LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ NHỮNG CÔNG TRÌNH MANG TẦM THỜI ĐẠI VỀ ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH Ở VIỆT NAM

Bài viết là những luận bàn, suy ngẫm về vấn đề làm thế nào để có được những tác phẩm, công trình để đời, có chất lượng tốt về đề tài chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở Việt Nam, trên cơ sở đó, chỉ ra những hạn chế mà các văn nghệ sĩ đã và đang gặp phải trong quá trình nghiên cứu, sáng tác.

   Việt Nam là một đất nước đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Có thể thấy lịch sử đất nước còn là lịch sử của các cuộc chiến chống xâm lược. Trong mỗi cuộc chiến tranh vệ quốc, lúc nào chúng ta cũng có những tác phẩm hay nhằm thôi thúc sức mạnh tinh thần, lòng yêu nước cho các thế hệ xông ra mặt trận cứu nước. Có thể kể đến như bài thơ thần Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt (?) thời Lý; Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn thời Trần; Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi thời Lê… Còn trong hai cuộc chiến gần đây, đã có không ít các tác phẩm văn học, nghệ thuật nhằm thôi thúc “Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận” để chúng ta có được những chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” Điện Biên Phủ (1954) hay Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975). Những tác phẩm về chiến tranh trong giai đoạn đương thời rõ ràng đã có và góp phần to lớn vào công cuộc kháng chiến của đất nước, thôi thúc các thế hệ ra trận, khuyến khích lòng yêu nước, giành độc lập dân tộc. Với những chủ đề bài ca ra trận, chiếc gậy Trường Sơn, cả nước lên đường, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, người mẹ cầm súng… những tác phẩm văn học, nghệ thuật đã góp phần trực tiếp thôi thúc tinh thần yêu nước cho hàng triệu người xông pha ra mặt trận trong những thời điểm nhất định của cuộc chiến. Tuy nhiên, ở chừng mực nào đó, những tác phẩm văn học, nghệ thuật thời gian chiến tranh vẫn là phục vụ nhiệm vụ cấp bách trước mắt trong kháng chiến. Đó là ghi chép những sự kiện lịch sử hào hùng của từng giai đoạn, còn sau đó chưa có những tác phẩm mang tính tổng kết một cuộc chiến, một giai đoạn lịch sử hay tầm cỡ xuyên suốt cuộc hành trình của dân tộc, phản ánh được thời đại của những cuộc chiến đó giống như Tolstoy với Chiến tranh và hòa bình của nước Nga. Dẫu rằng tầm vóc các cuộc chiến tranh vệ quốc của chúng ta xứng đáng để có những tác phẩm như vậy, song rất tiếc chưa có được những tác phẩm có tầm cỡ như vậy.

   Vấn đề đặt ra cho giới văn nghệ sĩ chúng ta là làm thế nào để có được những tác phẩm như vậy. Không ít các hội thảo, hội nghị diễn ra nhiều năm qua, đặc biệt là từ năm 2021 đến nay, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc với lòng mong mỏi của vị lãnh đạo cao nhất đất nước là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây cũng là điều mà các văn nghệ sĩ cả nước đau đáu trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của mình.

   Dưới đây, chúng tôi xin có một số suy nghĩ về vấn đề này:

   Để có sáng tác hay về chiến tranh trước hết cần có tài năng của nhà văn, phần chất xám mà trời phú cho mỗi con người sáng tạo. Đó là điều trước tiên của một nhà văn cũng như với tất cả các nghệ sĩ, những người sáng tạo nghệ thuật. Tài năng này là sự thiên bẩm trời cho mỗi con người mà có muốn hay cố học hỏi cũng không có được. Tuy nhiên, dù có tài năng nhưng nó không được trau dồi, rèn giũa, phát huy thì tài năng đó cũng bằng không. Có những thần đồng làm thơ, viết văn, âm nhạc hay một số lĩnh vực khác, đó là tài năng trời cho ai người nấy được. Tất nhiên, khi có được rồi, những tài năng đó không được vun trồng, chăm sóc để đâm chồi nảy lộc, không có một mảnh đất tốt để phát triển thì rồi cũng lụi tàn qua năm tháng.

   Bởi vậy, điều thứ hai đó là sự trải nghiệm, dấn thân của người sáng tác. Đó chính là vốn sống của bản thân mỗi nghệ sĩ, họ sống, từng trải, quan sát và trải nghiệm để thể hiện trong tác phẩm của mình. Đặc biệt là để làm nên những tác phẩm đồ sộ, dài hơi, có tầm cỡ thời đại thì bên cạnh tài năng, những kinh nghiệm sống của người viết là điều vô cùng cần thiết. Chẳng hạn, kết quả của các nhân vật nổi tiếng trong Chiến tranh và hòa bình của Tolstoy chính là người nhà của ông, những người sống quanh ông, được ông tiếp xúc, quan sát và chiêm nghiệm để ông hiểu biết rất sâu sắc về họ, tạo nên những điển hình cho tác phẩm của mình. Phải sống với những người Nga từ tầng lớp tận cùng của xã hội đến tầng lớp quý tộc cao nhất, bên cạnh không gian, tinh thần văn hóa Nga thấm vào máu thịt như hơi thở, nước uống đối với ông thì cuộc sống bình thường của người dân là chất liệu lớn nhất cho tác phẩm của ông. Ông đã sống cùng họ, quan sát và tìm hiểu từ tính cách, tâm lý, thói quen, cách ứng xử và tất cả mọi thứ liên quan đến họ thì mới có được những nhân vật đắt giá như vậy. Ông phải là người từng trải, sống bằng chính cuộc sống của nhân vật mà mình xây dựng nên và thông qua họ là cả một thời đại, một giai đoạn lịch sử của đất nước, của dân tộc, của tâm hồn Nga, tính cách Nga1. Vì thế, người đọc thấy được hình ảnh của con người, của thời đại, của đất nước Nga thấm đẫm qua từng nhân vật trong tác phẩm của ông.

   Thứ ba, cũng từ trường hợp Tolstoy, với thời gian 5 năm để ra đời được tác phẩm, ông đã mất rất nhiều thời gian, trí tuệ và sức lực để khai thác một nguồn tư liệu khổng lồ ở các thư viện, các kho lưu trữ và những nguồn tư liệu khác về lịch sử và văn hoá của nước Nga2. Đây là một công việc khổng lồ vì có lặn lội, lăn lộn vật vã để tra cứu, tìm kiếm, so sánh, tìm tòi trong đống tài liệu đó mới thấy sự vĩ đại của tác phẩm khi nó hoàn thành và được công chúng ghi nhận. Vậy thì sự trải nghiệm và tư liệu lịch sử vô cùng cần thiết cho người viết về chiến tranh. Cho nên việc khai thác các tư liệu về chiến tranh trong các tàng thư, những kho lưu trữ của quốc gia và những tài liệu lưu trữ từ các nước liên quan là điều cần thiết cho những người viết tiểu thuyết lịch sử của mọi quốc gia.

   Thêm nữa, bất kể một cuộc chiến nào, nói như Nguyễn Duy, dù bên thắng cuộc hay bên bại trận thì người mất mát nhiều nhất, lớn nhất vẫn là người dân. Và dù cuộc chiến nhìn ở vị trí nào thì người tham gia chiến tranh chủ yếu vẫn là người dân bình thường. Đặc biệt là chiến tranh ở nước ta đều là chiến tranh nhân dân, do vậy, để hiểu cuộc chiến đó thì phải đi sâu vào những người lính hay đúng hơn là người dân mặc áo lính. Viết về người dân trong cuộc chiến không phải là những chiến dịch oanh liệt, những chiến thắng giòn giã, những vị tướng tài ba, những anh hùng… mà còn một mảng vô cùng quan trọng đó là cuộc sống đời thường của người dân và người lính trong và sau cuộc chiến. Bằng cái tâm của tác giả và sự khai thác, nghiên cứu một cách chân thực sự thật lịch sử, nó cần được mô tả dù nó có khắc nghiệt và cay đắng thế nào với niềm tự hào, đau thương và mất mát cùng những đau khổ tột cùng mà chúng ta phải trả giá cho chiến thắng. Có như vậy mới thấy hết tầm vóc của mỗi chiến thắng của dân tộc.

   Từ những vấn đề đặt ra trên đây, soi vào thực tế Việt Nam, các tác phẩm để đời hay có tầm cỡ của chúng ta cũng không đứng ngoài những quy luật đó.

   Theo tôi, để có các tác phẩm hay về chiến tranh của dân tộc ta thời gian qua, ngoài tài năng, trải nghiệm, vốn sống của những người viết thì cần lắm ở họ một niềm đam mê, say đắm lao vào công việc đầy nhọc nhằn này. Người viết, nói theo ngôn ngữ dân gian, như “giời đày”, không ai bắt, không ai ép nhưng họ cứ lao theo con đường đó, ăn ngủ với số phận của nhân vật, đau khổ, vật vã với đời sống của họ. Đó là những người có cái tâm luôn đau đáu với khát khao làm được cái gì đó để lại cho cuộc đời như một sự mắc nợ với nhân gian. Có như vậy mới ra được những tác phẩm để đời, có chất lượng tốt.

   Từ tài năng trời cho, từ niềm đam mê cháy bỏng và cái tâm cần phải trả nợ cuộc đời sẽ thúc đẩy người sáng tạo tìm ra phương hướng để hình thành tác phẩm của mình. Họ sẽ phải đi thâm nhập vào các kho tư liệu, lưu trữ liên quan đến đề tài chiến tranh mà mình quan tâm. Họ sẽ phải đi tìm những nhân chứng cần thiết để xây dựng nhân vật. Họ phải trở lại những kinh nghiệm, những sự từng trải mà mình đã qua để hình thành nên bối cảnh của tác phẩm tương lai. Kết hợp tất cả những thứ đó với cảm xúc và sự nhạy cảm của người nghệ sĩ, ngõ hầu mới có được những tác phẩm mong muốn. Đương nhiên, sẽ có những thất bại, có sự chán nản, thậm chí tuyệt vọng, điều luôn xảy ra ở những người sáng tạo. Song những sự thất bại ấy sẽ là nền móng cho sự thành công.

   Đó là từ phía người sáng tạo. Để sự sáng tạo ấy thành công, từ góc độ của người quản lý, với tư cách là bà đỡ cho các tác phẩm có một công việc vô cùng quan trọng đối với nhà quản lý, những cơ quan hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ, đó là tạo điều kiện để họ tiếp cận với những nguồn tư liệu liên quan đến cuộc chiến từ nhiều phía. Hiện nay, ở Mĩ, Đại học Texas đã mua toàn bộ kho tư liệu của Bộ Quốc phòng Mĩ được bạch hoá, nên thực tế chúng ta đã thấy những tư liệu rất quý về người lính của chúng ta đã lộ diện như nhật ký Đăng Thuỳ Trâm, Nguyễn Văn Thạc và chắc còn nhiều người nữa. Đây sẽ là kho tư liệu vô cùng quý giá với tất cả những người nghiên cứu, sáng tác trên toàn thế giới, trong đó có các nhà nghiên cứu, các nhà văn Việt Nam. Những tư liệu ấy của cả hai phía vốn một thời đối địch nhau, thông qua đó để chúng ta hiểu được những suy nghĩ, những hoạt động đời thường và cả những trận chiến cùng những sinh hoạt nhỏ nhất của các bên. Những tư liệu ấy một mặt cung cấp cứ liệu cho tác phẩn đồng thời cũng là nguồn cảm hứng, suy tư cho sự ra đời của những tác phẩm sau này.

   Về phía chúng ta, các hồ sơ đi B, những tư liệu về cuộc chiến tranh chống Pháp, Mĩ ở các cấp dân sự, quân sự, những thống kê, báo cáo, số liệu các loại… sẽ là nguồn tư liệu cũng như cảm hứng vô tận đối với các nhà văn và các nhà nghiên cứu để viết về chiến tranh. Một khối tư liệu lớn đã và đang dần mất đi đó là những nhân chứng sống, những người lính đã tham gia trong chiến tranh, những người dân chịu tác động của cuộc chiến đó, cả Miền Nam và Bắc, nếu không nhanh chóng được khai thác thì sẽ không gì bù đắp được. Đã có những cuộc vận động sáng tác, ghi chép những kỷ niệm, hồi ức chiến tranh… đây là những nguồn tư liệu rất quý, song việc thu thập những câu chuyện hết sức đời thường trong chiến tranh ở cả vùng hoà bình và chiến sự từ những nhân chứng sống nếu không được khai thác sẽ không bao giờ còn. Đây là nhiệm vụ của các cơ quan nghiên cứu, của các nhà văn. Những công việc đời thường, những sinh hoạt hàng ngày cùng tất cả mọi sự việc diễn ra trong bối cảnh thời chiến, những mối quan hệ của con người, những mất mát thường ngày, những nỗi đau, ký ức qua nhiều thời gian đó đều là chất liệu cho tác phẩm văn học.

   Một điều đáng nói nữa là trong thời chiến, cá nhân mỗi con người bị chìm trong số phận chung của cả dân tộc. Tuy nhiên, để có số phận ấy cũng như sự chiến thắng của toàn bộ cuộc chiến lại là sự đóng góp của từng cá nhân. Vì thế, hoà bình là lúc thân phận con người cần được khai thác để thấy vai trò của nó trong cuộc chiến đó. Mặc dù mỗi số phận con người chỉ là những hạt bụi nhỏ trong trận bão táp một thời, song chính nó lại làm cho bức tranh về cuộc chiến rõ nét hơn. Sau chiến tranh chống Pháp, Mĩ, chúng ta đã có một số tác phẩm như vậy như Bến không chồng (Dương Hướng), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) và một số tác phẩm khác… song những mảnh ghép ấy quá nhỏ, không đủ để làm nên bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến hùng vĩ của dân tộc. Thế rồi trải nghiệm của nhà văn, tư liệu của lịch sử, những nhân chứng sống ngày một ít đi, mai một dần, thế là bức panorama không được dựng nên một cách đầy đủ, tức là các tác phẩm sử thi để đời không xuất hiện.

   Ngày nay, khi cuộc chiến đã lùi xa, người viết đã có thời gian tĩnh lặng để suy ngẫm, có đủ độ lùi về thời gian. Tuy nhiên, thế hệ có những trải nghiệm về chiến tranh lại đang mất dần, đó là điều mất mát lớn của chúng ta. Họ là những người đã sống, đã trải qua những ngày cơ cực và ác liệt, kể cả đạn bom và điều kiện sống khắc nghiệt, khó khăn đói kém… tất cả những điều đó ám ảnh họ và cho họ những cảm xúc để đưa vào tác phẩm. Vì thế, tạo điều kiện để những con người đó phát lộ, phát huy những tài năng là điều cần thiết đối với những tổ chức xã hội, nghề nghiệp và các cơ quan quản lý.

   Bên cạnh đó, lớp người mới không sinh ra trong chiến tranh nhưng được đào tạo bài bản trong các nhà trường hôm nay, hi vọng sẽ xuất hiện những nhà văn trẻ có tài, có tâm và có tầm để làm nên các tác phẩm đó. Đây chính là những người ngoài tài năng thiên phú thì đòi hỏi có trình độ và niềm đam mê khai thác các tài liệu lịch sử trong các kho liệu, trong tất cả những hồi ký, ghi chép, giấy tờ, văn bản chính thức về chiến tranh… Trên cơ sở những tài liệu đó, với tài năng của mình, nhà văn sẽ xây dựng nên các tác phẩm lớn xứng tầm với cuộc chiến đã qua.

   Cùng với việc tạo điều kiện về cơ sở vật chất, dữ liệu lưu trữ thì cần lắm sự thấu hiểu, cảm thông và không gian sáng tạo cho văn nghệ sĩ. Đặc biệt là việc tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần từ phía lãnh đạo cao nhất đến những người quản lý trực tiếp để các văn nghệ sĩ yên tâm mà sáng tạo hết mình mới có những tác phẩm để đời. Marx hay ai đó đã từng nói đại ý khi con người còn phải vật lộn với miếng cơm manh áo thì làm sao có thể sáng tạo được. Còn cha ông ta từ lâu đã có câu: “Có thực mới vực được đạo”, âu cũng là triết lý ngàn đời của mọi dân tộc trên thế gian này.

   Hi vọng thời gian tới chúng ta sẽ đón nhận những tin vui về các công trình đáng mong đợi này. 

 

 

 

Chú thích:
1 Nguyễn Quân, “Chiến tranh và hòa bình: Tuyệt tác vĩnh hằng của nhân loại”, https://revelogue.com/sachchien-tranh-va-hoa-binh/.
2 Đ. L tổng hợp, “Chiến tranh và hòa bình – Tác phẩm kinh điển từ trang sách đến màn bạc”, https://cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-TheThao/Chien-tranh-va-hoa-binh-Tac-pham-kinhdien-tu-trang-sach-den-man-bac-i374805/.

Bình luận

    Chưa có bình luận