Khác với nhiều loại hình văn học, nghệ thuật đã ra đời từ rất lâu gắn liền cùng lịch sử văn hóa nhân loại, nhiếp ảnh là loại hình hoạt động mang tính nghệ thuật có “tuổi đời’ còn rất trẻ, ra đời cách đây chưa đầy 200 năm. Ở Việt Nam, trong những năm nửa đầu thế kỷ XX, nhiếp ảnh cũng có những điểm nhấn nhưng chưa thực sự rõ nét. Tại khoảng thời gian đó, nhiếp ảnh chủ yếu hướng về sinh hoạt con người, kiến trúc và cuộc sống. Vậy nhưng trong nửa thế kỷ sau, nhiếp ảnh đã nổi lên như một loại hình văn học, nghệ thuật góp phần khắc họa rất sâu sắc các cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc qua đề tài các lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Tháng 12/1944 Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân với 34 chiến sĩ được thành lập thì không lâu sau, bức ảnh buổi lễ xuất quân “Ông Võ Nguyên Giáp chỉ huy đội Việt Nam Giải phóng quân đánh Thái Nguyên” ra đời ngày 16/8/1945 do kỹ sư Hoàng Văn Đức chụp (1918-1996) có thể được coi là một trong những bức ảnh đầu tiên của nhiếp ảnh Việt Nam về đề tài này. Như vậy nhiếp ảnh Việt Nam gần như ngay từ đầu đã theo sát, ghi nhận bằng hình ảnh quá trình ra đời, phát triển, trưởng thành của các lực lượng vũ trang cho đến ngày Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Trong suốt khoảng 30 năm (1945-1975) và cả sau đó, lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đã là đề tài chủ đạo, xuyên suốt của nhiếp ảnh Việt Nam. Và cũng có thể nói, cống hiến lớn nhất cho đất nước mang tính lịch sử của nhiếp ảnh chính là cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc mà đề tài cụ thể là về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Đây không phải là nhận định phiến diện mà để có được nhận định này, phải dựa trên ba nền tảng trong quan hệ lịch sử giữa nhiếp ảnh và lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng. Đó là: 1) Những đặc tính cơ bản xác định chức năng, vai trò của nhiếp ảnh trong lịch sử; 2) Yêu cầu của lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đặt ra với nhiếp ảnh Việt Nam; 3) Vai trò và nhiệm vụ của nhiếp ảnh đối với lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
1. Những đặc tính cơ bản xác định chức năng, vai trò của nhiếp ảnh trong lịch sử
Là một trong những loại hình văn học, nghệ thuật gắn liền với con người, văn hóa, xã hội nhưng nhiếp ảnh có “thiên chức” riêng của mình, đó là gắn chặt và phản ánh chân thực lịch sử. Hình ảnh mà nhiếp ảnh ghi nhận được có trong tay chúng ta hôm nay chính là bản sao chân thực nhất của khoảnh khắc lịch sử đã diễn ra trong quá khứ. Để hiểu và đánh giá đúng vai trò trách nhiệm lịch sử của nhiếp ảnh, chúng ta cùng tìm hiểu sâu hơn về những đặc tính quan trọng này. Trong cuộc sống, nhiếp ảnh có rất nhiều lĩnh vực, nhiều mảng mảnh. Tuy nhiên ở đây chúng ta chỉ xem xét những đặc tính, những yếu tố tạo lập nên mối quan hệ gắn kết giữa nhiếp ảnh với lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Những đặc tính đặc trưng nhất của nhiếp ảnh có thể là:
Chức năng ghi nhận chân thực hình ảnh: Nhiếp ảnh là loại hình nghệ thuật có chức năng ghi nhận chân thực và nghệ thuật nhất hình ảnh đang diễn ra trước ống kính máy ảnh. Nếu như trong nhiều loại hình văn học, nghệ thuật khác, tác phẩm là sản phẩm của sự cảm nhận, sức sáng tạo hay trí tưởng tượng của các văn nghệ sĩ thì nhiếp ảnh là tác phẩm ghi thực hình ảnh đang diễn ra trước ống kính do người cầm máy thực hiện. Chính vì vậy, với bản chất chân thực của mình, hình ảnh luôn có sức thuyết phục nhất so với nhiều loại hình văn học, nghệ thuật khác. Như người xưa thường nói “trăm nghe không bằng một thấy”, những hình ảnh do nhiếp ảnh mang lại dễ thuyết phục công chúng nhất, đặc biệt về những đề tài người xem khó tiếp cận như chiến tranh. Xuất phát từ yêu cầu đặt ra đối với thông tin, hình ảnh về mảng đề tài này phải chân thực. Chính vì vậy, về bản chất nhiếp ảnh là loại hình văn học, nghệ thuật phù hợp nhất với đề tài này.
Tính lịch sử của hình ảnh: Tính chân thực của hình ảnh có giá trị cao nhất là làm minh chứng cho hoạt động đã từng xảy ra của con người, sự kiện, xã hội, đất nước, dân tộc tại thời điểm hình ảnh được ghi nhận. Bên cạnh tính chân thực, hình ảnh còn mang cả tính nghệ thuật do cá nhân người cầm máy tạo dựng. Nghệ thuật làm tăng thêm tính hấp dẫn của hình ảnh đối với người xem, tăng thêm sự thu hút công chúng đến với hình ảnh cũng như giúp hình ảnh lan tỏa, lưu đọng lâu dài hơn trong con người, xã hội. Thời gian trôi qua, giá trị của hình ảnh mang tính chân thực và nghệ thuật được xã hội chọn lọc sẽ hình thành và tạo nên tính lịch sử của hình ảnh. Có thể nói giá trị của hình ảnh phần lớn do giá trị lịch sử tạo nên. Thời gian trôi qua càng lâu, giá trị lịch sử của hình ảnh càng cao. Giá trị lịch sử của hình ảnh góp phần “bồi đắp”, tôn tạo thêm truyền thống lịch sử đất nước, dân tộc.
Sức mạnh lan tỏa của hình ảnh: Trong những loại hình thông tin cơ bản của xã hội loài người như âm thanh, hình ảnh, chữ viết, chữ số thì hình ảnh có thể được coi là một trong những loại hình thông tin có “quyền lực” nhất. Hình ảnh tác động trực tiếp đến thị giác và làm cho con người dễ cảm thụ, dễ tin tưởng nhất. Cùng với âm nhạc, hình ảnh lan tỏa cực kỳ nhanh trong xã hội. Do đây là loại hình thông tin tác động trực tiếp tới cuộc sống hàng ngày của con người, nhất là các hoạt động xung đột và chiến tranh. Đề tài này luôn chiếm vị trí hàng đầu các mục tin tức hàng ngày trong nước và trên thế giới. Hiện nay nhờ có sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ kỹ thuật số, hình ảnh thông qua internet và báo chí truyền thông ngày càng phát huy vai trò lan tỏa đặc biệt trong kinh tế, văn hóa, đời sống con người trong xã hội và an ninh quốc phòng. Sức lan tỏa nhanh chóng và rộng khắp càng làm tăng thêm giá trị của hình ảnh trong xã hội.
Tính duy nhất của hình ảnh: Trong nhiếp ảnh, quá trình ghi nhận hình ảnh diễn ra trong thời gian rất ngắn, thông thường chỉ từ một phần mấy ngàn đến một phần mấy giây. Dù có được chụp liên tục nhưng do thời gian trôi qua, nhất là khi nhân vật trong hình ảnh vận động nên sẽ không bao giờ có hai hình ảnh được chụp hoàn toàn giống nhau. Khoảnh khắc trôi qua và không trở lại khiến hình ảnh ghi nhận được luôn là duy nhất. Duy nhất là một trong những yếu tố quan trọng làm tăng tính lịch sử của hình ảnh. Trong nhiếp ảnh, những tấm ảnh được “dựng” hay chụp lại dù có “y như thật” thì cũng đã sai về thời khắc xảy ra sự kiện, dẫn đến sai lệch về tính lịch sử. Chính vì là chứng cứ nên sự chân thực, tính lịch sử và duy nhất luôn là yếu tố quan trọng được đề cao hàng đầu trong nhiếp ảnh.
Độ “quý hiếm” của hình ảnh: Để đảm bảo tính chân thực của hình ảnh, dù khó khăn, nguy hiểm đến đâu thì để tác nghiệp ghi hình, người cầm máy vẫn bắt buộc phải bám sát người thực, việc thực hay ngay hiện trường xảy ra sự kiện. Trong thực tế, người cầm máy có thể được báo trước về sự kiện có thể xảy ra nhưng phần lớn đều ngẫu nhiên hay bất chợt. Việc “bắt” được những hình ảnh bất chợt hay không biết trước làm tăng thêm độ “quý hiếm” của hình ảnh. Trong những thời khắc lịch sử, những hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo như xung đột hay chiến tranh khiến cho khoảnh khắc ghi nhận hình ảnh càng trở nên hiếm hoi. Vậy nhưng chính sự hiếm hoi của những “khoảnh khắc vàng” đó càng làm tăng thêm giá trị của hình ảnh.
Độ khó trong tác nghiệp nhiếp ảnh: Để đảm bảo tính chân thực của hình ảnh, người cầm máy phải bám lấy nhân vật, lấy sự kiện, dù đó là vùng sâu, vùng xa, núi cao, vực thẳm hay trong lửa đạn. Những khó khăn, gian khổ mà người cầm máy phải chịu đựng để tác nghiệp sánh ngang với những thách thức mà người chiến sĩ cầm súng phải đối diện trong chiến trận. Không chỉ có khó khăn khi tác nghiệp, khi mặt trận tạm ngưng tiếng súng, người chiến sĩ có thể có được ít phút nghỉ ngơi thì người cầm máy ngày trước trong những ngày kháng chiến phải vượt qua khó khăn để tráng rửa phim, tráng rửa ảnh, chuyển những hình ảnh nóng bỏng còn vương mùi thuốc súng cho các cơ quan hữu quan kịp khai thác sử dụng. Có thể không quá khi nói người cầm máy chụp ảnh và những người quay phim luôn là người có khả năng chịu khó, chịu khổ nhất trong hàng ngũ các văn nghệ sĩ.
Sự hi sinh của người cầm máy: Để có được hình ảnh những người chiến sĩ cảm tử cầm súng xông lên trước họng súng quân thù, nhiều người cầm máy đã phải hi sinh cả tính mạng mình. Tại mặt trận, người cầm máy chụp ảnh không thể tự bảo vệ mình và dễ dàng trở thành mục tiêu cho kẻ thù ngắm bắn. Có khi họ phải lao lên trước để kịp hướng ống kính vào những người chiến sĩ đang xông lên để ghi hình. Trong Chiến dịch Mậu Thân (1968), riêng Thông tấn xã Việt Nam đã mất đi 50 phóng viên quay phim, chụp ảnh, kỹ thuật viên. Trong các loại hình văn học, nghệ thuật, có loại hình nào có nhiều nghệ sĩ - chiến sĩ hi sinh đến thế? Là người cầm máy bám theo những người chiến sĩ ra trận, chắc chắn họ đã xác định cho mình một khả năng: hi sinh là có thể! Dám hi sinh thân mình cho Tổ quốc là phẩm chất cao quý nhất của người nghệ sĩ nhiếp ảnh.
Nghệ thuật trong nhiếp ảnh: Nghệ thuật là yêu cầu bắt buộc đối với nhiếp ảnh. Nhiếp ảnh luôn phải có nghệ thuật song hành. Song song với tính chân thực, tính nghệ thuật là một trong những điều kiện “cần và đủ” đối với một tác phẩm nhiếp ảnh. Nói đến giá trị của hình ảnh, bên cạnh tính chân thực là yếu tố quyết định hàng đầu thì nghệ thuật cũng mang tính “sống còn” của hình ảnh. Để được người xem “để mắt đến và nhớ”, bên cạnh nội dung, hình ảnh phải đẹp, phải thu hút và gây được ấn tượng cho công chúng. Nghệ thuật đóng vai trò rất quan trọng, đó là góp phần quan trọng trong việc chuyển tải được nội dung của hình ảnh đến với công chúng. Chính vì vậy, tính nghệ thuật phải được chú trọng, đề cao trong mảng đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng; đây là đề tài vốn khô khan tưởng như ít liên quan đến nghệ thuật. Vậy nhưng khi tính nội dung càng cao, thì hình ảnh càng phải đẹp hơn để đưa hình ảnh đến với công chúng nhanh hơn, lan tỏa rộng khắp hơn và lưu đọng trong công chúng lâu hơn. Tính nghệ thuật của hình ảnh do người cầm máy tạo dựng, do vậy bản thân tác giả của hình ảnh phải là một nghệ sĩ. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam luôn giữ vai trò chủ lực, theo sát đề tài về các lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Và cũng chính thế hệ cầm máy này là lực lượng nòng cốt trong việc thành lập, xây dựng và phát triển Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (1965) cho đến hôm nay. Họ là những người nghệ sĩ.
2. Những yêu cầu của lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đặt ra với nhiếp ảnh
Sự nghiệp cách mạng của dân tộc luôn có văn học, nghệ thuật song hành và văn học, nghệ thuật là một phần tất yếu của chiến tranh cách mạng. Trong mối liên quan với nhiếp ảnh, lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng rất cần hình ảnh để làm bằng chứng, phục vụ công tác vận động tuyên truyền và bảo tồn truyền thống lịch sử đất nước, dân tộc. Không loại hình văn học, nghệ thuật nào khác có thể thay thế nhiếp ảnh gánh vác nhiệm vụ lịch sử này. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn mà nhiếp ảnh phải hoàn thành. Những nhiệm vụ đó có thể được hiểu như sau:
Nhiếp ảnh phải thể hiện được vai trò lịch sử, sức mạnh của lực lượng vũ trang và thắng lợi vĩ đại của chiến tranh cách mạng. Lực lượng vũ trang ta trưởng thành vững mạnh để chiến thắng trong chiến tranh cách mạng do Đảng lãnh đạo. Đây là mục tiêu cơ bản mà nhiếp ảnh phải thể hiện qua hình ảnh. Để làm được điều này, nhiếp ảnh phải ghi nhận đầy đủ những hình ảnh làm minh chứng cho những sự kiện trọng đại của đất nước. Đó là các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là đề tài của nhiếp ảnh xuyên suốt khoảng 30 năm (1945-1975) và sau đó đến nay. Có thể thấy về cơ bản, nhiếp ảnh Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng và lớn lao này. Với đội ngũ người cầm máy ngày càng trưởng thành, nhiều hình ảnh về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng được sử dụng, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp chung của đất nước, bảo tồn truyền thống dân tộc.
Hình ảnh phải thể hiện được chiến tranh cách mạng là chiến tranh nhân dân. “Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ” là phương châm truyền thống xác định mối quan hệ gắn bó giữa lực lượng vũ trang và nhân dân trong cuộc sống cũng như trong thời gian chiến tranh. Nhiếp ảnh có nhiệm vụ phải thể hiện được bằng hình ảnh mối quan hệ quân dân “như cá với nước”. Trong các cuộc kháng chiến, hình ảnh ca ngợi tình quân dân đã làm những người chiến sĩ xa nhà yên lòng với hậu phương lớn và luôn sát cánh cùng tiền tuyến. Những hạt gạo được nhân dân chắt chiu gửi ra tiền tuyến, hàng vạn dân công vượt cả ngàn cây số tải gạo ra chiến trường… là những hình ảnh quý giá được nhiếp ảnh thể hiện nói về chiến tranh nhân dân chống ngoại xâm. Trong những năm gần đây, mỗi năm Quân chủng Hải quân đã đưa hàng chục đoàn cán bộ, đại diện các tầng lớp nhân dân cả nước ra thăm cán bộ chiến sĩ trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc ở Trường Sa. Cùng với đó,rất nhiều cuộc triển lãm ảnh được tổ chức, rất nhiều sách ảnh được xuất bản về các đề tài lực lượng vũ trang trên các miền biên cương, hải đảo của Tổ quốc đã được giới thiệu rộng rãi tới công chúng. Chính vì vậy, khi thể hiện đề tài chiến tranh cách mạng, người cầm máy cần hướng ống kính vào tình đoàn kết quân dân, vào tấm lòng nhân dân hướng tới cách mạng và các lực lượng vũ trang.
Nêu bật tinh thần sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân của lực lượng vũ trang. Trong các phẩm chất cao quý của lực lượng vũ trang, có thể nói lòng dũng cảm, vượt mọi khó khăn, gian khổ của cán bộ chiến sĩ đã được nhiếp ảnh chú trọng đề cao. Tuy nhiên, đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất vì để chụp được những hình ảnh như vậy, người cầm máy cũng phải chịu chung hoàn cảnh, với sức chịu đựng như các chiến sĩ. Đó là trong thời bình, còn trong chiến tranh, người cầm máy và người cầm súng phải cùng chung một chiến hào, chịu chung một hiểm nguy và khả năng hi sinh tính mạng như nhau. Trong hoàn cảnh như vậy những người cầm máy có thể phải vững vàng hơn và dũng cảm hơn mới thể có được những hình ảnh tiêu biểu về người chiến sĩ trên chiến trường.
Nhiếp ảnh cần góp phần tuyên truyền vận động nhân dân yêu quý, đùm bọc giúp đỡ lực lượng vũ trang. Chiến tranh cách mạng là sự nghiệp của toàn dân tộc, của toàn dân, toàn quân. Về đề tài này, ống kính của người cầm máy cần thể hiện hình ảnh nhân dân luôn sát cánh, ủng hộ lực lượng vũ trang. Đề tài này trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ đã được nhiếp ảnh phản ánh rất rõ nét. Hình ảnh “Cầu người”, “Cô dân quân rót nước cho người chiến sĩ trên đường hành quân” hoặc “Khẩu đội nữ pháo binh Ngư Thủy nã pháo vào tàu chiến Mĩ”… là những hình ảnh thể hiện rõ nét về mối quan hệ quân dân. Có thể nói trong các cuộc kháng chiến, nhiếp ảnh đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của mình về đề tài này.
Nhiếp ảnh phải phản ánh được đời sống văn hóa tinh thần của lực lượng vũ trang. Trong thời bình, hình ảnh về lực lượng vũ trang mạnh về thể chất, vững về tinh thần, cao về văn hóa luôn làm yên lòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Để có được những hình ảnh như vậy, các cơ quan nhiếp ảnh cả Trung ương lẫn địa phương cần phối hợp với các đơn vị quân đội, công an tổ chức các cuộc vận động sáng tác ảnh, cuộc thi ảnh về đề tài lực lượng vũ trang. Đội ngũ những người cầm máy cần được tạo điều kiện bám sát thực tế đời sống cán bộ chiến sĩ tại các đơn vị. Hàng năm Quân chủng Hải quân tổ chức nhiều đoàn công tác ra thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó có các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Với góc nhìn nghệ thuật, các tay máy đã ghi nhận được rất nhiều hình ảnh về cuộc sống lao động bền bỉ của những người lính đảo cũng như những người dân bám đảo bảo vệ biển trời Tổ quốc. Những hình ảnh này được đăng tải trên các phương tiện truyền thông hay qua các cuộc thi, các cuộc triển lãm đã đến với công chúng, làm nhân dân cả nước thêm vững tin vào các lực lượng vũ trang. Bên cạnh đề tài biển đảo, các Quân khu 7, Quân khu 9, Biên phòng… đã phối hợp với Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều hội nhiếp ảnh địa phương khác đã tổ chức nhiều cuộc vận động thực tế sáng tác đạt kết quả có giá trị cao.
Thể hiện tinh thần tích cực luyện tập sẵn sàng chiến đấu với trang bị vũ khí hiện đại của các lực lượng vũ trang. Trong thực tế, nhiếp ảnh rất ít có cơ hội tiếp cận đối với hoạt động luyện tập sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang. Tuy nhiên trong tổ chức nhiếp ảnh có những tập thể như Câu lạc bộ Chiến sĩ thuộc Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh chuyên sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang với các thành viên là những cựu chiến binh hoặc những tay máy yêu thích sáng tác về đề tài này. Mô hình tổ chức như Câu lạc bộ Chiến sĩ rất phù hợp trong sáng tác theo chủ đề này do Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ phần lớn là các cán bộ quân đội đã về hưu hay chuyển ngành. Họ có quan hệ tốt và được các cấp trong quân đội tin tưởng phối hợp. Trong khi đó, các thành viên Câu lạc bộ phần lớn do đã phục vụ trong các lực lượng vũ trang nên hình ảnh ghi nhận được rất thực tế, đạt hiệu quả sáng tác cao. Những mô hình như Câu lạc bộ Chiến sĩ cần được nhân rộng và phát triển.
Trong nhiếp ảnh, hiện nay loại hình chụp ảnh từ trên cao sử dụng flycam đang phát triển khá mạnh. Đây là loại hình mang lại những hiệu quả đặc biệt trong sáng tác nhưng khá nhạy cảm liên quan đến quân sự. Chính vì vậy, hoạt động này đang được các cơ quan quân đội quản lý, trực tiếp là Cục Tác chiến. Vùng bay, thời gian bay phải được các cơ quan quản lý cấp phép. Tuy nhiên, song song với công tác quản lý, nếu các lực lượng vũ trang cần huy động sử dụng loại hình này của nhiếp ảnh, hoạt động bay flycam có thể giúp ích lực lượng vũ trang trong nhiều hoạt động.
3. Nhiếp ảnh với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng
Đây là đề tài lớn, để phân tích có thể được chia thành những đề tài riêng biệt: 1) Nhiếp ảnh với chiến tranh cách mạng; 2) Nhiếp ảnh với lực lượng vũ trang; 3) Nhiếp ảnh với lực lượng vũ trang trong chiến tranh cách mạng.
3.1. Nhiếp ảnh với chiến tranh cách mạng
Lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX gắn chặt với các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc. Để phản ánh về chiến tranh cách mạng, đòi hỏi người cầm máy phải có lòng yêu nước nồng nàn, có tinh thần kiên quyết cách mạng và lòng dũng cảm. Bằng hình ảnh, nhiếp ảnh phải nói lên được tinh thần của toàn quân toàn dân chung tay, chung sức sẵn sàng hi sinh bảo vệ Tổ quốc. Một ví dụ: trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy (1968) tại Sài Gòn, người phóng viên chiến trường Lâm Tấn Tài (1935-2001) đã theo sát một mũi tấn công của Biệt động Sài Gòn và chụp được những tấm ảnh quý giá về đội nữ biệt động trước giờ nổ súng tiến công. Không may trong chiến trận, ông bị thương và mất một con mắt. May mắn ông được nhân dân cứu giúp và chuyển ra vùng giải phóng nên còn sống sót. Sau này ông trở thành Tổng Thư ký Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ có những người dám dấn thân như nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài mới có thể để lại những hình ảnh chân thực về đề tài chiến tranh cách mạng. Những hình ảnh được ghi nhận trên chiến trường đã củng cố niềm tin, động viên kịp thời quân dân cả nước thêm tin tưởng vào thắng lợi của chiến tranh cách mạng.
3.2. Nhiếp ảnh với lực lượng vũ trang
Đây là đề tài ở tầm cao, liên quan đến xã hội, đến đất nước. Thực hiện đề tài về lực lượng vũ trang, đòi hỏi người cầm máy phải tự nâng tầm, cả về chính trị tư tưởng cũng như kỹ năng để sáng tác. Nói đến “tầm cao” là nói đến trách nhiệm trước xã hội và đất nước. Sự hi sinh của những người cầm máy khi thực hiện đề tài nói lên cái “tầm” của công việc mà những con người hoạt động nhiếp ảnh được đất nước trao cho gánh vác. Tuy nhiên không phải dễ dàng mà người cầm máy nào cũng có thể vươn tới tầm cao như vậy. Muốn đạt được điều này, ngày nay hội nhiếp ảnh các cấp cần phối hợp với các lược lượng vũ trang tổ chức cho đội ngũ cầm máy được theo sát, thích nghi trong môi trường rèn luyện và sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang.
Người cầm máy phải có lòng yêu nước, quan điểm chính trị nhạy bén, vững vàng. Bên cạnh những tố chất quan trọng đó, họ cần phải có sức khỏe và năng lực tác nghiệp trong khó khăn gian khổ, sẵn sàng thích nghi với điều kiện chiến tranh. Đây cũng là những yêu cầu lớn đặt ra khiến đề tài thực sự “kén chọn” người thực hiện. Trong thực tế, không phải người cầm máy nào cũng có đủ niềm đam mê, lòng nhiệt tình và lòng dũng cảm để gắn bó với đề tài. Để có được những tấm hình có ý nghĩa về nội dung, đẹp về nghệ thuật người cầm máy phải có đủ phẩm chất “3 trong 1”. Đó là cùng một lúc người cầm máy phải là “người nghệ sĩ nhiếp ảnh, người phóng viên báo chí và người chiến sĩ dũng cảm”. Với những yêu cầu khá khắt khe như vậy, người cầm máy cần được chọn lọc, đào tạo, huấn luyện kỹ càng.
Không phải chỉ hướng ống kính vào người chiến sĩ hay đồng bào trong chiến tranh để ca ngợi sự hi sinh dũng cảm vì đất nước mà người cầm máy còn cần nhạy bén trong cảm nhận chính trị. Hình ảnh “Hai người lính” dù ở hai bên chiến tuyến, thân thiện khoác vai nhau, một là chiến sĩ giải phóng và một là người lính cộng hòa được nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành chụp năm 1973 tại Long Quang, Quảng Trị đã nói lên lòng khao khát hòa bình, hòa hợp dân tộc của nhân dân cả nước khi cơ hội hòa bình, thống nhất đất nước đang đến gần.
3.3. Người cầm máy phải có quan điểm nghệ thuật đúng đắn
Để thể hiện được đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng một cách nghệ thuật đòi hỏi người cầm máy phải có quan điểm nghệ thuật đúng đắn và năng lực thể hiện nghệ thuật cao. Ngoài đảm bảo tính chân thực, người cầm máy không được “bóp méo” hay làm thiên lệch nội dung hình ảnh theo quan điểm cá nhân bằng cách sử dụng các thủ pháp kỹ thuật và cả nghệ thuật. Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, người cầm máy không được lạm dụng các phần mềm xử lý ảnh hay sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra những hình ảnh “ảo”. Nếu mất đi tính chân thực, hình ảnh sẽ mất đi tính lịch sử về lực lượng vũ trang hay chiến tranh cách mạng. Với đề tài này, nghệ thuật cần được giữ gìn và nâng cao nhưng chỉ nên ở mức phù hợp, góp phần chuyển tải hiệu quả nội dung hình ảnh tới người xem, tạo thêm sức hút của hình ảnh đối với công chúng. Đa số người cầm máy chụp về chủ đề này đều tôn trọng và tuân thủ những nguyên tắc bảo đảm tính chân thực nhưng trong thực tế không phải không có những bài học đắt giá về việc tác giả đã can thiệp làm sai lệch tính chân thực của hình ảnh. Bức ảnh về bộ đội Trường Sơn do tác giả C.T chụp vào năm 1970 ở Trường Sơn là một trong những minh chứng về điều này khi hình ảnh do chính ông chụp hai lần bị chỉnh sửa bằng photoshop. Do sự chỉnh sửa này, bức ảnh của tác giả bị Ban tổ chức Visa pour l’Image Perpignan 2014 gỡ bỏ. Ảnh về đề tài này cần được chụp chân thực và không được chắp ghép thêm bớt bất cứ chi tiết nào trong ảnh, dù nhỏ nhất. Gần đây, từ cuối năm 2023 với sự xuất hiện của các sản phẩm trí tuệ nhân tạo dạng ảnh đã dấy lên sự tranh cãi trên toàn cầu về cái gọi là “ảnh ảo” hay “ảnh AI”. Tuy nhiên, hầu như tất cả đều hướng tới sự nhất trí “không coi những sản phẩm trí tuệ nhân tạo dạng ảnh là sản phẩm nhiếp ảnh”. Đây là nhận định cần thiết và kịp thời nhằm bảo toàn tính chân thực lịch sử truyền thống của nhiếp ảnh, tránh những sản phẩm dạng ảnh được trí tuệ nhân tạo tạo dựng theo chủ ý của người ra lệnh cho AI thực hiện. Trong thời đại kỹ thuật số với sự ra đời của những phần mềm xử lý ảnh hay trí tuệ nhân tạo, đối với những đề tài như về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, các nghệ sĩ nhiếp ảnh cần giữ vững quan điểm bảo toàn tính chân thực lịch sử. Đồng thời, cần cảnh giác, loại trừ những sản phẩm dạng ảnh giả mạo lịch sử.
3.4. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhiếp ảnh thực hiện đề tài
Đối với những đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, hoạt động nhiếp ảnh phải do các cơ quan nhà nước quản lý. Đó là quản lý từng người cầm máy đến tập thể như câu lạc bộ, chi hội nhiếp ảnh... Hiện nay, trong đội ngũ những người cầm máy theo đuổi đề tài này, có nhiều người là cựu chiến binh, những người đã phục vụ trong quân ngũ và cả những người trẻ tuổi. Đây là lực lượng cầm máy nòng cốt để thực hiện đề tài. Hàng ngũ các phóng viên chiến trường trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược và bảo vệ Tổ quốc mặt trận Tây Nam và biên giới phía Bắc trước đây, đến nay đã nhiều người mất đi, nhiều người đã cao tuổi nhưng tiếp theo đó là một đội ngũ có ý chí, trình độ chính trị, nghệ thuật cao và khả năng tác nghiệp vững vàng. Họ hoàn toàn có thể gánh vác được nhiệm vụ mà thế hệ trước để lại. Trong thời bình, các cơ quan quản lý nhiếp ảnh như Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và các hội địa phương luôn bám sát đề tài thông qua phối hợp với các cơ quan chỉ huy quân sự cấp quân khu, quân đoàn, quân binh chủng… tổ chức các cuộc vận động, các cuộc thi ảnh về đề tài này, nhằm giúp các nghệ sĩ nhiếp ảnh “luyện” tay máy và có được những hình ảnh tốt, bổ sung vào bộ sưu tập lịch sử truyền thống của lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Định hướng sáng tác cho hoạt động nhiếp ảnh trong thời đại công nghệ là việc cần thiết của các cơ quan quản lý nhiếp ảnh nhằm sáng tác những tác phẩm đúng về quan điểm, tốt về nội dung và đẹp về nghệ thuật. Điều cần tránh nhất trong nhiếp ảnh là việc ảnh ảo, ảnh giả do sử dụng trí tuệ nhân tạo hay “tô hồng” thực tế quá mức, làm mất đi tính chân thực của hình ảnh.
Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là đề tài mang tầm cao và cũng là trọng trách mà nhiếp ảnh đã được Đảng, Nhà nước trao cho gánh vác và đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ này trong thời gian kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đội ngũ các nghệ sĩ và người cầm máy cần được định hướng và chuẩn bị tốt nhất cả về quan điểm đường lối, nghệ thuật cũng như trình độ khoa học kỹ thuật thời đại công nghệ số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra hiện nay.