Nghiên cứu văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số là một vấn đề chưa được quan tâm chú ý nhiều trong giới nghiên cứu văn học ở Việt Nam. Văn học thiếu nhi dân tộc thiểu số đã phản ánh đời sống của trẻ em miền núi vùng dân tộc thiểu số với sáng tác của các nhà văn dân tộc thiểu số tiêu biểu như: Vi Hồng, Mã A Lềnh, La Quán Miên, Đoàn Ngọc Minh, Hữu Tiến, Đoàn Lư... Qua sáng tác của các tác giả dân tộc thiểu số, hình ảnh trẻ em miền núi với khát vọng đến trường được tô đậm, thể hiện sinh động với nhiều cung bậc cảm xúc. Dù phải đối diện với không ít khó khăn, thiếu thốn, vất vả, thậm chí là bi kịch nhưng ước mơ đến trường luôn là miền sáng trong tâm hồn mỗi đứa trẻ vùng cao.
1. Hình ảnh trẻ em miền núi với khát vọng đến trường
1.1. Trẻ em vượt khó để học tập và thực hiện những ước mơ
Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, trường, lớp ở xa nên trẻ em miền núi đến được trường là cả một vấn đề. Nhiều học sinh có khi bắt đầu học vỡ lòng đã lớn tuổi bằng các em học cấp 2 ở miền xuôi. Những cậu bé trong câu chuyện Lớp vỡ lòng bản Chiềng Yên (La Quán Miên) đã vui mừng biết mấy khi biết mình được đi học “Anh tao mười lăm tuổi mới đi học. Tao mới có tám tuổi… Tao cũng muốn đi học rùi. Ở nhà chán lắm!”. Con đường đi học của các em nhỏ miền núi là đi bộ trên những con đường ngoằn ngoèo và có khi phải lội qua những con suối sâu đầy nguy hiểm “Chúng tôi rủ nhau đi về phía cuối bản, qua rừng thị, rừng cây pang... Tôi vấp phải đá dưới chân làm rơi quyển vở xuống nước... đành để nó trôi đi xa”1. Cuộc sống khó khăn, giao thông đi lại bất tiện… là những chướng ngại vật vô cùng lớn đối với trẻ em vùng cao trên con đường đến trường. Nhưng cũng vì thế mà học sinh vùng cao một khi đã quyết tâm học tập thì đều đạt kết quả tốt bởi các em coi học tập là con đường để thay đổi cuộc sống của mình, của đồng bào mình. Chính vì thế, những con chữ có một mãnh lực vô hình khiến các em khát chữ còn hơn khát cơm, khát nước.
Những tấm gương vượt khó học tập đầu tiên phải kể đến là những cậu học sinh trong Đường về với mẹ chữ của nhà văn Vi Hồng. Hơn ba trăm cây số đường rừng với vô vàn những nguy hiểm không làm những học sinh từ Cao Bằng nản lòng trên con đường tìm về với “mẹ Chữ”. Cái đói, cái rét, sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần họ đều có cách để vượt qua và đạt được ước mơ học tập của mình. Quãng đường từ Cao Bằng xuống Thái Nguyên những năm 60 phải băng qua những cách rừng đại ngàn âm u , với hổ báo, chó sói và những đàn rết lớn, vậy mà những học sinh Cao Bằng lúc mới đến trường chỉ có phương tiện duy nhất là đôi chân của chính mình: “Ngày đầu cuốc bộ được gần năm mươi cây số. Nhưng ngày thứ hai thì đôi chân cả lũ đều sưng vù lên! Lê lết mãi cũng chỉ được đoạn đường gần hai chục cây mà thôi”2. Nhưng những khó khăn đâu chỉ dừng lại ở đó, ở trường học, những em nhỏ miền núi còn phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn khác như cái đói, cái rét: “Chúng tôi chăm chỉ học trong nghèo nàn, thường xuyên đói. Mùa đông mặc không đủ ấm. Chăn đắp chỉ là những chăn chiên cũ kỹ. Ba cái chăn chập vào nhau mà vẫn không kín hết mọi lỗ thủng. (…) Nhờ mỡ rẻ mà chúng tôi không đến nỗi sút cân lắm. Chính nhờ những cân thịt mỡ, nhất là mỡ chài, mỡ lá giúp sức chúng tôi học và học giỏi. Cũng nhờ có mỡ rẻ, nên mùa đông chúng tôi tạm chống lại được với cái rét, có ngày như cắt da cắt thịt của xứ Thái”3. Cuộc sống trọ học của các cậu học trò đến từ Cao Bằng ở xứ Thái thiếu thốn trăm bề, mùa đông lạnh ôm nhau đắp chung chăn cho ấm, đến đêm có người lăn ra khỏi chăn nên bị cảm lạnh nằm viện cả tháng trời. Ăn uống cũng vô cùng kham khổ.. Họ cố ăn cho nhiều mỡ để lấy sức học và lấy sức chống lại mùa đông rét mướt. Chuyện học cũng không kém phần gian nan. Ham học, hiếu học nhưng họ nghèo đến nỗi ngay cả thứ giấy xấu nhất, rẻ tiền nhất cũng không có khả năng mua để viết, cuối cùng một “phát kiến vĩ đại” được đưa ra, giúp họ tạm thời đối phó được với khó khăn này: “Cụ thể là, cho vôi vào khoắng trong một cái nồi to rồi đun sôi lên, bỏ cả giấy đã viết vào ninh như ninh xương khoảng nửa tiếng thì vớt ra nhúng vào nước sạch để rửa rồi đem phơi khô. Những tờ giấy này dù là giấy trắng tinh hay giấy loại xoàng đều biến thành một màu vàng úa. Các dòng chữ viết cũ đã mất hẳn. Chúng tôi chủ yếu viết bằng loại giấy luộc với nước vôi này”4. Vượt qua tất cả những khó khăn, những đứa con của mảnh đất Cao Bằng xuống Thái Nguyên học tập đều có kết quả học tập tốt, mỗi người đều trở thành “vua” trong một lĩnh vực học tập. Quả là khó khăn không thể ngăn được quyết tâm của những cậu bé có ý chí, thậm chí, đôi khi nó lại chính là động lực thúc đẩy con người ta nỗ lực thêm nữa để làm những gì mà họ mơ ước.
Nhân vật Hoàng (Thách đố - Vi Hồng) cũng là một thiếu niên có quyết tâm sắt đá với niềm đam mê học tập của mình. Gia đình Hoàng nghèo đến mức cháo cũng không có để ăn. Mẹ đau ốm, bệnh tật liên miên nhưng Hoàng ham học và học giỏi: “Hoàng vẫn sáng sáng đi học, chiều chiều lại lên núi chăn trâu thuê và mang theo sách học bài (…). Chỉ có riêng Hoàng thì chẳng mấy khi vui với bạn bè. Bao giờ cậu cũng tìm một nơi vắng vẻ, xa nơi ồn ào để học bài làm bài”5. Sự hiểu biết giúp Hoàng vạch mặt được những trò lừa gạt của tảo Lăm Đăm, thức tỉnh được những người già mê tín trong bản. Hoàng chính là tấm gương cho những thanh thiếu niên trong bản noi theo, chính cậu cũng giúp Ang tránh được con đường hư hỏng, sai lầm để trở thành người tốt.
Trong các sáng tác của Đoàn Lư, có không ít các tấm gương hiếu học. Tiêu biểu là Chẩn (Bên dòng Quây Sơn). Do cảnh sống ở trọ có nhiều bất lợi nên cậu bé quyết định hàng ngày đi đi về về với quãng đường bốn mươi cây số. Tuy vậy nhưng Chẩn ngày càng tiến bộ, vì đã nghĩ ra cách học thật đặc biệt: “Vì phải đi về nhà mỗi ngày hết những tám giờ đi lại Chẩn ít có thời gian học bài ở nhà nhưng Chẩn đã có cách khắc phục. Ở lớp nó chú ý nghe giảng, cố hiểu và thuộc bài càng nhiều càng tốt. Trên đường về nhà trước khi trời tối nó vừa đi vừa cố nhớ lại nội dung bài giảng trên lớp của thầy giáo, chỗ nào không nhớ được thì mới mở vở ra xem”6.
Trong Hạt giống bản H’Mông, cậu bé A KhiAo sinh ra và lớn lên trong cảnh sống lạc hậu, đói nghèo cả bản hầu như không ai biết chữ: “Gà, lợn, trâu, bò thả rông, chó săn, chó lớn, chó con tụ tập thành bầy. Đàn bà con gái suốt ngày cắm mặt vào những sườn dốc, tận dụng từng hốc đất tra bắp, trồng lanh. Đàn ông lặn lội khắp các ngả rừng ngọn núi săn thú, tối quây quần bên những vò rượu mua vui chứ không biết làm gì khác. Trẻ con chạy nhảy nhông nhông, cả ngày hun chuột bẫy chim, việc học hành chả ra ngô ra khoai gì cả”7. A KhiAo được ông trưởng bản và cô giáo giúp cho đi học ở trường nội trú vì cậu là người được học nhiều nhất bản, là “hạt giống”, là tương lai của bản nghèo. Trước kỳ vọng của mọi người A KhiAo đặt quyết tâm: “Quyết không trốn học. Hãy chịu khó chịu khổ một chút, mình sẽ cố gắng học thật giỏi. Cây ngô muốn tốt tươi thì trước hết hạt ngô giống phải khỏe khoắn”8. Với suy nghĩ ấy A Khiao đã trở thành hạt giống tốt của bản Mông, cậu không phụ lòng mong mỏi của mọi người, học thành tài để trở về xây dựng quê hương.
Ngay trong bộ tiểu thuyết Lêna - Kítti (Đoàn Lư) cô bé Lêna và các bạn của mình dù sinh ra trong hoàn cảnh thuận lợi, được tạo mọi điều kiện tốt nhất để học tập nhưng không vì thế mà lơ là nhiệm vụ của mình. Hàng ngày cô bé và bạn bè mình không ngừng trau dồi nâng cao kiến thức để thực hiện những ước mơ cao đẹp vì một thế giới ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn. Hay như cậu bé Pu trong Núi Bó Phạ trở về dù mặc cảm tật nguyền, gia đình khó khăn nên bỏ học từ sớm nhưng ước mơ được đến trường không lúc nào nguôi trong lòng cậu. Cậu trò nhỏ ấy vẫn tới nhìn qua khe cửa lớp xem cô giáo dạy học mỗi ngày.
Trong từng trang viết, Mã A Lềnh đã tái hiện cuộc sống lam lũ, nhiều thiếu thốn vất vả của trẻ em dân tộc Mông. Mặc dù nhỏ tuổi nhưng các em cũng phải “đi lên núi đào củ mài, đào dúi, bẫy chuột”9 để mưu sinh. Đó là một công việc vô cùng vất vả và nguy hiểm ngay cả đối với người lớn. Thậm chí, khi đi học nội trú, lần đầu tiên cậu bé mới được xỏ chân vào đôi dép: “Tôi lắp chân vào guốc, đứng lên thử ngượng quá… Từ bé đến giờ tôi có biết guốc, dép là cái gì đâu!...”10. Người đọc bỗng thấy xót xa cho những số phận đang phải chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn nơi vùng sâu, vùng xa ấy. Hiện thực đời sống trẻ em miền núi còn được nhà văn dân tộc Mông tái hiện qua cuộc sống nội trú của học sinh miền núi. Các em vẫn phải đối diện với những thiếu thốn về cái ăn, chỗ ngủ trong cuộc sống hàng ngày: “Gian phòng ngủ của bọn chúng tôi người ta kê sẵn cho hai dãy phản, một ngọn điện đỏ quạch. Chẳng cánh cửa… Thằng nào mang chăn đi thì đắp chăn của mình. Thằng nào không có chăn thì đút hai tay vào đùi nằm co ro. Hầu hết không có chăn”11. Rồi ốm đau và bệnh tật: “Oa Ly bị ốm, bụng trương to da vàng vọt…”12. Đó là những sự thật nhói lòng trong cuộc sống của trẻ em miền núi. Truyện ngắn của ông chất chứa bao trăn trở và những dự cảm đầy ám ảnh về những vấn đề mà người dân miền núi và các em thiếu nhi dân tộc thiểu số đã và đang phải đối mặt. Vì nghèo đói, nên các em không thể đến trường. Được đi học theo chính sách nhà nước ở các trường nội trú nhưng các em cũng không dễ xa rời bản làng. Thằng Vênh nhận ra đi học sướng hơn theo trâu nhưng “cháu nhớ nhà, nhớ trâu ngựa, nhớ bếp lửa quá!... Cháu chả làm sao nhét được chữ vào đầu!”13. Phải xa gia đình để đi học khi mới khoảng mười tuổi, việc chưa nói tiếng phổ thông thành thạo cũng cản trở các em học tập và giao tiếp với các bạn. Mọi thứ đều xa lạ và bỡ ngỡ. Lần đầu tiên trong đời các em phải chia tay với những gì thân thiết gắn bó: “Giã từ ngôi nhà lợp gỗ thông hoang sơ, giã từ mọi đồ dùng mộc mạc. Giã từ mấy con trâu mà sáng nào cậu mộng cũng ngoan ngoan cúi đầu cho tôi trèo từ sừng lên lưng…”14. Và phải làm quen với một thế giới mới mẻ hoàn toàn: “Ngày đầu tiên ngồi trên bàn học, lòng dạ tôi bồi hồi, chộn rộn lắm. Sách mới, vở mới, bút mực mới, bàn ghế mới, bảng đen mới, người dạy mới, tiếng nói mới… Tất cả đều mới mẻ với cuộc đời tôi”15. Chính vì thế nên nhiều học sinh đã bỏ học “nhà trường tập trung học sinh, thiếu mất con Tỉ, con Ghếnh. Thiếu cả loạt những thằng có biệt danh…”16. Phải chăng học sinh các dân tộc thiểu số học yếu kém một phần chính là ở chỗ ấy, chứ không phải là họ ít thông minh hơn các học sinh khác? Đây là một trăn trở mà nhà văn dân tộc Mông đã đặt ra. Mã A Lềnh muốn đi sâu vào hiện thực cuộc sống còn nhiều khó khăn mà trẻ em miền núi phải đối mặt để phân tích và chỉ ra nguyên nhân có tính lực cản, níu kéo sự phấn đấu vươn lên của thiếu nhi dân tộc thiểu số trên con đường nhọc nhằn đi tìm “mẹ Chữ” với một chí hướng quyết tâm đi học để “làm người nhà nước”. Với con người miền núi, nhất là những em nhỏ, đi học để trở thành “người nhà nước” là con đường duy nhất và cũng là một ước mơ thật cụ thể để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Chính điều đó đã giúp các em không ngừng nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ thành người có ích cho bản làng mình. Nhân vật “thằng bé củ mài” trong truyện ngắn Thằng bé củ mài của Mã A Lềnh là một ví dụ tiêu biểu. Mẹ mất khi nó mười ba tuổi và từ ngày đó, nó đã là một “thanh niên”, bởi hàng ngày nó phải làm những công việc của người lớn để mưu sinh kiếm sống, đó là đào củ mài. Công việc đào củ mài rất vất vả, nguy hiểm, phải đi nhiều ngày, lên tận mãi núi đá xa xôi. Ngoài việc đào củ mài, cậu bé còn bẫy chim, bẫy chuột, đào con dúi. Nếu được nhiều thì sấy khô, mang về làm ớt ăn dần. Cuộc sống vất vả quanh năm, đầu tắt mặt tối và đối diện với đầy rẫy hiểm nguy nhưng cậu chẳng bao giờ thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Cậu đã quyết tâm đi tìm con đường khác: “Con sẽ đi học cái khác mà cả làng chưa ai theo được”17. Bố đã quyết định tìm cho nó một con đường riêng, đó là học chữ. Đây cũng là ước mơ bao lâu nay của cậu bé, đúng như lời mẹ cậu đã từng nói với cậu trong những giấc mơ “Mẹ dặn rằng phải vươn cao cho lớn, phải lên đỉnh núi mà nhìn ra khắp nơi, núi rừng của ta hùng vĩ lắm!”18. Xây dựng nhân vật thằng bé củ mài, Mã A Lềnh muốn gửi đến độc giả tấm gương hiếu học đáng quý của thiếu nhi dân tộc Mông trên con đường nhọc nhằn đi tìm tri thức, chinh phục những chân trời mới để thay đổi cuộc đời cho bản thân và đồng bào mình.
Các sáng tác của các nhà văn dân tộc thiểu số đã mang đến những tấm gương trong việc vượt khó học tập. Những tấm gương ấy là minh chứng cho lòng hiếu học của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày nay, con đường đến với “mẹ Chữ” của các em nhỏ vùng cao vẫn còn vô vàn những vất vả khó khăn, nhưng các em vẫn luôn có quyết tâm và nghị lực trên con đường chinh phục tri thức của mình.
1.2. Những mảnh đời bất hạnh với khát vọng đến trường
Không chỉ viết về những tấm gương vượt khó, vươn lên trong cuộc sống và học tập của thiếu nhi miền núi, các nhà văn dân tộc thiểu số còn dành nhiều trang viết để miêu tả những mảnh đời bất hạnh của những nhân vật thiếu nhi “sinh ra từ bản”, “bước ra từ núi”. Nổi bật hình ảnh trẻ em miền núi dân tộc thiểu số với cuộc sống nhiều màu sắc: khó khăn, vất vả nhưng đầy lạc quan, nhân ái; nhọc nhằn, thiếu thốn nhưng đầy ý chí, nghị lực. Và trên hết là ước mơ và khát vọng học tập luôn thôi thúc các em đến trường.
Trong sáng tác của các nhà văn dân tộc thiểu số chúng ta còn bắt gặp hình ảnh những em nhỏ bất hạnh sinh ra không cha không mẹ như thằng Côi trong Kiềng ba chân (Đoàn Lư). Hay cậu bé ăn mày vô danh trong truyện ngắn Đứa ăn mày (Đoàn Ngọc Minh). Ngay từ khi mới sinh ra các em đã không được hưởng sự quan tâm của cha mẹ, hàng ngày phải lang thang xin ăn, một bữa cơm no, một giấc ngủ ngon cũng trở nên xa vời đối với những đứa bé mồ côi ấy.
Những em bé như bé Mỉ (Hoa núi - Đoàn Lư), Trà Mi (Cô bé nhặt hoa rụng - Đoàn Lư), Pu (Núi Bó Phạ trở về - Đoàn Ngọc Minh) sinh ra không được may mắn như bao nhiêu người khác khi các em không được ông trời ban cho một cơ thể khỏe mạnh vẹn toàn. Mỉ (Hoa núi) bị mù từ lúc mới sinh ra, cuộc sống xung quanh có biết bao nhiêu màu sắc nhưng với em thì chỉ toàn màu đen, tăm tối, đáng sợ. Pu bị tật một bên chân do hậu quả của trận sốt từ khi mới lọt lòng khiến cho cậu bé mười lăm tuổi mà “trông còi cọc chỉ bằng đứa trẻ lên năm”19. Và cái thân hình nhỏ bé ấy lại phải gánh trên vai trách nhiệm của người anh cả trong gia đình. Ngày ngày Pu chăn trâu, trồng cây và chăm sóc các em giúp mẹ. Trà Mi (Cô bé nhặt hoa rụng) do di chứng của chất độc da cam nên có một khuôn mặt bất thường: “Tóc nó đỏ hoe cộc cớn, lốm đốm bạc, mắt nó bên to bên nhỏ, bên to thì lòng trắng chiếm gần hết, bên nhỏ thì mí trơ ra đỏ lòm. Đã vậy cái mũi nó lại to bè, bẹp dúm trông chẳng ra thể thống gì, cái trán thấp tè, gồ, cái miệng rộng trên môi còn vết sẹo phẫu thuật thẩm mĩ từ hồi còn bé tý. Cái cằm lẹm, răng màu xỉn, mọc lộn xộn, tai cũng bên nhỏ bên to”20. Cô bé là một minh chứng tố cáo tội ác của chiến tranh. Biết bao giờ em mới hòa nhập được vào cuộc sống đời thường như bao đứa trẻ khác?
Viết về những mảnh đời bất hạnh nhưng các nhà văn không vì thế mà khiến độc giả mất niềm tin vào cuộc sống. Thàn, Nen, Pèng trong Người làm mồi bẫy hổ tuy gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống, nhưng cuối cùng cũng đã được trở về quê hương, đoàn tụ bên nhau và hạnh phúc đã bắt đầu mỉm cười với họ. Bé Na và mẹ trong Ma gà cũng đã được rửa tiếng oan và sống yên ổn. Những nạn nhân của ma túy đã được cộng đồng giúp đỡ. Cô bé Sùng Thị Sinh trong Tuổi thơ oan nghiệt được những cán bộ y tế cứu sống và đưa đi cai nghiện. Bé Hảo trong Tấm lòng bè bạn, đã được mọi người tạo cơ hội cho em trở lại trường học. Những mảnh đời bơ vơ cũng đã bắt đầu tìm thấy chỗ neo đậu của cuộc đời mình. Thằng Côi (Kiềng ba chân) cũng được mọi người giúp sức làm cho một căn nhà nhỏ để ở và được đến trường với các bạn.
2. Kết luận
Bằng việc đưa vào trong sáng tác của mình cái nhìn chân thực về cuộc sống qua những mảnh đời bất hạnh của những em nhỏ người dân tộc thiểu số sống ở miền núi nước ta, các nhà văn muốn gửi đến độc giả của mình những bài học về tình người, về sự đùm bọc sẻ chia. Người đọc cảm thương và đau lòng trước những hiện thực khó khăn, thậm chí là nghiệt ngã mà các em nhỏ đã và đang phải trải qua ở vùng núi cao nước ta, đặc biệt khâm phục ý chí vươn lên để thực hiện ước mơ và khát khao đến trường để được học chữ, được thay đổi cuộc đời mình của các em. Những trang viết mang giá trị nhân văn sâu sắc đó sẽ đưa con người đến gần nhau hơn để cùng nhau xây dựng vùng biên cương của Tổ quốc mỗi ngày càng giàu đẹp, ấm no, hạnh phúc.
Chú thích:
1 La Quán Miên (2000), Bản nhỏ tuổi thơ (truyện vừa), NXB Kim Đồng, tr. 20.
2, 3, 4 Vi Hồng (1998), Đường về với mẹ Chữ, NXB Kim Đồng, tr. 12, 23, 25.
5 Vi Hồng (1995), Thách đố, NXB Kim Đồng, tr. 54-55.
6 Đoàn Lư (2000), Bên dòng Quây Sơn, NXB Kim Đồng, tr. 103.
7, 8 Đoàn Lư (1997), Tướng cướp hoàn lương, (tập truyện), NXB Kim Đồng, tr. 64, 68.
9, 10, 13, 15, 16, 17 Mã A Lềnh (2008), Làng mình (song ngữ), NXB Kim Đồng, tr. 74, 54, 56, 55, 64.
11, 12, 14 Mã A Lềnh (1996), Dấu chân trên đường, NXB Kim Đồng, tr. 53, 37, 42.
17, 18 Mã A Lềnh (2000), Thằng bé củ mài, NXB Kim Đồng, tr. 83, 82.
19 Đoàn Ngọc Minh (2003), Núi Bó Phạ trở về, NXB Kim Đồng, tr. 6.
20 Đoàn Lư (1998), Ngựa hoang lột xác, NXB Văn hóa dân tộc, tr. 12, 13.