Mấy chục năm trước tôi cứ loay hoay với câu hỏi: Nhà phê bình âm nhạc, anh là ai? để khẳng định những gì cần có trong cái nghiệp với tôi khi ấy còn chưa hết mung lung. Cách đây mươi năm tôi vẫn còn tự vấn: Nhà phê bình âm nhạc, anh ở đâu? để nhìn lại chỗ đứng thực tại của người hành nghề và vị trí lẽ ra cần có của nhà phê bình âm nhạc bình đúng nghĩa. Giờ thì chẳng ai còn ngây thơ trông đợi vào điều ước cổ tích, cũng chẳng có ông Bụt nào hiện ra hỏi han: Nhà phê bình âm nhạc, anh muốn gì?, song tôi vẫn không định bỏ lỡ cơ hội bày tỏ những mong muốn của người nhiều năm lặn ngụp trong cái nghề nhọc nhằn này.
Vậy nhà lý luận âm nhạc muốn gì đây? Nhiều lắm, mà tóm gọn trong mấy cái “muốn” suốt mấy thập kỷ nay vẫn thế này thôi: điều kiện hành nghề, sống được trong nghề, có nhiều bạn nghề. Có thể thấy vấn đề vẫn khá rộng và đụng chạm đến nhiều thứ, bao gồm chủ quan (tri thức và ý thức của bản thân người làm nghề) cũng như khách quan (hoàn cảnh bên ngoài và các mối quan hệ tác động đến người làm nghề). Vậy nên cố rút lại nữa để tập trung chỉ vào hai mong muốn mang tính đặc thù của lĩnh vực phê bình âm nhạc: 1) hành trang vào nghề cho nhà lý luận trẻ; 2) môi trường hành nghề cho nhà lý luận tâm huyết.
1. Mong muốn thứ nhất: hành trang vào nghề
Đội ngũ làm nghề bình luận âm nhạc trên báo chí, trên các phương tiện thông tin đại chúng cho đến nay phần lớn vẫn là dân “ngoại đạo”, tức là những người hành nghề theo kinh nghiệm chứ không qua đào tạo chuyên ngành phê bình âm nhạc. Dù các cơ sở âm nhạc chính thống hàng năm đào tạo không ít sinh viên chuyên ngành lý luận nhưng số đầu ra đó chủ yếu chỉ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và giảng dạy chứ chẳng mấy ai chịu theo nghề phê bình, đến dân trong ngành cũng phải than: Làm gì có đội ngũ phê bình âm nhạc chuyên nghiệp!
Vì sao nghề phê bình ít được giới lý luận chuyên nghiệp lựa chọn? Liệu họ đã được trang bị tốt thực sự để sẵn sàng làm nghề phê bình chưa và có còn không khoảng cách quá lớn giữa học và hành, giữa đào tạo và nhu cầu xã hội?
Quả thực nhà lý luận âm nhạc có bằng cấp hẳn hoi vẫn buộc phải tự học rất nhiều trước khi dấn thân vào công việc phê bình. Ngoài kỹ năng nghiên cứu (âm nhạc học, dân tộc nhạc học, xã hội nhân văn, văn hóa, lịch sử…) còn cần thông thạo lĩnh vực báo chí (phỏng vấn, đưa tin, tường thuật, bình luận, biên tập…) và công nghệ thông tin (xử lý dữ liệu văn bản, âm thanh, hình ảnh…). Chẳng nhẽ viết chân dung âm nhạc mà bạn lại không thể tự chụp hình đối tượng của mình, hoặc viết bài phê bình âm nhạc, nhất là về tác phẩm khí nhạc mà lại không biết sử dụng phần mềm chép nhạc để cắt dán thí dụ nốt nhạc. Bạn không thể tự bảo vệ nội dung vẹn toàn cho đứa con tinh thần trước lưỡi kéo của tòa soạn “ngoại đạo” nếu bạn không chủ động tự biên tập số chữ trong giới hạn cho phép.
Nhà lý luận hẳn nhiên sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn nhiều nếu ngay từ thời sinh viên đã được rèn giũa các hình thức thể loại bài viết cho báo giấy hoặc bài thuyết trình - một dạng báo nói cho các buổi tọa đàm chuyên môn. Bài được đăng của sinh viên rất đáng được khích lệ, được tính điểm cao thay vì bắt buộc nộp những tiểu luận gần như chẳng có chút nào tính ứng dụng, chỉ đơn thuần đối phó sao chép sách vở giáo trình. Công việc phê bình cần được bắt đầu ngay ở trường, càng sớm càng tốt, càng bộc lộ nhiều sáng tạo cá nhân càng cần được ghi nhận và đánh giá cao.
Một điều vô cùng quan trọng trong hành trang vào nghề là ý thức đạo đức làm nghề. Không ai kiểm soát hành vi đạo văn trong âm nhạc ở thời buổi internet bằng chính bản thân mình, không ai tự trọng tự giác hơn chính lương tâm của người cầm bút.
Đâu hẳn là lỗi của giới trẻ nếu hành trang vào nghề còn quá sơ sài, bởi đó là minh chứng khó chối cãi cho sự thiếu hụt trong giáo dục phổ thông và đào tạo chuyên ngành mà chính chúng ta, những người đi trước có nghĩa vụ xem xét nhìn nhận lại để kịp thời đổi thay trước khi quá muộn.
2. Mong muốn thứ hai: môi trường hành nghề
Diễn đàn âm nhạc là nơi hành nghề của giới phê bình, song nó lại thuộc về cánh nhà báo hơn là các nhà lý luận chuyên nghiệp. Không có tham vọng cạnh tranh với báo giới, dân lý luận âm nhạc dường như an phận với diễn đàn nhỏ hẹp dành riêng cho đối tượng chuyên ngành. Cũng phải thôi, bài viết càng chuyên sâu với chất lượng học thuật cao thì càng khó phù hợp với các diễn đàn đại chúng và các đối tượng phổ thông. Nhà chuyên môn có tâm, có tầm đến mấy cũng chỉ biết âm thầm “nhả tơ”, tự biết với nhau, tự sướng với nhau, mặc ngoài kia sôi động bát nháo.
Diễn đàn hạn hẹp thì nhuận bút nhỏ nhoi. Thù lao chất xám vốn khiêm tốn, gần như chẳng cải thiện được gì nhiều cho đời sống những cây bút gừng càng già càng cay. Chỉ sống bằng đồng lương hưu trí thì chớ mơ mua vé nghe nhạc cổ điển thường xuyên, chưa nói gì đến những chương trình ca nhạc ăn khách giá trên trời.
Nhà chuyên môn vốn không giỏi quan hệ, ngại xin xỏ tài trợ để làm những công trình dài hơi hoặc in ấn sách. Lâu lâu được tổ chức nào đó (Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Liên hiệp, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương…) duyệt đơn hỗ trợ sáng tạo thì cũng chỉ đủ 1/4-1/3 chi phí in sách với tirage khiêm nhường. In rồi cũng chỉ biết tặng nhau thôi chứ không đủ tháo vát lo quảng bá bán sách để quay vòng tái sáng tạo sản phẩm tiếp theo. Thiếu quảng bá kịp thời và đúng cách thì sách lý luận, phê bình rất khó đến tay đúng đối tượng cần. Sách cứ ngủ đông, ngủ hạ, ngủ bốn mùa dài dài trong kho thôi, thiếu thì vẫn hoàn thiếu. Tôi thực sự xót xa nhìn những cuốn sách ở Viện Âm nhạc còn mới tinh mà đã ố vàng vì hiệu ứng nhà kính nắng chiếu trực diện vào các giá sách.
In sách khó khăn vậy, mà không ra sách đôi khi lại bất lợi vì không có cơ sở “giấy trắng mực đen” để chứng thực bản quyền. Một khi ý thức làm nghề chưa được trang bị nghiêm ngặt trong giáo dục và đào tạo thì quyền tác giả của nhà lý luận, phê bình cũng bị xem nhẹ. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VCPMC (thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam) thực tế chỉ bảo vệ thù lao nhuận bút cho nhạc sĩ sáng tác, chứ hoàn toàn không có hạng mục bảo vệ sở hữu trí tuệ cho tác phẩm lý luận, phê bình âm nhạc. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm trách nhiệm và chất lượng phê bình, còn trông mong gì ở sự sáng tạo cá nhân trong lĩnh vực phê bình âm nhạc.
Phê bình là nghề tự học trong trường đời, nhưng biết học từ đâu và đâu là nguồn đáng tin cậy? Giá như ngành âm nhạc có được một ngân hàng dữ liệu, hoặc thư viện điện tử thì may mắn biết bao cho người trong nghề và người yêu nghề.
Điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chiến tranh kéo dài, ý thức và kỹ năng lưu trữ kém, sử liệu thất thoát… Không biết bao giờ mới có thể số hóa những gì còn sót lại.
Đến nay đã 12 năm nhận làm website Hội Nhạc sĩ, tôi mong muốn góp phần lưu giữ không những tác phẩm thanh nhạc khí nhạc (âm thanh, văn bản và các thông tin liên quan đến tác giả - tác phẩm) mà cả những bài nghiên cứu phê bình có giá trị sử liệu và chất lượng học thuật. Mong muốn thì lớn và nỗ lực không nhỏ, nhưng để có được hiệu quả như kỳ vọng thì còn quá nhiều thứ ở ngoài tầm với, “đầu tiên là… tiền đâu”! Một trang web ý nghĩa như vậy cần được đầu tư mặt bằng kỹ thuật xứng đáng chứ không thể nhỏ giọt chút kinh phí ít ỏi chỉ đủ duy trì một trang thông tin nội bộ. Nay lỗi đăng tải, mai lỗi truy cập, mốt máy đơ, máy treo… Nhiều bài vở giá trị cứ thế không cánh mà bay thôi. Tiếc đứt ruột bao công sức thu thập, biên tập, giới thiệu… Kinh phí bổ sung chắp vá chẳng thể cứu được những dữ liệu đã mất.
Đầu tư gây dựng thư viện điện tử âm nhạc là việc của một tổ chức nhà nước. Trong khi chờ đợi sự hiện diện một thư viện mang tầm thế kỷ như thế, các nhà lý luận âm nhạc không nên bỏ qua những quỹ tư liệu cá nhân. Tôi đoán không ít nhà hoạt động âm nhạc cao niên vì không có người “nối dõi” nên họ sẵn lòng hiến tặng tủ sách gia đình, để kho lưu trữ cá nhân của họ tiếp tục có ích cho đời sau khi họ ra đi. Xưa kia không có địa chỉ để chúng tôi hướng tới học hỏi khai thác, thì giờ đây lại chỉ ước có một địa chỉ để chúng tôi trao gửi. Vấn đề là kế hoạch tiếp nhận, bảo quản và khai thác những tư liệu ấy ra sao cho khỏi phí phạm.
Xin dành đoạn kết cho một yếu tố quan trọng làm nên môi trường tốt cho phê bình: đó là văn hóa phê bình, là nghệ thuật phê bình và tiếp nhận phê bình, là mối quan hệ tương tác giữa đồng nghiệp chuyên ngành và liên ngành (bởi như ta cần xác định phê bình âm nhạc là tổng hợp giữa khoa học và nghệ thuật, giữa nhiều chuyên ngành, trong đó quan trọng nhất là nghiên cứu và báo chí).
Một xã hội phát triển cần có sự phản biện. Phản biện không dễ như ngợi ca thành tích, vì người phản biện cần có tầm nhìn xa trông rộng và đủ nhạy cảm để dự báo được nguy cơ cũng như cơ hội. Cách thức phản biện cũng là một nghệ thuật, nó đòi hỏi người phản biện tinh thần xây dựng, sự bao dung và kỹ năng thuyết phục. Tôi khâm phục những cái đầu sáng suốt nảy ra được những ý kiến phản biện sắc sảo, tôi càng phục hơn khi những ý phản biện đó được biểu hiện một cách thông minh và có duyên. Song hình như không nhiều người nghĩ giống tôi.
Không ít người luôn tỏ ra khó chịu và phản ứng gay gắt với ý kiến phản biện. Thói quen báo cáo thành tích rất khó bỏ, muốn chê thì cứ phải khen trước đã và tỉ lệ vừa vừa phai phải khen đủ chê chút gọi là mới vừa lòng nhau. Lỡ chê mà không khen dễ bị buộc tội phủ nhận công lao thế hệ trước hoặc bài viết “thiếu chính trị quá!” - mà thiếu gì chứ chính trị là điều thật đáng sợ. Trong hội thảo, những bài viết phản biện thường bị lờ đi, ít khi được đoàn chủ tịch mời trình bày công khai. Người phản biện thường bị gán cái tên kỳ thị: dân tộc… choang!
Tránh bị kỳ thị, nhiều cây bút chọn giải pháp an toàn: một bài viết tròn trịa, không động chạm, thà nhạt nhòa còn hơn mang tiếng “có vấn đề”. Bảo sao các nhà lý luận âm nhạc lại chọn nghề nghiên cứu và tránh phê bình. Đã là nghiên cứu thì cứ yên tâm phân tích tác phẩm theo kiểu giáo trình, vừa được tiếng có tính học thuật vừa không phải nhọc công kiếm tìm cách biểu hiện sao cho hấp dẫn.
Giọng điệu riêng cũng dễ bị kỳ thị, sự hài hước mà tôi luôn đánh giá cao thật chẳng may lại luôn bị quy là thiếu nghiêm túc. Rất khó dung hòa nội dung học thuật với tính hấp dẫn. Nhà phê bình có tâm thường cố gắng tìm tòi cách biểu hiện sáng tạo, nhưng kết quả chẳng mấy như ý, khi thì bị báo giới chê “bài nặng quá” (ý là khô khan quá), khi thì bị dân lý luận chê “giọng báo chí quá” (ý là tầm thường quá).
Vậy nên xin được nhắc lại tại đây điều ước cuối cùng cho người làm nghề chúng tôi là: được chấp nhận sự khác biệt về chính kiến (góc nhìn, nhận định) cũng như cách biểu đạt (giọng điệu, văn phong), được chấp nhận tính phản biện trong nội dung và sự đa dạng trong sáng tạo.