Thực dân Pháp sau những lần thất bại lần lượt tại các chiến dịch Việt Bắc, Biên giới, Đông Xuân đã quy tụ quân, hỏa lực lại vào một tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bất khả xâm phạm và trấn thủ một vùng rộng lớn của Tây Bắc. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm 16.200 quân địch, 17 tiểu đoàn bộ binh lính dù, 3 tiểu đoàn pháo binh. Cùng với các quân chủng trên là hàng chục máy bay ngày đêm quần thảo trên đất Điện Biên. Tướng Nava tự hào về sức mạnh của Điện Biên Phủ.
Bộ chỉ huy quân đội Việt Nam ra lệnh 17 giờ ngày 13/3/1954 tiến công. Từ đồi Him Lam cho đến cao điểm cuối cùng đồi A1 lần lượt bị tiến công trong suốt 56 ngày đêm – một chiến dịch lớn nhất, ác liệt nhất, dài ngày nhất. Kết quả, 1.766 sĩ quan và hạ sĩ quan địch bị tiêu diệt và bắt sống, trong đó có tướng De Castries, 10 đại tá, 57 máy bay bị bắn hạ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thất trận quá đau xót, Chính phủ Pháp, Quốc hội Pháp treo cờ rủ quốc tang. Để chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân ta dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hồ Chủ tịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã huy động một lực lượng khổng lồ với 55 nghìn quân, 250 nghìn dân công tiền tuyến từ các tỉnh Miền Trung, Miền Bắc, đặc biệt là dân công Thanh Hóa.
Trong một lần về thăm Thanh Hóa, Hồ Chủ tịch có nhắc đến anh lính Điện Biên Tô Vĩnh Diện và dân công Thanh Hóa. Những chiếc xe đạp thồ mảnh mai được gia cố có khả năng chở được đến vài tạ gạo, kỳ tích chưa từng có của sức người, sức sáng tạo. Trước một chiến dịch lớn lao như thế, lực lượng văn hóa báo chí, văn nghệ đã đóng góp như thế nào? Nhà thơ Tố Hữu viết:
“Tiếng reo núi vọng sông rền
Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ”.
Và Người đã tiếp nhận tin chiến thắng, niềm vui lớn với tất cả tấm lòng hoan nghênh, đồng cảm với quân dân qua bài thơ Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Bài thơ viết theo lối kể chuyện hai tuyến, một là ca ngợi quân dân với chiến công vĩ đại và hai là nói về kẻ địch với cách miêu tả chân thực pha chút châm biếm. Về bên ta:
“Bộ đội dân công quyết một lòng
Xẻ non đáp suối vượt qua sông
Khắc phục khó khăn và hiểm trở
Đánh cho giặc tan mới hả dạ
Lặng lẽ chuẩn bị suốt tháng ngày
Không quản gian khổ và đắng cay
Quyết tâm làm cho tròn nhiệm vụ”.
Và với kẻ địch:
“Chúng khoe rằng: “Kế hoạch Nava
Thật là mạnh dạn và tài hoa
Phen này Việt Minh phải biết tay
Quan thầy Mĩ thì vui lòng thay!”.
Các báo phản động khắp thế giới
Inh ỏi tâng bốc Nava tới.
[…]
“Mình có thầy Mĩ lo cung cấp
Máy bay cao cao, xe tăng thấp
Lại có Nava cùng Cônhi
Những tay tướng giỏi nắm chỉ huy
Chúng mình chuyến này nhất định thắng
Việt Minh ắt thua chạy quýnh cẳng””.
Kết quả là giặc Pháp thua thảm hại. Một vạn sáu ngàn tên giặc bị bắt và bị tiêu diệt. De Castries và tướng tá đầu hàng.
Đáp lại lời kêu gọi của Tổ quốc, của chiến dịch quân dân anh hùng đang làm nên sự nghiệp lớn, lực lượng các nhà văn hóa, nhà báo, văn nghệ sĩ đã có mặt.
Trước tiên phải kể đến các nhà báo, lực lượng xung kích vào trận. 70 năm đã trôi qua, những sự kiện lớn, những tấm gương anh hùng, điều gì đã được ghi lại? Nhà báo Trần Kư – phóng viên của Báo Quân đội nhân dân đã có bản hồi ký sâu sắc, chân thực, bao quát về làm báo, làm văn ở Điện Biên Phủ. Hồi ký của ông được viết vào năm 1990 trong tập Thời gian và nhân chứng gồm hồi ký của 43 nhà báo tiêu biểu thế kỷ XX. Hồi ký viết 46 năm sau khi xảy ra sự kiện. May mắn sự minh mẫn và trí nhớ của nhà báo đã đem lại cho bạn đọc hôm nay bức tranh chân thực, sinh động về sự kiện lịch sử này trên mặt trận báo chí văn nghệ.
Chiến trường Điện Biên Phủ đã họp mặt khá đông đủ các nhà báo của Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Việt Nam thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam. Các nhà báo có tên tuổi như Thép Mới, Nguyễn Khắc Tiến, Trần Kư, Phú Bằng. Anh Trần Kư cho biết là Thép Mới và Nguyễn Đình Thi là người viết nhiều, viết đều cho báo chí. Nhiều nhà văn cũng có mặt, vừa làm công việc của phóng viên báo chí vừa là tác giả văn học ghi chép, tổ chức những sáng tác văn chương có tầm vóc lớn. Nhà báo Trần Kư viết: “Phần lớn những cộng tác viên ở những đơn vị tham chiến Điện Biên Phủ hồi đó sau này đều thành nhà báo, nhà văn có tên tuổi cả, như: Chính Hữu, Hữu Mai, Hồ Phương, Phác Văn, Tạ Hữu Thiện, Tạ Hữu Yên, Ngọc Bằng, Nguyễn Trần Thiết, Lục Văn Thao, Đỗ Chỉ”1. Trong các nhà văn, nhà báo trên có những người hăng say viết tại trận, viết kịp thời qua các loại bút ký thời sự. Có những nhà văn muốn xây dựng các bộ tiểu thuyết về chiến trường Điện Biên Phủ. Nhà văn Hữu Mai với Cao điểm cuối cùng. Trần Dần với Người người lớp lớp. Trước một chiến dịch lịch sử quá lớn, quá ác liệt diễn ra, nhân chứng không dễ có được một cốt truyện, những câu chuyện thích hợp vừa bao quát lại vừa chân thực, cụ thể. Nhà văn Nguyễn Đình Thi cũng ấp ủ tìm hiểu, nghiên cứu, thu thập tư liệu, kinh nghiệm cho cuốn tiểu thuyết lớn mà nhiều năm sau ông vẫn xem là món nợ lớn của cuộc đời, của văn chương mà cho đến khi ra đi vẫn không trả được.
Chiến dịch Điện Biên Phủ hấp dẫn với tất cả các thể loại nghệ thuật, với các nghệ sĩ điện ảnh, âm nhạc… Một bộ phim thời sự về Điện Biên Phủ đã sớm được ra mắt. Bản nhạc của Đỗ Nhuận với những câu mở đầu vui tươi đầy hào khí của những người chiến thắng: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui”…
Về thơ ca, phải nói tới sáng tác Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu, một bài thơ sáng giá (mang tầm vóc của chiến trường). Nhà thơ Tố Hữu không có mặt ở Điện Biên Phủ nhưng hồn thơ như đã nhập, đã theo dõi các trận đánh, cảm phục những người anh hùng, ngợi ca huyền thoại của Điện Biên Phủ. Mở đầu là báo tin, hỏa tốc. Hỏa tốc theo cách của dân gian đồng bào vùng cao: “Hỏa tốc, hỏa tốc/ Ngựa bay lên dốc/ Đuốc chạy sáng rừng/ Loa kêu từng cửa/ Làng bản đỏ đèn đỏ lửa”… đón tin vui. Nhà thơ Tố Hữu ca ngợi chiến công của các chiến sĩ anh hùng Điện Biên Phủ:
“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn”.
Nhà thơ Tố Hữu đã vinh danh những anh hùng của Điện Biên Phủ, những người chiến sĩ đối diện với kẻ thù, với cái chết, sẵn sàng hi sinh và thực sự đã hi sinh trước mũi tên hòn đạn của kẻ thù để bảo vệ đồng đội, bảo vệ chiến thắng. Đó là các anh Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện với những chiến công kỳ diệu:
“Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai...
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân nhắm mắt còn ôm”.
Và còn biết bao các anh chị hữu danh, vô danh trên các trận tuyến đã không quản gian lao quên mình cho chiến dịch. Tố Hữu ngợi ca và nâng tầm lịch sử của chiến thắng:
“Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực
Trê nđất nước, như huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng”.
Chiến thắng mang tầm quốc tế, chấn động địa cầu. Không có mặt trong cuộc chiến mà nhà thơ viết chân thực, hào hùng như thế là tài giỏi.
Và đây là người trong cuộc với hai bài thơ. Một như nung trong lửa thép của cuộc chiến đấu và tình yêu cái đẹp lại lên ngôi của nhà thơ Nguyễn Đình Thi:
“Đất trời mờ sắt thép
Chớp giật xé ngày đêm
Lửa ào ào bùng cuộn
Lấp những đồi cháy đen
A một và C một
Quần nát từng chiến hào
Lăn vào trong bụi đất
Ta quên hết sớm chiều
Mưa rơi bùn lõng bõng
Bùn chảy lẫn máu tươi
Mắt anh đen khói đạn
Bỗng nhoẻn ra nụ cười”.
Chiến trường ác liệt diễn ra trong gần hai tháng trời. Bài thơ của Nguyễn Đình Thi là sự đặc tả của người trong cuộc, gây ấn tượng mạnh mẽ, chân thực. Và đây là khuôn mặt, bộ mặt của kẻ đầu hàng:
“Những gò má râu ria
Những hốc mắt lấm lét
Bọn sĩ quan thất thểu
Lính từng đoàn xin ăn”.
Chiến tranh kết thúc thắng lợi, cuộc sống trở lại thanh bình. Nguyễn Đình Thi lại có một ca khúc trữ tình:
“Sáng nay giữa Điện Biên dữ dội
Những chiến hào bỗng thấy mùa xuân
Ô, lạ khắp mặt đồi đen trụi
Hoa nghệ xôn xao nở tím hồng
Anh ngắt đóa hoa đồng tươi nhỏ
Dành cho em ở cuối trời xa
Em ạ, dù trong cơn bão lửa
Tình yêu không ngừng vẫn nở hoa”.
Chú thích:
1 Hà Minh Đức (Chủ biên, 2023), “Trần Kư làm báo ở Điện Biên”, trong Thời gian và Nhân chứng (Hồi ký của các nhà báo), Tập I, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, tr. 111.