Cho đến nay, đã 79 năm Ngày truyền thống lực lượng công an nhân dân (CAND). Theo quy luật sáng tạo, văn học viết về đề tài CAND phản ánh cuộc đấu tranh bảo vệ nền an ninh trật tự của đất nước ra đời chậm hơn. Tuy vậy, có thể nói dòng văn học viết về đề tài này khi hình thành đã nhanh chóng khẳng định dấu ấn sáng tạo riêng, gây được ấn tượng trong lòng bạn đọc và giới cầm bút cả nước. Trong bài viết này, chúng tôi xin có một số cảm nhận có tính chất khái lược về tiếp cận ở góc độ văn học sử để có thể bước đầu nhìn nhận, đánh giá những sáng tạo văn chương về đề tài an ninh, trật tự liên quan chủ yếu hoạt động của lực lượng CAND.
Trước hết có thể nói, hiện thực cuộc sống của công cuộc bảo vệ nền an ninh trật tự của đất nước 79 năm qua vô cùng phong phú và sinh động, văn học với tư cách là loại hình nghệ thuật phản ánh hiện thực đã bám sát vào thực tiễn chiến đấu ấy, sáng tạo nên những tác phẩm có sức hấp dẫn không chỉ góp phần tuyên truyền mà còn tái hiện thành công chiều dài lịch sử của lực lượng CAND.
1. Sáng tác văn học giai đoạn 1945-1954
Vừa mới ra đời vào ngày 19/8/1945, bắt đầu thành lập Sở Liêm phóng Bắc Bộ, sau đó Sở Trinh sát Trung Bộ, Quốc gia tự vệ cuộc ở Nam Bộ cũng lần lượtra đời. Tuy tên gọi có khác nhau nhưng các tổ chức công an ở 3 miền đều do Đảng cử các đồng chí đảng viên có uy tín, trình độ văn hóa cao đứng đầu. Sở Công an Bắc Bộ do đồng chí Chu Đình Xương làm Giám đốc, Trung bộ do đồng chí Nguyễn Văn Ngọc làm Giám đốc và Nam Bộ do đồng chí Dương Bạch Mai làm Ủy vệ trưởng. Ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 23/SL sáp nhập 3 tổ chức công an thành lập Việt Nam Công an vụ. Và ngày 18/4/1946, Bộ Nội vụ Việt Nam ra Nghị định về tổ chức Việt Nam Công an vụ thực hiện Sắc lệnh số 23, theo đó ở Trung ương có Nha Công an Trung ương, ở các kỳ có Công an kỳ và Ti Công an.
Vừa mới ra đời trong lò lửa đấu tranh cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng CAND đã lập chiến công lịch sử vang dội, đã mưu trí, dũng cảm trấn áp, đập tan âm mưu do 2 đảng phản động Việt Nam quốc dân Đảng (Việt quốc), Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Việt cách) câu kết với thực dân Pháp gây bạo động lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh, Chính phủ hợp pháp của nhà nước công nông đầu tiên trong thế giới thuộc địa vào ngày 12/7/1946 tại số 7 phố Ôn Như Hầu, Hà Nội.
Chiến công vang dội này là hiện thực sôi động, phong phú, ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với công việc sáng tác của các nhà văn Việt Nam. Có thể nói, ai cầm bút vào thời điểm ấy chắc chắn tâm hồn sẽ lay động thôi thúc viết và sáng tạo về hình tượng những con người công an mới mẻ này… Tuy vậy, phải 15 năm sau, với Thủ phạm vụ án Ôn Như Hầu của nhà văn Lê Tri Kỷ (NXB Lao Động, 1960), sự kiện này mới được phản ánh trong văn học.
Sau ngày 19/8/1945, ngày 01/11/1946, nghĩa là chỉ sau 15 tháng và sau vụ án phố Ôn Như Hầu 5 tháng, tờ báo Công an mới của Nha Công an Trung ương đã phát hành số đầu tiên. Ngay trong thời gian 3 tháng chuẩn bị cho số đầu tiên, ông Lê Giản đã “thắp đuốc” đi mời một số nhà văn, nhà báo có tên tuổi về chuyên viết cho Báo Công an mới. Đó là ông Phạm Cao Củng (1913-2012), một nhà văn chuyên viết truyện trinh thám rất quen thuộc của bạn đọc Báo Tiểu thuyết thứ Bảy; Nhà văn Hoàng Công Khanh; một số nhà báo có tiếng như Tân Lang, Kỳ Phát, Đại Thanh, Lang Sơn, Phong Phú, Thụy Lân, Địch Trung, Đại Thanh, Lê Chi… Đây quả là một bước đột phá có tính chất “chiêu hiền đãi sĩ” của người đứng đầu Nha Công an Trung ương, cũng là người đứng đầu Báo Công an mới.
Những nhà văn, nhà báo ấy từng sống, từng viết tự do kiếm sống trong chế độ cũ, chẳng rõ tính nết họ thế nào nhưng chữ tâm, chữ tài và sự hiểu biết, trân trọng tài năng, tin cậy ở con người đã khiến các nhà lãnh đạo của lực lượng công an hồi đó tìm đến họ, đón họ về làm việc trong một “gia đình” đầy những chuyện cơ mật của quốc gia. Đây là một quyết định táo bạo và nhân văn của người đứng đầu ngành công an lúc đó, vận động những nhà văn sống dưới chế độ cũ làm việc, sáng tác cho công tác tuyên truyền của ngành công an. Đồng chí Nguyễn Tài, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an có lần tâm sự: “May mà anh Lê Giản chỉ đạo trực tiếp, chứ nếu giao cho chúng tôi làm, có khi tờ báo còn lâu mới hay…”.
Tuy vậy, mảng tuyên truyền qua văn học, sáng tác văn học lúc đó còn hạn chế. Ngay cả với hiện thực cuộc sống mới mẻ như chiến công của lực lượng CAND trong phá vụ án phố Ôn Như Hầu, những nhà văn làm việc trong tờ báo Công an mới lẽ ra cần viết lại chiến công đó nhằm tuyên truyền cho bạn đọc trong lực lượng công an và người dân – công việc hết sức cần thiết lúc bấy giờ cũng chưa thấy xuất hiện.
Trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Pháp, lực lượng CAND chiến đấu lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần to lớn vào thắng lợi chung mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, lập lại hòa bình ở Miền Bắc. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nhiều chiến công và những gương chiến đấu hi sinh của các chiến sĩ CAND trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, có tác dụng khích lệ tinh thần yêu nước của nhân dân cả nước, tiêu biểu như đồng chí Trần Thành Ngọ (1917-1947, quê xã Văn Đẩu, thị xã Kiến An, Hải Phòng), Bửu Đóa (1916-1948, quê xã Phú Hòa Thành, huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), Bùi Thị Cúc (1930-1950, quê xã Vân Du, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), Nguyễn Thị Lợi (1911-1950, quê xã Châu Phú, huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang), Võ Thị Sáu (1933-1952, quê xã Phước Lợi, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)… Hiện thực bi tráng, thật đáng tiếc là ở thời điểm ấy chưa được phản ánh chân thực trong sáng tác của các nhà văn. Trong khi đó, theo dòng văn học sử Việt Nam, chúng ta có nhiều nhà văn đi sâu vào cuộc kháng chiến, có nhà văn trưởng thành trong kháng chiến, tiêu biểu là các nhà văn Nam Cao (có truyện ngắn nổi tiếng Đôi mắt), Nguyễn Đình Thi (có tiểu thuyết Xung kích), Võ Huy Tâm (có tiểu thuyết Vùng mỏ), Nguyễn Văn Bổng (có tiểu thuyết Con trâu)…
Và cũng thật may mắn, năm 1951 xuất hiện một chiến sĩ cầm bút, đó là nhà văn Nguyễn Đình Lạp, một cán bộ Công an Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Đình Lạp (1913-1952) là một trong những nhà văn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán. Không chỉ có hai tiểu thuyết nổi tiếng Ngoại ô (1941) và Ngõ hẻm (1943), Nguyễn Đình Lạp còn có những đóng góp quan trọng đối với văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học hiện thực giai đoạn 1930-1945. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông cùng một số nhà văn bấy giờ như nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã tham gia hoạt động cách mạng, từng có mặt trong đoàn văn nghệ sĩ Nam tiến vào mặt trận Liên khu V. Năm 1946, Nguyễn Đình Lạp là một trong số những nhà văn đầu tiên tham gia quân đội, rồi tham gia Hội Văn nghệ liên khu IV. Từ đây, những sáng tác của ông đều thực hiện nhiệm vụ chính trị “Phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Từ năm 1951-1952, ông được biệt phái công tác về Mặt trận Hà Nội, tham gia công tác trong ngành công an. Truyện vừa Chiếc Valy do ông viết lấy nguyên mẫu từ chị Nguyễn Thị Lợi, nữ chiến sĩ điệp báo trong Tổ Điệp báo A13, Công an Hà Nội, đã quả cảm hi sinh đánh đắm chiến hạm Amyot Dinville của Pháp trên biển Sầm Sơn, Thanh Hóa ngày 27/9/1950. Trong truyện Chiếc Valy (1951), Nguyễn Đình Lạp đã phản ánh sự hi sinh của nữ điệp báo Nguyễn Thị Lợi bằng hình tượng văn học thông qua nhân vật chị Lộc.
Trên cơ sở tư liệu có được, chúng ta có thể coi nhà văn Nguyễn Đình Lạp là nhà văn đầu tiên của cả nước sáng tác về đề tài an ninh, trật tự của lực lượng CAND1 (đáng tiếc ông mất sớm tại Thanh Hóa, khi mới 39 tuổi, nếu không thì lực lượng công an có thể hình thành một đội ngũ nhà văn gắn bó, trưởng thành sớm hơn và sẽ có nhiều tác phẩm có giá trị về mảng đề tài này).
Phải đến hàng chục năm sau đó, có độ lùi về thời gian, mới xuất hiện hơn 20 tác phẩm văn học tái hiện lại những chiến công tiêu biểu của lực lượng CAND từ ngày đầu Cách mạng tháng Tám đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Có thể kể đến các tác phẩm Những ngày sóng gió của Lê Giản (nguyên Giám đốc Nha Công an Trung ương) viết về quãng đời hoạt động cách mạng của đồng chí và công tác, chiến đấu của lực lượng CAND những năm đầu chống Pháp 1945-1946; Trinh sát Hà Nội của Tôn Ái Nhân (do Văn Cao vẽ bìa), tác phẩm đầu tiên viết về công an, được Giải thưởng văn học, Giải thưởng Hồ Gươm (1981-1986), đã 7 lần tái bản; Tìm em trong hoàng hôn của Tôn Ái Nhân (NXB CAND, 1990) viết về trinh sát Công an Hà Nội trong giai đoạn 1945-1950; Đội Công an số 6 của Văn Phan viết về Đội Công an số 6 tại Phát Diệm, Ninh Bình sau vụ thực dân Pháp đổ bộ chiếm Phát Diệm, tàn sát cán bộ, khủng bố phong trào cách mạng, cơ sở bị tan vỡ; Câu lạc bộ chính khách (2 tập) của nhà văn Lê Tri Kỷ viết về giai đoạn 1946-1954 về Tổ Điệp báo A13 lập chiến khu giả ở Thanh Hóa lừa đánh bọn phản động của chế độ phản động Bảo Đại, Trần Trọng Kim; Thủ phạm vụ án Ôn Như Hầu của nhà văn Lê Tri Kỷ viết về vụ án phố Ôn Như Hầu; tiểu thuyết Mùa hạ khó quên của Nhà văn Nguyễn Thành Phong viết về lực lượng CAND những năm 1945 đến 19/12/1946; Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot Dinville của Văn Phan (Giải thưởng Văn học của Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995); Tình đất đỏ - Võ Thị Sáu, nữ
anh hùng huyền thoại của Đại tá Lê Văn Thiện, nguyên Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, cựu tù Côn Đảo; Người Bình Xuyên của nhà văn Nguyên Hùng, viết về bộ đội Bình Xuyên và tướng Bảy Viễn, phản ánh vai trò của Công an Nam Bộ trong cuộc đấu tranh với âm mưu của thực dân Pháp và chế độ Ngô Đình Diệm để đưa những anh hùng hảo hán Bình Xuyên một thời trở thành những người lính cách mạng; Điệp viên nhảy dù thành Giám đốc Công an Trung Bộ của Nguyễn Văn Ngọc, nguyên Giám đốc đầu tiên của Sở Trinh sát Trung Bộ (tác giả là cán bộ cộng sản bị thực dân Pháp đưa đi đày ở Madagaxca cùng với ông Lê Giản. Ông cùng với các cán bộ được tình báo Anh huấn luyện điện đài, nghiệp vụ tình báo rồi thả về Cao Bằng. Trở về với Đảng và cách mạng, các ông đã đóng góp quan trọng cho lực lượng Công an); Đường về thành phố của nhà văn Trần Thanh Hà, viết về Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Bảy, nguyên Giám đốc Công an Bình Trị Thiên; Đời người xuyên thế kỷ của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, viết về ông Hoàng Đạo, Tổ trưởng Tổ Điệp báo A13, cùng với Kim Sơn, Nguyễn Văn Hải (Chu Duy Kính) và Nguyễn Thị Lợi đánh đắm chiến hạm Amyot Dinville của Pháp trên bờ biển Sầm Sơn tháng 9 năm 1950; Trần Quốc Hương, người chỉ huy tình báo của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, viết về nhà tình báo chiến lược của lực lượng công an, người chỉ huy mạng lưới của tình báo công an và của Đảng trong chống Mĩ, cứu nước; Đại tướng Mai Chí Thọ của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, viết về cuộc đời hoạt động của đồng chí Mai Chí Thọ từ trước năm 1945, qua giai đoạn chống Pháp đến Miền Nam hoàn toàn giải phóng; Đơn tuyến, tiểu thuyết của nhà văn Phạm Quang Đẩu viết về nhà báo tình báo CAND Nguyễn Đình Ngọc; Từ Sở Công an Bắc Bộ ra đi của Lê Tuấn, viết về những trinh sát Công an Bắc Bộ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, đóng góp nhiều chiến công cho lực lượng CAND; truyện ký Ông “cò” Ba Hương của Diệp Hồng Phương viết về quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Lâm Văn Thê, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an...
Có thể nói, nhìn chung các tác phẩm văn học viết về lực lượng công an và hình tượng người chiến sĩ CAND trong giai đoạn từ năm 1945 đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi chủ yếu là dựa trên các vụ án, chiến công có thật, những nguyên mẫu có thật trong cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, nhất là thời kỳ chính quyền cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Các tác giả chủ yếu là cán bộ công an, nhà văn trong lực lượng công an nhân dân, có cả tác giả là người trong cuộc như đồng chí Lê Giản, đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Lê Tuấn… Số ít các nhà văn như Nguyễn Thị Ngọc Hải, Diệp Hồng Phương viết chân dung các cá nhân sau này. Có thể do bí mật chưa được giải mật nên các nhà văn ngoài ngành công an chưa có điều kiện để thâm nhập thực tế và khai thác tư liệu…
2. Sáng tác văn học giai đoạn 1954-1986
Một sự kiện đáng chú ý là năm 1970, với tầm nhìn xa, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã quyết định thành lập bộ phận sáng tác thuộc Phòng Tuyên truyền, Cục Công tác chính trị, Bộ Công an, điều động đồng chí Lê Tri Kỷ về phụ trách bộ phận sáng tác này. Đây là sự kiện lịch sử quan trọng đối với quá trình phát triển, lớn mạnh của đội ngũ viết văn, làm công tác văn học, nghệ thuật trong lực lượng CAND. Trong hai năm 1970-1971, đồng chí Lê Tri Kỷ đã xin Bộ Công an điều động đồng chí Phan Văn Thẩm, Cục Cảnh vệ (bút danh Văn Phan, tác giả tiểu thuyết Lớn lên với Điện Biên), đồng chí Ngôn Vĩnh (Báo Công An nhân dân), Tôn Ái Nhân (Công an Quảng Ninh) về bộ phận sáng tác này. Dưới sự hướng dẫn, định hướng của đồng chí Lê Tri Kỷ, các cây viết đã say mê đi tìm hiểu thực tế trong một số đơn vị công an, gặp gỡ một số nguyên mẫu từng tham gia các vụ án lớn trong lịch sử. Vì thế, vài năm sau đó đã ra đời một số tác phẩm văn học in ở dạng Ronio để tuyên truyền kịp thời như Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn (Ngôn Vĩnh); Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot Dinville, Nhóm rắn lục (Văn Phan); Trinh sát Hà Nội (Tôn Ái Nhân)... Các tác phẩm này chủ yếu khai thác tư liệu từ các chuyên án thắng lợi của lực lượng CAND như vụ tiễu phỉ ở Đồng Văn, Tổ Điệp báo A13, các trinh sát Hà Nội buổi ban đầu trong Cách mạng tháng Tám... Có thành công bước đầu, năm 1981, Bộ Công an quyết định thành lập Nhà xuất bản CAND do đồng chí Lê Tri Kỷ làm Phó Giám đốc phụ trách. Và từ đây, công tác sáng tác văn học trong ngành công an đứng trước một tương lai xán lạn.
Sau khi Nhà xuất bản CAND được thành lập, Bộ Công an điều động thêm một số cây bút có năng khiếu, thiên hướng viết văn trong lực lượng CAND về làm quân của nhà văn Lê Tri Kỷ, tuyển một số cây bút chuyên nghiệp từ các ngành khác về, trong đó có các cây bút như Phan Quế, Phùng Thiên Tân, Thu Trang sau này được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Như vậy, giai đoạn từ năm 1975 đến 1986, trong lực lượng công an mới bắt đầu quy tụ một số cây bút để làm hạt nhân hình thành đội ngũ viết văn sau này. Đặc biệt, sự ra đời của bộ phận sáng tác đầu tiên (1970), tiến tới thành lập Nhà xuất bản CAND (1981) quy tụ thêm một số cây bút mới, là những dấu mốc quan trọng đối với công tác sáng tác văn học về đề tài công an nhân dân.
Chỉ tính riêng từ năm 1960 đến 1986, các tác giả trong lực lượng công an đã cho xuất bản một số tác phẩm có giá trị tư liệu và văn học. Đó là các tác phẩm Thủ phạm vụ án Ôn Như Hầu (ký sự, 1960), Cây đa xanh (1961), Phố vắng (tập truyện ký, 1961), Một người không nổi tiếng (truyện ký, 1970), Biến động ngày hè (kịch bản sân khấu, 1976), Cất vó của Đặng Thanh; Những tiếng nói thầm (truyện ký, 1978), Sống chìm (1984), Câu lạc bộ chính khách (tiểu thuyết, 2 tập, 1986) của Lê Tri Kỷ; Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn (sau đổi tên: Bên kia cổng trời, 1985), Fulro (1985) của Ngôn Vĩnh; Lớn lên với Điện Biên (truyện ký, NXB Quân đội nhân dân, 1964, 1966, 1974, 1984, 1994), Nhóm rắn lục (truyện dài, NXB Quân đội nhân dân, 1971, 1994), Đội Công an số 6 (truyện ký, NXB CAND, 1976, 1981, 1985, 2012) của Văn Phan; Trinh sát Hà Nội (NXB Hà Nội, 1981) của Tôn Ái Nhân; Điệp viên giữa sa mạc lửa của Nhị Hồ; Cơm đen (2 tập, NXB CAND) của Xuân Đức; Rừng biên giới (truyện ký, 1976), Từ núi rừng Ba Tơ (truyện ký, 1980); Lê Đình Chinh (1980) của Lương Sĩ Cầm; Sao Đen (2 tập, 1986, 1987) của Triệu Huấn; Người Bình Xuyên (1985) của Nguyên Hùng; X30 phá lưới của Đặng Thanh…
Trong giai đoạn này, sách xuất bản về đề tài an ninh trật tự, về CAND chung, chủ yếu cũng do các cây viết, tác giả trưởng thành trong lực lượng CAND. Số đầu sách do Nhà xuất bản CAND phát hành cũng chưa nhiều. Một số tác phẩm có giá trị tư liệu, một số tác phẩm có giá trị về văn chương bắt đầu gây được sự chú ý của bạn đọc và làng văn về đề tài này vẫn chỉ xung quanh số ít tác giả là Lê Tri Kỷ, Ngôn Vĩnh, Văn Phan, Tôn Ái Nhân, Lương Sĩ Cầm... Như vậy cho đến năm 1986, lực lượng sáng tác văn học trong lực lượng công an vẫn còn mỏng, số tác phẩm văn học của họ xuất bản cũng mới chỉ đếm qua 10 đầu ngón tay. Tuy nhiên, có điều đáng mừng là các nhà văn ngoài ngành bắt đầu có quan hệ, thâm nhập thực tế trong ngành công an để sáng tác nên đã xuất hiện một số tác phẩm viết về công an được đón nhận như các nhà văn Xuân Đức, Mai Thanh Hải, Triệu Huấn, Đặng Thanh, Nguyên Hùng, Nguyễn Trần Thiết... Thời gian này, ngành công an chưa có cây bút nào được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam nên việc bồi dưỡng cây viết còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi cần hình thành một đội ngũ nhà văn cho ngành.
3. Sáng tác văn học giai đoạn 1986 đến nay
Từ năm 1990 đến năm 1994, Bộ Công an quan tâm mạnh mẽ đến công tác sáng tác văn học nhằm giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ. Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài phụ nữ CAND do Hội Phụ nữ Bộ Công an tổ chức đã cho ra mắt hai cuốn tiểu thuyết dày dặn cùng xuất bản năm 1991 là Vòng nguyệt quế cô đơn của Nguyễn Quang Thiều và Trả lại tên cho em của Vũ Thị Hồng. Năm 1994, Nhà xuất bản CAND tổ chức trại sáng tác văn học cho các cây bút trẻ trong và ngoài ngành công an tại Sầm Sơn, Thanh Hóa mở ra triển vọng mới cho việc đầu tư sáng tác và hình thành đội ngũ các cây bút trong ngành công an.
Đáng chú ý là từ tháng 2/1995, Bộ Công an ra mắt số đầu tiên Tạp chí Văn hóa Văn nghệ Công an (đồng chí Phạm Văn Dần, Phó Tổng cục trưởng làm Tổng biên tập; nhà văn Hữu Ước làm Phó Tổng biên tập), trở thành diễn đàn văn hóa, văn nghệ rộng rãi của các nhà văn, các cây bút trong và ngoài ngành công an. Sau khira mắt số chuyên đề “An ninh thế giới” vào năm 1996, một sáng kiến có giá trị đột phá của Ban Biên tập Tạp chí Văn nghệ Công an đề xuất Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc thi giải sáng tác văn học mang tên Cây bút vàng, tổ chức trong 2 năm 1996-1998, đối tượng tham dự bao gồm các nhà văn chuyên và không chuyên trong cả nước, các cây bút trong ngành công an. Lần đầu tiên, Tạp chí Văn nghệ Công an giúp Bộ “điểm danh” hầu hết các cây viết trong công an cả nước tham gia cuộc thi này, có nhiều cây bút mới viết lần đầu, chưa có truyện đăng báo vẫn được mời tham dự trại viết để đầu tư cho tương lai. Với lực lượng hùng hậu của đông đảo các nhà văn Việt Nam tham gia (khoảng 50 nhà văn có uy tín tham gia) tạo nên một cú hích mạnh mẽ đối với công tác văn học, nghệ thuật của ngành công an. Đồng chí Bộ trưởng Lê Minh Hương đã chỉ đạo Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND; và đồng chí Hữu Ước, Phó Tổng biên tập liên hệ với công an các đơn vị, địa phương tạo mọi điều kiện tối đa để giúp các nhà văn thâm nhập thực tế, sưu tầm tư liệu, giải mật các vụ án, chuyên án nhằm giúp cho các nhà văn sáng tạo nên tác phẩm tầm vóc. Cuộc thi này đã tìm ra ông chủ Cây bút vàng là nhà văn Ma Văn Kháng với truyện ngắn San Cha Chải, 3 tác giả đồng giải Nhất cuộc thi Cây bút vàng là: nhà văn Nguyễn Khải (truyện ngắn Đàn bà), nhà văn Nguyễn Quang Sáng (truyện ngắn Về lại bức tranh xưa), Trung tá an ninh Nguyễn Hồng Thái (truyện ngắn Đối mặt). Thành công của cuộc thi này đã tạo nên “dư chấn” thúc đẩy hoạt động quản lý, công tác văn hóa, văn nghệ, báo chí công an phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Kinh nghiệm quý báu là làm sao lôi cuốn các nhà văn Việt Nam đồng hành với ngành công an sáng tạo tác phẩm văn học có giá trị thẩm mĩ cao về hình tượng người chiến sĩ CAND cũng như về đề tài an ninh, trật tự. Cũng từ cuộc thi sáng tác văn học mang tên Cây bút vàng này mở ra quan hệ mật thiết giữa Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam trong phối hợp thúc đẩy sáng tạo văn học cho ngành công an.
Cũng năm 1995, Bộ Công an đã phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo Văn học về đề tài công an trong dòng chảy của văn học Việt Nam khẳng định sáng tạo về đề tài công an là một mảng văn học có giá trị của văn học Việt Nam, không có việc phân biệt về đề tài, chất lượng sáng tạo văn học làm nên giá trị của tác phẩm và nhà văn. Tại Hội thảo, các nhà lý luận, phê bình văn học đã đề xuất tên đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống của Bộ Công an là mảnh đất màu mỡ khích lệ, mời gọi các nhà văn thâm nhập thực tế cuộc sống để sáng tác nên những tác phẩm có giá trị văn học hấp dẫn và lôi cuốn bạn đọc.
Có được thành công bước đầu, mở ra triển vọng mới nên từ năm 1996 đến nay, Bộ Công an đã phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 4 cuộc thi sáng tác văn học mang tên “Cây bút vàng”. Năm 1996-1998, các nhà văn Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Quang Sáng đoạt giải Đặc biệt và giải Nhất. Năm 2000-2002, nhà văn Sương Nguyệt Minh và Nguyễn Thị Quý Phương đoạt giải Nhất; cuộc thi lần thứ 3 năm 2015-2017, nhà văn Nguyễn Như Phong đoạt giải Nhì (không có giải Nhất), tác giả Nguyễn Thị Cùng (phu nhân của Thượng tướng Lê Thế Tiệm) và tác giả Lê Duy Nghĩa đoạt giải Ba. Giải thưởng cuộc thi “Cây bút vàng” lần thứ 4 (2018-2020) về thể loại ký có 01 tác phẩm đoạt giải A: Hồi ức 10 năm của tác giả Viễn Chi; 02 tác phẩm đoạt giải B gồm: Anh Tư (tác giả: Lê Duy Nghĩa), Công an xã (tác giả: Nguyễn Duy Liễm).
Bốn Cuộc vận động sáng tác văn học ký và tiểu thuyết về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống đã được tổ chức mang lại nhiều thành công. Cuộc vận động 2002-2005 trao 2 giải Nhất cho 2 cây bút trong lực lượng CAND là tác giả Bùi Anh Tấn và Chu Thanh Hương. Cuộc vận động năm 2007-2010 đã trao giải Nhất cho nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (quân đội), nhà văn Hồ Phương và Hữu Mai đoạt giải Nhì. Cuộc vận động năm 2012-2015 đã trao giải Nhất cho tác giả Phạm Quang Đẩu và tác giả Đào Trung Hiếu. Cuộc vận động năm 2017-2020, Ban tổ chức đã trao 3 giải A: về tiểu thuyết có 2 giải A trao cho tác phẩm Phận liễu của nhà văn Chu Thanh Hương, Rễ người của nhà văn Đoàn Hữu Nam; thể loại truyện, ký có 1 giải A trao cho tác phẩm Đối mặt sói trắng của tác giả Phan Thế Cải.
Bộ Công an cũng đã tổ chức xét giải thưởng văn học, nghệ thuật 10 năm (1995-2005) cho những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị, tác động tích cực đối với công tác, chiến đấu của lực lượng công an nhân dân. Đó là những “cú hích” tích cực tạo đà cho sự phát triển văn học về đề tài công an một cách toàn diện.
Một dấu ấn đặc biệt là tháng 6/2015, nhân tiến tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam, Tổng cục Chính trị CAND chủ trì tham mưu với Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức xét tặng và vinh danh 18 nhà văn Việt Nam có những tác phẩm văn học xuất sắc cống hiến cho sự nghiệp vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Đó là các nhà văn mà tên tuổi cùa họ đã được bạn đọc yêu mến như: Lương Sĩ Cầm, Trần Diễn, Nguyễn Xuân Đức (Xuân Đức), Mai Thanh Hải, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Triệu Huấn, Nguyên Hùng, Ma Văn Kháng, Lê Tri Kỷ, Hữu Mai, Văn Phan, Hồ Phương, Phùng Thiên Tân, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Ước, Ngôn Vĩnh, Đặng Thanh, Nguyễn Trần Thiết. Các nhà văn nói trên đã sáng tác những tác phẩm văn học ghi dấu ấn, mê hoặc bạn đọc một thời như: Ông cố vấn - Hồ sơ một điệp viên, Đêm yên tĩnh (Hữu Mai); Bên kia cổng trời, Fulro (Ngôn Vĩnh); Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot Dinville (Văn Phan); Câu lạc bộ chính khách, Không thiện không ác (Lê Tri Kỷ); San Cha Chải (Ma Văn Kháng); X30 phá lưới (Đặng Thanh); Đại tướng Mai Chí Thọ, Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời (Nguyễn Thị Ngọc Hải); Người Bình Xuyên (Nguyên Hùng); Sóng ở đáy sông (Lê Lựu); SBC xung trận (Phùng Thiên Tân); Sao Đen (Triệu Huấn); Kẻ ám sát cánh đồng và Vòng nguyệt quế cô đơn (Nguyễn Quang Thiều); Tháp chuông ráng đỏ (Mai Thanh Hải); Yêu tinh (Hồ Phương); Vòng xoáy (Hữu Ước); Người không mang họ (Xuân Đức); Đèn kéo quân, Dấu chân trinh sát (Lương Sĩ Cầm)…
Có thể nói văn học sáng tác về đề tài an ninh, trật tự được phôi thai từ những trang Báo Công an mới năm 1946. Hiện có thể khẳng định với truyện ngắn Chiếc valy được in năm 1951, Nhà văn Nguyễn Đình Lạp là nhà văn đầu tiên sáng tác về đề tài an ninh, trật tự. Từ góc nhìn khái lược về văn học về đề tài công an từ năm 1945 đến nay, có thể rút ra một số nhận xét bước đầu sau đây:
Một là, bài học kinh nghiệm quan trọng nhất đối với công tác sáng tạo văn học trong lực lượng CAND đó là sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an là nguyên nhân quyết định sự trưởng thành lớn mạnh của đội ngũ nhà văn công an và sự phát triển của hoạt động sáng tác văn học về đề tài an ninh trật tự. Trong đó, đặc biệt chú ý sự đổi mới công tác quản lý văn hóa, văn nghệ của Lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo các cơ quan xuất bản, báo chí của ngành đã góp phần tạo nên sự cởi mở, tạo không gian sáng tạo và sự hứng khởi, giúp các nhà văn trong và ngoài lực lượng say mê sáng tạo các tác phẩm văn học có giá trị về đề tài công an và hình tượng người chiến sĩ CAND.
Hai là, bài học kinh nghiệm có tính chất độc đáo đó là ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, niềm đam mê, lao động cần mẫn, bền bỉ của các nhà văn công an thế hệ đầu tiên, tiêu biểu là Nhà văn Nguyễn Đình Lạp và Nhà văn Lê Tri Kỷ. Các ông là cán bộ công an viết văn với ý thức trách nhiệm phục vụ ngành công an cộng với tài năng và niềm đam mê sáng tạo nên đã đi đầu dẫn dắt, chăm sóc, bồi dưỡng, định hướng sáng tạo giúp “lứa” nhà văn đầu tiên cho lực lượng CAND thành danh như hiện nay. Đặc biệt, nhà văn Lê Tri Kỷ là nhà văn đầu tiên của lực lượng công an, một trong 2 nhà văn của lực lượng CAND đến thời điểm hiện nay được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cần được Bộ Công an ghi công và tôn vinh ông.
Ba là, sự giúp đỡ của Hội Nhà văn Việt Nam, sự cộng tác nhiệt tình của các nhà văn Việt Nam trong cả sáng tác và phê bình, đặc biệt là có nhiều nhà văn nổi tiếng đã thâm nhập cuộc sống, chiến đấu của lực lượng công an để sáng tác tác phẩm về đề tài CAND đã tạo nên đời sống văn chương sôi động, hiệu quả trong lực lượng công an. Sự vào cuộc đó đã tạo nên thành công, tạo “cú hích” văn chương đối với ngành công an và đội ngũ các nhà văn công an phát triển lớn mạnh như ngày nay.
Bốn là, phải kiên trì phát hiện mầm xanh văn học; bồi dưỡng, phát triển tài năng văn học trong CAND, tạo thành đội ngũ đông đảo các nhà văn của lực lượng công an. Từ 3 nhà văn của lực lượng công an năm 1997, đến nay lực lượng CAND đã có gần chục nhà văn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đó là kinh nghiệm tốt cho công tác quản lý. Đây là những nhà văn mặc áo lính đã có nhiều đóng góp phát triển dòng văn học về đề tài CAND hơn 70 năm qua.
Thời gian tới, trong tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, phức tạp và khó lường; ở trong nước, tuy uy tín và vận hội của nước ta chưa bao giờ có một cơ đồ như hiện nay nhưng tình hình tội phạm, trật tự an toàn diễn biến còn phức tạp, có điểm tiềm ẩn gây mất ổn định. Cuộc sống nói chung, tình hình an ninh, trật tự nói riêng, nhất là những vấn đề tội phạm an ninh phi truyền thống mới xuất hiện đặt ra nhiều vấn đề cần văn học giải đáp, cần lý giải và dự báo của nhà văn. Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống CAND Việt Nam, đề tài CAND và cuộc đấu tranh với thế lực thù địch và tội phạm hiện nay vẫn là đề tài “nóng”, hấp dẫn, chờ mong tài năng và tác phẩm lớn, xứng tầm của các nhà văn. Dường như tất cả đã sẵn sàng, chỉ mong chờ tài năng, sức lao động và trách nhiệm của người cầm bút.
Tài liệu tham khảo:
1. Nhà văn Công an – Tác giả và tác phẩm, NXB Công an nhân dân, 2005.
2. Tổng tập Văn học Công an (2 tập), NXB Công an nhân dân, 2018.
3. Nguyễn Thị Kiều Anh (Chủ biên, 2017), Hình tượng ngươi chiến sĩ công an trong sáng tác của các nhà văn công an, NXB Công an nhân dân.
4. Nguyễn Hồng Thái, Trần Hoàng Thiên Kim, Trần Thiện Khanh (đồng Chủ biên, 2020), Sáng tạo văn học về đề tài Công an nhân dân từ năm 1986 đến nay, NXB Khoa học xã hội.
5. Nguyễn Thị Kiều Anh (2021), Người chiến sĩ Công an nhân dân – từ cuộc đời đến trang sách (2021), NXB Công an nhân dân.
Chú thích:
1 Nguyễn Đình Lạp Tuyển tập, NXB Công an nhân dân, 2016.