Sau mỗi cuộc chiến, tâm trạng con người ở những phía khác nhau không hề giống nhau và ngay trong mỗi con người cũng có những phức hợp tâm lý, đan xen các sắc thái tùy vào các mối quan hệ, địa vị, thân phận, cảnh ngộ của chính mình. Viết về chiến tranh, sau 1975, đặc biệt là sau Đổi mới, các nhà văn ngày càng có cái nhìn nhân văn và sâu sắc hơn so với trước đó. Nếu trước đây các nhà văn tập trung quan tâm đến vận mệnh của dân tộc, số phận của nhân dân trong dòng chảy của lịch sử thì trong văn học sau 1986, vấn đề hậu quả của cuộc chiến và thân phận của con người trải qua chiến tranh được đặt lên hàng đầu. Nhân vật trung tâm trong văn học về chiến tranh trước 1975 thường được miêu tả bằng vẻ đẹp ngời sáng, mẫu mực của con người gánh vác những nhiệm vụ trọng đại, còn nhân vật trung tâm trong văn học đương đại thường được miêu tả như những con người đời thường với những buồn vui thầm lặng, lưu giữ vẻ đẹp có tính tiềm ẩn, thấu hiểu giá trị của sự hi sinh, có nghị lực vượt qua hoàn cảnh, tiếp tục hành trình gieo mầm cho thế hệ tương lai bằng ứng xử văn hóa. Cái nhìn này tạo nên một khuynh hướng mới trong văn học viết về chiến tranh sau 1975 mà người mở đầu chính là nhà văn Nguyễn Minh Châu với những truyện ngắn đầy trăn trở và suy ngẫm của ông (Bức tranh, Khách ở quê ra, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Chiếc thuyền ngoài xa…).
1. Vẻ đẹp của lòng nhân ái hay những chấn thương tinh thần
Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ của người Việt là chiến tranh chống ngoại xâm nên trong văn học Việt Nam không có chuyện “sám hối” hoặc “chấn thương tâm lý” như trong văn học phương Tây. Nhưng do hậu quả tàn khốc của chiến tranh vượt khỏi sự chịu đựng của con người nên trong một số tác phẩm văn học đương đại, có những nhà văn đã “chạm” đến những trăn trở, day dứt rất thực của con người đã trải qua sự ác liệt của cuộc chiến. Tiểu thuyết Chim én bay của Nguyễn Trí Huân là một tác phẩm như thế. Xuất bản lần đầu năm 1988, lúc công cuộc đổi mới văn học chỉ mới diễn ra vài năm nhưng tác phẩm của nhà văn Nguyễn Trí Huân đã rất mới ở cái nhìn về con người trong chiến tranh và hậu chiến. Tác phẩm lấy bối cảnh (hư cấu) vùng nông thôn tỉnh Bình Định, một trong những địa bàn xung đột ác liệt do địch gia tăng sự truy lùng và trả thù gay gắt những người tham gia cách mạng sau sự kiện Tết Mậu Thân. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Trí Huân đã trực diện miêu tả cái ác một cách ghê gớm, khủng khiếp. Đại diện cho phía bên kia, giám Tuân (tên Tuân, gọi là giám Tuân vì hắn từng làm giám thị nhà lao Quy Nhơn) là người từng theo du kích rồi quay lưng với cách mạng, trở thành kẻ phản bội trắng trợn khi làm xã trưởng. Đại diện cho phía bên này là Quy, người phụ nữ trải qua chiến tranh với nhiều chiến công (với tư cách là thành viên nhóm Chim én thuộc đội du kích địa phương). Quy là nạn nhân của những tội ác tày trời do kẻ thù gây ra với gia đình mình, với quê hương mình và với chính bản thân mình. Quy cũng đại diện cho con người có ý chí phản kháng với quyết tâm mạnh mẽ chống lại và tiêu diệt cái ác. Quy gánh chịu những nỗi đau tột cùng ngoài sức chịu đựng của một con người bình thường. Anh trai, rồi chị gái bị địch truy lùng và giết, người cha vì đau buồn mà đổ bệnh rồi ra đi khi Quy mới 14 tuổi. Người trực tiếp gây ra cái chết cho những người thân của Quy, không ai khác là giám Tuân, kẻ từng là người bạn của anh trai Quy, là người quen của gia đình, người từng ở và ăn cơm ở nhà Quy khi hắn còn là du kích. Tuy nhiên, từ khi chiêu hồi địch, làm việc cho địch, Tuân trở mặt, gây biết bao nợ máu cho nhân dân trong vùng, coi gia đình Quy như kẻ thù và làm những điều ác độc, khủng khiếp. Tuân trực tiếp cho nổ mìn vào hầm bí mật của Dương và bắn chết Hảo là anh và chị của bé Quy. Đây cũng là lý do khiến Quy tự nguyện tham gia du kích. Thế rồi đến lượt Quy bị giám Tuân trả thù bằng âm mưu thâm độc, hắn ra lệnh cho mấy tay dân vệ hãm hiếp Quy một cách man rợ, khiến cô gái 14 tuổi “hoàn toàn mất hết khả năng làm một người phụ nữ bình thường, cũng như khả năng làm một người mẹ”1… Đây là kiểu con người quen thuộc trong chiến tranh, đặc biệt là địa bàn Miền Nam (từ vĩ tuyến 17 trở vào) nhưng không phổ biến trong văn học viết về chiến tranh trước 1975. Họ không cầm súng trong trạng thái lãng mạn “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Họ cầm súng chiến đấu ngay tại quê nhà của mình vì lòng yêu nước, căm thù giặc, để chống sự tàn phá, dày xéo quê hương mình. Họ còn là người trực tiếp cảm nhận thấm thía những tội ác tột cùng của kẻ thù. Thế nhưng khi chiến tranh qua đi, Quy không lấy sự bất hạnh của mình để nuôi dưỡng lòng thù hận mà thay vào đó, chị lấy sự tha thứ, sự yêu thương để xóa bỏ hận thù và ươm mầm cho cho cái thiện. Quy không lấy chồng vì không có khả năng làm mẹ, chị chấp nhận cảnh đơn thân. Bên cạnh những công việc bề bộn của cơ quan sau ngày giải phóng (Đại biểu Quốc hội), chị còn để tâm đến số phận của vợ con giám Tuân – kẻ đã bị chính chị thay mặt đội du kích và bà con địa phương trực tiếp tiêu diệt. Chị đã trực tiếp đến tận nhà thăm hỏi, tận mắt chứng kiến cảnh ngộ đáng thương của họ. Chị sẵn sàng lắng nghe tâm sự về những nỗi bất hạnh của họ trong quá khứ và hiện tại: bà Năm có dấu hiệu tâm thần, đứa con trai bỏ lên rừng, đứa con nhỏ đi học ở trường bị kỳ thị, xa lánh, ba mẹ con thiếu đói do hợp tác xã không ưu tiên chia ruộng cho gia đình ác ôn… Chị đã tự mình mang gạo và số tiền dành dụm ít ỏi giúp mẹ con họ chống đói, chị can thiệp với hợp tác xã chia ruộng cho họ, chị đã hủy cuộc nói chuyện về chiến công của đội du kích địa phương với thầy, trò ngôi trường nơi có đứa con của giám Tuân đang học vì sợ tổn thương tâm lý con trẻ… Đây chính là những gì tâm huyết nhất mà nhà văn Nguyễn Trí Huân đã trải nghiệm, suy ngẫm vẻ đẹp tâm hồn của người nữ chiến sĩ cách mạng trải qua cuộc chiến đầy đau thương và mất mát. Chiến tranh lấy đi của người nữ cán bộ rất nhiều thứ, kể cả những thứ quý giá nhất của đời người, nhưng nó không thể tiêu diệt được nhân cách và lòng nhân hậu, bao dung của chị.
Đọc Chim én bay, người đọc cảm nhận được những phức cảm tâm lý của nhân vật qua những hồi ức và dòng chảy nội tâm của nhân vật. Kỹ thuật đồng hiện cùng với hình thức trần thuật từ ngôi thứ ba hướng nội đã giữ cho đối tượng được miêu tả “gián cách” phần nào những bụi bặm đời thường, bản năng, vô thức nhưng vẫn đủ cho tác giả diễn tả những xung đột tâm lý, đôi khi biểu hiện qua hành động của nhân vật. Lần đầu thực hiện việc ám sát giám Tuân theo chủ trương của đội du kích và nguyện vọng của nhân dân, chị vừa hồi hộp vừa quyết tâm “sẽ trút tất cả niềm căm uất của mình vào nó”, thế nhưng trong khoảng cách rất gần, súng đã lên đạn, “chị bỗng sững sờ vì trên tay thằng giám Tuân đang bồng đứa con út của nó. Một thằng bé hết sức kháu khỉnh”. Kế hoạch của chị bất thành: “Chị lúng túng, ngón tay trỏ như cứng lại không sao xiết được vào vòng cò. Nếu như lúc đó chị cứ nhắm mắt nổ súng thì có thể đã chấm dứt bao nhiêu đau đớn trong cuộc đời chị. Nhưng chị sẽ bị giày vò, sẽ không thể yên ổn khi nghĩ tới thằng bé. Nó không hề có tội, tại sao chị lại nhắm bắn vào nó?” (tr. 71). Khi trả lời câu hỏi của Cường – người anh, người đồng chí của Quy trong chiến tranh, về việc hình như “Tư có vẻ hối hận” vì chuyện đã giết ác ôn, chị nóirành mạch ý nghĩ của mình: “Sao lại hối hận, anh! […] Em không thể làm khác vì cách mạng khi đó đòi hỏi em phải làm như vậy. Nhưng đúng là tự nhiên em cứ bứt rứt, thấy mình phải có trách nhiệm với vợ con chúng nó…” (tr. 60). Cứ như vậy, sau cái lần chứng kiến và hiểu được sự thực gia cảnh mẹ con chị Năm, chị dường như không liên tưởng gì đến chuyện họ là vợ con của kẻ ác ôn nhiều trọng tội với đồng bào, đồng chí. Chị chỉ hiểu đó là những con người cần chia sẻ sau chiến tranh. Đây là suy nghĩ và trăn trở rất chính đáng của chị – người chiến thắng: “Những gia đình có công đã được đãi ngộ, còn những gia đình có tội, không lẽ cứ ruồng bỏ họ mãi mãi?” (tr. 61). Không rõ trong các văn bản chính thức của Nhà nước những năm sau giải phóng có dòng nào chỉ đạo như thế không nhưng chắc chắn nhiều lãnh đạo địa phương ở các tỉnh thuộc Miền Nam trước năm 1975 (từ Quảng Trị trở vào) đều suy nghĩ và hành động như Quy trong tác phẩm. Bởi một lẽ đơn giản, trước hết đó là nhân bản tính của người Việt; sau nữa, hoàn cảnh quan hệ xã hội của người dân Miền Nam có tính đặc thù. Trong chiến tranh, các thành viên trong khá nhiều gia đình ở Miền Nam không hẳn ở về một phía. Có người đi kháng chiến, có người vì hoàn cảnh nào đó mà cầm súng cho phía bên kia. Có người làm việc cho địch nhưng ông, bà, cha, mẹ từng tham gia Việt Minh, kháng chiến chống Pháp. Có người thuộc dạng “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản”. Do vậy, họ không thực sự quay lưng với cách mạng, chỉ trừ mấy tay ác ôn. Chị Năm là người phụ nữ như thế, chị không đồng tình với hành vi độc ác của giám Tuân nhưng không có khả năng cản trở công việc của chồng, chị từng là du kích địa phương, có cha là liệt sĩ thời chống Pháp. Trong truyện, chính chị Năm là người hét lớn “Chạy đi, chạy đi” để giúp Quy thoát cái chết trong gang tấc khi lần đầu tiên cô bé du kích 14 tuổi thực hiện nhiệm vụ ám sát giám Tuân bất thành. Sau này Quy vẫn còn nhớ mãi cái lần đó: “Hai tiếng thét “chạy đi” ấy đã bám riết chị đến bây giờ, khiến chị không thể dửng dưng trước những khó khăn mà chị ta đang phải chịu đựng” (tr. 76). Thế giới nội tâm của nhân vật Quy là một kiểu dòng chảy tâm lý không thuận chiều, chúng ngập ngừng, đứt quãng nhưng không mâu thuẫn. Bất kỳ một hiện tượng nào có liên quan cuộc đời, trong các mối quan hệ đều có thể đánh thức tâm trạng của nhân vật. Từ cái chết của chị Năm (vợ giám Tuân), khi đưa người đàn bà đơn độc ra nghĩa địa, chị “vừa buồn rầu, vừa lo sợ”, buồn vì đơn chiếc, lo sợ vì cuộc sống “quá ư mỏng manh” (tr. 215). Khi được bác sĩ cho biết chị bị “khối u trong tử cung”, trước mặt anh Cường – người anh, người đồng chí mà chị yêu mến nhất – chị giả vờ như không hề có chuyện bệnh tật hiểm nghèo nhưng khi “qua những cánh đồng, những vườn dừa thân thiết trên quê hương”, “chị bỗng ôm lấy mặt mà khóc nức nở” (tr. 220). Từ đó, ý nghĩ về cái chết ám ảnh chị, giày vò tâm can chị, khiến “nhiều đêm chị nằm mê thấy mình đã chết” (tr. 221). Ám ảnh về cái chết do bệnh tật và ám ảnh về tội ác của kẻ thù trong quá khứ qua giấc mơ nhiều đêm khiến chị hoảng sợ. Nhưng rồi chị đã cố đứng dậy, lấy công việc để xua bớt nỗi buồn và âu lo. Tác phẩm kết thúc bằng nghĩa cử cao đẹp của Quy. Chị tình cờ tìm ra được thằng út của chị Năm gửi ở nhà má Huỳnh. Khi biết thằng bé không được đi học, chị đã trực tiếp dẫn cháu tới trường xin thầy Hiệu trưởng cho cháu đến lớp. Trước khi chết, chị còn nhờ người chuyển khoản tiền tiết kiệm ít ỏi của mình gửi ở ngân hàng cho má Huỳnh để giúp má lo cho thằng bé chuyện ăn học.
Chim én bay là một tiểu thuyết cấu trúc theo lối đồng hiện, một đặc điểm khá phổ biến trong văn xuôi Việt Nam sau 1986 khi viết về chiến tranh. Nhưng điểm đáng chú ý và cũng là điểm sáng của tác phẩm là tác giả không chỉ tái hiện lại những chiến công mà còn dành một “thời lượng” đáng kể để cho nhân vật độc thoại – kiểu độc thoại đan xen trong lời dẫn của người kể chuyện – với điểm nhấn là những lời tự vấn, đầy trăn trở của nhân vật chính. Những điều được hồi tưởng về sự nghiệt ngã của chiến tranh luôn đan cài xoắn xuýt với những băn khoăn, lo nghĩ, bâng khuâng, tiếc nuối của nhân vật. Và đến lượt người đọc được đánh thức bởi những ý tưởng có tính chân thiện của con người: tội ác sẽ bị trừng phạt nhưng người thực thi sự trừng phạt không phải là cái máy, vì vậy, sau mỗi cuộc chiến, kẻ thua và người thắng đều ít nhiều bị những nỗi day dứt đeo đuổi. Người lớn có tội thì phải đền tội nhưng trẻ em là người vô tội, không thể để cho con trẻ trở thành nạn nhân thời hậu chiến… Đó là những thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn được Nguyễn Trí Huân chuyển tải qua tác phẩm này.
2. Chiến tranh – dấn thân, chấp nhận hay từ chối
Nỗi buồn chiến tranh (nhan đề khác Thân phận của tình yêu) của Bảo Ninh, tự thân cái tiêu đề đã chuyển tải chủ đề của tác phẩm. Tuy nhiên, trong cấu trúc của nó, với chằng chịt những chi tiết trong một tiểu thuyết hư cấu dựa trên một vài mẩu chuyện có tính tự thuật, người đọc có thể nhặt được nhiều vô kể những mảnh vỡ tư tưởng của nhà văn. Chủ đề bao trùm của Nỗi buồn chiến tranh là bi kịch của con người trong chiến tranh với hai điểm nhấn: chiến tranh hủy diệt thiên nhiên và chiến tranh hủy diệt tình yêu. Khái quát lại, chiến tranh hủy diệt cái đẹp. Một chủ đề như thế không có gì xa lạ với văn học thế giới xưa nay. Thế nhưng qua ngòi bút tài hoa cùng với sự trải nghiệm của Bảo Ninh, những trang văn của ông vừa đánh thức mạnh mẽ những suy tưởng vừa làm dậy sóng cảm xúc của người đọc với những cung bậc khác nhau. Thực ra trong Nỗi buồn chiến tranh, rất nhiều những phức cảm tâm lý của con người được đan cài xoắn xuýt với nhau.
Trong tác phẩm, Bảo Ninh không dành nhiều trang văn viết về ngày lên đường nhập ngũ của Kiên. Nhưng xen kẽ trong ký ức của nhân vật, người đọc cảm nhận được phần nào tâm trạng của nhân vật: Kiên cảm thấy vinh dự và tin yêu khi được lên đường nhập ngũ. Kiên không đồng tình với suy nghĩ “yếu đuối” về cuộc chiến của người cha dượng – người nghệ sĩ với nhiều dở dang, sống thầm lặng sau khi mẹ Kiên qua đời – khi ông khuyên anh “nghĩa vụ của một con người […] là sống chứ không phải hi sinh nó”2. Kiên cũng không buông bỏ trách nhiệm cầm súng vào chiến trường khi Phương – người bạn gái, tình yêu tuổi học trò của anh – khuyên anh sự lựa chọn giữa tình yêu và chiến trường. Sau cái đêm kinh hoàng và khủng khiếp ở ga Thanh Hóa, Kiên đã đưa Phương ra khỏi nơi rùng rợn đó, dừng lại ở ngôi trường bị bỏ hoang để nghỉ ngơi trước khi tìm phương tiện cho Phương quay về Hà Nội. Lúc đó, khi cảm nhận tâm trạng bi quan của Phương, Kiên tỏ ra bản lĩnh, trấn an ngay người bạn gái mà cũng là tự trấn an mình: “Đây là chiến trường. Là cuộc chiến đấu. Phải có niềm tin” (tr. 318).
Điều đó có nghĩa là Kiên chấp nhận việc dấn thân – không ồn ào như bản tính của con người anh – cho cuộc chiến và Kiên đã làm tất cả những gì có thể với trọng trách của một người lính đích thực. Kiên yêu thương, bảo vệ đồng chí, đồng đội. Kiên căm thù giặc khi chúng tàn sát đồng đội mình. Kiên đau đớn, xót xa vì cảnh đất nước bị bom đạn của kẻ thù tàn phá khủng khiếp. Tuy nhiên, tâm trạng tự tin, hào hứng của chàng thanh niên Hà Nội tuổi 17 khi vào chiến trường không giữ được bao lâu khi Kiên và Phương nhảy liều lên chuyến tàu chở hàng (để đuổi theo đoàn tàu quân sự chuyển quân nhưng Kiên đến chậm) dừng lại ở ga Thanh Hóa. Đêm đó, không gian ga tàu tối om, một cảnh tượng kinh hoàng ngoài sức tưởng tượng của Kiên: bom đạn do máy bay địch oanh tạc, bắn phá gần như hất tung, chặt gãy cả đoàn tàu. Tiếng khóc than, gào thét vì bị thương, vì sợ hãi trong đêm tối. Trong toa tàu hàng chật chội, hôi hám, Kiên bị thương tích, bầm dập, còn Phương bị gã du côn hãm hiếp tơi tả, Kiên thoáng nhìn thấy nhưng bất lực. Từ hôm đó, Kiên cảm nhận được “mùi vị” dữ dằn của chiến tranh. Sự ác liệt của chiến tranh rất nhiều lần, lặp đi lặp lại trong ký ức và hồi tưởng của Kiên cả khi ở chiến trường cũng như lúc đã trở về Hà Nội trong thời bình và sau rất nhiều năm. Kiên bị ám ảnh đến điên loạn, có khi mụ mị. Qua các trang viết (ngôi thứ ba và ngôi thứ nhất của Kiên) người đọc luôn cảm nhận được nỗi day dứt, đau đớn, xót xa, có khi tuyệt vọng của nhân vật.
Thế nhưng Kiên trước sau như một, từ trong ý thức và cả trong vô thức, anh vẫn là người lính. Kiên chưa bao giờ từ chối anh đã là và sẽ là người lính, ngay trong lúc chiến tranh ác liệt, bom đạn và điên loạn của nó đã vùi dập anh và các đồng đội đến tan nát, tơi tả, Kiên vẫn chưa bao giờ quên mình là người cầm súng chiến đấu vì những điều cao cả. Sau chiến tranh, sau những mất mát và đau buồn vì bố mẹ đã về cõi vĩnh hằng, người yêu duy nhất – mối tình đầu thanh khiết và mê đắm đã bỏ anh ra đi, Kiên thực sự ghét chiến tranh nhưng anh không cho phép ai được xúc phạm thanh danh người lính. Đó là lần Kiên ngồi một mình nhâm nhi cà phê ở “Caffe de la Hiên” nằm trong góc tối cạnh Bờ Hồ. Kiên chứng kiến tay ca sĩ nghiệp dư, lưu manh nói lời nhục mạ khi gọi một cựu chiến binh (Vượng tồ) “say khướt đang ngồi rên rĩ hát” là “Đồ rác rưởi”3. Không chấp nhận sự xúc phạm người lính một cách vô lối và hỗn láo của hắn, Kiên đã “từ tốn” bảo: “Tôi cho rằng: Anh mới là đồ rác rưởi khi nói như vậy”, nhưng sau đó, vì hắn hùng hổ đòi đánh Kiên thì anh buộc phải ra tay và “giúi cái mặt bị đánh vỡ của hắn xuống cống” (tr. 213). Con người Kiên là vậy, anh không thích gì chiến tranh nhưng khi đất nước bị ngoại xâm, anh tự nhận trách nhiệm cầm súng và chiến đấu. Chiến tranh đã lấy đi tuổi thanh xuân, tình yêu và hạnh phúc, Kiên nhận chịu. Kiên không cần ai ca ngợi nhưng không ai có quyền thương hại và xúc phạm mình.
Trong việc ứng xử với nhân dân, với đồng chí, đồng đội, Kiên trước sau như một, luôn hi sinh, san sẻ, gánh vác. Nhưng với địch, anh có nhiều phức cảm. Có khi anh xả súng không ghê tay vì căm thù đến mức quên rằng con người có nhân tính. Kiên nhiều lần than thở về nhân tính của cả hai phía. Và anh đã hối hận, anh cảm nhận cái bi kịch nghiệt ngã của người cầm súng khi “mùi thuốc súng”, mùi của chiến tranh đã làm cho con người mụ mị, sát khí. Ngay cả trong việc ứng xử với kẻ thù, Kiên cũng luôn đối nghịch. Đó là câu chuyện xảy ra ở sân bay Tân Sơn Nhất chiều 30 tháng Tư. Khi chứng kiến một anh lính cao xạ to như hộ pháp kéo “xềnh xệch” thân xác một phụ nữ không quần áo (lính thông tin Việt Nam Cộng hòa) đã chết xuống các bậc tam cấp rồi “vặn lưng lấy đà, quăng mạnh, liệng bổng người ta lên” (tr. 132). Một người lính xe tăng thấy hành động bất nhân của anh pháo cao xạ đã giật phăng khẩu AK khỏi vai định bắn người đồng đội dã thú, may mà Kiên phản xạ nhanh và chuyên nghiệp, nhờ vậy, cả băng đạn “xả chếch lên trời”. Sau sự vụ ồn ào ở sân bay, họ nhận ra nhân tính của chính mình phần nào suy giảm nghiêm trọng. Điều đó đã khiến Kiên nhớ lại những chuyện tương tự đã qua. Câu chuyện xảy ra trước đó hơn một tháng tại Buôn Ma Thuột khi quân ta tấn công vào tòa nhà chính của tỉnh lỵ, đã bị nhóm cảnh sát văn phòng chống cự rất quyết liệt. Trong đó có ba nữ cảnh sát ngụy chiến đấu rất hăng, buộc Kiên phải dùng AK để đẩy lùi. “Ba người đàn bà vận áo cảnh sát khuỵu xuống hành lang trải thảm xanh”, hai cô đã chết nhưng có một cô từ từ đứng dậy được. Oanh – một đồng đội của Kiên – ra lệnh cho cô đi xuống sân, hai tay đưa lên cao thì không bị bắn. Thế nhưng cả Oanh và Kiên không ngờ cô cảnh sát này đã nhanh chóng rút súng ngắn trong người bắn gục Oanh và chĩa thẳng vào mặt Kiên. Nhưng súng cô ta hết đạn. Vì quá tức giận, Kiên đã bắn không phải một phát mà xả trọn nửa băng AK vào ả. Ngay sau đó, Kiên đã thốt lời chua chát: “Nhân tính! Tình người!”. Để rồi khi thời gian lùi xa, Kiên ngẫm lại những gì đã xảy ra với anh không hẳn là sự hối hận mà gần như là sự tự thú: “Và nói thật lòng khó ai tin nổi: theo năm tháng dần dần nỗi ám ảnh và niềm oan khốc cuối cùng ấy của chiến tranh đã thành ra như là niềm thương nhớ, tuồng như cô gái Tân Sơn Nhất ấy đối với Kiên vốn dĩ không phải là một tử thi mà thật sự là một người đàn bà anh được gặp một lần duy nhất trong đời vào thời điểm đầy đau đớn của một ngày tuyệt đối không thể nào có ai quên nổi, để lại bóng hình thương tâm, mật thiết, mãi mãi chẳng tàn phai” (tr. 139-140).
Thực ra trong tác phẩm của Bảo Ninh, không chỉ nhân vật Kiên mới đầy phức cảm tâm lý. Ở những nhân vật khác cũng ít nhiều được nhà văn soi chiếu, khám phá qua kiểu “tâm lý chiều sâu” này. Chẳng hạn, ở nhân vật Phán – lính trinh sát Trung đoàn 24. Phán kể “sau trận sống mái” với đơn vị biệt động quân của địch, anh đã “điên lên” khi một lính ngụy bị “bom phát quang” hất lên cao rồi rơi xuống nằm đè lên thân mình, tức quá, anh rút dao “thí liền hai phát” vào ngực, vào bụng hắn nhưng đến khi thấy anh chàng mặc áo rằn ri “kêu ằng ặc, giãy đành đạch” lại còn “người đầm đìa máu”, “miệng ứa máu” do một bàn chân bị đứt lìa trước đó… thì Phán cảm thấy “khủng khiếp quá”, “thương tâm quá”. Và anh đã chủ động muốn cứu sống anh ta bằng việc đi một vòng tìm vải và bông băng để giúp anh ta cầm máu. Tuy nhiên, khi Phán quay trở lại thì hỡi ôi, anh lính kia đã bị nước mưa rừng xối xả cuốn trôi, khiến anh “chạy tìm cuống quýt” và thốt lên tiếng gọi xót xa: “Ngụy ơi, Ngụy ơi” (tr. 118). Chuyển từ trạng thái căm thù (khi kẻ thù tấn công mình) sang thái độ thương tâm, đồng cảm (khi kẻ thù gặp tình thế thương tật, cận kề cái chết) là một biểu hiện khác của phức cảm tâm lý ở người lính trong chiến tranh.
Và cả ở nhân vật Phương cũng vậy. Phương là một nhan sắc rực rỡ, một cá tính có phần hoang dã. Phương yêu Kiên tha thiết và hồn nhiên. Thời còn học ở trường trung học, Phương đã chủ động gần gũi Kiên, sau này nhiều lần Phương muốn lần đầu tiên trong đời dành cho Kiên thứ tình yêu thể xác trước khi anh lên đường nhập ngũ. Nhưng Kiên không sẵn sàng cho việc đó. Rồi Phương chủ động đồng hành với Kiên trên chuyến tàu từ Hà Nội vào Vinh như một cách tiễn người mình yêu ra trận. Nhưng sau lần bị hãm hiếp trên toa tàu đêm ở ga Thanh Hóa (trong cảnh hỗn loạn của bom đạn mà Kiên bất lực), Phương trở thành một người đàn bà khác: liều lĩnh, bất cần, tự nhận mình là “đồ hư hỏng”, có lúc “như con vật”.
Kiên là chàng trai ít nhiều được trải nghiệm xúc cảm khác giới khi còn trẻ, với Lan – em gái của người đồng đội, Hạnh – người phụ nữ độc thân cùng chung khu nhà tập thể, Hiền – nữ chiến sĩ quê Nam Định đi cùng chuyến tàu về Bắc sau ngày Miền Nam được giải phóng, và người đàn bà câm – người cất giữ tranh cho bố Kiên… Nhưng Kiên không hề lưu giữ quá lâu những cảm xúc về họ. Người duy nhất mà anh yêu và nhớ dai dẳng, nhiều lúc dằn vặt, đau đớn, không ai khác là Phương. Chỉ có hình bóng Phương là có khả năng đánh thức ký ức của Kiên bất kể lúc nào, khiến cho anh luôn sống lại cảm xúc từ những lời nói, ánh nhìn và đặc biệt là mĩ cảm của thể xác. Ngay lần đầu hò hẹn đi bơi ở Hồ Tây thời học trò, Phương đã ám ảnh Kiên bởi “bộ đồ tắm màu đen” và “màu da trắng lóa”, “thân hình mềm mại”, “mái tóc ướt nặng, bờ vai, đôi chân dài, thân thiết, tuyệt mĩ” (tr. 156); lần khác, Kiên cảm nhận Phương “đẹp lồ lộ, hừng hực, đẹp một cách liều lĩnh”… Bi kịch của Kiên sau chiến tranh là Phương luôn nói yêu Kiên nhưng trong thực tế, cô thường gần gũi với những người đàn ông khác. Dường như những lần gần gũi với họ, Phương cố tình cho Kiên biết, không phải để trả thù mà là để cho anh biết cô không phải Phương của ngày xưa nữa. Và cuối cùng, nàng đã cùng người họa sĩ luống tuổi dắt nhau rời khỏi căn hộ chung cư, cùng chào từ biệt Kiên để vĩnh viễn hai người không bao giờ gặp lại nhau. Phương là một phức cảm, kiểu phức cảm đối nghịch. Kiên còn chồng chéo và triền miên những trạng thái tâm lý đối nghịch như thế. Đây là một tâm trạng lưỡng phân của Kiên ngày đầu tiên trở về nhà sau bao nhiêu năm chinh chiến ở chiến trường. Trong vòng tay của Phương nhưng cảm giác của Kiên chuyển động không đồng hướng: “Không hiểu sao ngay lúc đó, anh đã cảm thấy những xung động rốiren giữa niềm hạnh phúc vô bờ lẫn cùng sự hoang mang bấn loạn từ tấm thân yêu kiều trong vòng tay của mình” (tr. 103). Ngòi bút của Bảo Ninh thực sự thăng hoa khi tả những xung động tâm lý của nhân vật gắn với tình huống có khả năng đẩy nhân vật về phía phân tâm.
Văn học viết về chiến tranh sau 1986 đã có sự thay đổirõ rệt so với trước đó. Sự thay đổi này là con đường tất yếu của văn học trước yêu cầu đổi mới và nhu cầu hướng đến “cái khác” của văn giới. Trong địa hạt tiểu thuyết, Lê Lựu, Dương Hướng, Bảo Ninh, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Bình Phương… đã có những nỗ lực kiến tạo con đường mới cho nghệ thuật. Riêng ở góc độ nhân vật, Nguyễn Trí Huân và Bảo Ninh đã thực sự đào sâu vào những ngõ ngách tâm lý của người lính với những phức cảm của nó để lột tả cho được niềm vui và nỗi buồn, lòng tự tin và nỗi âu lo, sự căm thù và thái độ khoan dung, độ lượng, tình yêu và chối bỏ… Và nhờ vậy, ở Chim én bay và Nỗi buồn chiến tranh có sự lấp lánh những vẻ đẹp tâm hồn của người lính, vẻ đẹp của lương tâm con người không bị vùi dập bởi sự ác liệt của chiến tranh. Nó có khả năng dẫn đường cho sự hòa giải, hòa hợp và nối kết tình cảm dân tộc, cộng đồng thời hậu chiến.
Tài liệu tham khảo:
1. E. A. Bennet (2002), Jung đã thực sự nói gì? (Bùi Lưu Phi Khanh dịch), NXB Văn hóa -Thông tin.
2. Đỗ Lai Thúy (biên soạn, 2000), Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, NXB Văn hóa -Thông tin.
Chú thích:
* Khảo sát trường hợp Chim én bay của Nguyễn Trí Huân và Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh
1 Nguyễn Trí Huân (2011), Chim én bay, NXB Văn học, tr. 84. Những trích dẫn trong sách này, liền sau đây, được ghi chú trực tiếp nguồn trang (tr.) sau mỗi trích dẫn.
2 Bảo Ninh (2003), Thân phận của tình yêu, NXB Phụ nữ, tr. 74. Những trích dẫn trong sách này, liền sau đây, được ghi chú trực tiếp nguồn trang (tr.) sau mỗi trích dẫn.
3 Nguyên văn: “Đồ rác rưởi, một thằng cha đầy lòng tự hào chiến thắng đấy. Thật đúng là thắng lợi của bọn dã man, bọn ăn lông ở lỗ, bọn nhà quê An Nam mít đối với văn minh và tiến hóa. Đồ rác rưởi”, trong: Bảo Ninh (2003), Thân phận của tình yêu, NXB Phụ nữ, tr. 211-212.