NHỮNG CHUYỂN ĐỘNG CỦA ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI TÂY NAM TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

Bài viết phân tích, đánh giá những chuyển động của văn xuôi Việt Nam đương đại viết về đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam trong hơn bốn mươi năm qua. Trên cơ sở đó, khẳng định văn học thời kỳ này dù phản ánh hiện thực bằng những điểm nhìn khác nhau nhưng đều đã ghi lại một cách sâu sắc, chân thật về một thời kỳ lịch sử đầy đau thương, anh dũng này của dân tộc Việt Nam.

   Từ năm 1975 đến 1978, các hoạt động quân sự của lực lượng Khmer Đỏ đã gây hấn và tấn công vào lãnh thổ của nước ta, đốt phá nhà cửa, cướp phá tài sản, bắt cóc, giết chóc người dân dọc biên giới Tây Nam. Trước tình hình đó, Việt Nam đã đề nghị một giải pháp ngoại giao nhằm thiết lập một vùng phi quân sự dọc biên giới nhưng Pol Pot đã từ chối, đơn phương cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước ta và tiếp tục gây hấn, giao tranh tiếp diễn. Ngày 23 tháng 12 năm 1978, Việt Nam đã đưa quân tình nguyện sang giúp nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, lần lượt giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi ách diệt chủng tàn bạo của tập đoàn Pol Pot - leng Sary, thành lập chế độ Cộng hòa Nhân dân Campuchia. Từ năm 1978 đến 1990 là một chặng đường lịch sử đầy đau thương nhưng vô cùng vĩ đại của đất nước Campuchia; là khoảng thời gian ghi dấu ấn về sự kề vai sát cánh của dân tộc Việt Nam cùng với nhân dân, chính quyền mới của Campuchia. Hành động của Việt Nam xuất phát từ nhu cầu tự vệ chính đáng, trách nhiệm quốc tế, lương tâm của một dân tộc đã từng chịu nhiều áp bức và ngoại xâm. Sự đóng góp, hi sinh to lớn của Việt Nam tại Campuchia vừa vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc vừa với tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, tình hữu nghị đặc biệt cao cả giữa hai nước mang tình nhân loại. Văn học đóng vai trò là “thước đo của lịch sử” đã kịp thời phản ánh, ghi lại một cách chân thật, xúc động nhất thời kỳ lịch sử đầy biến động, đau thương, anh dũng này của dân tộc Việt Nam, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm bức tranh chung của nền văn học Việt Nam đương đại về đề tài chiến tranh và người lính.

   Nhìn tổng thể trong hơn bốn mươi năm qua, đội ngũ sáng tác về đề tài mặt trận biên giới Tây Nam khá hùng hậu; quy tụ được nhiều thế hệ sáng tác ở nhiều thể loại khác nhau như thơ ca, bút ký, hồi ký, truyện ngắn, tiểu thuyết... Thế hệ các nhà văn từng tham gia đánh Mĩ, trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ hợp thành một lực lượng đông đảo đã tình nguyện khoác áo lính tiếp tục ra chiến trường mới như Thanh Giang, Thu Bồn, Nguyễn Đức Mậu, Hữu Thỉnh, Nguyễn Chí Trung, Ngân Vịnh,Anh Ngọc, Mai Ngữ, Lê Lựu, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Khắc Phục, Quang Chuyền, Trần Thế Tuyển, Đỗ Văn Nhâm, Lam Giang, Nguyễn Hồ, Văn Lê, Trần Văn Tuấn… Tại chiến trường Campuchia cũng đã xuất hiện một đội ngũ các cây bút trẻ vừa là người lính cầm súng chiến đấu trực tiếp vừa sáng tác thơ văn tại mặt trận như Lê Duy Khanh, Đỗ Viết Nghiệm, Phạm Sĩ Sáu, Nguyễn Quốc Trung, Lê Minh Quốc, Cao Vũ Huy Miên, Lê Mạnh Tuấn, Bùi Thanh Minh, Đoàn Minh Tuấn (Đoàn Tuấn), Trần Trí Thông, Nguyễn Vũ Quỳnh, Lương Hữu Quang, Trần Thế Vinh, Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Trung Nguyên, Sương Nguyệt Minh… Cùng với dòng chảy của đề tài văn học chiến tranh biên giới Tây Nam, văn xuôi viết về đề tài này vẫn đã/ đang nỗ lực chuyển mình, đổi mới để tạo nên những tác phẩm thấm đẫm lòng yêu nước, tự hào dân tộc, có giá trị nhân văn, đầy ám ảnh, mê hoặc bạn đọc.

   Nhờ vào tính thời sự mà phóng sự, ký sự đã xuất hiện khá sớm, ngay trong khi cuộc chiến tranh bắt đầu, để ghi lại những thông tin về chiến sự quan trọng, góp tiếng nói kịp thời phản ánh hiện thực nơi chiến trường khói lửa. Đường vào Phnôm Pênh là tập bút ký của thiếu tướng Bùi Cát Vũ được sáng tác ngay trong và sau khi chỉ huy Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 4 Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào giải phóng Phnôm Pênh, Thủ đô của Campuchia ngày 7 tháng 1 năm 1979. Thiên ký sự này được tác giả gửi về nước đăng nhiều kỳ trên Báo Sài Gòn Giải phóng, sau đó được Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành vào năm 1981. Tác phẩm không chỉ đưa đến cho đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế một cách kịp thời những thông tin “nóng bỏng hơi thở của mặt trận” về cuộc chiến đấu của Quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của chế độ Pol Pot mà còn là nguồn tư liệu quý giá về cuộc chiến này được tác giả ghi lại một cách khách quan, trung thực và giàu cảm xúc mãnh liệt của người trong cuộc. Ngô Vĩnh Bình đã đánh giá rất cao, chính xác về thiên ký sự này, khi cho rằng: “Đọc Đường vào Phnôm Pênh của Bùi Cát Vũ, người đọc hiểu sâu hơn tình hình chiến sự lúc bấy giờ cũng như cuộc hành quân đầy gian khổ, vượt qua rất nhiều thử thách ác liệt cũng như tinh thần chiến đấu quả cảm, thái độ nhân văn của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hiện lên đẹp đẽ, cao thượng trong khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả… mà còn biết thêm về một tài năng quân sự, tay súng - tay bút (Tác giả Bùi Cát Vũ nguyên Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân đoàn 4 - BNH nhấn mạnh) mang đậm dấu ấn, phong cách Nam Bộ”1. Tác phẩm đã đặt một dấu mốc quan trọng cho văn xuôi viết về chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và người lính tình nguyện Việt Nam trên chiến trường K khốc liệt, gian khổ trong gần 15 năm, góp phần hun đúc nên những nét mới về hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ.

   Hơn mười năm trở lại đây, thể ký lại nở rộ, hàng loạt tác phẩm viết về chiến tranh biên giới Tây Nam lần lượt ra mắt bạn đọc. Đặc biệt thành công nhất trong loại hình ký là hồi ký chiến tranh, trong đó phần lớn là những tác phẩm của những người lính một thời đã trực tiếp chiến đấu trên chiến trường biên giới Tây Nam đầy gian khổ, ác liệt, đau thương nhưng rất oanh liệt như Từ biên giới Tây Nam đến đất Chùa Tháp (2016, 2017, 2018) của Trần Ngọc Phú, Mùa chinh chiến ấy (2017) của Đoàn Tuấn, Lính Hà (2017) của Nguyễn Ngọc Tiến, Về từ hành tinh ký ức (2018) của Võ Diệu Thanh, Mùa linh cảm của Đoàn Tuấn (2019), Chuyện lính Tây Nam (2019) của Trung Sỹ, Rừng khộp mùa thay lá (2019) của Nguyễn Vũ Điền, Đất K (2020) của Bùi Quang Lâm… Các tác phẩm này không chỉ cung cấp cho người đọc có thêm các tư liệu về quá khứ một thời trước đó chưa có điều kiện để nói được, mà còn có giá trị văn học trong việc kết hợp linh hoạt các phương thức tự sự, nghị luận và trữ tình, với ngôn từ rất giàu hình ảnh, cảm xúc. Mùa linh cảm của Đoàn Tuấn đã làm ám ảnh, day dứt người đọc không nguôi bởi đằng sau cái trần trụi, bi thảm của cuộc chiến và cái chết của những người lính trẻ như Hoàng An cùng bao nhiêu người lính khác chính là bản lĩnh, là tình người của những chiến binh trong một cuộc chiến đẫm máu ở “đất bên ngoài Tổ quốc”, mang ý nghĩa thiêng liêng, đó là vì phẩm giá của con người, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Đúng như Olga Fyodorovna Berggolts đã từng nói về những ai dám chết để cho người khác được sống: “Không ai bị lãng quên, không điều gì bị lãng quên”. Bằng cái nhìn của người trong cuộc, nhà văn Trung Sỹ đã khiến độc giả kinh ngạc, lôi cuốn, lay động khi đọc Chuyện lính Tây Nam bởi ngoài lời tựa ngắn gọn, giản dị nhưng đầy kiêu hãnh của tác giả là một hiện thực đa chiều, sinh động, chân thực, trần trụi về một cuộc chiến tranh trên đất Campuchia còn được ít biết đến. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã tâm sự rất chân thành sau khi đọc xong tác phẩm này rằng: “Tôi đã chùi nước mắt nhiều lần khi đọc lại đời sống chiến tranh, một đời sống mà tôi không muốn trải qua lần nữa, cũng cố rũ bỏ để quên đi sau những trang viết về nó của chính tôi. Nhưng chính Trung Sỹ lại cho tôi hồi tưởng lại chính tôi. Đau khổ và kiêu hãnh những con người Hà Nội nói riêng và nói chung là binh sĩ cách mạng Việt Nam. Điều cực quan trọng hơn thế là, dẫu chiến tranh đã từng như thế vẫn không làm tôi thiếu tin cậy ở dân tộc, ở bản anh hùng ca viết bằng máu, xương, cả nỗi đau khổ… giấu trong nhiều thế hệ, nối nhau mà sẵn sàng bảo vệ đất nước”2. Về từ hành tinh ký ức của Võ Diệu Thanh - một cây bút trẻ trưởng thành trong thời bình lại là một khuôn mặt khác của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Độc giả sẽ có nhiều xúc cảm khác nhau, có thể bàng hoàng, có thể đớn đau, có thể xa xót, có thể phẫn nộ… về những câu chuyện được chính những người trong cuộc hoặc trực tiếp chứng kiến như cô Năm Chậm, cô Tư Chỉnh, mợ Tám, thím Ba Tệt, chị Sương, chú Tư Long, anh Út Nam… kể về ký ức của họ trong các cuộc tấn công, thảm sát của quân đội Polpot ở biên giới Tây Nam kinh hoàng cách đây hơn bốn thập niên. Với một cảm quan hiện thực khách quan, chân thực, đầy tính chất “điền dã” của văn học dân gian, tác giả đã phơi bày được tội ác man rợ của Pol Pot, đặc biệt là cuộc thảm sát Ba Chúc (Tri Tôn) đầy kinh hoàng, thảm khốc trước những sinh mạng vô tội đã bị bắn chết, bị đập đầu, những người phụ nữ vô tôi bị hiếp, bị đóng cọc vào cửa mình, những đứa trẻ vô tội bị xé làm đôi… Cuốn sách Về từ hành tinh ký ức ra đời đã góp thêm một tiếng nói mạnh mẽ, đầy thuyết phục trong việc đòi công lý, công bằng cho những nạn nhân bị diệt chủng đã nằm xuống, cho những người còn sống, cho cả thế hệ tương lai sau này. Đồng thời, đó chính là thông điệp của tác giả muốn gửi đến bạn đọc hãy nói không với cái ác, phải loại trừ cái ác ra khỏi đời sống của con người. Lê Thị Nga cũng đã khẳng định rằng: “Đọc Về từ hành tinh ký ức mỗi một câu chuyện là một góc nhìn khác nhau của người trong cuộc, một vùng ký ức rùng rợn. Viết về họ, nhà văn để cho những nạn nhân được kể lại nỗi đau, nỗi oan của mình chính là cách giúp họ trút bỏ hết những oán hận, hờn trách suốt mấy mươi năm qua, muốn hóa giải cuộc chiến, hàn gắn vết thương quá khứ”3.

   Truyện ngắn là một thể loại xung kích, nóng hổi, kịp thời in ấn để đến với người lính ngoài chiến hào, có rất nhiều tác phẩm hay, có giá trị. Ngoài tập truyện Campuchia một câu hỏi lớn của Lê Lựu do Nhà xuất bản Thanh niên in năm 1980, thì đến nay có rất nhiều tác phẩm hay được ấn hành, ám ảnh bạn đọc đến tận bây giờ, như: Em bé câm trước đền Ăngco (1979) của Lê Lựu, Biển hồ yên tĩnh (1980) của Mai Ngữ, Bài thơ của anh (1981) của Chu Lai, Bà mẹ U-đôn (1981) của Lê Quốc Phong, Em Hương (1981) của Hồ Phương, Sự sống còn lại (1981) của Trung Trung Đỉnh, Anh ấy không đơn độc (1982) của Văn Lê, Mùa khô này có một dòng suối trong (1984) của Nguyễn Chí Trung… Truyện ngắn viết về đề tài này đã phản ánh một cách chân thật về hiện thực cuộc chiến đấu, đời sống quân ngũ, vẻ đẹp tâm hồn của người lính tình nguyện Việt Nam với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng và nhiệm vụ quốc tế cao cả.

   Khác với truyện ngắn, tiểu thuyết viết về đề tài này hầu hết được viết sau khi cuộc chiến tranh kết thúc nên các nhà văn có điều kiện để nghiền ngẫm, trau chuốt, chú trọng hơn về phương diện nghệ thuật. Hơn 40 năm qua, nếu tính từ năm 1980 cuốn tiểu thuyết Dòng sông của Xô Nét của Nguyễn Trí Huân ra đời,đến nay, tiểu thuyết đã dần khẳng định được vị thế của mình, dẫu số lượng tác phẩm thuộc mảng sáng tác này không nhiều, đáng chú ý như: Không phải trò đùa (1985) của Khuất Quang Thụy; Biên giới (1982), Bên rừng thốt nốt (1984), Người đàn bà khóc mướn (1990) của Nguyễn Quốc Trung; Khoảng rừng có những ngôi sao (1985) và Ngôi chùa Pratthana (1985) của Văn Lê; Dòng sông nước mắt (1989) của Thanh Giang… nhất là, trong khoảng thời gian hai thập niên đầu của thế kỷ XXI xuất hiện hàng loạt tiểu thuyết viết về đề tài này đã tạo được tiếng vang lớn, tiêu biểu như Đất không đổi màu (2005) của Nguyễn Quốc Trung, Thế giới xô lệch (2009) của Bích Ngân; Bên dòng sông Mê (2012) của Bùi Thanh Minh; Hạt hòa bình (2013) của Minh Moon; Mùa xa nhà (2013) của Nguyễn Thành Nhân; Miền hoang (2014) của Sương Nguyệt Minh; Hoang tâm (2015) của Nguyễn Đình Tú; Rừng đói (2016) của Nguyễn Trọng Luân; Dưới tán rừng thốt nốt (2016) của Nguyễn Tam Mỹ; Một trăm ngày trước tuổi hai mươi (2018) của Đoàn Tuấn; Viên đạn về trời (2018) của Võ Diệu Thanh; Vùng biên không yên tĩnh (2022) của Thương Hà… Các nhà văn đã nhìn thẳng vào hiện thực để bóc tách, tái nhận thức lại lịch sử bằng những góc nhìn mới, đa diện, phức cảm và phản tỉnh, vì thế hiện thực của cuộc chiến đấu chống Pol Pot ở biên giới Tây Nam, hình tượng người lính Việt Nam chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia trong các tiểu thuyết nêu trên được phản ánh một cách chân thật, với những cảm nghiệm về hiện thực rất sâu sắc, giàu tính nhân văn, nhân đạo. Miền hoang - cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Sương Nguyệt Minh, được giải thưởng sách hay năm 2015 rất hấp dẫn và đầy ám ảnh, gây được sự chú ý của dư luận bởi cách nhìn mới về hiện thực chiến tranh với nhiều cật vấn, phản biện của tác giả - một người lính từng chiến đấu ở biên giới Tây Nam và là Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Miền hoang là cuốn tiểu thuyết được viết bởi cây bút giàu kinh nghiệm trận mạc của tác giả viết về cuộc chiến đấu của Quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường K tàn khốc, bi thảm và hào hùng từ những năm 1980. Tác phẩm chủ yếu tập trung vào việc khắc họa những trạng thái đời sống của những con người ở hai đầu chiến tuyến sau một trận kịch chiến trong vùng rừng hoang Tây Bắc Campuchia và những ngày cuối cùng cuộc chiến tranh trước khi bộ đội tình nguyện Việt Nam rút quân về nước họ bị lạc trong rừng, mất phương hướng tìm về đơn vị, đó là: Lục Thum – đại tá, thằng Rô – đám tàn quân Pol Pot, Saly - cô y tá giả câm và Tùng - lính tình nguyện Việt Nam bị bắt làm tù binh. Những ngày tháng bị lạc trong rừng Miên của bốn con người ở hai đầu chiến tuyến không còn là nỗi ám ảnh của chiến tranh, của bom rơi, đạn lạc mà là nỗi ám ảnh với cái đói, cái khát, cái chết, phải chống chọi với muôn vàn nguy hiểm, khó khăn để sinh tồn, tìm đường trở về. Tùng - người lính Quân tình nguyện Việt Nam và Sa Ly - cô y tá giả câm thuộc lính Pol Pot đều là nạn nhân của cuộc nội chiến đẫm máu đã tìm thấy sự đồng cảm trong những tháng ngày lạc giữa rừng hoang, cả hai rất hoang mang, sợ hãi, phải chống chọi với đói khát, hiểm nguy. Trong cơn tuyệt vọng Tùng đã khôn nguôi nhớ về thời ấu thơ, nhớ về người mẹ của mình nơi chốn quê nhà như một cách tìm sự cứu rỗi. Sa Ly đã oán trách cuộc nội chiến này, vì nếu không có cuộc nội chiến này thì cô đã là một sinh viên y khoa đang theo học ở Liên Xô hay Cộng hòa Pháp. Qua câu chuyện này, người đọc đã tìm thấy rõ bản chất của cuộc chiến tranh, sự tàn khốc của cuộc chiến tranh mà tập đoàn Pol Pot tiến hành đánh phá Việt Nam và Campuchia. Miền hoang là một tác phẩm không phải đọc để giải trí, để thưởng thức mà là để chiêm nghiệm về lẽ sống, niềm tin, niềm hi vọng, nỗi khát vọng của con người trước thiên nhiên hoang dã, trước cái sống, cái chết, trước thất vọng, trước những nhục dục thấp hèn. Tôi rất đồng tình với Nhật Anh khi cho rằng: “Với Miền hoang, tác giả muốn đưa ra thông điệp về bài ca sức sống mãnh liệt của con người, về niềm tin yêu con người và khát vọng sống trong an lành, hòa bình. Đây là cuốn tiểu thuyết chiến tranh chân thật, đích thực, ám ảnh và lôi cuốn khiến người đọc chìm đắm trong mỗi phân đoạn nhỏ của truyện”4. Thương Hà là nhà văn thuộc thế hệ 8X rất có bản lĩnh, đã mạnh dạn tìm được một góc độ riêng để khai thác đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam. Năm 2022, Nhà xuất bản Đà Nẵng vừa mới ấn hành tiểu thuyết Vùng biên không yên tĩnh đầy lôi cuốn, hấp dẫn đã neo đậu được trong lòng độc giả, tạo nên sự chú ý trong dư luận văn chương trẻ vài năm trở lại đây. Lê Thiếu Nhơn đánh giá rất đúng khi cho rằng: “Đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam từng được nhiều nhà văn cựu binh thể hiện như Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, Mùa xa nhà của Nguyễn Thành Nhân, Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn, Đất K của Bùi Quang Lâm. Vậy mà, tác giả Thương Hà vẫn tìm được một góc độ riêng để viết. Vùng biên không yên tĩnh của Thương Hà nhẹ nhàng, linh hoạt mà cũng đầy day dứt…”. Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng cũng đã đánh rất cao khi đọc tác phẩm này: “Tôi thật sự bất ngờ khi biết tác giả Thương Hà thuộc thế hệ 8X, lại viết được những trang văn mang dấu ấn của một thế hệ trải nghiệm chiến tranh sâu sắc đến nhường ấy. Tác giả sớm định hình một giọng điệu vừa chững chạc, vừa phóng túng khi viết về một thế giới mở, không bị đóng băng bởi thiên kiến hay sự giằng kéo ngoài văn chương nào. Đọc xong Vùng biên không yên tĩnh, tự nhiên tôi cảm thấy một cách thật rõ ràng: dường như trong đó có cả hoa, có cả nụ”5.

   Đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam trong văn xuôi Việt Nam được các nhà văn nhận thức lại, soi chiếu, phản tỉnh, thể hiện một cách sáng tạo, đầy linh hoạt, phá vỡ quan niệm sử thi độc sáng, đơn trị về hiện thực của văn xuôi viết về đề tài này trước 1975. Chính sự thay đổi về tư duy nghệ thuật, về cách tiếp cận hiện thực chiến tranh đã tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà văn lựa chọn, miêu tả từ những góc nhìn trực diện, đa chiều, đa sắc, đa thanh hơn. Các nhà văn viết về đề tài này đã dựng lại hình ảnh một chiến trường K dưới những góc nhìn khác nhau, đan lồng nhiều mảnh hiện thực phi sử thi, với đặc trưng đa chiều văn hóa, tâm linh một cách chân thực, cụ thể, sâu sắc, như nó vốn có, vốn tồn tại, mang lại những xúc cảm, sắc thái thẩm mĩ mới mẻ, sống động của chất văn xuôi, của tinh thần hậu hiện đại.

   Văn xuôi viết về đề tài này đã nỗ lực tái hiện, phác họa lại bộ mặt thật của hiện thực chiến tranh biên giới Tây Nam ít hùng lắm bi, đầy khói lửa, khốc liệt với sức hủy diệt, phi nhân, kinh hoàng (Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú…). Lên án, tố cáo sự tàn bạo, man rợ, dã man, phi nhân tính, đến mức vô cảm của tập đoàn Pol Pot - Ieng Sary với những kiểu giết người rùng rợn hơn cả thời trung cổ bằng cuốc, xẻng, chọc mũi lê, chém dao quắm vào gáy, bắn nát bét, băm vằm, cưa họng, cắt xẻo vú, đâm cọc nhọn vào cửa mình, lột trần truồng, hãm hiếp tập thể, vùi trong đất… (Đường vào Phnôm Pênh của Bùi Cát Vũ, Dòng sông của Xô Nét của Nguyễn Trí Huân, Bên dòng sông Mê của Bùi Thanh Minh…). Những tình thế hiểm nghèo, khó khăn, gian khổ, chiến đấu, mất mát, hi sinh thầm lặng, những oan khiên, ngờ vực của Quân tình nguyện Việt Nam và các cuộc bao vây, thanh trừng, tàn sát nhân dân Campuchia (Biên giới, Bên rừng thốt nốt của Nguyễn Quốc Trung, Chiến tranh không phải trò đùa của Khuất Quang Thụy…). Ngợi ca người lính Quân tình nguyện Việt Nam luôn lạc quan, yêu đời, hi vọng, nghĩa tình, hữu nghị, yêu thương, giúp đỡ nhân dân Campuchia như người thân ruột thịt của mình, được người dân Khmer gọi là Bộ đội nhà Phật (Đường vào Phnôm Pênh của Bùi Cát Vũ, Mùa xa nhà của Nguyễn Thành Nhân, Người đàn bà khóc mướn của Nguyễn Quốc Trung…). Nỗi nhớ quê hương, gia đình, khát khao được trở về đất nước của người lính tình nguyện Việt Nam (Dưới tán rừng thốt nốt của Nguyễn Tam Mỹ, Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, Lính Hà của Nguyễn Ngọc Tiến…). Những không gian văn hóa tâm linh bí ẩn, không gian thiên nhiên nguyên sơ, hoang dại và đời sống sinh hoạt, phong tục độc đáo, dị quái của đất nước Campuchia (Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú, Miền hoang của Sương Nguyệt Minh…). Những góc khuất của người lính cũng được các nhà văn quan tâm đề cập (Lính Hà của Nguyễn Ngọc Tiến, Hoang Tâm của Nguyễn Đình Tú, Dưới tán rừng thốt nốt của Nguyễn Tam Mỹ, Không phải trò đùa của Khuất Quang Thụy, Một trăm ngày trước tuổi hai mươi của Đoàn Tuấn…).

   Chiến tranh biên giới Tây Nam được các nhà văn thể hiện dưới những góc nhìn mới, vừa được khai thác với cảm hứng lịch sử vừa được khai thác dưới cảm hứng nhân văn, nhân bản sâu sắc nhưng mỗi giai đoạn, chặng đường lại có những biểu hiện khác nhau. Ở chặng đường đầu 1978-1985, văn xuôi viết về đề tài này vẫn theo quán tính cũ, hơi hướng sử thi còn đậm, vẫn mang màu sắc ký sự, vẫn chưa thoát khỏi văn chương minh họa, miêu tả địch - ta, trắng-đen một cách rạch ròi, chủ yếu tập trung khắc họa nhân vật người lính trong mối quan hệ với dân tộc, với lịch sử. Những người lính tình nguyện như Hoán (Ngày ấy không đơn độc), Dũng, ông nhà văn già (Biển hồ yên tĩnh), Thà và Thiệt (Mùa khô này có một dòng suối trong) và như bà mẹ U-đôn (Bà mẹ U-đôn)… là những người đại diện cho một lớp người, một đất nước anh hùng, trượng nghĩa, giàu lòng nhân ái, kiên định với lý tưởng cách mạng… Ở chặng đường 1986- 2023, văn xuôi viết về đề tài này đã có những chuyển mình trong tư duy nghệ thuật, trong cách viết mới với những cách tân về mặt kỹ thuật theo hướng thi pháp hậu hiện đại với những yếu tố liên văn bản, huyền ảo, đa thanh và đối thoại, giễu nhại… Đặc biệt, trong phạm vi phản ánh, trong cách nhận thức hiện thực cuộc sống và quan niệm nghệ thuật về con người. Ở tác phẩm Miền hoang, Sương Nguyệt Minh đã xây dựng nên một tình huống vô cùng éo le, đó là tình huống lạc rừng của bốn con người ở hai đầu chiến tuyến, để rồi đẩy họ đến cùng cực của sự tuyệt vọng khi lạc trong rừng sâu, đối diện với lưỡi hái tử thần và rồi họ tự chiến đấu để sinh tồn, để thoát khỏi cái đầm lầy khổng lồ miền nhiệt đới. Điểm nhìn trần thuật trong tác phẩm được tác giả xây dựng từ nhiều nhân vật khác nhau, có sự luân chuyển một cách liên tục, đan xen giữa những điểm nhìn để gia tăng tính đa thanh, đa chiều. Hạt hòa bình của Minh Moon – một tác giả trẻ yêu thích những khám phá mới lạ và trải nghiệm chính bản thân mình trên một đề tài tưởng chừng rất cũ bằng một thể tài fantansy (kỳ ảo) khá mới mẻ đã rất thành công. Tác phẩm mang nhiều yếu tố kỳ ảo, xoay quanh câu chuyện về một sinh viên thế kỷ XXI xuyên không về quá khứ, nhập vào hình hài của một anh lính tình nguyện đang trên đường đến Campuchia. Từ đó, cậu chiến đấu chống Pol Pot với nỗi nhớ gà rán KFC và giai điệu Somewhere overthe Rainbow.

   Hơn bốn mươi năm qua, văn xuôi Việt Nam về đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam vẫn đang chuyển động, không ngừng tuôn chảy, tìm tòi, thể nghiệm để cách tân, đổi mới đến từ sự nỗ lực của từng cá nhân của mỗi nhà văn nóiriêng và sự tiếp nối đội ngũ những nhà văn trong thời chiến, những nhà văn trưởng thành thời bao cấp, thời kỳ Đổi mới, lớp nhà văn thành danh đầu thế kỷ XXI nói chung đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, góp một phần không nhỏ vào dòng chảy lớn của nền văn học Việt Nam về đề tài chiến tranh cách mạng. Tuy nhiên, những thành tựu của văn xuôi viết về đề tài này vẫn chưa thật sự tương xứng với nguồn hiện thực còn rất đa dạng và phong phú, các nhà văn vẫn còn “chưa đào sâu tận gốc số phận con người trong chiến tranh. Dường như các sự kiện của cuộc chiến đấu trong tác phẩm lôi con người vào như một hành động, con người thiếu những hoàn cảnh tâm lý cần thiết để thể hiện mình”6. Các tác phẩm vẫn còn “mang màu sắc ký sự”, “hơi hướng sử thi còn đậm”, “vẫn chưa thoát khỏi văn chương minh họa”7 thời kỳ kháng chiến chống Mĩ.

   Văn học nói chung, văn xuôi nói riêng viết về đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam vẫn còn là một miền đất phì nhiêu, hứa hẹn, giàu tiềm năng, nhiều khởi sắc đang chờ đợi, vẫy gọi các nhà văn đương thời cũng như các nhà văn thuộc thế hệ tiếp nối tiếp tục cày xới, chăm bón để đem lại những tác phẩm hay, đạt chất lượng cao, có giá trị, từ đó bạn đọc thêm nâng niu giá trị của cuộc sống hòa bình, tự do, hạnh phúc.

 

 

 

Chú thích:
1 Ngô Vĩnh Bình (2023), Đường vào Phnôm Pênh - con đường đại nghĩa”, nguồn: http://sknc.qdnd.vn, 4/4.
2 Dẫn theo Nguyệt Hà (2018), “Chuyện lính Tây Nam - hồi ức của nỗi đau và lòng kêu hãnh”, nguồn: baodansinh.vn, 30/4.
3 Lê Thị Nga, “Đối thoại về chiến tranh trong Về từ hành tinh ký ức của Võ Diệu Thanh”, nguồn: 123doc.net.
4 Nhật Anh (2014), “Miền hoang – tiểu thuyết thời chiến khốc liệt”, nguồn: zingnews.vn, 16/12.
5 Lê Công Sơn (2022), “Nhà văn Thương Hà đau đáu với đề tài nóng nơi vùng biên và những… oan hồn”, nguồn: thanhnien.vn, 15/7.
6 Huỳnh Kim (2009), “Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: “Bi tráng nhưng không bi lụy”, nguồn: Canthoonline, 10/1.
7 Trần Ngọc Hiếu (2019), “Văn học về chiến tranh biên giới phải kết nối với ngày hôm nay”, nguồn: thanhnien.vn, 17/2.

   

   

Bình luận

    Chưa có bình luận