Trên phương diện đề tài, chủ đề, cảm hứng… văn học viết về chiến tranh cách mạng là một bộ phận lớn, quan trọng, cấu thành nên nền văn chương Việt Nam. Nhìn lại lịch sử văn học hiện đại Việt Nam, ở mặt tiền của nó vẫn là những tác giả, tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng. Tuy nhiên, có một thực trạng diễn ra sau khi chiến tranh kết thúc, nhất là khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, đó là văn học chiến tranh dần giảm đi sức hút đối với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Nguyên nhân nào dẫn đến điều đó? Đồng thời, để dòng văn học này trở lại, đến gần hơn với công chúng, cần phải làm gì?
Sức hấp dẫn của văn học viết về chiến tranh cách mạng bị giảm sút có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân chủ yếu, quyết định đến cấu trúc của hệ đề tài văn học đương đại chính là sự nới giãn trường nhìn và mối bận tâm của con người trước đời sống xã hội. Cuộc sống thời hậu chiến đã đặt con người vào muôn vàn câu chuyện, gắn chặt với cá nhân, đời tư, thế sự. Cảm hứng lớn mang tầm vóc sử thi gắn với vận mệnh của quốc gia dân tộc cũng quan trọng như những biến cố của đời sống riêng tư, cá thể. Vì thế, văn chương tự thấy mình phải đi sâu hơn, mở rộng hơn vào những địa hạt đã một thời bị gác lại, một thời phải nhường cho những câu chuyện lớn. Đổi mới, mở rộng, tự do và dân chủ hóa đã tạo đà cho văn chương nghệ thuật tiến đến các không gian phản ánh mới. Trên phương diện nguyên lý, văn học trở về ngôi nhà bản thể của mình (một hình thái ý thức xã hội đặc thù) với sứ mệnh phụng sự các giá trị thẩm mĩ. Văn học, nghệ thuật hậu chiến đã tiến hành song song hai quá trình: một là, nỗ lực chiếm lĩnh thực tại mới; hai là, tái nhận thức, tái diễn giải thực tại cũ. Cùng với đó, hình thức nghệ thuật cũng đa dạng hơn với các phương thức biểu đạt sinh động, phù hợp với cảm quan của con người hậu chiến. Bản thân văn học viết về chiến tranh cũng có những bước chuyển khi lặng lẽ, âm ỉ từ trước giải phóng, đến mãnh liệt sau ngày đất nước thống nhất. Chiến tranh lúc này gắn với những biến cố, những câu chuyện cá nhân, thân phận con người, những bi kịch và di chứng của nó. Vẫn mang âm hưởng hào hùng, nhưng xen lẫn dòng cảm hứng đó là nỗi đau, cái chết, những bi thương của dân tộc, thân phận, những điều mất đi và cả những gì còn lại đầy ám ảnh. Trong một loạt tác phẩm như Thời xa vắng, Nỗi buồn chiến tranh, Mùa chim én bay, Ăn mày dĩ vãng, Vòng tròn bội bạc, Thời của thánh thần, Bến không chồng, Bến đò xưa lặng lẽ, Miền hoang, Mình và họ, Xác phàm, Con chim Joong bay từ A đến Z, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (tiểu thuyết), Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau, Tướng về hưu, Người sót lại của rừng cười, Mặt trời bé con của tôi, Mười ba bến nước, Nhiệt đới gió mùa, Âm thanh của ký ức, Sóng gió Ô Cấp, Những bóng người trên mặt đất, Đỉnh khói (truyện ngắn)… có thể nhận ra sự dịch chuyển quan trọng có tính xu hướng của văn học viết về chiến tranh. Ở đó, số phận con người trước biến cố chiến tranh hằn lên bởi biết bao đau thương và mất mát. Chiến tranh trở thành một bi kịch của thời đại, của dân tộc và của mỗi cá nhân. Phải thật khách quan để nhìn nhận rằng, vì nhiệm vụ chính trị, để trở thành “một nền văn nghệ tiên phong chống đế quốc”, văn học đã gác lại nhiều phẩm tính đặc trưng của mình. Ở phương diện đề tài, cảm hứng và phương thức thể hiện, văn học sử thi hướng đến các phạm trù chung của hệ giá trị dân tộc – trong tình thế đối đầu với kẻ thù xâm lược, cần phải chiến đấu và chiến thắng. Dẫu sao, những tác phẩm vừa nêu cũng đã để lại dấu ấn quan trọng, nằm ở phía mặt tiền của đời sống văn học đương đại, trở thành một di sản của lịch sử văn chương (chưa hoàn kết). Tuy nhiên, như đã nói, so với sức hút mãnh liệt của các đề tài khác như đời sống hiện đại, giới trẻ, tình yêu, các khuynh hướng xã hội, các trào lưu mang tính giải trí, làm ăn buôn bán, hội nhập, mở cửa, toàn cầu hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ… dòng văn học viết về chiến tranh quả thực chưa sôi nổi bằng.
Văn chương nghệ thuật chú ý nhiều hơn đến những mảng hiện thực bên ngoài chiến tranh là một tất yếu của lịch sử xã hội Việt Nam thời bình. Lý do của nó không gì khác chính là mối bận tâm thường trực của cộng đồng. Họ có nhiều điều phải nghĩ, phải làm, phải đối diện hơn trong cuộc sống hiện tại. Chính xác, họ bị cuốn đi trong dòng chảy hối hả của đời sống. Hệ quả của nó là họ không còn thời gian cho quá khứ, cho những ký ức bi tráng. Không phải họ lãng quên mà đó là quy luật tất yếu của cuộc sống đương đại, vốn phức tạp, vị kỷ và không kém phần đỏng đảnh… Đặc biệt, như đã nói ở trên, một khi văn học, nghệ thuật trở lại với yếu tính của mình thì những đòi hỏi khác (không thuộc về yếu tính) sẽ dần bị khuất lấp. Kinh tế thị trường cùng với áp lực mưu sinh và vô vàn những bận tâm cốt thiết khác đã kéo con người khỏi vùng ký ức chiến tranh. Một phần khác, có lẽ là ứng xử của chính những người đi qua chiến tranh – họ muốn lịch sử tạm nguôi ngoai đi để các vết thương cơ hồ có thể liền sẹo. Tuy nhiên, dù thế nào, đặt trong cấu trúc văn học đương đại, diễn ngôn chiến tranh đã có phần bị lấn át trước các mảng đề tài khác. Bạn đọc xem ra cũng không mặn mà với dòng văn học này. Trong số công chúng của văn học, giới trẻ dường như là điển hình nhất cho việc rời xa đề tài, cảm hứng chiến tranh.
Làm sao để văn học viết về chiến tranh đến gần hơn với công chúng, nhất là giới trẻ? Câu hỏi này có lẽ là nỗi bận tâm đau đáu của hầu hết các nhà văn viết về mảng đề tài này. Từ góc độ quan sát của mình, với những biểu hiện khi trên diện rộng, khi chú tâm vào một vài tiêu điểm, chúng tôi nhận thấy một vài động thái cần thiết sau đây:
Văn học viết về chiến tranh phải thay đổi góc nhìn, điểm nhìn để tiệm cận với những câu chuyện của chiến tranh và đời sống. Có thể thấy rõ, một bộ phận độc giả vẫn cho rằng, văn học viết về chiến tranh vẫn là câu chuyện cũ, với những cuộc hành quân, những trận đánh lớn nhỏ, bom đạn, súng ống, cái chết, phe ta, phe địch, ta thắng, địch thua… Văn học viết về chiến tranh trong bối cảnh đương đại cần đến gần hơn để nhận ra thân phận con người, thân phận dân tộc trong cuộc chiến ấy. Không chỉ là bom đạn, những trận đánh, những cuộc hành quân, mà đó là hơi thở của đất, của rừng, của người, của làng quê và thành thị, của người nơi tiền tuyến hay kẻ ở hậu phương, của ký ức và lịch sử, của thân phận và diện mạo, cá nhân, gia đình và thế hệ, của các giá trị nhân văn, những còn mất khi đi qua chiến tranh, những di chứng, dư âm của cuộc chiến… Từ cuộc chiến ấy, văn học giúp con người hậu chiến nhận ra giá trị của tồn tại, giá trị của hòa bình, những điều có thể đánh đổi và những gì không thể đánh đổi. Tại sao Nỗi buồn chiến tranh cho đến giờ vẫn là tượng đài của văn học Việt Nam viết về chiến tranh thời hậu chiến? Có lẽ, một câu trả lời quan trọng chính là tác phẩm chạm đến những giá trị nhân văn, nhân bản phổ quát của con người khi đối diện và đi qua chiến tranh, muôn nơi - muôn thuở (chiến tranh có lẽ là một trong những biến cố dai dẳng nhất của xã hội loài người). Tình thế của con người hậu chiến quy định cái nhìn của họ đối với thực tại, quá khứ và cả những dự phóng ở tương lai. Sẽ thật khó đòi hỏi một đứa trẻ rời xa màn hình ti vi, máy tính, máy điện thoại, ipad… để tập trung vào một cuốn sách viết về cuộc chiến tranh mà nó ngỡ chỉ có trong thần thoại. Với người lớn cũng vậy, những bận bịu của đời sống ngay thì hiện tại, những đòi hỏi trực diện của bản thể đã xếp việc đọc sách, đọc tác phẩm văn học, đọc văn học chiến tranh vào những lựa chọn thứ yếu. Tuy nhiên, sự thay đổi điểm nhìn của văn học, chiếm lĩnh thực tại chiến tranh bằng con mắt bên trong, phía bên kia hay mặt sau của những thực tại đời sống và thân phận dường như vẫn mang được hơi thở đầy đặn của đời sống. Từ Thời xa vắng của Lê Lựu, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Bến không chồng của Dương Hướng đến Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường), Mình và họ (Nguyễn Bình Phương)… chiến tranh đã được nhìn khác đi xoay quanh cái trục cốt yếu nhất là thân phận, diện mạo con người.
Cùng với việc tiếp cận ở những góc độ khác, gần hơn, thực hơn, là việc thay đổi phương thức phản ánh, phương thức thể hiện. Có thể nhận ra, văn học sử thi thời chiến vẫn lấy mô hình phản ánh hiện thực xã hội chủ nghĩa, lấy cảm hứng hào hùng, giọng điệu ngợi ca – tôn vinh, lấy cơ chế nêu gương - điển hình hóa, hình tượng kỳ vĩ, ngôn ngữ khắc tạc, màu sắc chói sáng rực rỡ, tinh thần lạc quan cách mạng… làm “nguyên lý mĩ học” chung cho văn học (xin xem thêm bài viết của TS Chu Văn Sơn, “Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai?” in trong: Thế hệ nhà văn sau 1975: diện mạo và thành tựu, NXB Hội Nhà văn, 2016). Cách làm ấy sẽ ít hiệu quả trong bối cảnh văn học đương đại bởi chính đặc tính phức tạp, bề bộn, “đa khả thể” của đời sống. Đến gần hơn với thế sự, đời tư nghĩa là phải giảm đi khoảng cách sử thi, cảm hứng sử thi, để nói bằng lời nói hàng ngày, về những câu chuyện hàng ngày, trong đó có câu chuyện chiến tranh. Một luận điểm khá quen thuộc với nhiều người trong giới cầm bút – sáng tác, phê bình, nghiên cứu, đó là văn học hậu chiến thay vì kể cái gì đã lưu ý hơn đến việc kể như thế nào. Chính xác đó là câu chuyện biểu đạt. Chiến tranh có thể chỉ là cái cớ, là sự khơi mào hay một mạch truyện trong cấu trúc nghệ thuật. Cũng có khi, chiến tranh giữ vai trò là một biến cố, một hạt nhân định hình thế giới nghệ thuật, thế giới truyện kể. Nhưng thế giới đó đã diễn biến theo một cấu trúc vô cùng phức tạp, đa nghĩa, cũng có khi là trào tiếu hay phúng dụ, giải thiêng hay tái nhận thức, liên văn bản, liên văn hóa, liên chủ thể… Phương thức phản ánh của văn học hậu chiến đã khơi dậy tinh thần chủ thể trong các hoạt động sáng tạo. Bởi thế, khi chủ thể là con người đương đại, thì “cảm niệm về thực tại” (Chu Văn Sơn) của anh ta đã khác rất nhiều so với thế hệ nhà văn chiến sĩ của giai đoạn trước. Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương chẳng thể viết giống Nguyễn Minh Châu, cũng như Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Hòa, Trịnh Sơn, Huỳnh Trọng Khang, Trần Thị Tú Ngọc, Nguyệt Chu, Minh Moon… hẳn sẽ mang tâm thế khác các bậc cha chú khi tiếp cận và biểu hiện về đề tài chiến tranh.
Văn học của chúng ta đã có giai đoạn thể hiện chiến tranh một cách hào hùng, đậm màu sắc sử thi trên bình diện rộng lớn mang tầm vóc quốc gia, dân tộc. Như quy luật bù trừ, khi cuộc chiến đi qua, khi con người có thời gian để ngẫm lại quá khứ, soi chiếu quá khứ một cách kỹ lưỡng hơn, những góc khuất, những điều bình dị, bé nhỏ, những gì đã từng bị lãng quên trong chiến tranh cần được nhìn nhận trở lại. Bên cạnh đó, cũng cần phải thấy rằng, chiến tranh là một câu chuyện của quá khứ nhưng chưa khép lại, nó vẫn hiện diện trong đời sống hôm nay. Vì thế, viết về chiến tranh không thể tách rời những vận động của xã hội đương đại. Nghĩa là, chiến tranh đang tham dự vào việc kiến tạo nên diện mạo, thân phận của con người đương đại, đang đi cùng những câu chuyện thế sự đời tư hôm nay. Con người đương đại, nhất là giới trẻ sẽ không thấy xa lạ với những câu chuyện chiến tranh nếu họ nhận ra rằng sự hiện diện của họ là kết quả của một Việt Nam đira từ cuộc chiến, đira từ những năm tháng đau thương mà kiêu hãnh. Lý tưởng, niềm tin hay khát vọng sẽ được kiến tạo, được định hình thế nào ở giới trẻ có một phần rất quan trọng từ việc họ ý thức được quá khứ đã can dự đến sinh mệnh, thân phận của họ. Từ đó, di sản chiến tranh sẽ chi phối đến thái độ và sự lựa chọn của giới trẻ. Cơ hội của văn học viết về chiến tranh nằm ở đấy, trong những động thái chủ động đến gần hơn với cấu trúc tâm lý, tinh thần của con người đương đại. Trong một cảm giác có tính chủ quan, tôi cho rằng, thế hệ trẻ hôm nay có thể sẽ thấy bóng dáng của mình trong Đợi đến lượt của Đinh Phương, Mộ phần tuổi trẻ của Huỳnh Trọng Khang, Hạt hòa bình của Minh Moon… Bởi lẽ, họ – những người trẻ tuổi – đang cùng nhau hít thở trong sinh quyển đương đại và trình bày cảm nhận của mình về chiến tranh theo cách mà họ hình dung.
Văn học viết về đề tài chiến tranh có lợi thế từ quá khứ, là ký ức của cả dân tộc. Trong tình thế hiện tại, việc giảm sút sức lôi cuốn, hấp dẫn là một thực trạng. Để lấy lại sự yêu mến, gần gũi, quan tâm của người đọc, không gì khác là phải tự thay đổi, tiệm cận hơn các giá trị thực hữu của đương đại. Từ chiến tranh, thông qua chiến tranh, nhà văn viết tiếp những câu chuyện của đời sống, đó là một con đường để đến với bạn đọc, nhất là giới trẻ hôm nay.