Những năm gần đây, ý thức sinh thái trong văn học Việt Nam rất được quan tâm, chú trọng. Trước những vấn nạn như ô nhiễm không khí, hiệu ứng nhà kính, hiện tượng La-nina gây ra hoàn lưu bão, lũ lụt, sạt lở đất, hiện tượng El-nino khiến hạn hán, sa mạc hoá, nước nhiễm mặn…, con người không thể có thái độ bàng quan và thơ ơ với môi trường sống của mình. Dường như nhân loại đều hiểu rằng những thay đổi đã/ đang diễn ra đối với hệ sinh thái trên thế giới không/ khó khắc phục được. Điều quan trọng nhất là thay đổi lại nhận thức của con người về thế giới tự nhiên, nỗ lực “xanh hoá” trái đất, bảo vệ môi trường sống từ suy nghĩ đến hành động. Như Bate từng nói: “Sự khủng hoảng về môi trường đòi hỏi sự căn chỉnh lại về văn hoá và phê bình”1, trong đó văn học đóng góp một phần quan trọng nhằm giúp con người vượt thoát thảm trạng thiên tai và nguy cơ huỷ diệt. Theo cách Meeker đề xuất: “Nếu sự sáng tạo văn học là một đặc điểm quan trọng của loài người, nó cần được kiểm tra một cách cẩn thận và trung thực để khám phá ảnh hưởng của nó đối với hành vi của con người và môi trường tự nhiên – để xác định vai trò gì, nếu có, nó đóng vai trò trong sự bảo vệ và sự tồn tại của nhân loại, và những gì nó cho thấy một cái nhìn sâu sắc vào các mối quan hệ của con người với các loài khác và với thế giới xung quanh chúng ta”2. Quan niệm này đã trở thành tiền đề lý luận để nhiều nhà phê bình suy nghĩ thêm về định hướng nghiên cứu mới cho tương lai nhân loại, điều chỉnh tư duy về tự nhiên, quan tâm nhiều đến mối quan hệ giữa văn học và môi trường. Phê bình sinh thái (ecocriticism) cũng khởi sinh từ những nền tảng bước đầu ấy.
Cảm thức sinh thái từ lâu đã hiện hữu trong văn học Nam Bộ. Nhưng qua mỗi thời kỳ, hệ hình thẩm mĩ và bút pháp miêu tả về tự nhiên có những chuyển biến khác nhau. Thế hệ các nhà văn như Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Bình Nguyên Lộc, Trang Thế Hy… đã tái hiện bức tranh sông nước, cỏ cây, phù sa, đồng bằng Miền Nam bằng một tinh thần bất khuất, yêu mến, chinh phục. Đến thế hệ những nhà văn trẻ như Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Danh Lam, Dương Thuỵ, Phan Ý Yên, Nguyễn Thiên Ngân…, khoảng không trù phú, bao la của thiên nhiên bị bó hẹp lại, gói gọn bởi niềm suy tư nhức nhối về bản thể con người trong môi trường đô thị, công nghệ, truyền thông. Văn học Nam Bộ đầu thế kỷ XXI ghi nhận những đóng góp về môi trường của một cây bút độc đáo – nhà văn Nguyễn Trí. Sự độc đáo của Nguyễn Trí không nằm ở việc sáng tạo ra một lối đi mới trong đề tài, chủ đề, hệ thống nhân vật, các thủ pháp biểu đạt mà nằm ở chất giọng ngang tàng cùng lối phản ánh hiện thực sinh động, ám ảnh về con người và tự nhiên. Đó là hiện thực được chắt lọc từ chính trải nghiệm của nhà văn. Với những tập truyện ngắn Bãi vàng, đá quý, trầm hương; Đồ tể; Ảo và sợ; Ngoi lên từ đáy; Mạt cưa. Rượu trắng. Đường vàng; tiểu thuyết Thiên đường ảo vọng, Bụi đời và thục nữ, Ăn bay…, Nguyễn Trí đã có một cái nhìn rất sâu và nghiệt ngã trước thực trạng sinh thái hiện nay. Thông qua các nhân vật thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội như những kẻ vượt ngục, đào vàng, những dân anh chị chốn giang hồ…, nhà văn đã chất vấn về sự mưu sinh, tồn vong của người dân vùng Đông Nam Bộ trong chiều tương tác với tự nhiên.
Tư duy sinh thái của thế kỷ XXI hình thành lối diễn ngôn mới, không phải tôn vinh con người với quyền năng sát phạt, thống trị tự nhiên, mà đó là bản hoà ca thấu cảm, sẻ chia cùng muôn loài, vạn vật xung quanh. Trong vai trò một nhà văn cầm bút sáng tạo khi đã đi hơn nửa cuộc đời, hơn ai hết, Nguyễn Trí có một quá trình tương tác, va chạm với tự nhiên bằng mồ hôi, nước mắt, sự sống và cái chết. Bởi thế, ông từ chối lối viết lý tưởng hoá thiên nhiên, thần thánh hoá con người. Cái nhìn về tự nhiên không theo bút pháp của chủ nghĩa lãng mạn, không có những dòng văn hoài cổ vẻ đẹp thôn quê, đồng nội, Nguyễn Trí hướng trực diện vào sự khắc nghiệt và nếm trải của con người trong mối quan hệ mật thiết với môi trường. Nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Trí tìm đến thiên nhiên không phải để “thưởng hoa lãm nguyệt”, càng không phải mang tâm thái “hạnh tai lạc hoạ”, xem bất hạnh của thiên nhiên là cơ hội cho mình. Sau mỗi câu chuyện là bài học về ứng xử của con người với thế giới tự nhiên.
1. Giải mã tư duy bản địa và hiện trạng của tự nhiên
Thuở khai thiên lập địa, người xưa đã xem phương Nam như một chỉ dẫn hấp dẫn để hướng đến khai hoang bờ cõi. Vì thế, những đặc trưng văn hoá và tính cách con người phương Nam thường gắn với tự nhiên. Trong cuốn Những vấn đề văn hoá học – lý luận và ứng dụng, Trần Ngọc Thêm đã chỉ ra: “Không gian văn hoá Nam Bộ là vùng đất hoang vu nhưng màu mỡ và được thiên nhiên ưu đãi. Chủ thể văn hoá Nam Bộ gốc là những lưu dân nghèo khổ, những kẻ trộm cướp tù tội bị truy nã, những trí thức bất đắc chí từ Miền Trung di dân vào – tất cả đều là những người dương tính nhất trong số những người Việt Nam âm tính”3. Đặt nhận định này trong sự đối sánh với sáng tác của Nguyễn Trí sẽ thấy hoàn toàn tương thích. Nhân vật trung tâm trong tác phẩm của Nguyễn Trí đều là những thành phần “bất hảo”, bần cùng của xã hội. Họ đến với vùng đất Đông Nam Bộ như đến với cuộc đời mới, tương lai mới.
Tư duy của những người sinh sống tại Đông Nam Bộ thể hiện trước hết ở việc xem đây chính là “miền đất hứa”. Nhờ có thiên nhiên ưu đãi, khí hậu hiền hoà, đất đai rộng lớn, vùng đất này luôn là nơi bao dung, che chở và cưu mang những người khốn khó, cùng đường. Bởi vậy, sau năm 1975, chiến tranh đi qua để lại tàn tích nặng nề, đất nước lại bị cấm vận, sự thiếu thốn đã khiến nhiều người phải bỏ quê hương, đồng bằng lên rừng núi kiếm sống. Những câu chuyện của Nguyễn Trí đều có chung motif di cư vào Miền Đông. Nhà ông Long (Ăn bay), Cường (Thiên đường ảo vọng), Tư Rừng (Mạt cưa. Rượu trắng. Đường vàng), chú Ba Mập (Về đâu người hỡi), Dũng (Buồn như buổi cuối năm), Oai (Quả báo)… dắt díu nhau lên vùng núi lập nghiệp với hi vọng “đổi vận”, làm lại cuộc đời. “Rừng Miền Đông trái cây thôi thì vô thiên vô lủng. Nào xay, cám, bù lộp, gùi… đến mùa măng thì bà má ngày nào cũng có mặt ở chợ bán đủ loại măng khô măng tươi”4. Sống giữa núi rừng khoáng đạt, chưa nói đến giàu sang, người dân cũng dễ thoát cảnh đói ăn, thiếu mặc: “Nghe đồn miền đất đỏ bazan làm chơi ăn thiệt. Hạt giống tra xuống đất chả phân lạt gì lớn nhanh hơn”5. Tiếng lành đồn xa, cứ thế, Miền Đông trở thành nơi vẫy gọi những cảnh đời bất hạnh.
Vai trò của tự nhiên được phát huy quyền năng tối đa khi con người lâm vào nguy khốn: “Trong chiến tranh, màu xanh của cây rừng đã chở che anh thoát bom rơi và những trận càn của địch. Tàn cuộc chiến cũng đích danh rừng giúp anh và vợ con nên cửa nên nhà”6. Số lượng người đến đây được nhà văn ước tính “ngùn ngụt”, “đông như quân Nguyên”. Mỗi người một hoàn cảnh xuất thân, ô hợp mọi thành phần, đủ mọi độ tuổi, giới tính và mục đích. Có người xuất phát điểm quyền thế, quan chức của chế độ cũ, biến cố 75 khiến họ rơi vào cảnh lao đao, họ đến với rừng, một phần trốn tránh sự gièm pha, mặc cảm, một phần mong muốn hoàn lương bằng con đường lao động chân chính. Có kẻ mạt hạng, giết người, buôn ma tuý, trộm cắp, phạm pháp; họ lựa chọn vùng thâm sâu để che giấu danh tính, ẩn náu, nương trú. Có những phận đàn bà thê thảm, bán thân trong những bãi vàng, quán bia, nhà nghỉ ven đường với một tương lai mịt mù. Lại có người bất cần, chán đồng bằng nên lên vùng núi thoả chí ngao du, lấy “chủ nghĩa xê dịch” làm mục đích sống. Trong tâm thức, tự nhiên hiền hoà vừa là nơi dung dưỡng vừa là nơi chữa lành những vết thương.
Gắn với việc đề cao sự rộng lượng, bao bọc của thiên nhiên, con người còn ngộ nhận tài nguyên đất nước luôn vô tận, dồi dào. Từng có thời quan niệm đất nước ta “rừng vàng biển bạc” đã dẫn đến những hành động tàn phá môi trường nặng nề. Chiến tranh, bom đạn huỷ hoại thiên nhiên đã đành, nhưng khi những mầm xanh chưa kịp phục hồi, nạn đói lại khiến những cánh rừng oằn mình vì sức tàn phá của dân du canh du cư: “Dân bốn phương tụ về, ra tay phá lâm làm rẫy cứu đói”7. Trong suy nghĩ của rất nhiều người, rừng sẽ là nơi cứu đói cho dân chúng. Chính sách cấp đất, cấp nhà, định canh định cư của nhà nước cũng phản ánh thực trạng lối tư duy này. Truyện Trấn Yên Bình ngày ấy đã miêu tả một đoàn người vừa tiến về Miền Đông vừa hoan ca nhạc Trịnh Công Sơn: “Ta cùng vô rừng, đi xây lại ngày mai, bàn chân ta dẫn nhau đi mau đi sâu vô tới rừng cao, đốn những cây rừng to về nơi đây ta xây nhà, dựng đời mới trên ao tù, dựng đời mới trong niềm vui”8. Trên lý thuyết, người dân đều đinh ninh là “xứ sở mình giàu thiệt chớ chơi sao? Vàng, trầm hương, đá quý” (Bãi vàng); “Miền Đông của đất nước nầy là vàng là bạc chứ chẳng phải chơi” (Thiên đường ảo vọng). Họ tư duy rằng vàng nằm trong lòng đất, của cải đủ đầy trên rừng xanh, chỉ cần chịu khó leo cao đào sâu, họ sẽ có cái họ cần: “Dân bốn phương tám hướng xem Miền Đông như đất hứa. Những cánh rừng trên các quốc lộ như 22, 20, 51, 56 được khai thác trắng để thành lập những khu kinh tế mới. Nhưng khủng hoảng kinh tế trầm trọng quá. Nó khiến người người, nhà nhà từ chợ đến quê không công ăn việc làm lao vào rừng gọi là di dân tự do để kiếm sống và kiếm nơi dung thân”9. Tự nhiên được Nguyễn Trí miêu tả với tư cách một khách thể bị động, luôn luôn chịu đựng các hoạt động phá huỷ do con người gây nên. Ba Mập – một lâm tặc khét tiếng trong truyện Như một lời sám hối quả quyết rằng: “Rừng nhiệt đới thì không nơi nào giàu bằng nguyên sinh của đất nước mình. Nói về rừng, có đi thật sâu thật sát mới biết vì bí hiểm lắm”10. Vì suy nghĩ vậy, Ba Mập cùng đồng bọn đã hành động như thể chúng tin rằng có chặt đi vài cánh rừng cũng không làm hao tổn được tài nguyên Tổ quốc, sự biến mất của những cây cổ thụ chẳng qua là sự đòi hỏi đích đáng mà trái đất phải cung ứng cho con người. Cách nghĩ và hành xử thiển cận đó dường như không chỉ phổ biến trong các sáng tác của Nguyễn Trí mà còn hiển hiện ngay trong thực tiễn đời sống và văn chương Việt Nam đương đại. Nhiều tác phẩm đã bóc trần thái độ thách thức “hành tinh xanh” bằng tư duy lạc hậu, vô cảm. Tiểu thuyết Thập giá giữa rừng sâu của Nguyễn Khắc Phê lên án một bộ phận người làng Sim hoang phí tài nguyên với “lòng tham vô đáy, ước muốn chiếm hữu không cùng. Nhà một tầng không ở hết vẫn muốn xây lầu; xa-lông gõ vừa mua đã muốn đổi hàng tiện trắc, cẩm lai […]. Vậy nên cũng như ở nhiều nơi, khu rừng Yên Ngựa đầy những “vết thương” ngang dọc – những lối mòn, những đường trượt gỗ khứa sườn dốc thành mương, thành máng trơn láng, đỏ quạch”11. Trong Sông (Nguyễn Ngọc Tư), những người dân đồng bằng sông Cửu Long cũng tồn tại lối suy nghĩ này: “Sông, thấy mênh mông mà dễ giết. Người ta ước tính làm một dòng sông cạn còn dễ hơn làm một con đường. Sông Di cũng đang bị những dãy nhà hai bên bờ chồm ra bóp nghẹt”12. Các văn bản, dù chủ đề chính có thể không giống nhau nhưng đều chứa đựng những mảnh ghép về hiện trạng tư duy còn rất “mơ hồ” của con người với tự nhiên.
Trong tâm thế khai hoang mở cõi, con người đã cố hữu tư duy chinh phục, sát phạt tự nhiên bất tuân quy tắc và đạo đức sinh thái: “Con người thống trị thiên nhiên là chuyện miễn bàn” (Tre rừng về phố). Tư tưởng đó đã nảy sinh hành động khai thác tự nhiên không theo quy hoạch: “Những cánh rừng nguyên sinh ở Miền Đông bị tàn phá không theo một quy hoạch nào. Sự thiếu thốn về kinh tế chỉ là một, cái thiếu về nhiên liệu mới tàn phá rừng kinh hoàng hơn. Ở Sài Gòn lúc ấy rất nhiều người sống bằng nghề bán củi dạo. Họ đến những vựa củi ở các bến xe như Hàng Xanh, Miền Đông lấy củi đem về chẻ nhỏ và bó lại bằng dây thun… Và than củi được đưa từ cánh rừng Miền Đông. Những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá thảm khốc bởi cái gọi là thiếu đói. Người ta phá rừng làm nương rẫy. Gỗ tạp thì ra than củi. Gỗ quý thì đến các xưởng mộc tư nhân. Một số các anh trai đói rách vì thất nghiệp, kẻ ngoài Trung vô, người Miền Tây lên, anh Sài Gòn xuống. Ráp thành băng bẹ sắm xe đạp thồ vào rừng ăn cắp gỗ quý, tục gọi là lâm tặc”13 . Mọi thứ ở rừng đều bị con người khám phá, xâm phạm và chiếm đoạt tuỳ tiện. Chủ nghĩa tiêu dùng trong đời sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm nảy sinh ý thức coi những thứ của người khác là của mình, coi sự hưởng thụ của nhân loại đối với thế giới phi nhân loại là điều hiển nhiên: “Đa số những người tạm mượn mạch rừng làm lẽ sống luôn ỷ vào vô tận của mẹ thiên nhiên. Họ xả láng cho hôm nay, ngày mai có cái của ngày mai”14 . Tuy nhiên, giữa bối cảnh trái đất đang nóng lên và dân số đạt gần tám tỉ người, khi nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, việc coi tự nhiên là nguồn tài nguyên vô hạn để phục vụ con người trở thành một mối nguy hại, một tổn thất lớn lao đối với hiện tại và tương lai.
Hiện trạng tự nhiên được Nguyễn Trí miêu tả rốt ráo, nhức nhối: “Núi rừng Mỹ Lợi bị xâm thực một cách tàn nhẫn” (Thiên đường ảo vọng), “hàng trăm người đi qua một vùng rừng, không quá một tuần thì vùng ấy thành bình địa” (Ăn bay). Từ những thứ nhỏ lẻ như trái cây, mây, tre, cây dầu, đến những sản vật quý hiếm như gỗ, vàng, trầm hương, thú rừng… đều bị khai thác cạn kiệt, vô độ: “Như bao cánh rừng khác ở Miền Đông, rừng Suối Nho vô vàn gỗ quý. Nhiều đến độ người ta dùng bằng lăng để làm củi. Dân phá rẫy thì đốt luôn cho tiện”15. Với những bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, cả ngàn hecta rừng từ Suối Nho kéo đến tận Thác Trời đều “hoá nương rẫy chỉ sau vài năm khai thác trắng”. Nhưng chưa dừng lại ở đó, những kẻ lấy rừng làm mạch sống như Ba Mập (Như một lời sám hối) tiếp tục lao vào rừng nguyên sinh xâm chiếm. Lợi dụng kế hoạch phủ xanh đồi trọc để tái tạo lại rừng bị sa mạc hoá trong chiến tranh, lâm tặc kéo cả đoàn vào những lũng sâu, nơi mà những loại gỗ quý như cẩm lai, gõ đỏ, hương, giáng hương... sinh trưởng, phát triển.
Những cánh rừng Miền Đông còn chứa đựng những mỏ vàng, trầm hương quý giá. Đó chính là lời mời gọi hấp dẫn khiến người người ùa vào Suối Bến Tỷ, Suối Nho, Chặng Một… “Rất nhanh chóng, mảnh đất vốn hoang hoá, nay hoang tàn, như vừa đi qua một trận cày xéo của bom đạn rải thảm trong chiến tranh”16. Quá trình bóc lột tự nhiên diễn ra chớp nhoáng, bạo liệt: “Dân tứ xứ đổ vào Suối Bến Tỷ như triều dâng. Kết thành đoàn ào vào rừng nguyên sinh, chia khoảnh và mạnh ai nấy phát để kiếm đất canh tác. Cuối tháng mười một, mùa mưa vừa dứt là ra tay tàn sát. Phát xong, phơi đến cuối tháng hai là nổi lửa. Chỉ một mồi là cả hàng trăm hecta rừng bị thiêu sạch đến không còn một cái lá”17. Những trang viết của Nguyễn Trí luôn đặt vị trí của con người và tự nhiên trong một chỉnh thể sinh thái nhằm nêu bật các hoạt động của con người tác động đến tự nhiên. Họ mặc sức phá huỷ thiên nhiên mà không suy tính đến việc phát triển bền vững.
Trong cái nhìn tương quan văn học Việt Nam đương đại, nhiều tác phẩm cũng diễn trình hiện trạng tự nhiên ở nước ta trong tâm thế bất lực, xót xa. Những ngộ nhận và mơ hồ về sinh thái đã dẫn tới sự phá hoại bạo liệt của con người đến mọi thứ xung quanh. Motif về sự sạt lở, khô cằn của đất đai, sông nước là minh chứng rõ rệt cho vấn nạn trên. Trăm năm còn lại của Trần Duy Phiên tái hiện vùng đất bên dòng Dakbla sau một thời gian con người chỉ biết “hưởng lợi” mà chểnh mảng chăm sóc khiến “đất chai, người chán”, “đất mỗi năm mỗi cứng”, dòng sông cuồng nộ “đỏ ngầu, cuồn cuộn, vật vã, tràn từ thượng nguồn đến hạ lưu”, cuốn tất cả vào tăm tích. Nhân vật tôi trong Gần như là sống của Đỗ Phấn bộc trực nỗi lo lắng về những gì đang xảy ra khi “con sông Hồng cạn kiệt đã xuống đến mực nước chết từ nhiều tháng nay”; tác động của quá trình biến đổi khí hậu và khai thác tài nguyên bất cẩn in dấu trên “những bãi cát dài lở loét đỏ lợ phù sa”, “dòng sông cạn hoang vắng”. Tiểu thuyết Thân xác của A Sáng lại kể về nỗi đau chứng kiến một bản Pác Thay tươi đẹp, trù phú nhưng chỉ “trong tích tắc, nửa đồi dẻ xanh mướt củaA Sàng biến thành những hố quặng đỏ như máu”, cả bản “nằm gọn trong bãi đất nham nhở đỏ ngầu. Bên cạnh dòng Săm Tang đen ngòm nằm còng queo như con rắn chết dưới cái nắng của buổi trưa”18. Quá trình sử dụng, chiếm lĩnh tự nhiên thiết lập một viễn cảnh tương lai tưởng chừng tốt đẹp – con người nghĩ rằng mình đang cải tạo chứ không tàn phá, đang khai hoang chứ không tận diệt – song bất cứ sự tác động nào đến tự nhiên (xuất phát từ quyền lợi một phía của con người) đều ảnh hưởng đến sự hài hòa sinh thái. Đó cũng là tinh thần giải mã tư duy bản địa trong sáng tác của Nguyễn Trí nói riêng, các nhà văn đương đại nói chung.
2. Tái kết nối tính xã hội và tính sinh thái giai cấp
Một trong những vấn đề phê bình sinh thái quan tâm những năm gần đây là mối liên hệ của lý thuyết này với tính giai cấp và xã hội. Bate nhận ra “sự bóc lột tự nhiên bao giờ cũng đi kèm với sự áp bức xã hội”19. Tại cuộc hội thảo của Hiệp hội ALSE diễn ra ở Bloomington năm 2011, các nhà phê bình sinh thái đã thống nhất quan điểm: các vấn đề về giai cấp, giới tính và chủng tộc liên quan mật thiết đến vấn nạn môi trường. Một ví dụ có thể thấy: người nghèo ở châu Phi phải dựa vào khai thác khoáng sản và những chất đốt tại các khu nghỉ dưỡng để kiếm sống và những việc làm này đã ảnh hưởng trực tiếp đến khí hậu, hiện tượng nóng lên toàn cầu. Vì vậy, các nhà phê bình sinh thái khuyến cáo phải đảm bảo sự cân bằng xã hội mới có thể đảm bảo cân bằng đối với tự nhiên.
Nhân vật trung tâm trong sáng tác của Nguyễn Trí thường thuộc về cán cân thiên lệch của xã hội – những người nghèo. Nhà văn rất thấu hiểu quá trình sinh sống và lao động của họ: “Rừng muôn đời là nơi mà khó nghèo nương vô để sống”. Nhận định đó của nhà văn Nguyễn Trí qua tiểu thuyết Thiên đường ảo vọng đã khẳng định sự tàn phá tự nhiên một phần đến từ nhu cầu của người nghèo. Nhà văn trần tình cụ thể hơn: “Chả có cái gì hung hãn cho bằng sự đói. Kẻ không vốn vô rừng kiếm cành cây khúc củi, và hoá thành lâm tặc. Bọn nầy phá rừng cực kỳ dã man, một cây vài trăm năm tuổi ngã xuống kéo theo hàng trăm cây con khác. Mùa hạn đến chúng cho mồi lửa là xơ xác cả cụm rừng. Đành phải cho sạch luôn chứ để lam nham khó coi lắm”20. Khi kinh tế khó khăn, việc mưu sinh ở thành phố, thị xã trở thành một thách thức lớn cho người nghèo. Do đó, họ “lao vào rừng kiếm sống”, kẻ phá rừng làm nương rẫy, người trộm gỗ, người khác săn bắt động vật… Họ huỷ diệt sinh thái trong sự bất lực của chính quyền và các cơ quan chức trách.
Tại đây, chiều tương tác qua lại “xã hội- sinh thái - giai cấp” được bộc lộ rõ. Các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với tự nhiên luôn khăng khít, ảnh hưởng và quy định lẫn nhau. Giải quyết những mâu thuẫn giữa con người với tự nhiên được biểu hiện qua sự phát triển của lực lượng sản xuất, là tiền đề và điều kiện cần thiết để giải quyết những mâu thuẫn giữa con người với con người, biểu hiện qua sự vận động của quan hệ sản xuất và ngược lại. Trước thực trạng lao động nghèo tác động nguy hại đến sinh thái, bộ máy chức năng đại diện cho xã hội phải ra tay, can thiệp. Điều này được nhà văn đặc biệt lưu ý trong tác phẩm. Chính sách kinh tế mới – đi đến những vùng núi sâu xa – của nhà nước là “giúp cho kẻ nghèo có thể vươn lên nhờ nguồn thu từ nông nghiệp. Nhà nước đã cấp cho một hộ dân chẳng những lương ăn trong sáu tháng, còn có đất đai để làm vườn, cả tiền phụ cấp cất nhà”21. Nếu sử dụng nguồn trợ cấp đúng mục đích, sau sáu tháng dân nghèo sẽ có thu nhập từ đất. Nhưng phần lớn, họ đổ tiền trợ cấp vào những cuộc vui, khi vốn liếng chẳng còn, một số bỏ về chốn cũ, một số không quê hương “trèo lên núi kiếm cái độ nhật”. Nguyễn Trí quan tâm đến những chính sách rất thiết thực: định canh định cư cho người thất nghiệp, xây dựng các vùng kinh tế mới, xoá đói giảm nghèo, cải cách giáo dục, khắc phục hậu quả tàn phá môi trường. Đây cũng là những vấn đề “rứt ruột” của xã hội. Và những suy tư của nhà văn chưa bao giờ dứt: “Trừ một số ít sử dụng nguồn trợ cấp đúng mục đích, sau sáu tháng họ có thu nhập từ đất. Còn phần lớn, sau khi hết trợ cấp, và các khoản đã đổ vào những đêm vui, họ bỏ kinh tế mới về lại thị trấn hoặc đi đâu đó xa hơn, như về quê chẳng hạn. Còn lại những kẻ không có cơ hội để đi đâu, về đâu thì trèo lên núi kiếm cái độ nhật”22. Nhà văn đã nhận ra sự bất cập trong các chính sách hỗ trợ người nghèo. Dẫu những dự án nhà nước đưa ra đã động viên tích cực vấn đề an sinh xã hội, tuy nhiên, nếu bản thân những người nghèo không tự ý thức vươn lên bằng lao động chân chính thì những khoản trợ cấp, phụ cấp cũng sẽ thành vô bổ, hoang phí.
Đối lập với thái độ thiếu hợp tác của người lao động với các chính sách hỗ trợ nông - lâm nghiệp của nhà nước chính là sự bắt tay của một số cán bộ trước những hoạt động xâm hại tự nhiên phi pháp. Trong truyện Mạt cưa. Rượu trắng. Đường vàng, Nguyễn Trí đã vạch trần quyền lực ngầm của những người bảo vệ rừng: “Vào rừng phải đến trạm chung chi cho bảo vệ để mua cây. Đưa được cây về nơi bán phải qua chục trạm, ưng mấy anh cho đi, không ưng mấy anh bắt, bắt là tịch thu xe”23. Thế nên Tư Rừng mới cảm thán: “Đi trộm cây khó khổ lắm bây ơi”; “mang tiếng làm lâm tặc nhưng thằng nào thằng nấy tệ hơn cái xơ mướp chà nồi”. Thói quan liêu, nhũng nhiễu, trộm cắp, hối lộ đã hình thành nên một “xã hội đen” với những luật rừng man rợ. Muốn xe chở gỗ lậu trót lọt về thị xã phải “miễn sao biết điều với mấy anh bảo vệ” (Màu của bóng tối).
Tuy nhiên, nói một cách công bằng, không phải cán bộ kiểm lâm nào cũng tha hoá, sa đoạ. Nhà văn đã lý giải hai lý do cơ bản dẫn đến thực trạng trên:
Thứ nhất, “Tại sao bảo vệ rừng thoả hiệp với lâm tặc? Xin thưa, những kẻ cùng đường mạt vận nầy rất đáng sợ. Đã có những bảo vệ rừng bị tai hoạ từ trên trờirơi xuống cho vợ con, gia đình họ. Bắt Ba Mập thì được nhưng nạn ăn cắp cây có triệt được không? Không. Dứt khoát không. Bọn tặc rừng xem Ba như cha chú. Ba bị bắt, chúng sẵn sàng tiếp tục tàn sát rừng để thăm nuôi”24. Nguyên nhân đầu tiên hình thành “thế giới ngầm” xuất phát từ tình thế lựa chọn lưỡng nan giữa một bên là tính mạng của cá nhân và một bên là trách nhiệm, nghĩa vụ với cộng đồng. Để bảo toàn an nguy (cho chính mình, gia đình, người thân), nhiều cán bộ kiểm lâm đã miễn cưỡng thông qua luậtrừng, tiếp tay cho lâm tặc, dần dà thành quen và hình thành hố sâu tệ nạn. Bản thân những cán bộ kiểm lâm cũng đã gồng gánh trên vai trách nhiệm lớn lao để bảo vệ “lá phổi xanh” cho trái đất, không ít người lâm vào tình thế khó khăn, nguy hiểm vì đã dũng cảm đấu tranh, từ chối thoả hiệp với lâm tặc.
Thứ hai, sau chiến tranh, dân đói nhiều hơn cán bộ liêm chính. Cái nghèo đã dẫn lối họ vào rừng, phá tất cả tài nguyên bằng mọi thủ đoạn. Số lượng cán bộ kiểm lâm không thể ngăn nổi số người khốn khổ cùng đường. Tiểu thuyết Bụi đời và thục nữ đã miêu tả tình trạng này: “Dân thất nghiệp từ các nơi trên phố thị lao vào rừng kiếm sống. Liên hiệp X cũng không ngăn nổi bước chân của sự thiêú đói. Từng cụm dân cư của dân xâm canh được hình thành. Từ tiểu khu 1 của lâm trường A đến tiểu khu 13 của lâm trường C trên một chục cây số đều có mặt con người. Kẻ vào phá rừng làm nương rẫy, người trộm gỗ, người khác săn bắt thú... Tiểu khu 13 có một lán cây Đười ươi cổ thụ. Loại cây nầy vài ba năm cho trái một lần, rất có giá. Dân tứ xứ làm nhà quanh lán cây nầy và mặc nhiên xem phần cây gần chòi trại của mình là tài sản riêng. Tuồng như cán bộ lâm trường chấp tay chào thua sự liều liñ h của đói nghèo”25 bởi “đói nghèo đông đảo và lì lợm như lũ cuốn, không chấp nhận cũng không xong”. Chính vì hai lý do này nên rừng ngày càng tan hoang, cạn kiệt: “Không cản được sự tàn phá bởi lực lượng kiểm lâm quá mỏng. Tiêu cực phát sinh vì có những bảo vệ rừng bắt tay với dân phá lâm bởi chung chi nhiều hơn lương lậu”26.
Tại đây, Nguyễn Trí đã cho thấy vì lâm vào thế đường cùng nên sự nhận thức về tự nhiên ở tầng lớp “dưới đáy xã hội” rất thấp. Dường như họ chỉ biết đến canh tác theo thời vụ, không biết “gieo giống cách năm”, dẫn đến tình trạng khai thác cạn kiệt tài nguyên, chiếm lĩnh hệ sinh thái vô tội vạ: “Dân còn rúc vô giữa nguyên sinh ra tay tàn sát. Nương rẫy hình thành tự trong ra ngoài. Bảo vệ lâm trường vô truy đuổi thì ta thu gom dao rựa trốn vô sâu. Cán bộ đi thì ta lại tiếp tục bò ra làm lại”27. Từ đó, Nguyễn Trí nêu ra một khía cạnh mới trong việc tìm hiểu mối liên hệ giữa tự nhiên và giai cấp, đó là ở những vị trí xã hội khác nhau, mỗi người sẽ có những dạng thức quan hệ khác nhau với tự nhiên. Có thể xem đây là phát hiện có đóng góp lớn và ý nghĩa của nhà văn khi bàn luận vấn đề sinh thái giai cấp trong văn học đương đại.
Hơn nữa, một chu trình có tính quy luật trong đời sống của người nghèo được diễn ra, lặp lại trong văn xuôi Nguyễn Trí, đó là: Đói khổ - “bóc lột” tự nhiên - thoát khỏi đói khổ - tha hóa, sa ngã - đói khổ. Chúng tôi gọi mô hình này là “Chu trình Sinh thái đói nghèo”28. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc sống khốn cùng của người dân, như: dịch bệnh, dân số đông, trình độ dân trí thấp, những bất cập trong chính sách quản lý của nhà nước, thiên tai… Trong số đó, người viết muốn nhấn mạnh đến những hậu quả do sự tác động của con người đối với thiên nhiên khiến cho người dân khó thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Tác phẩm của Nguyễn Trí rất chú trọng đến mô tả mối liên hệ giữa việc tàn sát tự nhiên với sự tha hoá nhân phẩm của con người. Câu chuyện trong Thiên đường ảo vọng kể về một đoàn người gồm Cường, Lâm, Bình, Điệp – những thành phần đáy cùng của xã hội – lưu lạc đến Miền Đông, họ tìm thấy dưới suối những trầm tích của hạt vàng. Từ đó, một bãi đãi vàng được dựng lên, cả vùng núi bị họ xới lên nham nhở. Có chút đỉnh vàng, những nguy hại bắt đầu lăm le: đâm thuê chém mướn, bán dâm, buôn hàng cấm, thuốc phiện, vay nặng lãi… Mọi tệ nạn xã hội gần như tập trung ở đây. Họ khó lòng giữ được số tiền có được: trang trải chi phí nằm rừng, lộ trình lót đường, bảo kê,rồi ma lực từ những quán nhậu, cà phê, gái điếm… Giấc mơ thiên đường của họ chỉ là ảo vọng – đúng như tên của tác phẩm.
Lực lượng sản xuất biểu hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Trên khía cạnh xã hội, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất sẽ phản ánh rõ quan hệ giữa con người - con người, con người - tự nhiên trong quá trình sản xuất. Nguyễn Trí khẳng định với việc khai thác tự nhiên (đào vàng, lấy trầm, chặt cây) một cách thô sơ, bột phát, thiếu tổ chức của một lực lượng sản xuất trình độ thấp tất yếu sẽ dẫn đến kết cục như trên. Chỉ có tự nhiên luôn phải oằn mình hứng chịu biết bao toan tính của con người.
Ngoài ra, sinh thái giai cấp còn nhấn mạnh đến sự bóc lột của con người đối với tự nhiên thường gắn liền với sự bóc lột và bất công giữa con người với con người trong xã hội. Theo Rousseau, “những tiến bộ của nền văn minh được mang lại từ sự thống trị đối với thế giới tự nhiên tất yếu sẽ phải trả giá bằng sự bất công ngày càng cao trong xã hội, mà kèm theo nó là sự tăng lên của tình trạng tha hoá và những xung đột quân sự”29. Đối chiếu trong tác phẩm của Nguyễn Trí, trước hết, sự bất công đối với tự nhiên làm nảy sinh bất công trong xã hội thể hiện qua các truyện như Bãi vàng, Tiền rừng, Ngày về… Cuộc sống ở những bãi vàng nhiều cạm bẫy, hiểm nguy và phức tạp. Trong khi các phu vàng vật lộn với đám bùn đất, đá quặng trong hầm tối ngột ngạt, thiếu an toàn, đánh cược mạng sống chỉ để đổi vài trăm bạc thì “chủ hầm thực sự ngồi mát ăn bát kim cương”, “ngồi chơi và ra lệnh tháng kiếm một cây” (Bãi vàng). Cho nên phần lớn những cái chết trong rừng đều thuộc thân phận người lao động. Chuyện ma cũ bắt nạt ma mới cũng xảy ra thường tình: “Bọn đàn anh địa phương luôn gây hấn với những người mới bước chân vào nghề để chứng tỏ uy lực và địa vị của mình, còn bọn giang hồ không bến bờ thì chờ đợi thời cơ khi biết hầm nào trúng đậm”30. Cướp bóc trên mồ hôi, nước mắt của những người nghèo, lòng tham đã khiến con người mất đi nhân tính, mất đi cảm giác trắc ẩn trước nỗi đau thương với mọi người: “Đồng loại dưới trướng mà anh ăn đến cái gấu quần thế kia thì còn chi nhân nghĩa” (Tiền rừng).
Cuốn Môi trường và Con người – Sinh thái học nhân văn do Vũ Quang Mạnh chủ biên nhận định: “Về tự nhiên, thì con người bắt đầu khai thác tự nhiên, khai thác ngày càng tăng, tạo ra sự đối lập ngày một gay gắt giữa con người với con người. Sau đó, từ mâu thuẫn trong quan hệ giữa con người với con người đã đưa đến xung đột giữa con người với tự nhiên. Một sinh quyển bị tàn phá với ý tưởng có thể thay thế nó bằng kỹ thuật quyển, cùng với một xã hội với đầy rẫy những sự đối lập giữa con người với con người đã tạo ra môi trường sống cho con người”31. Quả đúng như vậy, trong môi trường tàn phá nghiêm trọng, “mười thằng lâm tặc đúng mười thằng bợm rượu” (Buồn như buổi cuối năm). Và Nguyễn Trí cũng nhấn mạnh ở Bụi đời và thục nữ: với hoàn cảnh sống phi pháp, mưu tính hãm hại lẫn nhau, “mười thằng lâm tặc hóa lạnh tình hêt́ cả mười. Bình không ngoại lệ. Sau những chuyến xe đạp thồ gỗ lậu, thành công hay thất bại Bình cùng bọn lâm tặc cứ trong quán cóc mà bù khú với rượu, chúng văng tục chửi thề gấp trăm lần dân bụi đời bêń xe. Chửi bới cả trời cao và thượng đế đủ cho chúng một số phận không may. Ở nhà Bình trị em bằng bạt tai và cú đấm. Hai đứa em gái là Tám Hoàng và Út Hậu sợ anh trai lắm”32. Mạch truyện kể ngầm chứng minh đạo đức tự nhiên và nhân tính con người có mối liên hệ mật thiết. Thông qua đó, Nguyễn Trí cho thấy, các nhân vật trong sáng tác của ông được đánh dấu bởi vị thế bên lề trong xã hội. Vị thế đó bị ly gián, giới hạn về nhận thức sinh thái hiện đại bởi các hoạt động tương tác với tự nhiên thiếu bền vững. Đó cũng là cơ sở khởi sinh tinh thần tái thiết tính xã hội và tính sinh thái trong văn xuôi Nguyễn Trí.
3. Thiết lập tư duy sinh thái hiện đại từ quy luật nhân quả
Đối tượng trung tâm của phê bình sinh thái không phải là tự nhiên theo nghĩa sinh học thuần túy mà hướng vào chỉnh thể sinh thái hài hoà giữa con người và tự nhiên từ địa vị, tư duy và hành động theo quy luật tương tác nhân quả. Hiện nay, trong bối cảnh môi trường suy thoái trầm trọng, bất kể việc làm nào có tính chất gây hại/ tàn phá tự nhiên đều dẫn đến những hậu quả khó lường. Tư duy sinh thái hiện đại đã xác nhận: “Trong quá trình phát triển, đã có giai đoạn con người giải quyết các mối quan hệ giữa xã hội và tự nhiên không thoả đáng, gây tổn thất và suy kiệt môi trường, khiến chính mình phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng sinh thái toàn cầu. Vì vậy, muốn tồn tại và phát triển, con người cần sửa chữa những sai lầm của mình bằng sự điều khiển một cách có ý thức mối quan hệ giữa con người với xã hội và tự nhiên”33. Ý thức được điều này, mỗi câu chuyện của Nguyễn Trí đều ẩn chứa bài học sâu sắc về tự nhiên.
Sau hàng loạt động thái tàn phá rừng nguyên sinh, lâm tặc hay phu vàng cũng chẳng thể nào khấm khá, giàu sang lên: “Nói chung nghề ăn cắp của rừng thì rưng máu luôn chứ rưng rưng nước mắt là đương nhiên rồi” (Bụi đời và thục nữ). Gần như cuộc đời của họ luẩn quẩn trong vòng bi kịch, bất hạnh, đau đớn về thể xác, khổ ải về tinh thần. Hành trình tìm kiếm vàng, đá quý, trầm hương “phần nhiều thất bại và nhuốm nhiều mất mát hơn là được” nhưng họ như những “con thiêu thân điên cuồng lao vào ánh sáng, không hề biêt́ rằng sự chêt́ đang chờ đón mình” (Thiên đường ảo vọng). Sức cám dỗ của khoáng sản, tài nguyên làm họ quên đi mọi gian khó, hiểm nguy. Xác xuất thành công của họ chỉ là 50-50, chưa kể “nêú bị bắt khi lâm trường truy quét, bị đá đít ăn bá súng vô hông là nhẹ. Bảo vệ trói lâm tặc lại rồi dùng cây cảo gõ vô ống quyển mới là khiêṕ ”34. Nếu trót lọt, số tiền họ kiếm được cũng tiêu tán vì những mục đích vô bổ. Vẫn biết “có rất nhiều người nhờ đất và rừng mà nên sự nghiệp” nhưng cũng “không ít người bỏ thây lại cao xanh làm bạn với cỏ cây và ảm đạm”. Thế nên, nhân vật của Nguyễn Trí mới chao chát: “Tôi đã từng đi qua nhiều những bãi vàng, bãi đá quý. Bãi nào cũng gian khó đầy mình” (Ngoi lên từ đáy).
Sự gian khó nằm trước hết trong quy trình khai thác. Qua nhiều tác phẩm, Nguyễn Trí diễn giải công việc đào vàng tưởng chừng dễ kiếm nhưng lại vô vàn thách thức. Để có được thành phẩm, phu vàng phải đánh đổi rất nhiều thứ: “Những bãi khác, Tà In, Suối Ty, Lý Lịch, Êzimbar, Hiêú Liêm. Tất cả phải khui. Hầm sâu năm bảy mét là chuyện rất nhỏ, vào ta-luy đôi ba mươi mét cũng không lớn. Lớn là hầm luôn bị sạt lở. Mưa đến, chết vì sập hầm thường lắm. Buổi sáng còn chung nhau ly rượu, chiều không thấy mặt là biết đã về đất. Có những cái chêt́ cực vô danh, giang hồ không theo một mâm nào, tuột xuống một hầm hoang để mót, vừa xuống đã vùi thây. Biêt́ bằng hữu bị vùi ở đó cũng chả hơi sức đâu bới đào, bới lên làm chi? Bị điên chắc?”35. Những cái chết đột ngột, bất ngờ cho thấy sự khắc nghiệt của rừng thiêng nước độc và con người thật nhỏ nhoi, mỏng phận: “Thần chết ở khắp mọi nơi, sốt rét, sập hầm, đứt dây lên xuống và nhiều thứ vân vân” (Bãi vàng). Nên đôi khi khuôn mặt họ u uất nỗi niềm: “Kiếp phù sinh như ảo ảnh, chớ ngại rằng có có không không”36.
Nghề nào cũng có những yêu cầu và thử thách riêng. Vào mùa mưa họ chuyển sang đi tìm trầm hương – một sản vật quý của tạo hoá. Nhưng Nguyễn Trí cũng phản đề rằng: “Trầm hương ư? Đừng có mơ. Nó giống như chơi kiêń thiêt́ vậy, cứ sáng mua chiều xé, lâu lâu trúng được cái số đuôi gọi là […]. Tôi chưa từng thấy cái nghiệp nào đi làm mà chả có thu nhập như nghiệp nầy. Vậy mà nó quyêń rũ cực kỳ”37. Vì nó quyến rũ nên dù có bị thú rừng tấn công, sẩy chân rơi xuống vực, người phu trầm vẫn cố để đi tìm. Khi tìm được rồi, lại phải cảnh giác với bọn cướp rừng. Chỉ một câu nói “Bỏ mấy cái ba lô xuống nếu muốn sống về với gia đình”, bao nhiêu công sức của những kẻ tìm trầm phút chốc tiêu tan. Mà dẫu cho thoát được mọi cửa ải để lành lặn trở về, họ cũng đành đắng đót thương thoả với bọn lái buôn luôn kiếm cớ ép giá.
Bằng cách này hay cách khác, Nguyễn Trí đã cho người đọc hiểu rõ hơn bi kịch của người lao động nghèo khi dựa vào việc rút ruột của thiên nhiên để tồn tại: “Chả một yêng hùng nào không bị rừng xanh quật đến quỵ cả hồn lẫn xác. Cái nghiệt ngã của một thợ rừng là ai cũng sa vô rượu đến lậm. Mưa gió không làm được là tụ nhau vô quán nâng chén tiêu sầu. Điệp, Lâm, Bình, cả Cường không ngoại lệ. Suốt cả một mùa khai thác trắng […] không tích luỹ được một cái gì khả dĩ. Thậm chí còn đeo đẳng nợ nần”38. Các nhân vật Cường, Bình, Lâm (Thiên đường ảo vọng) vào rừng đãi vàng, tàn phá thiên nhiên đều bại trận trở về, tay trắng, tù tội; Sơn, Bằng, Hùng (Ăn bay) “cật lực một ngày trên non cao cũng chỉ được ba ký gạo”; Phi Long (Trầm hương) chưa kịp giàu lên vì trầm đã bỏ mạng giữa rừng sâu với “một đám tang buồn và lặng lẽ”. Qua cách đối thoại giữa các văn bản, Nguyễn Trí chất vấn về sự ảo vọng và giới hạn của con người trước tự nhiên. Đó cũng là một hồi chuông cảnh báo cho những người có suy nghĩ nông cạn, làm giàu phi pháp.
Những khoảnh khắc mang tính đối thoại trong sự tương tác giữa con người và tự nhiên được lặp lại thường xuyên có chức năng nhấn mạnh đến quan niệm “sinh thái trung tâm”, hoà hợp với muôn loài, giải cấu trúc quan niệm “nhân loại trung tâm”. Vì thế, triết lý nhân quả trong sáng tác của Nguyễn Trí không chỉ gói trong bi kịch của những người đào vàng, tìm trầm, đá quý, phá rừng… mà còn hướng đến cách ứng xử, đáp hồi của những sinh mệnh “phi nhân loại”. Thế giới tự nhiên cũng có những suy nghĩ và linh hồn. Truyện Con Luốc mang lại sự xúc động cho độc giả về một con vật thông minh, biết điều và sống nghĩa tình. Đó là con chó được đại uý Thuận nuôi. Nó chia sẻ những nỗi buồn, lầm lỡ của chủ; bảo vệ những người dân sống quanh đó. Nó sẵn sàng hiến thân mình để cứu cô Xuyến – “thứ đàn bà bỏ chồng”. Sự hi sinh lặng lẽ mà cao đẹp, vị tha của Luốc gợi ra nhiều ngẫm nghiệm: “đời sống của chúng ta có lắm súc sinh đội lốt người. Nhưng con Luốc người lắm bạn ạ”39. Đối sánh này có thể còn mang tính chất chủ quan nhưng phần nào tác phẩm khẳng định vai trò hiện tồn quan trọng của loài vật trong đời sống con người.
Trong truyện ngắn Đồ tể, Châu nhận thấy sự tinh khôn của các gia súc. Loài trâu “linh cảm biết mình đi vào cõi chết, trâu ta không đi, thậm chí quỳ cả chân xuống trụ lại”40 và “ai nói ngu như lợn là sai, có vào nghề này mới biết nó cũng khôn và biết trước cái chết của mình”. Thấu hiểu được giá trị trong mỗi loài vật nên khi chứng kiến cảnh “lưỡi dao cong như một mảnh trăng non sáng loáng rọc một đường từ tam tinh đi xuống bụng. Ngọt như dao cạo, mũi dao cắm sâu hết lớp da, cả hai chi trước và sau đều bị rọc một đường ngay tâm điểm của nó […]. Cả một thân thể to lớn đồ sộ đỏ hỏn run lên bần bật và tiếng nghẹ ngọ thảm khốc”41, Châu day dứt, ám ảnh không thôi: “Có thể nói nó sẽ ám ảnh suốt cuộc đời của bất kỳ ai nếu không phải chuyên nghiệp”, “Cảnh lột da một con trâu nó bạo tàn không một bút mực nào tả xiết”. Đây có thể xem là một trong những truyện ngắn đương đại miêu tả cảnh tượng tàn sát động vật ghê rợn nhất. Câu chuyện đã vạch trần việc “để phục vụ cho cái ăn, con người ta tàn bạo lắm”. Khi chiếc búa vung lên, sinh mệnh loài vật giãy giụa trong bất lực, oán hận và đau đớn, “tiếng kêu bi thương ngoài sức tưởng tượng”. Dĩ nhiên, kết cục mà những người làm đồ tể nhận về cũng toàn là trái đắng. Vợ chồng ông chủ lò mổ Thuỷ và Mai ở với nhau mười năm nhưng không thể có con, gia đình lục đục: “Miệng thế đồn rằng, thất đức lắm cái nghiệp này. Lắm người khi già, bệnh tật đến nhưng không chết, cứ nằm mà khè như heo bị thọc tiết, người thân phải xách dao và đá mài tới liếc mới chịu đi. Lại nghe rằng ở cái chùa nào đó có cả nghĩa địa heo. Nói chung ở tiền kiếp heo là người, làm ác quá nên trả quả. Nghe cũng ớn”42.
Truyện Sinh nghề tử nghiệp cũng gửi gắm ý niệm nhân quả qua câu chuyện đi lấy mật: “Ong mật Miền Đông đóng tổ trên cổ thụ cao mười lăm mét là thấp. Có tổ to bằng chiếu đơn, chỉ cần xin một nửa là có cả vài mươi lít tinh tuý của rừng”43. Để lấy được mật trên những địa hình cheo leo, cao vút như vậy quả là thách thức cho con người. Bên cạnh đó, những sinh linh trong cánh rừng Miền Đông cũng rất nhạy bén, tài tình: “Xưa nay ai cũng nhầm ông ba mươi là chúa sơn lâm. Xin thưa chúa của rừng xanh phải là ong mới chính xác”44. Ong dữ là vậy nhưng Nguyễn Trí khẳng định nếu con người không đụng chạm, truy sát tự nhiên, tự nhiên cũng không làm hại con người: “Ong là loài thanh khiết và tinh khôn. Bằng chứng là nó chỉ giết kẻ phá mình chứ tha cho ba thằng ăn theo”45. Bảy Bền đã cho bao nhiêu mồi lửa thiêu trụi nhà của bầy ong: “Thiên hạ rừng X gọi Bảy là chúa không ngoa tí nào hết. Và chúa chết vô cùng thảm khốc”46. Từ những bài học có tính nhân quả, Nguyễn Trí đã gửi gắm thông điệp về lối sống hài hoà cùng vạn vật. Muốn thực hiện được điều này, con người cần lấy tư tưởng “Thiên-Địa-Nhân” làm thước đo cho hành động, suy nghĩ của mình và phải thấu hiểu rằng: “Con ong cái kiến hay bất cứ một sinh linh nào có sự sống là có quyền tồn tại như tao và mày”47. Suy cho cùng con người chỉ là một phần trong mạng lưới sinh thái. Khai phá tự nhiên, biến những cánh rừng, đồi núi hoang vu thành nơi sinh sống, con người đã để lại trên trái đất những vết thương khó có thể chữa lành. Thông qua các cuộc chinh phục ấy, những quy luật thiêng liêng của tự nhiên dần hé lộ, mỗi sinh vật đều có giá trị tự thân tồn tại, không phụ thuộc vào nhãn quan hay tư duy thực dụng của con người.
Khi vạch trần những sai lầm trong tư tưởng loài người, M. Fukuoka đã cảnh báo: “Nhiều loài động thực vật đang tuyệt chủng mỗi ngày và ý nghĩa sự biến mất của một loài chim hay loài cây không chỉ là cái chết của loài chim và loài cây đó mà thôi. Nó có tầm sinh tử đối với tất cả chúng ta. Nó phá hỏng sự tồn tại hài hoà của mọi sinh vật”48. Nếu loài vật biến mất, con người cũng không thể có vị trí độc tôn vì mỗi sinh mệnh đều có mắt xích liên đới lẫn nhau, nó tạo thành mạng lưới sinh thái trong vũ trụ. Con người chỉ là một chủ thể bé nhỏ giữa hằng hà sự sống, quá trình trao đổi chất, hít thở không khí, thu nhận oxi, thải cacbon đều nhịp nhàng vận hành cùng vũ trụ. Từ quan niệm sinh thái trung tâm, con người cần có thái độ hài hoà và tôn trọng tự nhiên. Nếu con người tàn hại đến tự nhiên nghĩa là đang tàn hại chính mình. Ngày nay, những hoạt động và lối sống của con người đã làm cho môi trường xung quanh bị hủy hoại, không chỉ riêng trái đất, hệ sinh quyển cũng phải gánh chịu tổn thất nặng nề. Những câu chuyện về mối quan hệ nhân quả giữa con người và tự nhiên sẽ luôn là “hành trang quý giá” để con người bước đi trên con đường rút ngắn “ngày tận thế”.
4. Kết luận
Trước khi đến với nghiệp cầm bút, Nguyễn Trí đã từng lăn lộn với nhiều nghề như đồ tể, phu đào vàng, đào đá quý, tìm trầm, chạy xe ôm, giáo viên… Những công việc hoàn toàn không liên quan đến văn chương nhưng lại là chất liệu và kinh nghiệm sống đáng quý để nhà văn sáng tác. Với gần hai mươi đầu sách ghi dấu trên văn đàn Việt Nam, Nguyễn Trí đã khắc họa chi tiết hình ảnh con người và thiên nhiên vùng Đông Nam Bộ những năm sau chiến tranh. Bằng lối tư duy sinh thái hiện đại, nhà văn nhận diện được những bất cập trong quá trình giải quyết mối quan hệ giữa tự nhiên và người lao động, phá vỡ những ảo tưởng về sự vô tận của tài nguyên đất nước, cảnh báo thực trạng ô nhiễm môi trường, suy giảm hệ sinh thái. Đằng sau chất giọng bông đùa, kể “chơi chơi”, Nguyễn Trí đặt ra dấu hỏi nhức nhối về trách nhiệm và vai trò của cộng đồng đối với tự nhiên.
Chúng ta vẫn thường kêu gọirằng: “Hãy cứu lấy trái đất”, nhưng kỳ thực chính là cứu lấy tương lai nhân loại vì đến một ngày trái đất rơi vào nguy nan, sinh mạng của con người cũng không thể bảo toàn. Và nếu con người không còn tồn tại, hành tinh này vẫn tiếp tục mạch sống đã chảy trôi suốt hàng tỉ năm. Thiết lập tư duy sinh thái hiện đại từ quy luật nhân quả và hiện trạng thực tiễn là giải pháp hữu hiệu nhằm thay đổi nhận thức của con người về tự nhiên, khơi dậy niềm tôn trọng, thương yêu với muôn loại, có trách nhiệm duy trì cân bằng môi trường sống.
Chú thích:
1, 19, 29 Hoàng Tố Mai (Chủ biên, 2017), Phê bình sinh thái là gì?, NXB Hội Nhà văn, tr. 111, 81, 81.
2 Joseph W. Meeker (1974), The comedy of sunvival: studiesin literary ecology, New York: Charles Scribner’s Sons, tr. 3-4.
3 Trần Ngọc Thêm (2014), Những vấn đề văn hoá học – Lý luận và ứng dụng (Tái bản có sửa chữa), NXB Văn hoá - Văn nghệ, tr. 205.
4, 20, 25, 27, 32, 34 Nguyễn Trí (2018), Mạt cưa. Rượu trắng. Đường vàng, NXB Phụ nữ, tr. 241, 55-56, 6, 56, 98, 97.
5 Nguyễn Trí (2014), Đồ tể, NXB Trẻ, tr. 223.
6, 7, 9, 10, 13, 15, 23, 24, 26, 43, 44, 45, 46, 47 Nguyễn Trí (2018), Ăn bay, NXB Phụ nữ, tr. 51, 219, 107, 104, 107, 108, 14-15, 114, 108, 248-249, 249, 254, 250, 248.
8 Nguyễn Trí (2017), Bụi đời và thục nữ, NXB Văn hoá - Văn nghệ, tr. 25.
11 Nguyễn Khắc Phê (2002), Thập giá giữa rừng sâu, NXB Trẻ, tr. 24.
12 Nguyễn Ngọc Tư (2012), Sông, NXB Trẻ, tr. 28.
14, 16, 17, 21, 22, 38, 42 Nguyễn Trí (2015), Thiên đường ảo vọng, NXB Trẻ, tr. 36, 79, 48, 13, 13, 36, 27.
18 A Sáng (2011), Thân xác, NXB Phụ nữ, tr. 272.
28 Xin xem thêm: Nguyễn Thuỳ Trang (2018), Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986-2014 từ góc nhìn phê bình sinh thái, Luận án Tiến sĩ Văn học, Đại học Huế.
30, 36 Nguyễn Trí (2014), Bãi vàng, đá quý, trầm hương, NXB Trẻ, tr. 71, 71.
31, 33 Vũ Quang Mạnh (Chủ biên, 2011), Môi trường và con người – Sinh thái học nhân văn, NXB Đại học Sư phạm, tr. 185, 188.
35, 37 Nguyễn Trí (2016), Ngoi lên từ đáy, NXB Văn hoá - Văn nghệ, tr. 38, 156.
39 Nguyễn Trí (2016), Ảo và sợ, NXB Trẻ, tr. 22.
40, 41 Nguyễn Trí (2014), Đồ tể, NXB Trẻ, tr. 25, 26.
48 Masanobu Fukuoka (2017), Gieo mầm trên sa mạc (XanhShop biên dịch), NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 20.