LAN TỎA ÂM VANG ĐIỆN BIÊN PHỦ BẰNG ĐIỆN ẢNH

Trên cơ sở phân tích, đánh giá một số phim về Điện Biên Phủ, cả trong nước và nước ngoài, bài viết khẳng định sức hấp dẫn và sự lan tỏa của đề tài Điện Biên Phủ đối với các nhà làm phim trong và ngoài nước.

   Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ hấp dẫn các nhà quân sự, các nhà lịch sử, các nhà chính trị nghiên cứu mà còn là nguồn cảm hứng cho các sáng tạo nghệ thuật, văn học...

   Đối với điện ảnh, đề tài về Điện Biên Phủ đã hấp dẫn nhiều nhà làm phim nước ngoài, có thể lấy ví dụ: Nhiệm vụ đặc biệt tại Điện Biên Phủ của Douglas Paynter (đó là cái nhìn của người Mĩ), Trận Điện Biên Phủ của Jean Christophe Grelet (Pháp), Việt Nam Điện Biên Phủ của Sukprida Banomyong (con trai cựu Thủ tướng Thái Lan Pridi Banomyong), Cuộc chiến giữa voi và hổ của đạo diễn Pháp Daniel Roussel. Trong bộ phim Việt Nam: Cuộc chiến mười nghìn ngày dài 13 tập, các đạo diễn đã để riêng tập một vạch rõ sự thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ và sự can thiệp trắng trợn của đế quốc Mĩ vào Việt Nam... Đạo diễn Nga Roman Carmen làm phim Việt Nam trên đường thắng lợi. Có một bộ phim truyện tên là Điện Biên Phủ của đạo diễn Pháp Schoenderffer. Tôi được đọc phụ đề tiếng Việt trong buổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem ở Hãng phim Tài liệu nên tranh thủ xin ý kiến của Đại tướng, Ngài nói: “Người ta làm phim về họ thế cũng là được rồi”. Có thể tôi chưa thống kê hết nhưng danh sách đó cũng cho ta thấy tính chất phong phú và sự quan tâm của các nhà làm phim nước ngoài về Điện Biên Phủ.

   Trong nước cũng có một lượng phim về Điện Biên Phủ tuy chưa thật nhiều do hạn chế về kinh phí (thường chỉ được Nhà nước đầu tư trong những dịp kỷ niệm năm chẵn). Có một số phim tài liệu như Chiến thắng Điện Biên Phủ của Xưởng phim Tài liệu Trung ương, Điện Biên Phủ trận quyết chiến lịch sử của Điện ảnh Quân đội Nhân dân, Điện Biên Phủ sức mạnh lòng dân của Điện ảnh Quân đội nhân dân, phim truyền hình Đường lên Điện Biên của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, dạng phim truyện.

   Phim truyện có Lá cờ chuẩn của đạo diễn U Đa miêu tả trực tiếp trận đánh. Lá cờ cắm để làm chuẩn cho pháo nhưng bị đổ. Một chiến sĩ xung phong bò đến vị trí đó, giương cờ lên làm mục tiêu, đồng chí đã hi sinh anh dũng.

   Năm 1994, đạo diễn Bạch Diệp làm phim Hoa ban đỏ mang tính trữ tình bi tráng. Bà đã khai thác khoảng lặng của thời gian đạn bom. Trong phim cũng có những cảnh đào hầm thầm lặng trong đêm (để giữ bí mật), có cảnh giải lao cùng hát ca; có tình yêu nhẹ nhàng bên cảnh hi sinh, mất mát, khổ đau; có tình yêu mới chớm của Phương và Tấm. Tấm (do Thu Hà đóng) nữ dân quân xinh đẹp kiêm y tá hết lòng vì bộ đội. Ở chiến trường, Tấm gặp Phương vốn là hàng xóm ở quê nhà, chơi với nhau từ nhỏ. Những ngày cuối cùng của chiến dịch, Phương (do Trần Lực đóng) bị thương nặng, gặp Tấm ở trạm quân y. Trong thời gian này, Tấm thầm yêu Phương. Lành vết thương, Phương ra viện, chia tay, trở về đơn vị giữa rừng hoa ban đỏ. Ngày chiến thắng, Tấm đi khắp cánh đồng Mường Thanh mà không tìm được Phương. Chuyện người cùng làng, anh đi bộ đội, em là dân công gặp nhau ở chiến trường không phải là quá hiếm (nhắc ta nhớ đến bức tranh Gặp gỡ của Mai Văn Hiến) trong phản ánh hiện thực toàn dân đánh giặc. Tình yêu nhẹ nhàng, kín đáo của Tấm với Phương phần nào thể hiện phong cách của Bạch Diệp. Bà chọn hoa ban đỏ (mà không phải hoa ban trắng) phần nào thể hiện chất không bi lụy của phim.

   Sống cùng lịch sử (nhân dịp 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ) của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân. Phim xoay quanh hành trình của một nhóm bạn trẻ đi phượt lên Tây Bắc, bắt đầu từ ý kiến của một bạn trai rằng cái thung lũng Mường Thanh nhỏ như thế mà phải bao lâu mới đánh được, ba bạn trẻ (một gái hai trai) rủ nhau đi phượt vừa để thăm chiến trường xưa vừa để ngắm phong cảnh... Trong phim dựng lại những cảnh dân công chiến đấu ở mặt trận, trong đó ba người họ hóa thân thành những chiến sĩ tham gia tình huống. Phim dựng lại cảnh hi sinh chiến đấu của những anh hùng đã nổi tiếng như cảnh Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, Phan Đình Giót lấp lỗ châu mai, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo... rồi có cảnh trò chuyện với một cô dân công đi Điện Biên, cũng là để tìm người chồng vừa cưới nhau ba ngày đã đi bộ đội... Cách của phim này là làm theo kiểu nhẹ nhàng, nhấn những chi tiết nổi bật để giáo dục thanh niên, khán giả trẻ xem thoải mái nhưng thấy được một phần lịch sử.

   Ký ức Điện Biên (2004) của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn là bộ phim đáng chú ý nhất trong mấy bộ phim về Điện Biên Phủ. Mở đầu phim là cảnh hầm chỉ huy ở mặt trận. Không khí chiến tranh gấp gáp. Họ bắt được một tù binh Pháp tên là Bernard. Chiến sĩ Bạo được phân công đưa Bernard về tuyến sau. Gã tù binh bị thương nên có y tá Mây cùng đi chăm sóc. Bạo và Mây có cảm tình với nhau. Trên đường đi, mọi người, kể cả dân chúng, cư xử tốt với Bernard, anh ta lại chứng kiến cảnh máy bay Pháp tàn phá làng xóm... Bernard xin quay lại mặt trận để giúp đỡ Việt Minh. Anh ta kêu gọi các bạn đầu hàng Việt Minh. Anh ta giúp anh nuôi làm bếp. Trong phim có cảnh anh ta nhặt được cái bi đông của Jaques bạn mình, đã khóc và giữ làm kỷ niệm, sau này chiếc bi đông còn xuất hiện trong buổi uống rượu gặp gỡ ở Paris. Bernard, Bạo và Mây trở thành những người bạn. Sau chiến tranh, Mây và Bạo cưới nhau, có một con trai, ông Bạo có cô cháu gái xinh xắn học trường múa. Biết Mây rất thích hoa ban, sau khi Mây chết, Bạo làm cành hoa ban giấy cắm trên ban thờ. Một ngày giỗ, con trai Bạo mua hoa ly về cắm, vứt cành hoa ban giấy xuống giàn mướp. Cô cháu gái biết ông nội thích cắm hoa ban giấy, đã từ tầng hai cúi xuống với lấy cành hoa nên bị ngã, bị tâm thần, chữa không khỏi. Bạo và Bernard vẫn giữ liên lạc. Một lần Bernard sang Hà Nội dự hội nghị, họ gặp nhau tay bắt mặt mừng. Bernard đưa cháu gái Bạo sang Paris chữa bệnh. Khỏi bệnh, cháu được ông Bernard xin cho vào học biên đạo múa. Ngày cháu tốt nghiệp, Bạo sang Paris cùng Bernard đi dự. Vở múa tốt nghiệp của cháu gái Bạo là múa đương đại có tên Ký ức Điện Biên. Đây cũng là tên bài thơ của Bernard. Bernard, Bạo và mấy người bạn của Bernard uống rượu mừng cháu. Rượu được đựng trong bi đông của Jacques – bạn thân của Bernard đã chết ở Điện Biên... Bộ phim hấp dẫn với nhiều chi tiết được cài cắm cẩn thận, giàu tình người, thể hiện sức lôi cuốn của chính nghĩa. Tình bạn của những người cựu chiến binh của hai phía đối phương Việt - Pháp thể hiện và báo hiệu quan hệ hai nước Việt Nam - Pháp đang và sẽ phát triển. Có những hình ảnh mang tính biểu tượng giá trị, ví dụ: khi Bernard nhìn ra chiến hào, từ những tử thi của lính Pháp bay lên một đàn bồ câu trắng. Đó là cái nhìn nhân văn và công bằng vì những người lính Pháp trẻ kia còn trong trắng và họ chết vì nghĩa vụ với đất nước họ. Hoặc có cảnh cô cháu gái của Bạo (bị tâm thần) hình dung những người bộ đội đã hi sinh ở chiến hào đứng lên nhảy múa. Phim vừa cho thấy tình hình chiến trận vừa giàu tình người và có sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện. Câu nói của Bernard trong phim rất đáng chú ý: “Điện Biên Phủ là chiến thắng của văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam”.

   Năm 2014, kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bùi Tuấn Dũng làm bộ phim truyền hình 25 tập Đường lên Điện Biên, đã được phát trên truyền hình. Kịch bản của phim dựa trên hai cuốn sách Đường lên Tây BắcĐại đội trưởng của tôi của Mai Vui. Nhan đề phim đã thể hiện rõ cách thức mà phim sẽ đi. Đó là đường lên Điện Biên, đích cuối cùng vẫn là Điện Biên, là cảnh chiến trận. Nhưng để có trận đánh đó thì các lực lượng phải tập kết về Điện Biên những gì cần thiết. “Nhân vật chính” đi từ đồng bằng lên Điện Biên là một Tiểu đoàn 5 nào đó. Vì là phim nhiều tập, dung lượng lớn nên có thể đưa vào nhiều chuyện trên đường đi. Ở nơi đóng quân của đơn vị có chuyện tình cảm giữa cô thôn nữ với anh bộ đội, cô Diên muốn đi theo đơn vị của anh bộ đội Hảo cô yêu mà không được nhưng sau đó họ gặp nhau ở chiến trường. Trong phim có chuyện dân bản chăm sóc bộ đội; lại có cuộc gặp gỡ của tiểu đoàn với đơn vị nữ dân công, trong đó có cuộc gặp của Tiểu đoàn trưởng Hùng với cô em vợ (và khán giả biết được hoàn cảnh không may của Hùng là vợ bỏ nhà đi). Đơn vị có con em nông dân, có cả những chàng trai Hà Nội để lại gia đình, người yêu, bút nghiên. Có những đoàn xe thồ và những cô dân công gánh gạo lên chiến trường. Phim nhắc đến chuyện tướng Cogny lên thăm cứ điểm Điện Biên Phủ. Đôi khi có những trận nổ súng nhỏ. Và cũng có hoạt động của trạm quân y dã chiến. Trong chỉ huy, có anh Chỉ huy phó lại tha hóa làm việc xấu… Nói tóm lại, phim Đường lên Điện Biên có đủ cả những gì cần thiết để chuẩn bị cho chiến dịch: là sự chuẩn bị cần thiết, là một con đường trong những con đường đi lên chiến dịch và cuối cùng là cảnh chiến trận. Đây là phim truyền hình, câu chuyện trải ra nhiều việc, cho thấy sự khái quát nhưng phần cô đọng yếu, không có điểm nhấn. Tuy nhiên, phim cho khán giả hình dung phần nào những công việc mà biết bao con người không trực tiếp chiến đấu nhưng đổ mồ hôi, sức lực, của cải, đôi khi đổ máu cho chiến dịch, cho chiến thắng.

   Trên đây là phần lược kể về những bộ phim làm về chiến thắng Điên Biên Phủ để có khái niệm về điện ảnh phim truyện Việt Nam với chiến thắng vĩ đại này. Số phim như vậy không nhiều cũng không ít. Mỗi phim cho thấy một mảng của cuộc chiến đấu. Nhưng tôi cũng như nhiều khán giả mong muốn có một bộ phim tài liệu, phim truyện dạng như phim Giải phóng của điện ảnh Xô viết. Ở đó miêu tả từ hoạt động của Trung ương, rồi có hoạt động của Bộ Tổng tư lệnh... cùng với những gì có thể miêu tả như trong phim truyền hình, và vĩ thanh là ảnh hưởng lớn lao của thắng lợi “chấn động địa cầu” này. Và nếu muốn có một kịch bản như thế, phải là sự tập hợp các cây bút giỏi, các nhà điện ảnh có tài, chuẩn bị lâu dài chứ không làm vội vàng được.

   Nhân đây phải nói đến việc cần có những người gặp gỡ, ghi chép những hồi ức của các nhân chứng lịch sử (nay đều đã lớn tuổi). Chỉ trong một chuyến đi Điện Biên ngắn ngày với năm đại tá về hưu từng chiến đấu ở Điện Biên, tôi được nghe nhiều chi tiết mà đôi khi thấy ở phim miêu tả không đúng. Phần ghi giữ tư liệu rất quan trọng, có lẽ không phải chỉ dùng cho một hai bộ phim tương lai, không làm ngay thì sẽ không kịp.

   Điều quan trọng là dù làm phim lớn hay phim nhỏ đều phải làm cho hay, ý nghĩa của phim sâu sắc, ngôn ngữ điện ảnh phong phú (chứ không chỉ là dùng hình ảnh đơn giản để kể chuyện), trong đó chú ý đến âm nhạc và âm thanh... bởi những yếu tố đó sẽ tác động đến cảm xúc của người xem.

   Những phim về Điện Biên Phủ đã làm của Việt Nam cũng có phim khá, có phim yếu. Ví dụ Sống cùng lịch sử hướng tới đối tượng khán giả thanh niên, dùng chuyến đi phượt để lôi cuốn họ nhưng phim dường như không đưa được tới họ một cái nhìn tương đối khái quát về Điện Biên Phủ, ngoài việc nhắc đến vài sự kiện và mấy anh hùng nổi tiếng. Bởi vậy, phim làm hết 21 tỉ mà khi chiếu có quá ít người xem, khán giả là thanh niên cũng chẳng mấy quan tâm.

   Nghệ thuật có sức mạnh lan tỏa rất lớn khi nó có giá trị thực sự. Một bộ phim về Điện Biên Phủ làm cho hay, hấp dẫn khán giả trong và ngoài nước thì âm vang lan tỏa của nó gấp nhiều lần các bài báo. Bởi vậy, để lan tỏa âm vang Điện Biên Phủ bằng nghệ thuật điện ảnh, trách nhiệm của những người làm phim là phải làm cho hay, cho hấp dẫn, cho có nhiều người xem, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. 

Bình luận

    Chưa có bình luận