''ĐIỆN BIÊN PHỦ - MỘT DANH TỪ VIỆT NAM''

Bài viết phác thảo sáng tác văn chương, nghệ thuật về Điện Biên Phủ, qua đó làm nổi bật những chiến công hiển hách làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ''lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'' và lý giải chiến thắng đó bắt nguồn từ truyền thống dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm và giành chiến thắng của dân tộc ta.

   1. Hào khí dân tộc từ Bạch Đằng - Chi Lăng - Đống Đa đến Điện Biên Phủ

   Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu (thế kỷ XIV) như một tượng đài bằng thơ, với cảm hứng hào sảng đã tái tạo chiến công hiển hách của một dân tộc ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông: “Đây là chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã/ Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao”. Quang cảnh hoành tráng của trận thủy chiến lịch sử bừng bừng khí thế: “Đương khi ấy/ Thuyền tàu muôn đội/ Tinh kỳ phấp phới/ Hùng hổ sáu quân/ Giáo gươm sáng chói/ Trận đánh được thua chửa phân/ Chiến lũy Bắc Nam chống đối/ Ánh nhật nguyệt chừ phải mờ/ Bầu trời đất chừ sắp đổi”. Bạch Đằng lịch sử và Bạch Đằng thơ ca đã đi vào tâm thức người Việt Nam từ đời này đến đời khác.

   Bình Ngô đại cáo (1428) của Nguyễn Trãi đã khắc bia trận Chi Lăng lịch sử: “Ngày mười tám, trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế/ Ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu”. Chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang (từ ngày 8/10 đến 3/11/1427) đã quyết định sự thất bại hoàn toàn của quân xâm lược Minh để một năm sau, Nguyễn Trãi viết khúc khải hoàn Bình Ngô đại cáo, cất cao tiếng nói dân tộc tự hào đã quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược và tôn vinh tư thế của Việt Nam: “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương”.

   Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (1954) của Tố Hữu là một tráng ca, một khúc khải hoàn, một bản tổng kết lịch sử bằng thơ cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp (1945-1954) của nhân dân Việt Nam. Từ đây bạn bè yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới thường hô vang: “Việt Nam - Hồ Chí Minh - Điện Biên Phủ”. Một chính khách nước ngoài đã viết: “Điện Biên Phủ - một danh từ Việt Nam”. Hoan hô chiến sĩ Điện Biên là cảm hứng lớn về lịch sử dân tộc thời đại Hồ Chí Minh. Cảm hứng của thiên anh hùng ca này chính là cảm hứng lớn về lịch sử, thời đại và dân tộc trên đường chiến thắng. Trong hồi ức của mình, nhà thơ Tố Hữu dẫn lại ý kiến của đồng chí Lê Duẩn khi đánh giá ý nghĩa của chiến dịch Điện Biên Phủ: xứng đáng “Được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”1. Trong niềm vui bất tuyệt khi ngày 7/5/1954 quân ta toàn thắng trên chiến trường Điện Biên Phủ, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Bài thơ đã cất cánh bay cao, bay xa nhờ đôi cánh lớn của niềm vui chiến thắng bất tận: “Kháng chiến ba ngàn ngày/ Không đêm nào vui bằng đêm nay/ Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực/ Trên đất nước, như huân chương trên ngực/ Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!”. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm nên trang vàng lịch sử Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, từ đây thế giới sẽ hiểu rõ hơn một dân tộc anh hùng: “Điện Biên vời vợi nghìn trùng/ Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta/ Đêm nay bè bạn gần xa/ Tin về chắc cũng chan hòa vui chung”.

   Hoan hô chiến sĩ Điện Biên khắc ghi hình tượng người anh hùng thời đại mới. Nổi bật trên nền thơ hoành tráng là hình tượng người lính cách mạng anh hùng: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Đầu nung lửa sắt/ Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn”. Hình tượng người chiến sĩ – anh bộ đội Cụ Hồ luôn chiếm vị trí trung tâm trong thơ ca cách mạng nói chung, thơ Tố Hữu nóiriêng. Nhà thơ đã dành một tình yêu, niềm ngưỡng mộ lớn lao cho người anh hùng thời đại. Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, người chiến sĩ luôn đi hàng đầu, luôn nhận về mình những hi sinh vô bờ bến: “Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân nhắm mắt còn ôm/ Những bàn tay xẻ núi lăn bom/ Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện”.

   Cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ của dân tộc ta, về bản chất, là cuộc chiến tranh nhân dân “toàn dân, toàn diện, trường kỳ”. Vì lẽ đó, hình tượng nhân dân anh hùng bao giờ cũng gắn bó chặt chẽ với hình tượng người chiến sĩ đi tiên phong trong đấu tranh cách mạng. Có quân đội anh hùng là vì có nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng, Đảng anh hùng. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng của sức mạnh đoàn kết quân dân một lòng vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Nhân dân hiện lên trong bài thơ qua hình ảnh những người dân công đã không tiếc sức lực và cả tính mạng của mình để đảm bảo điều kiện cho bộ đội đánh thắng quân thù trên tiền tuyến: “Và những chị, những anh, ngày đêm ra tiền tuyến/ Mấy tầng mây gió lớn mưa to/ Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn, xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh/ Hỡi các chị, các anh/ Trên chiến trường ngã xuống/ Máu của anh chị, của chúng ta, không uổng/ Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam/ Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”.

   Một chiến dịch lịch sử thường gắn với tên tuổi một vị tư lệnh. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, vị tư lệnh tài ba chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong bài thơ dài 96 câu chỉ có duy nhất một câu về Đại tướng nhưng đâu cần nhiều lời, chỉ cần “Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp”. Một câu thơ giản dị, thậm chí có vẻ như chỉ là một khẩu hiệu nhưng là tình, là nghĩa của nhà thơ với vị tướng cầm quân tài ba trong lịch sử quân sự Việt Nam. Nhưng vị chỉ huy tối cao cuộc chiến tranh giải phóng là lãnh tụ Hồ Chí Minh, người mà cả dân tộc Việt Nam gọi bằng cái tên thân thương: Bác Hồ (“Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ” - Tố Hữu, Sáng tháng Năm, 1951). Vinh quang thuộc về dân tộc nhưng vinh quang cũng thuộc về lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Vinh quang Tổ quốc chúng ta/ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa/ Vinh quang Hồ Chí Minh, cha của chúng ta ngàn năm sống mãi/ Quyết chiến quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại!”. Nếu nói bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu là một dàn đại hợp xướng âm vang tráng ca, khải hoàn thì chính lãnh tụ Hồ Chí Minh là nhạc trưởng: “Tiếng reo núi vọng sông rền/ Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ/ Bác đang cúi xuống bản đồ/ Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo/ Từ khi vượt núi qua đèo/ Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày/ Tin về mừng thọ đêm nay/ Chắc vui lòng Bác, giờ này đợi trông”.

   Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu cũng đã vẽ nên sự thảm bại của kẻ thù xâm lược – thực dân Pháp và bè lũ tay sai – trước dân tộc Việt Nam anh hùng: “Lũ chúng nó phải hàng, phải chết/ Quyết trận này quét sạch Điện Biên/ Quân giặc điên/ Chúng bay chui xuống đất/ Chúng bay chạy đằng trời/ Trời không của chúng bay/ Đạn ta rào lưới sắt/ Đất không của chúng bay/ Đai thép ta thắt chặt/ Của ta trời đất đêm ngày/ Núi kia, đồi nọ, sông này của ta/ Chúng bay chỉ một đường ra/ Một là tử địa, hai là tù binh/ Hạ súng xuống, rùng mình run rẩy/ Nghe pháo ta lừng lẫy thét gầm/ Nghe trưa nay tháng Năm mồng Bảy/ Trên đầu bay thác lửa căm hờn/ Trông: bốn mặt, lũy hầm sập đổ/ Tướng quân bay lố nhố cờ hàng/ Trông: chúng ta cờ đỏ sao vàng/ Rực trời đất Điện Biên toàn thắng”.

   “Điện Biên Phủ – một danh từ Việt Nam” là cách nói so sánh một chiến công hiển hách khác nào một tấm huân chương vĩ đại ghi nhận chiến công chói lọi, chiến thắng kẻ thù xâm lược của nhân dân Việt Nam anh hùng. Nhà thơ Tố Hữu đã đưa địa danh Điện Biên Phủ vào thơ mình như một mối duyên tơ kỳ lạ giữa thi nhân và thời đại “Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (Ta đi tới, 8/1954), “Tin vui chiến thắng trăm miền/ Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về” (Việt Bắc, 10/1954), “Giáng một trận dập đầu quỷ dữ/ Sáng ngàn năm lịch sử Điện Biên” (Quang vinh Tổ quốc chúng ta, 8/1955), “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” (Ba mươi năm đời ta có Đảng, 1960), “Tiếng hát xa đưa… Muôn tiếng hát/ Điện Biên trời đất dậy tin mừng/ Bác Hồ khẽ vuốt chòm râu mát/ Gió sớm đưa hương ngát cả rừng/ Điện Biên lừng lẫy Việt Nam ta” (Trường ca Theo chân Bác, 1970).

   Nhà thơ Nguyễn Đình Thi, ngay sau ngày 7/5/1954 lịch sử, đã sáng tác bài thơ Bài ca Điện Biên Phủ. Hiện lên trên nền bài thơ là quang cảnh chiến trường: “Đất trời mờ sắt thép/ Chớp giật xé ngày đêm/ Lửa ào ào bùng cuộn/ Lấp những đồi cháy đen/A một và C một/ Quần nát từng chiến hào/ Lăn vùi trong bụi đất/ Ta quên hết sớm chiều/ Mưa rơi bùn lõng bõng/ Bùn chảy lẫn máu tươi”. Chiến trường đầy gian khổ, hi sinh nhưng không dập tắt được nụ cười lạc quan, yêu đời của người chiến sĩ Điện Biên: “Mặt anh đen khói đạn/ Bỗng nhoẻn ra nụ cười”. Nhờ nụ cười chiến thắng đó mà người chiến sĩ lúc nào cũng thừa thắng xốc tới: “Dây thép gai chằng chịt/ Có phải đây Mường Thanh/ Ngã xuống lại chồm dậy/ Chiến sĩ vút lao nhanh”. Và cái đêm 7/5/1954 lịch sử, những người chiến sĩ Điện Biên vừa làm nên chiến thắng lẫy lừng bỗng trở nên bình dị, gần gũi và đáng yêu: “Đêm sáng trăng xanh lặng/ Rừng núi bỗng mênh mông/ Chiến sĩ tay cầm súng/ Đứng gác bên lửa hồng”. Người ta nói thơ Nguyễn Đình Thi thường như lời tâm sự, kể cả khi viết về những sự kiện, những con người vĩ đại. Ngay giữa chiến trường Điện Biên Phủ khói lửa, nhà thơ đã nhìn thấy một vậtrất nhỏ nhoi, bình thường là đóa hoa nghệ giản dị, thậm chí khuất lấp ít ai để ý. Nhưng với nhà thơ, nó gợi liên tưởng về vẻ đẹp của tinh thần lạc quan, tự tại, yêu đời của những con người cầm súng chiến đấu: “Sáng nay giữa Điện Biên dữ dội/ Những chiến hào bỗng thấy mùa xuân/ Ô, lạ khắp mặt đồi đen trụi/ Hoa nghệ xôn xao nở tím hồng”. Trong khung cảnh ấy hiện lên nổi bật một dáng hình người chiến sĩ cúi xuống hái một bông hoa đồng nội dành tặng người yêu phương xa: “Anh ngắt đóa hoa đồng tươi nhỏ/ Dành cho em ở cuối trời xa/ Em ạ, dù trong cơn bão lửa/ Tình yêu không ngừng vẫn nở hoa”.

   Dấu ấn Điện Biên Phủ đã đi vào văn chương, nhạc, họa hơn nửa thế kỷ nay. Những nhạc phẩm nổi tiếng như Hò kéo pháo, Chiến thắng Điện Biên, Qua miền Tây Bắc đã để lại những giai điệu khó quên trong tâm trí nhiều thế hệ. Nhà thơ Xuân Diệu có một nhận xét rất tinh tế: “Không gì gợi nhớ quá khứ bằng những giai điệu và mùi hương quen thuộc”. Bức tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của họa sĩ Nguyễn Sáng đã trở thành tác phẩm kinh điển của nền hội họa cách mạng Việt Nam. Những bộ phim điện ảnh Hoa ban đỏ, Giải phóng Điện Biên đã để lại trong ký ức người Việt Nam những tình cảm cao thượng, tri ân sự hi sinh vô bờ bến của nhân dân anh hùng trong cách mạng và kháng chiến. Nhà văn Nguyễn Tuân đã cống hiến cho độc giả một loạt bút ký nóng hổi tính thời sự và giàu tính nghệ thuật về chiến thắng B52 của quân dân Hà Nội năm 1972 (được gọi là trận “Điện Biên Phủ trên không”) như Hà Nội ta diệt B52, Đám cưới giữa trận địa pháo, Cánh B52 rụng xuống thôn hoa Hà Nội. Lịch sử đã ghi: Tháng Mười hai năm 1972, quân và dân Hà Nội lập nên một chiến công hiển hách bằng một trận “Điện Biên Phủ trên không”. Bằng chiến thắng này, thế và lực của Việt Nam trên bàn Hội nghị Paris đã lớn mạnh. Bằng chiến thắng này, đế quốc Mĩ thực sự tỉnh ngộ: không thể đè bẹp ý chí quật cường của cả một dân tộc quyết chiến đấu và hi sinh cho chân lý thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Bằng chiến thắng này, hòa bình đã đến với nhân dân Việt Nam, buộc Mĩ phải rút khỏi Miền Nam Việt Nam và nhân dân ta đã thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào!/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

   Bốn mươi năm sau, trở lại chiến trường xưa, nhà thơ Nguyễn Đình Thi sáng tác bài thơ Ở Điện Biên (1994). Bài thơ được viết trên nền của hồi ức, của hoài niệm, vì thế hiện tại - quá khứ đan xen nhau. Ai đã một lần đến Điện Biên Phủ không thể không đến thăm nghĩa trang liệt sĩ A1, ở đó mỗi người sẽ ngộ ra được nhiều điều có ý nghĩa về lẽ sống: “Ở Điện Biên nơi nghĩa trang chân đồi A1/ Mấy trăm nấm mộ những liệt sĩ/ Như trầm mặc trong khói hương bay/ Những rừng đồi xa kia/ Còn hai nghĩa trang lớn/ Không đếm hết bao nhiêu nấm mộ/ Có tên và không tên giữa cỏ cây/ Ở Điện Biên còn những bóng hồn không mộ/ Có xương thịt và máu người trộn tan trong đất/ Qua bao tháng năm lá cây xanh vẫy mưa/ Bông lúa nghiêng vàng say nắng”. Đó là những liệt sĩ chưa có tên – những anh hùng chưa có tên của lịch sử. Đứng trước những nấm mồ chưa có tên của lịch sử, nhà thơ như muốn cùng đồng bào, đồng chí của mình khắc ghi một tình cảm: “Đừng ai tới đây nhởn nhơ dối lừa/ Những núi biếc đứng trong mây/ Đang lắng nghe/ Bay trong làn gió/ Tiếng cười tiếng cười/ Ý nghĩ mỗi con người/ Ở Điện Biên”.

   2. Vầng trăng Him Lam – dấu son mới về chiến thắng Điện Biên Phủ

   Trong lĩnh vực sáng tác văn xuôi từ 1954 đến nay, Người người lớp lớp (1954) của Trần Dần là cuốn tiểu thuyết sớm nhất về Điện Biên Phủ, tiếp đến là tiểu thuyết Cao điểm cuối cùng (1960) của Hữu Mai; trung thực và phong phú hơn cả là Đường tới Điện Biên Phủ Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử (hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Hữu Mai thể hiện). Những tác phẩm này đều đã được đánh giá toàn diện và sâu sắc, đã được đưa vào thành các mục lớn và quan trọng trong series sách Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam (từ 1945 đến nay).

   Vầng trăng Him Lam (NXB Quân đội nhân dân, 2023) – tiểu thuyết lịch sử-tư liệu của nhà văn Châu La Việt là tác phẩm mới nhất về chiến thắng Điện Biên Phủ kết nên “vành hoa đỏ”, tạo nên “thiên sử vàng” chấn động địa cầu. Sự độc đáo của tiểu thuyết Vầng trăng Him Lam là ở chỗ lần đầu tiên hình ảnh người chiến sĩ văn hóa hiện lên sinh động và toàn vẹn thông qua nhân vật nhạc sĩ tài danh nổi tiếng Đỗ Nhuận – biểu tượng cho “cuộc đời nghệ thuật của một du kích cầm đàn”. Bối cảnh lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ (mật danh Trần Đình) là nơi đối đầu lịch sử-văn hóa giữa xâm lược và chống xâm lược, giữa phi nghĩa và chính nghĩa, đồng thời cũng là hoàn cảnh điển hình xét từ phương diện văn học, nơi “lửa thử vàng gian nan thử sức”. Nhân vật nhạc sĩ Đỗ Nhuận được tác giả “trồng” trên một cái nền rộng lớn và vững chãi – “nhân vật tập thể” Nhân dân. Trên cái nền mang tầm kích toàn cảnh (panorama), với âm hưởng sử thi-lãng mạn này xuất hiện “người người lớp lớp” tham gia kháng chiến với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là lực lượng vĩ đại nhân dân, bộ đội, dân công, thanh niên xung phong. Tất cả hướng về tiền tuyến, tất cả vì thắng lợi cuối cùng, vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Mỗi người dân là một chiến sĩ. Riêng đối với các văn nghệ sĩ thì họ thực hành nghề nghiệp với tinh thần “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Với nhạc sĩ Đỗ Nhuận thì cây đàn và cây súng liền kề nhau. Với người nghệ sĩ chân chính thì văn học, nghệ thuật không bao giờ là “trò chơi vô tăm tích” như quan niệm cực đoan của một nhà văn gần đây phát tán và được một số ít nhà văn tán dương.

   3. Kết luận

   Lịch sử hai cuộc kháng chiến trường kỳ mười nghìn ngày (1945-1975) chống Pháp và Mĩ đã ghi lại những chiến thắng “Điện Biên Phủ trên đất” (1954), chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (1972). Lịch sử luôn có những bước ngoặt bất ngờ. Liệu lịch sử có trùng hợp một chiến thắng “Điện Biên Phủ trên biển” trong tương lai (?!). Câu trả lời dành cho các thế hệ tương lai đang nỗ lực xây dựng và bảo vệ một nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh, dân chủ và văn minh. Văn hóa cứu quốc và văn hóa kiến quốc hơn bao giờ hết đang hòa âm nhịp nhàng, sôi nổi và khẩn trương, gọi văn học, nghệ thuật nhập cuộc đồng hành cùng đất nước, nhân dân, như những câu thơ nồng nàn của thi sĩ Xuân Diệu: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao” (Những đêm hành quân).

   Tháng 11/2019, đoàn nhà văn Việt Nam (gồm nhà thơ Bằng Việt và nhà văn Bùi Việt Thắng) tham dự Hội thảo quốc tế do Hội Nhà văn Á - Phi - Mĩ Latinh tổ chức tại Islamabad (Thủ đô nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan) với chủ đề Điểm gặp thẩm mĩ giữa truyền thống và hiện đại, với sự tham gia của 11 nước. Ở hành lang Hội nghị, trong gặp gỡ và giao lưu, những câu tiếng Việt không cần phiên dịch vang lên thắm thiết, hữu ái: “Việt Nam - Hồ Chí Mình”, “Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp”. Khoảnh khắc đó, nếu là người Việt Nam thì không thể không tự hào và xúc động.

 

 

 

Chú thích:
1 Tố Hữu (2000), Nhớ lại một thời (Hồi ký), NXB Hội Nhà văn.

Bình luận

    Chưa có bình luận