Như nhiều loại hình văn học, nghệ thuật (VHNT) khác ở Việt Nam, âm nhạc cách mạng có chiều dài lịch sử đã gần một thế kỷ. Trước Cách mạng Tháng Tám và ngày 2 tháng 9 năm 1945, nhiều loại hình âm nhạc mới thời đó đã biểu hiện tính kế thừa truyền thống văn hoá dân tộc có chọn lọc. Với tinh thần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc đúng định hướng Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943 của Đảng, nền văn hoá, nghệ thuật cách mạng Việt Nam đã luôn bám sát ba nguyên tắc: Dân tộc hóa, Khoa học hóa, Đại chúng hóa. Văn hoá, nghệ thuật cách mạng Việt Nam nói chung, âm nhạc cách mạng Việt Nam nói riêng luôn bám sát tinh thần kế thừa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa VHNT dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại. Nhiều tác phẩm âm nhạc từ đó đến nay đều đi đúng con đường đã định, tạo được một diện mạo định hình với những hình thức, nội dung đảm bảo tính tiến bộ, sự phong phú, đa dạng, phù hợp. Nhiều tác phẩm ca nhạc ra đời thời đầu cách mạng non trẻ nhưng đều đã mang đậm dấu ấn mỗi thời kỳ của lịch sử cách mạng Việt Nam.
Thời tiền Cách mạng, nhiều trào lưu, xu hướng nhạc mới xuất hiện đã kịp phản ánh những tác động, ảnh hưởng của văn hoá ngoại lai, du nhập cùng những tiếp thu có biến đổi trong nghệ thuật dân tộc… Những ngày đầu cách mạng Việt Nam, do ảnh hưởng nhạc châu Âu nên tạo ra những trào lưu “nhạc cải cách” hay lối hát “lời Ta điệu Tây”. Nhiều tác phẩm nhạc mớira đời trước năm 1945 cũng đã phản ánh được tâm tư, tình cảm, dấu ấn một thời từ khi có Đảng, Bác Hồ dẫn đường chỉ lối để đi đến những thành công vĩ đại của cách mạng. Những năm 1930-1945, âm nhạc Việt Nam các loại hình nhạc dân tộc cổ truyền “khép kín” ở những vùng quê thôn dã, “dòng nhạc mới” được hình thành, phát triển ở những nơi đô thị với nhiều xu hướng “cách tân”, “cải cách”... Mô hình hoạt động âm nhạc thời kỳ này đan xen tính chuyên nghiệp và tính nghiệp dư trong sáng tác, biểu diễn. Tác phẩm nhạc mới thời này chủ yếu là loại hình thanh nhạc với chất trữ tình được đề cao. Âm nhạc thời này đan xen những cung bậc “nhạc cải cách - lãng mạn - yêu nước và nhạc cách mạng”. Trong đó, mô hình hoạt động nhạc chuyên nghiệp có nhóm Đồng Vọng ở Hải Phòng; Tricea, Thiên Thai, Việt Nam nghệ sĩ đoàn ở Hà Nội; Hội Đức Trí thể dục ở Sài Gòn... Hoạt động nhạc nghiệp dư trong các tổ chức sinh viên, hướng đạo sinh, tập thể các trại tù chính trị phạm... Tác phẩm tiêu biểu thời kỳ này có: Hờn sông Gianh, Hội nghị Diên Hồng, Hòn vọng phu, Cùng nhau đi hồng binh, Phất cờ Nam tiến, Du kích ca, Diệt phát xít, Lên đàng, Cảm tử quân, Thiếu sinh quân hành khúc, Hồn tử sĩ của các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Đinh Nhu, Nguyễn Đình Phúc...
1. Giai đoạn 1945-1954
Giai đoạn 1945-1954 đã xuất hiện nhiều ca khúc thuộc các dòng ca khúc lãng mạn, dòng ca khúc yêu nước tiến bộ, dòng ca khúc cách mạng... Trong đó, những tác phẩm tiêu biểu như: ca khúc Mười chín tháng Tám của Xuân Oanh, Hồ Chí Minh muôn năm của Minh Tâm, Biết ơn Cụ Hồ của Lưu Bách Thụ... Năm 1945, ca khúc Đoàn vệ quốc quân của Phan Huỳnh Điểu lúc đầu mang tên Giải phóng quân đã phản ánh được khung cảnh nhộn nhịp, khí thế của các đoàn quân Nam tiến lên đường tiếp sức cho quê hương Nam Bộ đấu tranh giải phóng dân tộc. Năm 1946, Nguyễn Thành sáng tác ca khúc Qua miền Tây Bắc được phổ biến rộng sau chiến dịch 1952. Cũng giai đoạn này, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát có tác phẩm Hát mừng bộ đội chiến thắng, Đoàn quân cứu thương; Văn Chung có ca khúc Luyện quân ca và Chiến sĩ sông Lô; Trần Quý có ca khúc Bộ đội qua sông, Bài ca người chiến sĩ công binh; Huy Du có ca khúc Bài ca thiếu sinh quân, Tình chiến binh. Thời kỳ này, Doãn Quang Khải, người sáng tác nhạc nghiệp dư, cũng cho ra đời ca khúc Vì nhân dân quên mình (năm 1951), tác phẩm đã sống mãi cùng thời gian… Hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ ngày ấy không quản hi sinh gian khổ dù phải di chuyển liên tục để bảo đảm bí mật, để bảo toàn lực lượng khi lực lượng còn non trẻ để đã đánh là thắng, đã đánh là quyết giành thắng lợi cuối cùng. Động viên kịp thời những ngưới lính Cụ Hồ trẻ trung, hồn nhiên, yêu đời, yêu nước ngày ấy, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác Hành quân xa vào năm 1953 với chất nhạc tươi khoẻ, nhịp hành khúc. Ngợi ca, biểu dương tinh thần “tàn nhưng không phế” của người lính Cụ Hồ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận cho ra đời ca khúc Anh thương binh rèn dao để truyền lửa tới cộng đồng, để tiếp sức chiến đấu, nâng cao chí khí đấu tranh trong toàn quân, toàn dân quyết tâm tiến tới giành chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng khắp năm châu, bốn biển.
Khí thế xung trận của các thế hệ trẻ, già luôn hăng hái, tích cực tham gia kháng chiến, tình quân dân như cá với nước, gắn bó yêu thương đều đã được phản ánh qua những ca khúc: Tình nông binh, Mơ đời chiến sĩ, Trường lục quân đang cần lính đánh Tây, Trường quân chính khu 8, Nhạc rừng, Lên ngàn, Lá xanh... Trần Kiết Tường sáng tác: Chiến sĩ vô đanh, Anh Ba Hưng, Thiếu sinh quân hành khúc... Trong những năm tháng gian khó của cách mạng Việt Nam, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã sáng tác ca khúc: Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Chiến sĩ Tây Bắc (1948), Nông dân vươn mình (1951), Em yêu công nông binh (1952). Tiếp đến là ca khúc: Bộ đội về làng của Lê Yên, Vùng lên anh em binh sĩ (Trọng Loan), Bộ đội qua làng (1952) của Trọng Bằng. Hợp xướng giọng nam: Bài ca Trường Quân chính Việt Bắc, Quân dân như cá với nước, Quân dân đoàn kết đánh giặc của Đàm Linh; ca khúc 9 năm kháng chiến của Huy Du... Người chiến sĩ, nhạc sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là Hoàng Vân có cơ hội trải nghiệm đủ để thấm, để hiểu hết những khó khăn, gian nguy nơi chiến trận. Nhờ đó, Hò kéo pháo của Hoàng Vân ra đời như góp thêm chí khí quyết chiến, quyết thắng để có chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Đại hội Văn công toàn quốc năm 1954, tác phẩm Hò kéo pháo của Hoàng Vân vinh dự được nhận phần thưởng cao quý nhất của kỳ đại hội này. Những năm tháng khó khăn ấy, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam đã vượt mọi gian khổ, hi sinh để làm nên một chiến thắng vĩ đại, cờ hoa rực rỡ ngày chiến tháng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Sức mạnh dân tộc sau chín năm trường kỳ kháng chiến tạo nên dấu son lịch sử vĩ đại được đúc kết trong thơ Tố Hữu:
“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”.
2. Giai đoạn 1954-1975
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, toàn dân tích cực, hăng hái tăng gia sản xuất, góp sức người, sức của cho Miền Nam tiến tới giải phóng hoàn toàn, thống nhất đất nước. Gắn liền nhiệm vụ lao động sản xuất, chia lửa cùng đồng bào Miền Nam ruột thịt, ở Miền Bắc, những khẩu hiệu, phong trào: Tất cả cho tiền tuyến, Thanh niên ba sẵn sàng, Phụ nữ ba đảm đang... là những điểm tựa để nghệ thuật cách mạng nói chung, trong đó có âm nhạc, hướng tới những chủ đề, đề tài sáng tác, phản ánh tinh thần anh hùng cách mạng, sức mạnh của chiến tranh nhân dân ở Việt Nam. Sau ngày giải phóng Điện Biên, đoàn quân cách mạng Việt Nam chiến thắng trở về Thủ đô sau 9 năm trường kỳ gian khổ, hi sinh. Bao áng thơ văn, tranh, áp phích, nhạc hoạ lại nở rộ với bao ca khúc, tác phẩm nghệ thuật đa dạng, hào hùng, ngợi ca tinh thần chiến đấu, chiến thắng của quê hương, đất nước để có Việt Nam “bốn ngàn năm nay ta lại là ta”…
Hoà chung không khí chiến thắng vĩ đại của dân tộc, trang sử mới mở ra, Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và tích cực chi viện cho đồng bào Miền Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến tới thống nhất hoàn toàn đất nước. Nhiều tác phẩm tiêu biểu ra đời như: Bộ đội qua sông (1954) của Trần Quý; Bài ca người chiến sĩ công binh, Ra thao trường (1955) của Nguyễn Đức Toàn viết về người lính thời hoà bình; Tô Hải với Tiếng hát của người chiến sĩ biên phòng (1958); Đàm Linh có các ca khúc: Quân dân đoàn kết giết giặc, Hành khúc tiến ra thao trường, Bảo vệ biên cương... Hoàng Hiệp có: Giải phóng quân hành khúc, đổi tên là: Hành khúc giải phóng.
Những năm chiến tranh ác liệt ở cả hai miền Nam Bắc, những phong trào Tiếng hát át tiếng bom, Tất cả vì Miền Nam ruột thịt, Tất cả để đánh thắng giặc Mĩ xâm lược... được phát động, lan toả, đều là cơ sở để nhiều tác phẩm nhạc, hoạ, thơ ca ra đời gắn những sự kiện, dấu ấn lịch sử cách mạng Việt Nam. Với tinh thần tất cả vì Miền Nam ruột thị, tất cả cho tiền tuyến với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” cũng đã trở thành những chủ đề cho mĩ thuật, thơ ca và nhiều ca khúc thời ấy ra đời, góp phần thúc đẩy phong trào, khí thế và tinh thần đồng lòng đánh giặc, thắng giặc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Đó cũng là sức mạnh của chiến tranh nhân dân với nhiều kinh nghiệm truyền thống được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông ta. Cũng thời gian này, ở mặt trận phía Nam, tại nhiều vùng giải phóng, khu kháng chiến, tạm chiếm hay trong vùng địch, nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp, không chuyên đều có những tác phẩm giá trị đóng góp quan trọng trong những năm tháng này. Trong đó, nhạc sĩ Xuân Hồng có: Bài ca may áo (1960), Hành quân đêm (1965, lời Trí Thanh), Xuân chiến khu, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Chiếc khăn tay... Đặc biệt, Bài ca may áo và Xuân chiến khu là hai tác phẩm vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu do
Hội Văn nghệ Giải phóng Miền Nam Việt Nam tặng năm 1965. Lưu Hữu Phước có: Giải phóng quân, Thanh niên ba sẵn sàng (1965), Tiến về Sài Gòn (1966); Phan Huỳnh Điều có: Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm (thơ Bùi Công Minh)... Nguyễn Văn Thương với Dân ta đánh giặc anh hùng (1966); Đỗ Nhuận với Trống hội tòng quân (1966), Đô Thành nổi dậy (1967); Huy Du sáng tác các ca khúc: Hò đi trận, Đồng chí ơi: bắn cho tin, Anh vẫn hành quân, Tiếng hát pháo binh, Có chúng tôi trên đảo xa xôi, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Chưa hết giặc ta chưa về, Nổi lửa lên em, Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Khúc hát người chiến sĩ xe tăng, Anh vẫn hành quân (1964); Tô Hải có Từ mặt đất thân yêu viết về lực lượng không quân. Nguyễn Đức Toàn có Tiếng hát người lái xe, Khâu áo gửi người chiến sĩ (1965), Pháo binh ra trận (1966). Nhạc sĩ Hồ Bắc có ca khúc Gửi anh chiến sĩ thông tin trên đảo (1966). Năm 1968, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc có ca khúc Nhớ anh giải phóng quân (bút danh Nguyễn Thơ), Trần Chung có Bài ca Trường Sơn (1966), Pháo binh lên đường (1969, thơ: Xuân Niên). Nhạc sĩ Phạm Tuyên có ca khúc Chiếc gậy Trường Sơn, Đêm trên Cha Lo. Xuân Giao có Những chiến sĩ mở đường (1968), Bay trên trời Tổ quốc, Ta lại kéo pháo vào trận địa (1968). Hoàng Hiệp có Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây (1971), Lá đỏ (1975, thơ: Nguyễn Đình Thi). Trọng Loan có Bài hát của người chiến sĩ thông tin (1967), Còi xe ta ngân vang (1971), Pháo tiến công (1972), Tâm sự người lái xe tăng (1972), Hành khúc của bộ đội tên lửa (1973). Chu Minh có Cánh sóng ơi hãy cùng ta thức (1972). Doãn Nho với Năm anh em trên một chiêc xe tăng, Quả bom câm, Người con gái sông La (thơ: Phương Thuý)...
Hết thảy ca khúc ra đời vào những thời đoạn ấy không chỉ được vang lên trên sân khấu, trong môi trường lịch sử cụ thể ở chiến trường Miền Nam hay hậu phương Miền Bắc mà còn vang trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, trên sóng đài phát thanh truyền hình quốc gia và đài phát thanh truyền hình địa phương trên cả nước và sẽ ngân vang mãi trong đời sống xã hội đương đại hôm nay và mai sau.
3. Giai đoạn từ 1975 đến nay
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 Miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước bắt tay vào xây dựng đất nước theo ước nguyện của Bác Hồ vĩ đại để ngày nối ngày non sông đất nước thêm “đàng hoàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Từ 1975 đến nay, Nam-Bắc liền một dải, nhiều gia đình, dòng họ sau bao năm xa cách, nay được đoàn tụ, cùng được hát vang bài ca Kết đoàn, Như có Bác trong ngày vui đại thắng. Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, dòng chảy âm nhạc cách mạng tiếp tục được phát huy, phát triển. Trong lĩnh vực ca khúc, nhạc sĩ Hoàng Hiệp có: Lá đỏ (1975, thơ: Nguyễn Đình Thi), Em vẫn đợi anh về (1980, thơ: Lê Giang). Trọng Loan với: Chúng con lên đường hình Tổ quốc trong tim, Thao trường tình rằng vui sao, Câu giã bạn, Trăng (1993). Doãn Nho với Bài ca Điện Biên hôm nay (2004), Hoa lộc vừng Hồ Gươm (2007)...
Những năm tháng chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, Trần Chung có ca khúc: Hành quân qua Bạch Đằng Giang, Chiều dài biên giới (1979), Chiều biên giới (1981), Vào trận đánh (1982), Đi hoả tốc (1985, ca khúc ra đời nhân kỷ niệm 40 năm Binh chủng Thông tin), Trên những chặng đường biên giới (1993) gắn với bộ đội Biên phòng... Trọng Loan có Thao trường tình quân vui sao (1996)...
Sự phát triển đất nước thời hoà bình, nhiều nhà máy, nông trường, công trường, công trình hiện đại được mở ra, mọc lên với sự phát triển nhanh mạnh trong đà hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế, chính trị của đất nước thời kỳ đổi mới, mở cửa, hội nhập. Những hình ảnh về quê hương, đất nước, hình tượng người công nhân, giáo viên nhân dân, công an nhân dân, anh bộ đôi Cụ Hồ, những chiến sĩ các binh chủng tăng thiết giáp, cơ giới, pháo binh, phòng không không quân, hải quân, quân y, thầy thuốc, các chiến sĩ binh chủng đặc công – những người đã chiến đấu, chiến thắng, hi sinh là cơ sở, điều kiện thuận lợi cho nhiều ca khúc mới ra đời. Đó là những ca khúc Con kênh ta đào, Cô giáo vùng cao, Đất nước lời ru, Đất nước trọn niềm vui, Đêm hội Raglai, Đêm Trường Sa, Khúc hátsông quê, Đất nước nơi bờ sóng, Xe ta đi trong đêm Trường Sơn, Cỏ non thành cổ (1983) và ca cảnh: Đường Trường Sơn đêm đêm (6 khúc nhạc), Em vẫn đợi anh về (1980, nhạc: Hoàng Hiệp, thơ: Lê Giang). Chủ đề về biển, dòng sông, tàu thuyền được các nhạc sĩ sáng tác với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau như trong ca khúc: Dòng sông quê anh, dòng sông quê em, Dòng sông ai đã đặt tên, Dòng sông hát, Chiều trên bến cảng… Dòng chảy lịch sử dân tộc với những bước chuyển đổi, phát triển nhanh mạnh của đất nước. Trong đó, chủ đề về quê hương, về những miền dân ca ở hai miền Nam, Bắc như: Ai về hát Lý Vĩnh Long, Âm vang điệu hò Ba Lý, Đu đu điềng điềng, Đi tìm người hát Lý thương nhau, Câu quan họ trên cao nguyên, Xe tăng qua miền quan họ, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Tuỳ hứng Lý qua cầu… và còn có những: Hà Nội linh thiêng hào hoa, Hà Nội đêm trở gió, Hà Nội mùa thu, Hạt nắng hạt mưa, Hạt gạo làng ta, Sa Pa thành phố trong sương, Sài Gòn thành phố mùa xuân, Sài Gòn trong tôi, Về nơi hát ghẹo, Xuống chợ vùng biên... Hình ảnh về người chiến sĩ nơi biên cương hải đảo luôn vui tươi, khoẻ trẻ, hồn nhiên, yêu cuộc sống được phản ánh qua những ca khúc: Cây đàn ghi ta của đại đội ba, Cây đàn ghi ta một dây, Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện, Chiến sĩ biên phòng với biển khơi, Chim biển và người chiến sĩ, Tình yêu và biên giới; về mẹ Việt Nam có: Mẹ, Mẹ Sơn Mỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng...
Thời kỳ nhạc nhẹ bừng rộ ở Việt Nam cuối những năm 1970, đầu những năm 1980 báo hiệu nhu cầu chuyển đổi “gu thẩm mĩ” của công chúng âm nhạc thời chiến tranh sang thời hoà bình, thời đất nước yên bình như một tất yếu lịch sử. Những tháng năm đó, nhiều tác phẩm thuộc loại hình ca nhạc nhẹ ra đời đã đáp ứng được những đòi hỏi thiết thực của người nghe nhạc trẻ ngày ấy. Từ thực tế đời sống, nhu cầu thưởng thức chính đáng của công chúng yêu nhạc nhẹ được đáp ứng. Đoàn Ca nhạc nhẹ Trung ương được ra đời, nhiều địa phương đã hình thành bộ phận ca nhạc nhẹ trong một số đoàn nghệ thuật. Nhiều thế hệ nhạc sĩ trăn trở, tìm tòi, sáng tạo những ca khúc mang chất nhạc nhẹ, tiêu biểu có nhạc sĩ Thanh Tùng, Trần Tiến, Phú Quang, Phó Đức Phương, Dương Thụ, Nguyễn Cường, Từ Huy, Nguyễn Ngọc Thiện, Ngọc Đại... Thế hệ nhạc sĩ cao tuổi khi đó cũng từng sáng tác những ca khúc đậm chất nhạc trữ tình, mềm mại gần chất nhạc nhẹ được trình diễn và công chúng đón nhận như: Đêm đông, Trên sông Hương của Nguyễn Văn Thương; Bóng ai qua thềm (Văn Chung), Biệt ly (Doãn Mẫn), Đặng Thế Phong có Con thuyền không bến, Văn Cao có Buồn tàn thu, Lê Yên có Bẽ bàng... Những năm tháng nhạc nhẹ du nhập, phát triển ở Việt Nam ngày ấy, nhiều nhạc sĩ đã tâm huyết nghiên cứu, sáng tạo được nhiều tác phẩm mang đậm nét và chất nhạc nhẹ Việt Nam, tiêu biểu có các tác phẩm: Chuyện tình của biển, Mưa ngâu, Giọt nắng bên thềm, Lời tỏ tình mùa xuân, Hoa tím ngoài sân... của Thanh Tùng; Thuyền và biển của Phan Huỳnh Điểu; Trần Tiến với những tác phẩm: Những đôi mắt mang hình viên đạn, Mặt trời bé thơ, Tạm biệt chim én bay, Tuỳ hứng Lý qua cầu, Chiếc vòng cầu hôn, Sao em vội lấy chồng, Ngọn lửa cao nguyên, Tiếng trống Ba ra nưng… Nhạc sĩ Nguyễn Cường với ca khúc: Một nét ca trù ngày xuân, Ơi M’Đrăk, M’Đrăk, Cơn mưa em bất chợt, Ly cà phê Ban Mê, H’ren lên rẫy. Nhạc sĩ Phú Quang với Em ơi Hà Nội phố; Từ Huy với Nếu biển không có sóng; Trương Ngọc Ninh với Hạt mưa mùa xuân; Trương Quý Hải với Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa; Phạm Minh Tuấn với Mùa xuân từ những giếng dầu, Đất nước, Bài ca không quên; Tôn Thất Lập với Trị An âm vang mùa xuân; Thế Hiển với Đợi chờ trong cơn mưa; Dương Thụ với Tiếng sóng biển; Ngọc Đại với Sông Đà... Nhiều nhạc sĩ lớp đàn anh đi trước cũng có những ca khúc mang chất nhạc du dương, êm dịu góp tạo tính đa dạng, phong phú cho diện mạo nhạc nhẹ Việt Nam. Nhạc sĩ Huy Du, Hoàng Vân, Hoàng Hiệp, Nguyễn Đức Toàn, Tân Huyền, Phạm Tuyên, Hồng Đăng, Văn Ký, Vũ Thanh đều có những ca khúc mới “mang chất nhạc nhẹ” đi vào đời sống xã hội.
Trào lưu nhạc nhẹ nở rộ ở Việt Nam, nhiều ca khúc quần chúng ra đời cũng thể hiện ảnh hưởng chất nhạc nhẹ, loại hình nhạc pop,rock đã có mặt trong đời sống âm nhạc từ nhiều thập niên trước. Nghệ thuật nhạc nhẹ, nhạc jazz, pop,rock dần xuất hiện rồi đi vào đời sống âm nhạc Việt Nam thời hoà bình từ những năm 1978-1982 đến nay. Một số cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp và âm nhạc phổ thông cũng đã quan tâm nghiên cứu, đào tạo loại hình âm nhạc này và bước đầu có những thành tựu đáng mừng. Đóng góp tiêu biểu trong loại hình âm nhạc mới du nhập này có thể kể đến những nghệ sĩ biểu diễn như Trần Mạnh Tuấn, Quyền Văn Minh cùng nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên Khoa Nhạc Jazz - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cùng nhiều cá nhân, tổ chức phi chính phủ trong nước, nước ngoài từng quan tâm, đầu tư cho sự hình thành, phát triển âm nhạc jazz dù mới được du nhập vào Việt Nam.
Từ 1975 đến nay, nhiều cuộc liên hoan, hội diễn ca múa nhạc toàn quốc liên tiếp được tổ chức vào các năm: 1980, 1981, 1982, 1983, 1985, 1990, 1995... Các hội diễn nghệ thuật quần chúng đã được tổ chức. Nhiều cuộc thi, liên hoan ca múa nhạc từ cấp quốc tế, quốc gia, ngành, địa phương đều được tổ chức định kỳ, thường kỳ hay tuỳ theo sự kiện, chủ đề và đều đạt nhiều kết quả cao, mang nhiều giá trị văn hoá, chính trị, xã hội và chất lượng nghệ thuật đáng tự hào suốt gần thế kỷ qua, như: Liên hoan ca khúc chính trị những năm sau 1975, Liên hoan đơn ca và độc tấu, cuộc thi Âm nhạc mùa thu từ năm 1990 do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức duy trì hai năm một lần. Năm 1993, Liên hoan các ban nhạc nhẹ toàn quốc được tổ chức. Liên hoan ca khúc chính trị các lực lượng nghệ thuật không chuyên vào các năm 1979-1980. Trào lưu cải tiến nhạc cụ dân tộc được tổ chức vào những năm 1980- 1995 tạo nên những hiệu quả, kết quả tốt, góp phần kích thích sức sáng tạo, kế thừa, phát triển nhạc dân tộc trong lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu thích ứng, phù hợp thời kỳ, giai đoạn phát triển mới của đất nước thời hoà bình. Những giao lưu âm nhạc khu vực và quốc tế như năm 1990 có sự kiện Diễn đàn âm nhạc châu Á (TMAS), Việt Nam đăng cai tổ chức thành công tại TP. Hồ Chí Minh; Hội thảo khoa học quốc tế bàn về Vấn đề sáng tác nhạc đương đại tổ chức tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam năm 2012 với sự tham dự của nhiều nhạc sĩ đến từ Na Uy, Thuỵ Điển, Pháp, Việt Nam... Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhiều lần liên kết tổ chức thành công Chương trình liên hoan quốc tế âm nhạc mới tại Hà Nội. Chương trình giao hưởng hợp xướng của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nhân dịp chào mừng đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2008 và 2016 được tổ chức tại Hà Nội, Ninh Bình...
Trong hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, phê bình, lý luận âm nhạc nhiều thập niên qua, ngành nhạc đã đạt những thành tựu to lớn. Theo số liệu thống kê của Viện Âm nhạc thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, sau 65 năm hình thành, phát triển (1950-2015), Viện đã sưu tầm được 26.421 bài dân ca và dân nhạc (cụ thể: 18.391 bài dân ca, 8.030 bài dân nhạc) của 54 thành phần dân tộc Việt Nam. Việt Nam đã có 09 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh Di sản văn hoá phi vật thể nhân loại và đang tiếp tục trình nhiều hồ sơ di sản khác trong những năm tới. Hoạt động giao lưu quảng bá văn hoá âm nhạc Việt Nam với bạn bè quốc tế thông qua các chương trình biểu diễn ca múa nhạc nhân dịp những ngày Văn hoá Việt Nam tại các nước Nga, Pháp, Đức, Nhật, Mĩ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Nhật Bản, Brunei, Indonesia... và đều để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về truyền thống văn hoá và nghệ thuật ca múa nhạc cách mạng Việt Nam.
Những mốc son lịch sử 50 năm đại thắng mùa xuân 1975, 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 80 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh mồng 2 tháng 9 năm 1945 đang đến gần. Mỗi chặng đường cách mạng Việt Nam, mỗi sự kiện lịch sử là những dấu son được ghi lại, được khắc họa bằng nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ngôn ngữ, hình thức thể hiện trong âm nhạc cách mạng đa dạng, phong phú, luôn mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc với những tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại.
Diện mạo âm nhạc cách mạng Việt Nam có được như hôm nay là nhờ có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, chỉ đạo. Chúng ta tự hào khi nhìn lại, đánh giá các giá trị, ý nghĩa, chức năng của văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam, trong đó có âm nhạc cách mạng Việt Nam, đã được hình thành, phát triển, định hình suốt gần một thế kỷ là việc làm mang nhiều ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật của di sản âm nhạc cách mạng Việt Nam. Nhiều mốc son chói sáng gắn với những dấu tích, địa danh, nhân vật, tổ chức, sự kiện quan trọng của đất nước đã và luôn được truyền nối, luôn có tác động trực tiếp, tích cực, có ý nghĩa giáo dục, hun đúc ý chí, tinh thần, tư tưởng, tình cảm mỗi người dân Việt Nam yêu nước, lòng nhân ái của thời đại Hồ Chí Minh.
Chúng ta có quyền tự hào và nhận rõ hơn trách nhiệm cao cả trong bảo vệ, bảo tồn, kế thừa, phát huy, phát triển, làm mới, làm đẹp thêm những tinh hoa của văn hoá âm nhạc cách mạng Việt Nam trong cuộc sống mới, thời đại mới văn minh, hiện đại.
Cùng với tích cực bảo vệ, bảo tồn, phát huy sức mạnh của di sản văn học, nghệ thuật âm nhạc cách mạng, chúng ta cũng cần tiếp tục quan tâm đầu tư thoả đáng hơn nữa cho sáng tạo, nghiên cứu, đào tạo, truyền bá các giá trị nghệ thuật cách mạng nói chung, nghệ thuật âm nhạc cách mạng nói riêng cho các thế hệ trẻ Việt Nam thời hiện tại và trong tương lai, tạo đà cho dòng chảy văn học, nghệ thuật cách mạng Việt Nam luôn tỏa sáng, luôn được tiếp nối, có sức sống mạnh mẽ, bền vững trong cuộc sống đương đại của nước Việt Nam dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhân kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh (2/9/1945); 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954) và 50 năm Đại thắng mùa xuân (30/4/1975), chúng ta tin tưởng, tự hào trước diện mạo âm nhạc cách mạng Việt Nam đồ sộ, lớn lao, đa dạng, gắn liền những mốc son lịch sử chói lọi của đất nước với đậm bản sắc văn hoá Việt, con người Việt thời đại Hồ Chí Minh.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Văn hoá Thông tin (1997), Vọng mãi ngàn năm, NXB Hà Nội.
2. Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2005), Bài ca đất nước (tập ca khúc-hợp xướng), NXB Âm nhạc.
3. Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2000), Những bài ca đi cùng năm tháng (các tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh: Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Hoàng Việt), NXB Âm nhạc.
4. Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2005), 30 năm ca khúc Việt Nam, 1975-2005, NXB Âm nhạc.
5. Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2007), Tự hào nửa thế kỷ Hội nhạc sĩ Việt Nam (1957-2007), NXB Hà Nội.
6. Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1965), Việt Nam anh hùng ca, NXB Hà Nội.
7. Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (2015), Viện Âm nhạc 65 năm xây dựng và phát triển, NXB Hà Nội.
8. Phan Thanh Nam (2006), Tuyển tập Phan Thanh Nam: Lá cờ tháng Tám, NXB Phương Đông.
9. Nhiều tác giả (1998), Hà Nội những bài ca (tập 1, 2), NXB Hà Nội, Hội Âm nhạc Hà Nội.
10. Nhiều tác giả (2003), Tổng mục lục 30 năm Tạp chí Văn hóa nghệ thuật (1973-2003), NXB Hà Nội.
11. Nhiều tác giả (1972), Tính dân tộc trong âm nhạc Việt Nam, NXB Văn hoá.
12. Nhiều tác giả (2001), 99 bài hát được nhiều người yêu thích, NXB Thanh Niên.
13. Nhiều tác giả (2011), Tổng tập Âm nhạc Việt Nam - Tác giả và Tác phẩm (tập 1), Học Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Viện Âm nhạc, NXB Văn hoá Dân tộc.
14. Nguyễn Thị Nhung (2001), Âm nhạc thính phòng - giao hưởng Việt Nam, Viện Âm nhạc.
15. Nhóm tác giả (2002), Giai điệu xanh (Giới thiệu 100 ca khúc được nhiều người yêu thích), NXB Thanh niên.
16. Thuỵ Loan (1993), Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nhạc viện Hà Nội, NXB Âm nhạc.
17. Nhiều tác giả (2005), Tập ca khúc: Bác Hồ một tình yêu bao la, NXB Âm nhạc.