TÌNH YÊU TỔ QUỐC VÀ Ý THỨC CHỦ QUYỀN TRONG THƠ VIỆT NAM VIẾT VỀ BIỂN ĐẢO

Trên cơ sở phân tích tình yêu Tổ quốc và ý thức bảo vệ chủ quyền trong các tác phẩm thơ Việt Nam viết về biển đảo, bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của các tác phẩm thuộc đề tài này trong bối cảnh chủ quyền biển đảo vẫn thường xuyên bị đe dọa như hiện nay.

   Đất nước Việt Nam là một trong những quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển, về lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế trên biển. Biển đảo Việt Nam có vị trí địa chính trị hết sức quan trọng, là những dấu mốc xác lập biên giới trên biển, là một phần lãnh thổ, lãnh hải rộng hơn một triệu cây số vuông với hàng ngàn đảo lớn nhỏ, là một phần máu thịt của Tổ quốc Việt Nam. Có lẽ vì thế mà trên tiến trình thơ ca dân tộc luôn thường trực cảm hứng dạt dào về biển cả, về tình yêu đối với biển đảo quê hương. Trong thời đại chúng ta, thơ viết về biển đảo xuất hiện ngày càng nhiều và đạt nhiều thành tựu đáng tự hào, thể hiện sâu sắc tình yêu Tổ quốc và ý thức chủ quyền của dân tộc Việt Nam.

   1. Biển đảo – nguồn cảm hứng vô tận cho văn học nước ta

   Việt Nam là quốc gia biển đảo, người Việt từ thuở sinh thành đã là cư dân biển đảo. Sự thật lịch sử ấy đã được ghi lại trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ: “Nay ta đem năm mươi con về miền biển, nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên”.

   Từ truyền thuyết, thần thoại thời cổ đại đến các tác phẩm thơ ca trong thời trung đại, tình yêu Tổ quốc, ý thức chủ quyền biển đảo luôn là nguồn mạch chủ đạo trong văn chương dân tộc Việt Nam. Những bậc quân vương, Nho sĩ thời trung đại như Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Minh Tông, Lê Thánh Tông, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm… đều có những bài thơ hay về biển đảo. Những thi phẩm của các bậc tiền nhân không những ngợi ca các danh lam thắng cảnh mà còn ghi lại những chiến công lừng lẫy nơi biển đảo. Những bài thơ ấy góp phần cắm vào các vùng lãnh hải đất nước, tạc vào tâm trí người dân nước Việt những dấu mốc chủ quyền. Trong hàng trăm cột mốc chủ quyền bằng thơ trong thời trung đại, chúng tôi xin điểm qua vài ví dụ tiêu biểu.

   Hiện thực đời sống của người dân miền biển và khí thế hào hùng của đoàn quân trở về sau khi dẹp giặc ở phía Nam Tổ quốc đã được vua Trần Anh Tông (1276-1320) ghi lại thật sinh động qua những câu thơ:

   “Ngọn tùng xóm núi trăng tỏa ánh,
   Đầu song làng chài gió thổi hồng
   Muôn đội cờ bay, lòa mặt biển,
   Năm canh kèn trống, động thiên không”.
                    (Đánh Chiêm Thành về đậu thuyền ở cảng Phúc Thành, Trần Trọng Dương dịch)

   Cũng nhìn biển từ niềm tự hào dân tộc và ý thức khẳng định chủ quyền, Nguyễn Trãi (1380-1442) có những câu thơ thật hào sảng:

   “Khí biển hơi may thổi lạnh rùng,
   Bạch Đằng qua cửa nhẹ buồm dong.
   Chòm chòm núi đá kình rời đoạn,
   Lớp lớp bờ lau kiếm nát chồng”.
              (Cửa biển Bạch Đằng, nhóm Đào Duy Anh dịch)

   Học giả uyên bác, nhà thơ tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) đã khẳng định vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của biển Đông trong việc bảo vệ chủ quyền và phát triển đất nước:

   “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ
   Đất Việt muôn năm vững trị bình
   Chí những phù nguy xin gắng sức
   Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình”.
                  (Con rùa lớn đội núi, Nguyễn Khắc Mai dịch)

   Nguồn thơ viết về biển đảo từ thời trung đại được tiếp nối qua thời cận hiện đại và tuôn trào mãnh liệt trong thơ Việt Nam hiện đại với các thế hệ nhà thơ từ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông… đến Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Quỳnh, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Anh Ngọc, Tô Thùy Yên. Đặc biệt nở rộ trong mấy thập niên gần đây với các thi phẩm của Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Thế Kỷ, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Thanh Mừng, Trịnh Công Lộc, Huệ Triệu, Phan Quế Mai, Trần Anh Thái, Phan Hoàng, Bùi Văn Bồng, Nguyễn Thị Hồng Diệu, Lưu Thị Bạch Liễu…

   Có thể khẳng định biển đảo của Tổ quốc Việt Nam là nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo nghệ thuật, là nơi thể hiện tập trung tình cảm yêu nước và ý thức chủ quyền của dân tộc. Đúng như Nguyễn Hữu Quý đã từng chia sẻ: “Biển đảo, một phần lãnh thổ vô cùng thiêng liêng của Tổ quốc mang những dấu ấn lịch sử dựng nước và giữ nước sâu đậm của dân tộc ta, gắn với hình ảnh của những người lính, người dân đối mặt với sóng gió luôn là nguồn cảm hứng dạt dào vừa quen thuộc vừa mới mẻ của những văn nghệ sĩ”1.

   2. Tình yêu Tổ quốc là cảm hứng chủ đạo trong thơ viết về biển đảo

   Vùng biển nước ta không những có vị trí quan trọng về kinh tế mà còn có vị trí đặc biệt quan trọng về quân sự. Nó là biên giới phía Đông, là đường tiếp cận, bàn đạp tiến công, uy hiếp, phong tỏa và phá hoại nhiều mặt của các thế lực xâm lược. Trong lịch sử nước ta đã 14 lần bị kẻ thù xâm lược thì có đến 10 cuộc chiến tranh bắt đầu từ hướng biển. Ngày nay, biển Đông cùng các đảo, quần đảo vẫn còn diễn ra các tranh chấp phức tạp và quyết liệt về chủ quyền giữa các quốc gia, nơi tiềm ẩn những bất trắc khó lường, đang là thách thức đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh của nước ta trên biển và từ hướng biển. Chính vì vậy, viết về biển đảo là niềm thôi thúc của tình yêu nước, là nỗi niềm trăn trở, đau đớn trong tim đòi được giãi bày, bộc lộ:

   “Ôi Tổ quốc, biên cương chưa yên giấc
   Đêm quặn lòng máu thịt Hoàng Sa
   Ngày đỏ mắt Trường Sa giông bão
   Lại bút, gươm giữ cõi, xây nhà”.
                                 (Tổ quốc – Nguyễn Thế Kỷ)

   Khi biển đảo trở thành tuyến đầu chống giặc thì tình yêu biển đảo chính là tình yêu nước tha thiết, thường trực trong lòng nhà thơ. Những địa danh như Trường Sa, Hoàng Sa, Gạc Ma, Sinh Tồn, Song Tử... mỗi khi nhắc đến đều chứa đựng bao nỗi niềm cảm xúc nhớ nhung, đau đớn, day dứt, yêu quý, tự hào.

   Niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, tình cảm biết ơn sâu nặng đối với các thế hệ ông cha dựng xây đất nước nhiều lần được nói đến trong thơ. Biển đảo là lãnh thổ mà ông cha từ ngàn xưa đã bỏ bao công sức, mồ hôi, nước mắt và xương máu của mình để dựng xây, bảo vệ. Các nhà thơ hiện đại, qua thi phẩm của mình, đã khơi dậy truyền thống đó, thổi vào tâm hồn người đọc niềm tự hào, niềm biết ơn sâu sắc với lớp lớp người đi trước. Nhiều bài thơ nói lên sâu sắc và cảm động hành trình của dân tộc ta đi tới biển, khai mở bờ cõi đất nước nơi biển đảo xa xôi. Hành trình vĩ đại ấy được nhà thơ Thanh Thảo nói lên một cách hào sảng qua trường ca Những người đi tới biển:

   “Tổ quốc kiên trì nhoài ra phía biển
   Ôm những quần đảo trong vòng tay thương mến
   Mắt dõi nhìn hút cánh hải âu bay”.

   Nếu Thanh Thảo chọn điểm nhìn theo bước chân những người đi tới biển thì Nguyễn Việt Chiến lại chọn điểm nhìn Tổ quốc từ biển cả quê hương. Nơi ấy nhà thơ cảm nhận đầy đủ những giông bão của biển và hành trình đầy giông bão của dân tộc ta trong quá trình dựng nước trên biển đảo thiêng liêng. Đó là hành trình đương đầu với bão táp mưa sa và đương đầu với quân thù xâm lược. Mỗi thước đất trên đảo, những dặm dài trên biển đều thấm máu ông cha. Hình hài Tổ quốc hôm nay được đắp bằng thịt xương của bao thế hệ. Cảm quan lịch sử hòa quyện với niềm tự hào dân tộc đã làm nên những bài thơ, đoạn thơ giàu cảm hứng lãng mạn, bi hùng:

   “Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
   Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
   Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
   Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
   Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
   Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
   Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
   Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn”.
                         (Tổ quốc nhìn từ biển – Nguyễn Việt Chiến)

   Nguyễn Việt Chiến đã từng trải qua cuộc đời người lính, rồi trở thành nhà báo, nhà thơ. Trong tâm hồn anh dường như không bao giờ ngưng những ngọn sóng biển, không ngưng những suy tư, trăn trở về số phận dân tộc, nhân dân. Sau bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển, Nguyễn Việt Chiến dồn tâm huyết cho tập trường ca hơn một ngàn câu viết về biển đảo Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Mĩ và chiến tranh chống quân bành trướng phương Bắc, sau đó anh cho ra mắt tuyển tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển (2015), tập thơ được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2016. Tập thơ kết tinh tài năng, tâm huyết của một nhà thơ yêu nước thiết tha, đau đáu mối quan tâm về vận nước, về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Tình cảm, ý chí của anh tiêu biểu cho tình cảm và thái độ của văn nghệ sĩ nước ta trước những sự kiện “sóng gió” trên biển Đông trong những thập niên gần đây.

   Tình cảm yêu nước trong thơ Trần Đăng Khoa cũng gắn liền với những nỗi day dứt khôn nguôi, những dự cảm bão táp có thể nổi lên trên biển đảo Tổ quốc chúng ta:

   “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
   Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng
   Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng
   Biển một bên và em một bên…”.
                                (Thơ tình của người lính biển – Trần Đăng Khoa)

   Viết thơ tình, viết về người tình trong đất liền nhưng tình cảm và suy nghĩ của Trần Đăng Khoa hướng nhiều hơn về biển. Bởi nhà thơ dự cảm và hiểu thấu cuộc chiến đấu bảo vệ biển đảo của chúng ta đã và sẽ còn khốc liệt. Bão tố trên biển có thể nổi lên bất cứ lúc nào. Vì vậy, tâm hồn đa cảm của người lính biển vẫn “lắng sóng từ hai phía” nhưng vì đất nước “chưa bao giờ bình yên” nên người lính vẫn luôn cầm chắc tay súng giữa trời khuya, đảo vắng để bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

   Nhà văn, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ tuy chưa trải qua đời lính nhưng với tâm hồn đa cảm, nặng tình đất nước, anh đã có bài thơ trữ tình lục bát ngọt ngào: Trường Sa (1994). Tháng Tư năm 2012 anh cùng đoàn công tác ra thăm các chiến sĩ ở các đảo Trường Sa. Trong dịp được chứng kiến, trải nghiệm cuộc sống nơi biển đảo, anh đã sáng tác hai bài thơ hào hùng mà da diết về biển đảo, về Tổ quốc Việt Nam. Khi viết về biển đảo, anh như sống với thời gian hai chiều: quá khứ, hiện tại đan xen, đồng hiện. Hành trình dựng nước và hành trình giữ nước song hành trên trục liên tưởng của nhà thơ:

   “Trước Trường Sa thấy mình bé nhỏ
   Tựa mốc chủ quyền thêm vững lòng hơn
   Ngắm rặng mồng tơi, nghe gà cục tác
   Tổ quốc giữa trùng khơi sinh nở,trường tồn
   Đêm không ngủ Trường Sa, đêm trở gió
   Gió hồng hoang ào ạt phía Hoàng Sa
   Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc
   Áp cờ đỏ lên tim mắt bỗng lệ nhòa”.
                          (Thao thức Trường Sa, Nguyễn Thế Kỷ)

   Cảm xúc cụ thể và suy nghĩ khái quát như đồng hiện trong tâm trí nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ. Niềm vui nhìn thấy “rặng mồng tơi”, “nghe gà cục tác” vừa ánh lên trên đôi mắt nhà thơ thì suy nghĩ về quá trình “sinh nở, trường tồn” của Tổ quốc khắc đến. Tâm trạng thao thức trong đêm trở gió ở Trường Sa vừa đến thì gió “ào ạt phía Hoàng Sa” cũng nổi lên làm đau xót lòng người. Những liên tưởng tương đồng và tương cận tinh tế trên đây không phải xuất phát từ thủ pháp nghệ thuật mà xuất phát từ tình cảm nồng cháy, suy nghĩ sâu sắc của nhà thơ về Tổ quốc. Tình cảm thiêng liêng ấy tự tìm đến hình ảnh và ngôn ngữ để thể hiện một cách cụ thể, cảm động. Qua hai bài thơ tiêu biểu Tổ quốc, Thao thức Trường Sa của Nguyễn Thế Kỷ viết về Tổ quốc, về biển đảo, chúng ta dễ nhận ra tình cảm yêu nước trong thơ anh vừa bay bổng cảm hứng tự hào vừa trầm lắng suy tư trong những day dứt vì đau thương mất mát, cái giá mà bao thế hệ phải trả để “đắp hình hài Tổ quốc” hôm nay.

   Tình yêu nước, ý thức chủ quyền dân tộc là tình cảm lớn, thiêng liêng, luôn là nguồn cảm hứng chủ đạo cho thơ ca mọi dân tộc, thời đại. Đối với dân tộc ta, tình cảm đó càng đau đáu, thường trực hơn vì đất nước ta bị nhiều thế lực xâm lược lăm le thôn tính, cướp đoạt. Trong hơn nửa thế kỷ qua, biển Đông, một phần biển đảo Việt Nam bị thế lực phương Bắc chiếm đoạt trắng trợn, quần đảo Trường Sa thường xuyên bị tranh chấp. Nỗi lo về chủ quyền biển đảo, nỗi day dứt về vận mệnh đất nước là tâm trạng chung của hàng triệu người dân Việt Nam. Tình cảm thiêng liêng, sâu nặng đó trong những thập niên gần đây đã được các nhà thơ nói lên khá sâu sắc, đa dạng, tạo được sự đồng cảm, đồng tình của những người dân yêu nước.

   3. Hiện thực đời sống và hình tượng người lính biển

   Thơ Việt Nam hiện đại viết về biển đảo chứa đựng nội dung hiện thực rất đa dạng, phong phú. Đó là tiếng thơ ca ngợi vẻ đẹp của những kỳ quan của đất nước, ca ngợi cuộc sống lao động cần cù của ngư dân vùng biển, khắc họa chân thực cuộc sống gian khổ, khắc nghiệt nơi đảo xa. Nhưng nổi bật nhất là hình tượng những người lính biển anh dũng hiên ngang ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Các nhà thơ đã ghi lại chân thực, sinh động cuộc sống của họ với bao khó khăn thiếu thốn nhưng tràn ngập niềm vui và niềm lạc quan. Đây không chỉ là tiếng nói ngợi ca, cảm phục của người ngoài cuộc mà trước hết là những vần thơ cất lên từ cuộc đời chiến sĩ.

   Từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, Trần Đăng Khoa đã có mặt ở quần đảo Trường Sa với tư cách là người lính biển. Sự trải nghiệm cuộc đời người lính đã mang lại cho anh những bài thơ đặc sắc và một tiểu thuyết mini độc đáo: Đảo chìm. Những bài thơ của anh chan chứa bao những xúc cảm trong trẻo, hồn nhiên, tự tại, tự tin của những người lính trẻ với những chi tiết tươi nguyên, thô ráp của hiện thực đời sống nơi biển đảo:

   “Ôi đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu
   Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo
   Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương gió bão
   Chúng tôi như hòn đá ngàn năm trong đập trái tim người
   Như đá vững bền, như đá tốt tươi…”.
                           (Đợi mưat rên đảo Sinh Tồn – Trần Đăng Khoa)

   Có chi tiết độc đáo vượt ngoài sức tưởng tượng của người bình thường:
   “Sân khấu lô nhô mấy chàng đầu trọc
   Người xem ngổn ngang cũng rặt lính trọc đầu
   Nước ngọt hiếm không lẽ dành gội tóc
   Lính trẻ lính già đều trọc tếu như nhau”.
                 (Lính đảo hát tình ca trên đảo – Trần Đăng Khoa)

   Trong sáng tác văn chương, chi tiết rất quan trọng, những chi tiết có giá trị bao giờ cũng “biết nói”. Có chi tiết gợi mở nhiều vấn đề, nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc nhưng không ít chi tiết tả thực, tự thân chi tiết tả thực đã nói lên sinh động, thuyết phục về bản chất cuộc đời. Hình ảnh những người “lính trọc đầu” biểu đạt sống động, cụ thể, độc lạ về hiện thực đời sống khó khăn, thiếu thốn, khắc nghiệt của người lính đảo. Trong hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt đó, ước mơ và thèm khát của người lính đảo thật giản đơn và đau xót đến nhói lòng: “Ôi ước gì được thấy mưa rơi”! Ước có mưa rơi trên đảo để có được “bữa tiệc linh đình bày toàn nước ngọt” để thỏa cơn khát và để được sinh tồn!

   Sinh tồn trong hoàn cảnh khắc nghiệt, thiếu thốn như thế, những người lính đảo rất trân quý tình người, tình đồng đội, tình yêu. Niềm vui vỡ òa, bung tỏa khắp đảo khi họ được nhận những bức thư từ đất liền gửi tới:

   “Có buổi chiều
   lính đảo vui như tết
   khi cầm trên tay những lá thư tình
   nét chữ nghiêng nghiêng
   tà áo bay bay
   nét chữ đứng
   dáng ai trên bờ đợi...”.
             (Hạ thủy những giấc mơ – Nguyễn Hữu Quý)

   Cuộc sống trên đảo không chỉ có nắng, gió, cát, bão giông mà còn những âm thanh thân thương của cuộc sống tươi xanh:

   “Trường Sa nắng nỏ bão giông
   Cây phong ba với thành đồng lòng ta
   Góc vườn xanh với tiếng gà
   Cây súng thép với lời ca ngọt ngào...”.
                          (Trường Sa – Nguyễn Thế Kỷ)

   Người lính biển cũng như những người chiến sĩ trên mọi miền đất nước luôn lạc quan, yêu đời, vượt lên gian khổ khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nhưng trên không gian biển cả mênh mông, đầy bão táp, đầy hiểm họa rình rập thì khó khăn và hiểm nguy càng nhân lên gấp bội, tinh thần chiến đấu càng phải cao hơn, sự hi sinh mất mát càng lớn hơn. Những bài thơ viết về sự hi sinh anh dũng của người lính đảo có lúc xoáy vào lòng người những xúc cảm mãnh liệt đầy đau xót, cảm phục, tôn vinh.

   Trong kháng chiến chống Mĩ, với bài thơ Dáng đứng Việt Nam, Lê Anh Xuân đã tạc vào thế kỷ một hình tượng anh giải phóng quân kỳ vĩ hào hùng. Trong cuộc chiến bảo vệ biển đảo ngày nay, Nguyễn Việt Chiến cũng để lại hình tượng người lính đảo đầy kiêu hùng, bi tráng:

   “Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn
   Phút cuối cùng đảo hóa biên cương
   Anh đã lấy thân mình làm cột mốc
   Chặn quân thù trên biển đảo quê hương”.
                                   (Tổ quốc ở Trường Sa – Nguyễn Việt Chiến)

   Nỗi đau bi tráng càng đẩy cao hơn trong bài thơ Gửi quần đảo Trường Sa của Đỗ Nam Cao viết về cuộc chiến đấu anh dũng, bi thương của 64 chiến sĩ tại đảo Gạc Ma chống lại hải quân Trung Quốc đến cướp đảo:

   “Các anh chết làm gì có mộ
   Làm gì có đất cho máu tụ thành hồn
   Máu tan loãng thân thể chìm mất dạng
   Chỉ còn đảo và cờ Tổ quốc giữa trùng dương”.

   Hiện thực anh dũng mà bi tráng ấy được Trịnh Công Lộc nâng lên tầm khái quát cao trong bài thơ Mộ gió:

   “Mộ gió đấy giăng từng hàng, từng lớp
   vẫn hùng binh giữa biển - đảo xa khơi
   là mộ gió, gió thổi hoài thổi mãi
   thổi bùng lên những ngọn sóng ngang trời.
   [...]
   Mộ gió đây
   những phút giây biển lặng
   gió là tay ôm ấp bến bờ xa
   chạm vào gió như chạm vào da thịt
   chạm vào nhói buốt Hoàng Sa...”.

   Thành công của bài thơ là khả năng dung chứa hiện thực bi hùng của dân tộc trong một tứ thơ, một hình tượng thơ độc đáo: Mộ gió. Ngôi mộ vô hình, đúng hơn là ngôi mộ ẩn hiện khắp không gian và thời gian biển cả. Mộ gió là một biểu tượng nghệ thuật độc đáo, đa nghĩa, có sức ám gợi mạnh mẽ, xiết vào nỗi đau nhức nhối và trào dâng niềm cảm phục trước sự hi sinh anh dũng mà thầm lặng của những người giữ biển đảo Tổ quốc. Bài thơ thể hiện tập trung ý chí và sức mạnh dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền trên biển Đông. Nửa thế kỷ qua, đất nước thống nhất nhưng biên cương Tổ quốc trên đất liền và trên biển đảo vẫn chưa bình yên, những đe dọa chủ quyền vẫn là nguy cơ thường trực. Với tình cảm yêu nước và ý thức chủ quyền, các nhà thơ chúng ta đã xông vào trận địa mới và cho ra đời nhiều bài thơ trữ tình, nhiều trường ca có giá trị. Các tác phẩm đã thể hiện chân thực và cảm động hiện thực cuộc sống chiến đấu của người lính biển, kết hợp khá nhuần nhị giữa trữ tình và sử thi, giữa truyền thống và hiện đại. Các nhà thơ khi viết về biển đảo đều cố gắng tìm cho mình một phương thức biểu hiện riêng tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo. Tuy nhiên, trong sự đa phong cách ấy vẫn tìm thấy một nét chung, thống nhất, đó là tình yêu tha thiết của các nhà thơ với biển đảo Tổ quốc và tiếng nói khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.

   Thơ viết về biển đảo có một ý nghĩa to lớn trong dòng chảy thơ ca Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, tình hình biển Đông, đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang tiềm ẩn những mối hiểm họa, chủ quyền biển đảo vẫn thường xuyên bị đe dọa thì thơ ca viết về biển đảo càng cần kíp, càng có ý nghĩa lớn lao. Chúng ta càng cần có nhiều hơn những bài thơ và những tác phẩm nghệ thuật mang giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, góp phần thổi bùng lên trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam ngọn lửa tình yêu thiết tha đối với vùng trời, vùng biển, khơi dậy ý thức bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc thân yêu. 

 

 

 

Chú thích:
1 Nguyễn Hữu Quý (2013): “Biển đảo – nguồn cảm hứng nghệ thuật vô bờ”, Báo Sài Gòn giải phóng, ngày 14/3.

Bình luận

    Chưa có bình luận