BÀI CA LỚN VỀ MỘT CON NGUỜI VĨ ĐẠI

Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh nhật Bác, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ''lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'', lyluanphebinh.vn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số bài viết của các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình về Bác, về chiến thắng Điện Biên Phủ như lời tri ân sâu sắc tới Bác Hồ kính yêu và đồng bào chiến sĩ đã ngã xuống trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

   Từ Việt Bắc về Hà Nội là tập 3 của bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm (gồm 5 tập). Bộ tiểu thuyết khắc họa hình tượng Hồ Chí Minh, con đường Hồ Chí Minh và thời đại Hồ Chí Minh. Và đấy chính là con đường của dân tộc Việt Nam để làm nên một thời đại, một lịch sử kỳ vĩ trong lịch sử vẻ vang hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Mọi chặng đường của Hồ Chí Minh bước đi cùng dân tộc là một bản tráng ca bất hủ của lịch sử Việt Nam thế kỷ XX. Hình ảnh một ông già bình dị và khắc khổ trở về Tổ quốc sau mấy chục năm xa cách đã được nhà văn Nguyễn Thế Kỷ khắc họa một cách dung dị, xúc động khôn cùng và thật kỳ vĩ.

   Con đường trở về của Hồ Chí Minh là con đường trở về của một người con xa xứ, một người yêu nước đi tìm đường cứu nước chứ không phải là một ông vua, càng không phải là của một vị thánh. Chỉ với cách trở về ấy thì Hồ Chí Minh mới trở thành một vĩ nhân luôn được yêu kính và gần gũi, mới sống mãi mãi trong trái tim của người Việt Nam ở mọi thế hệ. Chỉ điều đó thôi, tôi đã thấy sự thành công của nhà văn. Bởi những trang viết mà tôi đọc đã cho tôi cảm giác chính tôi là một nhân chứng của những năm tháng ấy. Tôi mang cảm giác tôi đã sống trong đói rét, thiếu thốn, giá lạnh ở những cánh rừng Cao Bằng, Tuyên Quang; đã nghe được những cơn ho của Người, đã chạm tay vào vầng trán nóng bỏng của Người bởi cơn sốt; đã nhìn thấy Người thức giấc trong những đêm giá lạnh ở Pác Bó, ở Nà Nưa, ở trong chốn lao tù của Tưởng Giới Thạch khi nghĩ về đất nước. Nghĩa là, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã làm cho những năm tháng của con người Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam sống lại bằng cách kể của mình và người đọc như được tham dự hay được sống trong quãng thời gian ấy với chính vĩ nhân của mình. Một tác phẩm văn học viết về lịch sử cùng với những nhân vật của lịch sử ấy vừa chứa đựng những sự kiện, những bước ngoặt của lịch sử đồng thời làm sống lại lịch sử đó ở bất cứ thời gian nào hay thời đại nào trong tương lai.

   Hồ Chí Minh là một nhân vật của lịch sử hiện đại. Bởi vậy tư liệu về Hồ Chí Minh là vô cùng phong phú, có tính xác thực cao, đặc biệt là giai đoạn từ khi Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc lãnh đạo cách mạng cho tới ngày Người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập cho một dân tộc đã chìm đắm trong nô lệ của chế độ thực dân, phong kiến ngót trăm năm. Nguồn tư liệu phong phú đã giúp tác giả khai thác, đối chiếu khi viết về Người và Cách mạng Việt Nam. Đây là một thuận lợi rất lớn nhưng đồng thời là một thách thức không hề nhỏ đối với nhà văn. Có ba thách thức mà nếu nhà văn không vượt qua được, hiển nhiên, sẽ rơi vào thất bại. Thách thức thứ nhất là lựa chọn các nhân vật, sự kiện, câu chuyện của Hồ Chí Minh, của lịch sử đất nước Việt Nam và thế giới trong giai đoạn Hồ Chí Minh lãnh đạo đất nước. Nếu không có khả năng lựa chọn và nối kết tư liệu, không có khả năng đời sống hóa tư liệu, nhà văn có nguy cơ trở thành một người chép lại chính sử một cách máy móc và do đó ít hiệu quả. Thách thức thứ hai là nghệ thuật hóa các nhân vật, sự kiện và các câu chuyện liên quan đến nhân vật lịch sử mà nhà văn tạo dựng. Thách thức thứ ba là “đời thường hóa” một vĩ nhân. Đặc biệt con người Hồ Chí Minh bao gồm: người yêu nước vĩ đại, nhà cách mạng lỗi lạc, danh nhân văn hóa thế giới kiệt xuất, đồng thời là một con người đúng nghĩa với toàn bộ vẻ đẹp chân chính và lôi cuốn. Đây là tiểu thuyết, vì vậy hư cấu là một yếu tố vô cùng quan trọng để làm nên tác phẩm. Trong tập 1 và tập 2, nhà văn Nguyễn Thể Kỷ đã thấu hiểu điều mình phải làm. Bởi thế ông đã đi qua được cả ba thách thức nói trên.

   “Đời thường hóa” một vĩ nhân trong tác phẩm của mình là công việc khó khăn nhất của nhà văn. Mọi chi tiết trong cuộc sống “đời thường” của Hồ Chí Minh phải chứa đựng những sinh hoạt thường nhật của một con người, vừa làm hiển lộ tư thế sống và tư tưởng của một vĩ nhân trong một cuộc sống chân thực, bình dị mà xúc động. Quả thực, mỗi khi đọc những đoạn văn viết về những điều đó, tôi giống người quan sát Nguyễn Thế Kỷ đang đi trên dây giữa hai tòà nhà. Mọi nguy hiểm có thể ập đến. Một cử chỉ, một câu nói, một suy nghĩ, những trạng thái cảm xúc, kể cả một bữa ăn hay một bộ quần áo của nhân vật nếu không “chính xác” sẽ làm lu mờ hình ảnh của nhân vật mà nhà văn đang xây dựng, đặc biệt là một nhân vật lịch sử như Hồ Chí Minh. Nhưng nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã đi qua.

   Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chọn lựa một giai đoạn vô cùng quan trọng của Cách mạng Việt Nam trong những năm đầu tiên Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc đến khi Người cùng nhân dân mình, đồng chí của mình trở về Thủ đô Hà Nội. Đấy là một giai đoạn vô cùng khó khăn của Cách mạng Việt Nam và cũng là giai đoạn có tính sống còn của cả dân tộc. Nhưng với khát vọng lớn lao cho nền độc lập của dân tộc, với ý chí không gì lay chuyển, với sự thấu hiểu nhân dân, thấu hiểu xu thế và những diễn biến trong nước và thế giới, Hồ Chí Minh đã mang đến cho dân tộc một tinh thần bất diệt và một con đường sáng để đi tới độc lập, tự do. Tôi vừa đọc vừa lo sợ rằng: tư liệu về giai đoạn lịch sử này dễ trở thành một “ma trận” đối với một nhà văn. Nhưng càng đọc tôi càng thấy hiện lên một con người gầy nhỏ, đôi mắt rực sáng, nụ cười đôn hậu sống giữa rừng núi đầy đói rét và sự săn lùng khốc liệt của kẻ thủ. Con người ấy đại diện cho khát vọng và ý chí của cả dân tộc và nhân loại tiến bộ. Nhưng điều mà tôi muốn nói khi đọc cuốn sách này là tôi thấy hiện lên trong từng trang sách một con người bình di, gần gũi như một người ruột thịt của mình, một nhà hiền triết đầy cốt cách và thẳm sâu tư tưởng phương Đông, một lãnh tụ cách mạng lỗi lạc và giản dị. Bao trùm lên tất cả, là một con người mang trong trái tim mình tình yêu thương con người vô tận và dâng hiến tất cả đời mình cho tình yêu thương ấy.

   Trong cái ngày kỳ vĩ của dân tộc, ngày mà Hồ Chí Minh tuyên bố với toàn thế giới về một nước Việt Nam độc lập, tự do, Người đã dừng lại và cất tiếng: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” thì tất cả đã oà khóc trong trái tim mình. Câu hỏi đó hay hành động đó chỉ có thể sinh ra từ một vị thánh cao đẹp mà lão thực, gần gũi. Chỉ có một vị thánh như vậy mới nghĩ đến điều ấy và làm điều ấy bằng một cách không thể giản dị và chân thành hơn. Là người dân Việt Nam, ai cũng biết câu chuyện đó. Nhưng nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã biết cách làm “chậm” lại tất cả khi viết về sự kiện lịch sử vĩ đại này. Nhà văn làm cho tất cả như tĩnh lặng đến tận cùng trong tâm hồn của cả dân tộc để câu nói ấy của Hồ Chí Minh vang lên và chiếu rọi toàn bộ trái tim vĩ đại của Người và lan toả vào đời sống nhân dân và lịch sử dân tộc.

   Tập 3 Từ Việt Bắc về Hà Nội của bộ tiểu thuyết Nước non vạn dặm thành công bởi tập 1 và tập 2 đã thành công. Nếu nhân vật chính của bộ tiểu thuyết không có một tuổi thơ và những ngày trai trẻ đầy phong phú và biến động như ở tập 1 Nợ nước non thì sẽ không có một người thanh niên yêu nước với một giấc mơ lớn lao mang tên Nguyễn Tất Thành những tháng năm Lênh đênh bốn biển với bao gian nan, thách thức và tình yêu Tổ quốc vô bờ, và cũng không có một con người mang tên Nguyễn Ái Quốc. Và nếu không có sự trở về và sự dâng hiến tất cả cho đồng bào mình, cho Tổ quốc mình thì cũng không có một vĩ nhân mang tên Hồ Chí Minh. Bộ tiểu thuyết 5 tập, đã hoàn thành 3 tập (từ 1890-1945) là một con đường sáng tạo với rất nhiều thách thức của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ để dựng lên con đường của một vĩ nhân và của dân tộc mình. Càng đọc các tư liệu về Hồ Chí Minh, càng hiểu cuộc đời của Hồ Chí Minh thì tôi càng nhận ra sự khó khăn và sự thành công trong sáng tạo một tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ về Hồ Chí Minh. Bộ tiểu thuyết 5 tập Nước non vạn dặm sẽ còn đến với chúng ta tới đây qua hai giai đoạn lịch sử của dân tộc và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Hồ Chí Minh: 1946-1954 và 1955-1969. Đó là một bài ca lớn về một con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam - CON NGƯỜI HỒ CHÍ MINH.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận