LÝ LUẬN VĂN NGHỆ CÁCH MẠNG VIỆT NAM CHẶNG ĐƯỜNG DÀI GẬP GHỀNH NHƯNG LUÔN PHÁT TRIỂN VÀ ĐẠT NHIỀU THÀNH TỰU

Bài viết bàn về quá trình hình thành, phát triển lý luận văn nghệ cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở đó chỉ ra đặc điểm, thành tựu tiêu biểu và những hạn chế cần khắc phục trong trong mỗi chặng đường phát triển của lý luận văn nghệ cách mạng Việt Nam.

    Từ thực tiễn của đời sống xã hội và kinh nghiệm hoạt động sáng tạo, con người rút ra những quy luật, những nguyên lý và chân lý phổ biến để đúc kết thành lý luận. Lý luận là sản phẩm của tư duy trừu tượng kết hợp với thực tiễn đời sống, tạo hiệu quả cho sự phát triển xã hội... Mỗi thời đại, mỗi quốc gia có hệ thống lý luận ngoài tính phổ quát còn có những đặc điểm riêng. Làm nền tảng cho mọi cơ sở lý luận chuyên ngành như kinh tế, quân sự, xã hội, văn hóa, văn nghệ là hệ lý luận chính trị bảo toàn và có sự lãnh đạo chỉ đạo của hệ thống lý luận cơ sở. K. Marx và F. Engels dựa trên sự phát triển của phong trào công nhân trong lòng xã hội tư bản, những mâu thuẫn thuộc về bản chất của xã hội tư bản không dễ giải quyết và bế tắc, đã đề xuất Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848) và nền tảng triết học duy vật biên chứng, duy vật lịch sử là hệ thống lý luận chính trị tiên tiến và thâu tóm nhiều chân lý của đời sống chính trị xã hội.

    Lý luận văn hóa, văn nghệ là một bộ phận góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, tinh tế và nhạy cảm. Với mỗi dân tộc, quốc gia, hệ thống lý luận chính trị hình thành đầu tiên, lãnh đạo đất nước.

    Lý luận chính trị ở Việt Nam phát triển sớm với những nguyên tắc đúng đắn, thuyết phục, mang chân lý xã hội. Bài thơ Nam quốc sơn hà khẳng định quyền độc lập tự do của một dân tộc, thiêng liêng như một mệnh trời, sách trời:

    “Nam quốc sơn hà Nam đế cư
    Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

    Đó là nguyên tắc tối thượng về luật pháp và quyền độc lập của mỗi dân tộc.

    Chân lý ấy được tiếp nối và khẳng định vững chắc qua các đời vua Lê Lợi, Quang Trung và thời đại Hồ Chí Minh, với tinh thần “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở giữ âu vàng”. Cùng với tinh thần yêu nước, nhiều tác giả như Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Chu Văn An, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đã có nhiều đóng góp quan trọng.

    Phải kể đến những đóng góp lý luận về thể loại văn học, thơ ca như Lê Quý Đôn; sân khấu, tuồng như Đào Tấn.

    Lý luận văn nghệ cách mạng được hình thành và phát triển từ Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), cơ sở lý luận văn hóa, văn nghệ cách mạng với tôn chỉ và mục đích khẳng định sự lãnh đạo của Đảng trên mặt trận văn hóa, văn nghệ. Những phương châm lớn là Dân tộc, Khoa học, Đại chúng thực sự đã thắp cháy ngọn lửa yêu nước, tình yêu đất nước, quê hương, tình đồng bào đồng chí trong đội ngũ văn nghệ sĩ, mà cụ thể là tổ chức Văn hóa Cứu quốc. Những sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Tô Hoài, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân đã chứng minh cho sáng tạo đúng đắn đó. Trên hết phải kể đến tác phẩm Nhật ký trong tù với những quan điểm cách mạng về văn hóa, văn nghệ - một định nghĩa đúng đắn, sâu sắc, trí tuệ về văn hóa, mở rộng cách suy nghĩ về văn hóa. Một bài thơ Cảm tưởng đọc Thiên gia thi của Người là một đột phá cách mạng trong quan niệm về thơ:

    “Nay ở trong thơ nên có thép
    Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.

    Người quan niệm thơ hay phải có tác dụng thực tiễn. Những bài thơ xuống đường của Người và ảnh hưởng của nó là một minh chứng cho hướng sáng tạo đúng đắn đó.

    Cách mạng tháng Tám thành công, tại Đại hội Văn hóa lần thứ I, Người chỉ rõ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, và tiếp nối là những luận điểm quan trọng về văn hóa, văn nghệ trong các tác phẩm Đời sống mới, Sửa đổi lối làm việc, đặc biệt là quan niệm: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

    Cách mạng tháng Tám thành công, sự phát triển của lý luận chính trị xã hội cách mạng đã tác động đến hoạt động lý luận văn hóa, văn nghệ cách mạng. Có những công trình lý luận văn hóa, văn nghệ sâu sắc như Chủ nghĩa Mác về văn hóa Việt Nam của Trường Chinh. Trên Tạp chí Tiên Phong, Báo Sự Thật, lý luận văn hóa, văn nghệ mang nhiều màu sắc qua lý luận cũng như sáng tác của Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng. Dòng chảy lý luận văn hóa cách mạng đã trở thành cơ sở đồng hành và tạo điều kiện cho sáng tác văn nghệ phát triển.

    Hòa bình lập lại (1954), nhiều trường đại học văn khoa, sư phạm văn, văn hóa mở đã tạo điều kiện cho lý luận văn nghệ phát triển với tư cách một môn học quan trọng.

    Nhà xuất bản Sư Thật giới thiệu một số tác phẩm lý luận văn nghệ gốc của K. Marx và F. Engels, V. Lenin, Hồ Chí Minh. Các bộ sách Toàn tập K. Marx và F. Engels, V. Lenin, Hồ Chí Minh lần lượt được xuất bản. Ở cấp độ phổ thông và nhập môn các giáo trình văn học, văn hóa ở một trường đại học tiếp nhận lý luận văn hóa, văn nghệ của Liên Xô, Trung Quốc như các cuốn lý luận của Abra-mo-vich, Ti-mo-phi-ep. Một bộ sách quan trọng về lý luận văn nghệ, văn hóa của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đã có tác dụng đến tình hình lý luận văn hóa, văn nghệ Việt Nam. Tính Đảng, tính nhân dân được xem như những sợi chỉ đỏ xuyên suốt, được nhấn mạnh trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt là ý kiến của các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng. Sau năm 1954 cũng xuất hiện một vài quan điểm lệch lạc về lý luận văn nghệ như xem nhẹ tính Đảng trong văn nghệ, đề cao tư tưởng cá nhân tự do và bị phê phán.

    Tháng 5/1975, Miền Nam được giải phóng; một năm sau, một số trường đại học văn khoa được mở lại và nhà trường mời các giáo sư vào thỉnh giảng như các giáo sư Hoàng Như Mai, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ.

    Trong một hai cuộc hội thảo giữa các giáo sư, các nhà khoa học hai miền, nhiều giáo sư ở Miền Nam chân thành phát biểu ý kiến và cho rằng lý luận văn nghệ Miền Bắc quá nhiều các tính: tính Đảng, tính dân tộc, tính giai cấp, tính hiện thực... chúng tôi sử dụng như thế nào và sao cho hết? Một điều sáng tỏ là triết học và lý luận văn nghệ Miền Bắc không dẫn văn nghệ vào ngõ tối như chủ nghĩa hiện sinh, phân tâm, hậu hiện đại. Cũng vì thế, ngoài ấy có những tác phẩm lý luận văn học, mĩ học có hệ thống, giàu tính lý luận và thực tiễn như các cuốn Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Giáo sư Lê Đình Kỵ và Thơ và mấy vấn đề lý luận của thơ Việt Nam hiện đại của Giáo sư Hà Minh Đức.

    Mọi việc đang trôi chảy bình thường và dần trở thành không bình thường với sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống lý luận văn nghệ cách mạng cũng sụp đổ. Cuộc hội thảo do Hội Nhà văn Liên Xô và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào tháng 5/1988 tại Liên Xô chứng minh cho sự sụp đổ của lý luận cách mạng ở Liên Xô. Đoàn Liên Xô do Thư ký Hội Nhà văn Liên Xô làm Trưởng đoàn; các nhà lý luận, nhà văn tiêu biểu tham dự. Đoàn Việt Nam có các nhà văn Ma Văn Kháng, Minh Huệ, Tô Ngọc Hiến và Hà Minh Đức (Trưởng đoàn). Khai mạc hội thảo, các nhà lý luận Liên Xô tấn công vào tính Đảng và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Họ cho rằng tính Đảng là vật cản sự phát triển của văn nghệ. Tính Đảng gò bó sự sáng tạo, viết theo cái định trước theo ý định chủ quan, không phản ánh được chiều sâu và quy luật khách quan, quy luật hiện thực. Thực tế văn nghệ Liên Xô đã chứng minh những nhà văn viết theo tính Đảng thì người đọc lạnh nhạt, các tác phẩm viết theo ý tưởng chủ quan sáng tạo của tác giả thì thành công như Pa-xtec-nac và Bu-ga-cop. Phê bình văn nghệ tính Đảng dẫn đến định kiến với những nhà văn tài năng tự do trên trang viết và khen ngợi những tác phẩm không có tính nghệ thuật, luôn bàn theo lý thuyết chung chung.

    Đáp lại, các nhà văn Việt Nam đều dựa trên thực tiễn phát triển của văn nghệ Việt Nam, hoàn cảnh xã hội Việt Nam, đặc biệt là công cuộc đổi mới mà Đại hội Đảng lần thứ VI đang tiến hành thành công. Nhà văn Ma Văn Kháng quan niệm: Tôi là người sáng tác, nhà tiểu thuyết lấy thực tiễn của cuộc sống làm cơ sở, định hướng của Đảng làm phương hướng nên cảm thấy hòa hợp, thuận lợi cho sáng tác, không có gì cản trở. Nhà thơ Minh Huệ nhấn mạnh đến tính văn nghệ truyền thống và hiện đại. Văn nghệ Việt Nam có sức mạnh của truyền thống luôn hỗ trợ cho hiện tại đi đúng hướng. Nhà văn Hà Minh Đức quan tâm đến sự thống nhất trong đường lối của Đảng và ý thức của nhà văn phải có hòa hợp và thực tế của đường lối đổi mới đã tạo nên sự hòa hợp, gạt bỏ những cái gì cũ kỹ, công thức. Tư tưởng Marx - Lenin do đó không trở nên gò bó sáng tác. Cuộc hội thảo biến thành bên nào thì bên đó nói về văn nghệ của đất nước mình, không tranh luận, đối lập.

    Trong thời gian này, ở trong nước, các nhà lý luận, nhà văn cũng nhận ra những hạn chế của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và hiện thực phải đạo. Tinh thần đổi mới, đặc biệt đổi mới tư duy, yêu cầu người viết phải nhìn thấy, và sự thực gạt bỏ định kiến, lấy sự đóng góp cho văn nghệ, cho phong trào làm chủ yếu để đánh giá tác phẩm. Giữ chuẩn mực của đường lối đổi mới, đánh giá các hiện tượng văn nghệ với giá trị và đóng góp thực của các trào lưu. Kỷ niệm 60 năm phong trào Thơ mới, nhà thơ Huy Cận đã xúc động chúc mừng các nhà thơ mới vì với các anh chị còn sáng tác chứng nhận một ngày vui lớn, Thơ mới nhận được đúng giá trị chân chính của mình mà lâu nay còn bị kìm hãm.

    Con đường của lý luận văn nghệ cách mạng là con đường đấu tranh thắng lợi chống lại những quan điểm văn nghệ sai trái, góp phần bồi dưỡng cho văn nghệ phát triển, giải tỏa cho những trường hợp khó khăn trong việc đánh giá đúng đắn và chuẩn mực.

Bình luận

    Chưa có bình luận