NHÂN VẬT VÔ LUÂN TRONG TRUYỆN NGẮN VŨ TRỌNG PHỤNG

Bài viết xuất phát từ góc độ phê bình luân lý học văn học, chỉ ra hình tượng trung tâm trong truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng là hình tượng con người vô luân, đồng thời phân tích những biểu hiện vô luân của nhân vật và một số phương diện nghệ thuật thể hiện những đặc điểm đó.

   Nhắc tới Vũ Trọng Phụng, thường người đọc chỉ đinh ninh những định danh “ông vua phóng sự đất Bắc”, “nhà tiểu thuyết bậc thầy” mà ít nghĩ tới Vũ Trọng Phụng còn là cây bút truyện ngắn xuất sắc. Trong khi đó, nếu tiếp xúc với truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, người đọc sẽ thấy một gương mặt nghệ thuật khác của cây bút tài hoa này. Truyện ngắn của ông vừa có những đường nét thống nhất với tiểu thuyết, phóng sự, vừa có những đặc điểm độc đáo. Cũng như tiểu thuyết, phóng sự, nhân vật trung tâm trong truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng là con người vô luân – con người vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội – nhưng từ biểu hiện cho đến nghệ thuật thể hiện, con người vô luân trong truyện ngắn của ông vẫn có những nét khác biệt. Chính hình tượng con người vô luân cùng nghệ thuật thể hiện đặc sắc đã khiến truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng khác so với những cây bút truyện ngắn đương thời, đồng thời có vị trí riêng trong sự nghiệp sáng tác của ông.

   Nghiên cứu sáng tác của Vũ Trọng Phụng nói chung, truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng nói riêng, các nhà nghiên cứu sử dụng nhiều hướng tiếp cận khác nhau như: thi pháp học, tự sự học, phân tâm học, xã hội học…, nhưng chưa có nhiều người tiếp cận từ góc độ phê bình luân lý học văn học. Dẫu phương diện luân lý đạo đức trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng đã ít nhiều được nói đến nhưng do chưa sử dụng phương pháp nghiên cứu thích hợp nên chúng chưa thực sự được nổi bật.

   1. Phê bình luân lý học văn học

   Trong bối cảnh trỗi dậy của nghiên cứu liên ngành, phê bình luân lý học văn học trở thành hướng nghiên cứu được đặc biệt chú trọng. Nhiếp Trân Chiêu – người khởi xướng phê bình luân lý học văn học ở Trung Quốc nhận xét: “Từ thập niên 60 của thế kỷ XX, dưới sự thúc đẩy của phong trào dân quyền, phong trào phản chiến, phong trào học sinh, phong trào giải phóng nữ quyền, phong trào phản văn hoá, phong trào bảo vệ môi trường… đã xuất hiện lý luận phê bình văn học nhấn mạnh quan niệm luân lý đạo đức, như chủ nghĩa nữ quyền, chủ nghĩa lịch sử mới, mĩ học của người da đen, phê bình văn hoá… đã hình thành một trào lưu phê bình luân lý”1. Vấn đề luân lý đạo đức là vấn đề luôn đi liền với con người và xã hội loài người. Văn học lấy con người làm đối tượng trung tâm nên từ khi xuất hiện, văn học chưa bao giờ xa rời phạm trù đạo đức: những phương diện đạo đức của nhân vật, những phương diện đạo đức mà nhà văn muốn hình thành ở người đọc. Không những thế, khi xã hội xuất hiện những chuẩn mực đạo đức mới, xuất hiện những hiện tượng có nguy cơ phá vỡ những chuẩn mực đạo đức truyền thống, thì văn học lại có cơ hội tham gia vào quá trình điều chỉnh ý thức, hành vi đạo đức của con người. Trước kia, luân lý đạo đức được coi là “những quy tắc về quan hệ đạo đức giữa người với người trong xã hội”2 nhưng hiện nay, nói đến luân lý đạo đức, các nhà nghiên cứu còn nhắc đến những quy tắc ứng xử giữa con người với tự nhiên, con người lịch sử và chính bản thân mình… Chính vì thế, sau một thời gian dài nhường chỗ cho nghiên cứu nội tại văn bản, những năm gần đây, văn học và luân lý đạo đức đã trở lại, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, khiến hướng nghiên cứu này vừa quen vừa lạ. Chẳng hạn, không chỉ nói đến các phạm trù đạo đức được thể hiện thông qua nhân vật trong tác phẩm, các nhà nghiên cứu còn chú ý đến đạo đức của người kể, đạo đức của người đọc…

   Phê bình luân lý học văn học lấy đối tượng nghiên cứu trung tâm là các vấn đề đạo đức trong văn bản văn học, hướng tới mục đích đưa ra các phán đoán thẩm mĩ. Các hiện tượng luân lý đạo đức trong tác phẩm văn học là sản phẩm của sự sáng tạo, tồn tại trong một thế giới được kiến tạo bằng ngôn từ, qua hệ thống hình tượng thẩm mĩ. Vì thế, hiện tượng đạo đức trong tác phẩm văn học có nét tương đồng nhưng không trùng khít với hiện tượng đạo đức trong hiện thực xã hội, hay nói cách khác, nó là một hiện tượng đạo đức-thẩm mĩ. Phê bình luân lý học văn học vừa chú ý đến các phạm trù đạo đức được thể hiện trong tác phẩm vừa chú ý đến các phương diện nghệ thuật thể hiện những phạm trù đạo đức đó. Không giống chủ nghĩa cấu trúc (chỉ chăm chú vào nội tại văn bản), cũng xa lạ với phê bình xã hội học dung tục (thường đưa ra các phán xét quy chụp), phê bình luân lý học văn học nhìn văn bản như một quá trình – lấy hiện thực sáng tạo làm hạt nhân, đưa ống kính quan sát soi chiếu vấn đề đạo đức trong nghệ thuật từ tiền tố sáng tạo và hậu tố sáng tạo; từ đây, nghiên cứu sẽ xoay quanh các mối quan hệ đa dạng: “quan hệ giữa nhà văn và sáng tác”, “quan hệ giữa tác phẩm và các hiện tượng đạo đức tồn tại trong xã hội”, “quan hệ giữa người đọc và tác phẩm”3.

   Phê bình luân lý học văn học mang đến là một hướng tiếp cận, các phương pháp nghiên cứu và một hệ thống thuật ngữ khoa học như ý thức luân lý, trật tự luân lý, cấm kỵ luân lý, thân phận luân lý, xung đột luân lý, lựa chọn luân lý… Truyền thống “văn dĩ tải đạo”, dòng mạch chủ nghĩa nhân văn xuyên chảy trong lịch sử văn học Việt Nam khiến tinh thần của phê bình luân lý học văn học càng sát hợp với nghiên cứu trong nước. Làm nổi bật chức năng giáo dục của văn chương, phê bình luân lý học văn học tỏ ra đắc dụng, cấp thiết hơn bao giờ hết đối với cuộc sống đương đại khi nhiều giá trị giả trang, nhiều vấn đề đạo đức mới nảy sinh.

   2. Một số kiểu nhân vật vô luân trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng

   Luân lý, đạo đức chỉ ra đời khi cá nhân là một thành tố của xã hội, ở mỗi mối quan hệ sẽ sinh thành một bình diện luân lý. Có bao nhiêu tương quan thì có bấy nhiêu loại luân lý, chẳng hạn luân lý sinh thái (con người - tự nhiên), luân lý gia đình (giữa những người ruột thịt), luân lý xã hội (người với người), luân lý tình yêu (giữa những người yêu nhau), luân lý lịch sử (con người với lịch sử), luân lý sinh tồn (con người với bản năng tồn tại)… Con người vô luân là con người đi ngược các phép tắc ứng xử tương ứng với từng phận vị. Khảo sát 39 tác phẩm trong Tuyển tập truyện ngắn Vũ Trọng Phụng (NXB Văn học, 2004), chúng tôi nhận thấy con người vô luân chủ yếu được thể hiện trong quan hệ gia đình, xã hội.

   2.1. Nhân vật vô luân trong quan hệ gia đình

   2.1.1.Nhân vật vô luân trong tình yêu, hôn nhân

   Chuẩn đạo đức của cả tình yêu và hôn nhân đều ở sự chung thủy, thành thực. Lừa dối, phản bội tức là vi phạm đạo đức tình yêu, là vô luân trong tình yêu. Không những thế, ở mỗi thời kỳ, người ta có thể lại đặt ra những quy chuẩn luân lý riêng, có những quy chuẩn luân lý đã trở nên lỗi thời, có những quy chuẩn luân lý mới xuất hiện, vì thế có nhân vật là “hữu luân” trong quan hệ với chuẩn luân lý này nhưng lại “vô luân” trong quan hệ với chuẩn luân lý khác. Trong Tuyển tập truyện ngắn Vũ Trọng Phụng có 16/39 (41%) truyện ngắn xây dựng kiểu nhân vật vô luân trong tình yêu. Nhân vật vô luân trong tình yêu, hôn nhân được nhà văn khắc hoạ với hai đặc điểm nổi bật:

   Trước hết, nhân vật vô luân ngay trong sự đòi hỏi người khác tuân thủ những quy tắc luân lý đạo đức khắc nghiệt đến phi lý. Họ theo đuổi triết lý tình yêu như trong sáng tác của chủ nghĩa lãng mạn: tôn thờ cả “trinh tiết tinh thần”. Truyện ngắn Cái ghen đàn ông kể chuyện người chồng khao khát “trinh tiết tinh thần, tình yêu trọn vẹn”, đòi hỏi người vợ thật thà với mình nhưng khi cô vợ chia sẻ về tình yêu tuổi mười bảy, anh ta lại tự mình dày vò khổ sở, lâm vào bi kịch. Thông qua thái độ và tư tưởng đầy mâu thuẫn của người chồng, Vũ Trọng Phụng giễu nhại thứ luân lý tình yêu mà nhân vật trong văn học lãng mạn theo đuổi. Như vậy, nhân vật người chồng là “hữu luân” trong tương quan với thứ luân lý mà mình theo đuổi nhưng lại là vô luân trong cái nhìn của tác giả. Thứ luân lý mà anh ta theo đuổi đầy phi lý, gò bó, kìm hãm con người, cần phải loại bỏ. Không những thế, ngay cả khi anh ta đòi hỏi sự thành thực thì chính anh ta lại không chấp nhận được sự thành thực về điều mình không mong muốn. Anh ta đang theo đuổi thứ luân lý nửa mùa, thứ luân lý trái ngược với bản chất của cuộc sống con người. Chính điều đó đã khiến anh ta trở thành con người vô luân ngay khi nghĩ mình đang tuân thủ các chuẩn mực luân lý đạo đức. Trong truyện ngắn của mình, Vũ Trọng Phụng đã không ít lần để nhân vật của mình nói những lời lâm ly bi đát theo kiểu của nhân vật lãng mạn, thậm chí có lúc còn để các nhân vật hùng hồn biện luận về tình yêu. Nhà văn đã sử dụng lối viết giễu nhại này nhằm phá vỡ những chuẩn mực luân lý viển vông, hướng người đọc đến gần hơn với cuộc sống hiện thực, với những điều gần gũi với bản chất của con người.

   Thứ hai, nhân vật vô luân trong tình yêu, hôn nhân chỉ bởi ham tiền hoặc bởi lực siết, khả năng chi phối bức ép của đồng tiền. Người phụ nữ trong Bẫy tình vì tiền mà phải bước vào cuộc hôn nhân không tình yêu với người chồng để rồi không tuân thủ đạo làm vợ. Trong Người có quyền, cô gái có con với một kẻ có quyền, có tiền nhưng lại gắn bó với một người đàn ông khác, để cho người đàn ông ấy sống trong ảo tưởng về tình yêu, ảo tưởng đứa bé do cô sinh ra là con của mình. Ở đây, đạo đức tình yêu - tình cảm tự nhiên thật thà đã bị lép vế trước đồng tiền. Người có tiền có quyền làm cha đứa trẻ, có quyền khai sinh mọi thứ. Kẻ không tiền mất quyền làm cha và chỉ thực thi được quyền hành với chính mình – sử dụng đồng bạc cắc ít ỏi để tiêu sầu. Tình yêu, hôn nhân trở nên yếu đuối trước tiền bạc và quyền lực là chủ đề xuất hiện tương đối sớm trong văn học nhưng nó chỉ trở thành vấn đề luân lý đạo đức khi nhân vật chủ động lựa chọn lừa dối hoặc cố tình che đậy.

   Khi đề cập con người vô luân trong tình yêu, hôn nhân, nhà văn họ Vũ cũng ít nhiều cảm thương và bênh vực người phụ nữ. Phong phẫn nộ vì sự vô luân của người mẹ (tái giá khi chồng mất), sân hận và một phần gây ra nỗi đau day đi cứa lại của Tiết Hằng trong Cái hàng rào. Người vợ thổ lộ chuyện thất tiết đúng đêm tân hôn (vốn là vô luân – quy chiếu đạo đức phong kiến) được “người quân tử có lượng dung tha” ở Nhân quả vì chính anh đã nhiều lần vô luân (lừa dối nhiều người con gái) trước khi kết hôn. Nhân vật “mợ” trong Bẫy tình lẽ ra chỉ được nghĩ đến chồng khi đã kết hôn, chồng mất cần thủ tiết chấp nhận thân phận góa bụa nuôi con thì lại thao thiết mối tình riêng với người yêu cũ, lạnh nhạt đến mức gián tiếp khiến người chồng chết, quan hệ bất chính với người xưa khi chồng qua đời… nhưng những lý lẽ biện minh đan xen lời thú tội đã cho thấy phần nào sự thấu cảm của nhà văn. Niềm xót xa không mãnh liệt như sáng tác của Nguyên Hồng hay Thạch Lam nhưng ở phương diện này, người đọc có thêm căn cứ để cảm nhận tính nhân văn trong cái nhìn đời, nhìn người của Vũ Trọng Phụng.

   Nhìn chung, xét về hình thức thể hiện, khi xây dựng hình tượng con người vô luân trong tình yêu, hôn nhân, ở nhiều truyện ngắn, ngôn ngữ phảng phất hương vị và xu hướng nhại lãng mạn (nhại tổng thể toàn văn bản hoặc nhại cục bộ), kết cấu truyện thường theo kiểu hiện tại đan lồng quá khứ; từ thực trạng phi luân lý (dối lừa) trong tình yêu, sáng tác của Vũ Trọng Phụng đã phủ định những hứa hẹn chân thật, thể hiện sự bất tín trước cái vĩnh cửu của tình yêu, bày tỏ cái nhìn về cuộc sống đầy rẫy dối lừa và luôn hàm chứa yếu tố vô luân. Phối cộng với ngôn từ giễu nhại là giọng điệu châm biếm, mỉa mai xuất hiện dày đặc (11/16 truyện ngắn). Bên cạnh đó cũng có những tác phẩm sử dụng giọng văn tha thiết, cảm thông.

   2.1.2. Nhân vật vô luân trong các quan hệ gia đình khác

   Con người phương Đông, mà đặc biệt là người Việt, thường coi trọng gia đình, dòng tộc. Vì vậy, ứng xử giữa những người thân thích với nhau cũng là trăn trở của nhà văn họ Vũ: 5/39 (12.8 %) truyện ngắn xây dựng nhân vật vô luân trong quan hệ gia đình khác.

   Trước hết, quan hệ gia đình gần gũi nhất là cha mẹ và con cái. Cha mẹ yêu thương con cái; con cái kính ơn, hiếu thảo với cha mẹ là chuẩn mực đạo đức mà người Việt theo đuổi. Trong truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng, nhân vật vi phạm luân lý đạo đức gia đình thường là những đứa con. Truyện ngắn Bộ răng vàng kể chuyện hai người con trai không chút xót thương bố qua đời, chỉ nghĩ tới việc chia chác tài sản, người em còn bất chấp sự ngăn cản của vợ, cạy mồm bố lấy bộ răng vàng, nhưng vì sợ hãi mà tài sản đã rơi vào tay người anh. Truyện ngắn Cái tin vặt tạo tình huống người cha nghèo khổ năm xưa về tìm lại đứa con đã bán cho nhà giàu thì đứa con (thằng Phúc) “sướng quá” vì người cha thực của mình có thể “tù mọt gông”. Dù đồng tiền không hiện chữ khắc nét trong toan tính của cậu thanh niên nhưng cái bóng vô cảm vẫn được ám thị nơi niềm vui sướng lạnh tanh ngô nghê. Đọc những tác phẩm này, độc giả dễ liên tưởng tới “Chương XV- Hạnh phúc của một tang gia” (trích tiểu thuyết Số đỏ) của Vũ Trọng Phụng, Báo hiếu trả nghĩa cha, Báo hiếu trả nghĩa mẹ (Nguyễn Công Hoan), Không có vua (Nguyễn Huy Thiệp), trích đoạn “Đám tang lão Gô-ri-ô” trong Lão Gô-ri-ô (Banlzac). Qua đó mới thấy tình cha con teo mòn vì tiền, vì quyền, nó không chỉ nhức nhối trong xã hội Âu hóa mà cũng trở thành nan đề chung ở mọi thời đại mà ngòi bút Vũ Trọng Phụng đã phơi bày.

   Bên cạnh đó, độc giả còn bắt gặp các nhân vật vi phạm đạo đức trong quan hệ anh - em ruột thịt. Làm anh cần bao bọc, bao dung, nhường nhịn em nhưng các nhân vật anh cả trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng tham lam cướp đoạt của em hoặc ưu tiên mình trước khi nghĩ tới em. Người anh trong Bộ răng vàng nẫng tay trên món tài sản của người em “một cách tự nhiên lanh lẹ nhất đời”, vi phạm luân lý kép (con với cha, anh với em). Chống nạng lên đường đề cập nhân vật anh Cả vốn từng sống êm đềm với Xuân khi Hai Xuân lành lặn nhưng khi quá nhiều gánh nặng dồn lại (nuôi bố mẹ già mất sức lao động, nuôi một người em què quặt), anh Cả có những lời nói đoạn tuyệt tình anh em (“Tôi sẽ đập cái chai này vào mặt nó”), chỉ vì Hai Xuân cứ ăn bám mãi. Anh Cả chỉ là nhân vật phụ, Vũ Trọng Phụng không tập trung miêu tả tâm lý và xung đột của nhân vật nhưng những quan niệm, lựa chọn luân lý vẫn thấp thoáng qua phát biểu đầy hậm hực, ấm ức của nhân vật: “Tôi chỉ có một bố thôi nhé!... Năm nay tôi ngót ba mươi tuổi đầu rồi mà chưa có vợ con gì cả, vẫn cô độc cô quả thế này là vì những ai?”. Cùng thuộc phạm trù luân lý gia đình nhưng tình anh - em yếu thế so với quan hệ cha - con; luân lý gia đình, bảo vệ người thân lui xuống trước luân lý sinh tồn, lợi ích cá nhân.

   Ngoài ra, quan hệ gia đình còn bao hàm mối quan hệ cháu - cô. Mẹ mất, cô được coi như mẹ, phận làm cháu cần kính cô như kính mẹ. Hai truyện ngắn đều đề cập tới những người cháu trai nhận nhiệm vụ phụng dưỡng cô nhưng khi manh nha mâu thuẫn (tư cách một người cháu với cô và một người chồng/ cha với vợ/ con), họ đã lựa chọn vun vén, bảo vệ lợi ích thiết thân hơn mà hắt hủi hoặc vô tâm với họ hàng. Người cháu giàu có trong Tội người cô “quyết đuổi cô đi”, đẩy người đàn bà bất hạnh vào cảnh sống “cô độc” chỉ vì bà không cẩn thận khi “trông con cầu tự” của anh ta. Bác đánh giậm trong Bà lão lòa phải đảm đương hai thân phận, bổn phận đạo đức – đạo đức xã hội (người chịu ơn – ân nhân), đạo đức gia đình (cháu - cô). Ở phần đầu câu chuyện, bác thực hiện bổn phận một nửa – vừa thực thi vừa oán trách. Ở chỗ này, đạo đức hóa mong manh, lắt lay trước thực tại đói khát, “ma nghèo ám ảnh” làm bác “quên bỏ cả lương tâm”. Trong mối quan hệ với bà cô và gia đình mình, diễn ra xung đột luân lý ứng với hai trách nhiệm sẽ giằng giữ: bổn phận làm trụ cột gia đình buộc nhân vật phải co kéo cho chính mình và vợ con mà tàn nhẫn với người cô; bổn phận làm cháu và người chịu ơn đòi hỏi ông phải cưu mang bà lão lòa. Cuối cùng, khi vợ giả vờ đau, ông đã quên/ cố tình quên nguy hiểm mà bà cô đang gánh chịu để góp phần dẫn đến cái chết thảm thương của bà lão lòa. Rốt cuộc, nhân vật đã đánh mất lương tâm. Nhưng ít ra khoảnh khắc “rùng mình, rợn tóc gáy” khi nghĩ tới cái chết của cô vẫn phần nào cho thấy một lương tâm chưa bị triệt diệt.

   Trong cái nhìn của Vũ Trọng Phụng, con người vi phạm đạo đức gia đình chủ yếu vì đồng tiền và hoàn cảnh túng bấn. Từ đây người đọc cũng nhận ra hệ thống nghệ thuật đặc thù tương ứng. Với nhân vật kiểu nhân vật vi phạm đạo đức con - cha, nhà văn hay sử dụng lối trào phúng sâu cay. Ông mở đầu Bộ răng vàng bằng câu tâm trạng hậm hực vì cha chưa chết. Ta nghe giọng điệu chì chiết, hậm hực, sốt ruột của hai thằng con quý hóa “rên đấy, ăn đấy” rồi cái thở phào nhẹ hều: “Đến bây giờ thì ông cụ quả thật chết rồi, nhẹ nợ!...”. Kết thúc văn bản: “Sau cùng thì một cách tự nhiên, nhanh nhẹn nhất đời, nó cúi xuống nhặt bộ răng vàng, bỏ túi”. Ngôn ngữ đậm chất phóng sự, gãy gọn, nhanh gấp, có phần lạnh lùng. Hai chữ “bỏ túi” khô khốc và chuyên nghiệp; không còn mỉa mai, chỉ đơn thuần là thuật lại khách quan như một nhà văn tả chân thường làm. Bộ mặt phi đạo đức, sự bất hiếu đáng sợ được phơi lộ. Như vậy, ông day dứt trước sự vô đạo vì hám tiền của đám cháu, để lại những nhức nhối cho người đọc. Ngôn ngữ trào phúng đậm đặc cùng thái độ lên án, phê phán cực lực. Trái lại, với kiểu nhân vật thứ hai mà điển hình là bác đánh giậm ở Bà lão lòa, dường như Vũ Trọng Phụng đồng cảm trước cái nghèo khó của lớp người bần cùng trong xã hội nên ông vẫn gọi là “bác”; giọng văn có cái ai oán, xót thương, trong cuộc, cảm thông chứ không bợn gợn chút giễu nhại, lên án nào như khi viết về các nhân vật có tiền. Đọc Chống nạng lên đường, nhìn nhân vật anh Cả một cách thoáng qua, ta có thể vội vàng phán xét anh ta quá tàn nhẫn với em trai. Nhưng trong câu cảm thán và câu hỏi bộn bề, người đọc khựng lại bởi anh cũng chỉ là một người khốn khổ, một nạn nhân. Sự tàn bạo của nhân vật gợi liên tưởng tới người đàn ông “độc ác nhất thế gian” trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Cả Nguyễn Minh Châu và Vũ Trọng Phụng đều không hoàn toàn đưa ra lời phán xét đối với hành vi đạo đức của nhân vật. Đến tận cùng, văn sĩ vẫn đồng cảm với phận người vì nghèo đói quay quắt mà khô héo linh hồn; cũng ngầm đau xót chỉ ra sự ám riết, tấn công của cái đói với bức tường nhân tính vốn đã quá dễ lay đổ. Người đọc cảm nhận nỗi buồn thấm ngấm, cái thở dài hắt ra chứ không phải nhiệt tình lên án như ở Bộ răng vàng. Khuynh hướng đạo đức này có lẽ xuất phát từ cuộc đời cơ cực đói nghèo của chính văn sĩ. Ông cay đắng thừa nhận một nguy cơ ăn mòn đạo đức của mọi xã hội: nghèo đói, bần cùng.

   2.2. Nhân vật vô luân trong quan hệ xã hội

   Con người không chỉ tồn tại trong không gian riêng tư, nhỏ hẹp mà luôn sống trong cộng đồng. Mỗi một tư cách, mối quan hệ xã hội sẽ phát sinh luân lý tương ứng. Tất yếu đây là mối quan tâm lớn nhất của cây bút hiện thực: nhân vật vi phạm luân lý đạo đức xã hội xuất hiện trong 18/39 (46%) truyện ngắn, phủ đều ở các bình diện: đạo đức nghề nghiệp, đạo đức giữa những kẻ cùng giống loài, lòng tự trọng.

   Trước hết, từ trải nghiệm làm báo và một cuộc đời khốn khổ bởi bệnh lao, ông đề cập tới đạo đức nghề nghiệp gắn với nhà báo và thầy thuốc. Nhà báo cần đưa tin đúng sự thật, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Thầy thuốc phải trung thực, chữa bệnh cứu người. Vậy mà trong thế giới truyện ngắn Vũ Trọng Phụng, hầu hết họ đều giả dối, hám lợi. Truyện ngắn Sao mày không vỡ, nắp ơi tạo tác nhân vật phóng viên Báo Nhất Đông Dương nhân một cái chết của một bác nghiện, giữa lúc cả tháng không có tin nóng sốt gì: “May sao có người thắt cổ, nhà báo tất phải thêu dệt ra như chuyện đổ trời”, “Việc này làm nhao dư luận cả huyện, may ra mình có dịp kiếm chác một cái chơi”. Đạo đức nghề nghiệp nhà báo “quên bỏ lương tâm nhà nghề” mà thêu dệt tự tử thành bức tử bởi cái nắp ấm. Cuộc vui ít có sử dụng ngôn ngữ châm biếm, xô đẩy, lột mặt nạ lẫn nhau giữa hai cụ lang. Truyện ngắn Bệnh lao chữa bằng mồm bày tỏ nỗi thất vọng, chán ngán vì kiểu thầy lang khoác lác bịp khách bệnh: “Chữa khoán bệnh lao, mười ngày khỏi hẳn”. Thầy thuốc vốn phải trị bệnh cứu người và trung thực thì nhân vật này lại mắc chứng bệnh nan y ăn sâu vào máu tủy – bệnh bịp bợm, biến ông ta thành nhà kinh tế với khả năng nâng giá khống. Những kiểu thầy thuốc, nhà báo giả dối, bất lương như vậy ta cũng gặp trong Số đỏ (lang Tì, lang Phế…), tạo nên bức tranh hiện thực sống động của thời đại.

   Bên cạnh đạo đức nghề nghiệp, Vũ Trọng Phụng còn chú tâm tới mối quan hệ giữa người có tiền và kẻ nghèo hèn. Truyện ngắn Một đồng bạc tái hiện mối quan hệ giữa Tôi với “láng giềng gần” từ chỗ thân thiết trở nên hờ hững, xa lạ chỉ vì người hàng xóm đã trở nên sa sút. Chỉ vì nợ một đồng bạc và sợ bị đòi mà người vợ láng giềng khốn đốn trốn tránh Tôi. Còn Tôi thì giãi bày ân hận vì cách ứng xử của mình. Một lần nữa, bần hàn dễ khiến người ta bị coi khinh, đồng tiền chẹn ngang tình nghĩa: “Vì khi ta có tiền thì ta chẳng nghĩ đến cái nhân”. Và tự bao giờ, cái nghèo trở thành một thứ tội lỗi: “Than ôi, cái áo rách nó mới đắc tội làm sao, và khi người ta tìm đến chúng tôi, thì chẳng may cái áo người ta đã rách!”. Trong truyện ngắn Một cái chết, nhân vật Tôi xua đuổi một người ăn mày xa lạ, thầy cai tạt chậu nước lạnh băng tình người gây ra cái chết của một kẻ cùng đường khác.

   Con người vi phạm đạo đức xã hội không chỉ trong mối quan hệ với kẻ khác mà còn ở chỗ đánh mất lòng tự trọng. Làm người trong xã hội, để tồn tại, mỗi cá thể cần giữ được tư cách, phẩm giá. Vũ Trọng Phụng đau đáu trước tình trạng con người vì mưu sinh mà đánh mất lòng tự tôn, phẫn nộ trước thực tế có bao kẻ trong ngoài bất nhất sống đời mặt nạ. Truyện ngắn Tết ăn mày phục dựng sinh hoạt ca trù Việt Nam đầu thế kỷ XX với nhân vật Cúc Nương – một cô đầu “danh vọng về chiều”. Câu chuyện buồn man mác khi cô gái giang hồ chẳng còn nỗi xấu hổ, sống cuộc đời mòn mỏi, lay lắt, chỉ để trông mong “Nay mai anh xuống hát cho một chầu tất niên để em kiếm cái Tết nhé!”. Cái “giật mình” cuối truyện phải chăng cũng là khoảnh khắc mỗi độc giả sẽ thức động tâm can, tự cầm gương soi lại chính mình. Cảm thương cho người đào hát, chợt nghĩ cũng đã khi nào ta trở thành một Cúc Nương víu với sinh tồn bằng việc hạ giá tự trọng. Câu chuyện bàng bạc xót thương, gợi nhắc tới Đêm ba mươi của Thạch Lam. Cùng không giữ được lòng tự trọng nhưng Chánh án Tòa án thượng thẩm (Điên), cụ Phán Uyên (Ăn mừng) và “anh” (Từ lý thuyết tới thực hành) nhận thái độ phê phán không khoan nhượng từ người kể chuyện. Ăn mừng lấy bối cảnh là lễ mừng nhà cụ Phán Uyên, lột tẩy bản chất nhốn nháo, không đàng hoàng, chẳng tương xứng với phận vị cụ Phán đạo mạo giàu sang: “Cụ vẫn còn thấy rõ cái cảm giác dịu dàng về một bên ngực cô đào trẻ nó chưa tiêu tan hẳn mà lại còn như đọng quyện lại ở cả năm đầu ngón tay già nua đã mấy chục năm rồi chẳng còn biết gì là mùi xuân”. Chân dung hợm hĩnh này gần gũi với hình ảnh những ông bạn cụ cố Hồng trong Số đỏ: “Khi trông thấy làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết, ai nấy đều cảm động hơn khi nghe tiếng kèn Xuân nữ ai oán, não nùng”. Từ lý thuyết đến thực hành vạch trần sự giả dối của nhân vật cùng những trăn trở về văn minh. Một anh tự nhận mình “Âu hóa hoàn toàn” khi thuyết lý về người chồng mọc sừng đã khiến thiên hạ phải trầm trồ “Tây quá đi mất! Nguy thật! Tây ở cách ăn ở, Tây ở cử chỉ, ngôn ngữ, lại Tây nốt cả ở cái linh hồn!” nhưng thực tế thì: “Tự trong thâm tâm, anh vẫn khen thượng đế đã ban phước cho cả cái giống An Nam được hưởng rau muống và cà pháo, rẻ lạ, ngon lạ, có thể khiến người ta quên thịt, cá...”. Dù cố gắng tự tô vẽ diện mạo Âu hóa, đến cuối cùng, “con người Âu hóa cực đoan ấy chỉ Âu hóa được ở cái lỗ mồm”.

   Dễ dàng nhận ra khi phê phán hạng người có chút học thức và tiền bạc mà sống bất nhất, thiếu tự trọng, nhà văn hay sử dụng ngôn ngữ trào phúng, giễu nhại, thủ pháp đối lập giữa bên ngoài và bên trong nhằm lột mặt nạ. Vũ Trọng Phụng không khoan nhượng với cái giả dối của kẻ lắm tiền nhiều của. Từ trải nghiệm khốn quẫn trong đời thực, dường như trong sáng tác của ông, ít người quyền thế nào có lòng nhân. Ở một chiều hướng khác, có những lúc, người kể chuyện ý thức đối thoại với độc giả, nài nỉ sự cảm thông, lượng thứ: “Nhưng, bạn đọc đại lượng ơi, hãy khoan một chút, để tôi được thuật ra đây ít ra một vài điều gì nó tỏ cái thân tình của chúng tôi ngày trước đã” (Một cái chết). Cách trần thuật này tạo nên tuýp nhân vật ăn năn hối cải, thấp thoáng nét tương đồng với kiểu nhân vật tâm lý như Hộ (Đời thừa) của Nam Cao, khuấy động sự phản tỉnh, phản tư từ độc giả. Vũ Trọng Phụng nhìn thấy sự tan rã nhân tính trong mối quan hệ giữa người với người, bày tỏ nỗi lo âu, thương xót với lối viết không trào phúng.

   3. Kết luận

   Giữa một thế giới xác xơ tình người và tính người, thi thoảng Vũ Trọng Phụng vẫn tìm thấy “hạt ngọc” hiếm quý thể hiện trong 3/39 (7.6%) truyện ngắn: Bà lão loà, Một cái chết, Bụng trẻ con. Truyện ngắn Bụng trẻ con có thể xem là tác phẩm hi hữu đậm đầy lòng nhân. Liên – một đứa trẻ lên 5 khao khát món đồ chơi búp bê, đem tiền đi chơi phố và mua búp bê với cậu, bị một kẻ trộm ăn cắp, thay vì kêu lên, bé lại im lặng vì cảm thương cho “đôi mắt khốn khổ”. Câu chuyện nhẹ nhàng, thể hiện niềm tin đạo đức vĩnh cửu vào trẻ thơ. Có thể nói con người có đạo đức dù ít ỏi cũng đã tạo nên điểm sáng, nétriêng trong truyện ngắn Vũ Trọng Phụng so với tiểu thuyết của ông. Nó chống lại những thiên kiến mà người ta từng áp đặt lên nhà văn, để rọi tỏ mạch nguồn trong mát nơi tư tưởng nghệ thuật phức tạp của cây bút hiện thực độc đáo.

   Việc tìm hiểu vấn đề luân lý đã cho người viết một góc nhìn thú vị về truyện ngắn Vũ Trọng Phụng. Ông rạch ròi hai thái độ: lên án quyết liệt những kẻ có tiền, có quyền mà teo tóp nhân tính; cảm thương sâu sắc cho những phận người cùng cực vì đói nghèo mà trót lỡ phi nhân. Ông tin tưởng vào thiện tính nơi tâm hồn trẻ thơ. Ông ám ảnh bởi khả năng làm hư hoại tình người và tính người của đồng tiền. Mỗi vấn đề đạo đức, khuynh hướng đạo đức đều gắn với trăn trở của nhà văn về đời sống, phản chiếu cái bóng thời đại trước 1945. Con người vô luân không chỉ xuất hiện trong truyện ngắn mà còn xuất hiện trong cả tiểu thuyết và phóng sự của Vũ Trọng Phụng4, bên cạnh nét tương đồng, ở mỗi thể loại, kiểu nhân vật này lại có những nét riêng. Bài viết thiết lập nghiên cứu bước đầu, gợi dẫn nền tảng cho những khảo sát quy mô lớn hơn về con người vô luân nói riêng, về vấn đề luân lý đạo đức trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng nói chung.

 

 

 

Chú thích:
1 Nhiếp Trân Chiêu (2014), Dẫn luận phê bình luân lý học văn học, NXB Đại học Bắc Kinh, tr. 1.
2 Hoàng Phê (2014), Từ điển tiếng Việt thông dụng, NXB Đà Nẵng.
3 Đỗ Văn Hiểu (2016), “Phát triển phê bình luân lý học văn học ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm Hà Nội, số 5.
4 Trần Đăng Suyền, Lê Quang Hưng (Đồng chủ biên, 2023), Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945, NXB Đại học Sư phạm, tr. 366-413.

Bình luận

    Chưa có bình luận