủng...” cho một con người đang nắm trong tay vận mệnh của đất nước ở thời khắc nguy nan nhất.
3. Bút pháp miêu tả tài năng ngoại giao
Hình tượng Hồ Chí Minh từ phương diện tài năng ngoại giao được thể hiện qua các hành động đối đáp với kẻ thù một cách đầy khôn khéo, biết mình biết ta, đọc vị đối thủ để đưa ra những lập luận chặt chẽ và lý lẽ sắc bén, hợp logic trong diễn biến của từng cuộc thoại, từng tình huống và hết sức linh hoạt
Thứ nhất, trong tình huống ứng xử với phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc lấy cớ giải giáp quân Nhật nhưng kỳ thực là muốn thôn tính Miền Bắc nước ta, đến gặp người đứng đầu chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa để đưa điều kiện. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh đoán biết dã tâm của họ nên đã “ra tay trước” bằng cách ngỏ lời cầu xin sự giúp đỡ: “Sau những ngày biến động lớn, chúng tôi đang nhanh chóng đưa trật tự trở lại. Việt Nam đã độc lập, mong tướng quân giúp sức cho nền độc lập này thêm vững chắc”21. Lời nói này đã làm cho Tiêu Văn rơi vào thế bị động, phải suy nghĩ đối phó. Khi Tiêu Văn yêu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm, tiền bạc để trả lương cho quân đội và bị Hồ Chí Minh từ chối khéo bằng cách nêu ra thực trạng “đang phải trải qua nạn đói hơn hai triệu người phải chết một cách đau đớn” nhưng chúng vẫn viện cớ đến đây “để giúp chủ mà chủ lại nỡ để cho chúng tôi lo liệu mọi chi phí cho cuộc giải giáp này thì có vẻ không được hay lắm!” thì Hồ Chí Minh lại viện dẫn việc dân chúng bị yêu cầu quá đáng sẽ bất bình và như thế sẽ làm mất đi ý nghĩa của những người nhân danh đi giúp nước khác22. Người nói rằng: “Chúng tôi sẽ cố gắng một phần lo giúp quân lương cho quý vị. Nhưng số lượng sẽ rất hạn chế vì nhân dân của chúng tôi đang chết đói. Các vị đừng để nhân dân tôi bất bình, nếu thế thì hóa ra công việc làm ơn của quý vị lại thành ra một việc dở cho quan hệ hai nước hay sao?”23. Với lập luận này, Hồ Chí Minh đã lấy “nhân nghĩa” làm cơ sở cho hành động khi đặt quân Tưởng ở vào thế của một đội quân đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Khi Lư Hán tỏ ra rất cao tay tung chiêu đe dọa thành lập chính phủ đối trọng với chính phủ lâm thời: “Nhiệm vụ của chúng tôi, được thống chế Tưởng Giới Thạch giao phó là giúp người dân ở đây xây dựng nên chính quyền của mình”, thì Hồ Chí Minh đã cắt ngang và thẳng thừng bác bỏ qua lời khẳng định về tính chính danh của chính phủ hiện tại bên cạnh lời yêu cầu làm rõ quân Tưởng khi nào thì rút về nước: “Chúng tôi là một nước độc lập, tự do và đã tuyên bố về quyền đó trước thế giới. Vì thế, với tư cách là chủ nhà, tôi mong ngài cho tôi biết, ngài đưa đến đây tất cả bao nhiêu quân và sẽ giải giáp quân Nhật như thế nào? Trong bao nhiêu lâu? Khi nào thì quân đội Trung Hoa sẽ rút về nước?”24. Lời nói này tiếp tục đẩy các tướng của Tưởng Giới Thạch vào thế bị động. Đến khi Mao Cương, một người phò tá tướng Tiêu Văn đe dọa: “Ông muốn chúng tôi phải dùng đến vũ lực chăng?”, Hồ Chí Minh vẫn giữ được sự điềm tĩnh, miệng mỉm cười và đanh thép: “Đừng tưởng vũ lực có thể giải quyết được vấn đề. Chúng tôi không muốn những cái đầu nóng làm hỏng đại sự. Tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Trung là quý báu, đừng để kẻ thiển cận làm cho nó bị hỏng”25... Ở đây, Thiên Sơn đã tái hiện thành công tài năng ngoại giao thông qua sự sắc sảo trong lý lẽ, lập luận cộng với điệu bộ, cử chỉ làm chủ tình huống của Hồ Chí Minh và đặt vào khung cảnh của các cuộc thoại gay cấn.
Thứ hai, trong tình huống ứng xử với các tướng lĩnh Pháp như D’Argenlieu, Pigon, Jean Sainteny, Cédile... Hồ Chí Minh luôn giữ thái độ điềm đạm và thẳng thắn. Khi gặp đại diện phái đoàn Pháp là Sainteny và Pignon, Hồ Chí Minh đã “đánh” ngay vào điểm mạnh và cũng là điểm yếu của đối thủ, đó là danh dự. Người hiểu văn hóa Pháp rất coi trọng thể diện, nhất là trong các mối quan hệ đã quen biết từ trước nên chủ động khơi gợi mối quan hệ cá nhân để từ đó lồng vào mối quan hệ quốc gia nhưng không quên ghim vào đó một lời hứa về quyền lợi của Pháp: “Tôi đã được quen biết với ông Pignon từ trước, và bây giờ, lại được làm quen với ông. Tôi mong rằng, chúng ta là những người bạn. Tôi không muốn hai nước chúng ta trở thành kẻ thù. Tôi muốn dừng ngay những việc chém giết ở Miền Nam. Tôi sẽ có biện pháp để bảo vệ kiều dân Pháp ở Miền Bắc và tôn trọng các lợi ích của Pháp”. Trước thói ngông nghênh của Pignon: “Người Pháp đã chiến thắng trên đất này từ những phát súng đầu tiên nổ vào Đà Nẵng năm 1858, tiếc thay cho các ông, thực tế đó không thể đảo ngược dù lịch sử đã đi những bước dài”, Hồ Chí Minh đã thẳng thừng bác bỏ sự “bất khả chiến bại” của người Pháp trên đất Việt Nam: “Chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng và sẽ chiến thắng. Các ông không thể nào thắng nổi chúng tôi đâu. Lịch sử đã đổi thay và các ông sẽ phải nhanh chóng thoát khỏi một cơn mộng ảo”26. Trong lần gặp thứ hai với Sainteny tại Bắc Bộ phủ, Hồ Chí Minh đã “phủ đầu” bằng việc đưa ra mong muốn của mình: “Chúng tôi chờ đợi ông mang đến sự thiện chí và tinh thần hòa bình” và đập lại luận điệu vu khống “Quân Việt Minh đang hàng ngày tấn công vào quân Pháp ở Miền Nam và đe dọa những người Pháp, thậm chí giết chết họ khi họ là những người công dân bình thường đến đây vì nghĩa vụ quốc tế mà không hề có vũ trang” bằng ánh mắt nảy lửa: “Dân tộc chúng tôi đã phải tốn bao nhiêu máu và nước mắt để giành cho được nền độc lập, nhưng nền độc lập non trẻ trong trứng nước đã bị người Pháp cướp mất” nhưng vẫn mở ra cho họ một lối thoát bằng lời hứa danh dự: “Chúng tôi sẵn sàng thực thi những biện pháp cụ thể đảm bảo quyền lợi của nước Pháp ở Việt Nam và gác lại quá khứ, dựng xây một quan hệ tốt đẹp, bình đẳng giữa hai nước chúng ta”. Điều này đã khiến “Gương mặt Sainteny vừa cau lại bỗng giãn ra” và bày tỏ: “Tổng thống Charles de Gaulle luôn kiên định một lập trường cứng rắn xác lập lại địa vị Pháp ở Đông Dương và hiện nay đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu cũng không muốn đối thoại với ngài... Nhưng tôi đã thuyết phục đô đốc đối thoại với ngài vì tôi tin, chính ngài mới là con người của lịch sử và có thể đi đến những quyết định lịch sử”27. Để cứu vãn tình hình và gieo niềm tin về sự nhượng bộ của chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh đã luôn nhấn mạnh đến sự đảm bảo quyền lợi của nước Pháp trong các thỏa thuận: “Chúng tôi cũng đã ghi sẵn ra đây những quan điểm của mình. Đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề độc lập, thống nhất của Việt Nam và quyền lợi của nước Pháp”28. Đến khi đang trên đường sang Pháp và nhận được tin báo “Chính phủ Nam kỳ tự trị sẽ ra mắt trong ngày mai”29, Hồ Chí Minh đã khẳng khái: “Họ tưởng có thể mang những tên hề mất gốc dựng lên thành những nhà ái quốc ư? Không, không bao giờ!”. Câu nói ấy làm cho Salan phải suy ngẫm: “Chưa bao giờ ông thấy một thái độ vừa đau đớn, dữ dội như vậy ở Hồ Chí Minh” và thốt lên mấy lời cảm thán: “Thưa ngài Chủ tịch, tôirất kính trọng ngài và thấu hiểu những khát vọng hòa bình, nhân ái, lòng yêu nước sâu sắc của ngài”30... Tài năng ngoại giao của Hồ Chí Minh trong quan hệ với thực dân Pháp được Thiên Sơn tái hiện bằng các tình huống gặp gỡ và đối thoại khác nhau. Sự khôn khéo của Người được nhà văn thể hiện rõ nét ở thái độ mạnh mẽ, dứt khoát nhưng mềm dẻo tùy lúc trên những phương diện nhất định. Nắm chắc thế địch mạnh yếu mà đưa ra những nhượng bộ có nguyên tắc và có giới hạn để gieo vào lòng chúng ảo tưởng về kết quả cuối cùng nhằm kéo dài thời gian hòa hoãn để tạo ra một thế trận cân bằng tạm thời, dốc sức chuẩn bị cho một cuộc quyết chiến khốc liệt mà Người biết không thể nào tránh được.
4. Bút pháp miêu tả tài năng nhận biết và điều khiển bàn cờ thời cuộc
Thiên Sơn đã đặt nhân vật của mình vào vị trí trung tâm của bàn cờ thời cuộc. Nhà văn đã làm cho Hồ Chí Minh hiện ra cùng lúc với cả hai vai trò, vừa là con cờ chủ vừa là người điều khiển cuộc cờ.
Trong tình huống thứ nhất, miêu tả cách ứng biến của Hồ Chí Minh khi Lư Hán và Tiêu Văn dẫn 20 vạn quân chuẩn bị tràn vào đất nước, với chiêu bài “giải giáp quân Nhật theo thỏa thuận ở hội nghị Posdam” nhưng thực ra là để thôn tính nước ta, đồng thời ở Miền Nam, quân Anh, quân Pháp cũng tiến vào chiếm đóng Nam Bộ. Trong khi anh em chiến sĩ đều lo lắng “một cảm giác ớn lạnh chạy dọc xương sống” thì Hồ Chí Minh vẫn bình tâm nói với Trường Chinh rằng: “Vận nước đang lên, dù khó khăn bao nhiêu thì cũng không thể cản trở được chúng ta mưu cầu hạnh phúc cho đất nước”31. Trước những biến cố dồn dập như vậy nhưng Hồ Chí Minh đã có ngay giải pháp cốt yếu trước mắt và lâu dài khi dặn các đồng chí Trung ương rằng: “Điều cốt yếu của thành công là người dân phải thấy được cách mạng đồng nghĩa với tiến bộ, văn minh, nhân đạo. Chính quyền phải bao gồm những con người mới phấn đấu vì quyền lợi của dân tộc và nhân dân…”32. Hay khi Võ Nguyên Giáp lo lắng vì “Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam đã theo chân Lư Hán và Tiêu Văn vượt qua biên giới vào nước ta. Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam độc lập đồng minh hội cùng với các tổ chức khác đang liên hiệp lại, đánh chiếm các tỉnh Tây Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu...” thì Hồ Chí Minh lại tỏ ra rất điềm tĩnh vì Người đã nắm rấtrõ những toan tính của bọn chúng “muốn gây đụng độ để lấy cớ tấn công ta”33 nên chủ trương tìm mọi cách kiềm chế, tránh khiêu khích và khẳng định một cách chắc chắn rằng: “Vấn đề quan trọng là ở lòng dân. Họ binh ít, lực mỏng, không được lòng dân thì chẳng làm được gì. Khi người Tàu rút thì họ sẽ tự tan”. Thực tế sau này đã chứng minh điều Người tiên đoán là chính xác. Quân Tưởng gặp khó khăn trong cuộc đấu tranh nội bộ nên buộc phải thỏa thuận với Pháp “nhường Miền Bắc nước ta cho Pháp và rút về nước và đám lâu la cũng cuốn gói chạy theo”34.
Trong tình huống thứ hai, miêu tả kế sách của Hồ Chí Minh khi đưa tay ra với các cựu thần của một chế độ mục ruỗng vừa mới bị cách mạng lật đổ, đề nghị cộng tác với các thế lực đang kịch liệt phản đối chính phủ hiện hành và thuyết phục các nhân sĩ có tài đang lưỡng lự ra gánh vác việc nước. Đầu tiên là khi biết “Nhiều thế lực phản động đã được Pháp bí mật cho người móc nối. Họ đang muốn dựng lên một lực lượng thân Pháp để sử dụng vào mục đích chính trị” thì Hồ Chí Minh đã có một bước đi vô cùng táo bạo, “cho người điện vào Huế mời Bảo Đại ra đây”. Người chủ trương “dĩ bất biến ứng vạn biến”, lấy độc trị độc, chỉ có cựu hoàng mới lấn át được những kẻ nhân danh yêu nước phục quốc theo chế độ cũ. Không hề định kiến quá khứ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm đến từng con người cụ thể, với ai cũng thử thuyết phục và dám dùng, kể cả tầng lớp quan lại cũ. Cứ xem cách lãnh tụ Hồ Chí Minh thuyết phục cựu hoàng Bảo Đại, chúng ta thấy rõ nhân cách cao thượng và trí tuệ xuất chúng của Người: “Vua Bảo Đại thoái vị, chúng ta mời ông ấy ra làm cố vấn tối cao cho chính phủ… Với cương vị cá nhân, một người đã được tôn vinh lên làm vua, tôi nghĩ nên dành cho ông ấy một sự tôn trọng cần thiết”35. Quan điểm ấy càng được thể hiện rõ hơn trong những lần tiếp xúc giữa Hồ Chí Minh và vua Bảo Đại sau này: “Ngài biết đấy, tôi đã làm tất cả cho đất nước. Và tôi tin, ngài cũng thế”36… Hồ Chí Minh còn có ý định mời Ngô Đình Diệm tham gia vào chính phủ liên hiệp: “Tôi biết ông là người yêu nước, chống Pháp… Chúng tôi mời ông bằng sự chân thành. Nhiều nhân sĩ trí thức đã đi theo cách mạng, nhiều quan lại nhà Nguyễn và cả vua Bảo Đại sau khi thoái vị cũng đồng hành cùng chúng tôi”37. Tuy không đồng ý tham gia chính quyền liên hiệp nhưng Ngô Đình Diệm rất khâm phục tài năng của Người: “Hồ Chí Minh là một nhân vật táo bạo và có những toan tính mà chúng ta không thể lường hết”38. Với nhãn quan chính trị vô cùng sắc bén, khôn khéo và nhạy cảm, Hồ Chí Minh đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia chính phủ lâm thời. Dù thời điểm ấy nhiều người cho rằng “cụ Huỳnh không hiểu cách mạng” nhưng Bác vẫn quả quyết: “Không phải cụ Huỳnh không hiểu cách mạng, cụ nhìn thấy tất cả những gì chúng ta không nhìn thấy hoặc cố tình quên đi. Chỉ có chúng ta là chưa hiểu cụ mà thôi”39. Việc cụ Huỳnh Thúc Kháng được ủy nhiệm giữ một vị trí quan trọng trong chính phủ như vậy thể hiện một tư duy chính trị lớn của Hồ Chí Minh: “Chính phủ lâm thời đã tập hợp những người có tài năng và tâm huyết gánh vác sứ mệnh lịch sử. Nhưng chính phủ còn phải liên tục tìm kiếm nhân tài, củng cố sức mạnh và phải hết sức, hết lòng mới gánh vác được nhiệm vụ khó khăn đang đặtra…”40. Chính tình cảm và sự tin tưởng của Hồ Chí Minh đã làm cho cụ Huỳnh Thúc Kháng vô cùng cảm động: “Giờ tôi mong cụ sai khiến, dù là việc gì, dù khó khăn đến đâu cũng không từ”41… Cũng trong thời điểm nước sôi lửa bỏng ấy, các đảng phái với những đại diện của mình như Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Chu Bá Phượng... mang tham vọng soán ngôi và giành quyền bính chính trị. Nhưng trước Hồ Chí Minh, họ đều thúc thủ và cuối cùng phải tìm đường thoái lui. Sự uyên bác của Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở khả năng “chiêu hiền đãi sĩ”, phát hiện khả năng còn tiềm ẩn trong mỗi con người, tôn trọng họ một cách chân thành để tạo nên một sự gắn kết vững mạnh và lâu bền.
Trong tình huống thứ ba, mô tả một hành động táo bạo khác để cứu nguy cho một chính quyền non trẻ, quân đội thô sơ, nạn đói hoành hành, giặc vây tứ phía, bọn phản động nổi nên khắp nơi. Trước tình cảnh ấy, Hồ Chí Minh đã cho “giải tán” Đảng Cộng sản Đông Dương. Người cho rằng: “Nếu bây giờ chúng ta vẫn nói với thế giới rằng chúng ta là cộng sản, chúng ta sẽ gặp phải những sức ép rất lớn cả về mặt đối nội và đối ngoại... Xét tình hình đó, tôi đề nghị: Chúng ta tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản...”42 . Đây là một quyết định táo bạo, khôn khéo và cần thiết cho tình hình cấp bách lúc bấy giờ. Xét mối tương quan lực lượng giữa ta và địch lúc này, việc giải tán và đưa Đảng vào hoạt động bí mật cùng một lúc đạt được hai lợi ích: vừa tránh cho nhiều tầng lớp nhân sĩ, trí thức, những người đang nghi ngờ chính phủ cụ Hồ chỉ bó hẹp trong phạm vi quyền lợi của dân cày mà đứng về phía cách mạng, vừa là biện pháp cần thiết để bảo vệ hệ thống tổ chức, tránh sự chống phá, khủng bố của kẻ thù…
Trong tình huống thứ tư, miêu tả sự kiện ký Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 với Pháp. Hiệp định chứa một số điều khoản như là một sự đầu hàng đã khiến mọi người rất băn khoăn và tự hỏi phải chăng chính phủ cụ Hồ lại đi con đường thỏa hiệp bán nước và làm bù nhìn cho Pháp như một số tiền nhân bất lực đã từng làm? Tuy nhiên, Hồ Chí Minh chỉ ra cho các lãnh đạo chủ chốt trong chính phủ thấy đó chỉ là một nghệ thuật chính trị. Người khẳng định: “Ký hiệp định này không phải để mất đi chủ quyền đất nước mà là để thuận lợi hơn trên con đường đi đến hòa bình, độc lập”, và lập luận rằng: “Không tốn một viên đạn, không cần một lời khẩu chiến, chúng ta loại trừ được hai trăm ngàn tên lính ngoại bang hàng ngày hàng giờ gây phiền nhiễu cho chúng ta, bắt chúng ta cung phụng”43 . Khi hóa giải được mối nghi ngờ, mọi người đã không khỏi kinh ngạc trước tài thao lược, lòng can đảm của Người, một cú hạ bút đã đánh lừa được những tên cáo già thực dân luôn tự tin vào sức mạnh của một đế quốc hùng cường...
Tóm lại, khi miêu tả tài năng nhận biết và điều khiển bàn cờ thời cuộc của Hồ Chí Minh, Thiên Sơn đã đặt nhân vật của mình vào những tình huống với hai vai trò chủ đạo. Khi là quân cờ thì Hồ Chí Minh là một quân cờ chủ rất khó khống chế, đe dọa hoặc chiếm đoạt, mặt đối mặt với địch thủ đang tìm mọi thủ đoạn để ăn sống nuốt tươi mình nhưng không thể nào thực hiện được. Khi là một người chơi cờ, Hồ Chí Minh hiện ra với dáng vẻ ung dung tự tại, linh hoạt và luôn chủ động tung ra những nước đi bất ngờ khiến đối thủ là người chơi cờ dưới cơ, luôn phải vất vả chạy theo ứng phó. Điều này khiến người đọc liên tưởng đến những bài thơ mà Người đã từng làm khi bị giam cầm trong nhà lao Tưởng Giới Thạch.
*
Tác phẩm Gió bụi đầy trời đánh dấu một bước tiến lớn trong nghệ thuật tiểu thuyết của Thiên Sơn. Trên tổng thể, người viết đã có nhiều thành công và tác phẩm đã ít nhiều tạo được dấu ấn với bạn đọc. Với nghệ thuật miêu tả ngoại hình, xây dựng tình huống và xây dựng bối cảnh, độc giả cảm nhận một cách sâu sắc một Hồ Chí Minh với trí tuệ uyên bác, có tầm nhìn xa trông rộng, có tài ngoại giao lỗi lạc bên cạnh một Hồ Chí Minh gần gũi, giản dị, có sức cuốn hút kỳ lạ. Thiên Sơn đã đặt nhân vật vào cái nhìn đa chiều, không từ chối bút pháp sử thi quen thuộc nhưng đồng thời cũng “tiểu thuyết hóa” nhân vật một cách có chừng mực. Người viết đã soi chiếu nhiều hiện thực của quá khứ, nhiều bài học của lịch sử bằng cái nhìn của ngày hôm nay nên mỗi trang viết luôn nóng hổi tính thời sự. Thiên Sơn đã khắc họa nên hình tượng một vĩ nhân của lịch sử với hai phẩm chất hài hòa và biện chứng: anh hùng và đời thường, vĩ nhân và bình dị. Phẩm chất nào cũng được tác giả đẩy đến tận cùng của nấc thang giá trị. Điều đó đã làm cho hình tượng nhân vật trở nên ấn tượng, đầy ám ảnh với bạn đọc. Nét độc đáo trong xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh là nhà văn đã xây dựng thành công những bối cảnh lịch sử sống động, có con người, ngoại giới và các tương tác qua lại liên tục và đa chiều. Trong mỗi bối cảnh, tình huống, vị lãnh tụ hiện lên như một con người đang vận hết công lực để giữ cho con thuyền không bị chìm giữa cơn giông lốc. Qua hình tượng nhân vật trung tâm, Thiên Sơn đã gửi gắm vào đó tất cả tình cảm và sự ngưỡng mộ của mình về một tài năng, một nhân cách lớn của dân tộc. Khi gấp trang sách lại, người đọc chỉ thấy một tình thương mênh mông lắng đọng đến vô cùng...
Tài liệu tham khảo:
1. Lưu Lan Anh (2020), Nhân vật và người kể chuyện trong tiểu thuyêt́ của Thiên Sơn (qua Đại gia và Gió bụi đầy trời), Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Việt Hà (2020), “Nhà văn Thiên Sơn: Tiểu thuyết đòi hỏi một góc nhìn khác về lịch sử”, truy xuất nguồn: https://cand.com.vn/Tulieu-van-hoa/Nha-van-Thien-Son-Tieuthuyet-doi-hoi-mot-goc-nhin-khac-ve-lich-s u-i581006/.
3. Nguyễn Văn Hùng (2016), “Nhân vật lịch sử và những biên độ sáng tạo sau đổi mới”, Tạp chí Văn nghệ quân đội, số 848 (7).
4. M. Bakhtin (2003), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư dịch, NXB Hội Nhà văn.
5. M. Kundera (1998), Nghệ thuật tiểu thuyết, Nguyên Ngọc dịch, NXB Đà Nẵng.
6. Thiên Sơn (2020), Gió bụi đầy trời, NXB Hội Nhà văn.
7. Trần Đình Sử (2021), “Gió bụi đầy trời nhìn từ góc độ tiểu thuyết lịch sử”, nguồn: http://www.lethieunhon.vn/2021/02/giobui-day-troi-nhin-tu-goc-do-tieu.html.
8. Nguyễn Khắc Phê (2021), “Về cuốn tiểu thuyếtlịchsửmớinhấtlấyChủtịchHồChí Minh làm nhân vật trung tâm”, nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/ve-cuontieu-thuyet-lich-su-moi-nhat-lay-chu-tichho-chi-minh-lam-nhan-vat-trung-tam_116 64.html.
Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43 Thiên Sơn (2020), Gió bụi đầy trời, NXB Hội Nhà văn, tr. 61, 69, 238, 110, 69, 112, 279, 145, 148, 491, 54, 148, 302, 110, 234, 23, 108-109, 198-199, 364, 177, 178, 266, 187, 189, 235, 343, 344, 489, 491, 25, 66, 24, 286, 140, 322, 307, 317, 251, 267, 266, 240, 426.
16 Việt Hà (2020), “Nhà văn Thiên Sơn: Tiểu thuyết đòi hỏi một góc nhìn khác về lịch sử”, nguồn: https://cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Nha-vanThien-Son-Tieu-thuyet-doi-hoi-mot-goc-nhin-khacve-lich-su-i581006/.