Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mĩ và các cuộc chiến tranh biên giới của thế kỷ XX, chúng ta không có sự vượt trội về sức mạnh vật chất nhưng chúng ta lại luôn là người chiến thắng, cho dù chiến thắng ấy có phải đánh đổi bằng rất nhiều máu xương của nhiều thế hệ. Dù rằng chúng ta nhận được nhiều sự quan tâm động viên, giúp đỡ về cả vật chất và tinh thần của bạn bè quốc tế nhưng những giúp đỡ ấy thật khó để khỏa lấp những chênh lệch, mất mát. Nghĩa là chúng ta vẫn phải tiến hành các cuộc chiến tranh cách mạng với việc dựa vào sức mình là chính. Và một trong những yếu tố “sức mình” ấy chính là lòng yêu nước, là tinh thần lạc quan cách mạng. Lòng yêu nước ấy, tinh thần ấy xuất phát từ niềm say mê lý tưởng, tình yêu cố hữu, chân thành, tự nguyện với đất nước quê hương, được trui rèn qua thực tiễn chiến đấu và chiến thắng… Nhưng không thể không nói rằng nó còn được bồi đắp bởi những rung động tinh tế của tâm hồn qua tiếp nhận các tác phẩm văn học mang màu sắc sử thi của giai đoạn này, nhất là thơ và thơ viết về người lính.
Sớm nhất là hình ảnh những người chiến sĩ trong tên gọi anh vệ quốc quân. Đấy là lớp người đầu tiên đứng lên cầm súng theo tiếng gọi của Bác Hồ, đi kháng chiến và trở thành những người tiên phong, mà ngay tên gọi thôi cũng đủ để dấy lên một niềm thân thương kiêu hãnh: anh bộ đội Cụ Hồ. Đấy là những người lính phần lớn không được đào tạo một cách chính quy, không qua trường lớp và với mọi thành phần xuất thân – thể hiện tinh thần đoàn kết của cả một dân tộc luôn biết nắm chặt tay nhau để bảo vệ lãnh thổ, đời sống, số phận của chính mình. Những người chiến sĩ ấy xuất hiện một cách giản dị, đời thường:
“Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi “một hai”
Súng bắn chưa quen,
Quân sự mươi bài…”
(Nhớ - Hồng Nguyên)
“Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày…”
(Đồng chí - Chính Hữu)
Dĩ nhiên trong khí thế toàn dân tộc lên đường thì không thể thiếu thành phần “tinh hoa” trong đội ngũ ấy: những người lính xuất thân học sinh, sinh viên, trí thức… Vậy nên bên cạnh vẻ đẹp chân chất kia, người ta còn thấy ngời lên vẻ đẹp của sự hào hoa, lịch lãm của những học sinh, sinh viên, trí thức – nhất là những người con Thủ đô. Đó là những thanh niên ưu tú “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Không phải ngẫu nhiên mà trong bài Ngày về của Chính Hữu, hình ảnh người lính phảng phất cái gì đó của những khách chinh phu truyền thống. Rồi vẻ đẹp ấy sẽ biến mất trong thơ Chính Hữu, để những con người ấy trở thành “đồng chí” cách mạng, nhưng dáng dấp thanh lịch ấy sẽ xuất hiện trong thơ Hữu Loan, Quang Dũng, với nét mộng mơ của một tráng sĩ xác định một đi không trở lại, Kinh Kha chẳng hạn, nhưng trong lòng không quên lưu luyến một giấc mộng đẹp của niềm tin khải hoàn:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
(Tây Tiến - Quang Dũng)
Những người chiến sĩ ấy, có người xuất thân từ nước mặn, đồng chua để lại “Ít nhiều người vợ trẻ/ Mòn chân bên cối gạo canh khuya” hay từ thành thị với “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, ở nơi “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”, hay “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”, cũng đều chung chiến hào, đã chiến đấu theo tinh thần “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm”, theo tinh thần biến tất cả những gì có trong tay thành vũ khí:
“Lột sắt đường tàu
Rèn thêm dao kiếm
Áo vải chân không
Đi lùng giặc đánh…”
(Nhớ - Hồng Nguyên)
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
…
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục trên súng mũ ngủ quên đời…”
(Tây Tiến - Quang Dũng)
Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ tại chiến dịch Điện Biên Phủ đã từng nếm trải bao gian lao, vất vả:
“Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non”
(Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu)
Nhưng cũng chính họ làm nên lịch sử, trở thành những nhân vật chính của lịch sử thời đại cách mạng bởi tinh thần quả cảm, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp chung. Chiến trận ác liệt và cam go phải đổi bằng “Máu trộn bùn non” nhưng nhờ người lính tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nên họ “Gan không núng/ Chí không mòn”. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã xuất hiện bao tấm gương anh hùng làm rạng danh non sông đất nước. Ca ngợi các chiến sĩ Điện Biên anh hùng thể hiện ở những hành động cực kỳ dũng cảm. Nhà thơ lấy chất liệu từ những tấm gương tiêu biểu như: Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót… nhưng không dừng lại ở một cái tên riêng nào. Nhà thơ Tố Hữu đã ghi danh tên tuổi họ vào bức tượng thơ:
“Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân nhắm mắt còn ôm
Những bàn tay xẻ núi lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện”.
Những anh hùng hi sinh cả tuổi xuân cho Tổ quốc, cho nhân dân bởi họ đã được hun đúc bằng truyền thống yêu nước bốn ngàn năm lịch sử. Chiến sĩ Điện Biên là hàng ngàn anh bộ đội, Vệ quốc quân tại cứ điểm Điện Biên Phủ đang đối mặt với kẻ thù, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Chiến sĩ Điện Biên là những đoàn dân công “mòn đêm vận tải”… Họ đã có một niềm tin mãnh liệt từ “Những bàn tay xẻ núi, lăn bom”, “Mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện”, từ “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát”. Cả nước hành quân thần tốc về Điện Biên để không ngừng tiếp sức cho các chiến sĩ ở mặt trận đang phải chịu cảnh “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Một cuộc hành quân bền bỉ 9 năm ròng, với đường lối chiến lược quân sự “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”.
Diễn tả cuộc chiến ở Điện Biên Phủ, lại là “trận chung kết” lịch sử, Tố Hữu không né tránh những mất mát, hi sinh. Đó là cái giá bằng máu mà chúng ta đã phải trả để có được chiến thắng. Bằng rất nhiều hình ảnh: “Máu trộn bùn non”; “Nát thân nhắm mắt”; “Xương tan thịt nát”… - mọi lực lượng đều có tổn thất. Đúng là chúng ta đã phải dập tắt lửa chiến tranh xâm lược bằng máu cuộc đời mình chứ không còn cách nào khác.
Thơ Việt Nam 1945-1954 đã có những thành quả nhất định song phải thừa nhận rằng chưa có nhiều thành tựu và chưa cắm được ngọn cờ thi ca ở những cột mốc quan trọng của lịch sử. Về hình thức, thơ trong giai đoạn này cũng chưa có những cách tân, đột phá, vì cũng như văn xuôi, thơ phải được hiện thực hóa và đại chúng hóa.
Sau 1954, cả dân tộc lại bước vào cuộc trường chinh mới. Đây cũng chính là cuộc thử lửa vĩ đại nhất của dân tộc, của tình yêu đất nước. Cùng một lúc, nhiều thế hệ người Việt Nam lại “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, lớp lớp cha con lên đường và cùng chung chiến hào đánh Mĩ:
“Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí, chung câuquân hành”.
(Tiếng hát sang xuân - Tố Hữu)
Căm thù dồn lên đầu súng, ngọn lê, cả dân tộc ta đổ ra tiền tuyến quyết sống chết với quân thù. Xốc mạnh ba lô lên vai, các nhà thơ, nhà văn cũng ở trong đoàn quân ấy:
“Cha còn đeo quân làm
Con đã ra nhập ngũ
Một hòn đá Trường Sơn
Cha con cùng gối ngủ”.
(Trinh Đường)
Người lính Cụ Hồ lúc này xuất hiện không còn với vẻ đẹp chân chất, đôi khi còn lấm láp đất bùn mà đã trở nên kỳ vĩ, thậm chí lộng lẫy và càng tiến sâu vào trung tâm của lịch sử. Thật khó để quên được hình tượng anh giải phóng quân trong thơ Tố Hữu, Thu Bồn, Giang Nam, Dương Hương Ly, Lê Anh Xuân…
“Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng”.
(Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân)
Viết về người chiến sĩ giải phóng quân, bên cạnh việc miêu tả chi tiết, cụ thể về tâm tư, về sinh hoạt của đời sống người lính… thì các tác giả có xu hướng khái quát về tư thế, tầm vóc của các anh trong cuộc chiến, trong lịch sử:
“Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất
Sống hiên ngang bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi”.
(Bài ca xuân 68 – Tố Hữu)
Là hình tượng người lính trong Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân:
“Chợt thấy Anh, giặc hoảng hốt xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
… Từ dáng đứng của Anh
trên đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.
Các tác giả luôn tỏ thái độ cảm phục vô hạn với người anh giải phóng quân, như đứng trước vị thiên thần. Anh là con người đẹp nhất của thế giới bởi anh mang những tinh hoa mùa xuân tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng: “Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất”. Trước hết đó là cái đẹp của những con người bình thường giản dị. Ngày xưa, lớp lớp cha ông cũng thế:
“... Hai mươi năm trước - giữa cực nam - chân đất đầu trần
Mắt ướt nghe lời Bác Hồ: kháng chiến
“Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm”
Và những đoàn quân vệ quốc lên đường...”.
(Những chuyến ra đi – Giang Nam)
Các tác giả luôn tỏ thái độ cảm phục vô hạn với người anh giải phóng Và bây giờ các anh lại tiếp nối truyền thống của ông cha. Anh yêu tha thiết quê hương và quê hương cũng nâng niu bước chân của anh, sẵn sàng tiếp cho sức mạnh. Anh không tìm sức mạnh của mình trong xe tăng, thiết giáp, máy bay, đại bác. Anh tìm sức mạnh vô địch ngay trên mảnh đất mình đang sống. Anh bình dị, nhưng “Lịch sử hôn anh” vì anh vô cùng vĩ đại:uân, như đứng trước vị thiên thần. Anh là con người đẹp nhất của thế giới bởi anh mang những tinh hoa mùa xuân tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng: “Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất”. Trước hết đó là cái đẹp của những con người bình thường giản dị. Ngày xưa, lớp lớp cha ông cũng thế:
“Sống hiên ngang bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi
Một dây ná, một cây chông
cũng tấn công giặc Mĩ”.
Nhịp thơ vang lên hào hùng sảng khoái bởi được cất lên từ đáy lòng cảm phục của nhà thơ và ngân lên như khúc hùng ca về người anh hùng thời đại. Nhà thơ ví anh là “Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi”. Phương pháp so sánh đã làm nổi bật lên truyền thống yêu nước và nhân đạo của dân tộc.
Sau 1975, chiến tranh và người lính vẫn tiếp tục là một đề tài quan trọng trong văn học, nhất là văn xuôi, thơ và trường ca. Thơ cũng tiếp tục với thiên chức và thế mạnh của mình, miêu tả và thể hiện người lính nhưng với một tinh thần mở, với những nghiền ngẫm, suy tư về một thời đã qua theo tinh thần nhận thức lại. Dường như người đọc gặp nhiều hơn những người lính anh hùng đang ngày đêm bảo vệ biên cương và biển trời Tổ quốc.
Nơi biên giới Tây Nam, những người lính vừa phải bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc vừa giúp nhân dân Campuchia chiến đấu, tiêu diệt bọn Pol Pot, giải phóng Campuchia thoát nạn diệt chủng. Hình ảnh anh lính Tây Nam trong thơ Phạm Sỹ Sáu không ít lần hiện lên với cảm giác bơ vơ. Khung cảnh chiến trường thường được khắc họa trong thế song song với bức tranh thành phố, yếu tố biên giới được nhấn mạnh, bên này vừa nguy hiểm vừa xa lạ, bên kia sôi động, ấm áp và thân quen. Điều này không làm giảm giá trị hình tượng người lính Tây Nam mà phản ánh chân thực tâm trạng của một thế hệ chiến sĩ khác trong một hoàn cảnh khác, đồng thời cũng biểu hiện sự manh nha chuyển dịch cách viết về người lính trong văn học sau 1975, khi mà các nhà thơ, nhà văn dần rời bỏ tư duy sử thi, bắt đầu khắc họa người lính với nhiều chiều kích cá nhân hơn, do đó, cũng khiến người lính trở nên đời hơn.
Bên cạnh thế hệ nhà thơ trẻ của chiến trường K vừa cầm súng vừa làm thơ như Phạm Sỹ Sáu, Lê Minh Quốc, Cao Vũ Huy Miên… những năm tháng trong và ngay sau chiến tranh biên giới Tây Nam, còn có sự góp mặt của nhiều nhà thơ đã nổi danh từ trong chiến tranh chống Mĩ với những trường ca mang âm hưởng sử thi hùng tráng như Oran 76 ngọn và Campuchia hi vọng của Thu Bồn, Sông Mê Kông bốn mặt của Anh Ngọc… Đây cũng là thời kỳ nở rộ của trường ca trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Chứa đựng tầm nhìn của những người từng trải nghiệm hai cuộc chiến và thể hiện đặc điểm của thể loại trường ca, những tác phẩm này đa phần khắc họa chiến tranh biên giới Tây Nam ở tầm khái quát, giàu chất triết lý, có tính liên kết cao. Đó có thể là sự liên kết theo chiều dọc, nối những thế hệ người lính với nhau, từ người anh hùng làng Gióng, người chinh phu, đến thế hệ trường chinh chống Mĩ và chốt lại ở thế hệ chiến trường K; hoặc liên kết theo chiều ngang, nối hai quốc gia dân tộc cùng chịu đau thương bởi quân Pol Pot tàn bạo. Vẻ đẹp của đất nước và con người Campuchia được khắc họa và ngợi ca trong những trường ca này, từ đó khái quát tình đoàn kết giữa hai dân tộc cùng trải chung một niềm đau sinh tử, đồng thời khẳng định tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh mà những người lính tình nguyện Việt Nam đang ngày đêm chiến đấu, vừa bảo vệ quê hương mình vừa thực hiện nghĩa vụ quốc tế với đất nước láng giềng giàu vẻ đẹp tinh hoa nhưng đang oằn mình trong thảm họa: “Anh vừa qua ba cuộc chiến tranh/ Máu cũng đủ chảy thêm dòng Mê Kông nữa/ Bây giờ cuộc chiến đã lùi/ Điệu Xarian bập bùng giấc mơ của đất/ Anh về để lại một cánh tay trong trận cuối cùng/ Máu chảy thẳng một đường dây rọi xuống/ Mảnh vườn em chỗ ấy có hồ sen” (Oran 76 ngọn).
Nhìn chung, thơ ca ra đời sớm trong dòng văn học chiến tranh biên giới Tây Nam, làm tốt nhiệm vụ cổ vũ tinh thần người lính, phản ánh cuộc chiến ở tầm khái quát và triết lý với những hình tượng đẹp, một mặt nối dài bản trường ca chung về chiến tranh trong lịch sử thơ ca dân tộc, mặt khác để lại dấu ấn riêng về cuộc chiến tranh này. Nhiều cựu binh từ chiến trường Tây Nam suốt mấy mươi năm qua vẫn làm thơ về thời binh lửa của họ như Trần Trí Thông, Lương Hữu Quang, Ngân Vịnh và có những tập thơ được ghi nhận bằng các giải thưởng như Những câu thơ ngoái lại của Lương Hữu Quang (giải thưởng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2011), Sương đẫm lá khộp khô của Ngân Vịnh (giải thưởng Văn học sông Mê Kông năm 2014)… Tuy vậy, khách quan, công bằng mà nói, những tác phẩm này chủ yếu chia sẻ hồi ức đời lính, ngợi ca tình đoàn kết dân tộc và thi pháp không có gì mới hơn những vần thơ đã ra đời cách đây hơn bốn mươi năm, do đó không gây chú ý nhiều bằng sự trở lại của văn xuôi trong cùng dòng đề tài.
Tháng 2 năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Cả dân tộc lại lên đường ra tiền tuyến. Nhiều nhà văn, nhà thơ vừa đi qua kháng chiến chống Mĩ lại tiếp tục xông lên tuyến lửa, hòa mình vào những dòng ngườira trận hôm nay, với tất cả nguồn sức mạnh đã được hun đúc từ hai cuộc kháng chiến trước… Với những trang viết trực diện vạch trần tội ác của đối phương, ngợi ca tinh thần yêu nước của quân và dân biên giới. Nhìn “những bộ áo quần bê bết bùn đất dày cộp như những tấm vải bạt, có chỗ máu còn thắm đỏ, chúng tôi hiểu những ngày vừa qua họ đã chiến đấu rất kiên cường để bảo vệ từng đường phố, từng khu nhà thân yêu trong thị xã. Những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, nhưng vẫn ánh lên trên những khuôn mặt trẻ trung mà tiếng cười không bao giờ dứt trên làn môi tươi trẻ…”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong bài Chúng tôi gọi tên anh là tiếng khóc thiết tha, thương tiếc, tự hào về anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh hi sinh ở mặt trận Vị Xuyên khi tuổi đời còn rất trẻ:
“Anh Chinh ơi! Chúng tôi gọi tên anh
Khi lũ quỷ lại tràn sang đất mẹ
Những họng súng đen ngòm
Những mắt đầy man rợ
Bước chân đi làm bẩn đất rừng
Trời đang xanh bỗng xám khói đạn bom
Rừng tắt tiếng chim
Suối ngầu sắc máu
Cháy những mái nhà tranh,
những bản làng êm ả
Lòng chúng tôi cháy lửa căm hờn
Anh Chinh ơi! Chúng tôi gọi tên anh...
… Nơi anh nghỉ, gió và hoa bát ngát
Hoa của rừng và hoa của chiến công
Trên xác tăng thù, chim lại hót vang
Đàn trâu lại lên nương, rộn ràng tiếng mõ”.
Ở mặt trận Lào Cai, với tư cách một phóng viên đi cùng bộ đội, nhà thơ Dương Soái đã viết bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng vào ngày 20/2/1979, ghi lại những phút giây bàng hoàng và nhức nhối: “Anh ở Lào Cai/ Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt/ Tháng Hai, mùa này con nước/ Lắng phù sa in bóng đôi bờ…/ Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng/ Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy/ Em ra sông chắc em sẽ thấy/ Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông/ Nhưng ngây thơ đâu còn ở chúng mình/ Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc/ Khi Lào Cai trong anh trở thành máu thịt/ Đạn lên nòng, anh giữ ngọn nguồn sông!”. Bài thơ còn là tình cảm của người lính trên chốt biên cương luôn nhớ về hậu phương và hậu phương luôn là nguồn sức mạnh cho các anh chiến đấu và chiến thắng. Bài thơ sau khi đăng báo, đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc và trở thành ca khúc nổi tiếng.
Nhà thơ Thanh Thảo từ Miền Trung cũng cồn cào viết bài thơ Tổ quốc để khẳng định chủ quyền của người Việt Nam: “Khẩu súng chống tăng ghì chặt vào vai/ Anh xạ thủ H’Mông mười tám tuổi/ Khi lũ giặc đang điên cuồng lao tới/ Một chấm nhỏ trên bản đồ một chấm nhỏ thiêng liêng/ Phút người lính đứng bật lên cắm chặt chân vào đất/ Phút ấy, đất dưới chân anh là Tổ quốc/ Quả đạn rời nòng trong chớp mắt/ Xe tăng cháy ngang đồi lũ giặc lùi xa/Anh lính trẻ mỉm cười lau mồ hôi trên mặt/ Gương mặt dịu lành như Tổ quốc chúng ta”. Và đây, một tứ thơ mới lạ, một hình ảnh thơ sinh động và giàu sức khái quát:
“Tôi không thể nào mang về cho em
Những cột mốc biên cương chảy máu.
Tôi không thể nào mang về cho em
Dáng đồng đội trong những giờ chiến đấu…”.
(Hoàng Nhuận Cầm)
Biển đảo là một phần thiêng liêng của Tổ quốc. Nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa là nhắc tới một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, nhắc tới “vòng tròn bất tử” và những trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo. Từng tấc đất, từng vùng biển ông cha ta tự bao đời vẫn được toàn dân, toàn quân ta ngày đêm canh giữ. Những người nghệ sĩ, trong đó có các nhà thơ đã gửi gắm tình yêu và quyết tâm giữ biển đảo quê hương qua những vần thơ, con chữ. Mỗi bài thơ là một cung điệu nói lên tấm lòng của những người con dân đất Việt với nơi đầu sóng ngọn gió. Thời chiến cũng như thời bình, những người lính biển luôn là những người lính anh hùng thầm lặng hi sinh:
“Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
Cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người
Anh đứng gác, trời khuya đảo vắng…”.
(Thơ tình người lính biển - Trần Đăng Khoa)
Trần Đăng Khoa là một trong những người viết nhiều về người chiến sĩ hải quân. Ngoài thơ, Trần Đăng Khoa còn có tập truyện ngắn Đảo chìm, ghi lại những sinh hoạt và chiến đấu của những người lính đảo. Năm 1981, khi ông chính thức thuộc biên chế của Bộ Tư lệnh Hải quân và có dịp đi nhiều vùng biển, đến các đơn vị hải quân (từ những hạm đội, hải đoàn đến tận quần đảo Trường Sa), vì vậy ông có nhiều điều kiện để trực tiếp sống cùng và thấu hiểu cuộc sống người lính đảo.
Thơ viết về người lính đã tạo nên ấn tượng và hình ảnh đẹp trong Tổ quốc ở Trường Sa, Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến, Mộ gió của Trịnh Công Lộc, Hào phóng thềm lục địa của Nguyễn Thanh Mừng, Người sau chân sóng của Lê Thị Mây, Gần lắm Trường Sa của Lê Thị Kim… Mỗi bài thơ, một cách tiếp cận với biển đảo, một cách thể hiện cảm xúc và tình yêu đối với người lính đảo. Nguyễn Thế Kỷ sau chuyến thăm Trường Sa với bao hồi ức về đảo thân yêu, về người lính, về đất nước - truyền thống và hiện tại:
“Trường Sa ơi, ngày mai tàu cập bến
Ta lại về phố thị thân thương…
… Bỗng hiển hiện trang sử thời mở cõi
Máu cha ông còn bầm đỏ hoàng hôn.
Ôm lính đảo yêu tin bao gương mặt
Tuổi đôi mươi lồng lộng biển trời
Mắt trong vắt chưa một lần hò hẹn…
… Đêm không ngủ Trường Sa, đêm trở gió
Gió hồng hoang ào ạt phía Hoàng Sa
Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc
Ấp cờ đỏ lên tim mắt bỗng lệ nhòa”.
(Thao thức Trường Sa)
Với hành trình bảy mươi tám năm, hình tượng người lính đã trở thành một phần không thể thiếu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Không thể không có những day dứt, những trở trăn về lựa chọn, về tình thế và thân phận của người lính trong những tác phẩm được viết trong một độ lùi nhất định. Nhưng cảm hứng ngợi ca, khẳng định trong thơ viết về người lính vẫn là cảm hứng quan trọng (có lúc là chủ đạo). Chính cảm hứng ấy, tinh thần ngợi ca ấy là nguồn cổ vũ, động viên kịp thời, nhiệt thành, da diết nhất đối với người lính và toàn dân tộc. Một thời, thơ nằm trong ba lô, trên báng súng, trên cánh tay và trong trí nhớ người lính. Cho đến ngày hôm nay, các thế hệ 4X, 5X, 6X, 7X vẫn nhớ và thuộc nhiều bài thơ viết về người lính và cách mạng, nhất là thơ Tố Hữu. Đấy là một sự thật. Và sự thật ấy là kết quả của hành trình sáng tạo, tiếp nhận từ trái tim đến trái tim, là sự đồng cảm của tác giả và độc giả.